Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đời Con Gái

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4419 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đời Con Gái
Bà Tùng Long

Chương 1

 
Xuân Lan bắt đầu hiểu chút ít về chuyện đời và nhận xét những sự việc xảy ra trong gia đình từ khi lên mười hai tuổi. Năm ấy nó thi đậu vào lớp đệ thất trường Gia Long, một trường nữ trung học lớn nhất ở miền Nam. Trong khi nó đậu thì Ngọc Hương, chị nó, lớn hơn nó một tuổi, lại rớt và phải ghi tên học ở một trường tư. Vì lẽ ấy mà sự thi đậu của nó không được gia đình đón tiếp một cách vui vẻ. Nó đậu không ai khen, không ai mừng, trái lại cha nó, mẹ nó, các chị nó đều thương Ngọc Hương vì không may bằng nó.
Xuân Lan biết suy nghĩ từ lúc đó. Tại sao cũng là con mà nó lại không được yêu thương như các chị nó? Tại sao mỗi sáng chủ nhật, trong khi cha mẹ nó và các chị các anh, cả mấy em nữa, đều được lên chiếc xe sang trọng để đi Thủ Đức, hoặc về quê hay ra Vũng Tàu đổi gió, thì nó lại được mẹ dặn:
– Con ở nhà trông nhà nhé. Chóng ngoan mẹ về sẽ thưởng.
Khi mọi người đi rồi, chị bếp, người giúp việc trung thành của gia đình, đã nhìn nó với tối mắt đầy thương xót, rồi lắc đầu nói một mình:
– Tội nghiệp con bé!
Xuân Lan đi học buổi chiều thì buổi sáng mẹ khuyên nó:
– Con gái dù học giỏi tới đâu cũng phải tập làm lụng, nấu nướng cho quen.
Rồi đây còn phải có chồng, lo cho gia đình. Con nên đi theo chị bếp tập mua bán, biết giá cả cho quen. Rủi khi chị ấy đau thì con có thể thay thế đi chợ giúp mẹ.
Lúc ấy Xuân Lan chỉ nghĩ mẹ dạy như vậy rất phải. Con bà Tham bên cạnh tuy đã học đến lớp đệ nhị, lớp nhiều bài vở chuẩn bị thi, vậy mà chị ấy vẫn đi chợ giúp mẹ. Nhưng có điều Lan không hiểu nổi là tại sao ba chị của nó lớn nó, lại không được mẹ dạy bảo như nó. Chị Liên Hương học đệ tứ, chị Mai Hương học đệ lục, còn Ngọc Hương thì học đẹ thất trường tư. Ba chị của nó lúc nào cũng ngồi đọc tiểu thuyết trên lầu hay chụm lại để nói chuyện.
Trong nhà, cha mẹ hay các chị có cần việc gì thì gọi đến nó, đôi khi nó chạy không kịp, làm không xuể và bị rầy la ầm ĩ.
– Lan, lấy cho mẹ cái quạt.
Các chị thì thi nhau sai:
– Lan, bánh mẹ để phần cho tao đâu? Lấy ra đây cho tao.
– Lan, sao chưa ủi cái áo của chị?
– Lan, mày làm gì mà không chép bài giùm tao? Chị nay tao bị phạt thì liệu lấy.
Lan làm việc này, chạy đi lấy cái nọ mà trên đôi môi lúc nào cũng nở nụ cười. Nhiều người khen nó ngoan, không bao giờ biết giận. Lúc ấy nó vô tư, chưa thấy rõ sự chênh lệch giữa nó và các chị, anh em của nó. Lúc ấy nó không biết phân bì, so sánh, đòi hỏi, tủi hờn. Nhưng bây giờ thì khác, nó đã hiểu, bắt đầu khám phá ra nhiều chuyện.
Ông Phương, cha nó, là một công chức cao cấp, có địa vị, uy tín. Mẹ nó là một người đàn bà xinh đẹp, đài các, kiêu kỳ, và dường như không được hàng xóm láng giềng thương mến. Đã ngoài bốn mươi tuổi nhưng bà vẫn chưng diện hết sức. Ngày nào bà cũng ra tiệm chải tóc, mỗi ngày một kiểu, và đóng tiền trước cho tiệm uốn tóc để khi nào bà ra là người ta phải làm ngay cho bà. Cái tủ áo của bà, ai nấy cũng phải choáng ngợp. Còn cái hộp nữ trang đủ kiểu, đủ loại hột cũng đã tốn kém nhiều tiền của cha Xuân Lan. Thường thì con gái gần mẹ hơn nên thương mẹ hơn thương cha, đối với Xuân Lan lại khác. Xuân Lan không hiểu tại sao nó lại thương cha hơn. Đôi khi nó bắt gặp cha nhìn nó với đôi mắt thật êm dịu, thật hiền từ, bao hàm một tình thương bao la vô bờ bến. Mẹ nó chưa bao giờ nhìn nó như vậy.
Trước kia, khi chị Mai Lan của nó còn ở nhà, chị cũng có cái nhìn như cha nó. Chị Mai Lan rất yêu thương nó, thường vuốt ve nâng niu nó y như một người mẹ. Chị bếp nói chị Mai Lan cùng mẹ khác cha với nó và các người con khác trong gia đình. Cách nay mười mấy năm gì đó, mẹ nó đã có một đời chồng, đưa lại kết quả là Mai Lan. Chị Liên Hương, chị Mai Hương, chị Ngọc Hương đều không ưa Mai Lan cũng như không ưa nó.
Trọng Tài và Trọng Nghĩa, anh và em trai của nó thì lại vô tư, không thương nó cũng như không ghét. Trọng Tài có cuộc sống riêng của đứa con trai vừa lớn lên, thích bạn bè đùa nghịch và khinh những đứa con gái không làm tích sự gì.
Chị Mai Lan đi tu, nó không hiểu vì lý do nào. Nó chỉ nhớ thỉnh thoảng lại được theo mẹ đến tu viện ở Chợ Quán để thăm chị. Chị thật hiền, thật buồn trong chiếc áo xô màu đen và đầu đội cái nón trắng. Mỗi lần nó vào thăm, chị Mai Lan ôm nó vào lòng và khóc. Tại sao mẹ lại không cho mấy chị của nó đi thăm chị Mai Lan? Nó còn nhớ rõ cái lần Liên Hương xin phép đi theo mẹ để thăm Mai Lan, mẹ nó đã mạt:
– Mày không việc gì phải đi thăm!
Liên Hương khóc:
– Tại sao mẹ lại cho Xuân Lan đi?
– Xuân Lan thì khác.
“Xuân Lan thì khác”. Câu nói ấy đã khiến Xuân Lan sau này nhớ lại và không khỏi suy nghĩ, tự hỏi:
“Tại sao mình lại khác?”.
Bây giờ Xuân Lan đã lên mười hai tuổi, bắt đầu có những nét con gái. Người nó hơi gầy và mặt mày nhưng lại đượm buồn. Nó bắt đầu để ý từng câu nói, cử chỉ của mẹ nó. Nó thấy mẹ nó không yêu thương nó như mấy đứa con khác, kể cả chị Mai Lan.
Có lần, nó đem nhận xét này nói với chị bếp, thì được chị khuyên:
– Em đừng nghĩ vậy mà có lỗi với bà, nếu bà không thương thì em đâu có sống đến ngày nay.
– Tại sao vậy chị?
– Tại bà cực khổ với em nhiều.
– Hồi nhỏ tôi hay đau yếu lắm phải không?
– Em đã làm bà khổ tâm, nhọc trí. Nhưng bây giờ em đã khôn lớn. Em đừng nghĩ gì quấy mà có lỗi với bà.
– Tôi có dám nghĩ gì quấy đâu chị. Lúc nào tôi cũng yêu thương mẹ tôi.
