Tôi giật mình khi nghe tiếng chuông điện thoại. Chờ mãi không thấy chú Chín ra, tôi đành bỏ dỡ bản đàn, bước đến nhấc máy. Tiếng nói ở đầu dây đầy vẻ sợ hãi:
- Phải…phải nhà của Diễm Châu không?
- Anh Tường? phải anh Tường không? Sao giọng anh kỳ vậy? Anh đang ở đâu thế?
- Anh đang ở thành phố nè. Em đến chỗ anh ngay nhé.
- Có chuyện gì anh cứ đến đây.
Giọng Tường đứt quãng:
- Không… không được. Em… hãy đến… địa chỉ nầy để gặp anh, anh… van em.
Tôi ghi vào sổ tay địa chỉ của một chung cư xa lắc xa lơ, lại ở tận lầu 5. Địa bàn ở đây chắc là phức tạp lắm nên Tường cứ dặn lui dặn tới: “Em nên để xe ở nhà, có thể đi xe ôm hay tốt nhất là Taxi. Anh chờ”.
Có lẽ đây là chung cư có mức độ xuống cấp trầm trọng nhất trong số những chung cư tôi thường thấy in hình trên báo. Không điện, không nước. Những bậc thang dẫn lên lầu tróc lở, trơn trợt. Tôi dò từng bước. Rác rưởi tràn ngập lối đi. Quanh tôi ẩm thấp, hôi hám. Tôi nín thở, mở xắc lấy chiếc khăn tay. Càng lên cao, không khí càng thoáng. Căn phòng tôi tìm đến theo lời chỉ dẫn của Tường có cánh cửa làm bằng những mảnh ván ép bẩn thỉu gắn vào nhau một cách vụng về. Vừa nghe tiếng chân dừng bên ngoài, cửa đã bật mở. Tôi thấy một gương mặt đàn ông lạ hoắc với hai con mắt lồi quá cỡ đang nhìn tôi dò xét:
- Cô là Châu phải không? Thằng Tường ở trỏng. Cô vô đi.
Hắn mở rộng cánh cửa rồi bỏ đi một nước. Tôi đứng nguyên vị trí cũ. Tim đập thình thịch. Chưa biết phản ứng ra sao. Có thật Tường đang có mặt trong đó không? “Mắt ốc nhồi” từ tầng dưới nói lên:
- Nếu cô muốn nó tiêu tùng thì cứ đứng lì ở đó đi.
Tôi càng hốt hoảng. Thu hết can đảm, tôi gọi:
- Anh Tường, anh Tường.
Một giọng nói quen thuộc nhưng mất hết sức lực cất lên:
- Châu, Châu ơi…
Đúng Tường rồi. Tôi nhảy bổ vào. Trời đất, con người đang nằm trên chiếc ghế xếp ấy có còn là Tường không? Trước mắt tôi là một hình hài bầm dập, quần áo tả tơi, một bên má bầm tím, môi miệng sưng vù, chỗ khóe rách vẫn còn rỉ máu. Tôi ôm lấy anh:
- Tường, tại sao anh ra nông nỗi nầy?
Tường rên rỉ, kể lể tiếng được tiếng mất làm tôi không thể hiểu được gì. “Mắt ốc nhồi” trở lại, kéo chiếc ghế đẩu ngồi xuống, đặt bàn tay lên vai tôi:
- Cô nghe cho kỹ nè. Thằng Tường vừa mới bị chủ nợ chăm sóc sức khỏe đấy.
Tôi gạt tay hắn ra, đứng dậy:
- Chủ nợ? Chủ nợ là ai? Tại sao anh ấy lại mắc nợ chứ?
“Mắt ốc nhồi” chỉ vào chiếc ghế bên cạnh:
- Ngồi xuống. Bình tĩnh. Chủ nợ là bọn xã hội đen cho vay cắt cổ đó. Còn tại sao nó mắc nợ à? Tôi…
Điện thoại trong túi áo tên “Mắt ốc nhồi” reo vang. Hắn hét lớn:
- Chúng mầy cho nó thêm vài ngày nữa có được không?
