Hàn Phi(l) nói: “Bọn nho lấy lời văn làm rối pháp luật, bọn du hiệp lấy võ lực phạm vào việc ngăn cấm”. Hai hạng này đều bị chê bai. Tuy vậy các nho sĩ thường vẫn được đời khen(2). Còn đối với những kẻ dùng thuật(3) để chiếm lấy chức tể tướng, công khanh, đại phu, giúp đỡ chúa đương thời thì công danh ghi chép ở sử sách, điều đó chẳng phải nói. Kìa xem Quý Thứ, Nguyên Hiến là những người ở nơi quê mùa, đọc sách, muốn một mình giữ lấy đạo đức của người quân tử, vì nghĩa lý không chịu a dua theo thời, thế mà người đương thời cũng cười họ. Cho nên Quý Thứ, Nguyên Hiến trọn đời để nhà trống, lấy dây buộc cửa, mặc áo vải, ăn rau không biết chán. Họ chết đã hơn bốn trăm năm mà học trò còn nhớ mãi không quên. Nay bọn du hiệp, tuy nết không hợp với chính nghĩa nhưng lời họ nói ra thì chắc chắn, việc họ làm thì quả quyết, đã hứa thì nhất định làm, không tiếc tính mạng để cứu người ta khỏi nơi nguy khốn. Sau khi đã xông pha vào nơi nguy hiểm để cứu người, họ lại không khoe tài, lấy việc kể ơn làm thẹn, như vậy thì xem ra cũng có nhiều điều đáng khen. Vả chăng, việc hoạn nạn người ta thường khi vẫn gặp.
Thái sử công nói:
Ngày xưa vua Thuẫn bị khốn ở kho, ở giếng(4), Y Doãn mang vạc thớt(5), Phó Duyệt ẩn náu ở đất phó Nham(6), Lã Thượng bị khốn khổ ở Cức Tân(7), Di Ngô, mang gông(8), Bách Lý Hề chăn trâu(9), Trọng Ni sợ hãi ở đất Khuông, đói, mặt xanh như lá rau ở đất Tần, đất Thái(10). Những người ấy đều là người mà kẻ học giả gọi là đạo đức nhân nghĩa, vậy còn gặp những tai nạn ấy; huống gì những kẻ tài năng bậc trung mà ở về cuối thời loạn lạc thì việc gặp tai họa còn nói làm sao cho hết. Tục ngữ có câu: “Chẳng cần nhân nghĩa, hay không nhân nghĩa, cái gì có lợi cho ta là tốt”. Vì vậy Bá Di(11) cho nhà Chu là xấu, chịu chết đói ở núi Thú Dương, nhưng vua Văn Vương, Vũ Vương không phải vì thế mà bỏ ngôi vua. Chích, Cược(12) hung bạo dữ tợn, nhưng đồ đảng của họ là ca ngợi mãi mãi nghĩa khí của họ. Do đó mà xem “ăn trộm lưỡi câu thì bị chém, ăn trộm nước được phonghầu. Nhà công hầu ở đâu, nhân nghĩa ở đấy”(13), điều đó không phải lời nói suông. Nay bọn học giả câu nệ, chỉ khư khư lo ôm lấy cái nghĩa chật hẹp thì sẽ cô độc mãi ở đời(14), sao bằng hạ thấp cái đạo của mình để theo thế tục, trôi nổi với đời để được công danh(15). Tuy vậy bọn áo vải cẩn thận trong việc lấy và cho, xem trọng tiếng ừ và lời hứa, tuy cách nghìn dặm cũng nghĩ đến nghĩa, chịu chết chẳng tiếc đời, họ làm thế nào cũng có chỗ hay, chứ không phải chỉ có điều xằng bậy. Có thế kẻ sĩ lúc cùng quẫn mới có nơi phó thác số phận. Những người ấy chẳng phải hiền tài, hào kiệt đó sao? Nếu như để bọn nghĩa hiệp ở nơi hàng xóm đọ tài đua sức với Quý Thứ, Nguyên Hiến, lập công với đương thời thì hẳn khác nhau xa. Nếu xét về mặt công lao thấy ngay lời nói được giữ, thì nghĩa khí của bọn hiệp khách có thể xem thường được đâu!