– Phải như vậy, em ạ.
– Mấy chị của tôi có yêu thương tôi không?
– Sao lại không?
Xuân Lan thở dài:
– Không, mấy chị của tôi không yêu thương tôi. Mấy hôm nay ai cũng ghét vì tôi thi đậu vô trường Gia Long. Tôi biết chỉ có chị Mai Lan thương tôi mà thôi.
Nghe Xuân Lan nhắc đến Mai Lan, chị bếp chớp mắt mấy cái rồi nói:
– Ừ, chị Mai Lan thương em lắm.
– Tại sao chị Mai Lan đi tu vậy chị?
– Tại chị ấy thích đi chúng tôi.
– Không phải ai đi tu cũng tại họ buồn, họ chán sống sao?
– Cũng có trường hợp như vậy. Nhưng thôi, đừng nhắc tới chị Mai Lan nữa.
– Nhắc đến chị buồn phải không? Chị thương chị Mai Lan lắm chứ?
Chị bếp lau vội hai giọt nước mắt trên khoé mắt:
– Mai Lan dễ thương lắm. À, mà lúc nãy em nói không ai mừng khi hay tin em thi đậu vào lớp đệ thất? Ông mừng lắm chứ. Chị Mai Lan nghe tin này cũng mừng nữa.
– Cha tôi mừng thật. Hôm nọ cha hứa sẽ cho tôi đi Vũng Tàu, nhưng mẹ nói còn lâu lắm mới đi Vũng Tàu. Vô trường Gia Long thì phải mặc áo dài phải không chị? Bao giờ mẹ mới may áo dài cho tôi?
– Gần tựu trường.
– Tôi mắc áo dài chắc buồn cười lắm.
– Ừ, vì em còn nhỏ.
Liên Hương mà bắt gặp Xuân Lan với chị bếp nói chuyện là rầy ngay:
– Sao mày không lo học, xuống bếp trò chuyện gì vậy? Mẹ mà thấy mày nói chuyện với chị bếp, mẹ đánh cho xem.
Một hôm bà Phương đi chợ về, thấy Xuân Lan nói gì với chị bếp và khi thấy bà về vội tản đi chỗ khác, bà liền nói với nó:
– Mày thủ thỉ to nhỏ gì với chị bếp vậy Lan? Bộ chị ta xúi mày phải không?
– Dạ, đâu có xúi gì!
– Chị bếp kể gì cho mày nghe vậy?
– Không có.
– Mày liệu hồn đấy nhé ...
Xuân Lan bỏ về phòng thì bị Ngọc Hương mắng nhiếc thậm tệ:
– Mày ưa nói chuyện với người làm lắm à? Họ đâu có đáng chi mình chuyện trò. Tao không hiểu tại sao mày lại thích nói chuyện với chị bếp? Chị ta có tính bép xép, nấu ăn lại dở ẹc mà không hiểu tại sao mẹ không chịu cho nghỉ, lại có vẻ sợ là khác. Chị ta chỉ thương có chị Mai Lan. Mà chị ấy bây giờ đi tu rồi.
Xuân Lan bị chị rầy, chẳng những không buồn mà còn xin lỗi chị:
– Từ nay em không dám nói chuyện với chị bếp nữa ...À, chị Ngọc Hương này, tại sao chị Mai Lan không ở nhà với chúng ta?
– Chị ấy buồn nên đi tu.
– Buồn việc gì?
– Tao không biết, tao nghe mẹ nói chị ấy buồn.
– Có phải tại cho mình không thương chị phải không?
– Thôi, mày lại hỏi tò mò rồi ...Mẹ nghe mẹ lại rầy tao.
Rồi Ngọc Hương khoe:
– Sáng nay mẹ dắt tao và chị Mai Hương đi may áo đầm. Tao cho mày chiếc áo đầm cũ nghe. Nói cũ chứ tao mới mặc có mấy lần thôi. Mày ốm hơn tao, chắc mặc vừa.
Ngọc Hương xấp xỉ tuổi với Xuân Lan, cùng học một lớp nên có vẻ thân nhau, tuy vậy, Ngọc Hương vẫn bắt chước hai chị hành hạ Xuân Lan:
– Kìa, tao nói cho mày cái áo đầm, sao mày không cảm ơn tao?
– Cảm ơn chị. Nhưng bây giờ em thi đậu đệ thất, em phải mặc áo dài để đi học ...
– Mày mặc áo dài, cọp mà coi ...
– Nhưng trường bắt buộc, chị ạ ....
– Vì vậy mà tôi không thèm đậu vô trường công. Đi học trường tư mặc đầm đẹp hơn ...
– Không biết đến bao giờ mẹ mới may áo dài cho em? Chị nhắc mẹ giùm nghe chị ....
– Mày nhắc chứ sao lại nhờ tao? Tao nói mẹ giận mẹ đánh thì sao? Mày có biết tại sao lúc này mẹ hay quạu không?
– Em đâu có biết.
Ngọc Hương ghé miệng vào ta Xuân Lan:
– Mẹ thua ...
– Thua cái gì?
– Thua cờ bạc ...Rồi mẹ và cha gây gõ nhau ...
– Về chuyện tiền bạc?
– Về đủ chuyện. Thôi, tao lên lầu, chứ không mẹ lại rầy tao như đã rầy mày lúc nãy.
Ngọc Hương đi rồi, Xuân Lan ngồi chống tay vào cằm, suy nghĩ vẩn vơ ...Nó ngồi thừ như vậy cho đến khi nghe bên ngoài có tiếng bà Phương bên ngoài rầy la chị bếp:
– Chị đi chợ tệ quá ...Phải đổi món ăn chứ. Chị cứ mua hoài một thứ, nuốt không vô. Chị không thấy độ rày tôi gầy hẳn sao?
Chị bếp nhỏ nhẹ:
– Thưa bà, thức ăn dạo này mắc quá, khó mua. Rau cải ở Đà Lạt không xuống, cà thịt hiếm hoi nên mắc. Tôi cũng muốn tìm món ngon vật lạ mua nấu cho ông bà và các em dùng ...Nhưng ngặt tiền không đủ ...
Bà Phương liền nói:
– Vậy thì chị đừng đi chợ, cứ để con Xuân Lan đi, mua được gì, ăn nấy.
– Em Xuân Lan còn nhỏ quá. Em lại yếu đuối. Mùa này mùa mưa bắt em đi chợ, em đau chỉ tội mà thôi. Lại nữa, em đâu biết mặc cả gì. Lầm giá, lầm hàng, cá thịt ươn, cũ, ông bà ăn không được, em lại bị rầy. Bà đừng nghi tôi đi chợ ăn lời. Tôi ở với ông bà trên dưới mười lăm năm rồi, đâu phải một ngày, một bữa.
Việc lớn lao hơn nữa ông bà còn giao phó cho tôi, tôi vẫn làm tròn bổn phận nữa là chuyện chợ búa. Tôi chỉ có những thân một mình, chồng không, con cũng không, tôi sống nhờ ông bà, chết cũng nhờ ông bà, tôi ăn lời, dành dụm tiền để làm gì?
Bà Phương ra vẻ khó chịu:
– Hễ nói đọng tới chị, là chị kể công, tôi chán lắm. Chị liệu lấy, con Xuân Lan bây giờ đã lớn, chị phải cẩn thận đấy nhé.
– Tôi có làm gì sai quấy đâu ...
– Ừ, thì tôi dặn chừng chị vậy mà. Tôi thường thấy nó chuyện trò với chị ....
– Chỉ có một mình em ấy xuống bếp phụ với tôi. Trong khi làm việc, chị em tôi làm sao khỏi nói chuyện. Nhưng bà đừng tình yêu, tôi không dại gì ...
