Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mưa Trên Phím Ngà

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7251 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mưa Trên Phím Ngà
Thuỳ An

Chương 3

Mùa mưa năm nay đến sớm nhưng sao cứ dai dẳng như không bao giờ dứt. Buổi sáng thì trời xanh mây trắng, nắng thắm tươi nhuộm vàng cây cỏ, nhưng đến hai, ba giờ chiều thì không khí trở nên oi nồng, bức bối. Rồi mây đen từ chân trời xa ùn ùn kéo đến, tối sầm cả mặt người, y như có mụ phù thủy đem tấm áo choàng phủ lên vạn vật. Thế là mưa. Mưa như trút nước. Mưa ngập phố phường.

Tôi ngồi một mình trong phòng khách. Vắng vẻ. Tháng nay tôi gần như thất thu. Đám học trò đi nghỉ hè xa, đứa về quê, đứa ra Hà Nội, rồi Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu... Làm trẻ con thật thú vị, chỉ biết ăn, ngủ và nô đùa. Mọi suy nghĩ, lo toan không cần vướng bận, như bầy chim non cuộn mình trong tổ, có cha mẹ xòe cánh chở che. Tôi là con chim non bất hạnh, chưa kịp bước vào đời, tổ ấm đã tan hoang. Sinh nhật tuổi hai mươi không nến, không hoa. Chỉ có tôi trong bóng tối căn phòng, bên di ảnh của ba và những chiếc áo còn vương hơi mẹ.

Mọi năm trước, đến sinh nhật của tôi hoặc Tường là biết bao niềm vui ngập tràn. Một ngày hai đứa sống trọn vẹn bên nhau: thưởng thức cà phê trong quán vườn xanh mát, đi dạo phố, ăn nhà hàng, xem kịch, phim... hoặc vào tham quan các trung tâm sang băng đĩa, các công ty phát hành sách lớn để tha hồ “coi cọp”, “nghe chùa”. Nếu không có gì trở ngại, hai đứa ra vùng ngoại ô, hít thở không khí trong lành. Năm tới, hai đứa dự định sẽ đi chơi Công Viên Nước, nhưng nhiều điều bất ngờ đã xảy ra. Cuộc sống tôi không còn bình yên nữa cũng như Tường đã không có mặt bên tôi gần một tháng nay. Và hình như Tường cũng quên mất sinh nhật tôi. Suốt một ngày tôi ở nhà đợi Tường. Một điện hoa chúc mừng, một cú phôn thăm hỏi hay ít ra là một tấm thiệp Happy Birthday. Hoàn toàn không. Tường làm gì ở Huế mà lâu vậy? Hay là ba Tường có chuyện? Sao Tường không báo tin cho tôi?

Mưa trở nên nặng hạt. Những hạt mưa sắc cạnh theo phương gió đập rào rào lên cửa kính rồi òa vỡ những sợi nước ngoằn ngoèo hòa lẫn vào nhau. Cây lá trong vườn nhòa nhạt sau màn mưa trắng xóa. Không gian ẩm ướt. Lành lạnh. Tôi đến bên đàn, mở sách nhạc để lên giá. Bài étude cô cho hôm đầu hè với lời dặn: “Bài nầy chú trọng nhiều về kỹ thuật, em ráng tập kỹ nhé” Tôi sắp bước vào năm thứ ba với bao nỗi khó khăn trước mắt. Nhớ một lần vào thăm mẹ, mẹ chỉ biết nhìn tôi, rồi hai mẹ con ôm nhau khóc ròng. Mẹ dặn: “Dù không có ba mẹ bên cạnh, con cũng phải phấn đấu để trở thành người hữu ích nghe con”. Tôi sẽ cố gắng đứng vững trên đôi chân của mình như lòng mẹ mong. Tôi lướt tay lên hàng phím trắng. Những âm thanh thoát ra rời rạc, rồi nhanh dần, dồn dập, đan quyện vào nhau. Giai điệu bài étude không đẹp lắm nhưng âm vực chuyển biến khôn lường cho những ngón tay của tôi tha hồ nhảy múa. Tiếng đàn. Tiếng mưa. Tiếng gió dập dồn qua những hàng cây. Trời tối dần.

