Hai năm ở hàng Mã, tôi đem về được mấy hòn bi sắt và cái búa đanh tí hon. Chẳng thêm một chữ nào trong đầu. Các dì tôi ngạc nhiên xiết bao, khi thấy tôi biết nhặt rau muống cọ nồi thổi cơm thạo ve vé. Dì Niêm bảo: "Cháu ra ngoài ấy học chữ hay là đi làm thằng ở thổi cơm?" Tôi không biết đáp thế nào. "Có cháu học chữ chứ lỵ". Nhưng thực tình trong các thứ kỷ niệm của hai năm thành phố, chỉ có cái đầu mốc rụng tóc. Chén thuốc ông lang bảo “chỉ hai thang là khỏi" chẳng ăn thua gì. Bã thuốc đã đổ ra rãnh chuồng lợn mà đầu vẫn mốc lại loang to hơn, lấn cả xuống gáy. Thoạt trông như vết con giời leo, nổi gờ một dường vòng tròn. Ở trong da đỏ sần sùi như da cóc. Ông tôi nói:
- Đầu thằng này hắc lào lang ben rồi.
Rồi ông tôi cắt nghĩa:
- Lang ben là cái hắc lào đầu. Nó còn ăn loang xuống mặt kia. Cái này là mày nghịch tinh đi chui rúc vào bờ vào bụi phải cái sương độc rơi vào tóc, bây giờ phát ra. Không chữa nó hoá hủi.
Bà tôi bảo:
- Trẻ con như cái rau ghém, thiếu gì bệnh. Nghe ông nói ghê cả thịt.
Có người mách bôi mật lợn thì khỏi. Lập tức ông tôi mang tôi ra đằng sau nhà. Người mài con dao thực bén, lia qua mấy nhát, đầu tôi đã trụi hết tóc. Bà tôi xin trên chợ một chiếc mật lợn. Ông tôi xé lần bóng, đem phiết cả cái mật lên đầu tôi. Tôi ngồi phơi giữa sân. Mỡ và mật lợn nhầy nhụa. Mật lợn gặp nắng, tanh khẳn tanh lộn mửa. Tôi hắt hơi lia lịa, đầu cứ rúc chúi xuống. Tôi mó lên đầu, đầu khô cứng như không phải cái đầu tôi. Không ai dám đứng cạnh tôi. Bữa cơm, tôi cầm bát cơm ăn một mình ngoài bậu cửa. U tôi gội đầu cho tôi, cọ đến bốn lượt xà phòng rồi. U cầm mảnh lược thưa, bừa đi bừa lại. Tôi đánh hơi, vẫn còn phảng phất tanh.
Ông tôi phiết lên đầu tôi hai chiếc mật lợn nữa. Nhưng đầu vẫn mốc.
Dì Nhâm tôi ở Vân Nam về. Dì Nhâm là em thứ hai ngay sau lưng u tôi. Chồng dì là anh phiếc me cho nhà lãnh sự Pháp bên Vân Nam. Ông y tá lấy dì tôi đã có một đời vợ nhưng bà ký Nhỡ này không có con, nên ông ấy bỏ. Dì Nhâm đi Vân Nam đã lâu, tôi không biết mặt. Tôi chỉ nghe kể chuyện dì Nhâm đọc kinh bên đạo: Đức Chúa Trời có mười cái răng. Lần này tôi mới biết dì Nhâm. Dì Nhâm không giống một ai trong nhà. U tôi thì vừa người. Dì Tư, dì Niêm thấp bé. Dì Nhâm béo tròn, da ngăm đen, mặt phinh phính. Không một nét gãy. Vẻ đanh đá, đáo để. Dì Nhâm đem cả cái Nhâm và cái Châu về. Cái Nhâm kém tôi hai năm, nó chín tuổi. Còn cái Châu thì lên bảy.
Chẳng biết Vân Nam tận chân trời góc bể nào, nhưng chắc là ở đấy sung sướng lắm. Cái Nhâm trắng như bột. Hai mắt Nhâm lay láy, óng ánh. Tóc Nhâm đen mướt, xén gọn, rủ đều xuống lưng trán. Cái Châu giống mẹ, béo ục ịch và đen như củ cẩm. Nghe nói đi chuyến tàu hoả năm xưa lên Vân Nam, dì Nhâm sinh nó dọc đường ga Á Minh Châu. Vì thế, nó được đặt tên là Châu. Qua vài ngày bỡ ngỡ, tôi hơi quen, rồi thân ngay. Chúng nó có bao nhiêu là quần áo, bỏ chật hai cái hòm. Các quả lê, quả táo, quả hồng hoá dì Nhâm còn đem về những cái lạp xường đỏ mọng béo nhờn. Mấy miếng ca la thầu đen sì nhá ròn như cà.
Ở bên Vân Nam, chồng dì Nhâm đã thôi việc nhà thương. Dì tôi có ý về thăm nhà, rồi định ở làng và đi buôn đường Vân Nam. Ở làng, nhà dì cũng có một mảnh đất và một nếp nhà ngoài xóm Trẽ, vẫn để người ta ở nhờ.
