Khi bà Phương trở về Sài Gòn thì Xuân Lan không còn giận bà nữa. Xuân Lan nói với bà Thưởng:
– Cháu chưa muốn về nhà, mặc dù cháu rất nhớ mấy chị và mấy em. Cô nghĩ thế nào? Cháu về, cả nhà có còn tử tế với cháu không?
– Sao lại không? Cháu định về à?
– Mẹ cháu bảo thế. Nhưng cháu chưa muốn về. Cháu không còn hy vọng ở chị Mai Lan nữa thì cháu phải về nhà, chứ biết đi đâu bây giờ? Cháu bây giờ là một trở ngại cho chị Mai Lan, chị ấy không bao giờ chịu nhận cháu là con, phải không cô?
Rồi Xuân Lan thở dài:
– Xuất xứ của cháu thật đen tối thì cuộc đời của cháu sẽ đen tối, cô ạ.
– Cháu không được nói vậy. Biết bao nhiêu đứa trẻ mồ côi đã tự tạo lấy cuộc đời đầy huy hoàng và hạnh phúc.
– Thì cũng có những chuyện như vậy.
Trong khi Xuân Lan còn nằm ở bệnh viện thì Mai Lan và người đàn ông cô mới gặp ngày ngày đi dạo ở biển Nha Trang. Như trong thư Mai Lan viết cho bà Phương, Mai Lan được Cảnh, tên người đàn ông, yêu thương lắm. Cảnh đã bốn mươi tuổi, là một nhà thầu khoán, có vợ và ba con, nhưng vợ và các con Cảnh đều sống ở Đà Lạt, và mỗi tháng Cảnh chỉ về thăm nhà một lần. Cảnh gặp Mai Lan tại nhà một người bạn tên Sương. Cảnh là chú của Sương. Cảnh giàu lắm, cha mẹ Cảnh có đồn điền ở Buôn Mê Thuột và Lâm Đồng.
Sương đã nói với Mai Lan:
– Chú tôi giàu lắm. Thím tôi bệnh hoạn, từ khi sanh đứa con thứ ba, bị giải phẩu nên bây giờ không còn hy vọng sanh gì nữa, mà thím chỉ có ba đứa con gái. Vì thế ông bà tôi cứ bắt chú tôi phải cưới vợ khác để có con trai. Mấy lúc nay gặp Mai Lan, chú tôi thường khen Mai Lan có tướng ích phu vượng tử.
Nhưng ngặt cảnh chú tôi như vậy, e rằng Mai Lan không bằng lòng làm kẻ đến sau.
Mai Lan nghe Sương nói như vậy, cúi đầu làm thinh. Sau đó, ông Cảnh hỏi nàng:
– Cháu tôi có nói gì với cô không?
– Dạ có.
– Cô nghĩ thế nào?
– Tôi khó nói quá. Chúng ta mới quen nhau, ông lại là người đã có gia đình.
Tôi lo ngại vợ ông, con ông sẽ lên án tôi.
– Không, cô không có lỗi gì hết. Vợ tôi không làm phiền gì cô đâu.
Ông Cảnh quá sốt sắng với Mai Lan nên nàng không sao từ chối được sự mời mọc ân cần của ông. Thêm nữa, bây giờ trở lại với đời sống vui vẻ, Mai Lan cảm thấy yêu đời và thích sống thật sôi động, hăng say.
Ông Cảnh là người có thể tạo cho nàng nếp sống ấy. Nhờ ông Cảnh, Mai Lan mới biết được không khí phòng trà vui vẻ, náo nhiệt như thế nào, những bữa ăn ở nhà hàng ngon lành, cầu kỳ như thế nào. Mai Lan lại có dịp phô bày cái đẹp của mình.
Nhiều người đã khen Mai Lan đẹp đẽ duyên dáng và theo đuổi nàng. Không ai có thể ngờ Mai Lan ba mươi tuổi và đã có một con gái mười ba tuổi. Người ta tưởng Mai Lan chỉ là một thiếu nữ trong trắng, ngoài hai mươi tuổi. Ngay cả Sương là bạn thân của Mai Lan cũng không biết cô bạn mình đã có con rồi.
