Ở núi Hương Sơn Thanh Hóa, có một cảnh chùa sư nữ, làm trên đỉnh núi, hoa cỏ đìu hiu, rừng cây thanh vắng, xung quanh làng xóm đều xa cả, chỉ có con sông nho nhỏ chảy trước cửa tam quan; thường ngày có các chuyến thuyền buôn qua lại đó mà thôi, trong chùa chỉ bốn năm dì vãi, với một bà sư cụ... Một hôm chuông trống mới xong, thì bỗng thấy một người con gái, tuổi chừng 19, 20 gõ cửa bước vào, phục xuống lạy vái khóc kêu cầu cứu, bà sư cụ kinh ngạc, hỏi han sự thể làm sao, nàng nức nở khóc thưa rằng: “Tôi là con gái nhà lương gia, xảy lự sự tai nạn, theo thân phụ đi về quê nhà, đến giữa đường gặp kẻ cướp giật, tiền của lấy hết, xô đẩy xuống sông, khi cha con phân rẽ, thời không hiểu sống chết dường nào? Một mình tôi trôi nổi đến đây, dám nhờ lượng rộng từ bi, thương kẻ cô khổ lưu lạc, may sau trùng phùng dầu họa có khi, ân đức ấy muôn đời ghi tạc”.
Bà sư nhìn người con gái, áo quần lướt mướt, nhưng xem ra dáng con người phết thói, cũng dủlòng yêu, dạy rằng: “Ở đây cửa phật cũng không hẹp gì, nhưng muối dưa cực khổ, e nàng không kham nổi, thế mà tạm nương náu một vài tuần cũng đặng, rồi dò hỏi tin tức, sẽ nhắn thân quyến đưa về.
Người con gái mừng rỡ, lau nước mắt, theo xuống lều sau mà sấy quần áo.
Bà sư bảo các vãi lấy cơm nước cho người con gái ăn; bát cơm với một quả cà muối, nàng bưng bát cơm ăn, lại nghe có tiếng gõ cửa mạnh, người trong chùa ai nấy chăm mắt nhìn nàng... Người con gái lại phục xuống gối bà sư mà khóc xin nhờ cứu giúp.Người con gái nói: Ấy chúng đuổi theo con đó, trăm lạy bà lấy lời che chở mà cứu sống cho.
Bà sư vội vàng lấy tay khoác nàng vào phòng trong, khóa chặt cửa lại, đi ra mở cửa thuyền viện mà tiếp khách. Bà sư nói: Mô phật, đêm hôm tối tăm, các ngài hỏi việc gì? Thời thấy một người đàn ông sồ sộ đứng ngay mình nói to lên rằng: Nhà sư có biết một người đàn bà trẻ tuổi ẩn mặc vào đây không?
Bà sư nói: Thưa không có đến.
Người đàn ông nói: Nó thực vào đây khi nãy, ai cũng nói như vậy, có lẽ nhà sư giấu ta chăng?
Bà sư nói: Mô phật, xin ngài cứ cho người soát thử xem.
Người đàn ông nóng nảy, chạy lui chạy tới mấy bước, rồi nói rằng: Vậy thời ta sang tả ngạn bên kia sông đuổi bắt nó đã, nếu không được, ta lui về nhờ nhà sư chỉ hộ cho, vừa nói vừa chạy ra cửa Tam quan, nghe tiếng người đi theo xát xát rất đông, ồn ào vang dậy dưới bến. Các dì vãi trong chùa đều thất sắc, duy một bà sư già ngồi điềm nhiên không nói câu gì, cũng không hỏi han gì nàng nữa, lần hết chuỗi hạt bồ đề rồi tắt đèn đi ngủ.
Sáng mai dậy sớm, bà cho gọi người đàn bà trẻ tuổi đến một nơi tịnh thất, bà ngắm nghía nàng hồi lâu, quả nhiên xinh đẹp lạ thường, cười mà nói rằng: Sự tình nàng thế nào, thời kể thật tôi nghe, rồi tôi bày kế giúp nàng, chớ như ở đây không được lâu rồi, vì cái người hôm qua vừa đi tìm nàng, đó là chính một tên đại bợm ở tỉnh thành này, hắn gian hiểm lại quá bọn trộm cướp kia nữa.