– Chị nhớ như vậy thì chị mới có thể ở lại đây lâu dài.
Chị bếp nói:
– Thưa bà, gần ngày tựu trường rồi.
Bà Phương ngạc nhiên:
– Chuyện đó đâu có quan hệ gì đến chị?
– Em Xuân Lan năm nay lên đệ thất, đi học trường trung học Gia Long.
– Tôi biết, chị nhắc tôi sắm quần áo, sách vở cho nó chứ gì?
Xuân Lan nghe đến đây, lo lắng, chờ bà Phương nói tiếp:
– Nhưng chị thấy đó, tôi đã may sắm cho mấy chị nó. Áo quần của Ngọc Hương còn mới, tôi sẽ cho Xuân Lan.
– Bà quên năm nay em Xuân Lan phải mặc áo dài đồng phục sao?
– Vậy nữa? Sao nó không nói với tôi?
– Dạ em sợ, không dám thưa với bà, nhưng cũng không dám nói với ai, sợ bà giận.
Bà Phương ra vẻ lưỡng lự, có vẻ bà đang thương hại cho con bé.
– Thì để vài hôm nữa tôi sẽ đi may quần áo cho nó. Tôi nói ông đưa thêm tiền. Tháng này là tháng tựu trường nên túng lắm.
Chị bếp thấy bà Phương vui vẻ, không giận dỗi khi nghe chị nhắc đến chuyện quần áo của Xuân Lan thì đánh bạo nói thêm:
– Bà thấy con bé lúc này chứ, nó đẹp ra, đôi má hồng và đôi môi đỏ, trông duyên dáng. Nó không cao bằng em Ngọc Hương nhưng đẹp lắm ...
Bà Phương nhíu mày. Bà cũng đã nhiều lần nhận xét điều này, nhưng không nói với ai. Bà cũng thấy nội trong mấy đứa con, bé Xuân Lan giống ông Phương hơn hết. Đó là điều bà không khỏi đau lòng. Mai Lan thì giống bà như đúc. Phải chi Xuân Lan giống Mai Lan? Nhưng mà vô lý, tại sao bà muốn Xuân Lan giống Mai Lan? Hai đứa không cùng một cha.
Bà Phương nhìn chị bếp:
– Ừ, nó cũng đẹp ...Và vì vậy mà tôi không khỏi tình yêu ngại, vì chị biết không, Mai Lan hồi đó cũng vì quá đẹp ...
Nói xong, bà Phương thở dài và bỏ đi lên nhà trên, vừa đi vừa nói:
– Ngày mai tôi sẽ đi mua vải và dẫn nó đi may áo dài ...
Xuân Lan đã nghe lén được câu chuyện giữa mẹ và chị bếp, nhưng lúc ấy nó không dám chạy xuống ôm lấy chị bếp để nói những lời cảm ơn như trước đây nó thường làm. Nó đợi đến khi ăn tối xong, không ai để ý, chỉ có một mình nó và chị bếp dọn dẹp dưới bếp, mới nói với chị:
– Chị bếp à, mẹ đã chịu may áo dài cho tôi rồi phải không chị?
– Sao em biết? Bà nói chứ gì?
– Không, tôi đã nghe lén.
– Vậy là em có lỗi, không nên nghe lén. Mấy chị không bao giờ làm như vậy.
– Mấy chị không bao giờ làm như vậy là vì xung quanh cuộc đời của mấy chị không có một cái gì có thể gọi là bí mật bao trùm cả. Cha mẹ đó, anh chị đó, tình thương đầy đủ thì còn cần biết vì lẽ gì mình bị bạc đãi ...
Chị bếp hốt hoảng nhìn Xuân Lan:
– Ấy chết, em nói gì lạ vậy? Rủi bà nghe được thì nguy.
– Bà nghe được? Giờ này ai nấy đều quây quần xem ti vi, có ai để ý đến em đâu? Em phải tập rửa chén, phải tập dọn dẹp bếp núc, và phải biết cách ngâm áo quần dơ để ngày mai giặc nữa ...Không có mặt em trên ấy cũng không ai để ý, và giá lúc này em có đi đâu, đi thật xa thì đến khi có người khám phá ra em không còn ở nhà, lúc ấy chắc không còn tìm ra em nữa.
– Em nói gì lạ vậy? Có lẽ tại em hay đọc những quyển sách hình nhảm nhí chứ gì ...Ngày nào chị cũng thấy em đọc.
– Đọc cho vui mà chị. Sách ấy là sách nhi đồng, người ta viết chuyện lên cung trăng, xuống đáy biển, mạo hiểm vào rừng sâu rồi gặp ác thú, hung thần, và sau đó thì có người đến cứu. Em thích đọc những chuyện ấy, và em cũng thích một ngày nào đó, làm một chuyến phiêu lưu mạo hiếm như vậy.
– Em là con gái ...
– Con gái rồi không làm được gì sao?
– Nhưng con gái không thể phiêu lưu mạo hiểm như vậy. Mà ai cho em mượn loại sách ấy?
– Con Quỳnh Như. Chị biết Quỳnh Như không, nó ở bên dãy A, nó thương em lắm. Nó có nhiều loại sách hay nữa. Người ta viết về những đứa bé không may trên cõi đời này.
– Quỳnh Như thì chị biết. Cô bé có vẻ đài các lắm. Con ông bà Tham Lãng phải không ?
– Phải rồi, nó chỉ có hai anh em, nó và anh Quân của nó. Hai anh em cách nhau bảy năm, vì khi má nó sanh anh Quân xong thì cha nó đi đường học một thời gian ...Đến khi trở về, má nó mới sanh nó ... Nhà ít con bao giờ cũng sung sướng, chị nhỉ?
– Tuỳ nhà chứ ...
– Em không thích đọc những quyển sách nói về những đứa trẻ kém may mắn.
Đọc buồn lắm chị ơi!
– Ừ, đọc làm gì.
– Nhưng Quỳnh Như nói phải đọc những quyển sách mới hiểu đời, biết vế cuộc sống của những người nghèo. Đúng vậy không chị?
Xuân Lan thường nói chuyện với chị lắm, nó cảm thấy gần chị hơn bà Phương ... Xuân Lan và Quỳnh Như học chung một trường từ lớp một, bây giờ cả hai đều đậu vào đệ thất trường Gia Long. Khi xem bảng, cả hai cùng đậu, Xuân Lan mừng quá ôm Quỳnh Như và khóc, làm Quỳnh Như cảm động cũng khóc theo. Sau đó Xuân Lan :
– Như biết không, Lan chỉ sợ mất Như ... Mất Như, Lan không còn ai là bạn.
Lan mà rớt thì không đi học nữa. Mẹ Lan nói Lan có số không may, nên ngay từ bây giờ phải tập làm bếp, tập may vá, để sau này rủi cực khổ thì biết làm lụng kiếm ăn.
Như phản đối:
– Làm ăn gì kiểu ấy? Mẹ Như thì nói khác. Mẹ khuyên phải học hỏi để có nghề nghiệp, sau này rủi gặp cảnh biến cố thì mình có thể làm lụng nuôi gia đình. Làm bếp, may vá, là để làm người nội trợ thôi, đâu phải là một nghề.
Bao giờ Xuân Lan cũng cho là Quỳnh Như nói phải, vì những lời Quỳnh Như nói ra là lời của bà Lãng đã khuyên dạy Như. thỉnh thoảng Xuân Lan qua nhà Quỳnh Như chơi, bà Lãng rất thương Xuân Lan, lần nào cũng lấy bánh rs cho Xuân Lan ăn. Bà bảo là Xuân Lan rất đẹp, sau này còn đẹp hơn, nhưng phải có đức hạnh. Con gái chỉ đẹp, không đức, là một tai hại cho đời. Bà nói như vậy, Xuân Lan làm sao hiểu thấu đáo, vì lúc ấy Xuân Lan còn quá nhỏ.