Hắn cúp máy rồi bảo tôi:
- Lại bọn chủ nợ hỏi thăm thằng Tường.
- Anh làm ơn kể cho tôi nghe đi.
- Tôi là bạn của Tường, cùng có cổ đông trong công ty Hòa Chương. Mới đây, khoảng gần Tết ấy, vợ chồng thằng Chương rủ chúng tôi hùn thêm tiền để cùng tham gia mua một số hàng kim khí điện máy buôn lậu qua biên giới, sang tay ngay, vốn không đọng lâu, lợi nhuận lại rất lớn. Hai đứa ham quá, ngoài số tiền đang có, còn mượn thêm của bọn cho vay cắt cổ nữa. Cứ nghĩ là chỉ hai tuần sẽ thu hồi cả vốn lẫn lãi như lời Mỹ Hòa nói, nên cứ yên chí lớn. Đúng. Mỹ Hòa nói đúng. Áp phe ấy có lời thiệt, nhưng toàn bộ số tiền bán hàng, kể cả tiền của các cổ đông công ty đều bị hai đứa khốn nạn ấy ẵm đi hết. Công ty phá sản rồi.
Tôi sửng sốt. Nhớ có lần Kim Loan bảo Chương là vua lừa, lòng tôi cũng hơi lo nhưng cảm thấy mình chưa đủ tư cách ngăn cản Tường nên cứ để mặc cho anh lao vào bẫy sập. Hậu quả nầy tôi có phần lỗi nào không?
- Cô không tin cũng phải. Hai vợ chồng đó có một bề ngoài rất trí thức, rất lương thiện, cho nên chúng tôi mới lãnh đủ. Bọn cho vay toàn là đầu gấu cả, giỡn với chúng sao được. Đến kỳ hạn, tôi phải thế chấp căn nhà ở quận 5 để trả nợ. Tôi đúng là thằng con bất hiếu. Gian phòng ổ chuột nầy là của tôi thuê để sống qua ngày, chờ ba má tôi dưới quê bán đất hương hỏa chuộc lại căn nhà rồi tính tiếp chớ biết làm sao hơn. Thằng Tường trắng tay nên phải trốn chui trốn nhủi cả tháng nay. Tôi phải chứa nó thôi, bạn bè mà. Nào ngờ bọn chúng cũng tìm đến được. Khiếp. Đành hẹn đại ba ngày, tới đâu thì tới. Đến khi đó mà không có tiền chắc thằng Tường thành phế nhân quá.
- Còn các cổ đông khác thì sao?
- Dĩ nhiên là họ kiện lên chính quyền. Công an Cần Thơ đã phát lệnh truy nã hai vợ chồng Hòa Chương. Nhưng việc mình thì mình phải lo thôi. Tường nhắn cô đến, chắc là nó đang cần giúp đỡ. Cô hỏi nó thử xem.
Tường vẫn nằm yên, hai mắt nhắm nghiền đau đớn. Tôi nghe lòng xót xa. Đúng là anh không gặp vận may. Tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm hợp với chuyên môn, anh đành thay đổi hướng đời. Thất bại có, thành công có. Nhưng buôn bán đâu phải là nghề của anh. Thương trường là chiến trường. Và Tường đã gục ngã. Biết bao lần tôi từ chối làm bạn đồng hành cùng anh, nên giờ một mình anh rơi xuống dòng thác lũ. Nếu tôi không quăng cho anh chiếc phao, anh sẽ chìm. Và nếu bọn cho vay đưa anh ra pháp luật, anh sẽ mất hết tương lai.
Tường trở mình, hé mắt nhìn tôi. Tôi đưa tay vuốt nhẹ vai anh:
- Anh nợ người ta bao nhiêu vậy?
- Năm…năm…
- Năm triệu, phải không anh?
