Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tình yêu ra trận

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14406 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tình yêu ra trận
Rafael Sabatini

Chương 14

Sự tình đã bắt đầu bằng những cái nhìn gườm gườm khiêu khích mà Francesco đã nhận thấy, rồi trở thành những lời chọc tức sỉ nhục khi chàng đi khuất. Nhưng Lanciotto, một người mà trong thời gian dài phục vụ dưới quyền bá tước Aquila đã rèn được thói quen giữ im lặng cùng tính kiên nhẫn kiềm chế hiếm có, vẫn giữ vẻ thản nhiên không để ý tới. Vẻ dửng dưng không phản ứng của anh đã được đám du đãng hiểu nhầm là nhát sợ, và càng được cổ vũ, như một đám chó hoang thích sủa bậy cắn càn, chúng lấn tới khiêu khích ngày càng thô bạo và đe doạ hơn. Lanciotto cũng bắt đầu mất dần sự kiềm chế, và cuối cùng chỉ còn sự e ngại gây ra cơn thịnh nộ của chủ nhân mới buộc anh hầu cố kìm mình không đáp trả. Đúng lúc ấy một tên đao búa thô lỗ, chính cái gã đã hách dịch quát chàng Toscan phải bỏ mũ xuống khi gặp các « nhà quý tộc » và hiển nhiên cũng bị Lanciotto phớt lờ như tất cả những lời gây sự khác, hầm hè tiến tới tóm lấy chân anh hầu, giống như Ercole đã làm với chàng bá tước. Không còn nhịn được, Lanciotto vung chân hất tay gã nọ ra rồi tặng cho tay du đãng hỗn hào một đá ra trò vào giữa mặt khiến gã nằm đo ván thẳng cẳng dưới đất, ngất xỉu, máu me bê bết.
Tiếng hét man rợ từ đám đồng bọn của gã đã cho Lanciotto biết rõ ràng chuyện sẽ đến tiếp theo. Trong nháy mắt, cả đám đầu trâu mặt ngựa đã nhảy xổ vào vừa tóm lấy anh hầu vừa hò hét đòi lấy máu anh. Anh hầu cố tìm cách rút thanh kiếm của chủ nhân, đang treo bên cạnh bộ áo giáp của bá tước phía sau yên của anh, ra để hộ thân, nhưng trước khi kịp thực hiện ý định Lanciotto đã bị một tá bàn tay gân guốc tóm lấy, vừa đánh đập vừa lôi tuột xuống đất. Khi anh hầu đã ngã xuống, cả đám du côn liền ào lại giữ chặt lấy, một bàn tay đi găng sắt lập tức bịt lấy miệng nạn nhân ngăn không cho cầu cứu.
Về phía Tây của khoảng sân, một đường dẫn nước đục xuyên qua tường đã có thời đổ nước vào một bể chứa lớn đục vào đá qua chiếc vòi chạm hình đầu sư tử. Nhưng đã một thời gian dài đường dẫn nước này không còn được sử dụng, và chiếc vòi nước thò ra khỏi miệng của hình đầu sư tử đã khô cong từ lâu. Tuy vậy chiếc bể vẫn còn đầy đến hơn một nửa một thứ nước mà, trải qua thời gian dài lâu đài không có ai cư trú, đã trở thành một vũng tù đọng bẩn thỉu. Chính Fortemani đã có ý tưởng dễ thương đem Lanciotto đến dìm chết ngạt trong cái bể này, một ý tưởng được cả đám thủ hạ của lão hò hét ầm lên nhao nhao hưởng ứng, rồi lập tức bắt tay vào việc thi hành. Chúng thô bạo lôi Lanciotto, đã bị đánh đập máu me dầm dề nhưng vẫn tiếp tục vùng vẫy chống cự quyết liệt, qua khoảng sân đến bên thành bể, định bụng sẽ quẳng anh hầu vào đó và dìm anh chết đuối như chuột.
Nhưng đúng lúc ấy từ phía sau anh hầu có vật gì đó vung lên từ trên không rồi vút xuống nhanh như một tia chớp. Từ một giọng đến hai, rồi trong nháy mắt nhiều hơn nữa, những tiếng cười khả ố tắt vụt nhường chỗ cho những tiếng kêu thét đau đớn cất lên từ đám dao búa khi một trận mưa bỏng rát quất không thương tiếc xuống đầu, vào mặt, vào vai chúng.
