Nguyễn Nộn được tin Trần Thủ Độ đuổi Lý Huệ tôn ra chùa Chân Giáo, ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Nhà Lý mất. Nhà Trần bỗng dưng được thiên hạ. Nộn tức lắm, bèn họp tả hữu lại, Nộn nói:
- Nhà Lý suy yếu. Đất nước chia năm sẻ bảy. Noi nơi đều dựng cờ nghĩa. Mạnh ai nấy được. Nay Trần Thủ Độ hiếp vua, làm nhiều điều càn rỡ, cướp lấy thiên hạ. Ta với các ông tụ nghĩa, dựng cờ, cốt để níu lại cơ đồ cho nhà Lý. Chẳng may Huệ tôn mắc chứng kinh phong, suốt ngày ở tít trong cung. Công việc triều chính lọt vào tay phe cánh họ Trần. Trần Thủ Độ núp dưới mệnh vua, khống chế triều đình, sai khiến thiên hạ, giương đông kích tây, chứ thực lực chẳng có gì. Ta hỏi các ông, tính liệu sao đây? Quy phục hay đem quân về hỏi tội bè đảng họ Trần?
Tả hữu im phăng phắc.
Nộn nghĩ: “Trần Thủ Độ là một tên táo tợn. Anh nó, Trần Tự Khánh ngày trước còn phải kiềng mặt ta. Vua sai nó đến hạch ta ở chùa Phù Đổng này tám năm về trước, vì có kẻ sàm tâu ta đào được vàng, không chịu nộp về triều. Chuyện chẳng đi đến đâu. Tự Khánh phải thay mặt triều đình dàn hoà với ta. Suốt tám năm nay ta hùng cứ một phương, thế lực ngày một mạnh. Ta đang mài nanh vuốt, nuôi chí lớn, chờ thời. Bỗng dưng mấy anh em tên thuyền chài phỗng tay trên. Ta thề không đội trời chung, không thể không băm vằm Trần Thủ Độ làm muôn mảnh”.
Sực nhớ đang bàn việc lớn, Nguyễn Nộn ngẩng nhìn tả hữu, nói tiếp:
- Ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh, một mình cờ lau tập trận, mà bình được thiên hạ. Lý Thái tổ từ một chú tiểu, gặp thời cũng dựng nên nghiệp lớn. Ta với các ông so với các bậc tiền nhân thế nào? Chúng ta hơn hẳn. Quân đông, lương nhiều, tướng giỏi. Đoàn Thượng là thế lực lớn nhất ở phía đông, phải kiềng sợ… Triều đình cũng phải tôn trọng ranh giới ta đã vạch ra. Nếu bây giờ ta trương ngọn cờ “Phù Lý diệt Trần”, hẳn thiên hạ theo về ta như châu chấu gặp đèn. Thời cơ có một. Ý các ông thế nào, xin bày tỏ cho nhau được biết.
Phó tướng Đào Dữu nói:
- Tôi xuất thân là một người áo vải chân đất, theo tướng quan từ ngày đầu mở nghiệp. Xét thấy thiên hạ trong lúc đại loạn, tình thế nước Nam ta trong cả chục năm qua chẳng khác gì thời Chiến quốc bên Trung Hoa. Kẻ nào cũng nhân danh nhà Chu để tranh dành ngôi bá chủ, kỳ thực là tranh dành thiên hạ, thôn tính nhà Chu. Trần Thủ Độ có khác gì Tề Hoàn công. Ấy là tôi nói về thủ đoạn xảo trá, chứ nhân nghĩa thì sao sánh được với Hoàn công. Cho nên, trong khi kẻ kia ngồi chưa ấm chỗ, ta nên cất quân hỏi tội, chớ để lâu ngày dầy kén, thiên hạ khuất phục hết, thì ta còn làm gì được hắn. Nhìn thế chân vạc giữa ba nhà Nguyễn - Trần - Đoàn, chỉ có tướng quân là hơn cả. Trần Thủ Độ tuy là nhà hào phú, lắm của, nhiều quân, được xem là loại vũ dũng. Nhưng y xuất thân từ đám dân chài, lại vô học, hắn chỉ hùng hục như con trâu mộng húc bừa, không có gì đáng sợ. Đám võ biền ấy chỉ có được lợi thế, là chúng núp dưới danh nghĩa chính thống của nhà Lý. Còn như Đoàn Thượng, tuy xuất thân từ chốn quan trường, nhưng là đứa thất phu, hẹp lượng. Thượng so thế nào được với tướng quân. Cho nên bây giờ đánh Trần trước, hay đánh Đoàn trước để cướp lấy thiên hạ, là tuỳ ý tướng quân. Việc kíp lắm rồi. Nếu chần chừ là mất thời cơ, hai kẻ kia liên kết được với nhau, ta khó mà xoay trở.