“Mắt ốc nhồi” ghé vào tai tôi, nói nhỏ:
- Cô không nên lạc quan quá. Năm mươi triệu cả vốn lẫn lời. Nếu sau ba ngày không trả kịp, chả biết nó sẽ đẻ ra thêm bao nhiêu nữa.
Tường thều thào:
- Anh xin lỗi, em cứ mặc anh.
“Mắt ốc nhồi” nạt lớn:
- Thôi, đừng có quân tử Tàu nữa. Đã cầu cứu cô ấy giờ còn bày đặt sĩ - rồi hắn nhìn tôi - Cô ráng giúp nó. Tương lai nó còn dài, không thể sống chui sống nhủi như thế nầy được. Đó là chưa kể bọn chủ nợ có thể lấy mạng của nó bất cứ lúc nào.
Nỗi sợ hãi siết lấy tim tôi. Trong giây phút nầy, tôi quên tất cả. Tôi quên tôi đang là ai, quên kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, quên ba, quên mẹ, quên cả những dự định tương lai… chỉ thấy trước mắt là Tường của tôi đang gặp nạn và tôi phải cứu anh.
oOo
Tường nằm bệnh viện gần một tuần mới đi đứng lại bình thường. Anh tỏ ra rất cảm kích trước sự giúp đỡ của tôi.
- Nhất định anh sẽ tìm vợ chồng Chương đòi lại tiền để trả cho em.
Lại nhớ lời chị Khuê: “Tường không phải là người tốt đâu”, tôi không tin lắm, nhưng giờ ngẫm lại, suốt mấy năm yêu Tường là mấy năm lòng tôi bất an. Cứu Tường, tôi không hy vọng Tường sẽ trả lại tiền cho tôi. Chỉ mong anh được bình an để làm lại từ đầu. Nếu Tường đừng hứa hẹn gì, có lẽ tôi sẽ bớt khó chịu hơn. Vợ chồng Chương bây giờ như chim trời cá nước, công an còn bó tay huống gì thân phận nhãi nhép như Tường. Đến “Mắt ốc nhồi” – tên hắn ta là Vĩ –cũng không chịu nổi lời hứa cuội ấy, hắn gạt ngay:
- Mầy nổ vừa thôi chớ. Tao nghĩ chuyện đó còn khó hơn lấp biển vá trời nữa đấy. Việc làm của mầy bây giờ là viết thư qua Mỹ tạ tội với ông bác của mầy, xin ổng gửi thêm một số tiền khác để sửa nhà thờ và trả nợ cho cô Châu.
Ra viện, Tường mua vé tàu về Huế. Tôi và Vĩ tiễn anh ra ga. Gần nửa tháng sống trong nỗi bàng hoàng, tôi mất hết nhiệt tâm tập đàn cũng như những giờ lên lớp khác. Cô Hoàng Lan ngạc nhiên: “Diễm Châu, em là niềm hy vọng của cô trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Đừng để cô thất vọng chứ”. Tôi không bao giờ muốn cô thất vọng nhưng lực bất tòng tâm. Có nhiều đêm thao thức, tôi ngồi dậy đốt một nén nhang, rồi nhìn vào di ảnh ba, khóc lặng lẽ. Tôi cảm thấy mình có lỗi với mẹ khi đem toàn bộ số tiền sang cửa hàng buôn bán đưa hết cho Tường. Đành rằng để cứu Tường, tôi không thể làm khác hơn, nhưng giá Tường của tôi biết chọn bạn mà chơi, đừng tin người và cũng đừng tham lam quá, sự việc sẽ không đến nỗi tồi tệ như bây giờ.