Chuông điện thoại reo vang. Giọng Cẩm Vân ở đầu máy: “Phải Châu đó không? Sao mầy chưa trả lời tao?”. “Để tao suy nghĩ...”. “Cờ đến tay thì cứ cầm lấy phất đi. OK nhé”. “Ờ... thì OK vậy”. “Tốt. Để tao hẹn giờ với chú ấy. Bai”.

Tôi ngồi yên lặng bên đàn. Lòng rối như tơ. Tại sao tôi không chịu suy nghĩ đàng hoàng, lại OK bừa như thế? Trót cưỡi lên lưng cọp rồi, biết tính sao đây. Tuần trước, Cẩm Vân bảo tôi: “Chú tao sắp mở quán cà phê nhạc sống. Violonist có rồi, ổng nhờ tao tìm thêm một Pianist nữa. Nhỏ Loan thì giàu quá, không thèm tiền đâu. Mầy giúp cho chú tao nhé”. Tưởng nó nói chơi, không ngờ suốt ngày nó điện thoại thúc hối: “Châu ơi, chú tao có giấy phép rồi”, “Châu ơi, phòng nhạc đã trang trí xong rồi, đẹp lắm”, “Châu ơi, cây Piano đã chở đến rồi, mầy có đến xem thử không?”. Cứ Châu ơi, Châu hỡi, điện thoại trong phòng khách reo lên không ngừng. May mà chị Ngọc đã trở về Mỹ. Nếu chưa, khó mà yên với chị. Chú Chín bước ra phòng khách:

- Châu à, hôm nay thím Mây nấu bún bò Huế ngon lắm. Xuống ăn, cháu.

Tôi đóng nắp đàn, ngoan ngoãn theo chú Chín xuống bếp. Thím Mây đang gắp bún vào tô. Chị Xuân nhắc:

- Cô Châu không ăn hành đâu.

- Biết rồi. Tao còn biết cổ thích ăn gân nên để dành miếng bự đây nè.

Mặc cho mưa gió thét gào đem hơi lạnh len vào khe cửa bếp, tôi nghe lòng ấm lại như có một đốm lửa hồng vừa lan tỏa trong tim. Thì ra, vẫn còn nhiều người quan tâm đến nhỏ Châu tội nghiệp nầy. Tôi nên đối xử với họ thế nào cho phải. “Chị Xuân ơi, em dọn bàn dùm chị nha!”. “Thím Mây ơi, để cháu rửa tô cho”. Nhưng ai cũng từ chối: “Thôi khỏi. Tay Châu là tay đánh đàn chớ đâu quen làm mấy công việc nầy”. Họ nói cũng đúng. Lâu nay tôi vẫn dành thời gian để tập đàn hơn là lo cho sinh hoạt thường ngày. Mì gói là thức ăn “trường kỳ kháng chiến” của tôi. Thỉnh thoảng, tôi đi ăn phở bò, bún riêu, miến gà hoặc cơm bụi cho đỡ ngán. Cứ ba ngày, tôi giặt áo quần một lần, loại vải cứng khó vò xát thì bỏ tiệm giặt ủi. Thế cũng xong. Khỏi phiền lụy đến ai, khỏi làm cho người trong nhà khó xử, vì đôi lúc, thím Mây có ý nấu cho tôi một món ngon, hoặc chị Xuân đề nghị giặt dùm cho tôi chiếc quần jean hoặc áo dài.

Chú Chín bảo tôi:

- Để đó cho mấy bả. Nói chung là, cháu lên nhà học hành đi, rồi ngủ sớm.

Khi tôi sửa soạn lên giường ngủ, Cẩm Vân lại gọi: “Ngày mai tám giờ, tao ghé chở mầy đi gặp chú tao”.

Ông Vĩnh - chú của Cẩm Vân là một người trung niên, dáng cao ráo, khỏe mạnh. Ông mặc áo sơ mi lụa màu lá mạ, quần ka ki xám có nhiều túi, một kiểu thời trang không hợp với gương mặt có nhiều nếp nhăn của ông tí nào. Ông nhìn tôi soi mói, nhưng sau đó thì gật gù ra vẻ bằng lòng: “Bây giờ cô theo tôi”. Ông đưa tôi vào một gian phòng rộng, hồ hởi chỉ tay về cuối phòng. Trên bệ cao, chiếc Piano được che kín dưới một lớp vải hoa. Ông bước tới, đưa tay kéo tấm phủ xuống:

- Tôi mới mua đấy. Cô thấy sao?

- Thưa chú, đẹp lắm ạ.

