Cuối năm 1963, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 9, khóa Đại Hội III, ra nghị quyết Chống chủ nghĩa xét lại hiện đại. Trước đó ba năm. Đảng đã ký vào bản Tuyên Ngôn và Cương lĩnh chung của 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới, chấp nhận lập trường chung của 81 đảng. Nhưng sau đó thì từng bước ngả sang lập trường mao-ít của Đảng cộng sản Trung quốc, và đến nghị quyết 9 thì ngả hẳn, coi lập trường của 81 đảng do Liên xô đề xướng là chủ nghĩa xét lại hiện đại.
Anh Văn Doãn, tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, lúc ấy đang học ở trường Đảng cao cấp của Liên xô, được tin trên, đã xin ở lại cư trú chính trị ở Liên xô cùng các anh Lê Vinh Quốc, nguyên phó chính ủy Đại đoàn 308, chính ủy Quân Khu Tả Ngạn, và anh Nguyễn Minh Cần, thường vụ Thành ủy, phó chủ tịch Hà Nội. Việc Văn Doãn ở lại Liên xô đã đặt ban biên tập báo Quân Đội Nhân Dân chúng tôi, và cá nhân tôi vào một tình thế tế nhị.
Doãn đối với tôi là một người bạn khá gần gũi. Tôi nhớ, cách đó 20 năm, tức là năm 1944, khi tôi mới tham gia Việt Minh ít lâu, một hôm tôi được nhóm trưởng hẹn đến một địa điểm ở phố Hàng Bát Đàn, Hà Nội, để nghe một thượng cấp giảng chính trị. Tôi đến thì gặp một thanh niên thấp nhưng đậm người, củ mỉ củ mì và có đôi mắt to và sáng. Đó là Văn Doãn. Thượng cấp của tôi lúc ấy mới 17 tuổi (còn kém tôi một tuổi) là người Duyên Hà, Thái Bình, lên Hà Nội làm gia sư để kiếm tiền trọ học.
Lớp học chính trị ấy đối với tôi là một sự khám phá. Cho tới lúc ấy, toàn bộ vốn liếng chính trị của tôi được gói gọn trong hai cuốn Đông Dương SOS của Viôlis (Violiste?) và Việt nam của Manrô (André Malraux), tôi đã mượn đọc ở thư viện trung ương, và trong nội dung những tờ truyền đơn bươm bướm mà tôi đã dán đại ở các góc phố hoặc đút bừa vào khe cửa các nhà: ủng Hộ Việt Minh, Đánh Đuổi Nhật Pháp, Việt nam Độc Lập. Và đây là lần đầu tiên tôi được biết thế giới chia làm hai phe, có bốn mâu thuẫn, được biết thế nào là tuyên truyền, tổ chức quần chúng v.v... tóm lại là nội dung của cái được gọi là bốn bài Việt Minh. Văn Doãn không quên đem câu chuyện quả trứng và con gà để giải thích cho chúng tôi rõ cách mạng sẽ nổ ra như thế nào.
Sau đó ít lâu, Doãn về quê tham gia phong trào địa phương, và cướp chính quyền xong, làm chủ tịch huyện Duyên Hà, rồi trưởng ty công an tỉnh. Lần cụ Hồ về thăm Thái Bình, Doãn lên bộ complê, cravát ra đón. Chắc hẳn thấy anh chàng non choẹt đóng bộ complê nom buồn cười, cụ đã túm lấy cravát của Doãn kéo thít vào cổ, nói đùa:
- Cái chú này, đeo cái dây thắt cổ này vào làm gì!
