Chuyện ông Ba bị dân chài
Bùi Hiển
Mỗi bận thằng Còi bị đem tắm khóc hét lên, chị Ngò dọa: "Kia kìa, ông Ba Bị cắn chết bây giờ!", tay chỉ sang nhà bên cạnh, cách nhà chị một hàng rào mắt cáo. Và đôi khi, tấm phên nhỏ đột ngột chống lên trên tấm vách nhà nọ, để "ông Ba Bị" hiện ra sau khung cửa vuông, dưới bộ mặt béo đen của một bác dân chài to lớn lạ thường. "Ông Ba Bị" mắm môi trợn mắt quát:
- Có im không? Người ta tắm cho sạch sẽ lại còn!
Thằng bé nín bặt; cơn nức nở bị nén, làm cho bụng giun nó phập phồng rất nhặt. Miệng há, mắt còn mọng những nước, nó lét nhìn "ông Ba Bị" từng thoáng nhanh rồi vội ngoảnh mặt đi.
Tấm phên cửa sập xuống, và thường thường, sau đó một lát, bác chài lần sang. Thằng Còi sợ hãi, bíu lấy cổ áo mẹ. Chị Ngò vừa xức thuốc ghẻ cho con vừa hỏi cho có chuyện:
- Anh Can bữa nay không đi lưới à?
Bác chài, theo thói quen, cúi lưng ghé nhìn ra ngoài cửa, rồi đáp:
- Trời muốn động thế ni, thuyền ai dám ra khơi.
Đoạn bác lại ngồi im lặng trên thành giường, chân thõng, hai bàn tay khoành vào ép dưới đùi béo.
Bác Can đã nhiều tuổi, vậy mà tên vẫn chưa đèo thêm một tiếng Đỏ, hay Cu, hay Hoe gì cho nó vui. Trong khi thằng Đỏ Nam, Nhiêu Đước, mặt còn non choẹt, mỗi Tết hoặc giỗ chạp, đánh cái khăn xếp xoay lỏng lẻo quanh đầu và chiếc áo dài xúng xính đi lễ ông vải bên nhà vợ, thì bác vẫn một mình chiếc bóng buồn thiu. Mà như thế, chỉ vì một bài vè khốc hại. Thằng Bình Xòe trong khi ngồi đan lúp1 đậy thùng nước mắm, đã ứng khẩu một bài vè bắt đầu như thế này:
Làng ta có hai ông khổng lồ,
Anh Can là một, anh Đỏ Bàu là hai.
Hai ông to lớn lạ lùng. Hồi hai anh cùng đi lưới trên thuyền ông Cu ái, người trong làng nhiều dịp pha trò. Họ nói, hễ anh này trèo lên thuyền, thì anh kia vội chạy sang mạn bên kia, kẻo thuyền nghiêng, nước tràn vào, ụp mất. Mỗi lần đong cá bán xong, hai anh nhảy ùm xuống sông tắm, thân mình vùng vẫy hùng cường trong nước như cặp thủy quái.
Anh Đỏ Bàu có vợ rồi, như tên anh đã nói cho ta biết. Anh lấy vợ hồi còn đi trai trên thuyền lưới. Về sau bỗng nhiên phát phì, anh bị vợ kinh hãi và ruồng bỏ. Thường trong đêm, người ta nghe tiếng chị kêu thất thanh: "Uơ làng! Kẻ trộm! Kẻ trộm!". Hàng xóm đổ đến, chị hổn hển: "Hắn chạy mất rồi!". Anh Đỏ thì ngồi sững trên giường, ngơ ngác và ngượng nghịu, đoạn bỏ ra nhà ngoài. Lâu rồi, không ai bị lừa về trò hề ấy nữa. Cái ông hộ pháp ấy không ngờ đã không chống nổi một cơn cảm xoàng. Một lần, khi về lạch, thuyền bị mắc mưa. Mình ngấm nước vì mảnh chiếu buộc làm tơi không đủ che, anh Đỏ phát ốm, nằm liệt giường để không bao giờ dậy nữa.
