Tôi nghĩ ông Vĩnh hơi bị ngốc. Tục ngữ ca dao có câu:
Tay ôm túi bạc kè kè
Nói quấy nói quá, chúng nghe rầm rầm.
Ông là người giàu có, thiếu gì người chầu chực xin việc, hơi đâu đi năn nỉ chị Trâm. Tôi nói ý nghĩ nầy cho Cẩm Vân nghe, nó cười hi hí: “Mầy ngu thì có. Dù hiện nay trong các phòng trà, quán cà phê, nhà hàng hay khách sạn... có khá nhiều người chơi violon, nhưng chị Trâm vẫn là số một. Rất nhiều người muốn kéo chị về. Chú tao không tiếc tiền vì biết chị Trâm sẽ đem lại lợi nhuận cho ông”.
Nhỏ Cẩm Vân dự đoán như thần. Chữ Bích Trâm được kẻ bằng sơn màu xanh dưới tên quán Hạ Trắng có sức lôi cuốn mãnh liệt. Hôm khai trương, quán đông đến nỗi phải kê thêm năm, sáu bàn nữa. Ghế ngồi san sát, kín cả lối đi. Ông Vĩnh hân hoan thấy rõ, chạy lên chạy xuống, hỏi thăm người nầy, người kia, mặt mầy rạng rỡ như trăng rằm, trẻ ra cả chục tuổi. Thật không uổng công chúng tôi tập dượt. Chị Trâm quả là có kinh nghiệm đối với thị hiếu giới thưởng thức. Những bản nhạc chị chọn cùng tôi hòa đàn rất hợp thời và sang trọng, khiến các “thượng đế” lắng nghe đến ngẩn ngơ. Thành công rực rỡ.
Đêm trở về nhà, tôi không ngủ được. Khác với những lần thao thức trước, lần nầy tôi mất ngủ vì vui. Không phải vui vì số tiền kiếm được mỗi đêm, cũng không phải vì được mọi người ngưỡng mộ, mà là bởi cuộc sống muôn màu quá. Thì ra lâu nay, tôi cứ cuộn mình trong vỏ ốc, chỉ biết từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Cũng có lần muốn thuê nhà ở riêng, nhưng cuối cùng tôi vẫn không thoát khỏi bốn bức tường khép kín, bao vướng mắc không gỡ ra được... Khung trời kỷ niệm, ngôi nhà tuổi thơ, rồi tình cảm với đám học trò trong cư xá, với chú Chín, với những người giúp việc. Nhưng giờ thì tôi đã nghe lòng nhẹ thênh thang. Những bước chân chập chững vào đời của tôi đã gặp được quí nhân giúp đỡ, đó là Cẩm Vân, chị Trâm và cả ông Vĩnh nữa.
oOo
Nào ai đọc được chữ ngờ. Quán cà phê Hạ Trắng xuôi chèo mát mái chưa đầy một tháng thì xảy ra chuyện. Hôm đó là đêm thứ bảy, quán rất đông khách. Mở đầu buổi trình diễn, chúng tôi hòa đàn bài Dòng Sông Xanh, sau đó, theo yêu cầu của một bạn trẻ, tôi đệm cho chị Trâm độc tấu bài Lệ Đá. Chưa được nửa bài, chợt một gã to cao từ cuối phòng chạy ào tới, nhảy lên sân khấu. Quần áo hắn xốc xếch, tóc tai bù xù, mùi rượu bốc nồng nặc. Hắn khoác tay một cái làm chị Trâm suýt té, rồi sấn đến vỗ vào vai tôi:
- Người đẹp Diễm Châu ơi, hãy đệm đàn cho anh hát đi cưng. Nào!
- Với biển cả, anh là thủy thủ ù u… với lòng nàng, anh là hoàng tử ừ ư…...
