Ngọc Lan cùng dắt tay nhau đủng đỉnh đi, lần hết ngõ hạnh, lại ngang qua vườn đào, trông đám cây cối im lặng, tờ mờ những ngọn đèn xuyên qua cửa mạch các dãy nhà gạch, thực vắng vẻ lạnh lùng, một đôi chỗ còn có tiếng học trò học, nhưng cũng đã nghê nga ra cảnh đêm khuya mỏi mệt, còn những tiếng gió thổi reo reo, dế ngâm thoãng thoãng, trong bụi tre già, thì càng thêm sầu uất nửa. Trên con đường cái quan, chỉ có hai người vừa đi vừa khảo chuyện đó mà thôi; đoạn lại rẽ ra ngã ba cửa đông mới, phố xá trùng điệp, lầu trà quán rượu bây giờ cũng vắng khách lại qua, phố dọc hàng ngang, đều thấy cửa gài then đóng.
Vi Văn nói với bạn rằng: Quá canh rồi, e em đến thăm nhà kia không tiện nữa, vậy anh có muốn em đưa anh về ngụ sở luôn thể, em xin theo hầu. Ngọc Lan nói: Vâng, hiền khế sẵn lòng tôi cám ơn lắm; Vi Văn lại dắt tay Ngọc Lan rẽ qua con đường vào thành, đi chưa mấy lúc, chợt thấy một cỗ xe ngựa để sẵn bên vệ đường, nhà ấy cửa mở, đèn thắp sáng choang, người nói xôn xao, hình như yến tiệc gì vậy. Khi hai người đi ngang qua trước cửa, thời Ngọc Lan chú ý nhận kỹ, thấy có bốn người ngồi ăn uống vừa xong, đày tớ đương dọn dẹp, đoạn Ngọc Lan nhìn cỗ xe, thì ra cỗ xe mình mới gặp ở chặng đường khi nãy, bèn bấm tay Vi Văn mà nói thầm, anh có biết cái phố này của ai không? Vi Văn nói:Đó là một hiệu buôn của người Trung Hoa.
Ngọc Lan nói: Cỗ xe để bên đường, chính là cỗ xe em mới gặp mà nói với anh đó, chúng ta nên đứng lại đây, chờ xem động tĩnh ra thế nào anh hè!
Vi Văn nghĩ trong bụng rằng: ta đã nóng về công chuyện ấy, coi ra anh này lại gấp bằng ba, chốc lạithấy Ngọc Lan bấm Vi Văn mà nói rằng: Ấy! Ấy quả nhiên tề, gã thiếu niên, gã thiếu niên!
Vi Văn chăm nhìn vào trong nhà, chỉ thấy có bốn người đều trạc lớn tuổi hết thảy, có ai là gã thiếu niên đâu, vừa toan muốn hỏi, thì Ngọc Lan lại nói: Ôi! Coi như gã ốm thì phải, mặt mũi dàu dàu ra thế này.
Vi Văn hãi hùng nói: Quái lạ! Hay anh này mơ ngủ chăng? Chớ nào có gã thiếu niên đâu.
Ngọc Lan nói: Gã đau đớn lắm! Tội nghiệp chưa, Ngọc Lan lại kề miệng vào tai Vi Văn nói: Kìa! Kìa! (tay chỉ vào nhà), Vi Văn quay đầu chăm mặt Ngọc Lan xem có phải chàng phát cuồng lòa mắt đi chăng; Ngọc Lan nói: Vậy thì anh quáng thật, không trông xa được hay sao? Kìa trông bức cửa kính trên gác, có phải gã thiếu niên đó không?
Vi Văn mới ngẩng đầu trông lên thì dưới ngọn đèn sáng choang, quả có một người thiếu niên xinh đẹp làm sao, đương nằm trên một cái ghế phô tơi ở trên nhà gác trông ra ngoài đường, song dáng người có vẻ buồn rầu, chốc chốc lại nhăn mày, nước mắt như còn ướm đượm chảy quanh tròng, thời kêu lênmột tiếng, phải rồi! Ôi! Phải rồi! May! May! Đó rồi chớ còn ai. Tiếng nói vừa dứt, bỗng có một người xồng xộc trong cửa chạy ra, lại tiếp nghe có tiếngngười trong nhà kêu trở lại; lão Đại, chủ nhân còn dặn người phải lấy thuốc nữa. Nghe!