Một hôm Sương đưa Mai Lan đến thăm bà Hà Chi, một góa phụ không con, rất giàu. Bà Hà Chi ở một biệt thự lớn trên bãi biển.
Vừa thấy Mai Lan, bà Hà Chi đem lòng yêu thương ngay. Bà hỏi Sương về Mai Lan. Sương không biết gì về cô bạn mới gặp nhưng đã thân ấy, cô nói:
– Chị ấy ở nhà tu ra.
Bà Hà Chi nghĩ rằng ở nhà tu, tức là ở cô nhi viện của các dì phước, nên nói:
– Nghĩa là cháu không còn cha mẹ?
Mai Lan nói:
– Cháu còn mẹ nhưng cũng như không, vì mẹ cháu có chồng khác.
– Bây giờ cháu sống với ai và như thế nào?
Mai Lan nói:
– Cháu đi làm thư ký. Cháu gặp chị Sương đây, chị ấy rất tử tế, chỉ vẽ cháu nhiều chuyện lắm, và giúp đỡ cháu nhiều.
Bà Hà Chi giữ Mai Lan và Sương ở lại dùng cơm:
– Trưa nay chị bếp của tôi nấu bánh canh cua giò heo ngon lắm.
Rồi bà Hà Chi kể Mai Lan nghe về cuộc đời của bà. Khi bà còn trẻ, cha mẹ rất giàu, bà học đầy đủ về nữ công, nữ hạnh, nhưng về chữ nghĩa thì bà chỉ học đến bậc tiểu học. Cha mẹ bà cứ nghĩ rằng nhà giàu, con gái lại đẹp đẽ, nết nhà làm gì không có được một người chồng tử tế, đàng hoàng, vì vậy không mấy quan tâm về chuyện hôn nhân của bà Hà Chi.
Nào ngờ ngày tháng cứ trôi đi, bà Hà Chi đến năm ba mươi tuổi vẫn chưa có chồng. Đến lúc ấy, kẻ thấp không dám vói lên mà người cao lại không chịu cuối xuống. Cha mẹ bà mới cuống quýt lên nhờ người mai mối. Và người ta đã làm mai cho bà một ông lớn có địa vị, có tiền của, nhưng đã ngoài sáu mươi tuổi và góa vợ, có đến bảy người con mà người con lớn, lờn hơn cả bà Hà Chi. Hà Chi là tên ông quan ấy.
Về sống với chồng có ba năm, bà phải chôn chồng. Gia tài của chồng, các con chồng chia nhau hết, bà chỉ được ngôi biệt thự này. Sau đó, cha mẹ bà chết, để lại cho bà một gia tài và bà đã ở vậy, không còn thiết đến chuyện làm lại cuộc đời. Bà chỉ hưởng có ba năm ân ái, một thứ ân ái bất đắc dĩ, không xứng sức, xứng tài, vì vậy bà Hà Chi lúc nào cũng buồn bã.
Sương và Mai Lan ngồi nghe bà Hà Chi kể chuyện, không tránh khỏi thương hại cho cuộc đời thiếu hạnh phúc của bà. Cuộc sống tinh thần của bà thật thiếu thốn.
– Hôm khác cháu đến đây một mình, tôi sẽ có chuyện này bàn với cháu.
Mai Lan nhận lời và ba hôm sau, nhân đi ngang nhà bà Hà Chi, nàng bỗng nhớ đến lời dặn của bà nên tạt vào. Bà Hà Chi đang nằm đan áo trên ghế xích đu. Thấy Mai Lan, bà mừng lắm, hỏi:
– Cháu đi làm về phải không?
– Dạ, nhưng ở sở ra cháu đợi một người bạn, người ấy hẹn đến với cháu nhưng chờ mãi không thấy họ đến, cháu đi về phía này và nhớ đến lời dặn của bà, cháu ghé vào thăm bà. Mấy hôm nay cháu không sao quên được sự tiếp đãi tử tế của bà.