Hạng nghĩa hiệp áo vải đời xưa, ta không còn được nghe nữa. Thời gần đây bọn Duyên Lăng, Mạnh Thường, Xuân Thân, Bình Nguyên, Tín Lăng(16) đều nhờ ở chỗ thân thích của nhà vua, dựa vào sự giàu có vì có đất phong, lại được địa vị khanh tướng, chiêu tập những người hiền trong thiên hạ, nổi danh với chư hầu, không thể gọi là không giỏi. Họ cũng như thuận theo chiều gió mà gọi, không phải tiếng vì đó nhanh thêm, nhưng vì thế gió đưa tiếng đi xa đó thôi. Còn đến bọn nghĩa hiệp ở nơi làng xóm, giữ gìn tính nết, trau dồi thanh danh, tiếng tăm vang trong thiên hạ, ai cũng khen là hiền, điều đó mới thật là khó. Nhưng các nhà Nho, nhà Mặc đều gạt ra mà không chép(17). Từ nhà Tần trở về trước những người tầm thường mà nghĩa hiệp đều mai một, tôi rất lấy làm giận(18). Theo những điều tôi được nghe từ khi nhà Hán lên có bọn Chu Gia, Điền Trọng, Vương Công, Kịch Mạnh, Quách Giải, tuy đôi khi có phạm vào cái lưới pháp luật của đương thời, nhưng đời sống riêng của họ liêm khiết, nhũn nhặn cũng đáng khen. Danh tiếng của họ không phải là danh tiếng hão, kẻ sĩ không phải vô cớ mà theo họ. Còn đối với những kẻ cậy gia thế họ hàng, kéo bè kéo đảng, lợi dụng tiền tài để sai khiến người nghèo, bắt nạt người sức yếu thế cô, khoe khoang thế lực của mình, lấy việc thỏa mãn điều ham muốn của mình làm sướng, thì những người du hiệp cũng lấy làm xấu hổ. Tôi đau xót về nỗi thói đời không xét điều đó, cứ gộp bọn Chu Gia, Quách Giải với bọn cường hào và chê cười tất cả.
2. Chu Gia là người Lỗ sống cùng thời với Cao Tổ. Người nước Lỗ đều học theo đạo Nho, riêng Chu Gia học theo lối du hiệp mà nổi danh. Những người có danh tiếng được ông nuôi nấng che chở có hàng trăm, còn người tầm thường thì không kể xiết. Nhưng trước sau ông vẫn không khoe tài, tự phụ ân đức của mình; trái lại chỉ sợ những người chịu ơn cảm tạ mình. Ông cứu giúp những người thiếu thốn bắt đầu từ chỗ nghèo khó và thấp hèn. Trong nhà không có của thừa, áo quần cũ kỹ không lành lặn, ăn không có hai món, đi thì ngồi trên chiếc xe bò nhỏ. Ông lo cứu giúp người ta trong lúc gấp hơn cả việc riêng của mình. Sau khi đã bày mưu cứu được tướng quân Quý Bố thoát nạn đến khi Bố được tôn quý, suốt đời ông không gặp lại Bố(19). Từ cửa Hàm Cốc về phía Đông không ai không dướn cổ(20) muốn chơi với ông ta.
3. Điền Trọng người nước Sở, nổi tiếng về nghĩa hiệp, thích đánh kiếm, thờ Chu Gia như cha, tự cho rằng hành vi của mình không bằng Chu Gia. Điền Trọng chết rồi, ở đất Lạc Dương có Kịch Mạnh. Người đất Chu lo nghề buôn bán, trái lại Kịch Mạnh lại nổi tiếng ở chư hầu về nghĩa hiệp. Khi nước Ngô, nước Sở làm phản, Diều hâu(21) làm thái úy, đi xe trạm, sắp đến Hà Nam bắt được Kịch Mạnh, mừng rỡ nói:
- Nước Ngô, nước Sở làm việc lớn mà không mời đến Mạnh, thì ta biết họ không làm được gì rồi!
Trong khi thiên hạ rối loạn, tể tướng bắt được ông ta cũng như chiêu hàng được một nước địch vậy(22). Việc làm của Kịch Mạnh cũng như việc làm của Chu Gia, nhưng ông ta thích đánh bạc, hay chơi những trò chơi của những người trẻ tuổi. Khi người mẹ của Kịch Mạnh chết, có gần một nghìn cỗ xe ở phương xa đến đưa tang. Đến khi Kịch Mạnh chết, của cải trong nhà còn lại không quá mười lạng vàng.
Vương Mạnh người đất Phù Ly cũng nổi tiếng nghĩa hiệp ở miền sông Giang, sông Hoài. Lúc bấy giờ họ Nhàn ở đất Tế Nam, Chu Dung ở đất Trần, cũng nổi tiếng hào hiệp. Vua Cảnh Đế nghe vậy sai người giết cả bọn này.