- Vậy cô hãy đàn thử cho tôi nghe. Nào.

- Tôi ngồi xuống ghế, mở nắp đàn:

- Thưa chú, đàn bài gì ạ?

- Trời, cần gì phải hỏi tôi. Cô là dân trường Nhạc mà, lại là sinh viên sắp tốt nghiệp nữa, cô thiếu gì bài chớ.

Hơi bị hãi, tôi đàn đại bài étude đang học. Ông Vĩnh đưa hai tay lên trời:

- Cô làm cái gì vậy? Cô muốn đuổi khách của tôi đi hết sao?

Cẩm Vân nói vào tai tôi:

- Mầy đừng chơi nhạc cổ điển. Hãy đánh một ca khúc... như là...

Tôi dạo nhẹ một hợp âm rồi bắt đầu bài Sérénata của Schumann... Lắng trầm tiếng chiều ngân, nhạc dặt dìu... Nhớ mãi cung đàn, năm tháng phai tàn, duyên kiếp không hề lỡ làng...

Ông Vĩnh đưa tay ngăn lại:

- Có bài gì vui hơn không?

Tôi chuyển sang nhạc của Strauss, Cẩm Vân hát theo …Ngày ấy khi xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui... Ông Vĩnh vỗ tay:

- Được đấy. Nhưng nhớ tránh cái bài đầu tiên ấy đi nhé, nghe như “bắt cô trói cột”, “bắt cô trói cột”, đau cả tai.

Cẩm Vân hỏi:

- Chú có nhận bạn cháu vào làm không chú?

Ông Vĩnh lơ đãng ngó lên trần nhà:

- Ừ thì nhận - rồi nhìn thẳng vào mặt tôi -Nhưng mà cô phải thay đổi phong cách đi. Nghĩa là... phải chơi những bài ăn khách hơn.

- Bài ăn khách là bài gì ạ?

- Cô đùa với tôi đó à. Cô là dân trường Nhạc mà.

Tôi muốn nói: “Dân trường Nhạc thì đã sao, không lý bài gì cũng biết?” nhưng không dám, nên ngồi yên. Ông Vĩnh nói như hét vào tai tôi:

- Đó là những bài hiện đại như Họa Mi Hót Trong Mưa, Trái Tim Mùa Đông… những tình khúc vượt thời gian như Lệ Đá, Mộng Dưới Hoa… hoặc là nhạc Trịnh Công Sơn như Hạ Trắng, Mưa Hồng... Tóm lại, nếu khách yêu cầu bài gì, cô phải đáp ứng được ngay. OK? Thôi được, bây giờ cô có thể về. Khi nào bắt đầu, tôi sẽ bảo nhỏ Vân gọi cô.

Cẩm Vân chở tôi về. Tôi băn khoăn:

- Tao chưa bao giờ đánh những bài đó. Với lại, tao cũng không có...

- Mầy yên tâm đi. Nhạc mới bây giờ người ta in ra bán đầy các hiệu sách. Dễ ợt. So với trình độ mầy, chả cần phải tập mất thời gian đâu.

Tôi vẫn lo. Lần đầu tiên đi làm. Một mình một đàn. Lỡ hôm đó tôi bị ốm thì sao? Hoặc là tôi không thuộc bài nên bị vấp? Có ai nhắc nhở cho tôi không? Hay là tôi bị cười vào mũi rồi sau đó, ông Vĩnh cho tôi nghỉ việc? Suốt mấy ngày, tôi nghĩ ngợi lung tung. Nhưng đến khi Cẩm Vân đích thân đến nhà hẹn ngày đi làm thì tâm trí tôi bình tĩnh trở lại. Chỉ tại tôi không quen nên e ngại thôi. Bạn bè cùng lớp tôi đã đi làm từ hồi còn Trung cấp, có gì ghê gớm đâu?

 

oOo

 

Tường đi Huế vào. Anh có vẻ vui, cười nói luôn mồm. Buổi chiều đến đón tôi, trông anh hoàn toàn lột xác. Áo sơ mi vải ngoại màu xanh nhạt kẻ ca rô, quần len Anh Quốc may rất khéo, giầy da mới bóng lộn, đặc biệt, anh còn dùng cả nước hoa. Tôi định hỏi: “Anh trúng số à?”, nhưng sợ chạm tự ái, nên thôi. Biết nói gì đây? Tôi im lặng suốt quãng đường từ nhà ra phố, đến nỗi Tường phải dừng xe lại:

- Châu, em làm sao vậy?