Chị bếp nghe Xuân Lan hỏi về chuyện sách vở thì nói:
– Chị thì biết gì về sách vở? Chị dốt lắm! Lúc chị còn nhỏ, gia đình cũng không đến nỗi nghèo, cha mẹ cho chị đi học, nhưng chị làm biếng lắm, không chịu học, lớn lên phải đi làm mướn đó. Em ráng học cho giỏi nghe em.
Đêm ấy dọn dẹp xong, Xuân Lan không lên xem ti vi. Nó đi lại nhà bà Tham Lãng cách nhà nó một ngõ hẻm. Nó và Quỳnh Như ngồi nói chuyện ngoài hàng ba, trong khi bà Lãng dạy cho bé Quân làm bài Pháp văn.
Xuân Lan khoe với Quỳnh Như là ngày mai nó đi may áo dài. Quỳnh Như nói:
– Tao may rồi. Mặc áo dài xúng xính làm sao ấy ...Nhưng cũng thích, mày ạ.
Mẹ tao may áo dài cho tao, chứ không thuê thợ. Áo đầm mẹ tao cũng may. Mẹ tao khéo lắm.
Xuân Lan thở dài và nghĩ đến bà Phương. Bà không bao giờ chịu khó ngồi may vá, bảo ngồi mỏi lưng lắm, bà sanh đẻ nhiều ngồi lâu không được. Ai nghe bà nói vậy cũng phụ hoạ, nhất là các bà bạn của bà:
– Mình sanh đẻ nhiều, ngồi mỏi lưng lắm, may một cái áo tiền công năm bảy chục thôi, mà bệnh tiền thuốc bảy tám trăm, thôi thì thuê cho rồi, có phải ít tốn hơn không, tính lợi hoá hại là vậy đó.
Nhưng khi có ai rủ đánh tứ sắc hay đánh xẹp thì bà Phương có thể ngồi suốt ngày suốt đêm, không hề than mỏi lưng, mỏi cổ. Có lần Xuân Lan nghe chị Liên Hương than:
– Mẹ mình khi còn nhỏ học may ở nhiều trường nữ công. Khéo lắm đấy, vậy mà bây giờ hở một chút là đi thuê, tốn kém nhiều, bắt cha chịu tội nghiệp ghê đi.
Mai Hương thì nói:
– Cha làm việc suốt ngày, vậy mà hãy đem tiền lương về là mẹ bảo không đủ xài, nào con đông, nào tốn đủ thứ.
Liên Hương nói:
– Tao thấy cha, tao thương ghê đi.
Lúc ấy Xuân Lan cũng đã nghĩ như hai chị, nhưng Xuân Lan đâu dám nói gì, chỉ ngồi nghe và suy nghĩ.
Có những hôm bà Phương đi đánh bài, ông Phương đi làm về, dùng cơm trưa với các con, rồi lên lầu nằm nghỉ. Lúc ấy Xuân Lan vội vã lên lầu chờ cha sai khiến. Ông Phương nhân dịp này khuyên nhủ Xuân Lan, hỏi nó có cần gì không, nó nói không cần gì hết. Có lần ông Phương cho nó tiền, dặn nó cất để ăn vặt, nó lại đem mua thật nhiều chỉ thêu, và Ngọc Hương trông thấy hỏi tiền đâu nó mua, nó ấp úng không trả lời được, liền bị bà Phương nghi là nó ăn cắp tiền của bà. Đến khi nó nói thật ông Phương cho nó thì nó đã chứng kiến một tấn biết kịch gia đình. Bà Phương đã gây gổ với chồng, khóc lóc than thở tại sao cũng con, lại đứa thương đứa ghét, tạo nên cảnh ganh tị giữa các con thì bà làm sao dạy dỗ con cái được. Sau đó, khi nào ông Phương cho Xuân Lan tiền, nó không dám mua sắm gì hết, cất kỹ trong ngăn quần áo. Nhờ vậy mà bây giờ nó đã có một số tiền là ba nghìn đồng, trong khi Ngọc Hương không để dành được đồng nào. Với số tiền ấy, Xuân Lan có ý định sẽ cho chị Mai Lan khi nào nó được đi thăm chị nó một mình ...Nhưng cơ hội ấy làm sao đến với nó được? Lúc nào nó đi thăm Mai Lan cũng là đi với mẹ. Dường như bà Phương không muốn cho chị em nó tâm sự điều gì.
Mỗi lần Xuân Lan qua chơi thì Quỳnh Như mừng lắm. Nó đi lấy bánh, lấy kẹo hay đem trái cây ra mời Xuân Lan, và hai chị em chuyện trò thật là vui vẻ.
Không khí của gia đình Quỳnh Như sao mà êm đềm, hạnh phúc quá!
Quỳnh Như ở riêng một phòng, trong phòng có một cái tủ lạnh nhỏ, dọn dẹp thật là gọn gàng, ngăn nắp. Bà Lãng tuy nhà giàu nhưng bà làm việc suốt ngày, hết may vá đến nấu nướng. Trong nhà không có tiếng la rầy chửi bới.
Xuân Lan thường nói:
– Bên nhà tao ồn ào lắm.
Quỳnh Như nói:
– Tại mày đông chị em. Đông chị em cũng thích lắm chứ. Tao chỉ có một người anh, đôi khi cả, thấy buồn làm sao ấy. Mày rảnh qua đây chơi với tao nghe.
Quỳnh Như được dạy dỗ tử tế nên ít khi hỏi chuyện gia đình Xuân Lan, nhưng Xuân Lan như cần có người tâm sự nên đôi khi đã than thở với bạn bè về những chuyện bực mình xảy ra giữa chị em, anh em trong nhà. Quỳnh Như liền an ủi:
– Nhà đông người thì làm sao tránh được việc ấy. Tao có một người dì, chị của mẹ tao, đông con lắm, đến chín người. Vì vậy trong nhà lúc nào cũng ồn ào, có chuyện cãi vã. Dượng tao làm công chức, lương ít, nhà cửa lại chật hẹp nên khó mà yên vui được. Dì tao khổ lắm. Mày thấy đó, mỗi người một cảnh. Mẹ tao thấy dì tao đông con, nên tỏ ý muốn nuôi bớt cho dì tao vài người, mẹ tao đã nói thật khéo, vậy mà dì tao không chịu. Dượng tao vì tự ái lại giận mẹ tao ỷ giàu.
Hôm ấy chuyện trò với Quỳnh Như xong, Xuân Lan về đến nhà đã gần mười giờ. Bà Phương không còn xem ti vi nữa, thấy Xuân Lan ở ngoài bước vào, liền nạt lớn:
– Mày đi đâu giờ này mới về? Con gái gì mà hư quá vậy?
Xuân Lan sợ hãi nói:
– Con qua nhà Quỳnh Như.
– Qua để ngồi lê đôi mách phải không? Tao cấm mày từ nay không được qua nhà hàng xóm. Mày đem chuyện nhà này nói cho người ta biết chứ gì? Thôi đích thị là mày rồi, vì vậy người ta mới biết chuyện gia đình mình, người ta mới biết tao đi đánh bạc, tao thiếu nợ, con gái tao đi tu. Nó đi tu là tại nó ngoan đạo chứ đâu phải nó có chuyện buồn, cũng đâu phải cha mày không thương nó. Vậy mà thiên hạ đồn đãi nào cảnh cha ghẻ, con riêng nên chị mày buồn phải đi tu ...Còn tao, tao buồn, tao đi đánh bạc, tiền tao tao đánh, tao có xin ai đâu?