« Tránh ra ngay, đồ súc sinh, đồ khốn kiếp, xéo ngay ! » một giọng sấm sét vang lên, và cả đám hoảng hồn luống cuống lùi cả lại không chống trả như một bầy chó hoang trước làn roi ghê gớm.
Chính Francesco, đơn độc, chỉ với chiếc roi trong tay, đã xua cả đám tán loạn rời xa khỏi anh hầu đang bị hành hung của chàng, như một con chim ưng tung hoành giữa một bầy chim sẻ. Đến lúc này giữa chàng và Lanciotto chỉ còn cái lưng hộ pháp của Ercole Fortemani, đang đứng quay lưng lại phía chàng ; vì lão vẫn chưa kịp nhận ra có người đến quấy quả làm đứt quãng trò vui.
Francesco ném ngọn roi xuống đất, đưa một tay ra tóm lấy thắt lưng gã đại uý, tay kia chộp lấy cổ lão, chàng nhấc bổng lão lên với sức mạnh khó tin nổi, rồi lẳng lão về phía trước thẳng hướng về phía mặt nước đục ngầu trong bể.
Với một tiếng rống kinh hoàng bị chìm nghỉm đi trong tiếng thân người đập xuống mặt nước còn vang dội hơn, Fortemani, chân tay dang ra quờ quạng, lao thẳng xuống mặt nước rồi chìm nghỉm, trong khi một cột nước cao bắn vọt lên làm mùi hôi nồng nặc toả ra sặc sụa, bằng chứng hùng hồn cho biết sự thơm tho dễ chịu của bữa tắm ngoài dự kiến này. Chẳng thèm quay lại nhìn kết quả công việc chàng vừa hoàn tất, Francesco cúi xuống người hầu đang tơi tả.
« Lũ súc sinh này không làm ngươi bị thương chứ, Lanciotto ? » chàng hỏi. Nhưng trước khi anh hầu kịp trả lời, một gã trong đám du đãng đã nhảy xổ tới sau lưng chàng bá tước đang cúi xuống, vung dao găm nhằm thẳng giữa hai vai chàng đâm tới.
Một tiếng phụ nữ kêu thất thanh vang lên hoảng hốt, vì Valentina đã nhìn thấy cảnh tượng hiểm nghèo từ chỗ nàng đứng trên lưng chừng cầu thang, với Gonzaga kè kè sau lưng. Nhưng chiếc áo trấn thủ chắc chắn của Francesco đã chịu được thử thách, và lưỡi dao trượt sang một bên, vô hại, chỉ để lại một đường xước trên mặt lụa phủ ngoài của chiếc áo. Chỉ một nháy mắt sau gã đâm trộm đã thấy tay mình bị tóm cứng như trong một vòng cùm sắt. Con dao rời ra khỏi tay gã, và sau đó mũi dao lại chĩa thẳng vào chính ngực gã khi chàng bá tước buộc gã phải quỳ sụp xuống hai đầu gối. Tất cả xảy ra chỉ trong chớp mắt, thế nhưng với gã khốn kiếp đột nhiên thấy cái chết lù lù lượt lờ trước mặt, và, như một con chiên ngoan đạo, cũng biết sợ sự trừng phạt đang chờ đợi gã dưới địa ngục, khoảnh khắc đó dài như một tiếng đồng hồ, trong đó, với hai gò má xám ngoét và đôi mắt trợn tròn như muốn trồi ra khỏi tròng, gã chờ đợi nhát dao hoá kiếp lao ngập vào tim. Nhưng chẳng có nhát dao nào động đến tim gã cả. Với một tiếng gầm gừ giận dữ thích thú, chàng bá tước vứt con dao sang một bên rồi vung nắm đấm lên giáng thẳng vào mặt tên lính đánh thuê vô lại một đấm tưởng đến trời long đất lở. Tên khốn kiếp nằm thẳng cẳng bất tỉnh nhân sự dưói cú đấm thôi sơn, và Francesco, nhặt chiếc roi nằm ngay dưới chân lên, đứng thẳng dậy sẵn sàng đón tiếp những tên còn lại.
