Mùa hạ năm ấy, Vệ Linh Công mất, lập người cháu tức là Xuất Công của nước Vệ. Tháng sáu, Triệu Ưởng đưa thái tử vào thành Thích (23). Dương Hổ sai thái tử mang mũ trụ và tám người mặc đồ tang giả vờ đi từ nước Vệ đến đón thái tử, khóc và vào thành Thích, rồi ở đấy. Mùa đông vua đất Thái dời đô đến Châu Lai. Năm ấy là năm thứ ba đời Lỗ Ai Công, Khổng Tử 60 tuổi. Nước Tề giúp nước Vệ vây đất Thích và thái tử nước Vệ là Khoái Ngoại ở đấy. Mùa hạ, ngôi miếu của Hoàn Công và Ly Công ở nước Lỗ bị đốt cháy. Nam Cung Kinh Thúc cứu hỏa. Khổng Tử lúc ấy đang ở đất Trần, nói:
- Hỏa hoạn thế nào cũng đang xảy ra ở miếu của Hoàn Công và Ly Công.
Sau đó quả nhiên đúng.
Mùa thu, Quý Hoàn Tử ốm, người ta chở ông ta trên một cái xe đi thăm thành nước Lỗ. Quý Hoàn Tử thở dài than:
- Xưa kia nước này đáng lẽ hưng thịnh! Vì ta có tội với Khổng Tử cho nên nước mới suy đồi.
Quý Hoàn Tử quay lại bảo người con nối nghiệp mình là Khang Tử:
- Khi ta chết, thế nào con cũng làm tể tướng nước Lỗ; nếu làm tể tướng nước Lỗ thế nào con cũng phải mời Trọng Ni.
Sau đó mấy ngày, Quý Hoàn Tử chết, Khang Tử lên thay. Sau khi chôn cất xong, Khang Tử muốn mời Trọng Ni nhưng Công Chi Ngư nói:
- Ngày xưa tiên quân của ta dùng ông ta không trót cho nên bị chư hầu chê cười. Ngày nay, nếu ngài lại dùng ông ta không trót thì sẽ bị chư hầu cười lần nữa.
Khang Tử nói:
- Như thế thì nên mời ai?
- Thế nào cũng phải mời Nhiễm Cầu.
Khang Tử bèn sai sứ mời Nhiễm Cầu. Nhiễm Cầu sắp ra đi, Khổng Tử nói:
- Người Lỗ mời anh Cầu không phải để dùng vào việc nhỏ mà sẽ dùng vào việc lớn.
Ngày hôm ấy, Khổng Tử nói:
- Về thôi! Về thôi! Bọn học trò của ta hăng hái nhưng nông nổi, họ đã khá về mặt đạo đức, nhưng chưa biết giữ mình theo đúng đạo.
Tử Cống biết Khổng Tử nghĩ đến việc trở về nước Lỗ, nên khi tiễn Nhiễm Cầu, nhân dặn ông ta:
- Khi anh được dùng thì phải làm thế nào cho nhà vua mời thầy.
Nhiễm Cầu ra đi. Năm sau, Khổng Tử từ đất Trần đến đất Thái. Thái Chiêu Công đang định đến đất Ngô vì vua Ngô mời. Trước đấy, Thái Chiêu Công lừa dối bầy tôi dời đô đến Châu Lai. Sau đó, ông ta lại định đi. Các quan đại phu sợ ông ta dời đô lần thứ hai. Vì vậy Công Tôn Phiên bắn Chiêu Công chết. Quân Sở xâm chiếm nước Thái.
Mùa thu, vua Tề Cảnh Công chểt. Năm sau, Khổng Tử từ đất Thái đi đến đất Diệp. Diệp Công hỏi Khổng Tử về chính sự. Khổng Tử nói:
- Làm chính sự cốt ở chỗ làm cho người ở xa đến và người ở gần theo mình.
Một hôm, Diệp Công hỏi Tử Lộ:
- Khổng Tử là người như thế nào?
Tử Lộ không biết trả lời ra sao. Khổng Tử nghe vậy nói:
- Này anh Do, tại sao anh không trả lời như thế này: con người ấy học đạo không biết mỏi, dạy người không biết chán. Khi chưa biết đạo thì phát phẫn đến nỗi quên ăn. Khi biết đạo thì vui đến nỗi quên lo, không biết tuổi già sắp đến.
Khổng Tử rời bỏ đất Diệp trở về đất Thái. Trường Thư và Kiệt Nịch đánh đôi cùng cày. Khổng Tử cho họ là những người ở ẩn, bèn sai Tử Lộ đến hỏi họ xem bến đò ở đâu. Trường Thư nói:
- Con người cầm dây cương ấy là ai thế?