Tháng 11-1946, súng nổ ở Hải Phòng, cuộc kháng chiến ở Hải Phòng đã nổ ra sớm hơn kháng chiến toàn quốc một tháng. Lúc ấy tôi đang ở Hà Nội tham gia việc xây dựng chiến lũy đường phố, bỗng một hôm nhận được thư của Doãn. Thư viết ngắn gọn, bằng một giọng Gia-cô-banh đối với tôi lúc ấy không phải không có sức thuyết phục. Đại thể là: quân thù đã nổ súng, tổ quốc lâm nguy, hãy xốc tới mặt trận v.v... Và cuối cùng rủ tôi và Mai Luân về làm báo Quân Bạch Đằng của chiến khu ba với anh. Hai chúng tôi đã khăn gói ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc lâm nguy, về Thái Bình làm báo với anh mấy năm. Sau đó mỗi người đi một ngả, ra đơn vị chiến đấu, Doãn về làm chính ủy Trung Đoàn 52, Đại Đoàn 320, tôi về Tả Ngạn.
Hai năm sau khi hòa bình lập lại, tôi về báo Quân Đội Nhân Dân, gặp lại Văn Doãn thì Doãn nghiễm nhiên đã trở thành cây lý luận. Lên lớp chính trị không cầm giấy bao giờ, cứ hai tay đút túi quần rủ rỉ nói cả ngày, trích dẫn từng đoạn dài của Mác, Lênin v.v... cấm sai chữ nào nghe rất sướng tai. Những dịp có bài có tính chất lý luận cần viết cho báo chí trong hoặc ngoài nước, ông đại tướng Võ Nguyên Giáp thường giao cho Doãn chấp bút. Cả ông đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng vậy. Một lần ông Thanh giao cho Doãn viết một bài quan trọng, tôi nhớ là bài Chiến Tranh Nhân Dân thì phải. Doãn đã viết một bài dài đăng kín hai trang báo, sau đó nhà xuất bản Sự thật in thành sách. Ông Thanh không biết đã nghĩ như thế nào, không nỡ ký tên một mình, đã bảo ký tên hai đồng tác giả: Nguyễn Chí Thanh - Văn Doãn.
Báo Quân Đội Nhân Dân nổi đình đám một thời thì một phần quan trọng cũng là nhờ lòng nhiệt tình, tài năng sắc sảo và đầu óc nhạy bén của Doãn. Và về sau báo Quân Đội Nhân Dân có trở thành cái lô cốt của chủ nghĩa xét lại hiện đại (theo như nhận định của Tổng Cục Chính Trị) cần phải đập tan và người ta đã đập tan thì một phần quan trọng cũng là tội của Doãn.
Nhà ở của Doãn, cách tòa soạn vài bước, trước đây tấp nập, từ ngày Doãn đi không ai dám lai vãng. Chị Huyền, vợ của Doãn hồi bí mật làm giao liên cho nhiều đồng chí lãnh đạo, trong số đó có ông Văn Tiến Dũng, lâu nay về làm hành chính cho báo Quân Đội Nhân Dân, ngày ngày đến cơ quan, âm thầm như một cái bóng, không dám trò chuyện riêng với ai. Và ngày ngày bà mẹ già của Doãn, còng lưng quét lá rụng trên đường Lý Nam Đế về đun, vì lương của một mình chị Huyền bây giờ phải nuôi sáu bà cháu.
Năm ấy đứa con trai lớn của tôi chuẩn bị thi hết cấp hai. Tôi tổ chức một nhóm bạn bè của nó đến nhà tôi nhờ một thầy phụ đạo vào các ngày chủ nhật. Chị Huyền ngỏ ý với tôi muốn cho thằng bé đầu lòng của chị đến cùng học. Hai thằng bé cùng tuổi, hai bà mẹ cùng sinh ra hai cháu và cùng nuôi con ở vùng Đầm Đa, Chi Nê. Và bây giờ bố nó đi, thằng bé nhà Doãn không có người kèm cặp. Nhưng nó chỉ đến học được vài buổi thì phải thôi vì ông Phạm Ngọc Mậu phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị đã chỉ thị cho báo Quân Đội Nhân Dân kiểm điểm tôi vì đã thương xót con cái phản động.
Rồi một buổi sáng, không báo trước, Tổng Cục Chính Trị cho xe đến bốc cả nhà Doãn, già trẻ lớn bé lít nhít, đưa thốc lên Vĩnh Yên, giao cho một đơn vị quân y quản lý.
