Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Sử Ký Tư Mã Thiên

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 60374 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sử Ký Tư Mã Thiên
Tư Mã Thiên

THƯƠNG QUÂN LIỆT TRUYỆN

T hương Quân là con người hầu của một quý tộc nước Vệ , tên là Ưởng , họ là Công Tôn, tổ tiên vốn là họ Cơ . Ưởng lúc nhỏ thích học hình danh , thờ tể tướng nước Nguỵ là Công Thúc Toa làm trung thứ tử . Công Thúc Toa biết Ưởng hiền, nhưng chưa có dịp tiến cử . Khi Toa mắc bệnh , Nguỵ Huệ Vương thân hành đến thăm bệnh, hỏi :
- Nếu như bệnh của Công Thúc đưa đến việc chẳng may thì ai lo việc nước nhà ?
Công Thúc Toa nói :
- Trưng Thứ Tử của Toa là Công Tôn Ưởng , tuy trẻ tuổi, nhưng có tài cao, xin nhà vua giao phó việc nước cho ông ta .
Nhà vua im lặng . Vua sắp đi, Toa đuổi mọi người ra, nói :
- Nếu nhà vua không nghe tôi, không dùng Ưởng , thì phải giết y đi chớ để cho y ra khỏi biên giới.
Nhà vua nhận lời mà đi ra . Công Thúc Toa gọi Ưởng đến từ tạ nói :
- Hôm nay, nhà vua hỏi tôi, ai có thể làm tể tướng, tôi nói anh. Sắc mặt nhà vua có vẻ không tin lời tôi . Tôi trước tiên phải lo đến vua sau mới nghĩ đến bầy tôi, cho nên tôi nói với nhà vua “nếu nhà vua không dùng Ưởng thì phải giết anh ta đi.” Nhà vua đã hứa . Vậy anh phải mau mau trốn đi, nếu không sẽ bị bắt đấy .
Ưởng nói :
- Nhà vua đã chẳng nghe lời của ông cho tôi làm tể tướng , lẽ nào lại có thể nghe lời nói của ông mà giết tôi .
Rốt cuộc Ưởng không đi . Sau khi đi ra, Huệ Vương nói với các quan hầu :
- Công Thúc bệnh nặng , thực đáng thương ! Ông ta muốn quả nhân nghe theo Công Tôn Ưởng để trị nước, há chẳng quá sai lầm sao ?
Sau khi Công Thúc Toa chết, Công Tôn Ưởng nghe tin Tần Hiếu Công ra lệnh trong nước tìm người hiền để nối nghiệp của Tần Mục Công (-659 đến –612 - thời Xuân Thu nổi tiếng là ông vua giỏi, đã làm cho nước Tần bá chủ chư hầu một thời gian.), đem quân sang hướng đông lấy lại đất đai bị cướp, bèn đi sang hướng tây vào đất Tần. Ưởng nhờ một người tôi yêu của Hiếu Công là Cảnh Giám để xin yết kiến Hiếu Công. Khi đã gặp Vệ Ưởng, Hiếu Công nói chuyện một hồi lâu, nhiều khi buồn ngủ , không nghe . Sau đó, Hiếu Công giận, quở Cảnh Giám :
- Người khách của nhà ngươi là người láo, dùng làm sao được !
Cảnh Gíam trách Vệ Ưởng, Vệ Ưởng nói :
- Tôi đem “đế đạo” ra nói (Đem đạo Ngũ Đế ra bàn ý muốn làm cho vua thành Nghiêu, Thuấn.) với nhà vua, nhưng chi nhà vua không hiểu rõ đó thôi .
Năm ngày sau, Cảnh Giám lại xin nhà vua cho Ưởng được yết kiến . Ưởng lại yết kiến Hiếu Công, nhà vua tỏ ra vui vẻ hơn, nhưng vẫn chưa trúng ý nhà vua. Sau đó, Hiếu Công lại trách Cảnh Giám, Cảnh Giám cũng lại trách Vệ Ưởng, Ưởng nói :
- Tôi đem “vương đạo” (Vương đạo của Tam Vương, ý muốn làm cho vua thành Hạ Vũ, Thành Thang, Vũ Vương) ra nói nhưng chưa lọt vào đó thôi . Xin cho Ưởng được yết kiến lần nữa .