Về sau ở đất Đại có bọn họ Bạch, ở đất Lương có Hàn Vô Tỵ, ở huyện Dương Địch có Tiết Huống, ở huyện Thiểm có Hàn Nhụ nổi lên rất đông(23).
4. Quách Giải là người đất Chỉ tự là Ông Bá, là cháu ngoại của Hứa Phụ người có tài xem tướng. Cha Giải bị giết thời Hiếu Văn Đế vì du hiệp. Giải người thấp bé, tinh ranh, hung hãn, không uống rượu. Lúc nhỏ tính nham hiểm, tàn nhẫn, những kẻ không làm Giải vừa lòng bị Giải giết rất nhiều. Giải liều thân báo thù cho bạn, chứa những người trốn tránh, phạm pháp, còn việc cướp bóc là việc thường làm, cũng như việc đúc tiền đào mả người thì không kể hết. Ông ta gặp may, lúc nguy khốn cấp bách thường nhờ dịp đại xá mà được thoát.
Đến khi Giải lớn thì thay đổi tính nết, biết tự kiềm chế, biết lấy đức để báo oán, cho người thì nhiều mà trông mong người thì ít. Giải lại càng thích làm việc nghĩa hiệp hơn trước. Sau khi đã cứu tính mạng người ta, Giải không khoe công, tuy cái lòng nham hiểm tàn ác ngày xưa đôi khi vẫn lộ ra như cũ nếu gặp kẻ trợn mắt với mình. Những người tuổi trẻ hâm mộ việc làm của Giải, liền báo thù ngay, không cho Giải biết(24).
Người con của chị Giải cậy thế Giải, uống rượu với người khách, cưỡng ép người khách phải cạn chén mặc dù uống không nổi. Người kia giận, tuốt gươm, đâm chết cháu Giải rồi bỏ trốn. Chị Giải giận nói:
- Người nghĩa hiệp như Ông Bá, mà để người ta giết con tôi không bắt được thằng giặc sao?
Bèn vứt xác ở ngoài đường không chịu chôn, ý muốn làm nhục Giải. Giải sai người dò biết nơi hung thủ ở. Hung thủ thế bí đành quay về trình bày tất cả sự thực với Giải. Giải nói:
- Ông giết nó là đúng lắm, cháu của tôi làm bậy.
Bèn tha hung thủ, bắt tội người cháu, khâm liệm nó rồi chôn. Mọi người nghe vậy đều khen Quách Giải là người nghĩa khí, lại càng theo Giải.
Khi Giải đi ra, ai cũng tránh. Riêng có một người cứ ngồi xổm mà nhìn. Giải sai người hỏi họ tên anh ta. Những người khách muốn giết anh ta. Giải nói:
- Ta ở trong làng xóm đến nỗi không được người ta kính trọng, đó là vì ta không trau dồi đức hạnh, anh ta có tội gì đâu?
Bèn bảo ngầm với viên quan coi việc công dịch trong huyện:
- Người ấy là người chí thân của tôi, khi nào đến lượt anh ta phải phục dịch thì miễn cho anh ta.
Vì vậy mấy lần đều được miễn, quan không đòi đến. Anh kia ấy làm lạ, hỏi tại sao, mới biết Giải bảo miễn cho mình. Anh ta bèn cởi trần đến tạ tội. Những người trẻ tuổi nghe vậy lại càng hâm mộ việc làm của Giải.
Ở Lạc Dương có người thù hằn nhau, những người tài giỏi ở trong làng xóm đến dàn xếp có hàng chục, nhưng vẫn không xong. Người khách bèn đến nói với Quách Giải, Giải đang đêm đến nhà người có thù hằn, người kia miễn cưỡng nghe theo lời Giải. Giải bèn nói với người này:
- Tôi nghe nói các vị ở Lạc Dương đã hòa giải việc này, nhưng ông không chịu nghe. Nay may sao ông nghe theo lời Giải, vậy có lẽ nào Giải lại ở huyện khác đến tranh giành mất cái công của các vị hiền đại phu trong xóm này!
Bèn đang đêm ra đi, không để cho ai biết, nói:
- Hãy khoan theo cách hòa giải của tôi. Đợi tôi đi rồi sau để cho những người tai mắt ở Lạc Dương làm việc giải hòa và sẽ nghe theo họ.
Giải giữ mình cung kính không dám lên xe đi vào sân công đường huyện. Khi đi các quận ở lân cận cầu xin việc cho người khác, gặp việc có thể giúp được thì giúp, không giúp được thì cũng làm cho người ta vừa lòng. Sau đó mới dám ăn cơm rượu người ta. Mọi người vì vậy hết sức kính trọng Giải, tranh nhau giúp đỡ Giải. Thanh niên trong làng xóm và những người tài giỏi, tai mắt trong các huyện lân cận nửa đêm qua cửa nhà Giải thường hơn một chục cỗ xe, xin đưa những người khác Giải giấu giếm đem về nuôi(25) .
