Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> BÃO TÁP CUNG ĐÌNH

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 28046 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

BÃO TÁP CUNG ĐÌNH
Hoàng Quốc Hải

CHƯƠNG 20

Quan Thượng Thư tri Quốc Tử Viện Phạm Ứng Thần được lệnh vào cung quan triều1 hầu đức vua. Ông lật đật bước lên thềm điện với lưng lửng một tay đẫy thuần giấy tờ sổ sách. Vừa thấy nhà vua ló ra cửa, Phạm Ứng Thần đã rập đầu cúi lạy:
- Thần xin phụng mạng.
Thái tôn bước ra đỡ quan thượng thư vào nội điện. Nhà vua chỉ cho ông chiếc kỷ đối diện. Vừa cười, đức vua vừa hỏi:
- Vậy chớ khanh mang theo cái bọc gì mà lớn thế kia?
- Tâu bệ hạ, thần chắc là bệ hạ hỏi về công việc của Quốc tử viện.
- Hẳn là thế ta mới cho triệu khanh tới.
- Dạ muôn tâu, thần đem theo một số văn bài xuất sắc của đám nho sinh, để hoàng thượng ngự lãm.
- Khanh cứ để đó, lúc khác ta đọc. Ta muốn hỏi: trong Quốc tử viện các khanh dạy bọn nho sinh học những kinh sách nào?
- Tâu bệ hạ, chúng thần cho học tứ thư; ngũ kinh.
- Ngoài ra có học gì nữa không?
- Tâu bệ hạ, đám nho sinh này nghiền ngẫm cho được mấy pho sách đó cũng đủ giúp đời rồi còn cần phải học gì nữa.
Thái tôn cau mày nhìn quan thượng thư tri Quốc học viện, nhà vua nói:
- Phép trị nước giúp đời, tuyệt nhiên không nằm trong sách. Sách chỉ gợi mở cho ta tri thức của người xưa. Xã hội Nho giáo thời Khổng tử cách ta mấy ngàn năm sao có thể hợp với thời ta đang sống. Nhưng đạo lý do Khổng - Mạnh đề xướng sẽ là phương hướng cho ta xuất xử. Rồi ta sẽ đọc văn bài của đám nho sinh. Đích thân ta sẽ xem các ông dạy dỗ họ như thế nào. Nhưng ta nói trước để ông rõ. Ông giúp nước nhà đào tạo lấy những người có thực học, chứ không cần bọn học nhuyễn văn. Bây giờ nước đã thái bình, việc trị quốc đã đi vào ổn cố. Ta muốn mở rộng việc trị quốc sang trì quốc. Bởi vậy các ông phải khai mở cho đám nho sinh tinh thần của tam giáo. Ta thấy trong hàng nho sinh nước mình, các ông chỉ có sùng thượng đạo nho, miệt thị các đạo khác. Thế là không đúng. Mỗi đạo có một cái hay riêng khác biệt. Cũng như nhờ vào sự khác biệt tính tình tư cách giữa người này với người khác, mà cuộc đời thêm phong phú. Cho nên chớ có mong rằng, ở thế gian chỉ nên có một đạo. Đó là sự thoái hóa của trí tuệâ loài người. Ta sẽ mời cư sĩ Phùng Tá Thang sang bên Quốc học viện, giúp thêm các ông về phần Lão - Phật. Các ông nên nhờ Nho - Lão - Phật đều không phải là những tôn giáo, với các giáo điều khép kín như những ngôi đền thiêng. Đó là những dòng sông chảy xiết chứ không phải ao tù. Hẳn ông biết tinh hoa của Nho giáo là ở Kinh Dịch. Yếu nước của Phật giáo lại ở Kinh Lăng già. Còn Đạo đức kinh là căn cốt của đạo Lão. Nhà vua chợt dừng lời, nhìn thẳng vào quan Quốc học viện với vẻ nghiêm khắc, Thái tôn nói:
- Ta mong công lao các ông nuôi dạy đám nho sinh này, không phải để họ trở thành những con vẹt. Và như chợt nhớ ra điều gì, nhà vua liền hỏi:
- Này Phạm Ứng Thần, ta hỏi ông, về lịch sử ông dạy cho các nho sinh học sách gì?
- Tâu bệ hạ, từ trước môn lịch sử vẫn lấy kinh Xuân –Thu làm gốc.
Thái tôn nghiêm sắc mặt:
- Này quan thượng thư tri Quốc tử viện, ông là người Đại Việt hay dân Đại Hán?