Được ít lâu, bác Phùng chồng dì Nhâm cũng về. Bác Phùng về thì Nhâm và Châu đã ra ở ngoài xóm Trẽ. Tôi còn nhớ buổi chiều tối, Nhâm vào rủ tôi ra chơi ngoài nhà. Những buổi tối mùa lạnh. Đường xóm chập choạng vắng. Hai anh em cầm gậy, dò từng bước. Gió thổi hun hút trong rặng tre kẽo kẹt bên đường cái.
Nhà Nhâm đã lên đèn, đóng kín cửa. Trong nhà, ánh sáng đỏ kệch. Phản giữa, dì Nhâm ngồi khâu. Gian bên, bác Phùng nằm hút thuốc phiện. Bác Phùng nghiện. Ở bên Vân Nam, thuốc phiện rẻ như thuốc lào, ai cũng nghiện hút cho vui bác bảo thế. Ngọn đèn dầu lạc bóng lùn sáng lập lờ. Bác nạo, ngoáy, xoe. Bác hút... ro... o... ro... o... khói toả mùi thơm gây gây Bác nằm thừ giữa làn khói. Mặt bác phảng phất, ẩn hiện, lung lay trong khói mờ.
Chị em Nhâm quen ngồi chầu bàn đèn của bố từ thuở lọt lòng. Tưởng như chị em cái Châu đã nghiện khói thuốc phiện. Lệ, chặp tối, Châu xà đến bàn đèn chầu rìa. Chốc chốc, cha lại cho con miếng lê, miếng bánh. Những tối mà Châu không được ngồi vào bữa hút của cha, Châu gật gù hắt hơi vặt. Mẹ bèn cấm không cho Châu ngồi cạnh bàn đèn nữa. Tôi không nghiện khói thuốc phiện mà tôi thèm những miếng kẹo sìu để hãm thuốc của bác Phùng. Lúc nào bên khay đèn bác cũng có một gói kẹo sìu bọc giấy nhật trình. Những thoi kẹo dài, bác Phùng ăn, sau mỗi lần kéo một hơi ro... o ro... o. Bác cho chúng tôi ăn kẹo. Bác lấy một miếng kẹo, bẻ đều làm ba. Mỗi đứa chén một khúc. Kẹo sìu ngọt quánh, thơm và bùi ngấy mùi lạc. Tôi nhấm từng mảy một, không bao giờ chán.
Điểm vào vị ngọt bùi của kẹo sìu, bác Phùng lại kể cho tôi nghe những chuyện anh hùng nghĩa hiệp bên Tàu. Bác Phùng kể nhiều chuyện ly kỳ ghê gớm. Tiếng bác khàn khàn đều giọng như tụng kinh: "Cháu đã biết truyện Thuỷ Hử chưa? Chưa hả? Trong truyện Thuỷ Hử có hàng trăm anh hùng. Cả nước Tàu có hàng nghìn hàng vạn anh hùng, sao kể xiết được, ở bên Tàu bác quen một người...".
Người nào bác tôi quen cũng khiếp cả. Người ấy giỏi võ như võ sĩ chùa Thiếu Lâm. Một ngày kia ông đi du lịch với một ông nữa, cũng giỏi võ ngang ông ta. Tới một miền nọ nghe đồn có cô con gái kén chồng. Ả kén chồng một cách oái oăm. Cô thách ai đánh ngã nổi cô, cô sẽ lấy làm chồng. Ông bạn bác tôi hăng máu, xin vào tỉ thí. Chân tay không hai người đánh nhau ba ngày đêm chẳng phân được thua. Đôi bên tạm nghỉ một ngày. Ông quyết tìm một miếng võ hiểm để hạ cô ả kiêu căng. Ông nhớ ra một miếng đá đà đao. Đấu võ tiếp theo nửa ngày, ông giả cách đấm hụt đà, chúi xuống. Người con gái nhảy theo. Bất ngờ, ông phóng cả hai chân đá hậu vào mạng mỡ kẻ địch. Nhưng dường như đã đoán trước được miếng võ hiểm ả nắm được cả hai chân ông phóng tới. Ông này vận nội công, người cứng như khúc gỗ. Song bàn tay cô gái còn cứng hơn, cứ nắm chặt, giơ ngang cái thân thẳng đơ của ông như thân cây. Đôi bên đứng ngang dọc như vậy hai ngày. Ông nhà võ lại chợt bối rối không biết gỡ thế nào. Ông bạn đứng ngoài xem cũng lo thay. Song ông ở ngoài tỉnh táo hơn ông kia. Ông nhớ ra một miếng. Ông máy tay làm hiệu cho bạn. Ông bị túm chân sực tỉnh, liền tung vút người lên. Không kịp phòng bị, ả ngã lăn chiêng. Thế là đôi bên lấy nhau.