Tử Lộ đáp:
- Khổng Khâu đấy.
Trường Thư nói:
- Khổng Khâu nước Lỗ đấy à?
Tử Lộ đáp:
- Phải.
Trường Thư nói:
- Thế thì ông ta biết bến đò rồi !
Kiệt Nịch bảo Tử Lộ:
- Anh là ai?
Tử Lộ đáp:
- Tôi là Trọng Do.
Kiệt Nịch hỏi:
- Anh là học trò Khổng Khâu phải không?
- Vâng ạ.
Kiệt Nịch nói:
- Thiên hạ như nước chảy cuồn cuộn đều như thế cả, ai mà thay đổi được? Vả lại ông theo một kẻ sĩ lo tránh người chi bằng theo một kẻ sĩ lo tránh đời (24).
Rồi hai người cứ cày miết mà không nói. Tử Lộ nói lại với Khổng Tử. Khổng Tử bùi ngùi nói:
- Ta không thể cùng sống với chim muông. Nếu thiên hạ có đạo thì ta cần sửa nó làm gì?
Một hôm, Tử Lộ đi đường gặp một ông già đang mang trên lưng một cái sọt. Tử Lộ hỏi:
- Cụ thấy thầy của tôi không?
Ông già nói:
- Chân tay anh không lo làm lụng, ngũ cốc anh không phân biệt được, Ta biết thầy của anh là ai?
Cụ già cắm gậy xuống đất rồi cắt cỏ. Tử Lộ nói với Khổng Tử. Khổng Tử nói:
- Đó là một người ở ẩn.
Tử Lộ quay lại thì cị già đã đi mất.
Khổng Tử dời đến ở đất Thái được ba năm. Nước Ngô đánh nước Trần, nước Sở cứu người Trần, đóng quân ở Thành Phụ. Nghe tin Khổng Tử ở miền đất Trần, đất Thái, vua Sở sai người đem lễ mời Khổng Tử đến nước Sở. Khổng Tử sắp đến chào sứ giả theo đúng lễ. Các quan đại phu đất Trần và đất Thái bàn nhau:
- Khổng Tử là người hiền. Những điều ông ta chê bai đều nhằm đúng vào những chỗ xấu của chư hầu. Nay ông ta ở lâu miền Trần, Thái mà những điều các quan đại phu làm đều sai trái không đúng ý của ông ta. Nước Sở là một nước lớn đem lễ đến mời. Nếu ông ta được dùng ở nước Sở thì các quan đại phu đang được dùng ở đất Trần, đất Thái sẽ nguy mất.
Họ bèn bàn nhau cho bọn đầy tớ vây Khổng Tử ở ngoài đồng, không cho đi. Khổng Tử hết lương ăn, những người đi theo đều ốm không ai dậy được, nhưng Khổng Tử vẫn giảng giải, vẫn ngâm thơ, đánh đàn và ca hát không tỏ ra suy yếu. Tử Lộ có vẻ giận, đến hỏi:
- Người quân tử cũng có lúc cùng khốn ư?
Khổng Tử nói:
- Người quân tử trong lúc cùng khốn thì giữ vững, còn kẻ tiểu nhân trong lúc cùng khốn thì làm bậy.
Tử Cống mặt nổi nóng. Khổng Tử nói:
- Này anh Tứ! Anh cho ta học nhiều mà biết phải không?
Tử Cống nói:
- Dạ, đúng thế. Không phải thế hay sao?
Khổng Tử nói:
- Không phải đâu! Ta lấy một điều để quán triệt tất cả (25).
Khổng Tử biết học trò có vẻ tức tối, bèn gọi Tử Lộ đến hỏi:
- Kinh Thi nói: “Chẳng phải con trủy (26) chẳng phải con hổ ở ngoài đồng vắng”. Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?
Tử Lộ nói:
- Theo ý của con, có lẽ vì chúng ta chưa “nhân” chăng nên người ta chưa tin chúng ta. Có lẽ chúng ta chưa “trí” chăng nên người ta không cho chúng ta đi? (27)
- Nào phải thế đâu! Này anh Do, nếu như người nhân thế nào cũng được người ta tin thì làm gì có chuyện Bá Di, Thúc Tề nữa, nếu như người trí gặp việc gì cũng thông suốt thì làm gì có Vương Tử, Tỉ Can nữa (28).
Tử Lộ đi ra, Tử Cống vào yết kiến. Khổng Tử nói:
- Này anh Tứ, Kinh Thi nói: “Chẳng phải con trủy chẳng phải con hổ ở ngoài đồng vắng”. Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này ?
Tử Cống nói:
- Đạo của thầy hết sức lớn cho nên thiên hạ không ai dung nạp được. Thầy phải hạ thấp một chút.