Tôi sợ hết vía, ngồi im như phỗng. Chị Trâm bước tới hất tay hắn ra khỏi vai tôi. Bất thần, hắn nắm lấy bàn tay chị Trâm kéo vào lòng. Chị vùng vẫy. Bỗng một tiếng “bụp” vang lên kèm theo tiếng rú, hắn buông tay chị Trâm, bưng lấy trán. Những dòng nước màu đỏ rịn ra từ kẽ tay hắn, chảy dọc xuống mu bàn tay. Đám khách chộn rộn, một số bỏ ra về. Ông Vĩnh chạy lại đỡ hắn:
- Máu chảy nhiều quá. Để tôi đưa ông đi bác sĩ.
Một người đàn ông trung niên, hơi mập, cất tiếng cười to:
- Máu gì. Nước cà chua đó ông chủ ơi!
Nghe vậy, gã to cao mới hoàn hồn trở lại, nhìn chằm chằm về phía vừa phát ra tiếng nói:
- Khốn kiếp, tại sao mầy chơi tao?
- Cho mầy chừa cái tật sàm sỡ. Đồ vô văn hóa!
Gã cao to hộc lên, nhào tới. Thế là hai người cùng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, mặc cho ông Vĩnh la hét khản cổ, cố gắng can ra. Đến khi công an xuất hiện, quán không còn một người khách, trừ hai kẻ sinh sự đang vật nhau huỳnh huỵch. Sau khi lập biên bản, hai người khách được “mời” về phường, riêng quán Hạ Trắng tạm thời đóng cửa, chờ xử lý. Thấy tôi lo lắng, chị Trâm nhún vai: “Em khỏi lo. Chuyện nầy xảy ra như cơm bữa. Rồi đâu lại hoàn đấy cho mà xem”.
Thất nghiệp, tôi dành nhiều thời gian để tập đàn. Bài cô Hoàng Lan cho từ đầu hè đến giờ tôi vẫn chưa thông. Tôi đang cố gắng vượt qua hai bài etude đầy kỹ thuật, nhưng đến bài độc tấu thì thật cam go. Đó là bài Sonate số 8 Pathétique cung đô thứ của Beethoven. Suốt ba tuần lễ, tôi tập mỗi ngày tám tiếng, rồi đến nhà cô đánh thử, nhờ cô góp ý. Cô nói thẳng: “Thuộc thì đã thuộc đấy, nhưng tiếng đàn em vẫn chưa vang lên được sự sôi nổi, cái khí thế đấu tranh của cuộc cách mạng tư sản Pháp - nói chung là không đạt yêu cầu vì chưa toát được cái hồn của tác giả. Cố gắng lên, năm nay em đã Đại học 3 rồi đấy”.
Cuối tháng tám, các học trò của tôi đi nghỉ hè đã lác đác trở về. Sắp tới, tôi sẽ bận rộn nhiều. Như lời cô Hoàng Lan khuyên nhủ. Lên năm thứ ba, tôi phải cố gắng hơn. Phải phân chia thời khóa biểu rõ ràng, chặt chẽ. Châm ngôn của tôi là làm việc và làm việc, chỉ chừa những khoảng trống rất nhỏ để thư giãn. Suốt bảy năm cấp hai, 3 học văn hóa tại Nhạc viện, chúng tôi chịu rất nhiều thiệt thòi về quyền lợi học sinh ngữ. Không biết tại thiếu thầy hay vì những lý do khách quan khác, mà có năm chúng tôi học tiếng Anh, có năm học tiếng Nga, có năm lại không có giờ sinh ngữ nào cả. Vì cứ lúc mưa lúc nắng như vậy nên khi bước chân vào đại học, vốn liếng Anh văn của tôi chỉ gói tròn chiếc lá. Không nản, tôi ghi danh học Anh văn tại các Trung tâm. Thi xong bằng C, tôi học tiếp khóa cử nhân Anh văn tại chức - Chi nhánh trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Vậy là tôi sẽ tốt nghiệp Anh văn trước. Có bằng C, chỉ cần học thêm hai năm rưỡi nữa là đủ. Nhưng để cầm được mảnh bằng cử nhân trong tay, phải có trình độ A một sinh ngữ phụ khác. Tôi định học thêm Pháp văn tại Trung tâm IDECAF(*) nhưng chưa sắp xếp được thời gian. Phải ráng thôi. Nói đến ráng, biết ráng đến đâu cho vừa. Hồi còn bé tí, tôi ham chơi hơn ham học. Nhưng vì thương ba mẹ, thương cô giáo, thế là tôi ráng. Tôi ráng học, ráng tập đàn. Rồi hai người con riêng của ba từ bên kia đại dương trở về can thiệp vào nếp sống đời tôi, tôi lại ráng. Ráng nhịn nhục, ráng chịu đựng nỗi mất mát đau thương, ráng giả câm giả điếc, như lời chú Chín khuyên: “Ráng giả dại để qua ải cháu à”. Đối với tôi, chữ “ráng” như kéo dài đến vô cực.
