Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Phiêu Lưu, Mạo Hiểm >> Kho báu của vua Xôlômông

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 28795 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Kho báu của vua Xôlômông
Henri Haggard

Chương 19

Bây giờ tôi kể tới câu chuyện li kì nhất trong suốt cả cuộc hành trình có một không hai này của chúng tôi. Nó cũng là bằng chứng của việc trong đời vẫn thường xảy ra những điều kì lạ đến mức không thể tin nổi.
Vượt lên trước các bạn mình một quãng tôi thong thả đi dọc theo bờ con suối chảy từ ốc đảo và biến mất trong sa mạc nóng bỏng. Bỗng tôi chợt dừng lại và không tin nổi những gì mắt mình nhìn thấy; cách khoảng hai mươi bước trước mặt tôi là một chiếc lều nhỏ ấm cúng dưới bóng cây có tán lá xum xuê. Chiếc lều ngoảnh mặt ra dòng suối, và được làm bằng những cành liễu có phủ cỏ lên trên. Nó có một chiếc cửa ra vào bình thường chứ không phải một lỗ nhỏ để chui ra chui vào như trong các tổ ong.
“Quỷ quái thật! - Tôi tự nhủ thầm. - Tại sao ở đây lại có chiếc lều này nhỉ? ”  
Giữa lúc tôi đang phân vân như thế thì cánh cửa mở và từ trong lều khập khễnh bước ra một người da trắng với bộ râu đen rậm và tấm da thú khoác trên người. Lúc ấy tôi nghĩ tôi bị say nắng và nhìn nhầm, vì cảnh tượng trước mặt tôi quả hết sức kì lạ. Chắc chắn chưa hề có một người đi săn nào tới đây, và sống ở đây một mình thì lại càng không thể. Tôi nhìn ông ta bằng cặp mắt mở to vì kinh ngạc. Con người choàng da thú ấy cũng nhìn tôi ngạc nhiên không kém. Đúng lúc ấy thì Henry và Huđơ đi tới.
- Này các bạn, - tôi nói với họ, - hoặc là tôi đã mất trí, hoặc là trước mặt ta quả đúng là một người da trắng!
Henry và Huđơ cùng nhìn người lạ mặt và bất chợt người kia bỗng kêu to một tiếng rồi khập khiễng chạy về phía chúng tôi, nhưng chưa chạy đến nơi đã ngã xuống, bất tỉnh nhân sự.
Chỉ nhảy một bước, Henry đã ở cạnh ông ta.
- Ôi lạy Chúa! Henry kêu lên. - Đây là Georg em trai tôi.
Nghe tiếng cười, một người khác cũng khoác da thú tay cầm súng bước ra khỏi lều và chạy về phía chúng tôi. Thấy tôi anh ta cũng kêu to:
- Ôi, Macumazan! Ông không nhận ra tôi à? Tôi là Jim, thợ săn đây. Tôi đã đánh mất mẩu giấy ông đưa tôi để chuyển cho ông chủ. Chúng tôi đã ở đây gần hai năm nay.
Rồi anh ta ngã xuống chân tôi, vừa vật vã dưới đất vừa khóc to sung sướng.
- Chà, thế đấy, cậu là một anh chàng vô tích sự! - Tôi nói. - Phải đánh cậu một trận nên thân mới được!
Trong lúc đó người có bộ râu màu đen tỉnh lại, nhổm dậy rồi cầm lấy tay Henry lắc mạnh, không nói được một lời nào chắc là vì cảm động quá. Tôi nghĩ có thể trước kia họ đã giận nhau vì một người đàn bà nào đấy (Mặc dù tôi không bao giờ hỏi Henry về điều này), nhưng cho dù chuyện gì đã xảy ra đi nữa, mọi chuyện bất hòa đến lúc này đều đã được lãng quên và tha thứ.