Đến khi nhà vua sai dời những người giàu đi Mậu Lăng(26). Giải nhà nghèo không thuộc vào hạng đủ tư cách. Quan lại sợ nên bắt Giải dời nhà(27). Vệ tướng quân tâu lên nói “Quách Giải nhà nghèo không thuộc vào hạng dời nhà”.
Nhà vua nói:
- Một người áo vải mà có quyền thế khiến cho tướng quân phải nói giúp, điều đó chứng tỏ nhà hắn không nghèo.
Kết quả Giải phải dời nhà. Các vị tiễn Giải đưa ra hơn ngàn vạn quan tiền. Con Dương Quý Chủ người đất Chỉ làm thư lại trong huyện, báo tên Giải lên, khiến cho Giải phải dời nhà. Người con của anh Giải chặt đầu Dương. Vì vậy họ Dương có thù hằn với họ Giải.
Giải vào Quan Trung. Những người hào kiệt ở Quan Trung quen biết hoặc chưa quen biết Giải, nghe tiếng Giải đều tranh nhau đến vui chơi bạn bè với Giải. Giải người thấp bé, không uống rượu, lúc ra đi không bao giờ đi ngựa. Sau khi Dương Quý Chủ bị giết, người nhà Dương Quý Chủ dâng thư lên, nhưng lại bị người ta giết ở dưới cửa cung đình. Nhà vua nghe tin bèn giao quan lại bắt Giải. Giải bỏ trốn, để mẹ đến ở Lạc Dương, còn mình thì trốn sang Lâm Tấn. Tịch Thiếu Công ở Lâm Tấn vốn không biết Giải. Giải giả mạo tên, nhân đấy xin ra khỏi cửa quan. Tịch Thiếu Công bèn cho Giải đi ra. Giải trốn đến Thái Nguyên, đến nhà ai, Giải đều nói trước(28). Quan đuổi bắt, dò tung tích đến Tịch Thiếu Công, Tịch Thiếu Công tự sát, tung tích mất đứt. Mãi về sau mới bắt được Giải.
Quan lại xét những điều Giải đã phạm và những người Giải đã giết thì sự việc đều xảy ra trước khi có ân xá. Ở huyện Chỉ có người nho sinh giúp quan trên trong việc xét Giải. Có người khách khen Giải, người nho sinh nói:
- Quách Giải chỉ chuyên làm việc gian, phạm pháp công, tại sao lại gọi là người hiền?
Người khách nghe thế giết người nho sinh, cắt lưỡi y. Quan vì việc đó bắt tội Giải. Thực ra, Giải không biết kẻ giết người. Người giết kia cũng mất tích chẳng ai biết anh ta là ai. Quan tâu Quách Giải vô tội. Công Tôn Hoằng làm ngự sử đại phu phê: “Giải là người áo vải làm trò nghĩa hiệp, tác uy tác phúc. Việc kẻ hung hăng giết người, Giải tuy không biết nhưng tội này nặng hơn tội chính Giải giết(29), đáng khép vào tội đại nghịch vô đạo.
Bèn giết cả họ Quách Giải ông Bá.
Từ đó về sau, rất nhiều người làm du hiệp nhưng đều kiêu ngạo không đáng kể, ở Quan Trung, Trường An có Phàn Trọng Tử, ở Hòe Lý có Triệu Vương Tôn, ở Trường Lăng có Cao Công Tử, ở Tây Hà có Quách Công Trọng, ở Thái Nguyên có Lỗ Công Nhụ, ở Lâm Hoài có Nhị Trường Khanh, ở Đông Dương có Điền Quân Nhụ tuy làm du hiệp nhưng đều có cái thái độ nhã nhặn khiêm nhường của người quân tử. Đến như họ Diêu ở phương Bắc, bọn Đỗ ở phương Tây. Cừu Cảnh ở phương Nam, Triệu Tha Vũ công tử ở phương Đông, Triệu Điện ở Nam Dương thì đó đều là bọn trộm cướp ở trong dân gian thôi, đáng kể làm gì! Bọn họ làm xấu hổ cho Chu Gia vậy.
