Hai người còn đương ngồi dưới gốc cây, chợt nghe sau lưng có tiếng hỏi rằng: Hai người có biết lối ra đường cái đâu? Xin chỉ cho với, nàng và người tiểu đạo quay đầu lại nhìn, thì là một kẻ du khách phương xa đi đến, người ấy ăn mặc kiểu kinh, đội nón gò găng, chân đi giày dừa, mình mặc áo the đen, trạng mạo cũng phong nhã tuấn tú. Nàng Tú Cầu bấm tay người tiểu đạo, không trả lời ra sao cả.
Khách lại hỏi: Hai chị em cô có biết làng này là làng gì? Chùa ấy của ai?
Người tiểu đạo lấy tay chỉ vào trong dậu tre, nói rằng: Chùa tên Linh Ẩn, sư cụ trụ trì ở đấy cũng người kinh sư.
Người du khách mừng rỡ nói rằng: Có phải sư Đại Thiệu không?
Lời nói chưa dứt, thì thấy một ông cụ già tóc bạc da mồi, mặt mũi phương phi, tay chống cái gậy trúc, lững thững trong cửa chùa bước ra.
Người tiểu đạo vội vàng chắp tay Nam mô Phật, bước tới mấy bước, bạch sư rằng: Tiểu ở am ngoài,vâng lịnh sư trưởng đưa người này vào bái yết Đại sư, và có bức vân tiên trình đặng ngài hiểu, ông sư già cầm lấy cái giấy xem xong, bảo hai người vào chùa.
Người du khách cũng hớn hở lại gần thi lễ, thưa rằng: Tôi tên là Vi Văn, nhân tòng công vụ đến tỉnh lỵ này, gần hai tháng nay, ngày trước ra đi, nghiêm thân có dặn, phải tìm quí thúc mà hầu thăm, cho biết khởi cư cận trạng, kẻo tấm lòng hoài vọng rất lâu.
Sư già lấy tay che ngang mày, nheo lại một con mắt, nhìn người du khách nói rằng: Vi Văn, Vi Văn sao ta lại lửng cái tên Vi Văn đi kìa.
Người du khách lại nói: Thưa chú, cháu là trưởng quan Hàn Vũ sứ đây chú ạ.
Sư cụ cười to bèn nói rằng: Té ra cháu nhà đây! Cháu ôi! Những tưởng núi sông cách trở, không hay hội ngộ có ngày. Tốt a! Cháu diện mạo khôi ngô, giống anh như hệt, năm nay phương niên bao nhiêu rồi?
Vi Văn đáp: Dạ thưa 24 tuổi.
Sư cụ cầm lấy tay Vi Văn dắt về nơi tịnh thất, trò chuyện hồi lâu, mới bày tiệc cơm chay, hai chú cháu ăn xong đi nghỉ.
Khi Vi Văn một mình thong thả, nằm trong phòng khách, chuông lầu mới giục, thỏ bạc dòm sang, tình cảnh đâu đâu, nó xảy khêu ra mối tưởng tượng, bâng khuâng tấc dạ, giấc điệp khôn yên. Cái người con gái ban chiều, là người chi chi, mà xem phong vận thanh tân khác tục, nét mặt dàu dàu như có vẻ bi thảm, sóng thu lai láng, màu xuân ướm đượm, thực có cái vẻ đáng yêu, làm cho người ta không thể nguôi lòng đi được, bây giờ biết tính làm sao cho thấu nổi nguồn cơn, nếu có cơ giúp giùm cho nàng, ta cũng quyết ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi, nghĩ thôi lại buồn, buồn lại muốn đi, rảo bước trước thềm, ngắm trông phong cảnh, bốn bề tòng im bóng rợp núi dựng quanh hè, tiếng ve dài dặc nghe thêm thảm, mặt nguyệt tròn um ngắm dễ thương.
Ngay dưới mái hiên nhà hậu, phưởng phất cũng có một người, đương than thân tủi phận bùi ngùi, thấy trăng mà lại thẹn lời non sông, thời cái bóng chàng Vi Văn bỗng liện qua trước mắt, làm cho người ấy phải giật mình trở lại.
Khi chàng Vi Văn nghe tiếng đóng cửa rất mạnh, mới hiểu là người con gái rảo bước ngang qua, trong lòng lấy làm tiếc, vì không ngờ mà bỗng lại gặp, song gặp lại không hỏi han được câu gì, chốc lại phân rẽ, đòi đoạn bức tức, chua xót biết bao? Ngồi suốt canh thâu, trông cho đến sáng rõ mặt để lại yết kiến sư cụ, mà dò hỏi cái tông tích của nàng. Khi sư cụ đã đưa cái thơ của bà sư nữ ra cho chàng coi, thời chàng tâm sinh nhất kế, nói với sư rằng: Người này thật con gái quan Kim thị lang, vốn nhà sang quí, chẳng may gặp bước gian nan, tưởng tình đồng xứ, cũng nên cứu vớt lấy kẻ lưu ly; cứ như lời của vị sư nữ đã giới thiệu nàng cho quí thúc biết, là cốt để tìm lối đưa nàng về Kinh, nay đã gặp cháu đây, cháu xin hết sức giúp cho, thông tin cho song thân nàng biết, để khiến người nhà ra đón nàng về, kẻo chầy ngày lại biến cớ khác, chốn âm thuyền không phải là chỗ những người tuổi trẻ ở được lâu.
Sư cụ cho là phải, mới gọi nàng ra mà bảo rằng: Bà sư Minh Tân muốn giữ nàng ở đây, là cốt chờ đợi tin tức, có dịp nào để đưa nàng về; vậy nhân cháu già cũng người thành thực, biết yêu đãi kẻ đồng xứ với nhau, nàng nên viết một phong thư gởi về quí phủ, hoặc trong một vài tháng may ra có cơ hồi phản cố hương chăng.
Tú Cầu mừng quá, cúi đầu lạy tạ sư cụ và Vi Văn, Vi Văn đứng dậy đáp lễ, Tú Cầu khóc thưa rằng: Nhờ ơn tế độ, vớt người trầm luân, nếu nắm xương tàn mà đặng thấy tử phần có phen, đều là đội công đức của hai ngài hết thảy.
Sư cụ lại bảo người đồng tử đưa bút nghiên cho Tú Cầu, nàng tiếp lấy, đứng dựa bên thư án, tay thảo một thiên gia tín, xếp lại tử tế, bước tới chỗ Vi Văn ngồi, khúm núm trình lên thưa rằng: Trót đã thi ân cứu tử, xin cho trịnh trọng một lời, kẻo tôi đã nhiều ngày đau đớn biệt ly, e không sống nổi mà đợi ngày hậu hội.
Vi Văn tổn tạ đáp lễ, cầm lấy cái thơ bỏ vào túi áo, lại thung dung ngồi xuống. Tú Cầu đi vào hiên sau; Hai chú cháu lại kể chuyện hàn huyên việc nhà, đến sáng hôm sau Vi Văn cáo từ.