Tôi nhìn Tường chằm chằm. Anh bỗng phá lên cười:

- Anh biết em rất ngạc nhiên. Rồi anh sẽ giải thích tất cả.

Hai đứa ghé vào một quán cà phê. Chọn chiếc bàn dưới giàn hoa giấy tím, Tường lấy trong túi ra một gói nhỏ bọc giấy hoa để vào bàn tay tôi - Ở Huế, anh vẫn nhớ đến sinh nhật em, nhưng không thể về được. Mong em nhận món quà muộn màng nầy và đừng giận anh nhé. Em biết không? Hình như vận may đang mỉm cười với anh. Ba anh đã khỏi bệnh từ lâu, nhưng anh vẫn ở lại Huế vì bạn bè rủ anh tham gia nhiều vụ áp phe lớn, nói chung là thành công mỹ mãn. Rất tiếc là anh không có vốn, chỉ lấy công làm lời nên số tiền kiếm được còn hạn chế.

Anh nhấp một ngụm cà phê, thả những làn khói thuốc lên cao:

- Bây giờ, một người bạn của anh sắp thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn, đang gọi cổ đông, ăn chia theo tỉ lệ. Nếu em cùng tham gia với bọn anh nhỉ! - Anh thăm dò.

Tôi giật mình:

- Em? Em đâu biết gì. Thôi, em không quen.

Phản ứng mạnh mẽ của tôi làm Tường hơi bị hẫng. Anh đưa ngón tay chấm vào lớp nước đọng bên ngoài ly đá, vẽ xuống mặt bàn những đường ngoằn ngoèo vô nghĩa. Tôi dịu giọng:

- Em xin lỗi.

- Có gì đâu. Nói chung là, em không thích thì thôi.

Không khí bỗng lắng xuống. Tường trở nên mất tự nhiên. Anh nói chuyện trên trời dưới đất một lát rồi đứng dậy:

- Anh đưa em về sớm vì bận tí việc. Anh sẽ gọi cho em. Hẹn gặp lại.

Tường không đến, cũng không hề phôn cho tôi một lần. Hai ngày, ba ngày rồi một tuần lễ. Suốt bảy ngày sáng nắng chiều mưa, tôi quanh quẩn trong nhà. Học trò đi nghỉ hè vẫn chưa về, tôi gần như không có việc gì ngoài làm bạn với cây đàn. Để khỏi nghĩ ngợi lung tung, tôi lao vào tập đàn, không ăn, không ngủ. Thật ra, từ hôm Tường bỏ đi, không đêm nào tôi ngủ được. Tường giận tôi sao? Nếu vì lý do tôi không chịu hùn vốn vào cái Công ty của người bạn Tường, thì rõ ràng là Tường không phải. Tường muốn phất lên, tôi hiểu, nhưng tôi cũng đâu có đủ tiền để làm một cổ đông? Hơn nữa, công việc dạy dỗ của tôi rất bấp bênh. Số học trò giảm bớt, ba tháng hè, tôi gần như thất nghiệp. Tôi lại còn cả một đoạn đường phía trước phải lo. Hai vai tôi trĩu nặng. Tiền sinh hoạt cá nhân, tiền đi thăm nuôi mẹ, tiền học hai nơi: lớp Nhạc, lớp Anh văn... Sao Tường không thông cảm cho tôi? Tôi gầy rộc hẳn. Kim Loan sang chơi, la toáng lên:

- Châu, sao mới vắng mặt vài bữa, mầy bỗng biến thành bộ xương biết đi thế?

Tôi ứa nước mắt. Bỗng muốn ôm chặt lấy Kim Loan, khóc một trận cho vơi hết nỗi niềm. Tôi sụt sùi kể lể. Kim Loan vuốt nhẹ bờ vai tôi:

- Bình tĩnh đi Châu. Tường không phải là hạng người như vậy đâu. Có thể Tường bận một chuyện quan trọng gì đó, không tiện nói cho mầy biết thì sao.

Kim Loan nâng cằm tôi, nhìn sâu vào mắt:

- Tao hỏi mầy chuyện khác nè. Nghe nhỏ Thu Hà nói, mầy sắp đến làm cho phòng trà chú của nhỏ Cẩm Vân, đúng không?

