H ành lý đã chuẩn bị hoàn tất, Tiểu Hợp Tử bịn rịn nắm lấy tay Yến Tử nói:
- Các anh chị lại lên đường nữa ư? Sao nhanh thế? Hôm trước nói là sẽ ở lại Nam Dương này một thời gian cơ mà
Nhĩ Khang, Tử Vy, Liễu Hồng, Tử Vy, Tiêu Kiếm đang rà soát lại xem có còn thiếu gì nữa không. Vợ chồng ông Chúc hổ trợ thêm một số chăn nệm. Chúc đại ca tiếc rẻ nói:
- Tôi đã tưởng là quý vị rồi sẽ ở lại đây cả tháng chứ đâu ngờ lại đi nhanh thế này. Tai mắt nhân dân tinh thật, vì vậy trên đường đi, quý vị cần phải cần thận hơn.
Chúc đại tẩu nói:
- Chuyện này la tại mấy bức tranh treo khắp phố kia. Chân dung của các vị mọi người đã biết rõ, nên khó mà qua mắt người được.
Bà nói rồi lấy một túi bạc ra đặt lên tay Tiêu Kiếm.
- Ở đây có một chút, để các vị tiêu vặt trên đường đi.
Vĩnh Kỳ lúng túng nói:
- Vậy là quá lắm, đã nhận chăn nệm, lương thực, quần áo. Bây giờ lấy thêm tiền nữa, thật là không nên, chúng tôi...
Nhưng Tiêu Kiếm đã bỏ tiền vào túi cười nói:
- Ðây là hảo ý của anh chị Chúc, chúng ta không thể không nhận. Vả lại bây giờ chúng ta phải nói là “núi mòn sông cạn” rồi. Chớ nào phải là rủng rỉnh xu con trong túi đâu mà không nhận.
Rồi quay qua vợ chồng Chúc đại ca, chắp tay nói:
- Cảm ơn, xin cảm ơn!
Nhĩ Khang cũng cười nói:
- Đúng ra hôm nay bọn mình phải đi mãi võ hoặc là đoạt giải năm mươi lạng. Không ngờ, tiền chưa vào tay thì danh tánh đã lộ, nên hoàn tay không.
Tử Vy nghe vội hối hận.
- Tại tôi ham giành đáp quá, chứ nếu không chắc chẳng việc gì.
Nhĩ Khang lắc đầu.
- Có mấy câu đối mà nghĩa gì? Lộ là lộ thôi.
Tiêu Kiếm đứng ngẫm nghĩ rồi cười lớn.
- Ha ha! Nghĩ lại tôi thấy đáng phục nhất là Yến Tử, làm sao cô ấy lại nghĩ ra những chiêu kỳ quặc như vậy chứ. Cái câu cuối cùng càng lộn ruột hơn, hoa đối với phân, hương đối với hôi thối, hoa viên thì với đường phố...
Vĩnh Kỳ cũng cười theo.
- Cô em gái của anh quả là kỳ tài, những câu này có lẽ tôi phải cho vào Tuyển tập Hoàn Châu để lưu truyền hậu thế xem.
Mặc mọi người nói, Yến Tử kéo tay Tiểu Hợp Tử đến một gốc nhà, nói:
- Nghe này, Tiểu Hợp Tử em cần phải ngoan. Vâng lời, phải gắng mà học, chị vì lúc nhỏ không được học hành nên mới gặp nhiều chuyện thiệt thòi. Ở Hồi Ức thành mới bị người ta khi dễ, gắng học nhé em!
Tiểu Hợp Tử gật đầu.
- Vâng, vâng em nghe rồi, em sẽ gắng học.
- Vậy thì “quân tử nhất ngôn, bát ngựa nan truy, cộng thêm chín cái lư hương nữa nhé.”
Tiêu Kiếm ngạc nhiên.
- Câu thành ngữ gì mà lạ vậy?
Vĩnh Kỳ nói:
- À... Điển tích của Yến Tử mà, nói gì chẳng được. Thế anh không biết Yến Tử giải thích câu “tam thập nhị lập” (ba mươi tuổi lập thân) là gì không? Yến Tử nói đó là “ba mươi người đứng sắp hàng” đấy!
Tiêu Kiếm nghe vậy cười lớn.
