Buổi sáng không có tiết học, tôi định nằm ráng thêm một lát nhưng chả được. Tường đến cùng với hai người bạn, một nam một nữ.
- Xin giới thiệu với Châu, đây là Chương -bạn thân của anh, và Mỹ Hòa, vợ sắp cưới của Chương.
Chương trông lớn hơn Tường, nét mặt rắn rỏi, cặp lông mầy rậm, ánh mắt khôn ngoan. Mỹ Hòa trạc tuổi Tường, có nhan sắc của một gái quê. Nước da cô trắng hồng, đôi mắt lá răm, mũi hơi huếch, môi tươi, tóc xõa dài quá lưng, cài một cái băng đô bằng nhựa đính hạt óng ánh.
- Còn đây là Châu, bạn gái của mình.
Tôi mở cửa phòng khách. Tường nói nhỏ vào tai tôi:
- Em vào thay đồ, chúng ta ra quán cà phê nói chuyện tiện hơn.
Tường cho biết, Chương là giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Chương, Mỹ Hòa tốt nghiệp tài chánh kế toán, hiện giữ chức kế toán kiêm thủ quỹ, Tường là một trong những cổ đông của công ty. Chương nói:
- Khi nào rảnh, mời cô Châu xuống Cần Thơ tham quan công ty của chúng tôi. Cần Thơ là quê hương của hai đứa tôi. Khí hậu ở đó rất tốt. Cô đã nghe câu: “Cần Thơ gạo trắng nước trong” chưa?
Đến giờ tôi vẫn chưa biết công ty nầy kinh doanh mặt hàng gì, nhưng trông nét mặt người nào cũng phấn chấn cả, chắc là đang ăn nên làm ra. Uống cà phê xong, Tường đứng dậy trước:
- Sáng nay Châu có giờ học không?
Tôi lắc đầu. Mỹ Hòa thân mật cầm tay tôi:
- Vậy thì hay quá. Châu có thể cùng mình đi dạo phố được không?
Tôi chưa kịp nói, Chương đã đỡ lời:
- Ý Hòa muốn chị hướng dẫn cô ấy đi shopping ấy mà. Đường phố Sài Gòn, Hòa không được rành lắm.
Tôi rất ngạc nhiên. Tại sao lại không rành? Nếu tôi nghe không lầm, Mỹ Hòa đã tốt nghiệp tài chánh kế toán, có nghĩa là đã trải qua những năm đại học ở đây. Không lẽ cô ấy chưa một lần dạo phố sao? Không tiện thắc mắc, tôi lấy xe ra, nổ máy, nhìn Mỹ Hòa:
- Chị định mua gì đây?
- Một ít vải vóc, quần áo thời trang may sẵn - Mỹ Hòa mở xắc lấy ra ba tấm giấy, mỗi tấm lớn cỡ hai bàn tay, đưa cho tôi - Đây là phiếu giảm giá của cửa hàng thời trang Hạnh Phước. Chúng mình đến đó nha!
Càng lúc, tôi càng thấy Mỹ Hòa thật ngây thơ. Ai lại đi tin vào những mánh khóe giảm giá ấy bao giờ. Thời buổi nầy, chỗ nào cũng bày đặt giảm giá để dụ dỗ khách hàng. Chúng tôi thường gọi những tấm phiếu giảm giá ấy là “hộ chiếu vào pháp trường”, đối với các cửa hàng thời trang lớn như Hạnh Phước thì sức chém càng ngọt xớt khó thể nhận ra. Mỹ Hòa là bạn mới quen, tôi không tiện ngăn cản. Hơn nữa, nếu Mỹ Hòa từng trải qua đời sinh viên ở đây, lẽ nào cô không biết trò ma giáo nầy?
Mỹ Hòa leo lên yên sau, vịn vào hông tôi:
- Mình sẵn sàng rồi. Đi nào.
Mặt tiền cửa hàng thời trang Hạnh Phước được ốp bằng đá hoa cương màu hồng rất ấn tượng. Đẩy cửa kiếng bước vào, khách hàng phải lóa mắt trước hàng chục manequin nam nữ ăn mặc đủ kiểu quần áo, được may bằng nhiều loại vải sang trọng. Một cô gái còn trẻ, trang điểm hơi đậm, bước đến đon đả:
- Mời hai cô vào trong nầy xem, có nhiều kiểu mới thiết kế rất đẹp, rất hợp với hai cô.