Tôi gật. Nó cầm bàn tay tôi day mạnh:

- Đừng Diễm Châu! Tao van mầy đó.

- Sao? Ông chú của nhỏ Cẩm Vân có máu “ba tư cộng một” à?

- Không phải. Vấn đề là ở chỗ, mầy không thể chơi nhạc cổ điển ở phòng trà được. Người ta sẽ yêu cầu mầy chơi nhạc mô- đéc (modern), thế là hư tay mất Châu à. Mầy suy nghĩ lại đi.

Kim Loan nói rất đúng, và những học sinh, sinh viên trường Nhạc, không ai là không rõ điều nầy. Biết nhưng vẫn làm. Cuộc sống khó khăn đã đẩy một số bạn tôi vào đời rất sớm. Nơi họ đến là các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê nhạc sống... Những ông chủ giàu sụ sẵn sàng mở rộng vòng tay chào đón họ. Vì miếng cơm manh áo, họ không ngần ngại bán tiếng đàn của mình, đem lại cho khách hàng những phút giây thư giãn, đồng thời tạo cho bản thân một cuộc sống dễ chịu hơn. Một nhân vật nổi tiếng trong giới “giang hồ” mà tôi được biết là chị Trâm - học cùng khóa với chị Phượng. Gia đình chị Ở Long Khánh. Ba chị rất chuộng âm nhạc. Ông cho chị học đàn violon từ bé. Chị học rất giỏi. Đến năm mười lăm tuổi, chị thi đậu vào Trung cấp Nhạc viện. Ban đầu, chị trọ học tại nhà người chú, sau không chịu nổi tiếng chì tiếng bấc của bà thím, chị thuê nhà ở riêng. Để có tiền trang trải mọi chi phí, chị xách đàn đến một quán cà phê xin việc. Chị vào đời từ năm mười sáu tuổi. Ban đầu, tiền chị kiếm được chỉ đủ đỡ đần cho ba mẹ. Dần dần, tiếng đàn của chị bắt đầu thăng hoa. Nhiều ông chủ tìm đến ký hợp đồng, tranh dành chị. Chị chạy show nhiều nơi, tiền vào như nước. Nhưng cuộc chơi nào cũng phải trả giá. Tay chị quen chơi nhạc thời thượng nên đã thất bại trước dòng nhạc cổ điển, nói theo cách nói của người trong giới là chị đã bị “hư tay”. Trầy trật lắm, chị mới tốt nghiệp được Trung cấp. Biết mình không thể học lên Đại học, nhưng chị không quan tâm. Điều cần thiết là gia đình đang cần đến chị. Ba mẹ chị đã về hưu với số lương ít ỏi, trách nhiệm của chị là chăm lo cho đàn em ăn học nên người. Hơn mười năm làm việc miệt mài, chị đã tậu được cho mình một cơ ngơi nho nhỏ: xe máy, nhà ở... và đón hai đứa em lên thành phố học đại học.

“Mầy suy nghĩ kỹ đi”. Tôi biết Kim Loan rất thương, rất lo cho tôi, nhưng tôi đang rất cần tiền. Dù muốn dù không, tôi cũng đã nhận lời ông Vĩnh. Chuyện người lớn, không thể giỡn chơi được. Lòng tôi chợt yên ắng khi nhớ đến những lời trấn an của Cẩm Vân: “Mầy đã là sinh viên năm ba, trình độ vững lắm rồi. Đừng lo. Mấy đứa đi làm sớm mới sợ hư tay”.

 