- Này anh Tứ! Người giỏi nghề nông có thể biết vãi giống nhưng không chắc là gặt được. Người thợ giỏi có thể làm khéo nhưng không thể làm cho người ta vừa lòng. Người quân tử trau dồi đạo đức của mình theo những đường lối chính và giữ nó, điều chỉnh nó mà không thể làm cho nó được người ta theo. Anh không lo trau dồi đạo của mình mà chỉ lo người ta dung nạp mình. Cái chí của anh Tứ không phải là xa.
Tử Cống đi ra. Nhan Hồi vào yết kiến. Khổng Tử nói:
- Này anh Hồi, Kinh Thi nói: “Chẳng phải con trủy chẳng phải con hổ ở ngoài đồng vắng”. Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?
Nhan Hồi nói:
- Đạo của phu tử hết sức lớn lao nên cả thiên hạ không ai dung nạp được. Nhưng phu tử cứ theo đó mà làm, người ta không dung nạp thì có hại gì? Người ta không dung nạp nhưng sau này người ta sẽ thấy phu tử là người quân tử. Đạo không được trau dồi, đó là cái điều ta lấy làm xấu hổ. Đạo đã trau dồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua một nước. Người ta không dung nạp phu tử thì có hại gì? Về sau người ta sẽ thấy phu tử là người quân tử?
Khổng Tử hớn hở cười:
- Đúng lắm! Hỡi người con họ Nhan, nếu nhà ngươi lắm của cải thì ta sẽ làm người quản lý của cải cho nhà ngươi.
Sau đó, Khổng Tử sai Tử Cống sang Sở. Sở Chiêu Vương đem binh đón Khổng Tử, kết quả Khổng Tử mới được thoát. Chiêu Vương định phong cho Khổng Tử miếng đất trong sổ sách có 700 lý (29). Quan lệnh doãn nước Sở là Tử Tây nói:
- Trong số các sứ giả nhà vua phái đến các nước chư hầu có ai bằng Tử Cống không?
- Không.
- Trong số những người giúp đỡ nhà vua có ai bằng Nhan Hồi không?
- Không.
- Trong số các tướng của nhà vua, có ai bằng Tử Lộ không?
- Không.
- Trong số các quan của nhà vua có ai bằng Tề Dư không?
- Không.
- Không những thế, tổ tiên nước Sở cũng chỉ được nhà Chu phong với cái tước hiệu là “tử” và năm mươi dặm đất (30). Nay Khổng Khâu theo phép tắc của Tam Vương, làm sáng cả cơ nghiệp của Chu Công, Thiệu Công. Nếu dùng ông ta thì nước Sở làm thế nào mà được đời đời đường hoàng có đất vuông ngàn dặm? Văn Vương ở đất Phong, Vũ Vương ở đất Cảo đều chỉ là những ông vua có trăm dặm đất, thế mà rốt cục lại làm vương thiên hạ. Nay Khổng Khâu có được miếng đất làm cơ sở, lại có bọn học trò giỏi giúp đỡ thì đó không phải là cái phúc của nước Sở.
Chiêu Vương bèn thôi. Mùa thu năm ấy, Sở Chiêu Công chết ở Thành Phu.
Một người cuồng nước Sở tên là Tiếp Dư đi qua trước mặt Khổng Tử hát:
Phượng ơi, chim phượng kia ơi
Đạo đức suy đồi còn biết tính sao?
Việc qua can chẳng được nào
Việc sau họa biết cách nào lần xoay
Thôi, thôi chim hãy về ngay
Con đường chính trị rắc đầy chông gai!
Khổng Tử bước xuống xe muốn nói chuyện, nhưng Tiếp Dư đã rảo bước đi mất, không sao nói chuyện được. Khổng Tử bèn rời nước Sở trở về nước Vệ. Năm ấy, Khổng Tử sáu mươi ba tuổi và là năm thứ sáu đời Lỗ Ai Công. Năm sau, vua Ngô và vua Lỗ gặp nhau ở huyện Tăng. Vua Ngô đòi một trăm con bò để tế. Quan thái tể là Phỉ mời Quý Khang Tử , Quý Khang Tử sai Tử Cống đến, việc mới thu xếp xong. Khổng Tử nói chính trị hai nước Lỗ và Vệ giống nhau như anh với em. Lúc bấy giờ người cha của Thủ, vua nước Vệ vẫn chưa được làm vua, vẫn phải ở nước ngoài (31). Vua các nước chư hầu mấy lần trách vua Vệ. Học trò Khổng Tử lại có nhiều người làm quan ở Vệ, nên vua Vệ muốn trao chính trị cho Khổng Tử. Tử Lộ nói:
- Nếu vua Vệ giao chính trị cho thầy thì thầy sẽ làm cái gì trước?