Bà Phương cố ý nói lớn cho hàng xóm nghe để nhắc khéo họ, nhưng lúc ấy, nhà nào cũng mải mê xem ti vi, có ai để ý đến chuyện riêng của gia đình bà làm gì. Người ta ngán bà lắm, ngán vì gia đình bà ồn ào nhất, giờ nào cũng có tiếng la hét, rầy rà ...mà toàn là cái giọng the thé của bà.
Có người nói bà Phương là người chuyên kể chuyện cho cả xóm nghe. Bà đi vắng thì thôi, bà về đến nhà là cả xóm biết liền. Bà dậy sớm là cả xóm không ai ngủ được với bà. Bà thức khuya, cả xóm cũng thức theo bà.
Xuân Lan lặng lẽ đi về phòng, bà Phương đi theo vào phòng nó và chửi cho một hồi nữa mới chịu đi lên lầu. Ông Phương khuyên bà:
– Con nó lại nhà bà Lãnh thì có sao. Gia đình ấy có học, Quỳnh Như nết na, con mình chơi với nó rất hay. Huống chi hai đứa nó sắp đi học chung ở Gia Long.
Thế là ông Phương đã chăm ngòi cho bà Phương la hét trở lại. Bà la hét om sòm, nào hở một tí là ông bênh vực Xuân Lan, khiến Xuân Lan hôm ấy có ngay cảm tưởng nó không phải là con của bà. Con bé khôn sớm hơn các chị.
– Ông giấu tiền cho nó, ông chờ tôi đi khỏi là kêu nó lên lầu để dạy riêng.
Ông làm như vậy, các con ganh tị. Ông không muốn để cho gia đình này yên mà. Ông giết tôi.
Rồi bà bù lu bù loa khóc. Lúc bà la hét, ông Phương đã khóa chặt cửa lại, để người ta không nghe được những lời bà nói. Nhưng bà Phương chỉ nói úp mở.
Xuân Lan dù khôn cũng không thể hiểu được cái biết kịch của gia đình.
Đêm ấy là đêm đầu tiên Xuân Lan khóc vì tủi cho thân thế của mình. Liên Hương thấy nó khóc liền hỏi:
– Bây giờ mày không chịu ngư, mày khóc phải không? Mày muốn tao mách mẹ à? Mẹ rày không phải sao? Con gái gì mà hễ tối đến là đi qua nhà hàng xóm, đem chuyện nhà ra cho họ biết.
Xuân Lan thút thít:
– Em đâu có nói.
Ngọc Hương bênh em:
– Mẹ đã rầy nó, chị còn la nó thêm nữa, chị ác lắm.
Liên Hương hỏi:
– Mày biết gì? Đừng bênh vực nó, một mình cha bênh nó đủ rồi. Tao không hiểu tại sao cha thương nó hơn tụi mình. Tao tức lắm.
Ngọc Hương nói:
– Chị nói y như giọng của mẹ. Cha muốn thương ai thì thương, đó là quyền của cha. Tại sao cha thương anh Trọng Tài, em Trọng Nghĩa thì chị không nói?
Liên Hương nạt em:
– Mày còn nói nữa, tao lên thưa mẹ cho mà xem.
Ngọc Hương làm thịnh. Xuân Lan nói:
– Chị đừng bênh em, chị Liên Hương lại rầy em, tội nghiệp lắm.
Ngọc Hương nói:
– Thôi, mày đi ngủ đi, đừng khóc nữa. Tao thương mày lắm. Tao không hiểu tại sao mẹ lại cấm không cho chị em mình chơi với bạn bè hay qua nhà bạn bè để nói chuyện. Thật tao không hiểu.
Liên Hương nói:
– Mẹ sợ tụi bây bép xép, tụi bây hiểu chưa? Cái miệng của tụi bây vừa gì.
Tụi bây không bép xép thì làm sao người ta biết mẹ đi đánh bài, chị Mai Lan đi tu.
Ngọc Hương nói:
– Nói vậy mà cũng nói. Mỗi lần mẹ đi đánh bài về, mẹ mà ăn là khoe ầm lên, cho đứa này tiền, đứa khác tiền, gọi hàng gánh vào ăn và cười giòn, còn thua thì về đến nơi rầy la hết đứa này đến đứa nọ và nói rằng tao thua, tụi bây liệu lấy.
Mẹ la như vậy ngoài đầu ngõ người ta còn nghe được chứ đừng nói nhà bên cạnh. Còn chị Mai Lan đi tu là do mẹ khóc kể lễ, mẹ bảo tại cha, tại cha mà ra, người ta nghe rõ hết. Chị còn là gì cái bà ở trước nhà, vợ chồng, con cái bà ta tò mò lắm, chuyện nhà ai cũng muốn biết để đi nói với người khác.
Liên Hương thở dài:
– Nhưng mẹ đâu chịu hiểu như vậy. Tao bực mình quá rồi. Không khéo tao cũng đi tu như chị Mai Lan cho mà xem.
Xuân Lan nói:
– Chị đừng nói vậy ...Chị đi tu mẹ buồn lắm và tụi em ở nhà phải khổ.
Tuần sau, ông Phương được nghỉ phép bảy ngày, liền tổ chức cho gia đình đi Vũng Tàu đổi gió. Bà Phương tình yêu đi mua sắm áo quần và mọi thứ cần dùng. Xuân Lan không thấy bà tỏ ý cho nó đi theo, nó biết thân phận nó là phải ở nhà trông nhà nên không lăng xăng hay mừng rỡ như các anh chị em khác.
Ngọc Hương nói với Xuân Lan:
– Lần này đi Vũng Tàu chắc mẹ cho mày đi. Mày thích chứ?
Xuân Lan buồn bã nói:
– Biết mẹ cho em đi không? Em đi, ai ở nhà trông nhà?
Ngọc Hương nhún vai:
– Đó chẳng qua là cái cớ để mẹ bắt mày ở nhà, chứ chị bếp trong nhà không được sao? Chị ấy là người đáng tin cậy, mẹ biết lai lịch của chị ấy, đâu có gì phải giữ. Để tao nhắc mẹ mới được, lần này phải thưởng cho mày vì mày thi đậu.
Xuân Lan hỏi:
– Đi Vũng Tàu vui không chị?
– Sao không vui? Ở dưới đó có núi, có biển, đi tắm biển thích lắm. Lần này mà mày được đi, tao dạy mày bơi.
Ngọc Hương nói xong chạy đi tìm mẹ, trong khi Xuân Lan chứa chan hy vọng. Khi buồn cũng như lúc vui Xuân Lan chỉ biết khoe với chị bếp:
– Chị ơi, không biết chừng em được đi Vũng Tàu ...
– Ai nói?
– Chị Ngọc Hương.
– Nhưng bà có chịu không?
– Chị Ngọc Hương nói, mẹ sẽ chẳng cho để thưởng em thi đậu.
Chị bếp không dám làm rượu tuyệt vọng nên nói:
– Chắc lần này bà cho em đi vì em thi đậu, nhưng em phải xin riêng ông. Lựa lúc không có bà ở nhà, em thưa với ông nhé. Ông sẽ nói với bà và bà không từ chối được.
Xuân Lan đã nghe lời chị bếp, nên sau đó, nhân dịp bà Phương đi vắng, Xuân Lan thủ thỉ với cha:
– Lần này cho con đi Vũng Tàu với nghe ba?
Ông Phương nói:
– Ừ để ba bàn với mẹ con.
– Mẹ không cho thì sao?
– Thì ba xin. À, gần ngày tựư trường rồi, con có cần tiền mua sắm gì không?
Đây, ba cho con một nghìn đồng ...
Xuân Lan nhận tiền nhưng không dám mua sắm gì hết.