Anh Can thì to lớn từ hồi con trai. Mụ mẹ, người loắt chắt, như phần đông các bà nhà quê mà sự gánh vác nặng nhọc phải chịu ngay từ hồi tuổi năm, sáu đã ngăn trở đà phát triển bình thường của cơ thể, kêu lên mỗi ngày với một chút kính phục lẫn sợ hãi: "Thằng ni mau to khiếp!". Mụ phải nới quần áo cho con luôn. Tà áo của anh cũng như ống quần, chắp thêm hai ba nếp bằng vải khác màu hoặc khác độ đậm nhạt, trông ngộ nghĩnh. Anh lớn một cái lớn vạm vỡ chắc chắn, chứ không phải béo phì nộn lối trưởng giả. Nhưng mấy o con gái người làng, vẫn ngài ngại anh, kêu lên mỗi khi nói đến anh: "Người đâu mà to như trâu trương, nhìn gớm chết!".
Khi anh mười tám tuổi, mụ mẹ đi dạm con Xin bên hàng xóm cho anh. Con Xin hình dung lại bóng dáng anh dân chài bước lừ lừ trong ngõ hẻm như con voi; khi đi cạnh, nó phải ngước hẳn đầu lên mới nhìn được mặt. Nó nghĩ: lấy anh Can, chị em cười chết; họ cứ kể bài vè lên cũng đủ thẹn chín mặt đi rồi. Nó giãy nảy lên từ chối; mẹ nó không ép, bởi trong thâm tâm, mụ vẫn có chút e ngại thế nào đối với anh Can.
Chuyện dạm hỏi lan truyền, dân làng lại có dịp bịa chuyện thêm để cười. Từ đó bác chài không dám nghĩ đến chuyện cưới xin nữa. Khi đi sớt qua bác trong ngõ hẻm, các o con gái, hai tay chụm trước người giữ lấy vạt áo dài, lưng hơi cúi, rảo bước gần như sợ hãi.
Bác chài, lúc đầu khổ sở, sau biết đành chịu.
*
* *
Chị Ngò xức thuốc cho thằng Còi một cách khó khăn. Thằng bé bị lở lói; những nốt lở mưng mủ làm một vòng vàng vàng, xanh xanh quanh cái vảy tròn nâu thẫm; khi tắm, nốt lở bị cọ loét để lộ những chấm thịt hồng. Chị Ngò mài một viên thuốc màu xám tròn lên trôn bát bôi lên. Thằng bé bị xót, vùng vẫy không chịu.
Chị lại phải dọa:
- Có muốn ông Ba Bị ăn thịt không?
Anh Can quay nhìn, "hèm" một tiếng trong cổ họng. Thằng bé sợ rúm người lại, nét mếu máo đọng cứng trên mặt nó.
Hồi đầu, anh Can hơi mếch lòng khi bị gọi là "Ba Bị". Nhưng vốn hiền lành, anh chỉ lặng yên, lầm lì vẻ mặt, chị Ngò vô tình không nhận thấy. Vả thực ra, không phải chị ta có ý gán cho anh cái tên hiệu ấy. Một lần, để dỗ nín thằng Còi, chị dọa "ông Ba Bị", tay chỉ bâng quơ sang nhà anh Can, không ngờ bác chài ngay lúc ấy lại ló mặt nơi khung cửa vách; chính chị cũng có hoảng hốt một chút về sự hiện hình đột ngột nhưng rất kịp thời ấy. Thằng bé im khóc liền. Về sau, nghe quen đi, anh Can không chướng tai vì tiếng "Ba Bị" nữa. Có khi, muốn làm mặt "Ba Bị" thực, anh lồng ngón tay vào miệng kéo xoạc hai mép ra và trợn tròn hai mắt. Để đền cho thằng bé sau khi xức thuốc, chị Ngò cho nó bú. Anh Can vẫn ngồi im lặng, bàn tay ép dưới đùi béo.