- Như vậy thì cô ấy giải thích câu “tứ thập nhị bất hoặc” (bốn mươi tuổi chẳng nghi hoặc) là gì?
Yến Tử nghe không rõ hỏi:
- “Tứ thập bất hoà” ư? Vậy là nguy to, bốn mươi người đánh lộn là phải long trời lở đất.
Mọi người cười ồ, Nhĩ Khang hỏi thêm.
- Thế “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (năm mươi tuổi đã biết mệnh trời) là gì
- Cái gì? “ngũ thập cá nhi tử (năm mươi đứa con trai) rồi còn “thiên mệnh địa mệnh (mạng trời mạng đất) nữa ư? Vậy thì có nghĩa thế này nhé. Một người có đến năm mươi đứa con như thế thì không phải mạng trời mạng đất gì cả, mà là mạng đế vương, ông ta hẳn có rất nhiều vợ!
Mọi người nghe Yến Tử giải thích mà ôm bụng cười lăn, ngay lúc đó chợt a đầu bước vào, nói với bà Chúc:
- Bẩm bà, có hai người họ muốn vào gặp Phước đại gia, chẳng hiểu có nên cho họ vào hay không?
Mọi người tái mặt Nhĩ Khang nói:
- Các người ở đây, để tôi ra xem là ai.
Nhĩ Khang ra ngoài, mọi người yên lặng, giữ chặt hành lý trong tay. Nhưng ngay lúc đó lại nghe thấy tiếng reo của Nhĩ Khang.
- Tử Vy, em hãy ra ngay xem ai đây này!
Mọi người vội nhìn ra thì thấy Kim Tỏa và Liễu Thanh đầy vẻ phong trần bước vào.
- Kim Tỏa!
- Tiểu thơ!
Kim Tỏa thấy Tử Vy, vội chạy đến ôm chầm lấy chủ.
- Kim Tỏa, bọn này không biết em ở đâu mà tìm!
- Bọn em thì cũng vậy, mấy ký hiệu của cô để lại ít quá nên không tìm thấy, bọn em đã đến Lạc Dương mấy lượt vẫn tìm không ra.
Kim Tỏa nói, Liễu Thanh tiếp lời.
- Vâng, đến độ bọn này định đi thẳng đến Vân Nam xem sao, sau cùng đến Nam Dương này mới nghe mọi người khen ngợi Minh Châu và Hoàn Châu cát cát, biết là hai người còn ở đây.
Yến Tử chen vào.
- Liễu Thanh, có một tin tức sốt dẻo mà tôi muốn báo cho mọi người biết, đó là bây giờ tôi đã có họ có cả ông anh nữa!
Liễu Thanh và Kim Tỏa nhìn nhau, thanh nói:
- À, vậy tôi biết rồi, lại kết nghĩa chứ gì? Xin chúc mừng chúc mừng!
Yến Tử hét:
- Không phải kết nghĩa mà là anh em thật đấy, anh em ruột mà. Còn nữa tôi còn có cả đứa em gái đấy, Tiểu Hợp Tử đó.
Kim Tỏa và Liễu Thanh nhìn nhau.
- Có nghĩa là chúng mình đã bỏ qua nhiều sự việc quan trọng!
Tử Vy nói:
- Còn phải nói, suýt tí nữa thì tôi đã không còn nhìn thấy mọi người. Bây giờ còn nhìn ra là phúc đức lắm đấy, thế còn hai người thì sao?
Liễu Hồng giành nói:
- Liễu Thanh đã tỏ tình với Kim Tỏa, mọi người biết cả rồi còn hỏi.
Giữa lúc mọi người đang vui vẻ, thì a đầu lại chạy vào báo:
- Không xong rồi thái thái ơi, có rất nhiều người đang đứng bên ngoài nhìn vào nhà mình. Chắc có lẽ nhà mình bị bao vây rồi đấy.
Chúc đại ca nghe vậy ra lệnh:
- Mọi người chuẩn bị hành lý rồi đi theo tôi!
Thế là mọi người lục đục vác hành lý đi theo Chúc đại ca ra cửa sau, ở đó có một chiếc xe ngựa đã chờ sẵn. Nhĩ Khang nói.
- Mọi người hãy lên xe nhanh lên, tôi và Tiêu Kiếm sẽ lái xe cho.