Ưởng lại yết kiến Hiếu Công, Hiếu Công khen nhưng vẫn chưa dùng . Sau khi hội kiến đi ra, Hiếu Công nói với Cảnh Giám :
- Người khách của nhà ngươi giỏi đấy, có thể nói chuyện được !
Vệ Ưởng nói :
- Tôi đem “bá đạo” (là đạo làm bá chủ chư hầu như Tề Hoàn Công, Tần Mục Công thời Xuân Thu.) ra nói với nhà vua, ý nhà vua là muốn dùng đấy. Nếu nhà vua còn gọi tôi đến yết kiến thì tôi đã biết phải nói những gì rồi ! (Theo phép du thuyết trước khi nói phải tìm cách dò cho đúng ý muốn của nhà vua rồi mới nói.)
Vệ Ưởng lại yết kiến Hiếu Công . Hiếu Công cùng y nói chuyện không biết đầu gối của mình đã lê đến trước chiếu của y . (Miêu tả vua Tần bị lời lẽ của Ưởng thu hút đến nỗi xích lại gần lúc nào không biết. ) Nói mấy ngày không chán - Cảnh Giám nói :
- Ông làm sao nói đúng ý nhà vua đến nỗi nhà vua vui thích như thế ?
- Tôi đem đạo đế vương ra nói với nhà vua, muốn nhà vua sánh với thời Tam Đại (ba đời - Hạ, Thương, Chu.) , nhưng nhà vua nói “điều đó viễn vông, ta không thể chờ được, vả chăng những vị vua hiền, đều được nổi danh trong thiên hạ, ngay trong đời mình, lẽ nào ngồi bùi ngùi đợi mấy trăm năm mới thành đế vương sao ?” Vì vậy tôi đem cái thuật làm cho nước mạnh nói với nhà vua, nhà vua rất thích. Nhưng cũng khó mà sánh đức với đời Thương, đời Chu được !
Sau khi Hiếu Công dùng Vệ Ưởng. Ưởng muốn thay đổi pháp độ, nhưng sợ thiên hạ bàn tán, Vệ Ưởng nói :
- Hành động không kiên quyết thì không nổi tiếng được, sự việc không xác định thì không nên công cán gì ! Vả chăng, những kẻ làm việc cao hơn người thường bị thế tục chê bai. Những kẻ có ý nghĩ lỗi lạc thế nào cũng bị dân chúng trách móc. Người ngu thì việc đã thành vẫn còn mờ ám không biết ; người khôn thì việc chưa tỏ mầm mống đã thấy rồi. Dân chúng không thể cùng ta lo liệu buổi đầu mà chỉ có thể cùng ta yên vui khi công việc đã xong. Bàn cái “chí đức” không thể hoà đồng với thế tục; làm nên công lớn không cần hỏi ở dân chúng. Vì vậy cho nên bậc thánh nhân nếu có thể tìm cách làm cho nước mạnh thì khi không bắt chước phép cũ, nếu có thể làm cho dân lợi thì không câu nệ ở lề thói ngày xưa .
Hiếu Công nói :
- Phải .
Cam Long nói :
- Không phải thế ! Thánh nhân không đổi dân để dạy, kẻ trí giả không thay đổi pháp độ để trị. Thuận dân tục mà dạy thì không khó nhọc mà lại thành công; theo phép mà trị thì quan lại làm đã quen mà dân cũng thích .
Vệ Ưởng nói :
- Lời của ông Long là lời của thế tục ! Người thường thì thuận theo tục cũ; kẻ học giả say đắm vào những điều mình đã nghe, hai hạng người ấy làm quan giữ phép thì được, chứ không thể cùng bàn đến việc ở ngoài phép tắc. Đời Tam Đại đều làm vương, nhưng lễ khác nhau, Ngũ Bá ( Năm vị vua làm bá chủ chư hầu thời Xuân Thu : Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tống Tương Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương.) đều làm bá, nhưng phép tắc khác nhau. Kẻ trí giả làm ra pháp chế, người ngu lại lo ngăn cản người hiền thay đổi lễ, kẻ bất tiếu lại câu nệ .
Đỗ Chí nói :
- Nếu không có lợi gấp trăm lần thì không thay đổi pháp chế, nếu không có công hiệu gấp mười lần thì không thay đổi đồ dùng. Bắt chước xưa thì không sai lầm, theo lễ thì không lệch lạc .
