Nhọ mặt người một lúc thì tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh và tôi, chính trị viên, đã cùng hai đồng chí cần vụ có mặt trên đê sông Luộc. Trăng hạ tuần cho nên phải về khuya mới sáng. Địch càn quét bao giờ cũng chọn tuần trăng, cái đó đã thành quy luật. Trong bóng tối, dòng sông âm thầm cuồn cuộn chảy. Đã cuối mùa lũ nhưng nước còn khá xiết.
Trung đoàn chúng tôi vừa tránh được một nguy cơ bị tiêu diệt gần như có thể sờ mó thấy. Cuối năm 1951, trước khi đánh lên Hòa Bình, địch đã tập trung 3 GM càn quét vùng bắc Thái Bình. Trước đây cứ có triệu chứng địch tập trung lớn quân cơ động thì trong băm sáu chước, chúng tôi chọn cái chước mình coi là khôn ngoan nhất: chuồn. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Quân cơ động rút đi, chúng tôi lại quay trở lại nói chuyện với bọn quân chiếm đóng. Nhưng hồi ấy lực lượng chúng tôi còn yếu. Bây giờ được trang bị và tổ chức lại thành trung đoàn mạnh, và trên các mặt trận chính diện, chủ lực ta cũng đánh mạnh, nên chúng tôi nhận được nhiệm vụ phải tích cực đánh địch cả trong càn quét lớn. Lần đầu tiên toàn trung đoàn chống càn lớn chưa có kinh nghiệm, chúng tôi cứ quanh quẩn trong vòng vây, chiến đấu chặn địch trong suốt một tuần. Đến ngày thứ sáu, thấy vòng vây địch đã khép, đất tự do còn lại quá hẹp, không cơ động được, và bộ đội đã tiêu hao mệt mỏi, mới nghĩ tới chuyện rút. Nhưng đến lúc nghĩ tới thì rút không được nữa. Tất cả các mũi trinh sát tung đi đều về báo cáo chạm địch.
Thực ra kinh nghiệm về sau của chúng tôi cho thấy rõ càn quét một vùng rộng thì không có vòng vây nào hoàn toàn kín cả. Chẳng qua chỉ là vì chúng tôi đã chọn hướng rút dễ nhất: rút xuống nam Thái Bình, đường liền, đất rộng. Ta biết thế ắt địch cũng phải biết thế. Cho nên chúng đã rải quân và xe tăng ra canh phòng cẩn mật suốt dọc đường số 10 là con đường ta sẽ phải vượt qua nếu đi xuống phía nam.
Thế là hôm qua toàn trung đoàn đã phải lộn trở lại chiếm lĩnh các trận địa phòng ngự để quyết chiến với địch thêm một ngày nữa đợi đến tối tìm hướng rút khác. Ngày hôm qua quả thật là một ngày căng thẳng đối với tiểu đoàn tôi. Nếu hôm qua không giữ vững được, và đến đêm không rút được thì hôm nay bốn chục khẩu pháo 155 và 105 ly và không biết bao nhiêu khẩu cối 120 và 81 ly sẽ trút đạn lên đầu chúng tôi, từng đoàn máy bay sẽ đổ lửa xuống trận địa chúng tôi, và 3 binh đoàn cơ động từ mấy phía sẽ bâu vào chúng tôi...
Cố thủ đến hai giờ chiều vẫn giữ vững được, các đợt xung phong của địch đều bị đánh bật thì chúng tôi biết chắc chắn là sẽ giữ được đến tối. Cho nên từ hai giờ chiều ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi đã chuyển trọng tâm sang làm các công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân đêm. Tôi cùng các đồng chí địa phương lo chôn cất tử sĩ, săn sóc thương binh, chuyển anh em về những cơ sở có hầm bí mật, gửi vào vùng tề, và các công tác hậu cần khác. Công việc búi như lông lươn.
Còn tiểu đoàn trưởng Mạnh thì tổ chức trinh sát nắm tình hình địch xung quanh. Rút kinh nghiệm đêm trước, lần này trung đoàn cho rút theo hướng khó nhất, cho nên cũng có thể là bất ngờ nhất cho địch: rút qua sông Luộc. Chắc địch không thể nghĩ rằng cả một trung đoàn đã sứt mẻ và mệt mỏi sau một tuần chiến đấu và không có phương tiện vượt sông, lại có thể đem theo toàn bộ vũ khí, khí tài và thương binh của mình trong một đêm lách qua vòng vây của họ, hành quân hàng chục cây số, vượt qua một con sông lớn, rồi lại hành quân tiếp gần chục cây số nữa về một nơi địch vừa càn xong, cơ sở bị rệu rã.