Có lẽ bác hút vào thì bác thích nói, hơn là nói cho chúng tôi nghe. Châu thở khò khò từ nãy. Nhâm cũng ngủ rồi. Tôi gà gà hai con mắt. Câu chuyện trượt ngoài lỗ tai, loáng thoáng tiếng được tiếng chăng. Rồi tôi cũng ngủ nốt. Sáng sớm dì Niêm ra gọi về ăn cơm những mảnh chuyện đêm qua còn lẫn trong cơn ngái ngủ. Tôi nhìn bác Phùng khiếp phục như chính bác là người trong chuyện. Bốn phương trời trong những núi cao rừng rậm mà tôi chưa được biết, còn nhiều người tài ba tuyệt diệu. Tôi lại vót cái kiếm tre và sửa thanh gươm gỗ. Gáy gươm, bôi mực. Đằng lưỡi bôi vôi trắng. Thỉnh thoảng ngồi đờ mặt, tưởng tượng chuyện luyện phép và nghĩ cách lên núi tìm tiên học đạo.
Dì Nhâm đã bắt đầu đi buôn chuyến lên Vân Nam. Mỗi lần đi, hàng một hai tháng mới về. Ở nhà, chúng tôi tha hồ làm nguỵ. Tôi đóng vai thủ chỏm và làm tướng trong đám.
Bây giờ tôi còn nhìn thấy trong tưởng tượng một góc vườn vắng mát rượi. Vài cây chuối tiêu lùn tàu lá to uốn cong.
Chúng tôi chơi bán hàng, chơi làng và chơi đình chùa. Tay tôi cầm gươm. Lưng tôi thắt bẹ chuối. Lá chuối tước nhỏ đeo vòng xùm xoè trên miệng giả làm râu. Nhâm đóng vai nữ. Còn Châu thì làm lính, cầm cái que đi hầu. Chúng tôi hát ỉ eo. Mẹ đi vắng. Thày cũng ra chơi Kẻ Chợ. Chúng tôi tha hồ làm trò.
Chẳng bao lâu, đầu cái Nhâm và đầu Châu cũng lổ đổ lang ben hắc lào trắng như đầu tôi. Mới chỉ riêng tôi trông thấy. Bởi vì hai chị em nó tóc xoã kín thái dương, không ai hay biết. Cả ngày chơi ngoài vườn không ai nhớ gội đầu cho hai đứa.
Mẹ Nhâm đi mấy chuyến hàng chẳng ăn thua gì. Thày Nhâm không tìm được việc làm. Cái ý định về mưu sinh ở quê nhà không thành. Một hôm, bác Phùng vào uống rượu với ông tôi. Tối hôm ấy, bác ra tàu Lào Cai, lại sang Vân Nam. Bác sang trước, chạy việc. Vả chăng, thuốc phiện ở nhà đắt quá.
Bây giờ, nhà Nhâm thực vắng. Mẹ vẫn đi luôn. Hai chị em, ngày ăn cơm trong bà, tối về nhà ngoài ngủ. Tôi vẫn khoe với chúng là tôi giỏi, tôi có võ và tôi đang luyện phép nữa. Nhưng tôi chưa dám ra ngoài ấy ngủ trông nhà với chúng nó lần nào. Tôi sợ ma.
Có một bận, mặt trời đã lặn sau bụi tre. Cơm chiều xong từ lâu mà không thấy chị em Nhâm vào ăn cơm. Ông tôi sai tôi ra gọi. Tôi rút thanh kiếm tre trong xó ngõ, buộc vào một bên cạp quần. Lối vào nhà Nhâm hun hút giữa hai bờ ao lớn ra sát cánh đồng. Gió đồng quạt vào bụi tre đùng đùng như bão cạn. Bên bụi tre nhô ra một mỏm đất, người lối xóm gọi là gò Thần Đất. Ông thần đất ấy linh lắm. Tôi nhắm mắt, chạy vù qua.
Tôi rón rén vào ngõ. Tôi kiễng gót, giơ kiếm bước lên đầu hè. Trong nhà tối om. Tôi bình tĩnh dặng hắng một tiếng nhòm vào buồng đầu hồi. Tôi thấy trên giường, chị em Nhâm đương ngủ. Cái Nhâm nằm úp mặt vào vách. Hai tay Châu ôm lưng chị. Mùi đất ẩm mốc xông lên lạnh rợn. Tôi bỗng nghĩ hay là cái Nhâm, cái Châu chết rồi. Thế là tôi quay vội ra. Rồi tôi chạy. Tôi mở hết sức chạy về đến tận đầu sân mới hãm chân lại. Ông tôi hỏi:
- Chúng nó đâu?
- Chúng nó đâu...Cháu không biết...Hờ...hờ...
- Làm gì mà mày thở như bò thế?
Mãi đến tối, dì Bảy mới vác gậy đi xem chị em nó thế nào. Chúng đã ngủ kỹ.
Sáng hôm sau, Nhâm và Châu dắt nhau vào nhà bà sớm. Bà hỏi đi đâu không vào ăn cơm chiều? Nhâm đáp chị em luộc khoai lang ăn, rồi ngủ, quên mất bữa. Hai chị em tha thủi như hai con gà con lang thang ngoài vườn. Cha đi rồi. Mẹ vắng nhà hàng tháng. Hai cái đầu tóc bù phờ lên. Dì Niêm hò hét mấy lần chúng mới chịu thay quần áo. Hai mắt Châu toét nhèm, nhoe nhoét nhử xanh. Phân mũi vàng nhờn nguệch râu lên tận má. Quần áo hôi và khai đến nỗi đi thoáng qua cũng ngửi thấy mùi. Đầu hè xó ngõ, đâu Châu cũng nằm ngủ được.