Người đàn bà trẻ tuổi nước mắt dầm dề thưa rằng: Tôi tên là Kim Tú Cầu, quê ở đất Kinh, vợ kế thất quan đề đốc Mổ. Khi quan tôi thất lộc, thời các ngài đồng liêu đưa ra tạm quyền táng ở làng Thọ Hạc, để đợi người nhà ra hầu linh cữu về; đất khách quê người, chiếc thân bồ liễu; hồi trước còn quan tôi, thì kẻ tới người lui tấp nập, đến bây giờ đều vắng vẻ, không ai là kẻ đoái hoài, nếu có, thời những kẻ dụng tâm trục lợi, bòn hót của cải, khi thời quyến anh rủ én, trò chuyện nhố nhăng, tôi không bằng lòng, mới định làm nhà một bên mộ địa mà ở, nhân thế, lũ ác thiếu khi chỗ vắng vẻ, thường ngày nhũng nhiễu, lắm cách không thể chịu được, bất đắc dĩ tôi phải thưa quan trừng trị, nào ngờ sự kết oán với tiểu nhân, thành ra di họa, lụy đến ngày nay.
Bà sư nói: Sau thời chúng nó làm sao? Bởi bà vụng liệu, không thiên cư về tỉnh, mà nương dựa với các bậc nhân hào, người ta giúp sức cho.
Tú Cầu thở dài mà nói rằng: Thưa cụ, con cũng nghĩ thế; tự quân ác thiếu phái phách, về sau con bèn dọn đồ vật về ở ngụ với hai ông bà phán, dè đâu, quan lớn thì nghĩ tình xưa sau hết sức tử tế; ở được mươi ngày liền thấy ý bà phán đổi khác, lấy lẽ nọ điều kia mà giam cầm đứa ở, con sợ mang điều hổ thẹn với người đời, lại phải lui về chốn cũ, hơn luồn cúi người ta, tất tủi đến chồng nơi chín suối.
Than ôi! Đến đoạn này là cơ nguy hiểm của con đã dồn dập mà tới đây; lúc từ tạ hai ông bà phán, dọn đồ về đến nơi; đày tớ ly tán, tâm tình khác xưa, không theo chỉ cử của mình, tiền của mất mát, đồ vật hao mòn, lấy làm khổ sở quá; có người thích thuộc ở Nghệ An, viết thơ cho con, bảo sang đó mà ở, nấn ná đợi tin, cho qua ngày tháng; hôm ấy con định mướn thuyền đem hết gia tư xuống yên trí mà đi; nào hay bữa cơm xong, thuyền mới xuôi sóng, thời đánh giấc say mê ngủ thiếp không biết, kịp đến khi tỉnh giấc dậy, tớ đầy đâu hết, tiền của đều không, một mình ngồi trong chiếc thuyền con, thấy hai người khách lạ, đương chén thù chén tạc với nhau, lại buông lời trêu ghẹo, lắm tiếng khó nghe, con định thần nghĩ mãi giờ lâu, vẫn mơ màng còn tưởng mình ở trong giấc mộng, bỗng nghe có mấy tiếng chuông chùa, mà nhận ra là sự thật, hãi hùng xiết bao, ngảnh đầu trông lên trời, thấy mấy ngôi sao lấp loáng; quanh mình hiu hắt, gió thảm sông sầu, nghĩ thân phận không sao thoát khỏi tay đứa gian ác, sống nhục thác vinh, bề nào cũng tính cho xong một bề, mới gieo mình giữa dòng nước chảy, ngờ đâu số còn nặng nợ má đào, người dầu muốn thác, trời nào đã cho.
Bà sư nghe lọt mấy lời, cũng động lòng rơi lụy, mà phủ ủy Tú Cầu rằng: Người ta sinh ở đời, tránh sao cho khỏi sự bĩ thái tuần hoàn, mà cũng do bởi nghiệp duyên kiếp trước, nên mới đền bồi ngày nay; bà nên sớm mau sám hối, qui y cửa Phật, rồi cũng được giải thoát tai nạn.
Tú Cầu nghe nói, cũng chắp tay niệm Phật, xin sư dẫn đến trước Tam bảo lễ Phật, rồi cầu thế pháp qui y; hôm sau sư lại vời nàng đến mà nói rằng: Tôi rất yêu bà, nay tôi muốn giúp bà một kế để tránh khỏi tai ương; số là tôi có người đạo huynh tu hành nhiều năm, trường trai khổ hạnh, tính nghiêm giới luật, trụ trì một cảnh chùa rất tĩnh mịch, ít người lai vãng, có lẽ yên lặng hơn đây, nếu sang đó ở tạm ít lâu, rồi sau sẽ liệu đường khứ tựu cũng nên; Tú Cầu cúi đầu thầm nghĩ, trót đã sa cơ lưu lạc, biết đâu họa phúc mà lường, thôi thì nghe đâu mà đặng chốn an nhàn, khỏi nỗi linh đinh là quí, liền ứa nước mắt mà thưa rằng: Nhờ ơn cụ tái sinh đức lớn, phận hèn chẳng dám tự chủ, chỉ xin vâng mạng mà thôi.
Sư nói: Nam mô A di đà Phật, tôi cho tiểu đạo này đưa bà sang bên Linh Ẩn tự mà ở, kẻo đây quân trộm cướp nó đã rình mò, e nay mai không khỏi lậu tiếng chúng nó biết, thành ra sự hiềm khích cho nhà chùa, mà thân bà cũng có nhiều việc không yên ổn nữa.