Vệ Ưởng nói :
- Trị đời không phải chỉ có một cách, trị nước không bắt chước xưa. Vì vậy Thành Thang, Vũ Vương không theo xưa mà làm vương; vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Ân không thay đổi lễ mà nát . Không nên chê người làm trái xưa, không nên khen người chỉ theo lễ .
Hiếu Công nói :
- Phải !
Bèn cho Vệ Ưởng làm tả thứ trưởng rồi ra lệnh thay đổi pháp chế .
Ưởng sai chia dân thành từng nhóm, năm hộ, mười hộ, phải kiểm soát nhau và bị ràng buộc vào nhau. Ai không tố cáo kẻ gian thì bị chém ngang lưng; ai tố cáo kẻ gian thì cũng được thưởng ngang với người chém đầu quân địch; người che giấu quân gian bị phạt ngang với người đầu hàng quân địch. Gia đình có hai người con trai trở lên mà không chia của ở riêng thì bắt đánh thuế gấp đôi. Ai có quân công thì cứ theo thứ bậc mà được thưởng, ai đánh nhau vì việc riêng thì đều bị hình phát lớn hay nhỏ, tuỳ theo nặng hay nhẹ mà trị. Ai ra sức vào nghề nghiệp gốc, cày cấy, dệt vải, cung cấp nhiều lúa thì được tha khỏi sưu dịch; trái lại, ai theo cái lợi trên ngọn (ý nói buôn bán) , cùng những người lười mà nghèo thì đều bắt cùng với vợ con làm nô; người tôn thất mà không có quân công, thì không được ghi vào sổ sách họ nhà vua . Định cấp bậc tước trật cao thấp rõ ràng; ghi tên các ruộng vườn, thần thiếp, áo quần theo số hiệu từng nhà. Ai có công thì hiển vinh, ai không có công thì tuy giàu có cũng không được vinh hoa (Những điều này biểu hiện cụ thể nguyên lý cơ bản của học thuyết “hình danh” : mọi người bình đẳng trước pháp luật, lấy thưởng và phạt làm nguyên lý trị nước, không cần giáo dục.)
Pháp lệnh đã đủ, Ưởng vẫn chưa ban bố vì sợ dân không tin mình. Ưởng bèn dựng một cây gỗ dài ba trượng ở cửa phía nam chợ của kinh đô, quảng cáo rằng, ai có thể mang nó đến cái cửa phía bắc thì cho mười lạng vàng. Dân lấy làm lạ, không ai dám mang đi. Ưởng lại nói :
- Ai có thể mang đi thì cho năm mươi lạng !
Có một người mang, Ưởng liền cho năm mươi lạng, để chứng tỏ mình không lừa dối. Rồi ban bố pháp lệnh.
Lệnh thi hành trong dân gian được chẳn năm. Lúc đầu người ở trong kinh đô nước Tần nói lệnh không tiện có hàng ngàn. Bây giờ thái tử phạm pháp, Vệ Ưởng nói :
- Pháp lệnh mà không thi hành được, là do người trên phạm .
Vệ Ưởng muốn lấy pháp luật trị thái tử, nhưng thái tử là người sẽ nối ngôi cho nên không thể trừng trị. Ưởng trừng trị thái phó của thái tử là Công tử Kiên, chạm vào mặt thầy thái tử là Công Tôn Giả. Ngày hôm sau, người Tần đều theo lệnh. Pháp lệnh thi hành được mười năm, dân Tần rất vui mừng, ngoài đường không nhặt của rơi, trong núi không có trộm cướp, nhà đủ người no, dân dũng cảm trong lúc chiến đấu vì việc công, khiếp sợ không dám đánh nhau vì việc riêng, làng xóm đều được trị an. Trong số những người xưa kia nói lệnh không tiện, có người đến nói lệnh tiện .
Vệ Ưởng nói :
- Đó đều là bọn dân làm cho việc giáo hoá rối loạn .
Bèn dời tất cả những người ấy ra biên giới . Sau đó dân không ai dám bàn bạc gì về pháp lệnh nữa (dân không những không được chê mà cũng không được khen.)
Vua bèn cho Ưởng làm đại lương tạo, đem binh vây đất An Ấp của nước Nguỵ, bắt ấp này phải đầu hàng .
