Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tử tù tự sử lý nội bộ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19198 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tử tù tự sử lý nội bộ
Trần Thư

Chương 11
Rồi một bữa, vào khoảng nửa đầu năm 1966, trên đường đi làm, tình cờ quay lại tôi bỗng có linh tính rằng người đàn ông nom lù khù cũ kỹ đạp xe cách sau tôi một quãng là nhân viên trinh sát của Cục Bảo Vệ Quân đội đang bám sát tôi. Vốn có đôi chút kinh nghiệm về việc phát hiện đuôi và cắt đuôi mật thám Pháp trong thời kỳ hoạt động bí mật, tôi chỉ cần vài cái rẽ ngang rẽ ngửa vòng vèo trên đường phố là đã có thể chắc chắn linh tính không đánh lừa tôi.
Hôm sau tôi không đi xe đạp nữa mà cuốc bộ ra xe điện. Vẫn lại anh chàng ấy lên xe điện cùng với tôi, tôi lên đầu toa còn anh ta cuối toa. Sắp đến nơi, tầu còn đang chạy nhanh, tôi bất ngờ nhảy xuống, cuốc bộ về cơ quan. Và thấy anh ta cũng nhảy xuống theo. Thế là rõ. Suy ra thêm một điều nữa là anh ta ắt phải có một đài quan sát gì đó, chắc là trong khu chợ Đuổi trước cửa nhà tôi, là nơi anh ta đã gởi lại cái xe đạp. Tôi vào cơ quan, mượn luôn một cái xe đạp, phóng ra phố. Đi được dăm phố thì lại xác định có một người phóng xe đạp bám riết mình. Không phải người lúc nẫy mà là một người khác trẻ hơn, nom linh lợi hơn. Vậy không phải chỉ có một người, mà một tổ ít nhất là hai người, một người lên tầu cùng với tôi, một người đạp xe đi theo tầu. Suy đoán ra thêm thì chắc là tại nhà tôi ở, thế nào cũng phải có một anh hàng xóm đáng yêu nào đó ở buồng trong được cơ quan an ninh giao nhiệm vụ ghi số xe đạp của những ai ra vào nhà tôi (hồi ấy xe đạp cũng có biển đăng ký). Điều phán đoán của tôi sau này đã được chứng minh là đúng. Còn buồng tôi ở có bị gài máy ghi âm không thì tôi nghĩ rằng mình không thể biết được.
Tôi cảm thấy mình như một con ruồi bị sa vào lưới mạng nhện.
Nên làm thế nào bây giờ? Có nên vào gặp thẳng ông Song Hào, lúc ấy đã thay ông Thanh làm chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị, kể với ông ta đầu đuôi và đề nghị: Tôi có điều gì không phải xin anh cứ bảo cho tôi biết, tôi sẽ sửa. Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy thế là vô ích. Ông ta sẽ trả lời: làm gì có chuyện, anh thần hồn nhát thần tính đó thôi. Rồi ông sẽ chỉ thị cho Cục bảo vệ rút kinh nghiệm, theo dõi đối tượng phải kín đáo hơn, đừng để đối tượng phát hiện.
Đối tượng? Tôi là đối tượng, là kẻ thù của cách mạng ư? Có cái đạo lý nào lại như vậy? Càng nghĩ càng thấy vô lý, và cái sợ ban đầu tạm lắng đi, nhường chỗ cho sự bực dọc. Tôi kể chuyện cho anh Hoàng Thế Dũng, là phó tổng biên tập của chúng tôi khi còn ở báo. Anh trả lời là chính anh cũng có đuôi, có cả đuôi là đàn bà, và anh đã ghi được mấy chục cái số xe đạp của những kẻ theo dõi anh. Chẳng rõ trong bụng anh nghĩ như thế nào, nhưng ngoài miệng thì anh nói cứng:
- Thằng Kinh Chi đấy! Kệ nó, mình cây ngay không sợ chết đứng.