Bà Hà Chi rất hài lòng về những lời nói của Mai Lan. Bà bảo Mai Lan ngồi xuống một bên rồi nói:
– Cô Sương bảo rằng rất thân với cháu nhưng lại không biết gì về cuộc đời cháu. Còn cháu bảo Sương giúp đỡ cháu, vậy cháu đừng nghĩ là tôi òt mò, cháu có thể cho tôi biết Sương đã giúp gì cho cháu không?
Mai Lan nói:
– Bà mới gặp cháu, và tỏ ra rất lưu ý đến cháu, cháu cảm động lắm. Vậy cháu không được phép giấu giếm bà điều gì hết. Bà là người có nhiều kinh nghiệm sống ...
Bà Hà Chi nói:
– Cảm ơn sự tin cậy ấy của cháu.
Mai Lan kể:
– Thưa bà, khi cháu từ nhà tu, ở Sài Gòn lên Đà Lạt rồi ra đây thì cháu gặp chị Sương, chị ấy giới thiệu cháu đến ở nhà người cô của chị và giới thiệu cháu vào làm ở sở buôn mà chị đã giúp việc. Lương ở đây tuy không là bao nhưng bước đầu như vậy cũng may mắn lắm rồi.
– Rồi cô Sương có giúp gì cháu nữa không?
Mai Lan nhìn bà Hà Chi và nói như để dò ý của bà:
– Chị Sương giúp cháu có chỗ ở, chỗ ăn, chỗ làm, như vậy là nhiều lắm rồi.
Cháu không biết bà muốn nói gì khi hỏi cháu câu này?
Bà Hà Chi cười:
– Vì cô Sương không giúp ai như vậy và rồi chịu thôi đâu. Cô ấy sẽ giúp cháu tìm một người chồng nữa.
Mai Lan cúi đầu nói:
– Sao bà đoán giỏi vậy? Hiện giờ chị ấy đã giới thiệu cháu với một người bà con của chị.
– Người bà con ấy là ai? Cháu có thể cho tôi biết được không? Tôi thấy cháu ở nhà tu ra, tôi e cháu thiếu kinh nghiệm và có thể vấp ngã. Tôi muốn giúp cháu.
– Người bà con ấy là ông Cảnh.
– Ông Cảnh? Sương muốn cháu làm vợ bé ông Cảnh? Sương đã nói thế nào về gia đình ông ấy?
– Người vợ bị bệnh, không có con trai, bà chấp thuận cho ông Cảnh có vợ khác.
Bà Hà Chi hỏi:
– Cháu đã gặp ông Cảnh mấy lần rồi?
– Nhiều lần lắm. Ông ấy đưa cháu đi chơi và cho cháu biết bộ mặt thật của xã hội. Ông bảo cháu ở nhà tu không thể biết cuộc đời có lắm thú vui, đáng cho người ta ham sống ...
Bà Hà Chi hỏi:
– Nhưng cháu đã hứa gì với ông ấy chưa?
– Cháu nói, cháu không dám làm vợ ông vì ông đã có gia đình ...Thế mà ông vẫn theo đuổi cháu.
Bà Hà Chi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Hôm nọ khi ở đây ra và trước khi đưa cháu đến đây, co Sương đã nói gì với cháu về tôi?
– Thật ra không phải chị Sương có ý đưa cháu đến đây. Số là chị ấy đưa cháu đi chơi, đi ngang qua đây, thấy ngôi biệt thự này có nhiều hoa đẹp, cháu ngừng lại để ngắm thì chị Sương cho biết ngôi nhà này của bà, một góa phụ rất giàu, không có con. Chị còn bảo chị đến đây mấy lần để xin bà quần áo cũ cho các gia đình nghèo.
– Còn khi ở đây với cháu về?
– Chị ấy nói rằng bà là người có nhiều tiền nhưng không có hạnh phúc, bà có lòng nhân đạo, nhưng lại khắt khe với những người sống tự đàn ông, bừa bãi ...
– Chỉ có nói từng ấy thôi sao?
– Dạ ....