Từ giữa chiếc bể, ngập đến ngực trong vũng nước hôi hám, đầu và khuôn mặt quái dị phủ một lớp mặt nạ màu xanh lục nhớp nháp của cây cỏ rong rêu mục ruỗng, Ercole Fortemani trồi lên ngoạc mồm ra chửi bới, lớn tiếng đòi lấy máu kẻ đã dám tấn công lão, nhưng không dám nhúc nhích chân tay một ly một lai để thực hiện. Không hẳn lão hoàn toàn là một tên hèn nhát ; nhưng bị khống chế bởi nỗi sợ trước một người có sức mạnh ghê gớm như thế, lão đứng im bên ngoài tầm với của chàng bá tước, ở chính giữa chiếc bể hình vuông, và lớn tiếng hò hét ra lệnh cho đám đàn em lăng trì tùng xẻo kẻ lạ mặt ra từng mảnh. Nhưng lũ lính của lão đã được chứng kiến quá đủ kiểu cách ra tay của chàng bá tước, và không tiến lên bước nào về phía người đàn ông rám nắng, mạnh mẽ đang đứng đợi chúng, trong tay là ngọn roi mà không ít trong đám lính đã được nếm mùi. Co cụm lại gần nhau, giống như một bầy cừu đang run rẩy hơn là một toán lính dạn dày trận mạc, cả đám đứng cụm lại gần phía chiếc tháp của cổng lâu đài, trở thành đề tài chế giễu cho Peppe, lúc đó đang từ hàng hiên bằng đá phía trên lớn tiếng hoan hô sự can trường của chúng bằng đủ thứ châm chích bay bướm văn vẻ, trong sự hưởng ứng thích thú của mấy cô tuỳ nữ của Valentina và hai anh chàng hầu phòng đang đứng cạnh gã.
Cuối cùng thì đám lính cũng cựa quậy chân tay, nhưng lại là theo lệnh của Valentina. Cô công nương đã nói chuyện hồi lâu với Gonzaga, lúc đó đang đứng sát cạnh cô không rời một bước, không hề có ý tham gia vào vụ ẩu đả, lấy có rằng chính cô cũng có thể cần đến sự bảo vệ. Cô thiếu nữ đã giục gã làm một điều gì đó, và cuối cùng gã đành phải tuân theo, lần từng bước theo chiếc cầu thang đá dẫn xuống sân ; nhưng một cách lề mề miễn cưỡng đến mức, bật kêu lên vì sốt ruột, nàng đã lao xuống vượt lên trước gã, đích thân làm việc nàng đã muốn hắn làm. Nàng tiếp tục đi qua trước mặt Francesco, vừa nhìn chàng thán phục vừa khen ngợi sự can đảm của chàng, khiến hai gò má chàng bá tước đỏ bừng. Nàng cũng dừng lại ân cần hỏi han Lanciotto, lúc này đã gượng đứng dậy được nhưng khắp người bầm tím. Nàng quay lại ném một cái nhìn bực dọc và ra lệnh với giọng bực dọc không kém về phía lão hộ pháp Ercole, lúc đó vẫn đang đứng đực ra trong bể, buộc lão phải im lặng. Sau đó, khi còn cách đám thủ hạ của lão chừng mười bước chân, nàng dừng lại, với dáng điệu giận dữ, cánh tay chỉ thẳng vào lão đại uý của chúng, nàng ra lệnh cho chúng bắt lão lại.
Mệnh lệnh đột ngột, bất ngờ này làm lão Fortemani đang lúc nổi cơn điên cũng phải cấm khẩu ngớ ra. Lão im bặt, đưa mắt nhìn ngớ ngẩn vè phía đám thủ hạ, lúc này cũng đang đưa mắt nhìn nhau ngờ vực không tin ; nhưng sự ngờ vực nhanh chóng bị xua tan bởi chính lời nói của cô thiếu nữ :
« Các người phải bắt giữ y nhốt vào phòng giam, hoặc ta sẽ cho đuổi cả y lẫn các người ra khỏi lâu đài của ta, » nàng lên tiếng thông báo đầy tự tin, cứ như thể nàng có trong tay một trăm quân chờ lệnh để đối phó với chúng. Đứng sau nàng một hai bước chân là anh chàng Gonzaga, mặt trắng bệch, đang rụt rè cắn môi lo lắng. Phía sau anh chàng công tử là thân hình cao to vạm vỡ của Francesco del Falco, đứng cạnh chàng bá tước là Lanciotto, khuôn mặt cả hai đều nghiêm nghị quả quyết.