Vả lại đêm hôm trước, khi chúng tôi bị mắc lại ở đường số 10 thì một đại đội của tỉnh Hưng Yên đã qua lọt sông Luộc. Chứng tỏ phía ấy địch có sơ hở, đúng như phán đoán của chúng tôi. Mặc dù một đại đội thì lọt, còn một trung đoàn thì có thể không.
Đi cả trung đoàn thì cồng kềnh quá, Trung đoàn cho xé nhỏ một tiểu đoàn, phân tán tại chỗ. Chỉ còn hai tiểu đoàn hành quân luôn ra bờ sông đi làm hai mũi cách nhau khoảng một cây số, để nếu tiểu đoàn nào chạm địch thì tiểu đoàn kia sẽ yểm trợ. Toàn trung đoàn nhiệm vụ chính là bảo toàn lực lượng.
Xẩm tối, tiểu đoàn tôi đã rải dài trên đê Sa Lung để tránh trận tập kích pháo chập tối của địch và chuẩn bị hành quân chiến đấu.
Tiểu đoàn trưởng Mạnh đã nắm một tổ trinh sát và một tiểu đội trang bị toàn tiểu liên đi dò đường, nếu gặp địch phục kích thì diệt, mở đường mà đi. Dò từng quãng, thông đến đâu thì cho liên lạc về dẫn đơn vị lên, và trong khi đơn vị hành quân lên thì Mạnh dò tiếp. Nghĩa là hành quân kiểu sâu đo. Nếu không thì không kịp.
Đứng trên đê Sa Lung, tôi nóng ruột như bào. Một tiếng không có tin của Mạnh. Hai tiếng cũng không. Tôi tranh thủ thời gian này thanh toán nốt những công việc còn dở dang. Nhìn theo những chiếc võng đi khuất dần vào bóng đêm đưa anh em thương binh về các cơ sở, tôi cảm thấy trong lòng nặng trĩu. Mấy ngày tới sẽ là những ngày thử thách gay gắt nhất đối với họ, số phận của họ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào lòng dân, vào sự dũng cảm và sức chịu đựng của mỗi người, vào may rủi. Chúng tôi đã bỏ anh em lại trong vòng vây của địch mà ra đi. Nhưng chúng tôi ra đi có lọt hay không, ngày mai cái Trung Đoàn 42 này có còn tồn tại nữa hay không cũng là chuyện chưa rõ. Nhưng dẫu sao thì thành thật mà nói tôi không muốn ở vào hoàn cảnh của những anh em đó.
Mọi công việc tôi đã làm xong từ lâu mà Mạnh ra đi vẫn bặt vô âm tín. Lính ngồi chống báng súng ngủ la đà. Cũng như cánh cán bộ tiểu đoàn chúng tôi ở những cuộc họp trong ngôi miếu nhỏ trên gò Vú Cô Tiên.
Đó là nơi tối tối ban chỉ đạo chống càn triệu tập các cán bộ chỉ huy các đơn vị tới họp. Trong miếu không thấp đèn. Chỉ có hai ba cái đèn pin pha đèn dán kín bằng giấy than đánh máy chỉ để hở một lỗ nhỏ bằng hạt đỗ, rê đi rê lại trên tấm bản đồ trải dưới đất, tỏa ra một ánh sáng mờ mờ. Bọn cán bộ tiểu đoàn chúng tôi lợi dụng bóng tối cứ ngồi lẩn sau lưng các vị cấp trên, gục xuống ngủ. Cực kỳ mệt. Vả lại chúng tôi ở đây là đuôi trâu. Chính ủy mặt trận, Nguyễn Khai, mắt đỏ như mắt cá chày vì thiếu ngủ, thỉnh thoảng lại gọi:
- Này, ngủ cả à! Lay lay các tướng ấy dậy hộ tý! Phát biểu đi chứ?
Chúng tôi mắt nhắm mắt mở ậm ừ phát biểu một hai câu chung chung rồi lại... ngủ. Không cưỡng được.