Tôi đứng dựa vào quầy hàng nhìn Mỹ Hòa đi quanh quẩn giữa lớp lớp vải vóc, rồi lại ngắm nghía các tượng người mẫu, ánh mắt hết sức bối rối, phân vân. Tôi xem đồng hồ. Đã nửa giờ trôi qua. Không biết còn đợi cô nàng đến bao giờ. Bỗng phía sau tôi, vang lên tiếng nói đùng đục, ngang phè, hoàn toàn không có dấu: “Em thich cai gi? Hay chon đi”. Giọng nũng nịu của một cô gái: “Ôi, cái xoa rê đẹp quá, cái áo khoác nầy nữa. Kìa chiếc quần..”. Một người nước ngoài mũi lõ, tóc vàng chóe, cao to như ông khổng lồ, lừng lững vượt lên trước mặt tôi. Tựa vào cánh tay lông lá của ông ta là bờ vai trắng nõn của cô gái Việt dáng mảnh mai, xinh đẹp. Tôi nhận ra nhỏ bạn Tố Nga, hiện làm người mẫu thời trang. Một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Dạo nầy ở trường có tin đồn Tố Nga chê người châu Á, toàn cặp bồ với Tây. Tôi không tin lắm, nhưng giờ sự thật đã rành rành.
Vừa thoạt nhìn thấy tôi, Tố Nga lùi một bước, rồi kéo ông khổng lồ qua hướng khác. Nó làm mặt lạ với tôi. Cũng tốt thôi. Có người bạn như nó, chả vinh dự gì. Mỹ Hòa kêu réo:
- Châu ơi, mình lạc vào mê hồn trận mất rồi. Lựa giúp mình cái đầm đi.
Cái cô nầy nữa! Đường đường là kế toán kiêm thủ quỹ của một công ty trách nhiệm hữu hạn lại tỏ ra kém bản lĩnh như thế. Thử hỏi, thành phố nầy có hàng trăm cửa hàng thời trang như Hạnh Phước, làm sao Mỹ Hòa đủ sức tham quan?
Tôi chỉ ngay vào bộ đầm bằng siu rủ, màu hồng tro:
- Da chị trắng, mặc màu nầy rất hợp. Kiểu đơn giản nhưng sang trọng, chị thấy sao?
- Châu là dân trường Nhạc, gu của Châu chắc chắn là hay hơn mình rồi.
- Ý, chị đánh giá vậy không đúng đâu. Trường Kinh Tế của chị còn ngon gấp mấy trường em.
- Mình học hàm thụ thôi, đâu đủ tư cách làm sinh viên Sài Gòn chớ?
Thảo nào! Tôi bỗng lo cho Tường. Với trình độ như vậy, Mỹ Hòa có lèo lái nổi cái Công ty vừa mới thành lập không?
oOo
Lần đi chơi đầu tiên sau khi gặp lại, Tường thú nhận một điều làm tôi hụt hẫng: số tiền anh hùn vào công ty Hòa Chương không phải của anh, mà là tiền vay mượn với lãi suất 3%. Anh nói: “Chủ nợ là bà con nên mới có lãi suất ưu tiên như thế”. Trời đất, so với dân cho vay cắt cổ, lãi suất ấy có nhẹ thật, nhưng tỉ lệ tiền lời trên tiền vốn phải trả mỗi tháng xem ra cũng oải quá. Tường nói: “Em khỏi lo, công ty hoạt động rất hiệu quả, tháng nào anh cũng trả lãi đầy đủ và dễ dàng. Anh dự định qua tết sẽ trả dứt nợ”. Tôi không có ý kiến, vì tôi nghĩ, mình không giúp được gì cho Tường thì tốt hơn hết, để mặc cho anh tự xoay trở lấy. Tôi nhìn lại lòng mình và cảm thấy, tôi chưa thật sự yêu anh. Thời gian xa nhau rồi bặt vô âm tín, tôi có buồn có nhớ thương thật, song nỗi buồn chỉ thoáng nhẹ như mây, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tôi cả. Tôi vẫn ăn ngủ bình thường, tập đàn chăm chỉ với kết quả học kỳ rất tốt là con một0 chuyên môn tươi rói trong sổ điểm. Tôi có ích kỷ lắm không? Về nhà, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi số nợ của Tường, rồi gương mặt ngây ngô của Mỹ Hòa hiện lên trong trí tưởng. Toàn bộ tài sản - linh hồn lẽ sống của công ty phó mặc vào tay một cô gái học hành chưa tới nơi tới chốn, lại không có chút kinh nghiệm nào, thử hỏi, trừ Chương ra, Tường và các cổ đông khác có điên không?