Đó là tất cả lực lượng cô công nương trẻ có trong tay khi nàng cao giọng tuyên bố sẽ đuổi tất cả đám lính đánh thuê ra khỏi Roccaleone – như thể doạ một đám trẻ con hư hỏng - trừ khi chúng tuân lệnh nàng. Cả đám vẫn còn đứng đó ngần ngừ thì chàng bá tước đã bước lại bên Valentina.
« Các người đã nghe điều kiện quý công nương cho các người lựa chọn, » chàng cất giọng đầy uy nghiêm. « Hãy cho chúng ta biết các người sẽ tuân lệnh hay không. Sự lựa chọn các người có lúc này, rất có thể các người sẽ không còn cơ hội để có lại lần nữa đâu. Nhưng nếu các người đã quyết định không phục tùng Madonna, thì cổng lâu đài ở ngay sau lưng các người đó, và cầu treo vẫn còn đang hạ. Hãy đi khỏi nơi đây lập tức ! »
Từ dưới vầng trán cau có, Gonzaga lén ném về phía chàng bá tước một cái nhìn căm ghét. Cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, không thể để gã lạ mặt này lưu lại Roccaleone. Tay hiệp sĩ này quá mạnh mẽ, quá áp đảo, và không chừng y có thể tự biến mình thành ông chủ của lâu đài với không gì hơn sức mạnh cơ bắp và dáng điệu hách dịch uy quyền của y, những phẩm chất mà trong con mắt của Gonzaga chẳng qua chỉ là tính cách của một tên thất phu thô lỗ võ biền, nhưng ắt hẳn chính gã sẽ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có được. Hơn lúc nào hết, chính lúc này Francesco đang chứng tỏ rõ ràng sự mạnh mẽ uy quyền của mình. Đám du đãng liều mạng kia, bị chàng đánh cho tơi tả và sỉ vả hết lời, ắt hẳn đã hè nhau xông vào hạ thủ lập tức kẻ đã giám tấn công sỉ nhục chúng trừ khi phải đối đầu với một người vừa can đảm hiếm lại có khiếu chỉ huy như chàng bá tước. Đám lính lầm rầm trao đổi gì đó với nhau, và cuối cùng một gã trong đám lên tiếng :
« Thưa quý ông, nhưng người mà chúng tôi được ra lệnh bắt giữ là đại uý của chúng tôi. »
« Đúng thế, nhưng đại uý của các người, cũng như bản thân các người, đều cho quý công nương đây trả lương ; và công nương, chủ nhân cao nhất của các người, ra lệnh cho các người bắt hắn ta lại. » Nói đến đây, trong khi đám lính vẫn còn do dự, chàng bá tước lại buông ra thêm một lý lẽ hấp dẫn hơn nhiều. « Đại uý của các người đã tự cho thấy y không xứng đáng với chức chỉ huy đã được tin cậy trao cho y, và có lẽ sau khi đã xét xử y xứng đáng, chúng ta sẽ xem xét đến việc chọn một người thích hợp trong số các người để thay thế y. »
Vẻ do dự của đám lính biến mất, chút trung thành nhỏ nhoi dành cho Ercole đã bị xoá sạch trước viễn cảnh được chiếm chức chỉ huy và khoản lương hậu của lão, và sự thất sủng của lão đại uý đã hoàn tất trong nhát mắt.
Đám thủ hạ cũ của lão quát lão rời khỏi chỗ trú ẩn, hay đúng hơn từ chỗ lão vẫn đang đứng đực ra trong bể nước, choáng váng cứng họng không phản ứng được gì trước diễn biến quá nhanh của câu chuyện. Lão lầm lì từ chối không chịu lội ra khỏi bể để nộp mình, cho đến lúc Francesco – lúc này đã đương nhiên tự tiếp lấy quyền chỉ huy trước sự khó chịu mỗi lúc một tăng của Gonzaga – ra lệnh cho một gã lính chạy đi lấy một khẩu súng hoả mai và bắn hạ tại chỗ « con chó hoang ». Đến đây lão hộ pháp quýnh quáng gào lên xin tha mạng, rồi lướt thướt trèo ra khỏi bể, luôn mồm thề rằng cho dù lão không chết đuối nhưng có lẽ chỉ nhờ một phép màu nào đó mà lão đã không bị ngộ độc vì thứ nước cam lộ chứa trong bể.