Bây giờ, trên đê Sa Lung, chắc anh em chiến sĩ cũng nghĩ họ là đuôi trâu. Còn tôi thì đã thành đầu gà. Mắt cay xè và chắc cũng phải đỏ như mắt cá chày, nhưng vẫn tỉnh căng. Bây giờ nếu có kê giường trải chiếu đàng hoàng cho tôi, tôi cũng không tài nào ngủ được. Lo đến xoắn ruột. Đi đi lại lại kiểm tra các đại đội cho quên cái mặt đồng hồ lân tinh đi mà không sao quên được. Chốc chốc lại ngó. Pháo địch vẫn bắn cầm canh.
Cuối cùng mãi gần nửa đêm mới có liên lạc của Mạnh hiện ra từ trong đêm tối:
- Báo cáo! Anh Mạnh bảo anh cho đơn vị lên. Em dẫn đường.
Lính đang ngủ chỉ cần một lệnh khẽ đã lục tục dậy. Rồi đoàn quân chuyển mình. Cả một tiểu đoàn, lại kéo theo cả nghìn dân, hành quân đội hình một hàng dọc trên đường đồng, nếu đầu đội hình có nhởn nha bước một thì từ giữa đến cuối đội hình cũng phải chạy hộc tốc xốc gan. Vậy mà về sau tôi được nghe anh em kể lại, trong khi chạy như thế với một tinh thần luôn luôn sẵn sàng nổ súng, vẫn có một cậu chiến sĩ nào chạy qua một bãi cứt trâu, đã vừa chạy vừa ngoái cổ lại nói nhỏ bảo anh em chạy sau:
- Này, nhặt hộ cái mũ nồi!
Và một cậu chạy sau đã nhanh nhẩu thọc tay xuống bãi cứt, rồi vặc khẽ:
- Mẹ thằng xỏ lá!
Chạy một quãng, gặp chỗ khó đi thì dồn tầu, rồi lại chạy, lại dồn tầu, không biết bao nhiêu lần như thế, cuối cùng dừng lại đợi. Đợi Mạnh trinh sát dò đường tiếp. Lính ngồi quỵ xuống thở, súng chĩa sang hai bên. Cứ thế cho đến ba giờ sáng tôi cúi rạp xuống đất nhìn lên vẫn chưa thấy bóng đê sông Luộc đâu. Thế này thì sang sông làm sao kịp?
Tôi chạy đến đầu làng Nội thì trời đã mờ mờ sáng, gặp Mạnh đứng đón ở đó. Mạnh người Thái Nguyên, lúc ấy mới hai mươi bốn tuổi nhưng trông già. Tính tình hiền, ít nói, nhưng mặt nom lì lợm, đôi mắt lừ lừ, lính sợ lắm. Không bao giờ nói chuyện gái, chuyện vợ, ai hỏi đến chỉ cười trừ. Tình yêu của anh là garanxuya (gargantua), hiểu theo nghĩa tiếng Việt là gà rán sữa. Nghĩa là mỗi lần diệt xong cái đồn nào, tỉnh ủy địa phương bao giờ cũng tặng riêng ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi 100 đồng Đông Dương, và lần nào Mạnh cũng tủm tỉm:
- Thế nào, ông Thư, garanxuya chứ!
- ừ thì garanxuya, sợ gì!
Lúc này anh đứng đó, cổ gầy ngẳng, mặt vêu vao, và vốn lì lợm nom càng lì lợm. Anh chỉ cho các đại đội tỏa về ba làng. Phải trú quân lại, bố trí phòng ngự chân kiềng, đợi đến đêm mới sang sông được.
Các cán bộ đại đội cũng đứng cắm ở cổng làng của đơn vị mình rồi thấy bất cứ ai chạy tới, dù là lính đơn vị nào còn rớt lại, dù là quân hay dân, cũng cứ ấn bừa cả vào trong làng. Không mau lên thì sáng toét!
Khi trời sáng hẳn, ai đi qua đầu làng thì tưởng đâu làng không người. Toàn bộ kho kinh nghiệm giữ bí mật của một đơn vị địch hậu tích lũy được từ bao lâu nay đã được các đơn vị đem ra thi thố hết.
