K huất Nguyên tên là Bình cùng họ với vua nước Sở. Bình làm chức tả đô đời Sở Hoài Vương, học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ. Vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh, ra thì tiếp đãi khách khứa, ứng đối với chư hầu. Nhà vua rất tin dùng. Đại phu Thượng Quan (l) cùng ông ngang hàng, tranh được vua yêu trong bụng ghen ghét tài năng.
Hoài Vương sai Khuất Nguyên làm pháp lệnh, Khuất Nguyên nháp bản thảo chưa xong, đại phu Thượng Quan trông thấy muốn cướp lấy, Khuất Nguyên không cho, ông ta bèn gièm với vua:
- Bệ hạ sai Khuất Bình làm pháp lệnh, không ai là không biết. Mỗi khi lệnh ban ra, Bình lại khoe công của mình, nói: “ Ngoài ta ra, chẳng ai làm nổi ”.
Nhà vua giận, bỏ rơi Khuất Bình.
2. Khuất Bình giận về nỗi nhà vua nghe không phân biệt phải trái, để lời gièm pha che mất óc sáng suốt, để kẻ gian ác làm hại người trung thành, khiến cho người ngay không có chỗ dung thân, cho nên lo buồn nghĩ ngợi mà làm ra “ Ly Tao ”.
“ Ly Tao ” cũng như là buồn trong chia ly. Trời là khởi thủy của loài người. Cha, mẹ là gốc của con người. Người ta gặp lúc khốn cùng thì quay về gốc. Cho nên hễ khó khóc mỏi mệt, ốm đau, không ai không kêu trời ! Khi đau xót, thương cảm, không ai không kêu cha mẹ. Khuất Bình theo đạo ngay đi đường thẳng, dốc hết lòng trung, đưa hết trí khôn ra thờ vua,nhưng lại bị kẻ gièm pha ly gián, có thể gọi là ở vào cảnh khốn cùng vậy ! Mình tín mà bị ngờ vực, mình trung mà bị chỉ trích, làm sao khỏi oán thán ! Khuất Bình viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy ! Thơ Quốc Phong mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu Nhã oán trách mà không loạn. Như Ly Tao thực là gồm được cả hai. Trên kể từ Đế Cốc, dưới nói đến Tề Hoàn, giữa thuật truyện vua Thang và Vũ, chỉ trích việc đời. Nó nêu rõ tầm quan trọng của đạo đức, nguyên nhân làm nước nhà trị hay loạn, không có chuyện gì là không nói đến. Văn ông ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng; việc nhắc đến tuy gần, nhưng nghĩa thì xa. Chí ông trong sạch nên hay nói đến cái hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp. ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với mặt trăng, mặt trời vậy! (3).
3. Sau khi Khuất Nguyên bị truất, nước Tần muốn đánh Tề, nhưng Tề hợp tung với Sở. Tần Huệ Vương lo ngại bèn sai Trương Nghi giả vờ bỏ Tần, mang nhiều tiền của tình nguyện thờ nước Sở. Trương Nghi nói:
- Tần ghét Tề, nhưng Tề lại hợp tung, thân với Sở. Nếu Sở tuyệt giao với Tề thì Tần sẽ xin dâng sáu trăm dặm đất ở Thượng Ư.
Sở Hoài Vương tham đất, lại tin lời Trương Nghi, bèn tuyệt giao với Tề, sai sứ sang Tần nhận đất. Trương Nghi nói dối sứ giả:
- Nghi hẹn cho nhà vua sáu dặm, chứ có phải làm sáu trăm dặm đâu.
Sứ thần Sở giận, ra về, nói lại với Hoài Vương. Hoài Vương giận, đem đại quân đánh Tần. Tần đem quân đánh lại phá tan quân Sở ở sông Đan, sông Tỉnh, cém tám vạn đầu bắt tướng Sở là Khuất Cái, lấy đất Hán Trung của Sở. Hoài Vương bèn đem tất cả quân trong nước Sở đánh sâu vào nước Tần. Hai bên đánh nhau ở Lam Điền. Nước Ngụy nghe tin, đánh úp Sở, đem quân đến đất Đặng. Quân Sở lo sợ từ nước Tần trở về, còn quân Tề thì giận không cứu Sở. Sở khốn to.
Năm sau. Tần cắt đất Hán Trung để giảng hoà với Sở. Vua Sở nói:
- Không cần được đất ! Xin được Trương Nghi là hả dạ.
Trương Nghi nghe vậy liền nói:
- Lấy một mình Nghi mà đổi được đất Hán Trung vậy thần xin đi sang Sở.