Ngày đi Vũng Tàu gần đến. Mấy chị, mấy em của Xuân Lan đều có áo tắm.
Xuân Lan không nghe mẹ nói gì cả, nhưng không dám hỏi. Trong bữa cơm chiều hôm ấy, Ngọc Hương khơi đầu câu chuyện:
– Lần này mẹ cho em Xuân Lan đi chơi với tụi con ...
Ông Phương nói ngay:
– Dĩ nhiên là như vậy, để thưởng em con thi đậu vào đệ nhất.
Bà Phương liền nói:
– Nhưng không dĩ nhiên thì sao? Nó đi thì ai ở nhà trông chừng nhà với chị bếp?
Ông Phương nói:
– Một mình chị bếp được rồi. Nếu cần thì để Ngọc Hương hay Liên Hương ở nhà.
Bà Phương nói:
– Không được. Hai đứa ấy thường đau yếu, phải cho chúng đi đổi gió.
– Xuân Lan chưa biết Vũng Tàu.
– Lần khác sẽ cho nó đi.
Chưa bao giờ ông Phương tỏ ra cứng rắn như lần ấy. Bà Phương chưa kịp trả lời thì Ngọc Hương nói:
– Mẹ phải cho em Xuân Lan đi với tụi con ...
Bà Phương lườm Ngọc Hương:
– Tại sao lại phải? Tao không cho thì ai làm gì tao?
Trọng Tài vốn ít khi chen vô chuyện cha mẹ, lần ấy nói:
– Xuân Lan đáng được thưởng ...
Trọng Nghĩa nói:
– Mẹ cho chị Lan đi với tụi con đi. Để chị ấy ở nhà tội nghiệp.
Chị bếp đứng hầu cơm, nghe Trọng Nghĩa nói liền xen vào:
– Cậu Nghĩa biết thương chị quá. Chắc bà không nỡ lòng nào ...
Bà Phương đành nói:
– Thôi được rồi, lần này cho Xuân Lan đi, nhưng mày đi mượn áo tắm đi, tao chưa sắm cho mày vì tưởng mày ở nhà. Gấp rồi, sắm không kịp nữa.
Ông Phương trách:
– Bà tệ thật, một chiếc áo tắm cho con mà cũng không sắm được ...
Xuân Lan nói:
– Con không tắm đâu, con đi cho biết biển thôi.
Bà Phương liền nói:
– Không tắm thì ở nhà.
Ngọc Hương đề nghị:
– Thôi được rồi Xuân Lan ơi! Để tao qua nhà con Mai, mượn cho mày chiếc áo tắm. Con Mai bằng mày, không cao hơn và cũng không mập hơn.
Liên Hương nói; – Khỏi đi mượn của ai hết, để đó tao soạn chiếc áo tắm cũ, tao mặc có một hai lần.
Xuân Lan nói:
– Thôi được rồi, chị cho em chiếc áo cũ đó, em tập tắm với mấy chị. Nhưng người ta đông, mắc cỡ lắm.
Bà Phương nguýt Xuân Lan và nói một câu khiến Ngọc Hương để ý ngay:
– Con này giống con Mai Lan như đúc. Muốn cái gì thì làm bộ nói không muốn.
Vì vậy Ngọc Hương liền hỏi:
– Sao em Xuân Lan lại giống chị Mai Lan? Chị ấy khác cha với tụi con mà!
Bà Phương nói:
– Khác cha thì giống mẹ. Con Mai Lan giống tao, Xuân Lan cũng giống tao, có được không?
Ngọc Hương cãi:
– Em xuống Xuân Lan không giống chị Mai Lan. Chị Mai Lan giống mẹ, còn Xuân Lan giống cha. Tụi con đều giống mẹ, chị Liên Hương, em Thiên Hương và con đều có khuôn mặt dài. Cả anh Tài, Nghĩa cũng giống mẹ.
Bà Phương rầy:
– Mày hay nói lộn xộn lắm. Trẻ con biết gì?
Ngọc Hương không chịu thua:
– Mà lạ lắm, tại sao mẹ không đặt cho em Xuân Lan cái tên như chị em con.
Liên Hương, Mai Hương, Ngọc Hương, Thiên Hương, thì Xuân Lan là Vân Hương, hay Tuyết Hương chứ. Tại sao lại có hai tên Lan, Mai Lan, Xuân Lan.
Mai Hương rầy em:
– Con bé này tò mò, lý sự thật đáng ghét. Nên để nó ở nhà cho bõ ghét.
Bà Phương nói khỏa lấp:
– Con nói phải, con này nên cho nó ở nhà một chuyến để biết thân. Nó làm như nó tốt lắm.
Ông Phương nói:
– Chị em thì phải thương yêu, bênh vực nhau, Ngọc Hương đáng khen lắm.
Để ba sẽ thưởng cho con ...
Bà Phương nhìn ông Phương với đôi mắt giận dữ:
– Ai bênh con Xuân Lan ông vừa ý lắm.
Ông Phương nói:
– Cũng là con, không nên có đứa thương đứa ghét.
Bà Phương hỏi:
– Đứa nào thương, đứa nào ghét? Với Mai Lan, ông tử tế lắm? Phải chi ông tử tế đàng hoàng thì nó đã không bỏ nhà tu ...
Ông Phương lườm bà:
– Bà nói gì lạ vậy? Tôi có đối xử ...
Bà Phương không để ông nói hết lời, nạt lớn:
– Thôi, đừng nói nữa! trước mặt con cái ...
– Ai nói? Bà hay tôi?
Bà Phương bỏ đũa đứng dậy, đôi mắt rưng rưng, bữa cơm đang vui bỗng buồn tủi. Ông Phương cũng đứng lên theo. Liên Hương thở dài:
– Cũng chuyện con Xuân Lan. Cái con này là đầu dây mối nhợ cho tất cả chuyện bất hòa ở gia đình này.
Mai Hương nói:
– Khổ quá! Mày thấy mẹ khóc không, con bé kia?
Xuân Lan nói:
– Em đâu dám nói gì.
Ngọc Hương nói:
– Đâu phải lỗi tại nó.
Mai Hương nạt:
– Thì lỗi tại mày vậy.
Chị bếp liền can:
– Ông bà đã giận rồi, các cô đừng cãi lộn nữa.
Xuân Lan cũng đứng lên, đi xuống bếp ngồi khóc. Nó không hiểu tại sao mẹ nó lại ghét bỏ nó như vậy ...Tại sao mẹ nó lại bảo tại cha nó không tử tế, đàng hoàng, nên chị Mai Lan mới đi tu. Không tử tế còn có nghĩa, vì cha ghẻ, mẹ ghẻ thường là như thế. Nhưng tại sao lại không đàng hoàng? Xuân Lan đánh dấu hỏi mà không trả lời được ...
Khi chị bếp dọn mâm cơm xuống, Xuân Lan than:
– Buồn quá chị ơi! Kiểu này thì tôi không thích đi đâu hết. Tôi ở nhà chơi với Quỳnh Như còn vui hơn.
Chị bếp nói:
– Buồn thật ...Bà độ này làm sao ấy. Kiểu này không khéo ông buồn lại bỏ đi chơi, chỉ khổ cho các cô, các cậu. Và em lúc ấy cũng khó mà yên thân được.
Xuân Lan buồn bã chưa biết nói gì thì chị bếp như nhớ ra điều gì.
– À, trường Gia Long có ký túc xa không em nhỉ?
Xuân Lan nhìn chị bếp rồi trả lời:
– Hồi trước thì có, bây giờ dẹp rồi ...Mà chị hỏi làm chi vậy?
– Chị nghĩ nếu còn ký túc xá, em xin ông vô ở nội trú là yên. Tuần trước, chị đi thăm cô Mai Lan, cô ấy ngỏ ý nên cho em vào ở nội trú trong cái trường gì ở gần nhà thờ Tân Định ...