Anh Can bỗng hỏi:
- Hắn mấy tuổi rồi nhỉ?
Chị Ngò đáp:
- Tết ni là ba tuổi. Bố hắn chết đâu được dăm ba tháng thì tôi ở cữ hắn.
Thế là câu chuyện xoay quanh người quá cố. Chị Ngò góa chồng từ hơn hai năm nay. Anh ấy đã bỏ mình trong một cơn bão tố. Chị Ngò nói về chồng, giọng lưu loát, bởi chị nhắc lại những điều đã kể đi kể lại nhiều lần. Chị khen chồng hiền, thương vợ và siêng năng. Anh Can ngồi nghe, hơi khó chịu, không biết tại sao. Mặt anh hơi nhăn lại.
Lát sau anh đứng dậy nói:
- Thôi tôi về, chiều rồi.
Nhưng ra đến cửa, anh đứng lại:
- à, để tôi đan cái lúp cho xong.
Anh ngồi trong sân, mông kề bên một hòn gạch, lúi húi vót tre. Mồ hôi bắt đầu râm rấp, làm ngứa xót; thỉnh thoảng anh khoành tay ra sau, lồng dao trong áo cạo soạc soạc từng lát rộng trên lưng cho đỡ ngứa, rồi bệt chùi mũi dao lên gan bàn chân.
Đan xong xương lúp, anh lợp lá kè lên. Vừa làm, anh vừa hỏi:
- ả làm được nhiều cá không?
Chị Ngò ngồi trong nhà đáp ra:
- Vừa hai lào.
- Thế thì cũng rút được dăm chĩnh nước mắm. Tôi định đến tháng Chạp thì nghỉ lưới, trẩy thuyền ra Hà Nội một chuyến chơi. Tôi cũng có mươi chĩnh nước mắm đem bán. Ta cùng nhau, nhá! Chị cười. Anh Can nhắc lại câu mà anh cho là đầy ý kín đáo:
- Ta chung với nhau, có ưng không?
*
* *
Càng ngày anh Can càng dạn hơn. Một hôm thấy chị Ngò đi đâu vừa về, anh ló mặt nơi cửa vách nói chõ sang:
- Khi nãy có người đến hỏi ả.
Chị Ngò vô tình hỏi lại:
- Người ra sao?
- Người đàn ông, còn trẻ, khỏe.
Chị Ngò ngạc nhiên lắm, băn khoăn nói một mình:
- Ai thế nhỉ?
Chị Ngò hỏi to:
- Thế có dặn chi không?
Anh Can nheo mắt:
- Có. Người ấy nói thế này chớ: "Cớ làm sao ả Ngò cứ ở vậy không chịu lấy chồng?".
Chị Ngò chợt hiểu, mắng:
- Đồ quạ mổ ở đâu! Làm người ta lo gớm đi.
Anh Can phá lên cười ha hả.
Một hôm, trét lại vách nhà chị Ngò xong, anh bảo:
- Tôi về đóng cho xong chiếc thuyền cho thằng Còi.
Buổi chiều, anh mang cái đồ chơi sang; đó là một chiếc thuyền mành kiểu nhỏ, có buồm có lái hẳn hoi. Anh nói:
- Thuyền ni hay lắm. Vát gió ngược, hắn cũng chạy.
Làm bộ khó nhọc, anh kéo cái dây gai chằng cột buồm, miệng kêu: "Dô hè, ta dựng cột lên! Dô hè, ta kéo buồm anh em ơi, dô hè!".
Thằng Còi ngồi trong lòng mẹ, chăm chú nhìn cái đồ chơi một cách thèm thuồng: nó sợ không dám đòi, nhưng một đôi khi nó chợt ngoái cổ ngửng nhìn chị Ngò và kêu bằng một giọng van lơn: "Mẹ! Mẹ!".
Anh Can đẩy chiếc thuyền đến trước mặt nó, nói: "Ni, cho mà chơi". Thằng bé nhìn mẹ, vừa ham muốn, vừa sợ hãi. Bộ nó bị cám dỗ lắm. Anh Can bèn đặt thuyền lên đùi thằng Còi: Nó do dự, nhưng một lát sau, quên hết, nó chơi với đồ chơi một cách vui thích.