Chị Trâm đến báo tin:
- Quán Hạ Trắng được phép mở cửa lại rồi. Ông Vĩnh nhắn chị em mình đấy.
Chị giục tôi thay quần áo, theo chị đi gấp. Đến nơi, thấy quán đóng cửa im ỉm, tấm bảng tên cũng chưa được treo lên. Quang cảnh tiêu điều buồn bã. Chị Trâm chép miệng: “Sao giống chùa Bà Đanh thế nầy?”, rồi đưa tay gõ cửa ầm ầm. Gương mặt ông Vĩnh hiện ra, rầu rĩ, bơ phờ:
- Chào hai cô! - Rồi ông thở dài - quán chỉ được mở một tuần hai đêm thôi. Thế có khổ không chớ.
Chị Trâm an ủi:
- Đó chỉ là một cách xử lý thôi. Trước sau gì quán cũng hoạt động lại như cũ. Chú yên tâm.
Nét mặt ông Vĩnh hơi giãn ra:
- Nhưng mà... làm ăn kiểu nầy thì lỗ sở hụi mất thôi - Ông nhìn tôi rồi nhìn sang chị Trâm -Vậy thì tôi quyết định mở quán vào hai đêm thứ bảy và chủ nhật. Hai cô không bỏ tôi chứ?
Chị Trâm ỡm ờ:
- Cái đó còn tùy, chú ạ. Đâu phải riêng mình chú bị thiệt thòi. Giúp cho chú hai đêm, rồi năm đêm còn lại trong tuần, hai đứa cháu đói, biết lấy gì ăn đây?
Giọng ông Vĩnh hơi gắt gỏng:
- Năm đêm còn lại thì sao chớ? Không lý cô bắt tôi đóng hụi chết?
Chị Trâm thản nhiên:
- Chúng cháu đâu dám. Nhưng chúng cháu sẽ đánh cho những nơi khác. Có điều là cháu sợ khi ký hợp đồng, người ta không chịu cho chúng cháu nghỉ vào hai đêm cuối tuần để làm cho Hạ Trắng.
Ông Vĩnh ngồi yên. Tôi thấy ánh mắt ông long lên đầy vẻ toan tính nhưng hình như ông không nghĩ ra được biện pháp đối phó với chị Trâm. Tôi thấy tội nghiệp ông, toan mở miệng nhận lời. Bỗng chị Trâm đá mạnh vào chân tôi, rồi ra dấu tôi cùng đứng lên:
- Chúng cháu xin kiếu ạ.
Ông Vĩnh tròn mắt:
- Kìa, chúng ta bàn bạc chưa xong mà.
Chị Trâm đeo giỏ xách lên vai:
- Trước mắt, chúng cháu sẽ giúp chú hai đêm thứ bảy và chủ nhật. Các đêm không làm, chú hãy trả 70% lương để giữ chân chúng cháu. Được không chú?
- Nếu tôi không đồng ý?
- Thì hợp đồng xem như hủy bỏ, chúng cháu có quyền làm cho các chỗ khác. Phải không chú?
- Cô Trâm, cô đừng dồn tôi vào chân tường chớ. Ít ra, cô cũng phải tham khảo ý kiến của cô Châu...
Chị Trâm ngắt lời:
- Khỏi cần, hai đứa cháu tuy hai mà là một thôi. Chú cứ suy nghĩ rồi phôn cho cháu.