Chừng vài năm sau, tôi nghe tin đồn Doãn đã chết ở Liên xô. Người ta bảo Doãn đã nhảy từ một tầng nhà cao xuống tự tử. Tôi không tin. Vì trong bao nhiêu năm tôi cứ đinh ninh là Doãn, Quốc và Cần ở lại Liên xô đã tìm thấy môi trường chính trị thích hợp và chắc là anh sẽ làm được nhiều việc, chí ít thì cũng học tập được thành tài. Thiếu những thông tin xác thực, tôi cứ nghĩ rằng sau khi thay Khơrutsốp (Krutchev), Brêgiơnép (Brezniev) vẫn tiếp tục thực hiện đường lối của Đại Hội 20, chỉ có khác là mềm mỏng và thận trọng hơn mà thôi. Đài phát thanh Bắc Kinh đã chẳng nói ra rả rằng Brêgiơnép là chủ nghĩa Khơrutsốp không có Khơrutsốp đó sao? Còn các nhà lãnh đạo của ta thì vẫn thi hành chính sách hai mặt, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của Liên xô vừa chống chủ nghĩa xét lại Liên xô. Hàng chục năm về sau, dưới ánh sáng cải tổ của Liên xô tôi mới vỡ nhẽ chế độ Brêgiơnép là như thế nào. Và đến lúc ấy tôi mới hiểu cái bi kịch của Doãn, Quốc và Cần. Vậy hãy còn may mắn là các anh không bị trục xuất trả về nước. Nghe nói anh Minh Cần cũng bị ý nghĩ quyên sinh ám ảnh một thời gian dài.
Những nẻo đường nào đã đưa Văn Doãn, một thanh niên yêu nước và đảng viên cộng sản nhiệt thành; một con người hiền lành nhất mực không hề đấu đá ai bao giờ, đã được mệnh danh là Doãn bụt và được chị em phụ nữ, kể cả các cô văn công xinh đẹp quý mến và tin cậy gửi gắm tâm sự riêng (chắc vì tin rằng quan hệ với anh thì rất an toàn không sợ xảy ra sự cố); một con người khiêm tốn ưa sống nội tâm, không thích xuất đầu lộ diện, ít nói, ngồi trò chuyện đông thường chỉ nghe và mỉm cười một cán bộ đã chiếm được lòng tin vững chắc của nhiều nhà lãnh đạo đảng và quân đội, những nẻo đường nào đã đưa một con người như thế đến chỗ trở thành một tên phản quốc lưu vong? Đó cũng là những nẻo đường đã dẫn tôi và nhiều anh em khác vào nhà tù Hỏa Lò.
Vậy là bước đường đoạn trường của chúng tôi bắt đầu từ Nghị Quyết 9, năm 1963. Trong học tập nghị quyết, tuyệt đại đa số anh em chúng tôi ở báo Quân Đội Nhân Dân đã tỏ ra không thông. Phần lớn phát biểu vòng vo, có che chắn, dưới dạng thắc mắc, còn thẳng thắn cũng chỉ vài ba người. Và cũng chỉ tương đối thẳng thắn thôi, vì cũng sợ. Người phát biểu thẳng thắn hơn cả là anh Đào Phan, tức Đào Duy Dếnh. Ngồi họp, anh đặt trước mặt mình cả một chồng sách báo, các loại nghị quyết để trích dẫn làm bằng chứng, chứng minh rằng Nghị Quyết 9 là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin, trái với Nghị Quyết Đại Hội 3 và các nghị quyết trước đây của bản thân Trung ương. Anh em nhà họ Đào (Đào Duy Anh, Đào Duy Kỳ, Đào Duy Dếnh) quả thực là có gien bướng bỉnh. Chẳng thế mà ông Lê Quang Đạo, lúc ấy là phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị đã nói: Cứ mỗi lần Đảng gặp khó khăn là y như rằng thấy Đào Phan xuất hiện. Lần trước mà đảng gặp khó khăn và Đào Phan đã xuất hiện là lần sai lầm cải cách ruộng đất tiếp theo là vụ Nhân Văn Giai Phẩm.