Chị Ngò được rảnh tay, đi lấy đồ dùng ra làm vàng thoi. Chị bảo:
- Tôi có mấy cây nứa mới mua về làm vàng, anh chặt ra rồi chẻ nan cho tôi một tí.
- Được, được.
Anh Can đáp vậy rồi đi làm ngay. Chị Ngò, tay thoăn thoắt đan những cái vàng rất vuông vắn, thỉnh thoảng quay nhìn anh Can. Bác chài cắm cúi làm việc; mỗi khi cử động, bắp tay nổi cộn lên những múi tròn. Chị Ngò hơi có chút kiêu hãnh. Con người to lớn ấy tỏ với chị một thái độ phục tùng lạ. Anh ta vâng lời chị, nhất nhất làm theo mỗi việc chị nhờ, cố làm vui lòng và giúp đỡ chị. Chị Ngò thấy một chút ấm áp trong lòng, chị có thể tin ở sự che chở của bác chài khỏe mạnh, trong đời sống bơ vơ nhọc nhằn mà chị đang sống. Chị bắt chợt mình đang mỉm cười với ý nghĩ: ừ, coi thế chứ, anh ta cũng không đáng khiếp sợ như chị vẫn tưởng.
Chỉ một nhoáng, anh Can đã chẻ xong cả mười cây nứa. Anh trở vào ngồi cạnh thằng Còi. Thằng bé chơi mê mải, miệng hé để thè lưỡi. Nó đẩy thuyền tới, miệng ngọng kêu "phạch phạch". Anh Can đẩy thuyền lại cho nó, nhịp sức bằng những tiếng "Dô hè! Dô hè!".
Bỗng thằng Còi ngửng mặt: Bấy giờ mới nhận ra bác chài, nó hơi hốt hoảng và kêu: "Mẹ! Mẹ!".
Anh Can cười một cái cười rộng, dỗ: "Không đâu, chú mi cứ chơi. Ô dô hè! Ta chèo thuyền. Ô dô hè!".
Thằng Còi ham chơi, hết sợ.
Chị Ngò khen:
- Cũng giỏi dỗ con nít đó chớ!
Anh Can cười, vẻ sung sướng. Bộ anh muốn nói câu gì, nhưng lại thôi.
Ngồi rốn thêm một lát, dường như không kiếm ra chuyện gì để nói nữa, anh đứng dậy làm bộ ra về.
Nhưng bỗng nhiên anh có một thái độ kỳ lạ. Anh trở vào ngồi trên giường, bật đứng dậy, bước ra cửa nhìn trời, nói một câu vu vơ: "Trời ni lại muốn động rồi đây", chắp hai bàn tay béo, bẻ ngón răng rắc, rồi quay trở vào đặt cái thân hình đồ sộ trên chiếc giường đã ọp ẹp xiêu vẹo.
Anh nói hơi ấp úng:
- ả Ngò cho tôi hỏi một chuyện.
Chị Ngò dừng tay ngước nhìn. Tự quyết định, anh Can nói rất nhanh:
- Để tôi đóng cho ả cái giường mộc thật to, thật chắc, ả có ưng không?
Chị Ngò ngớ ra một chút, rồi bỗng đỏ mặt. Nhưng qua cơn thẹn và ngạc nhiên ban đầu, chị đáp, với cái vẻ đỏng đảnh của đàn bà:
- Thôi chả, tôi ở vậy nuôi con thôi. ở với anh thì được gì kia chứ?
Anh Can vội vàng nói, bằng một giọng vô cùng tin tưởng:
- Tôi chữa nhà, tôi đan lưới cho, chín! Tôi lại biết dỗ thằng Còi nữa, rồi tôi làm cho hắn nhiều đồ chơi, nhiều nhiều kia!
1941
Rút từ tập truyện ngắn Nằm vạ