Tôi cho xe chạy song song với chị Trâm:
- Xin lỗi chị nhưng em phải nói thôi. Chị đối xử với chú Vĩnh hơi... hơi...
Chị Trâm cười lớn:
- Hơi ác phải không? Ôi, em cưng của chị ơi, nếu em cảm thấy tội nghiệp cho ông ta thì quả là em đặt tình cảm không đúng chỗ rồi. Ai lại đi thương hại một kẻ lắm bạc nhiều tiền bao giờ. Hơn nữa, không ai ép được một tên sừng sỏ trong giới ca nhạc như ông ta đâu. Em cứ tin đi, thế nào quán Hạ Trắng cũng hoạt động lại như cũ. Chắc chắn ổng sẽ phôn cho chị.
Lần nầy, chị Trâm đoán sai. Ông Vĩnh không phôn cho chị, mà hai ngày sau, ông đến tận nhà tìm tôi. Dù Cẩm Vân đã báo trước, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Bước vào phòng khách, ông không bắt đầu câu chuyện mà cứ ngắm nhìn chung quanh, gật đầu tấm tắc:
- Không ngờ nhà cô Châu lại sang trọng như vậy - rồi nhìn tôi đăm đăm - Tôi nghĩ là cô đánh đàn để mua vui thôi, cô không xem trọng đồng tiền lắm, phải không?
- Chú nói gì cháu chả hiểu.
Ông Vĩnh ngồi xuống ghế:
- Đem đồng tiền làm thước đo nghệ thuật thì đúng là khập khiễng, phải không cô Châu? - giọng ông bắt đầu cay cú - Có ai như con nhỏ Bích Trâm đó, nó mà là nghệ sĩ cái quái gì, cứ mở miệng là đòi tiền, là ra giá...
- Thưa... cháu không thích chú nói xấu người vắng mặt.
- Xin lỗi. Tại tôi tức quá đi. Nhưng... không thể nhịn nó mãi cô ơi. Nó tưởng nó là năm bờ oăn(*) chắc. Sống ở trên đời nầy, đừng nên chủ quan quá chớ. Mình giỏi một thì cũng có người giỏi hai, giỏi bạ..
Tôi cảm thấy khó chịu:
- Chú Vĩnh, chú quên chị Trâm đi có được không? Giờ cháu chỉ muốn biết, chú tìm cháu có việc gì?
Ông Vĩnh “à” một tiếng:
- Ờ, ờ… Chuyện quan trọng đây. Tôi đến để mời cô tiếp tục giúp cho Hạ Trắng, cô vui lòng chứ?
- Mỗi tuần hai tối ạ?
- Chúng ta chỉ được phép như vậy, biết làm sao đây? - Ông thở dài - Diễn không liên tục, chắc chắn sẽ ít khách hơn. Nhưng tôi vẫn giữ thù lao cũ cho cô. OK nhé.
- Chú gọi chị Trâm chưa ạ?
Ông Vĩnh dựa ngửa ra ghế, vẻ ngao ngán:
- Yêu cầu của cô Trâm quá sức tưởng tượng, nếu chiù theo, tôi sẽ bị phá sản ngay. Nói cô đừng giận, sao cô cứ phụ thuộc vào cô ta quá vậy? Phải tách ra làm ăn riêng mới khá được. Cho nên, tôi mời cô và chỉ một mình cô thôi. Trên đời nầy, đâu chỉ một mình Bích Trâm biết đánh violon.
Chú thay người khác à?
- Phải. Cô sẽ chơi với một violonist khác, anh chàng nầy vừa mới tốt nghiệp, đánh rất bốc. Cô biết Lam Giang chứ?
Tôi gật đầu. Ông Vĩnh đứng dậy:
- Tốt lắm. Bạn bè cả thôi mà. Ngày mai tôi sẽ gọi điện hẹn giờ tập nhé.