– Vậy thì cô Sương còn là người biết điều ...Cô ấy nói đúng, cô đến để xin quần áo cũ, để quyên tiền cho các tổ chức từ thiện, vì cô ta là một Phật tử thích hoạt động. Nhưng việc này xảy ra cách đây hai năm rồi. Lúc sau này tôi ít gặp cô Sương. Bây giờ gặp lại thì thấy cô ta thay đổi nhiều. Tôi có hỏi mấy cô đến đây để quyên tiền thì họ cho biết cô Sương làm thư ký và làm một nghề thứ hai mà cô che đậy kỹ lắm, là nghề dắt mối ...
– Dắt mối?
– Giới thiệu gái đẹp cho mấy ông lớn. Gặp cô gái nào cần giúp đỡ, cô sẵn sàng giúp đỡ, giới thiệu cho họ một việc làm tùy khả năng, rồi sau đó kiếm mối để giới thiệu ...Hôm nọ tôi mời cô ấy ở lại dùng cơm, cô ta từ chối mãi, tôi sinh ra nghi phải giữ cô ta ở lại cho kỳ được. Nếu cháu tin ý chắc cháu phải nghi ngờ chuyện này ... Tôi biết rõ gia đình ông Cảnh. Bà Cảnh bị bệnh thật, chị có ba đứa con gái, bà ấy cứ đòi cho tôi nuôi ba đứa bé để bà đi tu, vì bà buồn ông Cảnh nhiều lắm.
– Thật may cho cháu mới được gặp bà ...Bà đã biết rõ về chị Sương và nói cho cháu đề phòng như vậy, cháu cảm ơn bà nhiều.
Lúc ấy Mai Lan đâm ra nghi ngờ bà Hà Chi:
“Ta không có kinh nghiệm gì hết. Đời đầy cạm bẫy và lòng người khó dò lắm. Ta tưởng Sương là người tốt, nào ngờ Sương cũng chỉ lợi ta ...Ngay như mẹ ta bây giờ, ta biết suy xét, thấy mẹ cũng không tốt với ta. Biết đâu bà Hà Chi này không có ý lợi dụng ta, li gián ta và Sương?”.
Thấy Mai Lan cúi đầu ra vẻ suy nghĩ, bà Hà Chi hỏi:
– Cháu nghĩ gì vậy? Cháu ở nhà tu ra, cháu không hiểu đấy thôi, chứ lòng dạ con người đen bạc lắm, đời thì đầy cạm bẫy, cháu vô ý một chút là vấp ngã ngay. Huống chi từ thuở bé, cháu vốn thiếu tình thương của gia đình, vì vậy khi ra đời cháu thấy ai tỏ ra săn sóc, yêu thương cháu là cháu cảm động ngay và nghĩ người ta đã yêu thương cháu thật sự. Nhưng chưa hẳn như thế đau, cháu ạ.
Với tôi, cháu cũng có quyền nghi ngờ. Tại sao mới gặp cháu, tôi đã đem lòng thương cháu và có ý muốn nhận cháu làm con nuôi? Tôi có ý gì lợi dụng cháu không? Tôi sống một mình và giàu có như thế này, tôi có phải hạng người lương thiện không? Hay tôi đã che đậy sau cái bề ngoài trưởng giả, quý phái này, một nếp sống bừa bãi, hay những hành động ám muội gì đó? Tôi giàu là do tài sản ông bà cha mẹ để lại? Hay tôi đã buôn lậu, làm giàu trên xương máu của đồng bào? Cháu có quyền đánh dấu hỏi như vậy.
– Cháu đâu dám nghi ngờ bà như vậy ...
– Không, ở cái xã hội mà lòng người đảo điên, mà luân thường đảo ngược này cháu phải đề phòng, phải nghi ngờ, đừng vội tin ai. Vì chuyện ôn Cảnh, nếu cháu đã trải qua một đời chồng, nếu cháu đã ngoài ba mươi tuổi, yêu thương dang dở thì cháu mới nên nhận lời. Kể ra, tìm một chỗ nương tựa như vậy cũng được lắm rồi. Nhưng còn cháu, cháu vừa ở tu viện ra, một thiếu nữ trong trắng thì tội gì làm vợ nhỏ ông Cảnh. Đời của cháu còn tươi đẹp lắm, cháu ạ. Nếu tôi nhận cháu làm con thì tôi có thể gã cháu cho bác sĩ, luật sư, cho người có địa vị và danh vọng.