Ta hỏi ông, nước mình không có lịch sử sao? Ta không ngờ các ông lại ngu tối đến thế. Các ông tự trói mình để rồi biến cả học giới nước nhà thành một lũ vong quốc nô. Thật là nhục nhã cho cả một nền giáo dục quốc gia.
Nhìn trừng trừng vào Phạm Ứng Thần, nhà vua gặng hỏi:
- Tổ tiên của ngươi là Bàn Cổ, là Nghiêu, Là Thuấn, là Hạ, là Vũ chăng?
Nhà vua lại thầm thì nói, như tự nói với mình – Đành rằng ta phải mượn kinh, sách ngoài mà học. Nhưng là học cái đạo lý minh triết để khai sáng cho chính mình, chứ không phải học để tự biến mình thành kẻ phụ thuộc.
Như không kìm nén được, nhà vua lại hỏi:
- Này Phạm Ứng Thần, người nói cho ta hay, kinh Xuân – Thu viết những gì?
Phạm Ứng Thần len lét thưa:
- Tâu bệ hạ, đó là lịch sử của nước Lỗ, thông qua các gương thành bại của các đời vua chúa, Khổng Tử san định nhằm để răn dạy kẻ cầm quyền.
- Đành rằng đó là những bài học quý, cần thiết phải cho các nho sinh nước mình đọc để biết, chứ không phải học như chính sử nước nhà. Vả lại, đó chỉ là lịch sử nước Lỗ bé bằng cái bàn tay, so với cả nước Trung Hoa mênh mông, thấm tháp gì. Trong khi đó các nho sinh nước mình lại chẳng biết Kinh Dương vương là ai. Các vua Hùng là ai. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Ngô Quyền là những người như thế nào.
Ngẫm nghĩ một lát, nhà vua lại phán:
- Thôi được, khoa thi này tạm bỏ môn lịch sử. Nhưng các người bên Quốc học viện phải cùng bên Quốc sử viện, phối soạn lấy bộ lịch sử nước nhà, ngõ hầu cho toàn thể quốc dân được biết, và làm căn cứ cho các kỳ thi.
Phạm Ứng Thần toát mồ hôi trán, rập đầu tâu:
- Thần xin lĩnh mệnh.
Với vẻ bình thản nhưng nghiêm cẩn, Thái tôn phán:
- Này ông Ứng Thần thượng thư! Ông là người cao tuổi, lại có văn chất hơn đời. Ta mong ông không phải lựa lời để làm ta đẹp ý. Ta chỉ ước ao, những người qua tay các ông đào tạo, sẽ là những tài năng quý báu của quốc gia, chứ không phải bọn mọt sách. Nhưng một quốc gia không thể chỉ trông cậy vào một dúm con em các văn quan và tụng quan2 ở Quốc học viện. Trí tuệ của đất nước nằm rải rác khắp muôn phương, làm thế nào để khai mở để quy tụ được, ông có kế sách gì chăng?
Phạm Ứng Thần đã lấy lại sự bình tâm, ông vuốt lại nếp khăn, rờ lên hàng cúc áo, nét mặt ông như tươi trẻ hẳn ra. Vái nhà vua hai vái, quan Quốc học viện nói:
- Tâu bệ hạ, người nghĩ đến việc khai phóng trí tuệ của muôn dân thật là phúc lớn cho nước nhà. Dạ muôn tâu, khi dân trí đã được khai phóng, mới mong mở mang nền văn hiến mà di phong dịch tục được.
Dạ việc này muốn làm được, nhà vua phải ban ân tứ xuống tận các xóm thôn. Ví như thời Nghiêu - Thuấn xưa, muốn mở mang dân trí người ta lập “Tường tự học hiệu” tới các thôn cùng xóm vắng. Ai có năng khiếu, ai ham thích học hành mà không đủ tiền ăn học, nhà nước sẽ nuôi. Bây giờ muốn khuyến cáo con em nhà thường dân có thể học được, nhà nước phải cắt một phần công điền ở các thôn ấp để làm đất học điền. Theo đó đặt ra các chính sách cụ thể cho mỗi cấp học. Có như vậy mới không bỏ sót người tài trong thiên hạ, chỉ vì nghèo đói mà không được học hành đến nơi đến chốn. Muôn tâu bệ hạ, chỉ khi nào dân trí đã được khai phóng, thì mới có thể nói đến việc trì quốc.