Cây ngay thì anh đúng là cây ngay rồi, nhưng có sợ chết đứng hay không thì còn phải xét. Anh là một trong ba người thanh niên gây cơ sở Việt Minh đầu tiên ở khu vực Bần Yên Nhân vào năm 1943. Ba anh em chọn ba bí danh: một người là Kỷ, một người là Luật, còn Dũng thì là Sắt, Kỷ- Luật - Sắt, nghe thật là son sắt. Tháng 3-1945, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng lúc hỗn quân hỗn quan, Việt Minh đã giả làm Nhật, kết hợp với nhân mối, đánh úp cướp đồn Bần Yên Nhân mà không phải nổ một phát súng. Nhân mối là do Dũng tổ chức, còn người đóng giả sĩ quan Nhật là ông Nguyễn Bình sau đó làm chỉ huy trưởng Chiến Khu Đệ Tứ (Đông Triều) rồi Nam tiến trở thành ông trung tướng Nguyễn Bình nổi tiếng một thời. Bần Yên Nhân là đồn binh đầu tiên mà cách mạng đã cướp được ở đồng bằng Bắc bộ, lại ngay sát nách Hà Nội. Rồi Dũng được cử lên Việt Bắc học lớp Quân Chính Kháng Nhật khóa đầu, học xong được cử làm đội trưởng đội tuyên truyền Nước Nam mới của Việt nam giải phóng quân. Ngay từ đầu kháng chiến anh đã là chính trị viên trung đoàn, người cán bộ trung đoàn trẻ nhất mà tôi được biết, và đã lăn lộn với Trung Đoàn 102, Đại Đoàn 308 suốt từ Phố Lu đến Pú Chạng.
Dũng là người năng nổ, tính cương trực, hồn nhiên và rất... đẹp trai. Người như anh thì tưởng cuộc đời phơi phới. Thế mà rồi cũng lắm nỗi gian truân. Gian truân bắt đầu với anh khi anh bênh vực gia đình một đồng chí bị quy sai là địa chủ. Người đồng chí này lúc ấy đang đi học ở Liên xô, ở nhà chỉ còn mấy người đàn bà con gái, đương đầu làm sao được với đội? Gia đình ấy trước khởi nghĩa là cơ sở trú ngụ của một số chiến sĩ cách mạng. Nay các vị ấy đã thành cán bộ cao cấp và ở quanh đó mà không một vị nào dám hé răng bênh vực họ. Chi bộ đã kiểm điểm Dũng suốt nửa tháng trời là chống phá cải cách ruộng đất, nhưng anh nhất định không chịu. Cuối cùng anh bị kỷ luật, hạ cấp. Khi sửa sai, xã đã xin lỗi gia đình ấy, nhưng kỷ luật của Dũng thì không được xét lại. Ai bảo mày bướng! Dũng rất cay cái tiếng bướng ấy, nói: đã là thằng đồng chí với nhau thì chỉ có đúng với sai, làm gì có bướng với không bướng.
Dẫu sao đó cũng mới chỉ là một cơn trúng gió cảm mạo loàng xoàng thôi, vất vả vài năm rồi cũng ngóc đầu lên được. Nhưng vừa ngóc được ít lâu thì lại dính vào vụ bất đồng quan điểm này, và cuộc đời sẽ dạy cho anh biết cái luận điểm cây ngay không sợ chết đứng của anh là hoàn toàn sai lầm. Cây ngay thì mới có thể bị sét đánh chết đứng, còn dây leo thì nó luồn lách, chui lủi, sợ gì sét đánh?
Nghe Dũng nói, tôi cũng trấn an mình:
- Mình chẳng làm gì nên tội mà sợ. Hoặc như thế lại càng hay, Đảng sẽ thấy rõ tôi chẳng làm gì bậy.
Hoặc:
- Đây không phải là chủ trương của Đảng, Đảng ta không làm như vậy, và chắc chỉ là một số phần tử Mao-ít cực đoan, bảo hoàng hơn vua, làm càn thôi.
Hoặc:
- Họ theo dõi mình lộ liễu thế này không phải vì họ kém, mà là cố tình cho mình biết để răn đe thôi v.v... và v.v...