Khổng Tử nói:
- Chắc chắn phải chính danh trước.
Tử Lộ nói:
- Sao thầy viển vông thế, chính danh để làm gì?
Khổng Tử nói:
- Anh rõ thực là quê mùa quá! Cái danh mà không chính thì lời nói không đúng với sự thực, lời nói không đúng với sự thực thì việc không thành, việc không thành thì không làm cho lễ, nhạc phồn thịnh, lễ nhạc không phồn thịnh thì hình phạt không đúng, hình phạt không đúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu. Phàm người quân tử đã làm điều gì có thể nói tên cái việc đó, và nhất định làm được việc đó. Người quân tử chớ cẩu thả trong lời nói của mình.
Năm sau Nhiễm Hữu (tức Nhiễm Cầu) làm tướng quân của họ Quý mang quân đánh nhau với quân Tề ở đất Lang và đánh bại quân Tề. Quý Khang Tử hỏi:
- Cái tài cầm quân của ông do ông học gay do bản tính mà có?
Nhiễm Cầu nói:
- Tôi học ở Khổng Tử.
Quý Khang Tử hỏi:
- Khổng Tử là người như thế nào?
Nhiễm Cầu nói:
- Nếu dùng ông ta thì có danh, nếu ông ta báo với trăm họ và hỏi quỷ thần về việc ông ta đã làm thì không ai không bằng lòng. Điều ông ta mong muốn là đạt đến cái đạo của người quân tử. Dù nhà vua có cho ông ta một nghìn xã (32), ông ta cũng không mưu lợi cho mình (33).
Quý Khang Tử hỏi:
- Ta muốn mời ông ta có được không?
- Muốn mời ông ta thì chớ đãi ông ta chật hẹp như đãi người hèn kém mới được.
Khổng Văn Tử làm quan nước Vệ, sắp đánh Thái Thúc hỏi Trọng Ni về cách đánh. Trọng Ni từ chối không biết. Khi rút lui, Khổng Tử cho đánh xe ra đi, nói:
- Con chim có thể chọn cây, chứ cây kia làm sao mà chọn chim được?
Khổng Văn Tử nài ở lại. Gặp lúc Quý Khang Tử sai Công Hoa, Công Tân, Công Lâm mang lễ vật đến đón Khổng Tử. Khổng Tử trở về nước Lỗ. Khổng Tử đi đã 14 năm, bây giờ mới trở về nước Lỗ.
Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử về chính sự. Khổng Tử đáp:
- Làm chính cốt ở chỗ chọn bầy tôi.
Quý Khang Tử hỏi về chính sự. Khổng Tử đáp:
- Chính sự cốt ở chỗ cử những người thẳng và gạt bỏ những kẻ gian xảo. Làm như thế thì những kẻ gian xảo cũng sẽ thẳng.
Quý Khang Tử lo lắng về bọn trộm cắp, Khổng Tử nói:
- Nếu ngài không ham muốn thì dù ngài thưởng cho họ, họ cũng không lấy trộm (34).
Tuy vậy, nước Lỗ chung quy vẫn không dùng Khổng Tử. Khổng Tử cũng không xin làm quan (35).
5. Trong thời Khổng Tử, nhà Chu đã suy, lễ nhạc bị bỏ. Kinh Thi, Kinh Thư cũng thiếu sót. Khổng Tử theo dấu vết của lễ thời Tam Đại, đề tựa Kinh Thư, kinh này chép sự việc từ thời Đường, Ngu cho đến thời Tần Mục Công. Khổng Tử sắp đặt lại các sự việc và nói:
- Ta có thể nói về lễ nhà Hạ, nhưng nước Kỷ (con cháu nhà Hạ – N.D) không đủ chứng minh những điều ta nói. Ta có thể nói về Lễ của nhà Ân, nhưng nước Tống (con cháu của nhà Ân - N.D) không đủ để chứng minh những điều ta nói; nếu họ có đủ thì ta đã có thể lấy ra làm dẫn chứng.
Khi xem những điều nhà Ân thêm hay bớt về lễ của nhà Hạ, Khổng Tử nói:
- Tuy một trăm đời sau cũng có thể biết được : cứ thời trước chuộng văn hoa thì thời sau chuộng thực chất. Nhà Chu noi gương hai triều đại trước, lễ nghi nhà Chu rực rỡ làm sao! Ta theo nhà Chu.
Vì thế, phần truyện trong Kinh Thư và Lễ Ký là do Khổng Tử làm.