Thái tôn vui lắm. Nhà vua nói:
- Khanh gắng giúp ta sớm hoạch định việc này. Phạm Ứng Thần vừa toan cáo thoái thì nghe tiếng quân thét phía ngoài cấm thành. Trông ra đã thấy kiệu của đức ông Trần Thủ Độ. Quay lại phía Ứng Thần, nhà vua vẫy tay cho lui, rồi bước xuống thềm điện đón thái sư.
Trần Thủ Độ xuống kiệu cúi lạy nhà vua. Thái tôn vừa đáp lễ vừa nói:
- Quốc phụ không nên thủ lễ như vậy. Chẳng hay quốc phụ có việc gì qua đây.
- Thần có một chút việc trình bệ hạ. Tưởng bệ hạ ở bên chùa Thắng Nghiêm với cư sĩ Phùng Tá Thang, thần vừa qua bên đó.
- Phiền cho chú quá. Sao chú không cho gọi - nhà vua vừa nói vừa nhìn ngắm thái sư.
- Ấy chết, phép nước ai lại làm thế. Dẫu bệ hạ có thể tình chú cháu cũng không nên. Hình như quan thượng thư tri Quốc tử viện cũng vừa ở đây ra? Trần Thủ Độ hỏi với vẻ xuề xoà. Ông không đợi nhà vua mời mà ngồi ngay xuống chiếc đôn sứ bên cạnh chiếc kỷ của nhà vua.
Thái tôn đang băn khoăn tự hỏi: “Không biết ông chú tới đây có việc gì. Hay ông lại nhắc ta về chuyện Thuận Thiên. Chao ôi, cứ nghĩ đến chuyện ấy lại thấy kinh hoàng như vừa trải qua một cơn ác mộng. Ước gì đấy chỉ là một chuyện đùa và thái sư cũng đã quên”.
Thái tôn điềm đạm trả lời:
- Thưa chú, bên Quốc học viện sang trình về việc học hành của đám nho sinh. Cháu đang khuyến cáo cho các học quan dạy theo tam giáo và cả lịch sử nước nhà, chứ không chỉ thiên trọng về nho học. Chẳng hay ý chú thế nào?
Trần Thủ Độ nhếch mép cười ruồi:
- Đã bảo chú thì chữ nghĩa ăn đong. Bệ hạ nói việc huấn giảng theo tinh thần tam giáo, chú lại nhớ về Hoàng tiên sinh. Cái thưở nhà Trần ta mới mở nghiệp, chú được Hoàng tiên sinh chỉ bảo nhiều điều quý báu. Chính tiên sinh dặn chú, khi đất nước đã đi vào ổn cố rồi, phải mở rộng đường học vấn theo hướng tam giáo hòa đồng. Vậy là bệ hạ đã sáng suốt, chú mừng.
Nhà vua nói:
- Thưa Quốc phụ, dạo nọ đi tuần thú miền đông với quan thừa chỉ, lượt về cháu đi đường bộ có vòng qua vài nơi vùng biên ải để nghe động tĩnh. Được các viên phòng ngự sứ3, thủ ngự sứ4 cho hay, phía nhà Tống dạo này binh phòng xem ra trễ nải lắm. Nhưng mặc họ, ta cứ phải phòng bị cho chu tất, xin chú lưu tâm.
- Tâu bệ hạ, thần đến diện kiến bữa nay chính là vì việc ấy. Số là nhà tống đang bị quân Thát-đát dốn đánh lớn lắm. Mất nước đến nơi rồi còn dòm ngó gì được nữa. Nhưng không biết đâu, ta phải lo rào dậu cho kín. Bởi vậy thần muốn điều thêm hai đạo binh lên trấn phía biên cương giáp với Tống, chẹn cứng các đường huyết mạch. Còn như phần biêh cương giáp với nước Đại-lý của người Trung Quốc mà quân Mông Cổ vừa chiếm được, lại càng phải cẩn trọng lắm. Thần cũng định tăng cho đoạn biên ải này thêm hai đạo quân nữa.
- Quốc phụ dạy rất phải. Cháu cũng có nghe vua tôi nhà Tống tham lấy lại Khai Phong từ tay quân Kim, nhưng không đủ sức. Bèn rước Thát vào, hợp lực đánh Kim. Dè đâu đánh Kim xong, Thát quay lại diệt luôn Tống. Vua tôi nhà Tống thua lớn lắm, đang bị dồn về phía nam sông Trường Giang.
- Tâu bệ hạ, Oa-khoát-đài đang ráo riết đánh xuống phương nam. Trung nguyên chẳng mấy nữa mà vỡ.