Ông Vĩnh ra về, mười lăm phút sau, tôi đã quyết định. Tôi gọi điện ngay cho Cẩm Vân: “Nhờ mầy nhắn với chú Vĩnh tìm một pianist khác, tao không thể giúp Hạ Trắng được. Gửi lời xin lỗi dùm tao”. Tôi không nhận lời ông Vĩnh vì nhiều lý do. Thứ nhất, thái độ Ông ta trịch thượng quá; thứ hai, tôi không thích tên Lam Giang ấy tí nào. Hắn học trước tôi hai năm, chuyên môn khá nên mặt mầy lúc nào cũng vênh váo, ra vẻ ta đây. Nhưng lý do quan trọng nhất là tôi không thể phản bội chị Trâm. Ông Vĩnh đã gạt chị ra, nếu tôi còn bám víu theo ông ta, thì tôi còn là con người nữa không? Dù bây giờ, ông ta có trả cho tôi gấp ba thù lao cũ, tôi cũng không cần.
Bước vào năm học mới, cuộc sống tôi trở lại bình thường. Học sinh trong cư xá tiếp tục học đàn. Có vài thay đổi nhỏ nhưng không ảnh hưởng gì. Ba học sinh vừa chuyển cấp, vì bài vở nhiều quá, xin tạm nghỉ một thời gian. Bù lại, tôi thu nhận thêm ba học sinh mới, ngoan và rất dễ dạy. Điều làm tôi phấn chấn nhất là hôm vào thăm mẹ, thấy sắc mặt mẹ hồng hào, tinh thần cũng khả quan hơn. Mẹ nói: “Mẹ cũng hơi quen với cuộc sống ở đây rồi. Con cứ yên tâm. Bận quá thì khỏi vào thăm mẹ cũng được. Quan trọng là gắng học hành, đừng nản chí”. Tôi thầm hứa sẽ cố vượt mọi khó khăn, để không phụ lòng những người thân yêu hằng quan tâm đến tôi.
Vẫn chưa có tin tức của Tường, nhưng tôi không còn buồn nhớ anh nữa. Chương trình làm việc kín hết thời gian của tôi. Sáng đến trường học, chiều dạy ở nhà, rồi tập đàn, ôn thi Sinh ngữ... Chị Trâm gọi điện cho biết, quán Hạ Trắng mở được ba tuần thì đóng cửa. Tự ý đóng cửa chớ không hề bị ai rút giấy phép cả. Chị cười to muốn bể ống nghe: “Em biết không, thằng Lam Giang đánh đàn không ngửi được. Rồi còn thêm con nhỏ đánh piano không có trường lớp gì cả, học võ vẽ có mấy năm mà dám biểu diễn. Thật là điếc không sợ súng. Ông ta không biết phân biệt kim cương và thủy tinh thì cứ việc chết đi. Đáng đời”. Giọng nói đắc thắng của chị Trâm làm tôi khó chịu. Cười một kẻ ngã ngựa, có gì hay? Lần nầy, chắc ông Vĩnh mất nhiều tiền lắm. Ra làm ăn, cần nhất là lợi nhuận. Chị Trâm đòi hỏi quá cao, ông không chấp thuận vì sợ lỗ, không thể trách ông được. Tôi định góp ý thì chị đổi giọng: “Dạo nầy em khỏe không? Chị có nghe chuyện ông Vĩnh đến tìm và em đã từ chối. Em có nghĩa khí lắm!”. Không chờ tôi trả lời, chị cúp máy cái rụp.
oOo
Tường biệt tăm đã gần ba tháng. Chả một tin nhắn về. Cẩm Vân, Thu Hà, Kim Loan không còn bênh vực cho Tường nữa. Chúng bảo: “Trước kia, vì sợ mầy buồn nên chúng tao làm lơ cho hắn. Nhưng nay thì không được rồi. Làm người ở đời phải biết soi gương. Hắn là ai cơ chứ? Xù hắn là vừa, Châu ơi!”
Tôi không tán thành cũng chẳng phản đối. Học kỳ một sắp tới rồi, nên chú tâm vào việc học thôi.