Cho tới ngày ấy, đời tôi đã trải qua hơn hai chục năm hoạt động chính trị. Con số không phải nhỏ, và cũng có thể coi tôi là một người già dặn về chính trị. Nhưng cái chính trị mà tôi đã làm cho tới đây là cái chính trị giản dị - đuổi Nhật đánh Tây, giành độc lập, xây dựng tổ quốc - trong đó mọi sự đều rõ ràng, minh bạch. Còn với cái chính trị tù mù này trong đó mọi sự đều lộn tùng phèo cả và diễn ra lắt léo trong bóng tối, tôi chỉ là một thằng nhãi ranh chưa ráo máu đầu mà thôi.
Nhiều lúc tôi nuối tiếc cái thời mà, sau một tháng chống càn ròng rã, vài đứa cán bộ chúng tôi, mặt mũi vêu vao và cổ gầy ngẳng, rủ nhau cải trang đi ra chợ tề làm một bát phở lợn, một cốc Nestcafé, hút một điếu Cotab, rít được vài hơi thì anh nào anh nấy say lừ đừ. Tiền ăn uống lấy ở tiền bán chiếc nhẫn của một trong mấy đứa chúng tôi vừa nhận được của gia đình ở trong tề gửi ra cho làm lương khô.
Có lần tôi lại nhớ đến cuộc họp thảo luận một văn kiện gì đó chỉ có dăm anh cán bộ chúng tôi với ông Đỗ Mười, lúc ấy là bí thư khu ủy kiêm chính ủy Bộ Tư Lệnh Quân Khu Tả Ngạn. Cuộc tranh luận hôm ấy rất hăng. Ông Mười cũng phát biểu sôi nổi, nhiều lần cướp lời anh em. Và bị một anh em phê bình:
- Đề nghị anh Mười không nên át giọng anh em. Phải để anh em phát biểu với chứ.
Ông Mười biết mình sai, cười, không hề tỏ vẻ khó chịu, và từ đó phát biểu rất trật tự, giơ tay xin phép hẳn hoi.
Tôi cũng nhớ năm 1949, tôi đi học trường Nguyễn ái Quốc ở rừng Việt Bắc. Lớp học rất đông, có cả những anh em từ Bình Trị Thiên, từ Nam bộ lặn lội vượt đèo vượt suối nửa năm trời ra học. Nhiều anh em chưa biết mặt các lãnh tụ. Hôm ấy ông Võ Nguyên Giáp đến giảng về đường lối quân sự của Đảng. Trong tiếng vỗ tay chào ông bước vào, có tiếng ai nói to:
- Đại tướng đẹp giai quá!
Ông Giáp dừng lại cười:
- Đẹp giai nhưng có vợ rồi!
Cả lớp lại cười ồ. Lại có anh nào ngồi cuối lớp, nói vọng lên:
- Đề nghị đi một vòng quanh lớp cho anh em xem rõ mặt.
Ông Giáp đã tươi cười đi một vòng trong tiếng vỗ tay vui vẻ.
Đến cuối khóa, lớp chúng tôi tổ chức một buổi kịch cương. Một anh bạn đóng vai ông Trịnh Đình Cửu, một sáng lập viên của Đảng và là phó hiệu trưởng. Tôi đóng vai chị Phương Mai, một nữ học viên nguyên tỉnh ủy viên Thừa Thiên. Trên sân khấu chúng tôi thả phanh nhại và trêu chọc vui những nhân vật mà chúng tôi thủ vai. Ông Cửu bị trêu về cái tính hay quan trọng hóa và hứa suông, còn chị Phương Mai thì vì cái tính... nhõng nhẽo. Và ở hàng ghế khán giả, ông Trường Chinh, lúc ấy là tổng bí thư kiêm hiệu trưởng nhà trường, ngồi cười rung bụng suốt cả buổi.
Cái thời mà người ta chưa bị quyền lực làm cho tha hóa, tình đồng chí nó giản dị, hồn nhiên là như vậy.