Tường chỉ ở lại thành phố một tuần. Trước khi trở về Cần Thơ, chương trình của Tường là đưa tôi đi ăn, sau đó đi nghe nhạc. Hãy còn sớm, hai đứa chạy lòng vòng hóng mát rồi ghé vào tiệm kem. Nét mặt Tường trở nên nghiêm trọng:
- Châu, anh có chuyện muốn bàn với em… Em nghĩ thế nào về Chương và Hòa?
- Thì... họ là những người bạn tốt của anh.
- Anh hy vọng họ cũng là bạn tốt của em nữa.
Tường định nói gì đây? Nếu Tường có ý rủ tôi hùn vốn một lần nữa, tôi sẽ từ chối. Dù Chương và Mỹ Hòa là người đáng tin cậy, tôi cũng không muốn dính vào kiểu làm ăn bấp bênh như thế. Tường cho biết, công ty Hòa Chương đang nhập vào một lượng thuốc tây giá rất hời, nhưng bị thiếu tiền. Người bán buộc phải mua tất cả, không cho nợ. “Bọn anh cần khoảng ba chục triệu thôi, em có thể cho mượn tạm được không? Bán hàng xong là trả ngay cho em, nhanh lắm, vì bọn anh đã có đầu ra rồi”. “Em đâu có số tiền lớn như vậy?”. “Em có thể mượn bạn bè dùm anh được không?”. “Em không thích mắc nợ ai cả. Anh cũng thế, phải suy nghĩ cho chín chắn trước khi vay tiền anh ạ”.
- Em khỏi cần dạy khôn anh. Tốt hơn hết là em cứ lo cho bản thân em đi, khỏi quan tâm đến kẻ khác làm gì.
Tường không bỏ ra về nhưng trở nên lặng lẽ trong suốt thời gian hai đứa ngồi nghe nhạc ở quán Văn Nghệ. Gió bên ngoài thổi mạnh, rồi mưa. Mưa ào xuống, dồn dập, bỗng thoắt nhẹ tênh, tí tách những giọt vắn dài trên mái lá.
Lại giận nhau. Sao lúc nào Tường cũng giận tôi vì một lý do rất tồi tệ. Tiền. Thật đáng xấu hổ! Người đời nói, có tiền mua tiên cũng được, vậy tôi cần bỏ tiền ra để mua sự vui vẻ của Tường không? Có ích gì. Tường nói đúng, ba mẹ đã không còn ở cạnh tôi, tôi phải lo cho bản thân tôi trước, không thể phiêu lưu cùng Tường được.
Mưa rơi trên đường về vương theo giọng hát chơi vơi của cô ca sĩ trẻ: Mưa rơi, chiều nay vắng người, bên thềm gió lơi, mơ bóng ngàn khơi... Ai đi như xóa bao lời thề, thuyền theo nước trôi không về, thấu cùng, lòng ai não nề nơi chốn phòng khuệ.. Tôi cảm nhận khoảng cách giữa tôi và Tường càng lúc càng xa.
oOo
Sáng chủ nhật, tôi không ra bến xe tiễn Tường. Lòng dạ như lửa đốt. Tôi cảm nhận một điều gì bất ổn sắp xảy đến cho người tôi yêu. Câu nói mỉa mai của Tường: “Em khỏi cần dạy khôn anh” ám ảnh tôi suốt cả giấc ngủ, đến bây giờ, đầu óc vẫn còn trĩu nặng, nếu không nhờ viên Panadol trợ giúp, chắc là tôi bệnh luôn. Chuông điện thoại reo vang. Có thế chứ. Tường không thể không làm lành với tôi được. Từ chối cho công ty của Chương mượn tiền là quyền của tôi. Tường giận tôi là sai. Nhưng cũng không nên “dạy khôn” anh trong lúc nầy, anh sẽ tự ái. Thôi thì cứ chúc anh lên đường bình yên. Rồi tôi sẽ suy nghĩ, viết thư cho Tường sau.