Về cuối đợt học tập, một số anh em chúng tôi tin vào lời đả thông là ai chưa thông thì có quyền bảo lưu ý kiến, đã xin bảo lưu. Sau chuyện tổng biên tập Văn Doãn ở lại Liên xô xin cư trú chính trị, việc làm trên của chúng tôi quả thật là một hành động khinh xuất.
Cho nên chỉ sau đó ít lâu, báo Quân Đội Nhân Dân bị tính sổ. Tổng Cục Chính Trị cho rà soát lại nội dung các báo Quân Đội Nhân Dân đã phát hành mấy năm qua để tìm những chỗ viết sai đường lối của Đảng. Và người được giao cái công việc bới lông tìm vết ấy không phải ai khác mà chính là ông Bùi Tín lúc ấy là một cán bộ Cục Tuyên Huấn, Tổng Cục Chính Trị. Tôi kể chuyện này không hề với ý định bới móc ông Bùi Tín. Trái lại, tôi cũng muốn tỏ lời hoan nghênh ông trong hai quyển sách của mình đã kéo cái vụ đàn áp được người ta bưng bít rất kỹ lưỡng này ra trước ánh sáng dư luận. Nhắc lại chuyện này tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta đều từ một lò mà ra cả, chẳng qua là kẻ ra trước người ra sau, mỗi người ra một kiểu mà thôi. Và trước sau rồi sẽ ra hết.
Đó là sự lột xác của cả một thế hệ đã có một thời ngộ nhận chân lý, một sự tự phủ định day dứt kéo dài. Đối với tôi quá trình ấy kéo dài hơn 30 năm từ năm 1960, khi những tư tưởng của Đại Hội 20, Đảng cộng sản Liên xô và Hội Nghị 81 Đảng bắt đầu thấm vào tôi.
Đối với các bạn trẻ bây giờ thì câu Đại Hội 20 không gây một ấn tượng nào cả, thậm chí các bạn cũng chẳng biết nó là cái gì. Nhưng đối với thế hệ chúng tôi hồi ấy thì nó là một cú sốc dữ dội. Nó là quả bom tấn nổ bất thần trên bầu trời tưởng như quang đãng của thế giới cộng sản.
Thế là sau mấy chục năm trời dối trá, một sự dối trá đã tung được hỏa mù vào cả những bộ óc vĩ đại nhất, những nhà bác học, nhà văn, nhà thơ tầm nhân loại, những Giải Thưởng Nôben (Nobel), từ Lăng-giơ-vanh (Langevin), Quy-ri (Curie) đến Xác-tơ-rơ (Sartre) và A-ra-gông, bức màn bí mật bao phủ chế độ Xô Viết đã bị xé toang, phơi bày ra ánh sáng những tội ác ghê tởm và chế độ độc tài của Stalin. Và xé toang bởi một người mà không ai có thể nghi ngờ được độ đáng tin cậy của lời nói:
Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Liên xô, Nikita Khơrútsốp. Bản báo cáo của Khơrútsốp đã làm chấn động thế giới và nổi tiếng đến mức người ta không gọi bằng cái tên gọi nào khác là cái tên tắt Bản Báo Cáo K.
Lúc ấy Stalin đang là một huyền thoại. Ta nhớ rằng khi Stalin chết, hàng ngày có hàng ngàn người dân Matxcơva đến tụ tập ở Quảng Trường Đỏ khóc lóc:
- Stalin chết rồi, ta biết sống với ai?
Cứ như Stalin chết thì trời sập vậy.
ở Việt nam ông được coi là ông thánh không bao giờ phạm sai lầm. Năm 1949, ở Việt bắc, ông Nguyễn Sơn và ông Bùi Công Trừng đến giảng ở trường Nguyễn ái Quốc đã phê phán kịch liệt chính sách ruộng đất của Đảng và khẩu hiệu tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công. Hai ông được nhiều người đồng tình. Ông Trường Chinh giải đáp không xong. Cuối cùng ông Hồ đến chỉ cần nói một câu:
- Bác đã sang Liên xô báo cáo với đồng chí Stalin (Stalin). Đồng chí Stalin hoàn toàn tán thành đường lối của Đảng ta. Stalin đã nói đúng là đúng.