Mưa. Lạ thật. Mưa cuối năm! Đất trời Sài Gòn dường như thay đổi không lường. Đã bước qua năm mới dương lịch với một đêm Noel nóng đến 35 độ và những ngày sau đó khí hậu mát dần. Bão tố hoành hành khắp nơi, ngoài vịnh Bắc bộ, rồi dọc bờ biển miền Trung, vòng về miền Tây, gây nên bao thảm cảnh nhà tan cửa nát. Riêng thành phố nầy lúc nào cũng bình yên, thiên tai chỉ ảnh hưởng đến bằng những cơn mưa nhẹ, đủ để tung bay những chiếc áo mưa trên đường phố, những chiếc ô xoe tròn quấn quít bên nhau. Tôi lại nhớ đến Tường, đến những buổi chiều mưa hai đứa đi bộ trên đường Nguyễn Du, lá me ướt nhòe rơi trên vai áo, anh đã thì thầm bên tôi bao ước vọng tương lai. Nhưng tương lai tốt đẹp vẫn còn quá cao trên tầm tay với Tường đang cất công đi tìm và xa dần tôi.
Tôi đến bên đàn. Cung bậc du dương thoát ra từ những hàng phím trắng, bay lên cao vời, thánh thót nhịp mưa rơi, vi vu tiếng gió đong đưa hàng liễu rủ ven hồ... Bạn nhớ chăng chốn xưa, nơi đây mỗi chiều mưa, bạn khẽ ngân tiếng ca, tôi say trên phím ngà, biết đâu đường đời sương gió, đành chia lìa... Âm thanh êm ái nâng tôi chơi vơi bềnh bồng, gợi nhớ những ngày hòa đàn cùng chị Trâm hồi còn làm ở Hạ Trắng, những bản nhạc yêu cầu, những bó hồng còn ngậm sương Đà Lạt từ tay các khán giả ngưỡng mộ và cả những lời phàn nàn trách cứ của ông Vĩnh mỗi lần chúng tôi làm ông phật ý - những kỷ niệm dù vui hay buồn vẫn luôn luôn đẹp và xao xuyến mãi con tim.
Tôi chuyển sang bài Khúc hát nàng Solveig của Grieg. Cô gái Na Uy nầy xem ra hợp với tâm trạng tôi quá. Thương yêu, mong nhớ, đợi chờ rồi tuyệt vọng... Không biết giờ nầy Tường đang ở đâu. Chuông điện thoại reo. Tôi vẫn tiếp tục đàn. Lâu nay cứ nghe mãi điện thoại dùm khách trọ, tôi đâm ra lười nhấc máy. Chú Chín từ nhà sau gọi lớn:
- Châu ơi, chú bận tay rồi. Nghe dùm chú với.
Tôi nhìn lên đồng hồ. Gần sáu rưỡi.
Nghỉ ăn cơm chiều được rồi. Chuông reo đến lần thứ năm, inh ỏi.
- A lô!
Tiếng reo mừng òa vỡ:
- Diễm Châu!
- Trời đất, Tường! Nỗi giận hờn và tự ái từ đáy lòng bỗng cuồn cuộn dâng lên làm tôi không thốt được nên lời. Giọng Tường cuống quít:
- Châu ơi, đừng vội giận, hãy nghe anh giải thích đã. Chúng ta hẹn nhau ở quán cà phê cũ nhé. Chuyện không thể nói qua điện thoại được. Anh năn nỉ em mà.
Giải thích cái gì chớ. Bỗng nhiên, biệt tích gần nửa năm trời không một lá thư nói rõ nguyên nhân. Chị Khuê nhận xét quả không sai, con người Tường không đơn giản chút nào, thật khó tin. Điện thoại lại reo.
Chú Chín nhấc máy: “A lô, ờ, ờ. Được rồi. Yên chí”. Rồi bảo tôi:
- Cậu Tường nhắn cháu ra quán cà phê Mây Tím, có chuyện gấp.