- A lô. Cho tôi gặp cô Diễm Châu.
Không phải Tường. Một giọng nam lạ. Mà… cũng không lạ lắm. Tôi nhận ra giọng anh Tư của Kim Loan. Lần đầu tiên, anh gọi cho tôi.
- A, anh Bảo. Có chuyện gì không anh?
- Nghe Loan nói em đang dạy đàn tại nhà phải không? Em có thể đến nhà học sinh để dạy riêng được không em?
- Dạ… được chứ. Mà dạy ai vậy anh? Sao Loan không dạy?
- Con nhỏ đó lười lắm em ơi. Vả lại, đây là chỗ làm ăn quen biết, cần cô giáo có kinh nghiệm. Em ráng giúp anh nhé. Hôm nay em có rảnh không? Ra gặp anh một lát. Anh đang ngồi ở quán cà phê vườn đối diện nhà em đấy. Em ra nhé!
Bảo nhờ tôi dạy đàn cho con gái một chuyên gia người Triều Tiên, đang làm việc trong Công ty của anh.
- Cô bé nầy khoảng 8, 9 tuổi gì đó, anh có gặp một lần. Trông nó cũng ngoan. Nhưng nhà nó ở tận Thảo Điền - An Phú kia. Em có ngại đi xa không?
Ánh mắt Bảo nhìn tôi, rất thân mật. Từ ngày Bảo ra trường, tất bật với công việc, tôi ít khi được gặp anh. Nay gặp lại, trông anh khác trước rất nhiều. Vẻ thư sinh ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là một anh chàng rắn rỏi có đôi vai mạnh mẽ, nụ cười tự tin và mái tóc đặc biệt được hớt cao gọn gàng làm nổi bật màu da rám nắng. Bảo lập lại câu hỏi:
- Em có ngại đi xa không?
- Không sao. Học trò em có đứa còn ở tận Thủ Đức cơ.
Tôi định nói: “Chỉ ngại một nỗi là em chưa hề dạy người nước ngoài. Tiền thù lao không biết tính sao…”, nhưng kịp dừng lại. Đây không phải là việc của Bảo. Bảo lấy trong túi ra tấm danh thiếp đưa cho tôi:
- Đây là địa chỉ cô bé học trò mới của em - rồi anh lấy điện thoại cầm tay ra - Để anh hỏi thử giờ nầy ông bạn Triều Tiên có rảnh không, anh sẽ đưa em đến giới thiệu nhé.
Tôi cầm tấm danh thiếp nhìn sơ qua rồi cất vào túi:
- Cám ơn anh rất nhiều nhưng em cần phải sắp xếp thời gian. Để tuần sau hẵng đi, có được không anh?
Tôi trở về nhà. Chuông điện thoại reo vang từng chặp. Sao Tường gọi trễ vậy, không lẽ giờ nầy anh chưa rời thành phố? Tôi nhấc máy. Giọng chị Trâm ào ào:
- Trời đất, em đi đâu nãy giờ vậy? Chị gọi mãi chả có ma nào nghe. Chị đem tin vui đến cho em đây. Phụ huynh thằng bé học trò người Triều Tiên của chị nhờ chị giới thiệu một cô giáo dạy Piano cho nhỏ em của nó. Cô bé nầy lên mười, trông cũng dễ thương. Em nhận lời nhé.
Không chờ tôi trả lời, giọng chị càng sôi nổi:
- Em biết không, dạy người nước ngoài tính bằng tiền đô, ít nhất cũng gấp đôi tiền dạy người mình. Tuy nhiên em cũng nên chuẩn bị tinh thần, ăn tiền của họ cay chua lắm. Họ lăm le soi mói, tính toán từng phút từng giây chớ không xuề xòa như người Việt mình đâu.
- Em không ngại chuyện đó.