Nghe bà Hà Chi nói, Mai Lan không khỏi buồn tủi vì Mai Lan đâu còn trinh trắng, ngây thơ như bà tưởng. Lúc ấy, Mai Lan cần tâm sự lắm, nhưng nàng cố nén lòng để khỏi thổ lộ. Nàng nghĩ:
Ta phải chờ một dịp khác.
Bà Hà Chi nói tiếp:
– Ông Cảnh có tiền cưới thêm vợ, ông đủ sức lo cho vợ sau cũng như lo cho vợ trước, và không bỏ bê vợ con. Bà Cảnh lại bệnh, không ghen tuông, và cháu có thể sống yên ổn. Cháu đẹp trẻ, ông ta yêu thương cháu, cũng chìu chuộng, nhưng như rôi đã nói, tội gì ...Cháu bằng lòng đến đây ở với tôi hay không? Hay cháu cứ dọn về đây ở với tôi một thời gian để thử thách, cháu nghĩ sao?
– Bà tử tế quá. Để cháu thu xếp và suy nghĩ kỹ đã.
– Được. Cháu về suy nghĩ, cân nhắc đi rồi cho tôi biết.
Trên đường về, Mai Lan suy nghĩ:
“Ta có thể biết qua cuộc đời của Sương do bà Hà Chi tiết lộ, nhưng giờ đây muốn biết rõ bà Hà Chi thuộc về hạng người nào, ta biết hỏi ai? Hay ta hỏi Sương?”.
Về đến nhà, Mai Lan liền hỏi Sương:
– Chị biết gì nhiều về bà Hà Chi không?
– Tôi chỉ biết bà Hà Chi là người đáng kính, thích làm việc thiện. Ở đây ai cũng kính nể bà, bà hô hào việc gì là có người hưởng ứng ngay.
Sương không nói một lời nào bất lợi cho bà Hà Chi cả. Sương còn nói:
– Ông Cảnh cũng rất phục bà Hà Chi.
Nghe Sương nói vậy, Mai Lan nghĩ:
“Ta sẽ hỏi ông Cảnh.”.
Ngày hôm sau, khi ông Cảnh đến rũ Mai Lan đi dạo phố, và đi dùng cơm, Mai Lan liền hỏi ông Cảnh về bà Hà Chi. Ông Cảnh ngạc nhiên:
– Cô cũng biết bà Hà Chi à? Bà Hà Chi là một người thích làm việc thiện. Vợ tôi định gởi ba đứa nhỏ cho bà ấy nuôi, không gởi chứ gởi là bà Hà Chi lãnh liền. Bà Hà Chi nghe ai đau khổ về tình duyên là bà thương lắm.
Mai Lan nói:
– Nhưng chắc ông đâu để cho ba em làm con nuôi bà Hà Chi phải không?
– Không ...Tôi còn đây, vợ con tôi đâu có quyền gởi con như vậy. Nếu Mai Lan về làm vợ tôi thì Mai Lan có thể yêu thương chúng nó không?
– Các em được bao nhiêu tuổi? Có lẽ xấp xỉ tuổi tôi rồi phải không?
Ông Cảnh nói; – Ba con của tôi, đứa lớn mười tám tuổi tên là Tuyết Anh, đứa giữa mười sáu tuổi tên là Tuyết Mai, đứa nhỏ mười ba tuổi tên là Tuyết Hồng. Chúng nó rất dễ thương ...Nhưng tôi nói đùa thế thôi, chúng nó không bao giờ chịu xa mẹ chúng đâu ...Cô năm nay bao nhiêu tuổi, cô Mai Lan?
Mai Lan mỉm cười:
– Ông đoán thử đi.
– Hai mươi ba tuổi.
– Tôi đâu trẻ quá như vậy.
– Chứ bộ cô già lắm hay sao.
