Tôi bước xuống đò mà đi. Đêm nay đến một cái điếm, trú tại đó. Quan văn thư đến tận điếm mà bảo tôi rằng: “Chuyến đi này can hệ dến việc công khẩn yếu. Bọn ta đi một ngày chẳng vượt quá năm mươi dặm
[38] đường. Trước kia được lệnh ngày mùng mười thì đến Vĩnh Dinh, nay sắp hết nửa tháng rồi mà đường dài còn phải đi sáu, bảy ngày nữa. Nếu việc phải tấu trình thì sự đẳng đãi này thực đáng sợ, mong lão sư đị nh đoạt, chọn những kẻ khoẻ mạnh cho đi theo, cứ ban ngày thì đi, đêm khuya mới dừng để nghỉ, gấp đường mà tiến, bọn yếu đuối thì cho ở lại sau.” Tôi cười mà đáp rằng: “Quý huynh bất tất phải quá lo! Tuy có chỉ truyền ngày mồng mười thì đến nhà tôi, nhưng tôi bận chữa bệnh phương xa, đi tìm về đã mất mấy ngày, vả trong lúc đi đường còn gặp gió mưa cản trở. Như vậy tưởng rằng ngày nay dẫu mọc lông mọc cánh vị tất sẽ đến nơi đúng kỳ hạn được”. Ông ta vừa cười vừa nói: “Cái thế tất phải như vậy”. Trò chuyện uống trà xong, ai nấy về nhà trọ. Ngày 27 gà gáy đã vội khởi hành. Bên đường đi núi non đứng sững, bao bọc lấy nhau, khói mây mịt mù che khắp mặt đất. Hươu nai nghe bước chân đi thì vội chạy tán loạn; chim chóc nghe tiếng người nói bay vút lên đầu non (hiệu Ba Dội
[39]).Ánh hồng ban mai mới dâng cao, màn sương đêm giá tan chừng nửa. Bọn hành nhân áo quần ướt át phải dừng bước nghỉ ngơi trên núi, trong một cái quán bỏ không. Chúng đốt lửa, hơ áo, ngồi sưởi cho ấm. Tôi sai người lau sạch cái thạch bàn, tựa lưng vào một cành cổ thụ bên thạch bàn ấy. Dược đồng pha trà, sửa soạn bữa ăn sáng. Tôi cho mời quan văn thư đến, cùng nhau uống rượu. Trèo lên cao mà trông ra xa, mới cảm thấy cái thú vị man mác là dường nào. Tôi đọc mấy câu thơ của cổ nhân để giải phiền trong lòng, bất giác thốt lên rằng:
Tần Lĩnh mây nhà che khuất bóng
Lam quan tuyết phủ ngựa chồn chân
Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền
Ngâm xong dường như quá bị xúc cảm, tôi thẫn thờ chẳng nói năng gì. Quan văn thư thấy tôi buồn bã hiện ra sắc mặt thì cười mà rằng: “Trăm khóm hoa cỏ, một khoảnh càn khôn, dường có cái phong vị của Hương Sơn. Lão sư xúc cảnh sinh tình, có vẻ không vui”. Ông ta lại tiếp: “Lão sư lầm rồi! Kẻ sĩ quân tử có hai đường: xuất và xử. Xử (đi ở ẩn) thì giữ đạo làm vui; xuất (ra làm quan) thì đem dùng đạo giúp đời. Lão sư che giấu tung tích chốn núi sâu, một sớm cửu trùng biết tên, đại thần trọng đãi, thực là cuộc gặp gỡ lạ kỳ, ngàn năm mới có, cớ gì lại thế!”. Tôi cười, đáp rằng: “Quan lớn khen quá lời, khiến người phải hổ thẹn. Người xưa tài cao học rộng uẩn súc kinh luân
[40], xử thì trau giồi vẻ quý, cất giấu đức sáng, xuất thì phò vua giúp nước. Còn như tôi học hành thô kém, tài hèn trí thiển, đối với đời thật là vô dụng; học được cái nghề mọn tùy thân đã là may mắn rồi, tưởng đâu một sớm đến được thế này, khác chi áo mặc không xứng đức
[41], sao gọi là điều hạnh được!”. Quan văn thư nói rằng: “Tôi từng được nghe quan tôi trong những lúc nhàn đàm, ý giả lão sư muốn cao ẩn
[42] mà mượn cái danh là làm thuốc đó thôi”. Tôi cười mà rằng: “Há lại có cái lý ấy sao?”. Quan văn thư lại tiếp: “Chí lão sư như vàng đá