- Chị biết, nên mới nghĩ đến em đầu tiên. Bốn giờ chiều nay chị có tiết dạy ở đó, chị ghé nhà chở em đến giới thiệu với học trò mới luôn nha.
Tôi đã giải tỏa được nỗi e ngại của mình. Chuyện thù lao tôi có thể bàn bạc thẳng thắn với chị Trâm. Dù đã vào niên khóa, học trò cũng khá đông, nhưng tôi vẫn có thể sắp xếp thời gian để dạy thêm. Điều tôi cần làm bây giờ là kiếm thật nhiều tiền, cũng như người tôi quan tâm nhất hiện nay là mẹ. Từ giờ cho đến ngày mẹ được trả tự do, tôi phải có đủ tiền sang cho mẹ một cửa hàng buôn bán như ý mẹ mong.
Trong nỗi buồn vẫn có niềm vui. Tường đối xử với tôi không đẹp chút nào, nhưng vận may lại đến bất ngờ làm tôi cảm thấy tâm hồn thênh thang đến kỳ lạ. Càng phấn khởi hơn nữa là chiều hôm đó, theo chị Trâm đến nhà học trò, mới biết cô bé nầy cũng ở Thảo Điền - An Phú, như vậy rất dễ cho tôi sắp xếp thời giờ để dạy hai em học cùng một buổi. Từ quốc lộ rẽ vào, con đường đất đỏ gập ghềnh mở ra một vùng xanh tươi rộng lớn. Những ngôi biệt thự khang trang thấp thoáng sau hàng cây nhạt nắng. Trời về chiều, trẻ con ra ngoài chơi mỗi lúc một đông. Tôi reo nhỏ:
- Chị Trâm ơi, sao nhiều mắt xanh mũi lõ quá vậy?
- Em không biết sao? Đây là khu nhà ở của người nước ngoài mà. Lúc nầy, có rất nhiều người phất lên bạc tỷ nhờ kinh doanh nhà cho người nước ngoài mướn đó. Ước gì chị có một ngôi nhà cho thuê như vậy thì khỏi cần phải cày như trâu.
Tôi chạnh nghĩ đến ngôi nhà mình đang ở có nhiều phòng cho người nước ngoài thuê nhưng bao nhiêu lợi nhuận đều rơi vào túi những con người cùng cha khác mẹ ấy, trái hẳn với những người sống quanh tôi không ruột thịt nhưng đầy tình nghĩa như chú Chín, chị Xuân, thím Mây… rồi tôi lại nghĩ đến chị Trâm với gánh gia đình trĩu nặng đôi vai, đến Kim Loan sống trên nhung lụa, đến Thu Hà, Cẩm Vân ra đời sớm… đến cả anh Bảo nữa. Ai cũng tốt với tôi, nhiệt tình giúp đỡ tôi.
Cô bé học trò mới của tôi tên là Chi-Un. Trông nó khá xinh. Dáng người nhỏ thó. Da trắng, má hồng, môi tươi, đôi mắt một mí. Nó vòng tay chào chị Trâm rồi nhìn tôi thắc mắc. Chị Trâm nói tiếng Anh với nó: “Mẹ em có nhà không?” Nó chạy ù vào trong, miệng la toáng: “Ồ ma! Ồ ma!”. Chị Trâm bảo tôi: “Tụi nhóc nầy không biết nói tiếng Việt. Tiếng Anh thì cũng ngang ngửa với mình thôi. Em khỏi lo”.
Chị nói không đúng. Bằng chứng là đứa học trò đầu tiên của tôi do Bảo giới thiệu lại rất rành tiếng Việt. Cô bé nầy tên Ha-Lim. Khác với Chi-Un, Ha-Lim mập ù, da đen như củ súng nhưng đôi mắt lại tròn xoe, trông rất thông minh. Mới học buổi đầu, nó tỏ ra lưu luyến và rất thích nói chuyện với tôi. Đại loại là những câu thông thường: “Áo của cô đẹp lắm!” hoặc: “Cô ơi, bài khó quá” Nó phát âm chính xác, đúng ngữ điệu, nhưng nghe vẫn lơ lớ, chả giống người Việt chút nào.