- Ôi George! - Cuối cùng Henry lên tiếng, - tôi tưởng cậu không còn sống! Tôi đã tìm cậu khắp nơi bên kia dãy núi Xulâyman, thế mà bỗng gặp cậu ở đây, trong ốc đảo giữa sa mạc, nơi cậu xây tổ và sống như một con đà điểu già. - Cách đây gần hai năm tôi định vượt núi Xolomon, - Geore đáp bằng giọng run run của người đã lâu không nói tiếng mẹ đẻ của mình,- nhưng khi đến đây, một hòn đá lớn đã rơi vào chân tôi làm dập xương. Vì thế mà tôi không thể đi tiếp hoặc trở lại Xitandi được.
Lúc ấy tôi bước lại gần.
- Chào ông Nevin. Ông không nhận ra tôi à?
- Lạy Chúa! - George kêu lên. - Không lẽ Quotécmên? Sao, cả Huđơ cũng ở đây? Ôi các ông đỡ hộ người tôi, tôi lại thấy chóng mặt rồi... Thật là bất ngờ và lạ lùng. Khi con người đã thôi không còn hi vọng nữa thì bỗng đâu hạnh phúc lại đến.
Tối hôm ấy bên đống lửa, George đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình, một câu chuyện cũng đầy các sự kiện, và tôi xin tóm tắt lại như sau:
Cách đây gần hai năm, Georg rời khỏi Xitandi với ý định vượt núi Xulâyman. Mẩu giấy mà tôi gửi qua Jim, ông ta không nhận được, và cho đến tận hôm nay vẫn không hề biết về điều ấy, vì đơn giản là anh chàng Jim vô tích sự ấy đã để mất nó. Nhưng nhờ có người bản xứ chỉ đường, ông ta đã không đi theo hướng núi Nữ hoàng Xava mà bằng con đường chúng tôi vừa vượt qua. Đi đường này rõ ràng là dễ hơn nhiều so với con đường được đánh dấu trên bản đồ của ông già Bồ Đào Nha. Khi vượt sa mạc ông ta và Jim đã phải chịu vất vả không ít, nhưng cuối cùng vẫn tới được ốc đảo này, là nơi ngay ngày đầu tiên ông đã phải gặp một điều bất hạnh lớn. Ông ta ngồi bên bờ suối, còn Jim đứng trên bờ đá cao ngay trên đầu ông ta để lấy mật từ các tổ ong không có nọc (ở sa mạc thường có những loại ong như thế). Jim chạy trên bờ đá, làm một hòn đá to rơi xuống đè dập chân phải của Georg. Từ đấy Georg phải đi cà nhắc và vì không thể đi xa được, nên ông ta quyết định sống suốt đời ở ốc đảo này, còn hơn phải chết khát ở sa mạc.
Về thức ăn thì họ không phải lo lắng, vì họ có khá nhiều đạn, mà trên ốc đảo, đặc biệt là ban đêm thường có nhiều thú vật đến uống nước. Họ có thể bắn hay đánh bẫy bắt chúng, thịt để ăn, còn da thì làm quần áo mặc, khi quần áo vải của họ bị hỏng.
- Nghĩa là chúng tôi đã sống ở đây gần hai năm,- Georg nói khi kết thúc câu chuyện - như Rôbinxơn Cruxô và Thứ Sáu, với hi vọng có ngày sẽ gặp những người bản xứ nào đó lạc tới đây và giúp chúng tôi thoát khỏi nơi này. Nhưng mãi vẫn không thấy người nào xuất hiện. Cuối cùng đêm qua chúng tôi quyết định Jim sẽ bỏ tôi ở lại và một mình đi tới Xitandi để nhờ người giúp đỡ, mặc dầu phải thú thực rằng tôi có rất ít hi vọng anh ta sẽ quay lại. Thế mà bây giờ anh, chính anh - Georg nói với Henry, - người tôi không nghĩ sẽ được gặp lại bỗng xuất hiện và tìm thấy tôi ở nơi tôi không ngờ tới, vì tôi tin một cách chắc chắn rằng anh đang sống an nhàn ở nước Anh và đã quên tôi từ lâu, từ rất lâu. Đó là câu chuyện kì diệu may mắn nhất mà xưa nay tôi được chứng kiến, và thật may là nó đã kết thúc tốt đẹp!