[43], tôi chẳng dám dài lời, được biết lão s ư ngâm vịnh rất nhiều, nguyện được nghe lời vàng, rồi tôi cũng xin nối điêu
[44] để dâng cười mà giải muộn được chăng?”. Tôi mừng rỡ mà rằng: “Kẻ ôm đàn khổ tâm vì không bạn tri âm. Câu cao sơn lưu thủy hẳn ông đã biết rồi vậy”. Tôi gọi tiểu đồng mang bút mực lại. Tôi đọc trước một bài như sau:
Nhất bách lục phong lam vụ mê
Nhân tòng tam cấp thượng vân thê
Yên hoàn trầm lục hoành thiên bắc
Loa kế phù thanh phó hải tê
Chử mính sương hoa khuynh phấn hãn
Ngâm thi u điểu hướng nhân đề
Mỗi phùng thắng cảnh vi thi lụy
Khiến quyển thời dư thủy quá khê
Tam cấp leo trèo đá với mây Núi trăm lẻ sáu khí suơng đầy Khói ngàn trầm lục dăng trời bắc Đá núi phù thanh khuất bể tây Nấu nước sương hoa lìa phấn rã Nghe thơ chim núi hót ai hay Chẳng qua ngâm vịnh vì yêu cảnh Bịn rịn giờ lâu suối lội chầy. Đề xong đưa bài thơ cho ông ta coi để họa vần. Ông xem đi xem lại đến bốn lần, rồi nói rằng: “Thơ của lão sư giống như những bài Bạch Tuyết Dương Xuân
[45] khó mà họa được, xin để tôi bòn nhặt trong khúc ruột khô trong mấy đêm nữa rồi mới dám bày cái xấu của mình ra”. Rồi cùng dắt tay nhau xuống núi mà đi. Ngày hôm ấy, chiều tối thì đến chợ Vân Sàng
[46] trọ lại. Ngày 28 đến Khương Kiều đỗ lại. Ngày 30 trọ tại Thịnh Liệt Kiều
[47]. Quan văn thư bàn với tôi rằng: “Trong tờ khải có nói ngày mấy thì tiếp chỉ truyền, ngày mấy khởi trình, ngà y mấy thì tới nơi, xin xem qua thể thức trong tờ khải để tiện đệ bẩm”, rồi đư a tờ khải cho tôi coi, lại cười mà nói rằng: “Nhất nhất đều y theo sự định đoạt của lão sư ở dọc đường; tuy nhiên, vào chiều ngày hôm sau, mọi người nên đến dinh quan Chính Đường xem có công việc gì không?”. Ước định xong xuôi, ai nấy về đi nghỉ. Sáng ngày hôm sau quan văn thư noi đường bên tả, đi đường tắt thôn Nhân Mục
[48] đón đường Hoàng Mai
[49], theo Cầu Triền
[50] mà tiến vào thành. Lúc ấy có tên Thuần là học trò đi theo nói với tôi rằng: “Năm trước tôi có người bạn tâm giao, con một người Tàu, y tên là Sự, cư ngụ tại quê mẹ là Lai Trào Ngung tức là Hiến Nam Cung; nay y dời cư đến cửa tây Khương Đình làm nghề thày thuốc. Tôi thấy y chân thành hiếu hữu, có cho y một bộ Tâm Lĩnh của thầy. Từ ngày đó y ngày đêm học tập, tay chẳng rời sách, học thuật ngày tiến bộ, trong kinh thành nhiều người biết tiếng, Y thường than rằng: Vạn dặm xa xôi, chẳng thể đến chổ cung tường
[51], chỉ chiêm ngưỡng mà thôi, muốn đến Hương Sơn bái yết, nhưng vì còn mẹ già, chẳng thể bỏ đi xa. Y có thiết lập một sở tự
[52] để thờ sinh vị
[53] thày, sớm tối đèn nhang để báo đức. Ngờ đâu trời cũng chìu người, cho y được thân đón bái tiếp. Vả lại từ nhà y vào thành chỉ hơn vài dặm; đường đi vào thành so với đường Cầu Triền dài ngắn bằng nhau, tôi muốn đi trước báo cho y hay, chẳng biết có được không?”