Chuyến về ấy, mẹ Nhâm thấy Nhâm và Châu nhem nhuốc, bẩn thỉu quá, bèn cho mẹ con nhà thằng Lặc ở nhờ nhà ngoài ấy, nhân tiện, nuôi Nhâm và Châu. Mẹ con nhà Lặc, người dưới Thái Bình, lưu lạc lên quay tơ cho bà tôi. Cu Lặc trạc mười lăm, mười sáu, béo tròn múp míp như con quay. Hai mí mắt nó có ve loăn xoăn. Đấy là mi mắt được cặp lên cho khỏi toét mắt. Mỗi khi ăn cơm no, bụng Lặc phưỡn ra phình như bụng chum.
Mẹ con Lặc được ra ở thảnh thơi ngoài dì Nhâm tôi. Nhâm và Châu ăn cơm nhà, ít lưởn vưởn vào trong bà. Mẹ Nhâm bắt mẹ Lặc cấm không cho chị em Nhâm đi chơi vớ vẩn ngoài đường cái như trước kia. Lâu nay, tôi cùng làm xắm giấy đỡ u. Muốn đi đâu, tôi phải hỏi u. U tôi nhổ một bãi nước bọt xuống đất, bảo tôi: “Ừ, cho đi chơi một tý. Bãi nước bọt này, đi chơi về mà khô thì chớ chết đấy?” Tôi vâng, chạy một mạch ra nhà Nhâm. Rồi bao giờ cũng mải chơi, quên cả bãi nước bọt khô, chiều cũng chưa mò về. Tôi còn đương hát tuồng ầy ấy ây. Chợt, cái Nhâm bảo:
- Kìa, u anh ra gọi anh kìa!
Tôi quay lại. U tôi đã vào đến sân, tay lăm lăm cầm cành tre. Tôi rứt vội mấy mảnh râu chuối lua tua trên cằm.
- Có về ăn cơm không?
- Vâng.
Tôi cung cúc chạy về. Bỏ lại cả gươm với kiếm. Vài hôm lại một lần u vác roi đi tìm tôi như vậy. Tôi ở nhà như ở tù sao mót đi chơi như thế. Chỉ chạy ra chơi với chị em nó. Bây giờ thì cả nhà đều biết chị em nó cũng mốc đầu như đầu tôi. Những chỗ khoanh hốc, tóc rụng thưa dần dần, lộ từng khoang trắng. Đầu tôi bị ông tôi cạo từ dạo trước. Rồi ông tôi liếc dao cạo trọc đầu cái Châu. Cái Nhâm không chịu cạo. Ông tôi lấy kéo phớt những sợi tóc còn sót lại trong những khoảng đầu mốc. Thành thử, đầu Nhâm loáng thoáng điểm những lỗ hổng tròn sau tóc. Chiều nào, ba chúng tôi cũng phải gội bằng nước lá cúc tần. Người ta nói lá cúc tần có chất đắng giết chết trùng. Nhưng cũng chăng ăn thua gì. Mẹ Lặc dìm đầu Châu xuống chậu, cứ móng tay sắc cào sồn sột. Đau quá, Châu kêu. Mẹ Lặc tát Châu, bắt Châu "Câm mồm ngay". Châu phải im cúi đầu cho mẹ Lặc vò.
Mẹ Lặc mặc váy nâu bạc phếch, mặt vàng bệch lấm tấm rỗ huê. Miệng mụ rộng hoác. Nhưng chẳng bao giờ thấy mụ cười. Mụ nheo mắt, méo xệch miệng, dứ dứ ngón tay, định củng xuống đầu Nhâm. Tôi cũng sợ. Mẹ Lặc thực là ác. Hôm nào mụ cũng đánh thằng Lặc. Nhưng mụ vừa giơ tay, Lặc đã lu loa, kêu rầm xóm, như con lợn bị chọc tiết. Hôm nào mụ cũng đánh Nhâm, đánh Châu. Mụ mang tơ trong bà tôi về ngoài ấy làm. Mụ đặt rổ tơ giữa nhà, ngồi quay. Cu Lặc bên cạnh mẹ, cũng phải gật gưỡng tập xóc ống. Chị em Nhâm len lét chơi tận cuối vườn. Tôi vào đến đầu hè, nhớn nhác ngó mụ rồi chạy vụt ra ngoài vườn.
Trông thấy tôi, mụ hét:
- Thằng quỷ! Thằng quỷ! Hôm nay mà hai con ranh vầy đất lấm áo thì bà bảo cho chúng bay!