Ðang lúc mọi người lần lượt lên xe, thì trong các bụi rậm, các tay thị vệ trong áo dân dã xuất hiện, họ quỳ xuống trước xe hô to:
- Ngũ a ca kiết tường! Hoàn Châu cát cát kiết tường! Tử Vy cát cát kiết tường! Phước đại gia kiết tường!
Ðám Vĩnh Kỳ Nhĩ Khang giật mình, tất cả đều tuốt vũ khí ra cầm tay. Nhưng đám thị vệ lại bất động, một người lại lên tiếng:
- Chủ nhân chúng tôi muốn gặp Phước đại gia!
Nhĩ Khang giật mình:
- Chủ nhân ngươi là ai vậy?
Ngay lúc đó có tiếng nói quen thuộc.
- Nhĩ Khang! Hãy bỏ vũ khí xuống, không được làm tổn thương người của chúng ta.
Nhĩ Khang vội quay lại bất ngờ:
- Cha! Cha! Đến đây từ bao giờ?
Mọi người nghe vậy đều giật mình, ông Phước Luân bước tới xúc động nói:
- Cuối cùng rồi cũng tìm được đông đủ mọi người. Nhĩ Khang này vết thương trên người con thế nào, vạch ra cho cha xem. Còn Tử Vy nữa, mắt đã chữa lành chưa?
Nhĩ Khang kéo Tử Vy quỳ xuống trước mặt ông Phước Luân nghẹn giọng:
- Cha!
Ông Phước Luân cũng rưng rưng nước mắt nhìn con, thấy Khang gần bình thường, Tử Vy cũng đã nhìn thấy lại được nên bớt lo, ông nói:
- Này hai con, cả Yến Tử, Ngũ a ca, ta có thể tìm một nơi nào yên tĩnh để nói chuyện được không?
Chúc đại ca nghe vậy mời:
- Vâng có chứ? Xin mời mọi người hãy vào nhà trước rồi nói chuyện sau.
Và chỉ vài phút sau, ông Phước Luân và bốn người tuổi trẻ đã ở trong một gian phòng ấm cúng để nói chuyện gia đình. Yến Tử sau khi nghe ông Phước Luân nói đã kinh ngạc.
- Cái gì? Hoàng a ma đã tha thứ cho bọn tôi, không muốn chém đầu bọn này nữa? Thật không, hay đây chỉ là một trò lừa gạt để rồi bắt bọn này về chém đầu.
- Khônng có chuyện đó đâu.
Ông Phước Luân nói:
- Chẳng lẽ cả tôi mà cát cát cũng không tin, chuyện đó hoàng thượng đã đích thân nói với tôi mà. Ông ấy không còn trách, ông ấy bảo còn chuyện Hương phi đã qua rồi không truy cứu nữa làm gì. Khi nghe báo cáo là các người... có người thì bị thương, người bị mù. Người đã thương cảm quá sức, bảo tôi nói lại với Tử Vy. Ở trong cung đình có vô số danh y, sao không về kinh mà điều trị?
Nói xong ông quay qua Tử Vy nói tiếp:
- Trong lần này đi ta có mang theo cả thái y đây, nhưng may nhờ trời nên tất cả đều đã bình phục.
Tử Vy nghe vậy vô cùng áy náy.
- Thật bọn con vô cùng có lỗi với Hoàng a ma để người quá đa đoan mà phải quan tâm. Bọn con cũng không ngờ chuyện mình bị thương mà ở trong cung cũng biết. Nhưng bây giờ tất cả đã thoát hiểm, dữ ít lành nhiều, mọi chuyện nguy hiểm đều qua cả.
Ông Phước Luân gật gù.
- Đúng đấy, đúng đấy. Lúc đầu ta nghe Kim Tỏa rơi xuống vực tưởng nó chết rồi, bây giờ lại thấy nó vẫn lành lặn, rất hay. Các ngươi quả là số lớn khó chết được, điều đó khiến ta vô cùng cảm động. Giờ thì mọi gian truân đã qua, sau cơn mưa trời lại sáng. Ngũ a ca, Nhĩ Khang! Hoàng thượng lúc nào cũng đối xử tốt với hai người. Vì có thế nào, thì mọi người cũng là con ruột, còn một lại là thần tử thân tín, bỏ làm sao được! Riêng Yến Tử và Tử Vy, hoàng thượng chỉ nói, từ ngày hai người bỏ đi đến nay, Thấu Phương Trai vẫn bỏ trống chờ hai người quay về.