Khi sang Sở, Nghi lại dùng nhiều của đút lót cho viên quan cầm quyền là Cận Thượng bày cách nói với người vợ yêu của Hoài Vương là Trịnh Tụ. Kết quả, Hoài Vương nghe lời Trịnh Tụ lại tha cho Trương Nghi về.
Khi ấy Bình đã bị nhà vua bỏ rơi không còn ở lại địa vị cũ. Bình đi sứ ở Tề, quay về can Hoài Vương:
- Sao không giết Trương Nghi đi?
Hoài Vương hối hận cho người đuổi theo Trương Nghi, nhưng không kịp nữa.
Về sau, chư hầu cùng nhau đánh Sở, phá tan quân Sở, giết tướng Sở là Đường Muội. Bấy giờ Chiêu Vương nước Tần thông gia với Sở, muốn họp mặt với Hoài Vương. Hoài Vương toan đi, Khuất Bình can:
- Tần là nước hùm sói, không thể tin ? Đừng đi là hơn.
Con nhỏ của Hoài Vương là Tử Lan, khuyên nhà vua nên đi:
- Sao lại để mất lòng vua Tần ?
Hoài Vương bèn ra đi. Khi vào đất Vũ Quan, Tần sai phục binh cắt đứt đường về, nhân giữ Hoài Vương lại để đòi cắt đất. Hoài Vương giận, không chịu, bỏ trốn sang Triệu, Triệu không chứa, Hoài Vương lại về Tẩn, rốt cục chết ở Tần, rồi đưa về chôn ở Sở.
Con cả của Hoài Vương lên ngôi tức là Khoảnh Tương Vương. Khoảnh Tương Vương cho em là Tử Lan làm lệnh doãn. Người nước Sở vẫn cho việc khuyên Hoài Vương sang Tần không về là tha tội của Tử Lan (4).
4. Khuất Bình cũng ghét chuyện ấy. Tuy bị ruồng bỏ, xua đuổi, ông vẫn lo toan nước Sở, lòng vẫn nghĩ đến Hoài Vương, cứ mong trở về, mong có một ngày nào nhà vua tỉnh ngộ, tập tục sẽ thay đổi. Lòng ông chỉ mong sao cho nhà vua được còn, nước được mạnh, trong một bài, ông nhắc đi nhắc lại điều ấy đến ba lần. Nhưng rốt cục vẫn không làm sao được ! Điều đó, chứng tỏ Hoài Vương suốt đời không tỉnh ngộ.
Người làm vua, không kể dại hay khôn, hiền hay dở đều muốn tìm kẻ trung thần để trị nước, cất nhắc kẻ giỏi để giúp mình. Vậy mà chuyện nước mất nhà tan thì cứ kế tiếp nhau diễn ra, trái lại cái cảnh vua thánh nước trị thì mấy đời cũng không thấy có. Đó là vì cái bọn gọi là trung kia không phải là trung, và cái bọn giỏi kia không phải là giỏi vậy. Hoài Vương vì không biết phân biệt kẻ trung thần cho nên ở trong thì bị Trịnh Tụ làm mê hoặc, ở ngoài bị Trương Nghi lừa dối, rốt cục ruồng bỏ Khuất Bình mà tin đại phu Thượng Quan, lệnh doãn Tử Lan. Rốt cục quân thua, đất bị cắt, mất đứt sáu quận, chết bỏ xác ở đất Tần, làm trò cười cho thiên hạ. Đó đều do không biết người mà mắc vạ, Kinh Dịch nói: “ Giếng sạch chẳng ăn, lòng ta băn khoăn ! Đạo ta có thể đem ra dùng, vua sáng dùng đạo ta, mọi người đều nhờ phúc ”. Vua không sáng thì thực là vô phúc vậy !
Lệnh doãn Tử Lan biết chuyện cả giận, kết quả sai đại phu Thượng Quan gièm Khuất Nguyên với Khoảnh Tương Vương. Khoảnh Tương Vương giận đày ông (5).
5. Khuất Nguyên đến bờ sông, xõa tóc đi, ngâm nga trên bờ đầm, sắc mặt tiều tụy, hình dung khô héo. Một ông cụ đánh cá, thấy hỏi ông ta:
- Ông là quan tam lư đại phu (6) đấy phải không ? Vì sao ông đến nỗi này.
Khuất Nguyên nói:
- Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ một mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên bị đuổi.
Cụ đánh cá nói:
- Người thánh nhân không khư khư ở một vật, mà biết thay đổi theo đời. Tất cả đều nhơ đục sao ông không xuôi theo dòng làm cho sóng lên cao ? Tất cả mọi người đều say, sao ông không nhai bã rượu và húp rượu ? Vì cớ gì lại ôm ngọc cẩn, giữ ngọc du trong người để đến nỗi bị đuổi !