Khi ấy thời thấy mọi người trong nhà xôn xao, kẻ bước lên thang gác, kẻ sắp sửa dọn bàn ăn.
Người tên là lão Đại băn khoăn chạy vào rồi lại chạy trở ra, miệng lẩm bẩm nói thầm rằng: Bây giờ thầy bà ở đâu, mà biểu mời biểu rước, rộn tinh rộn tang, thực bực mình quá sức!
Vi Văn nghe lọt mừng rỡ khôn xiết, nói nhỏ vớiNgọc Lan rằng: Cơ hội khả thừa rồi, bèn gọi lão Đại lại mà hỏi rằng: Có phải chủ nhân khiến người tìmthầy thuốc chăng? Ở quí hiệu có ai cảm mạo?
Lão Đại thấy Vi Văn, thời nhận ngay là ông thầy thuốc, mừng mà nói rằng: Thế ra tiên sinh ở đây, châu ôi! May cho tôi quá! Số là người bạn với chủ nhân ở phương xa lại chơi, ngẫu cảm phong sương, cũng không lấy gì làm nặng, nhưng không có thuốc chữa gấp, đặng đi bây giờ.
Vi Văn nói: Được, tôi xin giúp cho, liền bảo lãoĐại vào thông tin trước, để chủ nhân có triệu tôi sẽ ứng hầu.
Lão Đại bước vào trong phòng, giây phút liền trở ra đưa hai người vào, thời thấy người chủ mặt mũi vậm vạp, trạc độ bốn mươi bước ra tiếp khách, trà nước tiếp đãi xong, thời để Ngọc Lan ngồi lại gian giữa mà chơi, còn chủ nhân tự một mình đưa Vi Văn lên gác thăm bệnh, chủ nhân vừa đi vừa nói: Người bạn tôi bẩm chất bạc nhược, không khác gì đàn bà con gái mấy chút, y là con một nhà giàu có sinh bình không từng đi chơi đâu xa, nay nhân theo tôi du lịch các tỉnh, vừa mệt nhọc lại trở nước, vậy nên sốt lắm, nhiệt độ lên đến bốn mươi, nhờ tiên sinh châm chước chữa cho mau khỏi, tôi xin hậu tạ.
Vi Văn nói: Vâng, vâng, trong lòng lấy làm nghi hoặc, nhưng vẫn làm bộ trấn tĩnh; kịp đến tầng gác trên, chủ nhân vặn khóa cửa bước vào, thời có một người nữ tỳ cầm cây đèn sáp đưa đường, hai người dắt tay đi quanh cạnh phòng, chợt thấy bên cạnh phòng kia có một cái giường treo bức trướng bố vi trắng, ngoài có mấy cái ghế bành ngồi, người thiếu niên đương nằm trên cái ghế phô tơi, sắc mặt xanh nhợt, mắt nhắm thiu thiu ngủ.
Chủ nhân se sẽ đi đến bên cạnh, giơ tay vuốt ve một hồi, đánh tỉnh giấc dậy, xem dáng chủ nhân trân trọng người thiếu niên một cách lạ thường.
Vi Văn lòng càng thêm nghi nữa, khi chàng thiếu niên mơ màng mới tỉnh, thì nghe hỏi rằng: Làm cái gì thế! Khó chịu trong mình lắm, thôi, La Vinh, đi ra đi; chủ nhân cười mơn nói rằng: Không hề chi, công tử cứ yên tâm, tôi đã cho mời tiên sinh đến điều trị đây, trong một vài hôm thì khỏi bệnh.
Thiếu niên nghe nói bèn mở bừng mắt nhìn lên, rồi ríu ríu nhắm lại.
Chủ nhân lấy tay vẫy Vi Văn ra một bên, bảo xem mạch thử ra làm sao, lại dặn nhỏ bảo đừng cho bệnh nhân biết, và đừng nói chuyện gì, đừng hỏi han gì.
Vi Văn gật đầu, y như phép chẩn mạch, lại quan sát hình sắc một hồi, rồi liền ghé qua bên kia mà đứng, chủ nhân rón rén lại hỏi nhỏ, Vi Văn gật đầu tỏ ra ý có cách chữa được.