Tử Vy, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ, Yến Tử vô cùng cảm động, nhưng vẫn thắc mắc. Nhĩ Khang hỏi:
- Cha bảo là hoàng thượng đã tha thứ cho bọn con bỏ qua chuyện Hàm Hương nữa?
- Đúng, kể cả chuyện cướp tù, ông ấy còn bảo tất cả những sự việc đó phải xem như “chuyện nội bộ gia đình”. Bây giờ chuyện qua rồi, phải giữ hòa khí vui vẻ trong nhà, Hiện cha thấy thì hoàng thượng rất nhớ các con, người rất muốn các con quay về.
Vĩnh Kỳ nghe rơm rớm nước mắt nói:
- Hoàng a ma đúng là người tôi hằng ngưỡng mộ, tôi đã bảo người là người cha nhân từ mà!
Nhĩ Khang vẫn thắc mắc:
- Thế tại sao... tại sao những kẻ truy sát chúng ta cứ một mực bảo là bằng mọi giá phải lấy thủ cấp chúng ta, giết không khoan dung lệnh của vua là thế. Họ chẳng nương tay với chúng con chút nào, chính vì vậy mà bọn con mới bị thương đầy người thế này.
Rồi Nhĩ Khang suy nghĩ sau cùng như ngộ ra nói:
- Thế này thì bọn ta đã trúng kế ly gián của họ rồi, tại sao con không nghĩ ra chứ. Lý đại nhân tuy dùng lưới chụp Yến Tử, dùng xe bắt cóc Tử Vy... nhưng tất cả chỉ vì mục đích duy nhất là bắt sống mang về, còn bọn sát thủ ở ngoại ô thành Lạc Dương, chắc chắn không phải là người của Hoàng a ma sai đến rồi.
Vĩnh Kỳ nghĩ ngợi rồi nói:
- Ngươi nói có lý đấy ta cảm thấy cái tên sát thủ gầy gầy kia nó có khuôn mặt khá quen thuộc, hình như ta đã gặp hắn ở đâu rồi thì phải.
Nhĩ Khang chợt nhớ ra.
- Đúng rồi, hắn là tên thái giám đã từng lén lén lút lút núp bên ngoài Thấu Phương Trai theo dõi bọn ta, hắn cũng đã mấy lần động thủ với ta, nhớ chưa?
Yến Tử kêu lên:
- Ðúng rồi chính cái tên “ăn trộm” đó! Hắn chứ chẳng phải ai khác cả.
Nhĩ Khang gật gù.
- Như vậy thì đã quá rõ ràng, kẻ thù ở cả trong cung chung ta.
Tử Vy nói:
- Như vậy có nghĩa là... Hoàng a ma chẳng hề phái người đi truy sát ta ư?
Ông Phước Luân nói:
- Cả bốn người đừng nên nghi ngờ gì hoàng thượng cả, vì nghi ngờ là điều không phải. Để ta thố lộ cho các ngươi nghe một bí mật nhé. Lệnh phi nương nương đã cho ta biết có một lần người hỏi hoàng thượng. Cái hôm mà Tử Vy và Yến Tử lên đoạn đầu đài đó, nếu không có chuyện cướp tù thì có phải là cả hai đều mất mạng rồi không? Thì hoàng thượng đáp ngay, cái hôm ấy Bác Hằng đã mang Kim Bài lệnh tiễn đến pháp trường rồi, nếu đến phút cuối cùng mà chẳng có lệnh ân xá thì Bác Hằng sẽ đưa Kim Bài lệnh tiễn ra thì làm sao Tử Vy và Yến Tử chết được. Ta cũng có hỏi qua Bác Hằng, ông ấy đã xác nhận sự việc đó là có thật. Vì vậy, các người cứ tin tưởng đi, hoàng thượng có ào ào la hét vậy, chứ chẳng có một chút nguy hiểm nào đâu.
Yến Tử và Tử Vy nghe vậy vô cùng cảm động.
- Con hiểu rồi, con biết Hoàng a ma là một vị vua nhân từ mà, lại anh minh, chắc chắn là không nỡ giết con!
Vĩnh Kỳ nói:
- Nếu vậy thì bọn này không cần phải trốn lánh gì cả chuyện lưu vong đến dây coi như đã kết thúc?