Sau đó đến lượt mình, Henry kể lại cho Georg nghe những sự kiện chính của cuộc hành trình của chúng tôi và cứ thế, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau cho đến tận khuya.
- Thật may là ngoài cái mạng người vô ích của tôi các ông còn tìm được một cái gì khác bù đắp cho những sự vất vả mà các ông đã trải qua. - Georg nói khi tôi đưa cho ông ta xem mấy viên kim cương.
Henry cười to:
-- Kim cương chỉ thuộc về Quotécmên và Huđơ. Chúng tôi đã thống nhất trước với nhau, rằng họ sẽ chia đôi tất cả những thứ tìm được trong suốt cả cuộc hành trình.
Câu nói này của Henry đã làm tôi suy nghĩ. Sau khi trao đổi với Huđơ, tôi nói với Henry, rằng cả hai chúng tôi yêu cầu ông nhận một phần ba số kim cương chúng tôi hiện có, và nếu ông từ chối, thì phần ấy sẽ được chuyển cho Georg, là người trong thực tế vì chúng đã chịu nhiều đau khổ hơn cả. Cuối cùng vất vả lắm chúng tôi mới thuyết phục được Henry với đề nghị này, nhưng Georg thì mãi sau này mới biết được điều ấy.
Tôi nghĩ đến đây tôi sẽ kết thúc câu chuyện của mình. Chuyến hành trình vượt sa mạc trở về Xitandi lần này của chúng tôi cũng vất vả, nhất là chúng tôi phải luôn dìu Georg, vì chân phải của ông ta đau, thỉnh thoảng lại lồi chỗ xương gẫy ra. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua được sa mạc, và kể tỷ mỷ về chuyến đi này nghĩa là phải lặp
Sáu tháng sau khi trở lại Xitandi - nơi chúng tôi đã nhận lại vũ khí và các đồ vật của mình còn nguyên vẹn, mặc dù lão già tham lam mà chúng tôi đã nhờ trông hộ rất lấy làm buồn rằng chúng tôi còn sống và quay lại - tất cả chúng tôi, khỏe mạnh và nguyên lành đều tập trung trong ngôi nhà nhỏ của tôi ở Bêrêa, gần Durban, nơi tôi đang ngồi viết những dòng này.ƠŒ đấy tôi đã chia tay với tất cả những người đã cùng tôi thực hiện một chuyến du hành kì lạ nhất mà tôi được tham gia trong suốt cả cuộc đời dài và đầy các chuyện phiêu lưu của mình.
P.S Lúc này khi tôi vừa kịp viết dòng cuối cùng, thì thấy một người Caphơ từ Sở bưu điện tới đang đi theo con đường nhỏ hai bên là những hàng cam tươi tốt của tôi, với một bức thư cầm trong tay. Đó là thư của Henry gửi cho tôi, và vì nó liên quan trực tiếp tới câu chuyện của chúng ta, tôi xin được dẫn ra đây toàn bộ bức thư đó:
Brainli Holly, Yoocsai
Ông Quotécmên thân mến!
Cùng với một trong những chuyến tàu đưa thư cuối cùng, tôi gửi cho ông mấy dòng để báo tin rằng cả ba chúng tôi - Georg, Huđơ và tôi đã tới nước Anh một cách an toàn. Chúng tôi cập bến ở Xaothemton, và lập tức đi London. Chà, ước gì ông được thấy Huđơ ăn diện thế nào vào ngày hôm sau! Bộ râu được cạo nhẵn nhụi, chiếc áo đuôi tôm mới tinh bó sát lấy người ông ta như chiếc găng tay, chiếc kính một mắt mới, tuyệt đẹp vân vân và vân vân. Tôi và ông ta cùng đi dạo trong công viên, ở đấy chúng tôi đã gặp một vài người quen, và tôi liền kể cho họ nghe câu chuyện về “đôi chân tuyệt vời” của Huđơ.
Ông ta đã điên lên vì tức giận, đặc biệt là sau khi một nhà báo độc mồm độc miệng đã cho in tất cả những điều ấy trên một tờ báo lớn.