Tường gửi thư vào cho biết, anh muốn "dừng bước giang hồ” một thời gian nên đã nộp đơn vào làm việc tại một bệnh viện ở Huế. Anh bảo tôi hãy an tâm, thế nào anh cũng lo được số nợ mà tôi phải gánh cho anh. Tôi không trông mong gì vào lời hứa viển vông ấy. Trước mắt là việc tôi, tôi làm. Tôi phải cứu vãn tình thế bằng cách nhận thêm một số học trò mà trước kia, vì bận học thi, tôi đã từ chối. Tôi dạy ngày, dạy đêm, đổ hết mồ hôi nước mắt mong bù lại số tiền đã mất, dù biết rằng, ước mơ đem lại niềm vui cho mẹ đã vuột khỏi tầm tay.
Thời gian tập đàn bị rút ngắn nên kết quả thi tốt nghiệp của tôi mới tệ hại làm sao! Tôi - người luôn dẫn đầu trong các kỳ thi chuyên môn lại bị điểm kém! Hội đồng giám khảo họp bàn trong vòng hai tiếng đồng hồ, đưa ra quyết định: xét thành tích học tập xuất sắc của tôi suốt một5 năm qua, nên trong văn bằng tốt nghiệp, hạng Khá được thay thế cho hạng Trung Bình. Năm nay khoa Piano có tám bạn tốt nghiệp. Hai bạn đỗ hạng giỏi - trong đó có Kim Loan. Còn lại đỗ hạng khá. Nếu không được các thầy cô chiếu cố, chắc tôi phải cầm đèn đỏ mất!
Tôi lại lao vào công việc kiếm tiền. Lòng thanh thản trở lại khi trong một lần vào thăm mẹ, thú tội cùng mẹ, được nghe mẹ an ủi: “Tiền bạc là vật ngoại thân. Thấy chết mà không cứu thì đâu phải là người. Hơn nữa, đó lại là người yêu của mình. Về cửa hàng tạp hóa của me, cứ để thư thư, con đừng bận lòng”.
Chị Ngọc lại về Việt Nam. Lần đầu tiên, chị đề nghị tôi đưa chị vào thăm mẹ. Chị mua rất nhiều quà, nhưng tôi ngăn lại:
- Chỉ còn ba tháng nữa là mẹ em về rồi, chị khỏi cần thăm.
- Chị muốn tỏ một chút thành ý với dì thôi mà.
Thành ý gì đây? Chính chị là người đã đẩy mẹ vào tù rồi giờ lại bày trò mèo thương chuột? Tôi nhất định không nghe lời chị. Ngay khi mẹ đã trở về, tôi cũng không muốn cho mẹ gặp chị. Có thể mẹ sẽ bị sốc khi đối mặt với kẻ hại mình.
Một buổi chiều chủ nhật, Kim Loan mời Thu Hà, Cẩm Vân và tôi đến nhà dùng cơm. Bàn ăn chỉ có bốn người đặt trên sân thượng, dưới giàn thiên lý xanh tươi. Kim Loan giở nắp lồng bàn:
- Lâu quá bốn đứa mình chưa ăn chung với nhau - nó chỉ từng món ăn - tao đã nhờ chị Bếp làm những món chúng mầy thích. Nầy nhé, đây là gỏi bò khô của Cẩm Vân, tôm lăn bột chiên của Thu Hà và dĩa cua rang me nầy dành cho nhỏ Diễm Châu ăn mệt nghỉ.
Ba đứa tôi nhìn nhau, không biết Kim Loan đang bày trò gì.
- Chúng mầy đừng ngạc nhiên. Ngồi xuống đi - Bỗng Kim Loan nấc lên - Tao sẽ rất nhớ chúng mầy.
Tôi tròn mắt:
- Sao… lại nhớ. Mầy sắp đi đâu vậy?
Nước mắt Kim Loan tràn đầy. Giọng nó nghèn nghẹn:
- Tao đi du học tự túc ở Canada. Tao sẽ học chuyên sâu về piano và có thể thêm một môn học nào đó. Anh Hai tao sẽ lo tất cả. Vé máy bay cũng đã mua xong. Cuối tháng nầy tao đi.
Cẩm Vân cầm tay Kim Loan:
- Đó là tin vui sao mầy không cho chúng tao biết sớm? Cuối tháng… trời đất, chỉ còn có năm ngày.