– Ông đoán lầm rồi. Tôi ba mươi tuổi rồi đó.
Ông Cảnh nhìn Mai Lan và nói:
– Trong cô còn trẻ hơn Tuyết Anh của tôi. Trên mặt cô không có một nếo nhăn nào cả ...
Mai Lan cười, mặt nàng tươi đẹp khác thường, khiến ông Cảnh sửng sốt.
Ông nói:
– Cô đừng đùa.
– Ông chưa tôi biết thật rõ về bà Hà Chi.
– Cô hỏi làm gì mà kỹ vậy?
– Tôi đã nói rồi mà. Bà Hà Chi thừa hưởng của chồng một gia tìa lớn, và từ khi chồng chết, bà ở vậy làm việc từ thiện.
– Chồng bà giàu lắm sao?
– Giàu lắm. Một đồn điền cao su ở biên giới Cao Miên, một đồn điền trà và cà-phê ở Bảo Lộc, mấy ngôi biệt thự ....Tiền thâu được mỗi năm bà Hà Chi xài chưa hết một phần mười. Nhưng cô điều tra làm gì mà kỹ vậy?
Mai Lan lại hỏi:
– Thế còn cô Sương, cô ấy có tốt không?
Ông Cảnh nói:
– Nếu không tốt, cô ta đâu dám giúp đỡ cô như vậy.
– Ngừng một lát, ông Cảnh hỏi:
– Hay cô thấy cô Sương làm may cô cho tôi rồi cô nghĩ xấu cho cô ấy?
– Tôi bằng bạc bẽo như vậy. Tôi rất đội ơn chị Sương ...
– Nhưng hôm nay sao cô lại có vẻ lo nghĩ như vậy? Cô quen với bà Hà Chi hồi nào?
– Chị Sương đưa tôi đến.
– Sương đưa cô đến? Tôi không tin.
– Nhưng cũng vì tình cờ.
Mai Lan kể tỉ mỉ cho ông Cảnh nghe tại sao mình quen với bà Hà Chi. Ông Cảnh nói:
– Nếu vậy lạ lắm, tại sao Sương không ngăn cản cô vào nhà bà Hà Chi?
– Tại sao lại ngăn cản, mà ngăn cản sao được? Tôi thấy nhà người ta có nhiều hoa, với tư cách khách thập phương xa lạ, tôi xin vào đấy để xem hoa, chị Sương lấy tư cách gì mà ngăn cản? Tôi vào đấy có gì không lợi cho chị Sương chăng?
Bị Mai Lan hỏi một hơi, ông Cảnh liền nói:
– Thật ra cũng không có gì ...
– Ông nói úp mở tôi không hiểu. Bây giờ tôi hỏi thật ông, bà Hà Chi định nuôi tôi cho ăn học để xây dựng tương lai sự nghiệp thì ông nghĩ sao? Ông có khuyên tôi nên nhận lời không?
– Cô đừng đùa. Cô làm như tôi dễ gạt lắm sao?
– Sao lại gạt? Việc này có gì đáng cho ông lấy làm lạ đâu. Ông vừa nói cho tôi biết bà Hà Chi thương nhưng gặp chuyện tình duyên ngang trái ...
Ông Cảnh ngạc nhiên nhìn Mai Lan:
– Cô có gì lạ vậy? Người nào gặp chuyện tình duyên ngang trái, chứ còn cô ...việc gì mà cô ...
Mai Lan cười:
– Ông mới quen tôi, ông nào biết tôi là ai, và dĩ vãng của tôi ra sao mà dám gắn bó với tôi? Nếu tôi nói dối và che đậy dĩ vãng của tôi thì ông làm sao hiểu được. Làm sao tin được bề ngoài hả ông? Tôi năm nay đã ba mươi tuổi, tôi đã có một thời gian ở tu viện, nhưng tôi xuất thân từ một gia đình khá giả. Điều này thì chị Sương biết và chị đã nói rõ cho ông nghe rồi, nhưng còn nhiều chuyện không may đã xảy ra cho đời tôi mà vì một lý do nào đó, tôi không thể tiết lộ cho ông biết thì sao?