Một sự kiện không hay ho gì như vậy là kết thúc, một sự kiện đã giúp Valentina mở mắt trước chân tướng của đám du côn mà Gonzaga đã chiêu mộ cho nàng. Và có lẽ bản thân gã cũng đã được một phen mở mắt vì tay chơi đàn lute này hoàn toàn tay mơ trong những chuyện tương tự. Cô thiếu nữ ra lệnh cho Gonzaga thu xếp chỗ nghỉ cho Francesco, đồng thời gọi một gã hầu phòng đến ra lệnh cho y đi theo hầu hạ chàng hiệp sĩ. Một căn phòng được chuẩn bị cho chàng trong thời gian ngắn chàng lưu lại Roccaleone, trong khi nàng cân nhắc để quyết định xem sẽ hành động tiếp như thế nào.
Một hồi chuông vang lên từ cuối khối nhà phía Nam của lâu đài, nằm phía cuối khoảng sân trong thứ hai, gọi cô thiếu nữ tới nhà nguyện, nơi thầy Domenico đều đọc một khoá lễ vào mỗi buổi sáng. Và nàng chia tay Francesco, nói rằng nàng sẽ cầu nguyện Thượng Đế giúp nàng có được quyết định sáng suốt trong việc lựa chọn giữa rời khỏi Roccaleone hay ở lại chống trả cuộc tấn công của Gian Maria.
Francesco, được tháp tùng bởi Gonzaga và anh hầu phòng, đi tới một căn phòng dễ chịu nằm trong toà tháp Sư Tử, toà tháp được xây ở phía Đông Nam của pháo đài. Cửa sổ căn phòng của chàng nhìn xuống khoảng sân trong thứ hai, mà đúng lúc đó Valentina và các cô tuỳ nữ đang đi dọc qua rảo bước đi dự buổi cầu kinh sáng.
Gonzaga cố kiềm chế sự đố kỵ với người hiệp sĩ lạ mặt, mà gã đã bắt đầu coi như một đối thủ nguy hiểm, và gắng gượng cư xử với chàng theo đúng phép xã giao. Thậm chí gã còn muốn thảo luận với chàng về tình hình hiện tại của họ - bị thúc đẩy bởi tính đa nghi, và định sẽ khéo léo ướm hỏi để xem nguyên do thực nào đã khiến anh chàng lạ hoắc này quan tâm tới chuyện của Valentina đến thế. Nhưng Francesco, bằng giọng mệt mỏi, nhưng rất mực lịch thiệp, đã yêu cầu gã đi ra ngoài, đồng thời ngỏ ý muốn để chính Lanciotto đến phục vụ cho mình. Thấy rằng có cố xoay xở gặng hỏi nữa cùng bằng thừa, Gonzaga tức bầm gan tím ruột, rút lui với một nụ cười ngọt lịm và những lời cáo từ nhã nhặn lịch sự nhất.
Gã đi xuống dười ra lệnh kéo cầu treo lên, và nhận ra đám người gã chiêu mộ đột nhiên trở nên dễ bảo tích cực hơn nhiều sau bài học cứng rắn Francesco đã dạy chúng, gã liền tiện thể trút luôn bầu tức tối bực dọc tích tụ nãy giờ lên đầu mấy tên lính. Sau đó anh chàng lãng tử quay về phòng riêng, ngồi thừ ra bên một khung cửa sổ nhìn ra vườn của lâu đài, đánh bạn với những ý nghĩ không mấy dễ chịu trong đầu.
Nhưng cũng chỉ một lúc sau gã đã trở nên tươi tỉnh và lấy lại được sự can đảm, vì chàng công tử của chúng ta cũng có thể can đảm chừng nào nguy hiểm còn ở đủ xa. Tốt nhất, gã nghĩ, Valentina nên rời khỏi Roccaleone. Gã sẽ khuyên nhủ và hối thúc nàng làm như vậy nếu cần. Đương nhiên là gã sẽ đi cùng với nàng, và chuyện tỏ tình vẫn sẽ xuôi chèo mát lái, không lâu đài này thì ở nơi nào khác cũng chẳng sao. Ngược lại, cho dù nàng quyết định ở lại, thì, chuyện gì có thể xảy ra đây, cho dù nếu cuối cùng Gian Maria có tới thật ? Như Francesco đã nói, cuộc vây hãm sẽ không thể kéo dài, nhờ vào những rắc rối đang đe doạ Babbiano. Chẳng bao lâu là Gian Maria sẽ buộc phải quay về để bảo vệ công quốc của mình. Thế thì, nếu họ có thể kìm chân gã công tước đủ lâu, mọi chuyện sẽ ổn thoả cả. Hiển nhiên là gã đã lo sợ thất vọng quá vội vã.