Ông Phước Luân sốt sắng.
- Vâng, vâng vậy thì mọi người nên thu xếp đi rồi cùng ta quay về cung.
Tử Vy nghe vậy giật mình nhìn Nhĩ Khang, Yến Tử thì nhìn Vĩnh Kỳ phân vân không quyết định.
Nhĩ Khang nói:
- Thưa cha, xin người hãy cho phép con thảo luận với Tử Vy chuyện này xem có nên về cung trong lúc này không?
Ông Phước Luân ngạc nhiên.
- Con nói vậy là sao chẳng lẽ đã được đại xá mà vẫn không quay về nhà à?
Nhĩ Khang giải thích:
- Bẩm cha! Xin người hãy nghĩ lại, Tử Vy sống trong xung nào có vui vẻ gì, hết gặp tai ương này đến tai ương khác. Hiểm nguy lúc nào cũng rình rập, vì vậy trở về cung chẳng khác nào trở về một cái hang cọp, chui vào bể khổ một lần nữa Chi bằng để bọn con được thong dong tự tại bên ngoài có phải là hạnh phúc hơn không?
Yến Tử lập tức tiếp lời:
- Tôi cũng thích sống cuộc sống lang bạt như vầy, trở về cung nội cái chuyện không biết thành ngữ, không giữ khuôn phép cũng là một cái khổ. Tôi lại không biết đọc thơ, cái gì cũng dốt, nên cứ phải bị phạt, còn ở ngoài này mặc sức vẫy vùng, chỉ cần Hoàng a ma không cho người truy xét là chúng tôi sẽ sống thoải mái, vui vẻ... vả lại bây giờ tôi đã có anh ruột rồi, tôi không muốn quay về nữa đâu.
Ông Phước Luân ngạc nhiên.
- Tử Vy! Thế con định thế nào?
Tử Vy thành thật:
- Dạ... anh Nhĩ Khang đã nói đúng điều con nghĩ, ngoài ra vẫn còn một băn khoăn. Ðó là cái hôm ông bà chú con xuất hiện, chính miệng Hoàng a ma đã nói từ rày về sau cấm không được gọi người là “Hoàng a ma” nữa. Điều này làm con thấy vô cùng đau đớn, sẽ không bao giờ con quên điều đó. Bây giờ quay về hoàng cung con sẽ phải xưng hô với hoàng thượng bằng thân phận nào đây?
Ông Phước Luân thấy bất ngờ quay qua Vĩnh Kỳ.
- Thế còn Ngũ a ca, người tính sao đây?
Vĩnh Kỳ quay qua nhìn Yến Tử.
- Tôi với Yến Tử coi như số phận đã dính liền nhau, cô ấy đi tôi đi, cô ấy về tôi về. Tôi đã quyết định như vậy ngay từ khi cướp xe tù. Tất cả những vinh hoa phú quý không còn cần thiết. Tôi sẵn sàng cùng cô ấy đến tận góc bể chân trời.
Ông Phước Luân nhìn mọi người, yên lặng một lúc nói:
- Vấn đề quả là nghiêm trọng nhưng dù gì tôi cũng mong là mọi người suy nghĩ cặn kẽ đi. Các người có cách nhìn riêng của mình, nhưng làm thế nào đừng để hoàng thượng buồn là được. Chẳng lẽ các người để hoàng thượng thất vọng?
Rồi quay qua Nhĩ Khang ông nói:
- Nhĩ Khang, con không chỉ là một thần tử của nhà vua, mà con còn là con của cha mẹ, chẳng lẽ con bỏ cha mẹ được ư?
Nhĩ Khang và Tử Vy nghe vậy bối rối.
- Bẩm cha, xin người hãy để chúng con có thời gian suy nghĩ cặn kẽ, chúng con cần nói chuyện riêng rồi quyết định sau.
Thế là Nhĩ Khang, kéo Tử Vy vào phòng riêng, Vĩnh Kỳ thì đi với Yến Tử để ông Phước Luân đứng lại một mình với bao lo toan trong lòng.
o0o
Vừa vào đến phòng trong, Tử Vy đã nắm lấy tay Nhĩ Khang nói:
- Cảm ơn anh đã hiểu được lòng em, cũng như thông cảm nỗi lo lắng khi phải quay về hoàng cung của em. Anh tốt với em vô cùng, nhưng cái câu nói hôm ấy của Hoàng a ma cứ đè nặng trong lòng em. Có điều lời cha anh nói ban nãy cũng rất quan trọng. Anh chẳng những phải thờ vua, mà còn có cả cha mẹ. Em đã yêu anh chính vì yêu quý đức tánh trung hiếu vẹn toàn đó của anh, vì vậy nếu để anh vì em mà trở thành kẻ bất trung bất hiếu thì thật không phải, là mâu thuẫn lại cả chính mình.