- Quốc phụ nghĩ thế nào. Nếu chiếm xong Trung Hoa, Thát-đát có quay vó ngựa sang ta nữa không?
Suy nghĩ một lát, Trần Thủ Độ nói:
- Tâu bệ hạ, chưa định xong Trung Nguyên, Thát-đát đã ngó sang ta rồi. Giặc kia lòng tham không đáy, chúng chẳng muốn dừng vó ngựa ở đâu. Cờ Thát-đát hiện nay là không giới hạn. Chúng tiến lên phía bắc, hướng sang phía tây, dịch về phía đông đều không có địch thủ. Nay đang đại thắng Trung nguyên, nhất định chúng không chịu ghìm cương ngựa nơi địa đầu biên ải nước ta.
- Quốc phụ tính sao?
- Tâu bệ hạ, giặc có dám xâm phạm bờ cõi không, là còn tùy thuộc ở ta. Tùy thuộc vào lực ta mạnh hay yếu.
- Mọi việc xin chú lo giùm. Thưa chú, tình thế đã gấp gáp lắm rồi?
- Thánh thượng xin cứ bình tâm. Thần đã lo phòng bị từ lâu rồi. Ví như việc tha bớt tô thuế cho dân. Vỗ về sức dân. Nuôi khoẻ sức quân. Nghiên giữ chế độ gửi binh vào nông, tăng cường luyện tập. Rồi cho các thân vương được lập dân binh, tinh binh. Đó chẳng phải là những việc triều đình đã làm, lo dùng lúc cóp giặc ngoại xâm sao? Bệ hạ cứ lo cất nhắc được người hiền. Kẻ có đức, có tài được đặt đúng chỗ. Giữ lấy công bằng xã hội, khiến cho mọi người đua sức đua tài mà cung hiến cho nhân quần. Đấy cũng là điều làm nên sức mạnh của triều ta.
Thủ Độ thấy nhà vua rất quan tâm đến việc phòng bị. Ông nhẩm tính: “Phải nhân chuyện này điệu hổ ly sơn”. Ông lại nói:
- Tâu bệ hạ, việc biên ải thật là quan yếu. Trước khi tăng thêm binh lực, triều đình cần có các bậc thân vương đi đốc xuất các lộ trên đó. Vừa là nghe ngóng bên kia. Xin bệ hạ xét nên cử ai?
- Quyền cất nhắc, điều khiển tướng soái quân binh, triều đình đã đặc cách giao cho quốc công từ khi còn thượng hoàng, với chức tri thành nội ngoại chư quân sự, sau lại gia phong thái sư thống quốc, nay cứ thế mà làm.
- Tâu hoàng thượng đây là việc của các năm hoàng thượng còn trong độ vị thành niên. Nay thì phải khác đi chứ. Hoàng thượng đã đủ tài đức sai khiến thiên hạ. Vả lại quyền hành không nên tập trung nhiều quá vào hạ thần. Thiên hạ sẽ vì thế mà dị nghị.
- Quốc phụ hay nghĩ xa. Việc võ bị không thể chia xẻ cho ai được đâu.
- Nếu thánh thượng rộng lòng, thần xin cử hai người đi lên biên ải: một là Hoài vương Liễu. Hai là tướng quân Lê Tần. Xin bệ hạ cho thánh ý.
Trần Cảnh thấy run sợ ở trong lòng. Nhà vua tự hỏi: “Chẳng hay có điều gì mà ông chú lại thủ lễ một cách thái quá như vậy?”
Thái tôn lễ độ nói:
- Thưa chú, nếu ý chú như vậy, mai cháu sẽ cho bên hàn lâm viện thảo chiếu.
Trần Thủ Độ tặc lưỡi:
- Với Lê Tần chẳng nói làm gì. Nhưng với vương Liễu, thiết tưởng bệ hạ nên nói trước đôi lời, để vương được đẹp lòng. Bệ hạ thấy thế nào?
- Dạ thưa chú được ạ.
- Thôi để chú về, kính bệ hạ – Đã toan bước đi, Trần Thủ Độ lại dừng, ghé tai Trần Cảnh nói nhỏ:
- Việc bữa trước chú nói, bệ hạ đã quyết chưa?
Không cần nhà vua đáp lời, thái sư xăm xăm bước ra kiệu.
======.
1. Cung quan triều là nơi vua ở.
2.Tụng quan: Các quan chức phục vụ trong nội cung.
3,4. Chức quan võ ở ngoài các lộ, trấn.

<< CHƯƠNG 19 | CHƯƠNG 21 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 749

Return to top