Tay lãngtử đứng dậy, vươn vai thư thái, rồi, mở rộng hai cánh cửa sổ, gã thò người ra ngoài để hít thở không khí dễ chịu của buổi sáng. Đột nhiên gã bật cười một mình. Gã thật ngớ ngẩn khi tự dày vò làm khổ mình vì nỗi sợ vô có khi lần đầu nghe tin Gian Maria sắp tới. Nghĩ lại, Gian Maria không chừng đã giúp gã một tay đắc lực – cho dù họ ở lại hay rời bỏ lâu đài. Không gì giúp thổi bùng lên tình yêu một cách công hiệu bằng việc cùng sẻ chia hoạn nạn hiểm nguy, và một tuần lo lắng mà Gian Maria có vẻ sẽ gây ra cho họ sẽ giúp cuộc tỏ tình của gã tiến triển nhanh hơn một tháng tán tỉnh trong lúc bình yên vô sự. Đến lúc này ý nghĩ về Francesco lại chen vào đầu Gonzaga làm gã bất giác cau mày, gã nhớ lại Valentina đã quan tâm đến thế nào khi nàng nhìn thấy tay hiệp sĩ lần đầu ở Acquasparta, và gã cũng còn nhớ nàng đã như bị thôi miên bỏ bùa bởi cặp mắt đen của tay hiệp sĩ Francesco trong suốt cả ngày hôm đó như thế nào.
« Hiệp sĩ Francesco gì mới được cơ chứ ? » gã lẩm bẩm tự nói một mình. « Hừ ! Một kẻ không tên tuổi, một tên phiêu lưu không cửa không nhà, một tay võ biền cục súc, trên người chỉ sặc mùi máu và mùi da, một tên hạ tiện xứng đáng để cai quản những kẻ như Fortemani. Nhưng với một cô tiểu thư quý phái - một tên quê mùa hậu đậu như thể có thể mong mỏi được gì, làm thể nào một kẻ như vậy có thể thành công được ? » Gã bật cười nhạo báng khi nghĩ lại sự ghen tuông vô cớ của mình, khuôn mặt của gã dãn ra vui vẻ, vì lúc này hiếm có ai lạc quan hơn gã - một kết quả tất yếu của hồi suy nghĩ. « Thế nhưng quả thật, có đức chúa cha chứng dám, » gã tiếp tục nói một mình, nghĩ lại sự gan dạ khó tin Francesco đã thể hiện trong cuộc ẩu đả dưới sân, « đúng là y khoẻ như Hercule vậy, và biết dùng nó để bắt người khác phục tùng và khiếp sợ. Phù ! » gã lại bật cười, quay lại gỡ chiếc đàn lute từ trên tường xuống. « Một gã con hoang của một tên condottiero nào đó, thừa hưởng cả sự kiêu ngạo của ông bố võ biền lẫn sự quê mùa của bà mẹ nông dân lẳng lơ. Thế mà ta lại lo sợ một gã như vậy sẽ làm rung động được trái tim của Valentina không ai sánh kịp của ta ư ? Nghĩ thế thì quả thực là coi thường nàng quá. »
Xua đuổi Francesco ra khỏi đầu, gã bắt đầu lướt ngón tay dạo trên các dây đàn, và quay lại tựa vào khung cửa sổ, đầy hứng khởi, giọng hát ngọt ngào êm dịu của chàng lãng tử bắt đầu thầm thì một bản tình ca êm đềm.
Chú thích: condottiero là từ dùng để chỉ những người chỉ huy các đạo quân đánh thuê ở Italy thời trung cổ. Thường những người này là các cựu binh có kinh nghiệm, đi chiêu mộ lính từ tất cả các thành phần trong xã hội. Mỗi khi chuẩn bị chiến tranh, các bên tham chiến liền tuyển mộ và trả lương cho đội quân của các condottiero (hay các "condotta") để tập hợp lực lượng. Các cuộc chiến ở Italy thời trung cổ đều do các condotta lính đánh thuê thực hiện, hết thời hạn hợp đồng họ có thể thương lượng để gia hạn hoặc tìm một chủ nhân mới (đại loại như chuyện các cầu thủ tự do đi tìm CLB trong bóng đá nhà nghề thời nay vậy).
 

<< Chương 13 | Chương 15 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 210

Return to top