Tôi đi vào làng, không nghe thấy một tiếng gà, không thấy bóng một con lợn, chỉ bừa bãi vỏ đồ hộp. Hỏi dân thì mới vỡ nhẽ ra là sáng hôm qua một cánh quân địch còn đóng đây. Và chính từ đây chúng đã tiến vào hợp điểm. Và đến đêm, chúng tôi đã luồn qua nách chúng về chiếm lĩnh cái trận địa chúng vừa rời khỏi ban ngày.
Như trẻ con chơi đổi chỗ vậy.
Cả đêm hôm qua chúng tôi đã chạy được... 5 ki-lô-mét. Những ki-lô-mét vô giá.
Lát sau có liên lạc của trung đoàn xuống báo tin tiểu đoàn bạn cũng phải trú quân lại và triệu tập Mạnh lên họp.
Được một ngày nghỉ ngơi và chuẩn bị cho cuộc vượt sông. Chập tối Mạnh đã cho một phân đội sang chiếm lĩnh đầu cầu bên kia sông và trinh sát tình hình bên trong đê. Tôi đứng trên đê nhìn các tiểu đội từ trong bóng tối nhô lên mặt đê rồi lại tụt xuống bãi. Anh nào cũng đánh độc cái quần đùi, ôm một cây chuối. Và tất cả lùi lũi đi như những bóng ma. Các cán bộ ra lệnh cũng khe khẽ. Dưới nước các tiểu đội giàn thành hàng ngang, tiểu đội nọ cách tiểu đội kia một quãng, nom như từng làn sóng. Sườn bên phải khúc vượt sông của chúng tôi là tiểu đoàn bạn. Sườn bên trái, Mạnh đã bố trí một lực lượng đánh ca-nô, nếu chúng xuất hiện.
Dân Thái Bình hầu hết đã ở lại, đợi địch rút thì quay trở về làng. Đi theo bộ đội chỉ còn cán bộ và dân hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương bị mấy trận càn vừa xảy ra ngay trước trận càn này dồn về đây. Địa phương đã chuẩn bị được một số ít đồ gỗ, đò nan thường ngày vẫn chở khách sang ngang để chở phụ nữ và trẻ em. Còn thì xuống sông tuốt. Tuy vậy nhiều chị em cũng chuẩn bị cây chuối cho chủ động.
Và bây giờ thì không giữ được bà con đi sau bộ đội nữa. Qua các đường ruộng, bà con cứ tự động vọt lên đê. Rồi đến một lúc tôi thấy từ dưới chân đê nhô lên hai bóng trắng. Hai cô gái trần truồng như nhộng, một tay ôm bọc quần áo, một tay vác cây chuối trên vai, lè tè chạy tới. Trong đêm tối trông thấy rõ bốn cái vú nhảy nhảy. Đã thế, tới chỗ chúng tôi đứng, còn dừng lại ghé sát vào, thì thầm hỏi:
- Đi lối này phải không các anh?
- Phải, đi lối ấy. Nhưng sang bên kia sông nhớ mặc quần áo vào đấy nhé!
Chẳng biết ai đó trả lời, cũng bằng cái giọng thì thào như thế.
- Khỉ gió các anh!
Chắc phải là các mẹ cán bộ huyện mới dám táo tợn vậy. Không biết có phải đó là hai cái cô mà xẩm tối hôm qua, trên đê Sa Lung, tôi đã vô tình nghe lỏm được cuộc đối thoại trong bóng tối:
- Mày đi hay ở?
- Tao ở. Còn mày?
- Tao đi. Theo bộ đội.
- Mày theo, tao cũng theo.
Rồi cười rúc rích. Cuộc chọn lựa thật là dứt khoát!
Đứng trên đê, tôi lấm lét nhìn theo hai cái bóng đang tưng tưng đi xuống bờ sông. Phá vây đêm mà nom cứ trắng lốp! Và bất chợt tôi liên hệ nghĩ đến bốn khẩu pháo 105 ly sáng nay.
Sáng nay, sau khi chúng tôi luồn tới được vị trí mới, đôn đốc các đơn vị chuẩn bị trận địa chiến đấu xong, tôi ngồi tựa một gốc cây chợp mắt một tý cho đỡ mệt. Đang ngủ say thì bị ai vỗ đốp một cái vào vai, giật bắn mình. Và có tiếng hỏi giật:
- Này, mày ơi! Ban chỉ huy tiểu đoàn đâu?
Tôi mở mắt: một cậu chiến sĩ trạc tuổi tôi đang đứng trước mặt. Vừa bực mình, vừa buồn cười, tôi đáp lại cũng bằng cái giọng cậu ta:
- Tao đây, mày hỏi gì?