Chú Chín bỏ vào trong, để lại tôi cùng bao nỗi ấm ức không biết ngỏ cùng ai. Tôi ngồi thừ trước đàn. Có nên bỏ qua cho Tường một lần nữa không? Mưa tí tách rơi bên hàng hiên. Gió chuyển mình thổi qua đám lá. Bầu trời chớp sáng liên tục, sấm động vang rền. Mưa đột ngột trở nặng, ào ào như trút nước, tạt vào cửa sổ, sũng ướt tấm màn phất lay. Tôi không buồn đứng dậy, mặc cho mưa gió dồn dập, thét gào. Chú Chín chạy lên, lật đật đóng các cánh cửa, rồi lo lắng nhìn ra ngoài cổng, nói với tôi:
- Lần nầy sửa nhà, con Ngọc đổ đất cao lắm, không biết sân vườn còn lụt nữa không? Ủa, ai vô nhà mình vậy cà. Trời đất, cậu Tường!
Tim tôi đập mạnh. Tường bước vào, mình mặc áo mưa màu vàng chóe, tay xách một túi xốp lớn. Chú Chín đỡ cái túi để trên bàn, rồi giúp Tường cởi áo mưa:
- Chà, con trai mà mặc gì mấy cái màu chói mắt vậy cháu?
- Như vậy chạy xe ban đêm mới đỡ nguy hiểm chú à. Châu đâu rồi chú?
- Nó kìa. Hồi nãy chú có nhắn với nó nhưng tại trời mưa nó đi không được. Thôi, hai đứa nói chuyện đi nha.
Tường đến bên tôi:
- Anh chỉ nói với Châu một câu ngắn gọn, rồi sẽ giải thích sau. Anh vừa mới ở tù ra.
Toàn thân tôi rúng động. Miệng tôi há hốc, mắt tôi tròn xoe.
- Giờ em đã hiểu ra rồi chứ. Sỡ dĩ anh không nhắn cho em biết là vì sợ em bị liên lụy.
Tôi nghĩ đến hoàn cảnh của mẹ mình hiện giờ, nghe lòng không vui:
- Anh không muốn chia sẻ hoạn nạn cùng em sao? Anh xem thường em quá. Nhưng thôi, chuyện cũng đã rồi, em không trách gì đâu. Em chỉ muốn biết những sự cố xảy ra cho anh từ ngày ấy đến giờ. Mà khoan đã, anh ngồi chờ em một lát.
Tôi vào trong lấy khăn khô cho Tường lau mặt và pha cho anh một ly trà nóng:
- Anh có đói bụng không? Em làm mì gói anh ăn nhé.
Tường với tay lấy chiếc túi xốp, vui vẻ mở ra:
- Khỏi cần, anh có mua đồ ăn đây nè, toàn là những thứ em thích, có cả đùi gà rán nữa.
Không khí trở nên nhẹ nhõm.
Những giận hờn cùng tan biến theo đợt mưa gió trái mùa. Tường cho biết, sau lần gặp tôi, anh đã về Cần Thơ tìm những người bà con để vay mượn tiền góp vốn vào Công ty của người bạn sắp thành lập. Nhưng lực bất tòng tâm. Tiền mượn tuy có, nhưng chưa đủ, buộc lòng Tường phải theo đám bạn đi buôn thuốc lá lậu. Những “phi vụ” trót lọt nhân số tiền vốn lên gấp bội làm Tường càng mê muội lao đầu vào con đường bất chính, quên mất câu nói của người xưa: “Đi đêm có ngày gặp ma”.
- Em biết không? Hôm bị tóm, công an tịch thu hết hàng hóa, bản thân anh phải đi lao động 4 tháng trời, oải muốn chết luôn.
Tôi nhìn anh ái ngại:
- Vậy anh trắng tay rồi sao?
- Em đừng lo. Anh vẫn còn đủ tiền làm một cổ đông. Hiện Công ty của bạn anh vẫn hoạt động tốt. Tuần tới là anh bắt đầu đi làm.
Mưa đã tạnh. Đêm ngoài kia yên ắng.
Tôi bước ra hàng hiên, Tường theo sau, hơi thở anh ấm nhẹ bên tai.
- Mình ra thăm hòn non bộ đi anh.