Không bao giờ tôi muốn đi ngang sân. Đằng cuối vườn cũng có một lối khác vào. Lối ấy qua gò Thần Đất. Tôi chỉ lách mấy cụm dứa dại đã lọt được đến sân đất. Nhưng vốn sợ ông Thần Đất hơn sợ mẹ Lặc, tôi không dám chui đầu luồn rặng dứa dại. Đành lấm lét chạy qua sân. Mụ cho chị em Nhâm ăn cơm với tép kho, với tôm muối. Bữa nào hết tép thì ăn cơm trộn tương. Mụ da diết than vãn rằng mẹ Nhâm để gạo thiếu không đủ ăn cả tháng. Có hôm, mụ Lặc đánh chị em Nhâm rồi đuổi ra vườn, bắt nhịn bữa sáng. Tôi ra chơi thấy hai chị em nó đứng tẩn mẩn bóc bẹ chuối, thút thít khóc với nhau. Tôi cũng khóc. Khóc chán, chúng tôi bày trò đám ma chôn con mẹ Lặc. Tôi chống cái cẳng xoan, một tay bịt miệng cúi khom, bước theo hai chị em. Tôi chống gậy giả cách là thằng Lặc. Nhâm, Châu khiêng cái bao diêm đặt trên mấy chiếc que nứa. Ba đứa cùng gạt mắt, vờ khóc hi hi. Nhưng chỉ một chốc, chán cuộc chơi. Không quên được đói, đương khóc bỡn, Nhâm và Châu hoá ra khóc thật. Tôi chạy về, xuống bếp, lấy hai củ khoai lang. Ba anh em ăn, nhá gau gáu. Khoai nghệ sống ngọt như mía, lại bùi như lạc.
Mẹ Lặc hành hạ chị em Nhâm đến điều, tôi biết mà không dám mách ông bà. Chị em Nhâm cũng vậy. Chúng tôi sợ mụ đánh. Tôi chỉ mong mẹ Nhâm về để xem mẹ Nhâm chửi mụ Lặc. Mặt mẹ Nhâm đen xám. Mỗi lúc giận dữ, mẹ Nhâm gầm rít, quát rất sang tiếng. Tôi hả lắm. Nhưng rồi mỗi lần mẹ Nhâm đi vắng, tôi thêm lo hơn. Càng ngày, Nhâm và Châu càng bị mẹ Lặc đánh mắng. Nhâm, Châu cứ khóc luôn. Đầu chúng với đầu tôi, càng mốc nhiều hơn.
Ông tôi vẫn chịu khó chữa cho chúng tôi. Ông tôi đem điếu hút thuốc lào ra sau nhà thay nước. Ông gọi tôi, bảo:
- Ngồi xuống đây.
Tôi ngồi. Ông tôi cầm cái nõ điếu lòng thòng quết lên đầu tôi. Nước điếu xót quá. Tôi cắn răng, nheo mắt, như cả một bó kim châm vào đầu. Muốn khóc mà không dám khóc. Tôi còn sợ ông tôi hơn. Đành ngồi co vai, xuýt xoa nhắm tịt hai mắt. Một chốc, đỡ đau dần. Nước điếu nham nháp chảy xuống quanh tai. Một mùi hôi nồng nặc, như cóc chết, giống hơi thối tai. Thoảng vào mũi, hắt hơi liền và nhức chói óc. Hai tay tôi ôm lấy mũi. Ông tôi đổ nốt nước điếu lên chân tường. Trước khi đi vào, ông dặn:
- Ngồi yên đấy, phơi cho nước điếu ngấm vào trong đầu. Tao thử làm đầu mày khỏi, tao làm cho cái Nhâm, cái Châu.
Hôm sau, ông tôi cạo đầu tôi thực nhẵn bóng, đổ lên một lượt nước điếu nữa. Đầu tôi thâm xỉn như củ nâu. Ông tôi mỉm mỉm, gật gù, lại bôi nữa. Khổ tôi, nước điếu hôi quá.
Nhưng đến lúc gội đi, màu mốc sần sùi lại lộ ra. Gãi, vảy trắng rơi lở tở. Nước điếu bám vào đâu, đen đấy. Đến lúc rã nước, đầu mốc vẫn mốc. Có phần nó lại sùi mặt quỷ, lồi lõm hơn. Mỗi hôm, tôi gội đầu hai lần. Liền nửa tháng mà vẫn như gai gai mũi.
Nhưng ông tôi không nản việc tìm tòi thuốc men vớ vẩn bôi lên đầu tôi để “giết cho hết con lang ben”. Một buổi chiều uống rượu xong, ông tôi bảo:
- Mày ra gọi chị em cái Nhâm, sáng mai vào đây.
Đầu ông tôi ghếch lên chiếc gối cao gồ, nom mặt càng đỏ tía, đến ghê. Sáng sau, hai chị em Nhâm vào trong bà thực sớm, ông tôi đã lội xuống chuôm từ bao giờ. Bê lên một chậu bùn ao đen xám. Tôi mang máng đoán mình sắp bị đem làm gì đây. Có lẽ ờ có lẽ. Quả nhiên thực.
Ông tôi bắt chúng tôi ngồi xếp dãy ở đầu hè. Lần lượt ông vốc bùn lên đầu từng đứa một. Ông xoa bàn tay mấy vòng đầu chúng tôi biến ra đầu bụt ốc trên chùa. Bôi xong cả đầu ba đứa vừa hay hết chậu bùn. Ông tôi cắt nghĩa:
- Cái trùng lang ben cũng như cái trùng ghẻ, buổi sớm nó ăn ra. Bùn này là bùn non. Bôi vào, con vi trùng đương ăn ra, bị xót, thế nào cũng chết. Chúng mày ngồi đấy, phơi nắng đến trưa cho khô hẳn bùn.