Thời gian trôi lặng lẽ. Ngoài những tiết dạy, tôi từ chối nhiều hợp đồng của các phòng trà, quán nhạc để chuyên tâm vào việc tập đàn. Thu đến đông sang. Mùa xuân về với tiết trời se lạnh, những hạt mưa phùn thấm ướt cây lá vườn nhà tôi. Học kỳ một qua đi với thành công rực rỡ. Điểm một0 tươi rói trong sổ điểm đủ sức làm cho tôi quên đi nỗi nhớ mong. Tôi cùng đám bạn thân đi dạo chợ hoa, rồi mua sắm, chụp hình… lòng không hề chờ đợi sự xuất hiện của Tường. Bởi từ buổi sáng chủ nhật đó, tôi không đưa tiễn cũng như anh ra đi không nói một lời, hình như giữa chúng tôi đã có một dòng sông ngăn cách. Tôi chờ một lá thư của Tường hay một tin tức gì về anh cũng được, nhưng hoài công. Có một lần, đi chơi cùng ba nhỏ bạn, tôi gặp lại Mỹ Hòa trên đường phố Nguyễn Huệ, trước nhà sách Fahasa. Cô ta tỏ ra hững hờ khi tôi hỏi thăm Tường và trả lời theo kiểu hàng hai, khiến tôi cũng không thể đoán được hiện giờ Tường ra sao. Kim Loan nói: “Tao nghi hai vợ chồng con nhỏ nầy đang cho Tường vào xiếc. Anh Tư tao nói, dạo nầy có rất nhiều Vua Lừa mở công ty trách nhiệm hữu hạn” Thu Hà bàn: “Theo ý tao, mầy nên đi Cần Thơ một chuyến, xem thử Tường làm ăn ra sao” Cẩm Vân cản: “Không nên. Hai đứa đang giận nhau. Phải chờ Tường làm lành trước chứ”. Tôi nghe lời Cẩm Vân. Mà không nghe cũng chả được. Vì sự thật, tôi rất mơ hồ đối với công việc làm ăn của Tường. Hơn nữa, đã hai lần Tường rủ tôi hùn vốn nhưng tôi từ chối, làm sao tôi có tư cách xen vô đời riêng của Tường? Đó là chưa nói - sợ bạn bè cười cho - mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa có địa chỉ đích xác của Tường tại Cần Thơ.
Sáng mồng hai tết, tôi nhận được tấm thiệp muộn gửi từ Huế, kèm theo lá thư xin lỗi của Tường. Anh cho biết, công ty Hòa Chương vẫn hoạt động tốt, nhận được rất nhiều hợp đồng nên anh cũng bị xoay theo như chong chóng, không rảnh để gọi điện cho tôi. Tết nầy, bác anh từ Mỹ về giúp gia đình anh rất nhiều. Bác bỏ ra một số tiền khổng lồ, nhờ ba má anh xây mới lại ngôi nhà thừa tự. Ba anh hứa sẽ cho anh mượn tạm số tiền nầy để góp vốn thêm vào công ty. Tôi biết, ý anh nói vậy để tôi được an tâm là từ nay hai đứa không còn lục đục với nhau vì chuyện tiền bạc nữa. Nhưng anh quên mất một điều là càng thấy việc làm của anh, tôi càng hoảng sợ. Tường quá chủ quan, quá liều mạng. Anh như kẻ mù, đặt hết niềm tin vào cây gậy, cảm nhận phía trước trống trải thì cứ hùng hổ dấn bước, không hề nghĩ đến những chướng ngại, những chông gai có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Nếu không phải là tiền mồ hôi nước mắt của mình thì Tường không nên tùy tiện. Công việc làm ăn đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Lỡ không hoàn lại vốn thì ba anh sẽ ăn nói làm sao với bác của anh? Tường hẹn sẽ ghé thăm tôi trước khi về lại Cần Thơ làm việc. Có nên khuyên Tường trả tiền lại cho ba anh không? Tôi suy nghĩ nhiều đêm. Cuối cùng tôi không nói. Hai đứa chưa là gì của nhau cả. Nên giữ hòa khí để nuôi dưỡng tình yêu, để dòng sông ngăn cách thu hẹp lại, để hai đứa cùng trở về những ngày vui xưa.