Tôi đưa cho Kim Loan tấm khăn giấy:
- Chúc mừng mầy. Mai nầy có rảnh thì viết thư thăm nhau, việc gì phải buồn.
Thu Hà cười rất tươi:
- Mầy ráng học đàn cho tốt để sau nầy trở thành danh thủ piano đi trình diễn vòng quanh thế giới cho chúng tao nở mầy nở mặt với nha.
Tôi tiễn Kim Loan ra phi trường. Lần nầy còn có chị Phượng cùng đi. Tôi hỏi: “Qua bên đó chị có ghi danh học với Kim Loan không?”. Chị lắc đầu: “Chắc là không nổi đâu. Đầu óc chị bị lão hóa mất rồi. Chị đi độ vài tuần thôi, chủ yếu là thăm anh chị Hai và cháu bé”. Trước khi bước vào phòng cách ly, tôi và Kim Loan ôm nhau khóc ròng. Câu hỏi của Kim Loan theo mãi tôi trên đường về: “Tại sao Thu Hà và Cẩm Vân không đến? Chúng nó giận gì tao hở Châu?”. Tôi chỉ biết nói cho qua, có lẽ chúng bị kẹt xe, lòng thầm rủa hai đứa bạn vô tâm. Vẫn biết đường lên sân bay thường rất đông đúc vào giờ tan tầm, tại sao chúng lại không chịu đi sớm? Trời bỗng nổi gió. Mây đen vần vũ. Tôi phóng xe nhanh về nhà mong kịp tránh cơn mưa.
- Châu, Châu!
Tôi đi chậm lại, vòng xe qua bên kia đường. Thật đáng giận khi thấy hai nhỏ bạn đang chễm chệ trong quán cà phê, tay vẫy lia lịa:
Tôi hét:
- Đồ thất hứa. Chúng mầy đừng nói là bị kẹt xe nha.
- Không kẹt xe, cũng chả hư xe, mà còn tệ hơn thế nữa. Mầy biết không, tao đụng phải ông già té lăn quay, phải kèm xích lô chở ổng vào bệnh viện. Khi trở lại phi trường thì máy bay đã cất cánh. Nhỏ Loan buồn hai đứa tao lắm phải không. Thiệt mình tính không bằng trời tính. Biết làm sao bây giờ.
- Vậy thì mai mốt mầy nhớ viết thư kể cho Loan nó nghe. À, cái ông già ấy ra sao rồi, có bị nặng lắm không?
- Ổng bị nứt xương chân phải bó bột. Chả biết ổng có “đai”(*) không nhỉ.
- Vớ vẩn. Bị thương ở chân mà “đai” gì. Còn tiền thuốc men thì sao? Có cần tao giúp không?
Thu Hà lên tiếng:
- Khỏi. Hai đứa tao chịu được mà. Chỉ tội mầy hy sinh cho Tường lớn quá. Giờ anh chàng ra sao rồi? Nghe nói lương bác sĩ của hắn không đủ nuôi thân thì làm sao dành dụm trả nợ cho mầy đây.
Cẩm Vân cười lớn:
- Nhỏ Hà nầy nhiều chuyện quá. Chắc chắn là Tường sẽ dâng hiến cả cuộc đời để trả nợ cho mầy, phải không Châu?
Bầu trời tối sầm lại. Mưa ào xuống như trút nước. Mưa tạt vào quán, mưa ngập lề đường. Cẩm Vân kéo chúng tôi vào chiếc bàn phía trong cùng, rồi im lặng nhìn mưa gió thét gào. Thu Hà nhìn nó:
- Sao? Mầy đang lo à. Tao nghĩ là ông già đó sẽ chóng khỏi thôi.
- Không phải. Tao đang nghĩ đến Kim Loan. Chắc giờ nầy nó đang ở một độ cao mà trận mưa nơi đây chả có ảnh hưởng gì. Kể ra làm con nhà giàu thật là sung sướng.