Được ba năm, Ưởng sai xây đắp cung điện và cửa khuyết ở Hàm Dương, Tần dời đô ở Ung đến đấy. Ưởng ra lệnh cắm cha, con , anh em cùng ở chung một nhà; phân cư và hợp các làng, xóm, nhỏ lại thành huyện, đặt chức quan lệnh và thừa. Được tất cả ba mươi mốt huyện. Bỏ bờ ruộng, đường thiên đường mạch, nhờ đó việc đánh thuế được tăng. Thống nhất hộc, thùng, quả cân, cân, thước, tấc. Lệnh thi hành được bốn năm, công tử Kiền lại phạm pháp bị cắt mũi . Được năm năm, người Tần giàu mạnh. Thiên tử biếu Hiếu Công thịt tế ( thiên tử tức vua Hiển Vương nhà Chu, biếu thịt tế để tỏ lòng kính trọng) , chư hầu đều đến mừng. Năm sau, quân Tề đánh bại quân Nguỵ ở Mã Lăng, bắt bỏ tù thái tử Nguỵ là Thân, giết tướng quân Bàng Quyên .
Năm sau (-340) Vệ Ưởng nói với Hiếu Công :
- Nước Tần với nước Nguỵ cũng giống như con người có bệnh trong tim gan vậy. Nếu nước Nguỵ không thôn tính nước Tần, thì nước Tần cũng phải thôn tính nước Nguỵ. Tại sao ? Vì nước Nguỵ ở phía tây dãy núi hiểm đóng đô ở An Ấp cách Tần con sông Hoàng Hà và một mình thu tất cả nguồn lợi miền Sơn Đông. Gặp điều kiện thuận lợi thì Nguỵ đem quân về hướng tây đánh Tần. Nguỵ gặp điều kiện không có lợi thì ta có thể qua phía đông để mở đất. Nay Tần được lúc nhà vua hiền thánh, nước nhờ vậy cường thịnh ; trái lại nước Nguỵ năm ngoái bị Tề đánh thua to, chư hầu làm phản. Ta có thể nhân lúc này mà đánh Nguỵ. Nguỵ không chống cự nổi Tần, thì thế nào cũng phải dời về đông. Nguỵ dời về đông, Tần nhờ sự hiểm trở của núi sông quay mặt về đông để khống chế chư hầu, đó là cái nghiệp đế vương vậy .
Hiếu Công cho là phải, sai Vệ Ưởng làm tướng đánh Nguỵ. Nước Nguỵ sai Công tử Ngang làm tướng đón đánh. Khi hai quân gần nhau, Vệ Ưởng đưa thư cho tướng Nguỵ là công tử Ngang, nói :
- “Tôi trước đây chơi thân với Công tử, nay cả hai đều làm tướng của hai nước, không nỡ đánh nhau. Tôi muốn gặp mặt công tử ăn thề, uống rượu mừng và bãi binh để cho Tần và Nguỵ được yên”.
Công tử Ngang nước Nguỵ cho là phải . Hội họp ăn thề xong , uống rượu . Vệ Ưởng phục võ sĩ bắt Công tử Ngang bỏ tù, nhân đó đánh quân Ngang, đem Ngang về Tần. Binh của Nguỵ Huệ Vương mấy lần bị quân Tề, quân Tần đánh phá, trong nước trống rỗng, ngày càng hao mòn nên lo sợ . Nguỵ Huệ Vương bèn sai sứ cắt đất Tây Hà dâng cho Tần để giảng hoà . Rồi Nguỵ phải bỏ An Ấp, dời đô đến Đại Lương . Lương Huệ Vương (sau khi Nguỵ dời đô đến Đại Lương , đổi tên nước là Lương, nên gọi là Lương Huệ Vương ) nói :
- Quả nhân hối hận không nghe lời của Công Thúc Toa ! ( ý nói giết Vệ Ưởng.)
Sau khi đánh phá quân Nguỵ trở về . Tần phong cho Vệ Ưởng mười lăm ấp ở đất Ư, đất Thương hiệu là Thương Quân .
Thương Quân làm tể tướng nước Tần mười năm, tôn thất và gia đình quyền quí nhiều người oán . Triệu Lương ra mắt Thương Quân . Thương Quân hỏi :
- Ưởng được gặp ông là nhờ Mạnh Lan Cao tiến cử , nay Ưởng muốn được kết bạn với ông có được không ?