Ba anh em tôi ngồi lù lù đầu hè. Như ba ông đầu rau đen đủi ngồi trong bếp gio. Giờ đây tôi tưởng lại những buổi sáng thiểu não ấy. Nhâm ơi Nhâm! Tôi gọi Nhâm vu vơ dưới ngòi bút, trong ánh đèn dầu đêm mùa xuân này. Có khi nào những dòng ký ức của anh mà em đọc đến, hẳn em không giấu được mỉm cười ngạc nhiên rằng sao anh khéo nhớ ma mãnh thế. Nhâm đã quên và chắc là bây giờ chẳng còn những ngày rầu rĩ như thế. Tôi thì tôi nhớ dai, nhớ lắm, em ạ. Cây viết lê đến dòng kẻ này, mắt tôi nhìn vào bóng đêm câm lặng lẽ vẫn thấy lại buổi sáng chúng tôi ngồi phơi đầu bùn trước hè, bên cạnh bậc hòn đá.
Nhâm, Châu ngồi chồm hỗm trước mặt tôi. Mắt Nhâm toét Nhâm nhìn hó háy. Một đường đỏ hoe nhầy nhụa viền quanh mí. Cổ ngẳng, ghét bẩn bám thây lẩy đen vân vân như vẩy tê tê. Hai bàn tay Nhâm ghẻ tướp. Ngồi một lúc, cứ phải cọ khe tay cho dịu cơn ngứa. Cái Châu cũng ghẻ, bẩn và toét mắt như chị, tệ hơn chị nữa. Một bên mắt nó nhử bám tịt chưa mở ra được. Vội chạy vào bà ngay, mẹ Lặc chưa rửa mặt cậy nhử mắt cho Châu. Hai cái đầu đất đắp to bu lu, méo như cái đầu bằng đất thực. Chị em gày gùa, bàn tay, bàn chân khô xác. Chúng ngồi rụi vào nhau, ngơ ngẩn như những đứa ăn mày ngồi xó hè xin ăn. Nhớ ngày Nhâm và Châu mới về. Nhâm trắng bột. Mắt nhung lóng lánh. Tóc Nhâm thơm phức thơm mát. Tôi ngậm ngùi nhìn Nhâm mà nghĩ vẩn vơ như vậy Nhâm nhếch vành mép lở trắng, cười, nháy tôi. Ý như muốn làm hiệu ngầm bảo cứ để nguyên cái đầu như thế đến lúc khô, chốc nữa đem gươm và côn ra vườn chơi hát tuồng.
Đầu chúng tôi chẳng khỏi mốc. Bùn ao cũng không ăn thua. Chuyến xuôi Hà Nội cuối năm ấy, mẹ Nhâm ở nhà liền nửa tháng với hai chị em lướp nhớp như hai con mèo ốm.
Mẹ Nhâm bàn gì với u tôi, những chuyện người lớn, tôi không rõ. Tôi chỉ mang máng rằng mẹ Nhâm đi buôn lỗ vốn.
Lần vừa rồi, giữa đường phải vứt hết hàng lậu đi. Mẹ Nhâm phàn nàn hai đứa trẻ bẩn thỉu quá. Mẹ Nhâm túng quẫn hay cãi nhau. Có hôm, vào cãi tay đôi với bà tôi. Rồi cãi nhau với khắp cả nhà. Tôi hãi dì Nhâm nói to lắm. Khi dì ở nhà, tôi ít ra chơi với Nhâm. Dì hay mắng Nhâm, đánh Châu. Trông thấy chúng phải đòn, phải chửi, tôi khóc. Một hôm, thấy Nhâm ở ngoài ngã ba xóm. Tôi hỏi sao mấy hôm nay Nhâm không vào. Nhâm bảo:
- Mẹ cãi nhau với bà. Em vào thì bà mắng.
- Bà không mắng đâu? Cứ vào.
Một ngày khác, Nhâm khoe:
- Em sắp được lên Vân Nam với thầy.
Lại nói:
- Mẹ em đem chúng em đi.
Tôi im lặng, bối rối. Một lúc mới hỏi:
- Mày có lên trên ấy, nhớ gửi về cho tao hai đồng bạc Tàu để tao làm đồng cái thủ thường, thủ vạch đánh đáo. Như mọi khi đấy.
- Trên ấy thì khối bạc Tàu.
- Nhớ đấy nhé.
Buổi chiều ấy, tôi ra nhà ngoài thấy mẹ con nhà Lặc đương thổi cơm dưới bếp. Trên nhà, không có ai. Tôi thấy nhà văng vắng khác mọi khi. Tôi ngơ ngẩn, tha thủi về. U tôi đi Kẻ Chợ mãi đến lên đèn, tối mịt mới về. Dì Niêm, dì Bảy, bà tôi - cả ông tôi - xúm lại, thì thào, nhưng tôi cũng nghe tiếng u tôi nói nho nhỏ:
- Tầu Lầu Cai chạy năm giờ sáng, sớm lắm. Bây giờ thì lên tàu rồi.
Tiếng ông tôi ở mâm rượu nói với ra:
- Ừ, tầu Lầu Cai chạy năm giờ.