Tôi nói:
- Hơn hai mươi năm sống trên đời, tao rút ra một kinh nghiệm. Nên hài lòng với những gì mình đang có là hạnh phúc rồi.
Trời tạnh. Trước khi phóng xe đi, Cẩm Vân bảo tôi:
- Tao không tin là mầy hài lòng với những gì mầy đang có.
Cẩm Vân nói đúng. Tôi mâu thuẫn, lời nói khác với suy nghĩ trong tâm. Tôi không hài lòng với những gì tôi đang có. Chị Phượng khen tôi can đảm khi dám “một mình chống lại với Mafia”, nhưng thật ra, tôi hèn nhát lắm. Ba mất đi, lợi nhuận của cái cơ ngơi to lớn của ông bà nội lọt hết vào túi của anh Hùng và chị Ngọc. Tôi cũng là con gái của ba, tại sao tôi chẳng có phần? Hàng xóm rồi bạn bè xúi làm đơn kiện nhưng tôi chỉ là một con cừu non, làm sao chống chọi nổi trước nanh vuốt chúa sơn lâm? Chị Ngọc là cọp dữ nên tôi đành thu mình trong vỏ ốc, đem mồ hôi nước mắt đổi lấy bát cơm. Nhớ có lần chị Khuê cầm bàn tay tôi lên săm soi: “Bàn tay em làm ra nhiều tiền nhưng không giữ được tiền lâu”. Trong lớp Anh Ngữ, chị Khuê nổi tiếng là “nói đâu trúng đó” nên tôi cũng có ý đề phòng. Biết bao lần tôi từ chối không chịu hùn vốn làm ăn với đám bạn Tường, vậy mà vẫn không thoát khỏi “kiếp số”. Khóa học Anh văn đã hết, không gặp tôi khá lâu, nhưng không hiểu tại sao chị Khuê lại biết được chuyện bí mật nầy. Hôm tình cờ gặp tôi trên đường, chị nhất định kéo tôi vào một tiệm chè, mắng té tát: “Trời ơi sao em dại quá vậy. Chị đã cảnh báo rồi, thằng Tường không phải là người tốt đâu”. Sau nầy mới biết, chị có bà con với Vĩ. Hắn đã kể hết với chị, không sót một chi tiết nào. Tôi nghĩ, dù thánh cách mấy, chị Khuê cũng chỉ đoán đúng 90% thôi. Tường là trường hợp ngoại lệ, là một0% còn lại. Tôi yêu và tin anh.
Chỉ còn ba tháng nữa, mẹ sẽ về sống bên tôi. Ban ngày bị cuốn hút vào công việc, tôi tạm quên niềm vui sắp có mẹ. Nhưng mỗi đêm về, lòng tôi bồn chồn háo hức, cảm giác như kẻ trót đánh mất một vật quí giá trong đời giờ sắp tìm lại được làm tôi cứ thao thức mãi. Tôi mất ngủ nhưng không vì thế mà dung nhan trở nên tiều tụy. Trái lại, tôi cảm thấy khỏe khoắn, mắt trong môi hồng và nước da bỗng mịn màng như cánh hoa xuân. Dù mùa nầy tiết trời hơi khó chịu, mưa nắng bất thường, nhưng tôi vẫn thấy một màu xanh như ngọc bích chan hòa khắp nơi. Bầu trời, mặt đất, vòm cây, hàng liễu rũ bên hồ … Cuộc đời đẹp quá vì mẹ sắp trở về! Tâm hồn tôi trải rộng ra, phơi phới. Những con người chung quanh tôi đều đáng yêu kể cả anh Hùng, chị Ngọc. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao chị Ngọc lại thay đổi thái độ và anh Hùng có thật đã trở về Mỹ chưa? Khoảng hai tuần sau khi anh Hùng mang va li ra khỏi nhà, chị Xuân đến gõ cửa phòng tôi: “Cô Châu ơi, cậu Hùng chưa đi Mỹ. Tôi vừa mới thấy cậu ở bến xe miền Tây nè”. “Ảnh về Mỹ từ khuya rồi. Thôi chị đừng có trông gà hóa cuốc nữa”. Chị Xuân không chịu, đi tìm chú Chín, bị chú la cho một trận: “Đây là nhà nó, nó xuống dưới miền Tây làm gì. Mầy khùng cũng vừa thôi chớ”. Rồi sau đó, trong một lần về quê Bạc Liêu đám giỗ, thím Mây trở lên với cái tin động trời: Thím gặp anh Hùng ngồi trong quán cà phê, thím lên tiếng gọi thì anh kéo mũ sụp xuống mặt rồi hấp tấp bỏ đi. Chú Chín gạt: “Thôi nhé, đừng có phao tin vịt nữa. Từ nay ai nhắc đến tên Hùng thì nghỉ làm luôn đi”. Chú nói vậy mà không phải vậy. Nhiều lần, tôi bắt gặp chú đứng trầm ngâm trong vườn hoặc ngồi thừ trước hòn non bộ. Coi bộ chú suy nghĩ lung lắm. Tôi không tiện hỏi nên mỗi lần chú có thái độ vậy, tôi thường tránh đi chỗ khác. Một hôm, tôi đang dạy đàn thì chú đến ngồi bên cạnh:
- Cháu sắp xong chưa? Lát nữa chú cháu mình cùng ăn cơm cho vui nhé.
Trong bữa ăn, chú hỏi:
- Cháu có tin là thằng Hùng còn ở Việt Nam không?
Tôi đã đoán trước nên không ngạc nhiên lắm:
- Khi chị Xuân nói thì cháu không tin, nhưng đến khi thím Mây gặp anh Hùng ở Bạc Liêu thì cháu cũng có đặt dấu hỏi. Suy cho cùng, đó là chuyện riêng của ảnh, không nên để ý làm gì.
- Sao lại không để ý chớ. Lỡ bên kia nó làm chuyện gì phi pháp rồi về đây trốn thì sao?
- Nếu có thật như vậy, chú nỡ báo công an không?
Chú Chín không trả lời được. Suốt một thời gian, chú lóng ngóng như người mất hồn, cho đến khi chị Ngọc trở về cho biết anh Hùng vẫn ở Mỹ, rồi trấn an: “Cậu yên tâm. Cháu là luật sư, không lẽ đi làm chuyện phạm pháp sao?”.
Chị Ngọc cũng nói vậy mà không phải vậy. Một tuần trước khi mẹ về, chị Ngọc lại từ Mỹ bay sang. Chị mang vào phòng tôi một va li lớn, thân mật đưa cho tôi cái chìa khóa nhỏ:
- Chị mua cho em và dì ít vải vóc, quần áo. Em mở ra xem có thích không.
- Em không lấy đâu.
- Em đừng từ chối. Đây là lòng thành của chị. Dù sao chúng ta cũng có chung huyết thống, lẽ nào em thấy chết mà vẫn dửng dưng, phải không Châu?
- Chị nói gì em không hiểu. Ai chết? Ai dửng dưng? Lúc nào em cũng xem anh chị là người thân. Nếu đỡ đần gì được cho anh chị, em sẵn sàng. Em trả lại chìa khóa cho chị nè.
Chị không cầm chìa khóa mà nắm lấy tay tôi:
- Châu, em phải cứu anh chị.
Cứu? Một cô bé vừa yếu đuối vừa trắng tay như tôi làm sao cứu nổi những kẻ giàu sang như chị Ngọc, anh Hùng? Nếu đúng như suy đoán của chú Chín, anh Hùng đang trốn tránh pháp luật, tôi lại càng không đủ bản lãnh để gỡ thoát cho anh? Nhưng nhìn gương mặt đầy căng thẳng của chị, tôi chợt chạnh lòng.