5. Thái sử công nói:
Tôi xem Quách Giải tướng mạo không bằng người bình thường, nói năng không có gì đáng chú ý, thế mà tất cả những người hay kẻ dở trong thiên hạ, biết hay không đều hâm mộ danh tiếng của ông ta. Khi nói đến những người nghĩa hiệp, ai cũng nhắc đến tên. Tục ngữ có câu: “người ta lấy danh thơm làm dung mạo, há có khi nào hết”. Ô hô, tiếc thay!
(1) Hàn Phi Tử, thiên Ngũ đố mục đích chê trách cả bọn Nho và bọn du hiệp.
(2) Ý Thiên bênh du hiệp: Hàn Phi chê trách cả hai; thế nhưng trong thực tế thì chỉ bọn du hiệp bị chê bai còn bọn Nho vẫn được trọng vọng.
(3) Ám chỉ Công Tôn Hoằng, Trương Thang. Thuật đây là Nho thuật tác giả mạt sát bọn Ngụy Nho.
Nguyên Hiến người nước Lỗ, học trò Khổng Tử. Khổng Tử chết, Nguyên Hiến trốn vào nơi ao đầm. Tử Cống làm tướng quốc nước Vệ đi xe đến tìm Nguyên Hiến. Tử Cống nói: “Ngài có bệnh hay sao?” Nguyên Hiến đáp: “Tôi nghe nói không có của gọi là nghèo, học đạo không làm được gọi là bệnh. Như Hiến đây là nghèo chứ không phải là bệnh”. Tử Cống thẹn bỏ đi. Công Tích Ai tự Quý Thứ. Khổng Tử nói: “Thiên hạ vô hạnh nhiều người làm gia thần, làm quan ở kinh đô, chỉ có Quý Thứ chưa hề làm quan”.
Đây là tác giả đưa ra những chân Nho đối lập với bọn ngụy Nho.
(4) Thuấn lúc còn hàn vi bị cha ghét, muốn giết đi, sai trèo lên bục lúa rồi châm lửa đốt, lại sai đào giếng, rồi lấp giếng.
(5) Y Doãn cày ở cánh đồng Hữu Sắn mang vạc có hòa ngũ vị đến cho vua Thang ăn.
(6) Phó Duyệt trước khi làm tể tướng vua Vũ Đinh nhà ân thì làm nghề thổ mộc ở Phó Nham.
(7) Lã Thượng tức là Lã Vọng giúp Vũ Vương đánh Trụ.
(8) Di Ngô tức Quản Trọng, vì theo công tử Củ khi Tề Hoàn Công giết công tử Củ, Quản Trọng bị tù.
(9) Bách Lý Hề khi chưa làm thừa tướng Tần làm nghề chăn trâu.
(10) Trọng Ni tức Khổng Tử (Xem Khổng Tử thế gia).
(11) Bá Di phản đối việc Vũ Vương đánh Trụ, trốn lên núi Thú Dương chết đói ở đấy.
(12) Chích, Cược: tên những người ăn trộm thời xưa.
(13) Câu này của Trang Tử.
(14) Chỉ Nguyên Hiến, Quý Thứ.
(15) Chỉ Công Tôn Hoằng. Câu này theo lối phản ngữ, ý nói mỉa.
(16) Duyên Lăng tức Quý Trát người thời Xuân Thu, không thấy nói đến việc tiếp tân khách. Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quận, Xuân Thân Quân đều là những người thời Chiến quốc, số tân khách trong nhà họ đến hai, ba ngàn.
(17) Trách hai phái Nho và Mặc đều hẹp hòi đối với bọn du hiệp.
(18) Tỏ rõ thái độ bênh vực những người du hiệp.
(19) Xem Quý Bố, Loan Bô liệt truyện.
(20) Ý nói khao khát.
(21) Tức Chu Á Phu.
(22) Ca ngợi tài và uy tín của Kịch Mạnh.
(23) Không phải vì triều đình nghiêm trị mà bọn du hiệp hết.
(24) Ý nói Quách Giải không trừng trị kẻ trợn mắt với mình, nhưng những người tuổi trẻ liền trả thù cho Giải mà không nói cho Giải biết.
(25) Vì Giải giấu giếm những người phạm pháp nên họ không sợ mang tội xin đem những người khách này về nhà nuôi. Trở lên kể những hành động đạo đức của Giải khi lớn lên.
(26) Năm 127 trước Công nguyên vua Vũ Đế sai dời những nhà giàu từ ba trăm vạn trở lên đến đất Mậu Lăng.
(27) Vì Giải có tiếng hào phóng nên quan lại sợ mang tiếng che chở.
(28) Để tỏ hành động của mình quang minh và cho người ta khỏi liên lụy.
(29) Rõ ràng lối dùng văn chương làm rối pháp luật.
o0o