- Nếu vậy ý em là bọn mình phải quay về hoàng cung, đúng không. Và như vậy là phải đối mặt một lần nữa với hoàng thượng, với hoàng hậu, với thái hậu... Phải chấp nhận cuộc chiến đấu mệt mỏi vô nghĩa những ngày như thế em còn chưa thấy khiếp sợ ư?
- Em rất sợ nên em đâu có muốn quay về?
- Nếu em không quay về, thì anh cũng đâu có về đó làm chi.
- Nhưng mà... nhưng mà làm vậy là có tội, anh không thấy làm thế là không phải với cha mẹ anh sao? Trước kia vì bị bức mà ta mới bỏ họ trốn đi, đó là vấn đề sinh tử nên chẳng đặng đừng. Còn bây giờ mọi sự nguy hiểm đã qua rồi, nếu anh mà bất chấp để cùng em rong ruổi nơi chân trời góc bể, thì như vậy mọi người sẽ nói em ra sao? Làm sao em có thể chấp nhận sự việc như vậy được chứ?
Nhĩ Khang nghe vậy cảm động nắm lấy tay Tử Vy.
- Tử Vy, hãy nghe anh nói này, trước kia chúng mình đã nghĩ quá nhiều về mấy chữ “trung hiếu tiết nghĩa” nên nó đã làm bọn mình cứ phải lao đoa, suýt mất cả mạng. Bây giờ anh đã nghĩ lại rồi, phải ích kỷ một chút, phải sống cho mình một ít đi, hãy nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi, bỏ hết tất cả những cái khác qua một bên. Chúng ta cũng nhau đến Ðại Lý đi, nghe nói ở đấy phong cảnh rất hữu tình, khí hậu lại mát mẻ... chúng ta hãy kiến tạo thiên đàng riêng của chính mình. Còn hoàng cung, hoàng thượng, hoàng hậu, thái hậu... hãy cho vào dĩ vãng. Bây giờ anh chỉ còn nghĩ đến em mà thôi.
Tử Vy nói:
- Nhĩ Khang, anh đã vẽ ra trước mắt em một bức tranh thật đẹp. Thôi được, em không nghĩ gì nữa cả, tất cả tùy thuộc vào sự sắp xếp của anh. Cái hoàng cung kia thật ra cũng nào có phải là của em, Hoàng a ma cũng đã phủ nhận mẹ em rồi thì em còn thiết tha đến nó làm gì. Có điều còn một vấn đế đấy là cha mẹ anh nếu làm thế này thì thật là không phải với hai người ấy.
Nhĩ Khang nói:
- Em yên tâm cha mẹ sẽ thông cảm cho chúng mình, bởi vì người biết chẳng bao giờ mất chúng ta, nếu cần anh sẽ giải thích thuyết phục họ.
Tử Vy cảm động.
- Nếu vậy thì em quyết định chúng ta tiếp tục đi về phương Nam đến Đại Lý để kiến tạo thiên đàng của chúng mình.
Nhĩ Khang ôm chầm lấy Tử Vy.
- Em nói đúng, còn hạnh phúc của hai ta nữa.
o0o
Yến Tử và Vĩnh Kỳ cũng có cuộc thảo luận riêng, Yến Tử nói:
- Anh Vĩnh Kỳ, anh phải đứng cùng một chuyến tuyến với em không được quay đầu lại, bởi vì Hồi Ức thành nó chẳng hạp với em. Ở đó chỉ giống như một nhà tù lớn thôi, từ sáng đến tối lúc nào em cũng bị chuyện đánh đập với ở tù đe dọa. Nếu không thì cứ phải dập đầu, phải quỳ, bây giờ chỉ cần nghĩ đến những chuyện đó, em đã thấy rợn gai ốc. Em không muốn quay về nữa, chúng mình cứ tiếp tục đi về phương Nam anh thấy sao? Vả lại anh Tiêu Kiếm còn chưa dạy được cho em kiếm pháp gia truyền. Em mới nhận được một người anh, nên không muốn sớm chia tay với anh ấy.