- Em nói thiệt không đó. Tối quá đâu có thấy gì.
Tôi nhìn lên cao. Khung trời bàng bạc, những vì sao nhạt nhòa ẩn hiện sau đám mây xa. Tôi ao ước một vầng trăng. Chỉ có ánh trăng mới đủ sáng cho tôi thấy được khoảng vườn thơ ấu sau cơn mưa, đủ cho tôi ngắm nhìn chiếc cầu nhỏ xíu nơi hòn non bộ, và có thể đôi cá vàng của tôi chưa ngủ, vẫn còn bơi lội nhởn nhơ. Một bóng người từ ngoài cổng hấp tấp đi vào, nói cười vui vẻ:
- Châu và Tường đó hả? Nè, vườn nhà ta hết lụt rồi. Chú vừa đánh một vòng quan sát. Nước rút nhanh thấy mê luôn. Mấy tay thợ nầy khá thật. À, mưa tạnh rồi, hai đứa không đi chơi đâu sao?
- Dạ Châu không thích đi chơi. Châu muốn ra vườn ngắm hòn non bộ nhưng trời tối quá.
Chú Chín nhìn trời:
- Không sao. Hôm nay cuối tháng, trăng lên rất muộn. Đợi lát nữa tha hồ mà ngắm cảnh. Chà, sau cơn mưa trăng sáng mới dữ à nghen.
Tường không cùng tôi đợi trăng lên được. Anh phải về vì đã quá khuya, sợ phiền nhà trọ. Chú Chín để tay lên vai tôi:
- Cháu đợi trăng thiệt ư. Thôi, đi ngủ đi, mai còn đến trường nữa.
- Cháu muốn ngắm cảnh mà. Không tin cháu sao?
Một mình tôi bên bờ hồ cùng ánh trăng vằng vặc. Trăng sáng bầu trời và sáng cả lòng tôi. Đêm trong suốt. Tôi nghe tiếng quẫy nhẹ dưới làn nước lấp lánh. Lại thêm hai chú cá vàng cùng chia sẻ nỗi hân hoan. Tường của tôi đã trở về. Nhưng sao lòng tôi vẫn cảm thấy niềm vui chưa trọn vẹn. Hình như Tường không thành thật với tôi. Lý do Tường đưa ra chưa đủ để biện minh cho sự biệt tăm của anh. Có thể là anh không may bị sa vào vòng lao lý, nhưng trước đó, khi rời thành phố về Cần Thơ, sao anh không nhắn cho tôi? Chỉ cần nhấc điện thoại, anh nỡ làm biếng để tôi phải lo lắng suốt ngần ấy thời gian được sao?
Tôi trở vào nhà. Ánh trăng theo gót, xòa xuống vai tôi những giọt sữa trắng ngần. Trăng đẹp quá. Tôi tắt hết đèn trong phòng khách. Trăng ngoài khung cửa sổ dường như sáng hơn, xuyên qua tấm màn voan, vẽ lên sàn những hoa văn sắc nét. Tôi đến bên đàn, dỡ nắp lên. Hàng phím trắng bóng ngời lấp lánh dưới những ngón tay tôi. Tôi thả hồn theo những cung bậc trầm lắng... chợt nhớ về một kỷ niệm chưa xa. Hôm ấy cũng vào một đêm trăng sáng, ba đã mở cuộn băng cassette vừa mới mua cho tôi nghe: “Đây là bản Sonate số một4 của Beethoveen. Con đã từng nghe qua chưa?”. Âm điệu quen thuộc vang lên dưới bàn tay tài hoa của nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan - Arthur Rubinstein càng du dương tỏa sáng, tăng thêm phần lộng lẫy của ánh trăng. Tôi reo lên: “A, bài Sonate Ánh trăng nè, bài thi học kỳ sắp tới của con đó ba”. “Hay lắm, khi nào con đàn thật nhuyễn, nhớ đàn cho ba nghe nhé”.
Đau đớn thay, ba đã bỏ tôi mà đi trước khi tôi chơi rất thành công bản Sonate nổi tiếng nầy.