Thế là xong! Nhẹ nhàng.
Cho nên vạch trần tội ác của Stalin đòi hỏi phải có một tinh thần dũng cảm lớn lao. Lòng dũng cảm ấy đã phải trả giá đắt. Về sau này là cái giá của sự phân liệt phong trào cộng sản quốc tế. Phe xã hội chủ nghĩa tưởng vững như núi Thái Sơn đã tách làm đôi. Tất cả các đảng cộng sản trên thế giới đều tách làm đôi (ở những đảng cầm quyền thì tách thành hai khuynh hướng tồn tại trong cùng một tổ chức, ở nhiều đảng không cầm quyền thì đã tách ra cả về mặt tổ chức, mỗi đảng thành hai đảng đều tự coi mình là mácxít lêninnit).
Còn ngay lúc ấy trên thế giới diễn ra cả một trào lưu rời bỏ hàng ngũ đảng cộng sản (ở các nước đảng chưa nắm được chính quyền) của những người, chủ yếu là trong giới trí thức và đại trí thức, vốn vẫn hoài bão lý tưởng giải phóng con người của chủ nghĩa xã hội, lâu nay bán tín bán nghi trước những lời tố cáo chế độ Xô Viết nhưng vẫn cố giữ lòng tin, thì nay, trước sự thật phũ phàng, đã buộc phải đi đến kết luận: cái mà người ta gọi là chủ nghĩa xã hội chỉ là chế độ toàn trị (totalitarisme) của một đảng quyền lực độc tôn thống trị không có kiểm soát, chế độ ấy không giải phóng con người mà chỉ nhân danh sự giải phóng con người để thay sự áp bức này bằng sự áp bức khác mà thôi. Một niềm hy vọng bị lừa dối.
Cái cơn lốc ấy cũng dẫn đến những thảm kịch cá nhân: nhà văn lớn Phađêep (Fadeev), chủ tịch Hội Nhà Văn Liên xô, đã tự sát. Người ta bảo là ông hối hận, vì đã dính vào việc đàn áp các nhà văn xô viết. Tôi không rõ tội của ông là thế nào, nhưng trước hành động tự sát ấy, tôi kính trọng ông. Cũng như tôi đã kính trọng ông Pirốt, trung tá pháo binh Pháp, phó tư lệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đã rút lựu đạn tự tử vì pháo của ông ta đã không làm tròn nhiệm vụ. Tôi không hiểu tại sao báo chí của ta nhắc tới chuyện tự sát này của Pirốt bao giờ cũng bằng một giọng dè bỉu và đắc chí, trong khi chúng ta rất tự hào về hành động tuẫn tiết của Hoàng Diệu khi thành Hà Nội thất thủ. Còn tôi thì đôi lúc cứ nghĩ: sao ở ta không có một Phađêép hay Pirốt nào nhỉ? Mặc dù có khối vị có đủ lý do để hành động như hai ông.
Đối với tôi, và có lẽ cũng là đối với tuyệt đại đa số những người cộng sản Việt nam thì bản báo cáo của Khơrútsôp chỉ là nói lên những lỗi lầm của cá nhân Stalin mà thôi, và khắc phục được những sai lầm đó, chủ nghĩa xã hội sẽ trở lại trong sáng hơn xưa. Niềm tin của tôi vào chủ nghĩa xã hội không những không bị lung lay mà còn vững chắc hơn. Và quả thật Đại Hội 20 không chỉ phê phán tệ sùng bái cá nhân Stalin, mà còn đưa ra một loạt luận điểm nó đem lại một bộ mặt mới cho chủ nghĩa xã hội.