. Tôi thấy con người có nghĩa nên cũng ưng thuận. Tên Thuần được lịnh bèn đi trước. Tôi noi đường bên tả mà đi, vượt hơn vài dặm đã thấy y ra đón ở bên đường cái quan. Y thấy tôi thì lấy làm mừng rỡ, mời vào nhà bái tạ, kể lể cái tình khao khát bấy lâu. Y mời lưu lại ngủ một tối, khoản đãi rất hậu. Tôi nói rằng: “Hà tất phải như thế! Tôi cùng quan vệ tống (tức quan văn thư) đã ước hẹn ngày hôm nay thì cùng gặp nhau ở dinh quan Chính Đường; việc này thật khẩn cấp. Trong lúc đi đường đã bị gió mưa cản trở, nay mới tới được đây, không thể chậm trễ được. Có điều tôi quen ở trong núi, nên đường đi lối lại trong đô thành đều quên mất cả, ông nên vì tôi đi trước đưa đường”. Uống trà xong, đứng dậy, tên Sự dẫn đạo, cùng đi theo cửa Vũ Quan,nhắm cửa thành mà vào. Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tuờng ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu mối, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn đất Nghệ An, mới để cho đi. Chúng tôi tạm nghỉ ngơi. Nguyên tại đất này thuở nhỏ tôi tùng du học và trú ngụ. Tôi mới chống gậy, thủ bộ tứ phía, du ngoạn nơi đất cũ. Tuy hồ sơn vẫn như trước mà Phật điện, đình đài, quan xá, quân cư nhất nhất không còn hình dạng thuở xưa. Người qua kẻ lại như nêm, ngựa xe rộn ràng, khiến lòng cảm khái, nhân làm một bài thơ giãi lòng:
Lạc phách giang hồ tam thập niên
Ngẫu tùy đan phượng nhập Trường Yên
Y quan văn vật sinh trung thổ
Lâu quán đình đài tiếp viễn thiên
Thô xuất nhiễm thành sơn dã tính
Xu bôi tu đối ngọc đường tiên
Thiếu thời lịch lịch hi du xứ
Kim nhật trùng lai bán bất nhiên!
Phiêu bạt giang hồ mấy chục niên Chiếu vời một sớm đến Trường Yên[54] Lâu đài đình quán bên trời ngất Văn vật y quan giữa cõi truyền Sơn dã buông tuồng quen tính tục Ngọc đường[55] lui tới thẹn cung tiên Đất này thuở nhỏ từng du hí Khác lạ ngày nay đã hiễn nhiên! -------------------[38]
Dặm: một đoạn đường dài 135 trượng = 540 m (là hơn nửa cây số ngày nay).
[39] Ba Dội: vùng núi giáp giới tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình, cũng gọi là núi Tam Điệp.
[40] Uẩn súc kinh luân: chứa đựng tài trị dân giúp nước (kinh luân là sợi d†c và sợi xe, nghĩa bóng nói về tài chính trị).
[41] Có câu y phục xứng kỳ đức, nói cách ăn mặc tương xứng với cái đức của mình.
[42] Cao ẩn: giấu mình nơi hẻo lánh mà không dự vào việc đời.
[43] Vàng và đá: Nghĩa bóng nói lời nguyện ước gắn bó với nhau vững bền như vàng và đá. Ý đây nói chí của Lãn Ông không thay đổi.
[44] Nối điêu: do câu tục ngữ “Điêu bất túc, cẩu vĩ túc”, có nghĩa là đuôi con điêu thiếu, lấy đuôi con chó thế vào. Nghĩa bóng: lời nói khiêm, lấy cái không hay của mình mà tiếp vào cái hay của người.
[45] Dương Xuân Bạch Tuyết: khúc ca thời cổ.
[46] Vân Sàng: thuộc tỉnh lỵ tỉnh Ninh Bình ngày nay.
[47] Thịnh Liệt: tên làng thuộc ngoại ô Hà Nội ngày nay.
[48] Nhân Mục: thường gọi làng Mọc, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Đông.
[49] Hoàng Mai: tên làng, nay là ngoại ô Hà Nội.
[50] Cầu Triền: thường gọi Ô Cầu Dền.
[51] Cung tường: nhà bốn bên có tường, chổ ở và miếu thờ đều ở trong, tường về phía Nam có cửa để thông xuất nhập. Sau người ta dùng hai chữ ấy để gọi sư môn (cửa nhà thầy dạy).
[52] Sở tự: nơi thờ phụng.
[53] Sinh vị: bài vị thờ người sống.
[54] Trường Yên: kinh đô nhà Tây Hán, nay là tỉnh Thiểm Tây, tác giả mượn để chỉ kinh đô nhà vua.
[55] Ngọc đường: đền nhà vua, chổ các quan văn học lui tới làm việc.