Khổng Tử nói chuyện với quan thái sư nước Lỗ:
- Có thể biết phải chơi nhạc như thế nào. Thoạt tiên thì dồn dập; khi đã bắt nhịp thì hòa hợp, rõ ràng, tiếp tục mà đi đến kết thúc.
Khổng Tử nói:
- Ta sau khi rời nước Vệ về nước Lỗ thì mới chỉnh đốn được nhạc, Nhã và Tụng mới được xếp đặt đâu vào đấy.
Ngày xưa Kinh Thi có tất cả hơn ba ngàn thiên. Đến thời Khổng Tử, Khổng Tử bớt những thiên trùng điệp, lấy những thiên có thể có ích cho lễ nghĩa. Những bài này bắt đầu từ Tiết, Hậu Tắc (36), giữa thuật lại thời thịnh trị nhà Ân, Chu, cho đến thời U, Lệ kém cỏi. Kinh Thi bắt đầu từ nơi giường chiếu cho nên người ta nói “Quan thư” nghiêm chỉnh mở đầu “Phong”, bài “Lộc minh” mở đầu “Tiểu nhã”, bài “Văn vương” mở đầu “Đại nhã”, bài “Thanh miếu” mở đầu “Tụng” (37). Tất cả ba trăm linh năm thiên này đều được Khổng Tử đánh đàn và hát để làm cho nó phù hợp với điệu nhạc Thiều, Vũ, Nhã, Tụng. Từ đó người ta mới có thể thuật lại lễ nhạc đời trước để làm cho vương đạo đầy đủ và lục nghệ trọn vẹn. Về sau Khổng Tử thích Kinh Dịch, thích các phần tự, thoan, hệ, tượng, thuyết quái, văn ngôn (38). Khổng Tử đọc Kinh Dịch làm cho cái dây da để buộc các thẻ tre đứt ba lần. Khổng Tử nói:
- Nếu cho ta thêm vài năm nữa thì ta sẽ hiểu Kinh Dịch một cách toàn vẹn.
Khổng Tử lấy thi, thư, lễ, nhạc dạy học trò. Số học trò đến ba ngàn người. Có 72 người thông thạo cả lục nghệ (39). Còn những người chỉ học một phần như Nhan Trọc Trâu thì rất nhiều. Khổng Tử dạy bốn điều: văn học, đức hạnh, trung thành, tín nghĩa; bỏ bốn điều: không có định kiến trước, không nhất thiết phải theo một mặt, không cố chấp, không chỉ thiên về mình. Khổng Tử cẩn thận trong việc trai giới, chiến trận, ốm đau; ít nói về lợi, mệnh và nhân. Khi người ta chưa cảm thấy tức tối muốn biết, thì Khổng Tử chưa giảng, khi nêu một góc mà người ta chưa thấy cả ba góc kia thì Khổng Tử chưa dạy. Lúc ở trong làng xóm thì có vẻ thận trọng như không nói được. Lúc ở tôn miếu, triều đình nói với các quan thượng đại phu thì nghiêm trang, nói với các quan dưới thì hòa nhã. Đi vào cửa công thì lom khom rảo bước, hai tay dang ra như hai cánh. Khi nhà vua gọi đến để tiếp khách thì sắc mặt thay đổi, khi nhà vua mời thì đi không đợi thắng xe. Cá ươn, thịt hôi, hay không cắt ngay ngắn thì không ăn, chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi. Khi bên cạnh có người có tang thì không bao giờ ăn no. Ngày nào khóc thì không ca hát, thấy người để tang hay người mù thì tuy đó là trẻ em cũng tỏ ra kính trọng.
Khổng Tử nói:
- Trong ba người cùng đi thế nào cũng có người thầy của ta. Những người không lo trau dồi đạo đức, lúc học không bàn bạc, nghe điều nghĩa không hướng về điều nghĩa, nghe điều không hay không biết sửa đổi thì đó là điều ta lo.
Khổng Tử sai người ta hát, nếu hát hay thì bảo hát lại và sau đó họa theo. Khổng Tử không nói những điều quái đản, việc dùng sức mạnh, những người làm loạn và chuyện quỷ thần. Tử Cống nói:
- Văn Chương của thầy tôi đã được nghe, nhưng tôi chưa hề nghe thầy nói về đạo trời, bản tính của con người và số mạng.
Nhan Uyên thở dài than:
- Đạo của Phu Tử ngẩng lên nhìn thì nó càng cao; đào sâu thì nó càng chắc. Đang nhìn nó ở đằng trước, chợt thấy nó ở đằng sau. Phu Tử khéo dạy người ta một cách tuần tự; lấy văn chương để làm cho đầu óc ta mở rộng; lấy lễ để ước thúc. Ta muốn bỏ không được; nhưng đem hết tài sức của mình ra học cũng vẫn còn cái gì vòi vọi, đứng sừng sững trước mặt, dù có muốn vươn tới cũng không sao đạt đến được.