Cậu ta đỏ mặt lúng túng.
- Báo cáo anh, em mới về đơn vị, chưa thuộc...
- Chuyện gì thì nói đi.
- Báo cáo, địch kéo tới bốn khẩu pháo 105 ly, bố trí trên đê, ngay trước mặt chúng ta...
Tôi bật dậy:
- Vào báo cáo anh Mạnh! Nằm trên cái nong trong nhà kia kìa.
Vài phút sau, tôi cùng tiểu đoàn trưởng Mạnh và trung đoàn phó Nguyễn Tiệp đã nấp sau bờ tre. Trên đê có bốn khẩu 105 ly thật, giàn hàng ngang cách chỗ chúng tôi khoảng 700m đồng trống.
ùng... ùng... ùng... ùng bốn tiếng nổ đầu nòng. Đạn pháo rú qua đầu chúng tôi. Rồi oàng oàng... bốn tiếng đạn nổ sau lưng chúng tôi, cách khoảng bốn, năm cây số về hướng trận địa chúng tôi vừa rời bỏ đêm qua. Tiên sư chúng mày nhá, bố chúng mày đây cơ mà!
Trên đê, trần xì bốn khẩu pháo nằm tênh hênh, không thấy bóng một đơn vị bộ binh bảo vệ.
Tiểu đoàn trưởng Mạnh cười nói:
- Mẹ! Chúng nó chủ quan thật. Yên trí anh em còn đang lúng túng như gà mắc tóc trong kia mà.
Trung đoàn phó Tiệp cười khì khì, hỏi chúng tôi:
- Thế nào, oánh chứ? Trông ngon quá!
Oánh thì oánh được. Thế nào cũng diệt được một hai khẩu, còn một hai khẩu thì chắc chúng sẽ kịp móc vào xe bò chạy. Hoặc nếu cối ta bắn giỏi thì cũng có thể diệt được cả bốn. Nhưng đánh xong thì thế nào? Mình đang ở tình thế buộc phải nằm im như thóc, ẩn mình trong mấy làng, bốn bề là địch đang đi tìm mình. Đánh thì khác gì lạy ông tôi ở bụi này. Thôi, các ông ơi, ngon thì đành nuốt nước bọt vậy, không xơi được đâu!
Thực ra cả ba chúng tôi đều hiểu thế. Trung đoàn phó có hỏi oánh chứ chẳng qua chỉ là nói lên nỗi tiếc của trời mà thôi.
Câu chuyện bốn khẩu 105 là như thế. Tôi nhìn xuống chân đê: hai cái bóng trắng đã mất hút. Chắc là xuống nước rồi. Bốn khẩu 105 ly sang sông.
Hai mẹ cán bộ huyện này đã xử lý tình huống một cách dứt khoát và nhanh gọn như thế! Còn cái cô sư nữ chùa gì tôi chẳng nhớ thì sao nhỉ? Cứ xúng xính quần chùng áo dài, hay là... thế nào? Tối qua, trên đê Sa Lung tôi thấy một cô sư nữ ngồi lẫn trong hàng quân. Quái nhỉ, dân đi theo bộ đội tôi đã cho xếp hàng, cử cán bộ phụ trách hẳn hoi, nối đuôi bộ đội, cách một quãng, để đề phòng chạm địch, phải nổ súng, sao lại có cô sư nữ này ngồi lẫn vào đám tiểu đoàn bộ? A... tôi chợt nhớ ra.
Cánh trinh sát tiểu đoàn bộ đồn đại nhiều về chuyện cô sư nữ này. Họ bảo cô là học trò Hải Phòng chẳng hiểu vì sao chán đời bỏ về quê đi tu. Hồi còn tề, chùa của cô là cơ sở của trinh sát. Có lần lính dõng vào định kiểm soát chùa, thấy cô đang ngồi gõ mõ tụng kinh một cách thành kính thì bỏ đi ra. Chúng có ngờ đâu trong gầm bệ thờ có cậu tiểu đội trưởng trinh sát đẹp trai, cũng học trò Hải Phòng, đang ngồi thu lu. Rồi một tối nọ, một cậu trinh sát khác đi ngang đàng sau chùa, nghe thấy trong vườn có tiếng thở dài não nuột:
- Tiếc rằng sao bây giờ mới gặp nhau...