Khuất Nguyên nói:
- Tôi nghe nói, khi vua gội đầu xong thì người ta phủi mũ, khi vua tắm xong thì người ta giũ áo, lẽ nào để cái thân trong trắng bị vật làm nhơ bẩn đi. Ta thà gieo mình xuống sông Tương, chôn mình trong bụng cá, lẽ nào để cái bản chất trắng ngần của ta chịu bụi bậm của đời ?
Bèn làm bài phú Hoài sa, đoạn ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà chết (7).
6. Sau khi Khuất Nguyên đã chết, nước Sở có bọn Tống Ngọc, Đường Lạc, Cảnh sai đều thích văn chương và nổi tiếng về lối phú. Song họ chỉ biết bắt chước Khuất Nguyên về chỗ lời lẽ dịu dàng chứ không ai dám nói thẳng. Nước Sở ngày càng hao mòn, sau mấy chục năm cuối cùng bị nước Tần tiêu diệt.
Sau khi Khuất Nguyên chết đuối ở Mịch La hơn trăm năm, đến đời Hán, có Giả Nghị (8) làm thái thú của Trường Sa Vương, qua sông Tương ném thư xuống sông để điếu Khuất Nguyên (9).
7. Thái sử công nói:
- Tôi đọc Ly Tao, Thiên Vấn, Chiêu Hồn, Ai Sinh thương chí ông. Tôi sang Trường Sa xem quãng sông Khuất Nguyên trẫm mình, không lần nào không khóc. Khi thấy Giả Sinh viếng ông, tôi lấy làm lạ về chỗ tài giỏi như Khuất Nguyên nếu đi sang chư hầu thì nước nào mà chẳng dùng, tại sao lại làm khổ mình như thế ? Đến khi đọc bài phú “ Phục Điểu ” thấy nói đến việc coi sống chết như nhau, coi thường việc đi hay ở, bấy giờ lòng luống bâng khuâng tự biết là lầm !
................................................................
(l). Có sách chú Thượng Quan là họ, có sách chú Thượng Quan đại phu là chức quan.
(2). Đoạn l: Khuất Nguyên bị nhà vua bỏ rơi.
(3) Đoạn 2: Giá trị của Ly Tao. Bài này có một ý nghĩa rất lớn. ở âu châu, trong lịch sử, người ta không nói đến các nhà văn. Mãi đến thế kỷ XVIII, Vônte trong “ Lịch sử thế kỷ Lu-i XIV ” mới có một chương dành cho văn học. Tư Mã Thiên dành cả một chương cho Khuất Nguyên với những lời lẽ đanh thép, quyết định. Ngoài Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên còn nói đến những nhà làm phú như Giả Nghị, Tư Mã Tương Như v.v..., cùng với tất cả các nhà tư tưởng gia. Trước ông không ai nhắc đến Khuất Nguyên, sau ông không ai đánh giá Khuất Nguyên đúng bằng. Ở Trung Quốc cổ chưa có phê bình văn học, chỉ có sự phê bình qua ý nghĩa chính trị chứ không nói đến sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Đoạn này là một thứ ngoại lệ.
(4). Tình hình nước Sở sau khi Khuất Nguyên bị đuổi.
(5). Tâm sự u uất của Khuất Nguyên.
(6). Chức quan coi ba họ tôn thất của Sở.
(7). Đoạn 5: Trích bài Ngư Phủ Từ của Khuất Nguyên. Bài này tác giả dùng lối vấn đáp để bày tỏ lòng mình. Nhân vật ông lão đánh cá là một nhân vật tượng trưng.
(8). Giả Nghị, một nhà chính trì, nhà văn có tiếng đời Hán Văn Đế chết năm 33 tuổi được Tư Mã Thiên chép chung vào một thiên với Khuất Nguyên. Ở đây không dịch phần nói về Giả Nghị. Giả Nghị có tài nhưng không được nhà vua dùng cho đi làm thái phó của Trường Sa Vương, đến Trường Sa cảm thông cảnh ngộ của Khuất Nguyên làm bài Điếu Khuất Nguyên trong đó có câu “ Nhìn chín châu mà tìm vua chừ ! Có gì mà phải nhớ mong kinh đô ấy ? ”. Ý hỏi tại sao Khuất Nguyên không sang nước khác. Nhưng ở bài Phục Điểu Phú (bài phú con cú) thì Giả Nghị nói “ Sống kia như trôi chừ, chết kia như nghỉ ”. Ý nói mình lầm chưa hiểu nổi Khuất Nguyên. Khuất nguyên không phải là hạng Tô Tần lo mưu lợi cho mình mà là người yêu nước cho nên coi thường sống chết.
(9). Đoạn 6: Nước Lỗ sau khi Khuất Nguyên chết.
o0o