Vĩnh Kỳ suy nghĩ, sự mâu thuẫn giằng co trong lòng. Nhưng điều Yến Tử nói cũng là sự thật, nghĩ đến chuyện thái hậu kỳ hạn ba tháng để hoán đổi Yến Tử. Rồi đến nhà ngục phòng tối đến roi vọt... Vĩnh Kỳ thấy không nhẫn tâm để Yến Tử lại bị nhốt vào “lồng”, cuối cùng chàng thở dài nói:
- Hoàng a ma đã tha thứ cho bọn mình, muốn bọn mình quay về ngay. Nhưng trong tình trạng hiện tại thì anh thấy thì thôi hãy cùng em di xuống phương Nam hay hơn. Cuộc đời cái gì cũng vậy có nhân mới có quả có em thì có anh, thôi thì anh theo em vậy, với một điều kiện.
- Điều kiện gì anh cứ nói em sẽ nghe. Nhưng em biết điều kiện anh muốn đưa ra rồi.
- Là gì vậy?
Yến Tử thật thà.
- Có phải là anh muốn từ đây về sau em đừng ăn trộm lê của người ta nữa phải không?
- Không phải.
- Vậy thì là cái gì?
- Từ đây về sau bất kỳ có giận cỡ nào em cũng không được nói lời chia tay hay tuyệt giao nhé!
Yến Tử gật đầu.
- Quân tử nhất ngôn, bát ngựa nan truy...
- Nếu vậy thì anh xin hứa, từ đây về sau em ở đâu anh sẽ ở đó.
Yến Tử thích quá, quay qua ôm Vĩnh Kỳ.
- Vĩnh Kỳ anh thật tuyệt vời. Vậy thì từ đây về sau em sẽ không ném lê, ném đá về phía anh đâu, em cũng sẽ cố vì anh mà học thành ngữ đọc thơ.
Rồi cao hứng đọc lên.
- Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả. Niệm thiên địa chi du du, xã hoàng cung nhi thiên hạ.
Làm cả Vĩnh Kỳ cũng phải ngạc nhiên.
o0o
Sau khi thảo luận xong, cả hai cặp đến trước mặt ông Phước Luân trịnh trọng tuyên bố:
- Bẩm cha, con xin đại diện cho tất cả bốn đứa để nói rằng. Mong là cha thông cảm, chúng con sau những ngày lãng du phong trần, qua quá nhiều phong ba bão táp. Hết tai nạn này đến tai nạn kia, cuộc đời không còn một chút hy vọng. Mặc dù được hoàng thượng ân xá, nhưng nỗi đau nỗi sợ vẫn còn, chúng con không muốn trở về hoàng cung để tiếp tục cuộc sống gần như đầy tai ương rình rập. Thưa cha, sống với vua như sống với cọp. Vì vậy tốt nhất, nếu cha thương bọn con, xin hãy để bọn con được an nhiên tự tại, sống một cuộc đời tự do. Được như vậy chúng con sẽ vô cùng cảm ơn cha.
Ông Phước Luân nhìn bốn người nghĩ ngợi rồi thở dài:
- Tất cả đã quyết định như vậy rồi ư?
Vĩnh Kỳ nói:
- Vâng, chúng tôi đã quyết định chẳng hối hận
Tử Vy quỳ xuống:
- Con xin lỗi, nhưng xin cha hãy chấp nhận cho.
Yến Tử cũng nói:
- Phước đại nhân xin người hãy quay về chuyển cáo lại Hoàng a ma, tuy người đã tha thứ cho chúng tôi, nhưng tôi vẫn còn giận. Vì đã nhiều lần tôi nói với người rồi, tôi là con người lượm thượm hồ đồ. Làm gì cũng sai trái không giống ai, không hề biết giữ gìn phép tắc gì đó nên dễ phạm tội. Nhiều lúc biết chuyện đó không đúng nguyên tắc nhưng vì đại nghĩa vẫn làm. Vì vậy nếu sống bên Hoàng a ma tôi sẽ không thể yên nếu sau này tôi lại phạm tội nữa thì sao? Thôi thôi để bảo toàn cái đầu tôi xin được miễn chuyện trở về hoàng cung.