Tôi nằm chổng vộc, úp mặt xuống phản. U tôi ra, mắng:
- Sao lại nằm như thằng dở người thế kia?
Tôi không nhúc nhích. Dì Niêm lôi tôi lên. Tôi ngồi hai tay bưng mặt. Tôi khóc tu tu. U tôi bảo:
- Việc gì mà phải khóc. Rồi chúng nó lại về chơi, tháng sau, tháng sau thôi.
U tôi kể:
- Đứa nào cũng bảo sao không cho anh Sen đi Vân Nam với chúng cháu.
Tôi nằm trằn trọc, nước mắt đầm đìa xuống chiếu. Tôi cố thức. Nhâm, Châu ngủ ngoài Kẻ Chợ. Năm giờ sáng Nhâm, Châu và mẹ lên tầu. Tôi không biết lúc nào là năm giờ sáng mai nhưng tôi biết có những buổi tối vắng lặng nghe xa tiếng còi tàu và tiếng những con tàu rầm rầm chạy vào lòng cầu Long Biên.
Tôi thức dậy, nắng sớm đã loé vào xó cửa. Tôi bàng hoàng nhớ không biết đã đến năm giờ sáng chưa. Ông tôi đi đâu về sớm quá. Ông mặc áo bông dài. Nách cắp cái ô cán gỗ mộc choãi thưỡn ra. Ông tôi móc ô lên hóc cột, nói:
- Tao ra ga được một lúc lâu, mới thấy mẹ con dắt nhau đến. Chúng nó lên tàu cả rồi, tàu chạy rồi.
Chúng nó lên tàu cả rồi, tàu chạy rồi. Nước mắt tôi lại đầm đìa.
Mùa xuân này, mười lăm năm qua rồi. Nhâm đã đến hai mươi hai tuổi mà Châu cũng mười tám. Từ ngày ấy, chưa một lần nào nhà dì Nhâm tôi trở lại. Trước, mỗi năm được vài lá thư về. Thư nào bác Phùng cũng hỏi thăm họ nội, họ ngoại “trong họ ngoài làng, đồng dân ta yên ổn. Còn về phần vợ chồng con cái chúng con ở bên này, nhờ giời đi đồng đất nước người cũng được...”. Ít năm gần đây, thư từ ngày một vắng. Rồi vắng hẳn, không nhận được một chữ nào nữa.
Nhâm, Châu đi rồi. Còn mỗi cái đầu mốc trắng của tôi tha thủi ngơ ra ngẩn vào. Có người mách u tôi nhà bà trạm tráng ngoài chợ có thuốc chữa đầu lang ben tài lắm. U tôi đưa tôi ra. Bà trạm tráng mặt tròn như quả quít sần. Bà vần nghiêng, ngoẹo đầu tôi, xem xét kỹ lưỡng.
- Con bé nhà tôi phải cái này bốn năm, mới khỏi năm ngoái. Nó là bệnh bạch biến. Bác cháu mua trong nhà thương cho cái thuốc tây, bôi có mấy lần, thuốc của người ta là thuốc thánh chứ chẳng chơi. Tôi làm phúc, bà đưa tôi ba hào, phiên này lên lấy nhé. Bệnh bạch biến lang ben đây mà.
U tôi đưa bà trạm ba đồng hào trắng. Thuốc màu nâu xẩm, nhờn như thuốc nẻ, đựng cái hộp có chữ “thuốc hắc lào tám xu một hộp". Được ít lâu, những khoanh trắng trên đầu tôi dịu màu, gãi bớt rơi vẩy, rồi khỏi hẳn lúc nào. Tóc lại mọc.
Tôi húi đầu vuông kiểu ca rê. Soi gương thấy đầu tóc cún, mặt tôi thưỡn như cái lưỡi thuổng. Đầu tôi hết mốc. Chẳng thấy u tôi nhắc nhỏm gì đến chuyện lại xuống Hàng Mã nữa. Mấy năm nay thật không một chữ thày tôi gửi về. Có người đồn thày tôi đã lấy vợ bên Sài Goòng. Bà nội ở quê mỗi khi chúng tôi về chơi lại mếu máo bảo u tôi:
- Nó ăn phải bùa mê bả dột, không biết đường nào về nhà nữa. Thôi mẹ mày thương lấy con... thương tao. Hờ... ơ... anh ơi! Anh đi đằng nào... bấy lâu anh bỏ cửa, bỏ...
Có bác cùng làng ở Sài Gòn về kể rõ ràng rằng thày tôi lấy người ở Hanh Thông Tây làm nghề bánh tráng đã được hai con một giai một gái. Thày tôi bây giờ loà cả hai mắt, đi phải chống gậy. Bác ta đã đến chơi tận chỗ thày tôi ở. Thế là đích lắm rồi. Cả nhà quê tôi nhôn nhao. Chuyến ấy, ở quê ra bà nội cho tôi những hai con gà, rồi bà dặn: "Con ơi, ngày sau con có bỏ không nhìn bố con không? Đừng nhé, tội nghiệp quá. Đen đầu thì bỏ, đỏ đầu thì nuôi đây. Bố con ăn phải bùa mê của người ta. Lạy Phật, bao giờ tai qua nạn khỏi thì nó lại trông thấy đường về với vợ con”.Ai nhìn tôi cũng ra vẻ ái ngại.