Đầu năm 1967, tôi được cử đi vào Tĩnh Gia sưu tầm tài liệu về viết sách. Đó là lần đi công tác cuối cùng của tôi. Chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc đang ngày càng khốc liệt. Ngồi trên những kiện hàng chất đầy thùng chiếc xe vận tải quân sự Môlôtôva chạy đèn gầm và nhảy chồm chồm trên các ổ gà, ổ trâu đường số 1, cổ áo kéo cao để ngăn bớt ngọn gió rét lùa ù ù vào hai tai, đứng co ro đợi hàng tiếng đồng hồ bên các bến phà mà cầu sang ngang đã bị bom Mỹ phá gục, tôi cảm thấy trong lòng vô cùng thanh thản. Nhớ lại những đêm làm xiếc cùng trên chiếc xe Môlôtôva như thế này vòng vèo đường đèo Tạ Khoa đi Cò Nòi trong chiến dịch Tây Bắc. Quên hết những buổi đi đường ở Hà Nội lúc nào cũng mắt trước mắt sau. Quên những buổi tối ở nhà Kiến Giang, hai anh em ngồi âm thầm trong ánh đèn dầu hỏa, lo âu chẳng biết nói năng gì. Và cũng quên cả không tự hỏi trong số những người cùng đi công tác với mình có ông đồng chí cớm nào không.
Chúng tôi đến một xã ven biển ở cuối huyện Tĩnh Gia, những hầm chữ A, những em bé đội mũ rơm che mảnh bom đi học, những hố bom, cả xã hầu như chỉ còn ông bà già, phụ nữ và trẻ em. Cô xã đội trưởng người gầy xương xương, tuổi đã cứng và chưa kiếm đâu ra tấm chồng, đưa tôi đi giới thiệu với các cơ sở để lấy tài liệu. Đi sát bên tôi dọc bờ biển dài chỉ toàn cát trắng, không một bóng cây, một bóng người, bóng thuyền, cô ta cứ hỏi chuyện tôi bằng một giọng nói ấm áp: Anh Thư bao nhiêu tuổi rồi, quê ở đâu, có chị ấy chưa? Có cháu nào chưa?... Và đến chiều khi chúng tôi trở về, ông bí thư già của Đảng ủy xã lại nhìn chúng tôi bằng con mắt nghi ngờ. Mấy ngày ở Tĩnh Gia ấy, máu lính chiến bỗng lại nổi dậy trong tôi, tôi da diết mong muốn được ra mặt trận. Nhưng bây giờ thì ai giao súng, giao quân cho tôi nữa! Người ta sợ tôi sẽ quay súng bắn lại nhân dân. Bắn vào các em bé đội mũ rơm đi học kia. Bắn vào cái cô xã đội trưởng thèm một tấm chồng và có giọng nói ấm áp kia.
ít lâu sau, tôi đang ở nơi sơ tán bỗng được một tin sét đánh ngang tai: Anh Hoàng Thế Dũng, phó tổng biên tập cũ của báo Quân Đội Nhân Dân, anh Phạm Viết, phó tổng biên tập báo Thời Mới, anh Trần Châu, biên tập viên báo Nhân Dân và anh Hoàng Minh Chính, viện trưởng viện triết học, đã bị bắt. Ngay hôm sau, tôi kiếm cớ về Hà Nội, tìm hiểu thực hư.
Tôi xin nói thêm là mấy năm trước tôi có được cử đặc phái sang làm việc ở báo Nhân Dân, phụ trách mục quân sự trên báo này. Trong thời gian ở đó tôi đã được anh chị em báo Nhân Dân quý mến, nhất là các bạn trẻ cùng lứa tuổi. Hôm ấy ở nơi sơ tán về, xuống xe, tôi đến thẳng tòa soạn Nhân Dân, ở đó vợ tôi làm công tác y tế. Tôi vừa bước vào phòng y tế của vợ tôi thì cô Đức Hạnh, một nữ đồng nghiệp đang có mặt ở đấy, chạy ra ôm chầm lấy tôi, đấm vào ngực tôi thùm thụp, miệng thì cười nhưng mắt lại rơm rớm:
- Thế mà làm em tưởng bị bắt rồi!
Tôi đứng ngay tán tàn, hai tay như thừa, không biết nói sao, chỉ cười ngượng, nhưng trong lòng thì vô cùng cảm động.

<< Chương 10 | Chương 12 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 751

Return to top