Cậu trinh sát tinh nghịch này ghé mồm nói qua hàng rào:
- Chưa muộn đâu! Có tổ chức thì để anh em giúp một tay! Rồi ù té chạy.
Đi đến gần chỗ cô sư nữ ngồi, tôi đã nghe thấy tiếng lính ta hỏi trêu:
- Sư mà cũng phải chạy à?
Cô đáp:
- Bắt được em thì nó cũng chẳng tha.
Phải rồi, trước kia là dõng thì có đối phó được, còn bây giờ GM chỉ toàn lính Âu Phi, cô sợ là phải. Thôi được, đối với một ni cô xinh đẹp và lại biết xưng em với lính thì ta có thể tha thứ cho nhiều điều. Xin mời cô cứ ngồi đấy. Tiểu đoàn bộ cũng có một thuyền nan nhỏ.
Như vậy là cuộc vượt sông ban đầu diễn ra khá đẹp. Nhưng nửa giờ sau, từ giữa sông bắt đầu nổi lên một tiếng ồn. Lúc đầu nhỏ và thưa thớt, rồi cứ tăng dần lên. Có lúc nghe rõ một tiếng kêu thét cụt lủn:
- Mẹ ơi!
Sóng sông Luộc đã đánh tan các đội hình. Dưới nước dân gọi nhau, lính gọi nhau, người đuối sức kêu cứu, người đã lên bờ cũng gọi tìm nhau. Tiếng ồn tăng lên dần, rồi trở thành như tiếng vỡ chợ. Đứng trên bờ, chúng tôi lo lắng và bất lực nhìn ra giữa sông...
Rồi bất thình lình oàng oàng, hai quả đạn đại bác nổ trên không lóe ra hai khối lửa úp xuống dòng nước:
- đạn fusant! Tiếng ồn lặng bặt để sau đó lại nổi to hơn, hòa vào tiếng pháo địch bắn dồn dập hơn. Đạn pháo lóe lên, nhảy nhót trên trời như những khối lửa địa ngục. Đêm hôm, tiếng nổ rung chuyển cả một vùng.
Mạnh ra lệnh cho các đại đội:
- Lộ rồi, đợi một lát pháo ngớt thì cho anh em sang ào cả một lần càng nhanh càng tốt, tản rộng ra.
Và anh cho tăng cường lực lượng đánh ca-nô. Lát sau, thấy pháo đã ngớt, tôi bảo Mạnh:
- Tôi bơi sang trước. Anh đợi thuyền đi với các anh bộ tư lệnh.
Tôi cởi quần áo, súng lục, sắc cốt, giao cho đồng chí cần vụ để anh ta đi thuyền. Anh ta bơi kém. Tôi giữ độc chiếc quần đùi để bơi vô. Tôi không quen bơi cây chuối.
Sang tới bờ bên kia, tôi lảo đảo lội lên bãi, rồi nằm vật xuống, má áp xuống cát, mồm đớp đớp như cá mắc cạn. Đứt hơi. Tôi cứ nằm dang rộng hai tay ôm lấy cái bãi cát Lệ Chi như thế một lúc, rồi hình như nghe có tiếng ai gọi xa xa, không rõ lắm.
- Anh Thư ơi!
Tiếng gọi lặp lại gần hơn và rõ hơn.
- Anh Thư ơi!
Rồi chỉ lát sau tôi thấy cậu cần vụ của tôi vừa đi tới, vừa gọi tìm.
Tôi lóp ngóp bò dậy.
- Ôi giời ơi! Anh...
Cậu ta chạy tới đỡ tôi dậy và cười ngượng ngập như người có lỗi:
- Thế mà em cứ tưởng... Em tìm anh mãi.
Tôi nhìn ra sông. Chỉ còn ít người bơi rải rác. Mấy cái thuyền cấp cứu đang qua lại xuôi ngược. Pháo địch đã ngừng. Đồng chí cần vụ báo cáo.
- Các đơn vị sang ào cả một chuyến gần hết rồi. Sang đến đâu đi luôn. Anh Mạnh cùng vào trong kia rồi. Ta đi thôi, anh.