Ông Cảnh nhìn Mai Lan đoạn nói:
– Cô cũng biết tôi bao nhiêu tuổi rồi chứ? Trên đường đời tôi đã đi được hai phần ba rồi. Nhìn qua cô, tiếp xúc với cô mấy lâu nay tôi cũng hiểu cô là một người có học, chưa hiểu đời bao nhiêu và thời gian cô đi tu như cô nói là thời gian cô đã kiềm hãm được bao nhiêu ham muốn, bao nhiêu ước vọng nên cô tránh được những bước thăng trầm của kiếp hồng nhan.
Mai Lan chỉ cười mà không nói, ông Cảnh lại nói:
– Được rồi, dù dĩ vãng của cô thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng tin rằng tôi không lầm khi yêu cô. Mấy tháng nay, sống ở đây, cô có một nếp sống thật đàng hoàng, đúng đắn. Cái hiện tại bảo đảm cho tương lai và nói lên cái quá khứ của con người. Tôi nghĩ như vậy, cô đồng ý không?
Mai Lan nghẹn ngào nghĩ rằng ông Cảnh thật tình yêu nàng và nếu nàng nhận lời thì nàng có thể tìm thấy hạnh phúc. Mà nhận lời ông Cảnh, Mai Lan cũng không phải nhận làm co nuôi bà Hà Chi.
Khi còn nhỏ, Mai Lan có một người bạn thân cùng học trong lớp. Tiểu Nhi, con một gia đình giàu, cha mẹ lại đông con. Tiểu Nhi phải đi làm thuê làm mướn để có tiền đóng tiền học, nhưng Tiểu Nhi học rất giỏi và tính tình rất dễ thương. Lúc ấy có một người muốn xin Tiểu Nhi để nuôi và đem ra ngoại quốc.
Cha mẹ Tiểu Nhi, vì tương lai của con, bằng lòng cho Tiểu Nhi cho người đàn bà giàu có ấy, nhưng Tiểu Nhi nhất định không chịu. Tiểu Nhi đã tâm sự với Mai Lan:
“Đứa con chỉ do một người mẹ sanh ra, không thể nhận ai khác làm mẹ khi mẹ mình còn sống sờ sờ đó. Sau này, khi lập gia đình, mình sẽ có một người mẹ thứ hai, người ấy là mẹ chồng. Cha mẹ nghèo thì bổn phận con cái là ở với cha mẹ để giúp đỡ cha mẹ, chứ ai đang ở tuổi nhờ cậy được này lại bỏ cha mẹ để đi tìm sự sung sướng về vật chất như vậy?”.
Bỗng nhiên lúc ấy Mai Lan nhớ đến nhưng lời nói của Tiểu Nhi và cuối đầu suy nghĩ. Ông Cảnh thấy vậy liền hỏi:
– Cô nghĩ gì vậy? Đã gần đến ngày cô hứa sẽ tâm sự cho tôi biết chuyện riêng tư của cô rồi đó. Tôi tin rằng dù câu chuyện của cô có thế nào đi nữa thì tình yêu của tôi đối với cô vẫn không có gì thay đổi cả.
– Dù sao tôi cũng cảm ơn ông đã có những tình cảm tốt đẹp dành cho tôi.
Được, tôi xin nghĩ lại và sẽ trả lời cho ông sau.
– Còn chuyện bà Hà Chi?
– Chuyện bà Hà Chi tôi chưa thể trả lời được vì nhiều lý đàn ông khác mà cũng không khác gì những lý do tôi sắp nói với ông.
Khi hai người chia tay trước nhà Sương, ông Cảnh bùi ngùi nói:
– Cô thật sắt đá. Tôi thật tình yêu cô và muốn xây dựng với cô, vậy mà cô vẫn không tin tôi. Chắc có người gièm pha tôi với cô rồi.
– Không ...Tôi định sẽ nói tất cả cho ông rõ ...
– Xin cô cứ nói.
Mai Lan ngập ngừng một lát rồi nói:
– Để tuần sau tôi sẽ nói hết cho ông hiểu.
– Tại sao không là tuần này?