Đêm. Tôi không sao ngủ được. Những giọt mưa rả rích từ chiều đến giờ vẫn chưa tạnh. Sao giống như mưa ngâu, để tôi và Tường ở hai đầu nỗi nhớ. Không biết lúc nầy Tường đang làm gì? Có nhớ đến tôi không? Anh đang bận việc như Kim Loan suy đoán hay thật sự đã ruồng bỏ tôi rồi? Tôi ngồi dậy, khoác tấm áo rồi đi lên phòng khách, đến bên đàn. Pho tượng Chopin trắng sáng dưới ánh đèn dìu dịu, ánh mắt Chopin vẫn hiền hòa nhìn tôi như thầm hỏi: “Diễm Châu, tại sao cháu buồn?”. Tôi mở nắp đàn, lấy tập nhạc để lên giá. Tay tôi lướt trên phím ngà, bài Nocturne số 9 của Chopin đưa tôi trôi về một đêm xanh dĩ vãng, có tiếng lá khô trở mình để rơi những giọt sương khuya lên đám cỏ hoa thời thơ ấu. Tâm hồn tôi hòa quyện trong gió, trong thơ, trong nhịp mưa tí tách, rung lên những cảm xúc dạt dào. Tôi bay lên cao, cao mãi. Tôi thấy ba mẹ đang nắm tay nhau múa hát giữa khung trời lấp lánh muôn sao. Những vì sao tụ lại, biến thành dòng sông Ngân chảy qua vườn nhà tôi mang Tường đến. Tôi ngã vào lòng anh... tôi hụt hẫng. Tường, Tường ơi! Âm thanh ngừng đọng. Đêm yên tĩnh đến lạnh lùng. Bóng tối bao phủ quanh tôi. Những chụp đèn trên tường không còn phát ra ánh sáng, trước mắt tôi, pho tượng bán thân của Chopin chỉ còn là một khối đen lờ mờ. Chú Chín xuất hiện nơi cửa với cây nến trên tay:

- Điện cúp nãy giờ, sao cháu còn ngồi đây? Đi ngủ đi cháu.

- Trời còn mưa không chú Chín?

- Tạnh rồi. Cháu đừng nói với chú là cháu muốn ra thăm hòn non bộ nhé.

Tôi cười:

- Cháu đâu có điên. Thôi cháu về phòng đây.

 

oOo

 

Quán cà phê nhạc sống của ông Vĩnh có tên là Hạ Trắng. Một tuần lễ trước ngày khai trương, ông đích thân gọi tôi: “Bốn giờ chiều nay mời cô đến gặp tay chơi Violon để cùng trao đổi, tập dợt”.

Tôi đến đúng bốn giờ. Ông Vĩnh ra tận cửa đón tôi:

- Hay lắm. Tôi rất coi trọng những người đúng hẹn - rồi bước ra đường nhìn về phía xa -Kìa, cô ta cũng đã đến.

Một cô gái mặc bộ quần áo màu xanh dương, vai đeo đàn Violon từ xa phóng xe lại. Mặt cô mang khẩu trang, mũ kéo sụp xuống trán, mắt lại đeo kính râm nên tôi không thể nhận ra ai. Nhưng vừa dừng xe lại, cô ta đã reo lên:

- Kìa, bé Châu!

Cô đưa tay gỡ tấm khăn che mặt, để lộ nụ cười rất tươi. Tôi bước đến, vịn lên bàn tay cô gái:

- Chị Trâm. Lâu ngày quá.

Ông Vĩnh ngạc nhiên nhìn tôi rồi nhìn chị Trâm:

- Quen nhau à? Tốt, càng dễ làm việc.

Chị Trâm bẹo má tôi:

- Ừ, dễ chừng năm, sáu năm rồi. Em lớn quá. Tốt nghiệp chưa em?

Ông Vĩnh ngắt lời:

- Thôi, có gì để nói sau nhé. Bây giờ mời hai cô vào trong, chúng ta cùng bàn bạc.

Căn phòng được bày biện rất mỹ thuật nhưng không kém phần ấm cúng. Bàn ghế toàn bằng mây cao cấp. Trần nhà chạm trổ những hoa văn sang trọng. Một quầy rượu mới tinh, hai bên tường có những chùm đèn tỏa ánh hào quang. Sân khấu là một bục gỗ rộng lót thảm nhung xanh, chiếc piano đặt trang trọng về phía trái, hệ thống âm thanh chưa được hoàn chỉnh, còn nhiều dây điện vương vãi dưới nền nhà. Tiếng máy điều hòa nhè nhẹ. Không khí lạnh mát, dễ chịu. Ông Vĩnh kéo ghế:

- Hai cô ngồi xuống đây - Ông thao thao bất tuyệt như đọc diễn văn - Thật ra, hai cô cũng biết rồi đó, tôi không phải là người xa lạ gì. Tôi đã từng chơi trong nhiều ban nhạc ở tỉnh cũng như trong thành phố. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên tôi đứng ra làm chủ, tổ chức quán cà phê nhạc sống nầy. Hơn nửa đời người, giờ mới thực hiện được ước mơ. Tôi muốn quán của chúng ta đạt tới sự quí phái, sang trọng, cho nên tôi không chủ trương thành lập một ban nhạc rình rang, mà chỉ cần một piano và một violon thôi. Tiện đây tôi cũng muốn nhắc nhở, cô Trâm là một tiền bối, một cao thủ violon, trong khi cô Châu đây lần đầu đi làm, chắc chắn sẽ có nhiều sai sót, mong cô Trâm để ý nâng đỡ dùm.