- Chị Ngọc, chị có thể nói rõ ra không?
Chị bỗng ngã mình xuống giường, nấc lên:
- Châu ơi, chị không phải là người. Chị là đồ khốn nạn, bất nhân bất nghĩa, độc ác, vô lương tâm… Hãy tha thứ cho chị.
- Chị Ngọc. Chị bình tĩnh lại nào. Chuyện đã qua thôi đừng nhắc lại nữa.
Chị ngồi bật dậy, giục tôi thay áo quần rồi cùng chị ra quán cà phê đầu đường.
- Em không thể ngờ đâu. Hùng làm chuyện phạm pháp bị cảnh sát Mỹ truy nã phải chạy về Việt Nam. Ban đầu, nó tạm tá túc ở nhà mình nhưng sau thấy không ổn vì hình như có người theo dõi, nên phải chạy trốn về miền Tây.
Tôi nghe lạnh sống lưng khi nghĩ đến anh Hùng đang trốn chui trốn nhủi ở một xó xỉnh nào đó. Anh đã phạm tội gì? Có giết người cướp của không? Tôi cảm thấy bất lực trước một tình huống quá lớn lao như vậy, làm sao tôi giúp được anh? Chị Ngọc để bàn tay lên vai tôi:
- Thật ra, Hùng hoàn toàn có lỗi trong chuyện nầy. Tính ham mê cờ bạc đã làm cho vợ và đứa con gái từ bỏ nó. Giờ nó còn mắc một món nợ khổng lồ không có khả năng chi trả. Các chủ nợ đang tìm nó để thanh toán. Dù sao nó cũng là máu thịt, chị không thể làm ngơ được. Hơn một năm nay, chị đã cố gắng kinh doanh, buôn bán thêm nhưng lợi nhuận vẫn không đủ để giúp Hùng trả nợ. Chị lo lắm, tình trạng nầy không thể kéo dài được. Chính quyền bên kia đã can thiệp, công an Việt Nam có thể dẫn độ Hùng trở về Mỹ bất cứ lúc nào. Chị đau lòng lắm Châu ơi.
Chị buông tay xuống, òa khóc. Khóc nức nở. Khóc bi ai. Nước mắt nước mũi tuôn rơi làm tèm lem viền đường chì kẻ mắt, trôi sạch cả phấn son. Con tim mềm yếu của tôi thoáng bùi ngùi nhưng sau đó lý trí chợt bùng lên. Anh Hùng gieo gió, đương nhiên phải gặt bão, tại sao mẹ không phạm tội gì, chị nỡ nào đẩy mẹ vào tù không chút xót thương? Tôi lặng lẽ nhìn chị, thử tìm trong ánh mắt ấy, trong cử chỉ ấy, có thoáng chút ân hận nào cho tội ác của chị từ ba năm về trước không. Tôi không tin là chị đã hồi tâm. Thái độ thân ái, khoan dung, chiếc va li đầy ắp quà cáp… chỉ là những phương tiện để chị tiến đến mục đích. Tôi đã lờ mờ hiểu ra.
Chị Ngọc mở xắc lấy khăn tay lau sạch nước mắt. Giờ chị mới đi thẳng vào vấn đề:
- Chỉ có bán ngôi nhà của chúng ta mới cứu được Hùng thôi.
Tôi giật mình:
- Bán nhà? Nhà của ông bà nội làm sao bán được. Hồi còn ba, ba không hề có ý định bán nhà đâu.
- Vẫn biết thế. Nhưng người chết giờ đã yên bề, chỉ có người sống mới cần cứu giúp. Hùng là cháu đích tôn của dòng họ Nguyễn, chắc ba ở dưới suối vàng cũng không nỡ thấy nó gặp nạn đâu. Em nghĩ sao?
- Em… em đâu có quyền gì.
- Có đấy. Em hãy thuyết phục dì dùm chị. Chỉ có dì mới đủ tư cách quyết định bán nhà hay là không.