– Chưa tiện ...
Ông Cảnh thở dài:
– Vậy thì tôi không ép cô đâu. Nhưng chuyện tôi đề nghị, cô nghĩ thế nào?
Cô có nói cho bà Hà Chi biết không?
– Có, tôi đã cho bà Hà Chi biết.
– Rồi bà ấy nói sao?
– Bà nói rằng nếu tôi đã một lần tình duyên dang dở, tôi có thể nhận lời đề nghị của ông, nếu tôi là một thiếu nữ mới ra đời, trong trắng, thì không nên.
– Nghĩa là bà Hà Chi bàn ra, không muốn cô làm vợ tôi. Cái bà này phá đám thật, tôi biết bà đã nghiêng về phía vợ tôi. Đàn bà thường bênh vực nhau.
– Ông biết vậy, sao còn tính chuyện với tôi? Tôi không biết bênh vực vợ ông sao, tôi sẽ đến gặp bà, trình bày rõ việc này trước khi trả lời ông ...
Ông Cảnh nhún vai:
– Đàn bà lôi thôi quá, và dường như cô không tin cô Sương ...Cô ấy tốt lắm, vậy mà có nhiều người nghi ngờ cô ấy là người không đứng đắn, giúp người ta với mục đích lợi dụng. Người ta có thể nghi ngờ như vậy vì thấy những người mang ơn cô Sương thường biếu xén cô Sương vật này vật nọ, hoặc hùn hạp làm ăn. Có người còn ác miệng, ác mồm nói rằng cô Sương làm nghề tú bà. Miệng thiên hạ hơi đâu mà nói. Vả lại, cái nghề làm mai mối bạc bẽo lắm. Làm mai cho người ta, người ta được nhà cao cửa rộng, không nói làm gì, nhưng rủi vợ chồng cắn đắng, cơm không lành canh không ngọt, hoặc nghèo túng, nợ nần, người ta đổ hết lên đầu bà mai, ông mai, chứ mấy ai chịu nhận một phần lỗi ở mình hay duyên số xui nên.
Mai Lan hỏi:
– Theo ông, cô Sương là người tốt? Còn về bà Hà Chi thì bà là người giàu lòng từ thiện và thương ai gặp chuyện tình duyên dang dở. Có phải vậy không?
Nhưng chắc ông không biết về dĩ vãng của bà Hà Chi, ông chỉ biết bà ấy góa chồng và chồng bà để lại cho bà một gia tài lớn.
– Cô còn thắc mắc điều gì nữa? Ở đây người ta chỉ biết như vậy và người ta đã thỏa mãn lắm rồi, vì bà Hà Chi là người đứng đắn, rất tốt.
– Lại nữa bà cũng đã lớn tuổi ...Phải bà còn trẻ thì người ta đã bàn tán về nếp sống và sự giao thiệp rất rộng của bà.
Ông Cảnh có vẻ nghĩ ngợi:
– Lạ quá. Hôm nay cô làm sao quá ...Khó hiểu thật.
– Dường như ông chưa nói cho tôi biết ý kiến của ông về chuyện bà Hà Chi muốn nhận tôi làm con nuôi.
– Ý kiến của tôi? Tôi tán thành và mừng cho cô gặp được người như bà Hà Chi ...Nhưng tôi buồn cho tôi vì cái may của cô, tức là cái rủi của tôi.
– Tại sao vậy?
– Tại một khi cô đã là con nuôi bà Hà Chi thì tôi không còn hy vọng gì được cô chấp thuận làm vợ.
Mai Lan cười:
– Làm con nuôi bà Hà Chi rồi thì tôi sẽ có chồng bác sĩ, kỹ sư phải không?
Biết đâu chuyện ấy.
– Tôi đợi cô một tuần nữa để biết ý kiến về lời đề nghị của tôi. Tôi đã trông đợi lâu rồi.
Mai Lan có vẻ ăn năn:
– Tôi đã làm ông phải chờ đợi. Tôi cũng thấy làm như thế là gây phiền hà cho ông, việc gì phải tính dứt khoát đâu ra đó thì hơn.