Ông Phước Luân thấy thái độ kiên quyết của đám trẻ, vừa buồn vừa khó xử nói:
- Thôi được, nếu mấy người đã quyết định như vậy thì tôi không ép nữa. Nhưng Nhĩ Khang này, tình cha con chúng ta thật khó mà bức được, vì vậy ta sẽ ở lại đây thêm mười ngày hoặc nửa tháng, trong cái thời gian đó mọi người có thể bình tâm mà suy nghĩ. Nếu lúc đó không thay đổi ý định, thì ta sẽ về Bắc Kinh bẩm báo lại với hoàng thượng sau.
o0o
Hôm ấy ở Từ Ninh cung vua Càn Long nhận được tin của đám Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang, vua rất vui hỏi:
- Tìm được bọn chúng rồi à? ở đâu? Bọn chúng đều khỏe cả chứ?
Lý đại nhân cung kính đáp:
- Khải bẩm hoàng thượng, Phước đại nhân đã tìm thấy họ ở Nam Dương. Đôi mắt của Tử Vy cát cát đã lành, vết thương ở trên tay Ngũ a ca và Phước đại nhân cũng đã khỏi. Kim Tỏa rớt xuống vực cũng được cứu sống. Họ mạng lớn nên dữ ít lành nhiều, có thánh nhân phù hộ. Phước đại nhân biểu thần phải tức tốc về đây trình báo tự sự cho hoàng thượng rõ.
Tịnh Nhi đứng cạnh thái hậu nghe vậy cũng rất vui, vua Càn Long thở dài nói:
- Thế bao giờ thì bọn chúng quay về cung?
- Bẩm hoàng thượng, Phước đại nhân nói họ không chịu quay về cung, bây giờ Phước đại nhân đang sử dụng kế hoãn binh bảo thần quay về bẩm báo ngay cho bệ hạ rõ.
Vua Càn Long nghe nói bất ngờ hỏi:
- Tại sao lại không chịu hồi cung? Trẫm hạ lệnh cho họ phải về đó là thánh chỉ. Trẫm đã tha cho họ đại xá cho họ lý do gì họ lại kháng chỉ không quay về?
Thái hậu có vẻ không hài lòng nói:
- Mấy đứa nhỏ này rõ là không biết phải trái gì cả, chúng ương ngạch đến độ, không chấp nhận được. Bọn Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang bị hai con a đầu đó lôi cuốn hai đứa đó không chịu về nên chúng không về chứ gì?
Lý đại nhân chỉ yên lặng, vua Càn Long lại hỏi:
- Bọn chúng đồng lòng không quay về ư? Cả Vĩnh Kỳ, Tử Vy cũng vậy à?
- Thần nghe Phước đại nhân nói họ cương quyết như vậy.
Vua Càn Long nổi nóng, ông khoát tay với Lý đại nhân.
- Vậy thì ngươi hãy đi mà nói với bọn họ không quay về thì thôi, trẫm sẽ coi như bọn chúng chết hết tất cả rồi vậy.
- Vâng, vâng.
Lý đại nhân nói rồi rút lui, Tịnh Nhi bước tới chắp tay nói:
- Bẩm hoàng thượng, nhi thần nghĩ chuyện này không thể trách họ được. Vì sau khi bị kết tội chặt đầu cướp nục chạy trốn rồi bị truy đuổi, truy sát, họ đã gánh chịu qua nhiều tai ương, bị mù, bị thương, bị nghèo khổ. Những thứ đó dã hành hạ còn giữ được mạng sống là may, chắc chắn là ngoài cái đau thể xác họ còn bị đau cả tinh thần. Hoàng cung với họ giờ như cơn ác mộng, họ sợ hãi khiếp đảm mỗi khi nghĩ đến là đương nhiên. Vả lại áo quần rách còn có thể váo lại được, nhà đốt còn xây lại được, nhưng trái tim đã bị tổn thương thì rất khó lành. Hoàng cung đã mang đến cho họ quá nhiều đau khổ, mà con người ai cũng đều có một quả tim bất luận sang hèn, vì vậy muốn chữa lành phải dùng “chân tâm” nếu được thế thì tự nhiên họ sẽ quay về mà thôi.
Vua Càn Long nghe hiểu ra, yên lặng nhìn Tịnh Nhi.