Chủ nhân hỏi: Bây giờ định khai phái, hay là lấy thuốc tại nhà tiên sinh?
Vi Văn nói: Có thuốc linh đơn rất hay, bây giờ cần nước nóng lập tức, uống xong trùm chăn kín sẽ bớt.
Chủ nhân bảo đứa thị tỳ đi đun nước nóng, và dọn giường nằm, còn tự mình cũng băng xăng sửa cái này cái khác, mở cửa phòng bên cạnh đi vào, còn Vi Văn một mình ngồi trên ghế bành, bắt mặt trông qua chàng thiếu niên, một lát lại thấy chàng rên rỉ, chốc lại trở mình; trong lòng Vi Văn hồi ấy mừng sợ bối rối, nghĩ người này còn đương tỉnh, muốn dò thử câu chuyện, bèn mượn chữ vô tình mà nói; dầu ai nghe cũng chẳng can gì; Vi Văn chú mục vào chàng mà nói rằng: “Nhất điểm hồng”, “Nhất điểm hồng”! Kìa! Kìa! “Nhất điểm hồng”!
Chàng thiếu niên thất kinh, hoảng hốt ngồi phắt dậy, trong phòng chủ nhân lại bước ra, chủ nhân thấy thiếu niên đã tỉnh, mừng lắm! Vội vàng bước tới đỡ chàng thiếu niên vào giường nằm, nói rằng: Hãy khoan dậy, để uống thuốc đã.
Thiếu niên không nói gì, cứ nằm yên, bây giờ đôi mắt trừng trừng không chớp, mồ hôi toát ra như mưa, thần sắc sớn sác, như ngây như dại, làm cho chủ nhân cũng phát hoảng theo, trông Vi Văn mà hỏi rằng: Sao công tử sửng sốt như thế, có điều gì nhờ tiên sinh bảo cho.
Vi Văn nói: Thưa không, xin ngài phải gấp gấp cho nước nóng mau thì tốt hơn.
Chủ nhân nói: Được, được, tôi xin đi ngay bây giờ.
Vi Văn nghe tiếng giày đi đã xa, bèn se sẽ tới gần chàng thiếu niên mà hỏi rằng: “Nhứt điểm hồng” Than ôi! “Nhứt điểm hồng”.
Chàng thiếu niên bỗng trào nước mắt lai láng, tay chân run cầm cập.
Vi Văn càng tin là thật, mừng quá, nhưng sợ chủ nhân thấy tình cảnh thế sinh nghi, bèn hỏi nhỏ rằng: Thưa nàng, sự tình đau đớn, trót mấy năm thừa, bây giờ một lời kể sao cho xiết, Vi Văn tôi dám hỏi lai lịch Thố Nhi ra làm sao? Xin quí nương bảo giúp.
Thiếu niên lau nước mắt mà nói rằng: Ngài vẫn mạnh giỏi, tôi vì người em ngài mà nhục nhã không biết bao cơ, nay đoạn trường sẻ rút tên ra, có chăng là cũng nhân cơ hội này. Nhà ngài có gần đây không? Hiện tại Ngọc Lan cũng có ở đây nữa phải không?
Vi Văn nói: Thưa phải, câu chuyện mới đáp được một tiếng, thời nghe dấu giày đã giậm sạt sạt ở từ cầu thang dưới bước lên, hai người khoác tay nhau bảo im lặng.
Vi Văn lại cứ ngồi như chỗ khi trước.
Chủ nhân cùng đứa thị tỳ xách nước đi vào phòng, Vi Văn trách sao chậm chạp như thế, làm bộ vội vã mở túi lấy thuốc, hòa nước, băng xăng vừa nghiền vừa tán, rồi đưa chủ nhân bưng đến cho thiếu niên uống. Vi Văn nói: Phải nên để công tử tĩnh dưỡng vài ba hôm, đừng cho ra gió, và người thăm viếng vãng lai cũng nên cấm chỉ đi, thời nhiên hậu bệnh mới giảm.
Chủ nhân cảm tạ, đưa Vi Văn xuống gác, hẹn tối mai đúng chín giờ sẽ lại đây, và có cho thuốc gì cũng xin bảo trước, kẻo tôi còn bận nhiều việc, ban ngày không có ở nhà.