Hòn đá tảng của Đại Hội 20 là tinh thần hòa bình. Hòa hoãn, hòa dịu, chung sống hòa bình, thi đua hòa bình, hợp tác và học tập lẫn nhau giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, giải quyết các cuộc tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, chấm dứt chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị... Rồi bản thân cách mạng vô sản cũng được dự kiến một con đường mới, con đường quá độ hòa bình. Về chính sách đối nội là tinh thần dân chủ hóa. Dân chủ hóa sinh hoạt xã hội, sinh hoạt Đảng, nhấn mạnh pháp chế xã hội chủ nghĩa, dân chủ hóa quản lý kinh tế...
Bây giờ đây ta thấy những điều đó là chuyện đương nhiên, được thực hiện khắp nơi, và còn làm quá thế nhiều. Nhưng chính những điều đó hồi ấy đã bị coi là chủ nghĩa xét lại hiện đại. Một thí dụ: bây giờ các vị lãnh tụ của ta đi thăm các nước tư bản tấp nập để tìm kiếm sự hợp tác giúp đỡ. Người đầu tiên thực hiện cái chính sách ngoại giao cởi mở ấy chính là Khơrútsốp (và đi đến đâu, kể cả đến Mỹ, tư thế còn hách hơn các vị lãnh tụ của ta nhiều) nhưng lại không được các nhà macxit lêninnit hồi ấy hoan nghênh. ở một buổi họp trong quân đội tôi được nghe ông Nguyễn Chí Thanh phê phán Khơrútsốp như sau: Việc gì phải cắp cặp chạy long tóc gáy như thế? Trông cụ đây này (cụ tức là Mao Trạch Đông), cụ không đi đâu cả, cứ ngồi nhà, anh nào muốn yết kiến thì đến mà gõ cửa xin gặp, cụ sẽ cho gặp. Nếu ông Thanh còn sống đến bây giờ thì chắc phải là tổng bí thư... Và nếu như vậy, không rõ ông sẽ chọn phương án nào: chạy long tóc gáy hay là cứ ngồi nhà?
Hồi ấy có một chuyện nhỏ nhưng đã làm tôi nhớ lâu: ngôi sao balê của Liên xô, Plisetxcaia, được mời đi Luân Đôn biểu diễn, nhưng không được các nhà lãnh đạo cho đi, vì sợ cô bùng. Plisetxcaia đã viết thư khiếu nại lên Khơrútsốp. Ông đã chấp nhận đề nghị của cô, và giải thích chủ trương ấy của mình như sau: Ta không thể xây dựng một thiên đường, lùa người ta vào đó như một đàn cừu, rồi khóa trái cửa nhốt tịt họ lại được. Plisetxcaia đã ra đi, và biểu diễn xong đã trở về.
Câu chuyện đó tôi nhớ lâu là vì, đối với tôi lúc bấy giờ, Đại Hội 20 trước nhất không phải những vấn đề chính trị toàn cầu, mà là niềm hy vọng vào một cuộc sống trong đó không còn lo tái diễn những cuộc bắt bớ oan uổng, những cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, một cuộc sống trong đó không còn đủ mọi sự cấm đoán mà trước kia tôi thấy là tự nhiên và bây giờ mới thấy là vô lý; một cuộc sống trong đó phẩm giá con người được tôn trọng, trong đó không còn những câu lẩy Kiều như:
Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may ô mới được phần may ô.
Bây giờ tư duy và thực tiễn đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa đã tiến những bước bỏ xa những phát kiến của Đại Hội 20. Nhưng cái gì cũng phải có bước mở đầu. Đại Hội 20 chính là cuộc thử nghiệm đổi mới đầu tiên của chủ nghĩa xã hội trên bình diện thế giới. Bước mở đầu ấy so với bây giờ là bảo thủ lắm, và không nhất quán. Nhưng thế mới gọi là bước mở đầu.
Nếu sau Đại Hội 20 tình hình thông đồng bén giọt, tư tưởng đổi mới không bị đánh bại, thì có thể tin chắc rằng bộ mặt thế giới ngày nay sẽ khác.