Còn bây giờ thì nói về công việc. Để biết được kim cương của chúng ta giá bao nhiêu, tôi và Huđơ đã tới hiệu kim hoàn Xtơritơ, và thú thật tôi sợ không dám nói với ông họ đã ước tính là bao nhiêu! Một con số khổng lồ! Con số họ đưa ra chỉ là tương đối, vì họ nói rằng chưa bao giờ thấy một khối lượng lớn chừng ấy các viên kim cương quý được tung ra thị trường. Trừ một vài viên thật lớn, tất cả các kim cương của chúng ta đều trong suốt, và về tất cả mọi phương diện, không hề thua kém các loại kim cương tốt nhất của Barazin. Tôi hỏi liệu có mua không, nhưng họ trả lời rằng không đủ tiền, và khuyên chúng ta nên bán từ từ từng phần nhỏ một. Tuy nhiên cuối cùng họ cũng đề nghị mua chỉ một phần rất nhỏ trong số kim cương ta có, với giá một trăm tám mươi nghìn bảng.
Ông phải tới nước Anh, ông Quotécmên ạ, và tự ông phải giải quyết việc này, nhất là khi ông nhất thiết đề nghị tặng em trai tôi món quà hào hiệp, là một phần ba số kim cương các ông có.
Còn về Huđơ thì tôi phải nói rằng có lẽ ông ta đã mất trí: hầu như suốt ngày ông ta chỉ bận cạo râu và những việc làm khác liên quan tới chuyện trang điểm cho vẻ ngoài phù phiếm của mình. Nhưng dù sao tôi vẫn nghĩ ông ta còn chưa quên Phulata. Ông ta nói với tôi rằng từ ngày trở lại nước Anh tới nay, ông ta chưa hề thấy một người phụ nữ nào sánh nổi Phulata về sắc đẹp và dáng người cân đối.
Tôi muốn ông quay về Tổ quốc và sống cạnh tôi, ông bạn thân mến ạ. Trong đời mình, ông vất vả như thế là đủ, bây giờ ông có nhiều tiền, mà ở chỗ tôi đang có một trang trại muốn bán, tôi nghĩ rất hợp với ông. Ông hãy trở về đi, và càng nhanh càng tốt! Còn cuốn sách về các chuyện phiêu lưu của chúng ta thì ông sẽ viết nốt trên tàu! ƠŒ đây chúng tôi từ chối không kể một điều gì, chừng nào cuốn sách chưa được viết xong, vì chúng tôi sợ người khác sẽ không tin. Nếu ông nghe theo lời khuyên của tôi, ông sẽ tới đây kịp dự lễ Đức chúa Giáng sinh, và tôi rất mong ông tới thăm tôi, Huđơ, Georg và cả con trai ông cũng sẽ đến (tôi mời cả con ông là để dụ ông đến đấy!. Cậu ấy đã tới chỗ tôi một tuần để săn bắn và để lại một ấn tượng rất dễ chịu).
Tạm biệt ông, ông bạn già thân mến! Tôi không dám van nài ông nữa, nhưng tôi biết rằng ông sẽ đến, ít ra là để làm vui lòng người bạn chân thành của ông.                              
   Henry Curơtia
P.S  Đôi ngà voi khổng lồ đã xé xác anh chàng Hiva tội nghiệp, bây giờ được treo trong gian phòng lớn của tôi, ngay trên cặp sừng trâu ông tặng và trông rất đẹp. Còn chiếc đao tôi dùng để chém đầu Tuala thì ở ngay trên bàn làm việc của tôi! Tiếc là chúng ta không mang theo được các bộ áo giáp.
Hôm nay là thứ ba. Thứ sáu có tàu rời bến, và tôi nghĩ rằng tôi phải nhận lời mời của Henry trở lại nước Anh, ít ra thì cũng để gặp lại Hary, đứa con trai của tôi, và để thu xếp việc in ấn cuốn sách này, là việc tôi không muốn giao cho bất kì một người nào khác.
 Alan Quotecmen
HẾT

<< Chương 18 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 718

Return to top