Một đứa trẻ trong làng Đạt Hạt nói:
- Khổng Tử thực là to lớn! Khổng Tử học rộng, nhưng không nổi tiếng chuyên về một mặt nào.
Khổng Tử nghe vậy nói:
- Ta biết chuyên về nghề gì? Vào nghề đánh xe chăng? Vào nghề bắn tên chăng? Ta chuyên về nghề đánh xe vậy.
Tử Lao nói:
- Khổng Tử nói: Ta không được dùng cho nên lo về lục nghệ.
Năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công, mùa xuân săn ở ngoài đồng hoang, người đánh xe của Thúc Tôn Thị là Sử Thương bắt được một con thú, anh ta cho đó là điềm không lành, Trọng Ni thấy thế nói:
- Đây là con lân.
Người ta đem nó đi. Khổng Tử nói:
- Sông Hà không thấy xuất hiện Hà Đồ (40), sông Lạc không thấy xuất hiện Lạc Thư, ta thế là hết.
Nhan Uyên chết. Khổng Tử nói:
- Trời giết ta!
Đến khi đi săn ở phía tây bắt được con lân, Khổng Tử nói:
- Đạo ta hết rồi!
Thở dài và than:
- Không ai biết ta.
Tử Cống nói:
- Tại sao không ai biết thầy?
Khổng Tử nói:
- Không oán trời, không trách người, học điều thấp mà biết được điều cao, biết ta chỉ có trời chăng? Những kẻ không hạ thấp cái chí của mình, không làm nhục cái thân của mình đó là Bá Di, Thúc Tề. Liễu Hạ Huệ và Thiếu Liên, thì hạ thấp cái chí của mình, làm nhục cái thân của mình. Ngu Trọng, Di Dật ở ẩn, không nói gì về việc đời, khi làm quan thì giữ được sự thuần khiết, khi bị bỏ thì theo đúng hoàn cảnh. Ta thì không phải như họ, ta không chủ trương cứng nhắc phải thế này, hay không thể như thế này.
Khổng Tử nói:
- Không, không! Người quân tử lo rằng mình chết rồi mà cái tên của mình không được nhắc đến, nếu đạo của ta không được dùng thì ta biết lấy gì để làm đời sau thấy ta.
Bèn dựa vào Sử Ký làm ra Kinh Xuân Thu, chép từ thời Lỗ Ân Công (722-712) đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công (481) bao gồm 12 đời vua. Căn cứ vào chỗ vua Lỗ là họ với nhà Chu cho nên Khổng Tử đưa vào đấy những việc của thời Tam Đại. Lời nó tuy ngắn, nhưng ý rộng: Các vua Sở và Ngô tự xưng là “vương”, nhưng Xuân Thu hạ thấp gọi là “tử”, thực ra là thiên tử nhà Châu bị gọi đến dự hội nghị ở Tiễn Thổ, nhưng Xuân Thu che giấu lại nói là “thiên vương đi tuần ở Hà Dương”. Căn cứ vào những thí dụ như vậy ta thấy một phép tắc để ràng buộc những người làm vua ngày nay. Cái nghĩa của những lời khen chê ở đấy (41) sẽ rõ khi có bậc vương giả xuất hiện. Cái nghĩa của Kinh Xuân Thu được thi hành thì bọn bầy tôi làm loạn và bọn làm giặc trong thiên hạ sợ. Khi Khổng Tử làm quan, những điều người nói hay xét các vụ kiện cũng gần như lời nói chung của mọi người chứ không có gì chỉ riêng một mình người mới có. Trái lại, khi làm Xuân Thu thì viết cái gì phải viết, bỏ cái gì phải bỏ, những người như Tử Hạ (42) không thể có một lời bàn góp. Học trò học Xuân Thu, Khổng Tử nói:
- Đời sau biết Khâu là căn cứ vào Xuân Thu, bắt tội Khâu cũng căn cứ vào Xuân Thu (43).
6. Năm sau, Tử Lộ chết ở Vệ. Khổng Tử ốm, Tử Cống đến thăm, thấy Khổng Tử chống gậy đi dạo ở trước cửa nói:
- Anh Tứ, sao anh lại đến muộn thế?
Nhân đấy hát:
- Núi Thái Sơn sắp đổ, cột trụ nhà sắp gãy, kẻ triết nhân sắp tàn.
Trong khi hát, nước mắt chảy ròng ròng. Khổng Tử bảo Tử Cống:
- Thiên hạ không có đạo đã lâu rồi; không ai biết theo ta. Người đời Hạ đặt cái hòm ở phía tây, người đời Ân đặt nó ở giữa hai cái cột. Đêm qua ta nằm mơ thấy ngồi giữa hai cái cột. Chắc vì ta là con cháu nhà Ân.