Triệu Lương nói :
- Tôi không dám mong được thế . Khổng Khâu có nói, “Nếu tiến cử người hiền thì những người yêu dân tự tiến cử mình; nếu tụ họp bọn bất tiếu thì những người theo vương đạo tự rút lui.” Tôi là kẻ bất tiếu, cho nên không dám vâng mệnh. Tôi nghe nói, “không phải địa vị của mình mà lại giữ lấy là tham địa vị ; không phải cái danh tiếng của mình mà cứ chiếm lấy là tham danh”. Tôi nếu chịu cái ơn của ngài, sợ là tham địa vị, tham danh, cho nên không dám vâng mệnh .
Thương Quân nói :
- Người không vừa ý về việc ta cai trị nước Tần sao ?
Triệu Lương nói :
- Tự nghe mình là thông, nhìn vào mình là minh, thắng được mình là cường . Vua Thuấn có nói, “Kẻ tự cho mình là thấp thì đáng tôn quí vậy”, ngài có lẽ nên làm như vua Thuấn không nên hỏi tôi .
Thương Ưởng nói :
- Trước kia tập tục ở Tần bắt chước theo bọn Nhung, Địch : cha con không phân biệt, cùng ở chung một nhà . Nay ta thay đổi cách dạy dỗ làm cho con trai con gái phân biệt , xây dựng cung điện to lớn cũng như ở nước Lỗ, nước Vệ . Ngươi xem ta cai trị nước Tần với Ngũ Cổ đại phu (Bách Lý Hề tể tướng đời Tần Mục Công) thì ai giỏi hơn ?
Triệu Lương nói :
- Một nghìn tấm da dê không quá bằng cái nách của một con cáo , một nghìn người vâng dạ , không bằng một người nói thẳng . Vua Vũ Vương nhờ bầy tôi nói thẳng nên thịnh vượng , vua Trụ nhà Ân vì bầy tôi a dua nên mất . Nếu ngài không cho Vũ Vương là không phải , thì tôi xin nói thẳng suốt ngày mà ngài đừng trị tội tôi. Như thế có được không ?
Thương Quân nói :
- Tục ngữ có câu, “Lời nói trau chuốt là phú hoa, lời nói ngay là thành thực ; nói khó nghe là thuốc, nói ngọt là bệnh tật.” Nếu ông quả thực chịu suốt ngày nói điều thẳng, thì đó thuốc cho Ưởng này . Ưởng phải thờ ông làm thầy, lẽ nào ông lại chối từ ?
Triệu Lương nói :
- Ngũ Cổ đại phu là người nhà quê ở đất Kinh (1) , nghe tin Tần Mục Công hiền, được yết kiến, đi không có tiền, tự bán mình cho người khách ở Tần, mặc áo cộc chăn dê . Được chẳn một năm, Tần Mục Công biết đến , cất nhắc từ dưới miệng trâu mà đặt trên đầu trăm họ , nước Tần không ai dám oán trách . Làm tể tướng nhà Tần sáu bảy năm, phía đông đánh Trịnh, ba lần lập vua nước Tấn, một lần cứu hoạ nước Sở, thi hành giáo hoá ở trong bờ cõi , làm cho người đất Ba đến nộp đồ cống, đức ban ra các chư hầu và các rợ Nhung đều theo phục. Do Dư nghe vậy, đến cửa khuyết xin yết kiến . Ngũ Cổ đại phu làm tể tướng nước Tần, lúc mệt không ngồi xe, lúc nắng không che lọng, đi ở trong nước không có xe tuỳ tùng, không có người mang giáo mác hộ vệ, công lao ghi ở sử sách, đức hạnh lưu lại đời sau . Khi Ngũ Cổ đại phu chết, trai gái nước Tần chảy nước mắt, trẻ con không ca hát, người giả gạo không hò, đức của Ngũ Cổ đại phu là như thế . Nay ngày yết kiến vua Tần nhờ người tôi yêu là Cảnh Giám tiến cử, đó không phải là cách để có danh dự (2). Ngài làm tể tướng không lo đến trăm họ mà lại ra sức xây cung khuyết, không phải là cách lập công. Về mặt hình phạt thì chạm vào mặt sư phó của thái tử, dùng hình phạt nặng nề để tàn hại nhân dân, như vậy là cách nuôi oán, chất hoạ .
-----------------------
1. Bách Lý Hề người nước Ngu . Nước Ngu bị Tần diệt . Bách Lý Hề bỏ trốn bị người nhà quê đất Kinh (đất Sở) bắt . Tần Mục Công nghe nói Bách Lý Hề là người hiền, nên lấy năm tấm da dê mà đổi , vì vậy Bách Lý Hề cũng gọi là “ông đại phu năm tấm da dê” (Ngũ Cổ đại phu).