Một hôm, tôi thấy dì Bảy cầm cái que khua vào các bụi vạn niên thanh ngoài sân. Độ ấy đương mùa mưa. Sân đất ẩm, cóc về ngụ cư từng đàn. Trong bụi nhảy ra mấy con cóc to sụ. Dì Bảy lấy que chặn lưng, cóc phình bụng trắng. Dì Niêm hỏi: "Được hử? “ rồi chạy ra, hai dì tôi lấy cái rơm buộc chân cóc Tôi tưởng dì Niêm sắp cho cậu cóc xơi thuốc lào để xem cóc say thuốc lào gật gù như mọi khi tôi vẫn nghịch. Dì Niêm xách cái bình vôi ra. Dì cầm que, quết vôi lên lưng cóc. Phút chốc, cóc đen xỉn hoá cóc trắng toát.
Rồi dì Bảy tôi túm đầu rơm xách con cóc chạy ra ngõ. Tôi đuổi theo dì Bảy. Dì đem con cóc bôi vôi quẳng ra tận ngoài cánh đồng. Con cóc bôi vôi được buông xuống, nhảy chật chưỡng, rúc vào khe ruộng nẻ. Tôi hỏi dì Bảy rằng dì làm thế để làm gì. Dì đáp:
- Con cóc bôi vôi ấy mà tìm được đường về nhà, thì rồi bố mày cũng có ngày về được. Để rồi nghiệm xem.
Tôi hỏi lại dì Niêm có thực như vậy không. Dì cười. U tôi cũng cười. Răng cửa u tôi đã gẫy, hổng mất mấy cái. Ngày tháng êm đềm đi. Mấy năm nay vắng bác trạm tráng răng trắng mặt bồ hóng. Giá thày tôi trở về, dễ tôi cũng quên mặt như lần về trước. Có lúc, tôi lẩn thẩn hỏi dì Niêm những câu ngớ ngẩn. Dì lại bảo:
- Bố mày chết rồi.
Tôi hỏi lại u, u tôi gật đầu. Bấy giờ em Ngó tôi đã lên bốn. Tôi phải bế em.
Những hôm u tôi đi chợ bán giấy, ở nhà, tôi trông cái Ngó. Chiều về, u mua quà cho hai anh em chiếc bánh tây vàng. Tiếng là quà cho hai đứa, nhưng mình tôi chén tất. U tôi mang chúng tôi xuống cầu ao rửa chân. Buổi chiều vắng ngắt ngơ, ba mẹ con ngồi rửa chân. Tôi nhìn bóng cây dừa ngoằn ngoèo, không còn sợ như ngày trước. Nhưng tôi doạ cái Ngó: "Kìa con thuồng luồng. Mày chết, con thuồng luồng lên cắn chân mày". Nó không sợ như tôi ngày trước, nó lại thả chân xuống nước trêu con thuồng luồng.
Cả nhà, ai cũng khen tôi ẵm em khéo, em không khóc. Ông tôi, ngồi uống rượu, gật gù bảo: "Thằng này ẵm em giỏi sang năm cho mày đi ở kiếm tiền được rồi”. Ông khen, tôi cũng khoái. Lại càng thích ẵm em tợn.
Tôi ngồi thụp xuống đất. Biết hiệu, cái Ngó đến ôm vòng tay lên cổ. Tôi quặt hai tay ra sau lưng, khoèo hai cẳng nó. Tôi cõng xốc nó đứng lên. Mồm nó ngoặt vào vai tôi. Nước mắt, nước mũi, nước dãi nó ướt nhè xuống cổ tôi. Tôi cõng em thơ thẩn đi chơi ngoài cửa đình, trên quán. Tôi thả cửa dong chơi suốt ngày..
Tận chiều về, cái Ngó ngủ thõng trên lưng, ngoẹo cổ. Nó tụt dần, tụt dần xuống. Tôi khom người, xốc nó lên, mắm môi thất thểu bước. Con bé sao mà nặng thế. Quần áo tôi ám bụi đất đỏ xuộm. Ống quần đính hoa cỏ may ngoài bãi, ngứa như cả trăm con rôm cùng cắn một lúc. Quần tôi rách toạc một miếng. Nhưng miệng tôi vẫn chum chúm huýt gió huy huy. Tôi bắt chước chim khướu, chim chào mào, chim chích choè...
Tôi đương tập huýt sáo, bạn cùng trẻ con khắp xóm. Bắt đầu những ngày lêu lổng. Tôi đúc dế, tôi chơi nặn nồi “lương mô” đất thó. Lội qua quãng sông Tô Lịch trước cửa đình, tôi sang bãi Đồng Vân bẻ ăn cắp bắp ngô, nhổ trộm ớt tầu đem về giồng bờ ao. Có mấy quyển sách cũ, tôi đem xé từng tờ phất diều hết. Tôi thề không bao giờ đi học nữa. Vài năm nữa tôi sẽ làm thợ cửi như những đứa trẻ khác trong xóm. 1943