Tú Cầu cảm tạ ơn sư, rồi nghiêng mình làm lễ, rón rén theo tiểu đạo, nơi con đường nho nhỏ trong rừng mà đi, cây cối um tùm sỏi đá lởm chởm, người tiểu đạo thì đi quen chân, không lấy làm khó nhọc. Chỉ duy nàng Tú Cầu thời mỗi bước mỗi thở than, ngập ngừng đi không nổi, vì xưa nay bàn chân ngà ngọc không từng bỏ giày dép ra khỏi, nay gặp cảnh truân chuyên, trăm chiều thảm não, ruột tầm muốn đứt, bước đường thêm đau.
Người tiểu đạo nói: Thưa bà, gắng tới, kẻo từ đây sang đó còn xa lắm, đủng đỉnh thế này, thì xế bóng mặt trời chưa chắc tới nơi. Tú Cầu thở dài không nói gì, lại gượng gạo đi, đi được mấy bước, lại đứng rên rỉ hồi lâu.
Người tiểu đạo nói: Kìa cái lều tranh bên đường, chúng ta hãy đi cho mau, tới đó tạm nghỉ cũng đặng.
Tú Cầu nói: Nhà ai thế?
Tiểu đạo cười nói rằng: Lều tranh của bọn làm đất rẫy đấy.
Tú Cầu nói: Ừ, chúng ta vào đó xin bát nước uống kẻo khát lắm.
Tiểu đạo cười sặc sặc lên mà nói rằng: Bà khátnước lắm à? Ở đó làm chi có nước, lều không bỏ trống, tối lại mới có người đến canh thôi.
Tú Cầu ngơ ngẩn hồi lâu, nghĩ lại cũng tự mình buồn cười cho mình, vì không bao giờ bước chân ra ngoài, nên không biết cái thú thôn trang ăn làm, lời nói chẳng dập dạn vào đâu.
Khi hai người vào lều tranh, ngồi trên một cái chõng tre thấp thấp, một bên lại có đống tro, vài ba ống tnúc để ngang để ngửa dưới đất.
Tiểu đạo chỉ đống rạ cho Tú Cầu coi, bưng miệng mà cười.
Tú Cầu nói: Cái gì thế?
Tiểu đạo nói: Rạ để đun nước đó.
Tú Cầu nhìn quanh bốn mặt, thấy những cây cao bụi rậm núi non lố nhố, hãi hùng trong dạ, hồi tưởng cái thân thế mình vinh hoa phú quí, như một giấc mộng đêm xuân. Song thân góc bể chân trời, có hay con đến nỗi này gian nan, biết ngày nào thân oan cho hả dạ, biết ngày nào tái hội gia hương, bèo mây tan tác, đất khách bơ vơ, nghĩ thôi sụt sùi lụy nhỏ đôi hàng; trong khoảng yên lặng, bỗng có tiếng ve kêu ríu rít, vượn hát véo von, hòa lẫn với tiếng than tiếng khóc của nàng, cảnh sắc càng thêm thảm đạm.
Tiểu đạo nói: Bà nên bớt cơn phiền não, ráng dậy mà đi, Ở đây đường sá quạnh quẽ, sợ quân phá rẫy nó hỗn hào, không tiện đình trú lâu đặng.
Tú Cầu nghe nói, càng giật mình kinh hãi, như con chim bị ná, sợ quàng mũi tên, chân run lẩy bẩy, bước thấp bước cao theo người tiểu đạo, quanh co dặm nọ, lối kia mồ hôi nước mắt, ảo não không chừng, đi mãi đến khi mặt trời gác bóng chênh chênh, mới trông thấy cửa già lam trước mặt, thời nàng Tú Cầu đã mỏi lụy hai đầu gối, không thể đứng nổi, bèn ngồi xuống gốc cây cổ thụ mà thở, nói với tiểu đạo rằng: Mệt quá, cho tôi nghỉ một lát, rồi sẽ vào chùa.
Người tiểu đạo vẫn còn khỏe sức, chạy lui chạy tới, nói cười như thường, tìm các thứ quả từ trong núi mà ăn, lại đưa ra mời nàng, nàng cũng nể mất lòng cầm lấy, nhưng bấy giờ trong lòng nàng đau đớn từng khúc ruột, phần thì thảm về nỗi phận mình lưu lạc, phần thì khổ nỗi dầm sương dãi nắng, đạp sỏi dầy sành, gót sen lấm láp, phá rách mấy chỗ, máu chảy lềnh lang, xót xa khó nổi đứng ngồi.
Hóa nhi thiệt khéo nỡ lòng, làm chi vò thúy, vầy hồng thêm thương.