Xuân Lan lắc đầu:
– Không, em không thích ở nội trú, buồn lắm. Em sẽ nhớ nhà.
– Lúc đầu thì vậy nhưng sau em sẽ quen ...
– Tại sao chị Mai Lan cứ lo cho em hoài vậy chị?
– Thì chị ấy yêu em.
– Em cũng là em như các em khác.
Chị bếp lúng túng một hồi rồi nói:
– Bởi vì em ở đây không được mọi người thương ...
Nhưng lần ấy Xuân Lan được đi nghỉ mát với cha mẹ. Bà Phương không bằng lòng lắm, bà vẫn gắt gỏng với Xuân Lan, nhưng khi ra đến Vũng Tàu, gặp bạn bè rủ đậu chến, gầy sòng, bà để mặc Xuân Lan vui đùa với các em, các chị ngoài bãi biển với sự trông nom của ông Phương.
Nhờ vậy Xuân Lan đã sống những ngày thật vui, thật đẹp. Nó có dịp đi dạo trên bãi biển chuyện trò với cha. Nó có dịp hỏi Liên Hương, người chị lớn trong nhà, về người chị khác cha đã khoác áo dì phước.
Liên Hương dặn nó; – Chị ấy đi tu rồi, đừng nói đến chị ấy nữa. Đừng gọi chị ấy bằng Mai Lan mà nên gọi là dì Hélène.
– Tại sao vậy?
– Khi đi tu thì phải khai tử cái tên ngoài đời, lấy tên Thánh.
– Nhưng gọi như vậy thấy kỳ làm sao ấy.
– Đâu có gì mà kỳ.
Đột ngột, Xuân Lan hỏi chị:
– Chị có thương chị Mai Lan không?
Liên Hương nói:
– Lúc chị ấy ở nhà, mẹ đỡ lắm.
– Đỡ lắm là sao?
– Con này hỏi gì cũng hỏi đến nơi đến chốn! Mẹ không làm gì hết. Việc nhà đã có chị ấy. Chị ấy nấu nướng, may vá. Mẹ có thể đi chơi, đi về quê thăm ông bà ngoại. Lúc ấy tao được mẹ dắt theo, thích ghê đi.
– Còn bây giờ?
– Thì khi chị ấy đi tu, nhà buồn lắm, nhất là cha và mẹ. Hai người cãi vả hoài.
– Sao cha mẹ không cho chị ấy cùng đi nghỉ mát với mình?
– Mày ngu, đi nghỉ mát sao được? Chị ấy đã đi tu.
Xuân Lan chỉ một ông cố đạo đang đi dạo trên bãi biển và nói:
– Chứ cái ông linh mục kia đi dạo trên bãi biển đó thì sao? Có ai cấm ông ta đâu?
– Vị linh mục ấy đã tu xong rồi, còn chị mình đang trong thời kỳ thử thách.
– Thời kỳ thử thách, nghĩa là sao hả chị?
– Nghĩa là chị ấy chưa tu xong. Trong thời gian thử thách này, nếu chị Mai Lan quyết tâm tu thì chị sẽ khoác áo Soeur, còn như không chịu nổi kham khổ thì có thể trở về với đời.
– Vậy tại sao chị em mình không rủ chị ấy trở về sống với tụi mình?
– Đừng nói bậy. Nhà nào có người đi tu đắc đạo là nhà ấy có phúc lắm đó.
– Có phúc sao cha lại buồn, mẹ lại khổ? Có phúc cho ai? Em không tin đâu, chị ạ.
– Cái con bé này, mày hỏi lôi thôi mãi, tao bực ghê đi.
– Cái gì em không hiểu thì chị cho em hỏi với chứ. Nhà có người đi tu là có phúc, thì tại sao chị Mai Lan đi tu mẹ lại không vui?
– Chuyện có phúc hay không là chuyện mai sau, còn bây giờ mẹ mất một cánh tay. Có chị ấy ở nhà, chị ấy may vá, dọn dẹp, lo việc bếp núc. Như vậy có phải là mẹ đỡ tình yêu không? Mày còn nhỏ nên không biết. Chứ khi chị Mai Lan ở nhà, mỗi khi có tiệc tùng, chị ấy lo hết, mẹ khỏe hết sức.
Xuân Lan cũng có dịp để tâm sự với cha. Ông Phương hỏi nó:
– Con muốn vào ở ký túc xá không?
Xuân Lan lắc đầu:
– Con không muốn sống xa nhà. Mà tại sao ba hỏi con như vậy?
– Ba sợ con ở nhà không có thì giờ để học. Con phải lo làm bếp, đi chợ, còn thì giờ đâu mà làm bài? Ở ký túc xá, chỉ lo mỗi việc học , con có thể học giỏi.
Ba rất lo cho tương lai của con.
Xuân Lan nghĩ ngợi rồi nói:
– Con không muốn ở ký túc xá. Hôm nọ, chị bếp có cho con biết là chị Mai Lan cũng có ý muốn cho con vào ký túc xá. Nhưng chị ấy đâu có quyền, phải không ba? Đối với con, chị ấy chỉ là chị cùng mẹ khác cha.
– Chị ấy vẫn có quyền, vì là chị của con. Tuy không cùng cha, nhưng là một mẹ.
Xuân Lan liền nói:
– Con nghe nói một khi đã đi tu rồi thì không được phép nghĩ tới chuyện ngoài đời nữa.
– Đúng rồi, nhưng có thể góp ý kiến.
Xuân Lan thở dài:
– Ý kiến của chị Mai Lan thì mẹ có xem ra gì! Thưa ba, con nói như vậy không phải con có ý muốn ở ký túc xá đâu. Con thích ở nhà hơn ...Ở nhà có ba, có các chị, các em.
Ông Phương doi dự một chút rồi nói:
– Rồi đây con sẽ lớn khôn. Con sẽ hiểu. Ba thấy không khí này không thích hợp với con nữa. Để ba bàn với mẹ con cho con vào ký túc xá. Nhưng con đừng đem chuyện này nói cho các chị con nghe.
Xuân Lan đã suy nghĩ nhiều về ý kiến của cha ...
Sau chuyến đi nghỉ mát ấy, cũng gần đến ngày nhập học, Xuân Lan lo mua sắm sách vở với tiền dành dụm và tiền của ba cho. Cũng may cho Xuân Lan là tuần ấy bà Phương chơi bài thường thắng. Lần nào bà về đến nhà, mặt mầy cũng vui vẻ. Bà cho Xuân Lan tiền và hơi:
– Con sắp tựu trường rồi phải không? Đây, mẹ cho con tiền để mua sách vở.
Có khi bà nhìn Xuân Lan với đôi mắt thật âu yếm:
– Mày ngó vậy mà có phúc đấy ...
Nhưng một hôm, không biết bà Phương gặp chuyện gì không may, về đến nhà là rầy la ầm ĩ. Chị bếp cũng bị rầy như tát nước vào mặt. Vì vậy, bữa cơm hôm ấy không vui chút nào. Ông Phương can bà:
– Việc gì thì phải dẹp lại đã. Ăn uống xong hãy rầy la.
Bà Phương nói:
– Tôi bực mình mấy đứa con quá!
Ông Phương nhìn các con:
– Các con làm gì để mẹ tức giận như vậy? Làm biếng học phải không?
Bà Phương nói:
– Ông đâu có để ý đến con cái. Một mình tôi lo, muốn hụt hơi.
Ông Phương nói, giọng mỉa mai:
– Bà lo nhiều quá, hèn chi xanh xao, ốm yếu. Lo cho con hay lo cho mấy ông tướng?