Tôi vịn vai đồng chí cần vụ đi xuyên qua xóm bãi Lệ Chi. Sức tôi hồi lại dần. Lên tới mặt đê, tôi thấy trung đoàn trưởng Nguyễn Như Thiết đang xuống dốc đê. Thoáng thấy tôi, anh ngoái cổ lại giơ cao tay làm hiệu cho tôi với một nụ cười đắc thắng.
Quả thật, đưa được một trung đoàn sang sông trong điều kiện như vậy không phải chuyện đùa.
Đi được hơn một cây số tự nhiên tôi thấy bụng đau quặn. Tôi tạt xuống ruộng, ngồi tụt xuống. Rặn mãi chỉ són ra tí nước nhầy. Tôi lê đít xuống cỏ để chùi (đào đâu ra giấy bây giờ?). Rồi đi tiếp. Một lát sau lại đau quặn. Lại tạt xuống ruộng. Lại tí nước nhầy. Lại đi. Lại đau quặn. Mấy lần như thế. Rồi tức mình chẳng rẽ xuống ruộng nữa, cứ ngồi thụp ngay bên vệ đường. Lính từng người, từng tốp chạy qua sát mặt tôi. Kệ họ! Rồi cuối cùng mệt quá, hậu môn rát như phải bỏng do lê xuống cỏ, tôi giản chính nốt cả cái động tác ngồi xuống. Cứ đi, và cứ mặc nó chảy ra quần, ướt hết cái đũng, rồi bò xuống đùi nong nóng. Mặc! Nó làm việc nó, mình làm việc mình. Đường ta ta cứ đi.
Về đến địa điểm bố trí, thuộc huyện Phù Cừ thì trời còn tối, nhưng đã nghe thấy tiếng phụ nữ lao xao và tiếng lợn eng éc. Chị em Phù Cừ đang mổ lợn nấu cơm cho bộ đội vượt sông.
Tôi xuống ao, kỳ cọ một lúc tỉnh người. Vào nhà thì đã thấy cậu cần vụ bưng về một bát tiết canh:
Anh mệt quá nên bị nhiệt đấy thôi. Anh ăn đi, rồi ngủ một giấc, dậy sẽ khỏi.
Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng đói quá tôi cứ cầm lên ăn. Mát ruột! Tôi ngủ độ nửa tiếng thì bật dậy lật đật đi nắm tình hình thương vong trong đêm vượt sông. Và mãi đến chiều mới để ý thấy cái cơn đau bụng kiết lỵ kia đã biến đâu mất thật! Chẳng còn hiểu ra làm sao.
Nghỉ một ngày để chỉnh đốn đơn vị, bổ sung quân số v.v... Một ngày nghỉ rối tung rối mù. Rồi ngay ngày hôm sau, tiểu đoàn tôi nhận được lệnh chuẩn bị gấp rút để đến tối vượt lại sông Luộc, lộn trở về Thái Bình. Địch đã cho một cánh quân từ thị xã Hưng Yên vòng xuống để truy kích chúng tôi. Trong khi đó, bên Thái Bình, địch đã cất vó xong, và đã bắt đầu rút một bộ phận, để lại một bộ phận làm công việc bình định. Nhiệm vụ của chúng tôi là trở về Thái Bình tạo cơ hội đánh bọn bình định ấy. Còn cánh quân truy kích của địch thì tiểu đoàn bạn sẽ ở lại đối phó với nó.
Trong một buổi hỏi cung tôi, ông Nhuận nói:
- Biết cái gì về anh Văn thì khai ra.
Câu nói thật tế nhị trong sự mập mờ của nó. Cái gì là cái gì nhỉ?
Có, tôi biết một cái. Đích xác. Vì nó liên quan trực tiếp đến chúng tôi. Tức là đến ngày thứ năm của trận chống càn nói trên, khi chúng tôi còn đang chiến đấu trong vòng vây, đầy lo âu, chúng tôi đã nhận được một bức điện ngắn gọn:
Các đồng chí cứ yên tâm. Chủ lực đã mở chiến dịch Lý Thường Kiệt đánh thu hút lực lượng địch, đỡ đòn cho các đồng chí - Ký tên: VĂN.
Chiến dịch Lý Thường Kiệt là chiến dịch Đại Đoàn 312 đánh giải phóng Nghĩa Lộ. Và quả thật, nhận được điện chúng tôi đã yên tâm.
Nhưng khai cái này ra thì chắc ông Nhuận chẳng bằng lòng. Cái khác cơ! Cái khác thì tôi không biết.