Bảy ngày sau Khổng Tử mất. Khổng Tử mất năm 73 tuổi ngày kỷ sửu, năm thứ 16 đời Lỗ Ai Công (479). Ai Công thương viếng nói:
- Trời xanh không thương ta, không để lại cho ta cụ già duy nhất có thể che chở cho con người duy nhất như ta. Ta ở ngôi vua bơ vơ, đau buồn. Ô hô! Thương thay! Mất ông Ni, ta không có ai để noi theo.
Tử Cống nói:
- Nhà vua có lẽ không chết ở nước Lỗ chăng? Phu Tử nói: “Sai về Lễ thì tỏ ra mờ tối, dùng chữ sai tức là lạm dụng. Sai về chí là mờ tối, sai về việc làm là lạm dụng”. Lúc Phu Tử sống thì nhà vua không biết dùng, đến khi chết lại thương viếng. Thế là trái lễ, thương viếng lại nói “ta con người duy nhất” thế là dùng chữ sai (44).
Khổng Tử chôn ở phía bắc kinh thành nước Lỗ, trên bờ sông Từ. Học trò đều để tang ba năm. Sau khi để tang ba năm, họ khóc và từ giã nhau, ai cũng khóc hết sức đau xót. Có người ở lại. Riêng Tử Cống làm nhà ở bên mộ sáu năm mới đi. Học trò và những người nước Lỗ đến làm nhà bên mộ hơn một trăm nhà nên người ta gọi là “làng Khổng” .
Các vua Lỗ đời đời nối tiếp nhau tế Khổng Tử theo những thời nhất định. Các nhà nho cũng giảng lễ về lễ hương ẩm và lễ bắn tên ở bên mộ Khổng Tử. Mộ Khổng Tử rộng khoảng một khoảnh, cái nhà trong đó ngày xưa học trò ở, đời sau dùng làm miếu giữ áo mũ, đàn cầm, xe, sách của Khổng Tử. Việc tế tự kéo dài hơn hai trăm năm đến đời Hán không hề dứt. Cao Tổ đi qua đất Lỗ dùng cỗ thái lao để tế Khổng Tử. Chư hầu, khanh tướng đến nước Lỗ thường trước tiên đến thăm mộ rồi sau mới làm việc chính sự.
Khổng Tử sinh Lý tên tự là Bá Ngư. Bá Ngư thọ năm mươi tuổi chết trước Khổng Tử. Bá Ngư sinh Cấp, tên tự là Tử Tư, thọ 62 tuổi, có lần bị khốn ở đất Tống, làm sách Trung Dung. Tử Tư sinh Bạch, tên tự là Tử Thượng thọ 47 tuổi. Tử Thượng sinh Cầu, tên tự là Tử Gia, thọ 45 tuổi. Tử Gia tên Cơ, tự là tử Kinh, thọ 46 tuổi. Tử Kinh sinh Xuyên, tự là Tử Cao, thọ 51 tuổi. Tử Cao sinh Tử Thận, thọ 57 tuổi có lần làm tướng quốc nước Ngụy. Tử Thận sinh Phụ, thọ 57 tuổi, làm bác sĩ của Trần Vương là Thiệp, chết gần thánh Trần. Con trai của em trai Phụ là Tương Thọ, 57 tuổi, là bác sĩ thời Hiếu Huệ Đế, đổi đi làm thái thú Trường Sa, người cao chín thước sáu tấc. Tử Tương sinh Trung, thọ 51 tuổi. Trung sinh Vũ, Vũ sinh Diên Niên và An Quốc. An Quốc làm bác sĩ của đức kim thượng làm đến thái thú Lâm Hoài chết sớm. An Quốc sinh Ngang, Ngang sinh Hoan (45).
7. Thái Sử Công nói:
- Kinh Thi nói:
Núi cao ta trông, đường rộng ta đi
Tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về
Tôi đọc sách của họ Khổng, tưởng tượng như thấy người. Đến khi đến Lỗ xem nhà thờ Trọng Ni, nào xe cộ, nào áo, nào đồ tế lễ, học trò tập về nghi lễ ở nhà Khổng Tử theo đúng từng mùa, tôi bồi hồi nán lại bỏ đi không dứt. Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc chí Thánh vậy (46).
.......................................