Bà Phương làm thinh thì ông Phương nói:
– Con đông cũng mệt. Ai biểu bà để chúng nó ở nhà hết làm chi. Người ta có con đông thường đem gởi bớt ở ký túc xá. Trong ấy, người ta dạy dỗ tập tành nó nên người.
Bà Phương nói:
– Hồi đó, tôi bàn cho con Mai Lan vào ở ký túc xá, ông không chịu.
– Hồi đó bà còn ít con ...
– Vậy bây giờ ông tính gởi đứa nào, nói tôi nghe đi.
Ông Phương chưa kịp nói thì Ngọc Hương la lên:
– Con không thích ở ký túc xá đâu. Con bạn con ở nội trú, mỗi chủ nhật về nó kể nhiều chuyện nghe mà phát chán.
Liên Hương nói:
– Con cũng không thích ở ký túc xá. Nhà mình rộng rãi thế này, việc gì không ở? Phải chi mình ở dưới quê ...
Bà Phương nói:
– Tụi bây ai cho ở ký túc xá? Tiền đâu mà ở? Mỗi tháng mỗi đứa năm sáu nghìn, chứ ít ỏi sau?
Ông Phương nói:
– Tôi thấy con Xuân Lan cứ làm bà giận hoài, có lẽ nó không hạp tuổi bà.
Vậy tốt hơn nên cho nó vào ở trong ký túc xá.
Xuân Lan nói:
– Con không ở đâu. Con không muốn sống cha mẹ, các chị, các em.
Ông Phương rầy Xuân Lan:
– Các con biết gì? Việc người lớn xếp đặt, các con chỉ biết vâng lời.
Bà Phương cười lạt:
– Ông muốn con Xuân Lan ở ký túc xá à? Vậy thì hãy gởi nó lên Đà Lạt, ở với cô con Mai Lan vậy.
Ông Phương nói:
– Cho nó nội trú ở trường Thanh Quan.
Bà Phương nói, giọng cương quyết:
– Không được, bộ ông sợ nó ở nhà, học không được chứ gì? Tôi có sai gì nó đâu, công việc nhà đã có chị bếp, mấy chị nó tôi còn không sai nữa là nó.
– Bà không hiểu ý tôi. Tôi thấy nó ở nhà không hạp.
– Thôi, ông đừng nói nữa. Hạp hay không kệ tôi, không việc gì đến ông. Con tôi, tôi để để nhà, bỏ vào ký túc xá, tôi nhớ chúng nó chịu không nổi. Nếu ông không thích cho con Xuân Lan ở đây, thì tôi đưa nó lên Đà Lạt ở với cô con Mai Lan, như vậy là ông hết nói.
Tối hôm ấy, Xuân Lan hỏi Liên Hương:
– Cô của chị Mai Lan đâu phải cô của tụi mình, phải không chị?
– Cô là chị cha. Mà chị ấy và mình khác cha thì cô chị ấy đâu phải cô của mình.
Xuân Lan nói:
– Em cũng nghĩ như vậy. Cô của chị Mai Lan là ai vậy chị?
– Tao đâu biết. Hồi chị Mai Lan còn ở ngoài đời, thỉnh thoảng chị ấy lên Đà Lạt chơi vài tuần rồi về. Có lần chị lên trên ấy ở sáu bảy tháng. Tao còn nhớ kỳ, mẹ lên ở với chị cả hai ba tháng và mẹ sanh mày trên ấy ...Rồi sao đó, chị Mai Lan đi tu. Mà Xuân Lan à, mày hỏi làm gì? Mày hỏi tao chứ mày hỏi mẹ thì mày đã bị ngay một trận đòn rồi ...
Xuân Lan làm thinh, thở dài và vài phút sau lại hỏi:
– Cô của chị Mai Lan tên gì vậy chị?
– Tao đã nói không biết ...
Xuân Lan nghĩ:
– Mình phải hỏi chị bếp mới được. Chỉ có chị bếp mới biết.
Ngày hôm sau, nhân ông Phương đi làm, bà Phương đi chơi bài, mấy chị em đều đi học, Xuân Lan ở nhà phụ chị bếp liền hỏi:
– Chị à, cô của chị Mai Lan ở trên Đà Lạt phải không?
Chị bếp ngạc nhiên, nhìn Xuân Lan và hỏi:
– Sao em biết?
– Em nghe mẹ nói.
– Mẹ nói hồi nào?
Xuân Lan kể sơ cho chị bếp nghe, chị thở dài và nghĩ:
“Bà này hễ giận là nói toạc ra hết. Có ngày con bé này cũng biết.”.
Chị bếp liền nói:
– Chị Mai Lan của em có một người cô ruột ở trên Đà Lạt là bà Thưởng, góa chồng, làm chủ một đồn điền trà.
– Có phải trước khi đi tu, chị Mai Lan lên ở với bà Thưởng cả năm, sáu tháng gì đó phải không?
– Ai kể cho em nghe vậy?
– Chị Liên Hương.
– Bà Thưởng thương chị Mai Lan lắm. Khi mẹ em tái giá, bà muốn bắt chị Mai Lan để nuôi, mẹ em không bằng lòng. Vả lại lúc ấy ông Thưởng còn sống, nên mẹ em sợ cảnh dượng- cháu, nên không dám giao chị Mai Lan cho bà.
– Cảnh dượng- cháu là cảnh gì?
Chị bếp biết mình lỡ lời, liền nói:
– Cô là cô ruột, không sao. Nhưng còn dượng thì đâu phải ruột thịt, vì vậy ăn uống tốn kém, dượng không bằng lòng thì sao ...
– Bà Thưởng không có con sao chị?
– Có chứ, nhưng chỉ có hai cậu con trai.
– Hai anh ấy rồi ở đâu?
– Hai cậu ấy đối với chị Mai Lan thuộc về vai em. Lâu rồi chị không nghe nói gì về bà Thưởng nên chị không biết.
– Em với bà Thưởng thì đâu có bà con gì phải không chị? Vậy tại sao mẹ em lại đòi gởi em lên trên ấy?
– Thì hờn giận, mẹ nhớ đến ai, mẹ nói nấy. Mà gởi thì cũng được, có sao đâu.
Bạn bè còn cho con ở trọ đi học được, nữa là chỗ bà con, em chồng trước.
– Ừ nhỉ. Em hay suy nghĩ vẩn vơ quá chị ạ. Em nghe cái gì lạ là bắt suy nghĩ liền, em biết như vậy không tốt phải không chị? Người vô tư mới sung sướng, Quỳnh Như nói với em như vậy đó.
– Phải rồi. Người nào hay suy nghĩ thường khổ sở, cũng như người khôn khéo thường cực thân.
Xuân Lan ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
– Theo ý chị, em có nên lên Đà Lạt ở với cô Thưởng không?
Chị bếp hỏi lại:
– Vậy chứ em có muốn rời khỏi nơi này không?
– Em không muốn chút nào cả, chị ạ. Em ở đây, tuy mẹ không thương em bằng mấy chị, nhưng có ba thương em. Lại nữa, đôi khi em cũng thấy mẹ nhìn em ra vẻ thương hại. Tại sao vậy chị?
– Thương chứ sao lại thương hại? Hết hồi giận, đến hồi thương.
– Ba muốn em ở ký túc xá. Nhưng mẹ không cho, đòi đem em gởi cho co Thưởng, như vậy ba có chịu không?
– Chắc là không.
Chị bếp nghĩ:
“Bà chủ đưa bà Thưởng ra là ông chủ đành dẹp bỏ ý muốn cho Xuân Lan ở ký túc xá. Bà chủ bao giờ cũng cao tay ấn hơn ông chủ. Vì vậy mà chuyện Xuân Lan đi ở ký túc xá đàng phải gác lại.”.
 

Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 334

Return to top