2. Cảnh Giám là hoạn quan . Triệu Lương chê Thương Ưởng dùng lối luồn lọt để được tiến cử .
----------------------------
Tự mình tu đức để giáo hoá dân, thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên, thì nhanh hơn pháp luật . Nay ngài lập uy quyền một cách trái, biến pháp một cách sai đã tám năm nay ; ngài lại giết Chúc Hoan và chạm vào mặt Công Tôn Giả . Kinh Thi nói , “Ai được nhân tâm thì hưng thịnh, ai mất nhân tâm thì tan vỡ.” Mấy việc trên đây không phải là việc thu được nhân tâm . Khi ngài đi ra xe tuỳ tùng có hàng chục, xe đi theo mang áo giáp, người khoẻ mạnh xương sườn liền nhau cùng ngồi tham thặng, kẻ cầm giáo mác chạy hộ vệ bên xe . Nếu thiếu một trong những điều này là ngài không đi. Kinh Thư nói, “Ai cậy vào đức thì sẽ hưng thịnh, ai cậy vào sức thì sẽ mất.” Ngài đang nguy như hạt móc buổi sáng, thế mà lại còn muốn sống lâu sao được ? Tại sao ngài không trả lại mười lăm ấp, vui làm vườn ở nơi xa, khuyên vua Tần cất nhắc kẻ sĩ ở ẩn trong núi sâu, nuôi người già, hỏi thăm người cô (không anh, không cha), kính bậc cha anh, sắp xếp những người có công, tôn những người có đức, như thế may ra có thể an được chút ít . Nếu ngài còn tham cái giàu có ở ấp Thương , ấp Ư, chất chứa điều oán giận của trăm họ , thì một khi vua Tần rời bỏ tân khách mà không ra triều, người nước Tần bắt ngài là sự hiển nhiên, điều nguy vong có thể đứng nhón chân mà đợi !
Thương Quân không nghe theo .
Năm tháng sau, Tần Hiếu Công mất, thái tử lên ngôi. Bọn Công tử Kiền báo Thương Quân muốn làm phản. Vua sai người bắt Thương Quân . Thương Quân bỏ trốn, đến cửa quan muốn vào ở nhà trọ . Người nhà trọ không biết đó là Thương Quân, nói :
- Theo phép của Thương Quân, cho người ở trọ không có giấy chứng nhận thì bị liên luỵ .
Thương Quân thở dài mà rằng :
- Than ôi ! Cái tệ hại của kẻ làm pháp lệnh đến như thế ư !
Thương Quân trốn sang Nguỵ . Người Nguỵ giận y lừa Công tử Ngang và đánh phá quân Nguỵ , nên không nhận . Thương Quân muốn đi sang nước khác . Người Ngụy nói :
- Thương Quân là thằng giặc của Tần . Nước Tần mạnh, ta không tống cổ tên giặc đã vào đất Nguỵ về thì không được .
Bèn đuổi về Tần . Thương Quân sau khi trở lại nước Tần, chạy về ấp Thương cùng bọn tôi tớ đem binh về hướng bắc đánh đất Trịnh. Tần đem binh đánh Thương Quân, giết y ở Dẫn Trì thuộc đất Trịnh . Tần Huệ Vương lấy xe xé xác Thương Quân để thị uy , nói :
- Chớ có làm phản như Thương Quân !
Rồi giết cả nhà Thương Quân .
Thái Sử Công nói : Thương Quân là người thiên tư khắc bạc . Xét việc y muốn nói thuật làm đế vương với Hiếu Công, đem lý thuyết viễn vông ra nói không phải là thực tâm của ông ta . Ông ta nhờ người tôi tớ vua yêu mà được tiến cử , rồi khi được dùng , lại trị Công tử Kiền , lừa tướng Nguỵ là Ngang , không nghe theo lời Triệu Lương , như thế cũng đủ thấy Thương Quân ít làm ân đức . Tôi thường đọc sách nói về việc mở mang bờ cõi, cày ruộng, đánh trận của Thương Quân, thấy giống như việc ông làm. Cuối cùng ông ta mang cái tiếng xấu ở Tần cũng là đáng lắm !
 

<< NGŨ TỬ TƯ LIỆT TRUYỆN | Truyện Tô Tần >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 742

Return to top