Chị Trâm cười vui vẻ:

- Chú khỏi lo. Cháu biết Diễm Châu từ hồi nó còn nhỏ xíu. Cháu xem Châu như em.

- OK. Vậy bây giờ chúng ta bàn đến những bài nhạc cần phải tập nhé. Sẽ có mục độc tấu, hòa đàn và nhạc yêu cầu. Nếu có vị khách nào hưng phấn lên sân khấu hát hỏng thì cô Châu đệm đàn theo nhé. Được không?

Chị Trâm bấm nhẹ vào tay tôi, rồi nhìn ông Vĩnh:

- Đó chỉ là chuyện nhỏ. Giờ cháu muốn hỏi chú, về... giá cả ra sao ạ?

Ông Vĩnh nói chầm chậm:

- Chúng ta sẽ bàn sau khi làm việc một tuần.

- Không được. Hiện cháu đang làm cho một quán nhạc ở Tân Bình. Nếu chú trả lương cao hơn, cháu sẽ gọi người bạn đánh thay, rồi về đây đánh cho chú.

Ông Vĩnh hơi bối rối:

- Vậy thì... để tôi tính lại nhé. Sáng mai tôi sẽ phôn cho cô.

Chị Trâm rủ tôi đi uống nước. Hai chị em chạy đến Hồ Con Rùa, ghé vào một quán kem. Chị lại hỏi:

- Em và Kim Loan sắp tốt nghiệp rồi phải không? Kim Phượng dạo nầy ra sao? Có đỡ hơn không? Lâu quá chị không gặp nó. Nghĩ mà ghét cái thằng Tiến khốn nạn... Ý chết, chị xin lỗi.

Tôi đẩy ly kem về phía chị:

- Chị Phượng lành bệnh rồi. Chị ấy vừa mới đi du lịch vòng quanh thế giới. Thú vị lắm.

- Làm con nhà giàu sướng thật - Chị múc một muỗng kem để lên môi - Nghĩ mà tủi. Cái gánh trên vai chị nặng lắm em ơi.

- Hai người em của chị đã ra trường chưa? Có đỡ đần bớt cho chị chút nào không?

- Chúng nó đã tốt nghiệp. Một Kinh tế, một Ngoại thương, nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Không quen biết, không tiền của, thì trắng tay vẫn hoàn tay trắng thôi.

- Sao chị không ráng lo thử xem.

- Em nói vậy là không hiểu chị rồi. Chắc là em ngỡ chị giàu lắm phải không? Đúng, chị làm ra nhiều tiền thật đấy, nhưng chị có tới bảy đứa em lận, đứa bé nhất đang học lớp sáu. Ba mẹ chị không đủ sức khỏe phải về hưu non, chỉ biết trông chờ vào chị.

Trái tim tôi thắt lại:

- Em xin lỗi.

- Không sao. Tiện thể chị cũng dặn em luôn. Khi nào ông Vĩnh gọi chúng ta lên bàn bạc về lương hướng, em cứ ngồi im, để chị lên tiếng cho.

- Chị Trâm à, em thấy vụ nầy... chị hơi có...

- Em muốn nói chị quá thẳng phải không. Hơn mười năm lăn lộn trong nghề, kinh nghiệm chị đầy mình rồi. Đối với những tay cáo già như ông Vĩnh, nếu mình nhún nhường, sẽ bị bóc lột ngay. Dân trường Nhạc chớ đâu phải tay mơ, phải treo giá càng cao càng tốt, em biết chưa?

Mọi chuyện diễn biến tốt đẹp. Ban đầu, chị Trâm đòi giá khá cao cho cả tôi và chị, nhưng ông Vĩnh không chịu, viện lý do là tôi mới vào nghề. Cãi qua cãi lại một hồi, chị đứng dậy: “Vậy thì chú kêu người khác đi, nhỏ Châu cũng không làm cho chú đâu. Cháu xem nó như em gái mình, tính toán như vậy nó còn coi cháu ra gì nữa”. Kỳ kèo bớt một thêm hai, cuối cùng, ông Vĩnh đành nhượng bộ.
 

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 244

Return to top