23.Ngoại là con Vệ Linh Công, vì giết Nam Tử nên bỏ trốn ở nước Tấn, được Triệu Ưởng che chở. Dương Hổ cũng ở đấy sau khi bị đuổi khỏi nước Lỗ (xem đoạn 3). Thấy con của Ngoại là Xuất Công được làm vua, Triệu Ưởng tìm cách đưa Khoái Ngoại vào thành Tích, để sau đó làm vua nước Vệ. Dương Hổ bày mưu như vậy để tỏ ra thái tử được nhân dân mời về. Thái tử cũng tỏ ra khóc lóc để nói rằng mình là người thừa kế chân chính.
24.Ý nói Khổng Tử muốn tìm vị vua hiền, tránh vị vua dở không bằng những người ở ẩn trốn đời.
25.Nhà triết học khác người thường chính là ở đấy.
26.Tức con Tê Ngưu.
27.Ý trách Khổng Tử còn có khuyết điểm. Ở trên thấy Tử Lộ nhiều lúc không phục Khổng Tử.
28.Bá Di, Thúc Tề can Vũ Vương đừng đánh Trụ. Vũ Vương không nghe. Sau đó hai người nhịn đói chết. Tỷ Can can Trụ bị Trụ giết.
29.Lý ở đây là một nhóm gia đình gồm 25 nhà.
30.Ý nói Sở trước kia chỉ có 50 dặm và chỉ có tước “tử” thế mà sau thành lớn mạnh.
31.Tức là Khoái Ngoại vẫn ở thành Thích.
32.Mỗi xã gồm 25 gia đình.
33.Nhiễm Cầu bác lại ý kiến của Tử Tây nói với vua Sở, sợ Khổng Tử sẽ được lòng dân chúng rồi làm vương.
34.Ý nói nếu người cai trị ngay thẳng thì nhân dân noi theo và đều ngay thẳng.
35.Đoạn 4 – Cuộc đời bôn ba của Khổng Tử.
36.Tiết là tổ của nhà Ân. Hậu Tắc là tổ của nhà Chu.
37.Phong, Tiểu nhã, Đại nhã, Tụng là những bộ phận trong Kinh Thi.
38.Kinh Dịch có phần bổ sung gọi là thập dực tương truyền là do Khổng Tử làm gồm có những mục: thoan, tượng, hệ từ, văn ngôn, thuyết quái, tự quái, tập quái. Chú ý: ở đây không nói Khổng Tử làm Kinh Dịch và có lẽ đúng sự thực.
39.Lục nghệ: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, Dịch. Ý nói sáu môn học.
40.Theo truyền thuyết, Hà Đồ là hình vẽ người ta thấy trên thân con long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, còn Lạc Thư là do một con rùa mang ở dưới sông Lạc lên. Hà Đồ và Lạc Thư cũng như bát quái là những hình ảnh tượng trưng được dùng trong bói toán.
41.Phải chăng đây là ám chỉ thời Hán Vũ Đế vì lúc ấy việc nghiên cứu ý nghĩa của Xuân Thu phát triển rất mạnh?
42.Học trò của Khổng Tử, nổi tiếng học rộng.
43.Đoạn 5 – Cách giáo huấn của Khổng Tử về mặt văn hóa.
44.Ý Tử Cống nói nhà vua ăn nói hồ đồ nên việc làm cũng sẽ hồ đồ. Năm 468, Ai Công bị trục xuất, trốn sang Việt.
45.Đoạn 6 – Khổng Tử chết và dòng dõi Khổng Tử.
46.Nhận xét của tác giả. Trong số các sử gia thời cổ đại của tất cả các nước, Tư Mã Thiên gần như là người duy nhất thấy tầm quan trọng của những sự kiện văn hóa tư tưởng. Ông xếp Khổng Tử vào thế gia xem ngang một vị vua của chư hầu và dành cho Khổng Tử một tiểu sử rất kỹ, rất công phu. Dưới con mắt ông, Khổng Tử không phải là một người thần kỳ, làm những việc hoang đường, mà là một con người ôm một lý tưởng lớn, bôn ba suốt đời để thực hành cái đạo của mình, bị chê bai, bị nhục, có những tình cảm, những khuyết điểm của con người. Ông xây dựng được đứng đắn hình tượng Khổng Tử và thấy rõ tác dụng của Khổng Tử đối với các dân tộc. Các sử gia đời sau có người như Ban Cố trách ông xem nhẹ Nho giáo nhưng không đúng. Khổng Tử là người duy nhất được xếp vào thế gia vì học thuật và được xếp thành một thiên riêng, còn tất cả những người khác đều ở vào liệt truyện và ba bốn người gộp vào một truyện. Theo tác giả, Khổng Tử là một thứ vua, một thứ vua về tinh thần. Ý kiến ấy rất táo bạo và đúng khi nói đến Trung Quốc cổ. Trong bài này có nhiều câu trong Luận ngữ, nhưng có một số chữ khác, có một vài câu nghĩa khó hiểu.