Phó tướng Đào Dữu vừa dứt lời, thì tiền quân hiệu uý Lê Bá Thạch tiếp luôn:
- Nay kỷ cương đã rối. Bầy tôi hiếp vua. Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, tình thì thuận mà lý không xuôi. Hai đứa bé tám tuổi biết gì đến chuyện vợ chồng, ngôi báu. Đây là sự sắp đặt của Trần Thủ Độ. Cho nên việc ở ngôi của Trần Cảnh, phải khép Trần Thủ Độ vào tội soán đoạt. Tướng quân cất quân chuyến này, là chủ ở sự nhân nghĩa, sẽ qui tụ được thiên hạ. Tôi chỉ e một điều, Đoàn Thượng thiển cận thừa cơ đánh úp ta. Chi bằng ta hợp lực với y, hẹn cùng tiến về kinh. Tôi tuy bất tài, cũng xin đi dụ Đoàn Thượng, nói cho y rõ cái nhẽ chắc ăn sờ sờ ngay trước mắt.
Nguyễn Nộn cười ha hả:
- Các ông nói hợp ý ta lắm. Nhưng xin hỏi. Khi diệt xong đảng ác họ Trần rồi, ta làm thế nào? Chia đôi thiên hạ với Đoàn Thượng chăng? Nộn chưa dứt lời thì tướng tiên phong Quách Cự đã nói ngay:
- Tâu chủ tướng. Quốc vô nhị vương(1). Diệt xong bè đảng họ Trần, ta diệt luôn cả thế lực họ Đoàn để trừ hậu họa. Thiên hạ không còn ai tranh đoạt với chủ tướng nữa, ngôi trời chẳng thuộc về chủ tướng còn thuộc về ai?
Nộn bằng lòng lắm, bèn thét quân hầu dâng rượu. Rượu mới được một tuần, quân thám mã về báo có sứ giả của triều đình tới. Nộn hẹn các tướng cứ ăn uống bàn bạc, để mình ra tiếp sứ.
Té ra sứ giả lại là quan thừa chỉ, bạn đồng môn với tướng quân Nguyễn Nộn.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Nộn hỏi:
- Tôi nghe nói ông được bổ đi an phủ sứ châu Nghệ An, sau lại triệu về trấn trị Trường Yên. Vậy thời, như thế là ông được tin dùng, hay bị đầy ải?
Quan thừa chỉ mỉm cười nhìn thẳng vào người bạn cũ của mình, đáp:
- Hai điều ông hỏi đều có cả.
- Thế là thế nào?
- Số là thế này, tôi nói để ông nghe, tình bằng hữu giấu nhau làm gì. Vả lại các việc cũng đã qua rồi.
Nguyễn Nộn sốt ruột giục:
- Ông nói đi, tôi vốn trọng ông là người có tài năng, có nhân cách vào bậc nhất thời nay.
- Quan anh quá khen. Quan thừa chỉ chậm rãi đáp.
Chắc quan anh biết tính tôi. Ngoài điều nhân nghĩa ra, trên đời không gì khuất phục nổi. Quan anh có nhớ dạo Trần Thủ Độ ép nhà vua phải sách lập Chiêu Thánh làm hoàng thái tử, rồi nhường ngôi cho Chiêu Thánh. Đúng bữa đó, quan anh đem quân tới Bồ Đềø rồi quay lại?
- Đúng! Nguyễn Nộn vỗ đùi xác nhận - Tôi nghe nói cánh họ Trần soán đoạt ngôi trời, tức tốc đem quân về kinh. Tới Bồ Đề, đọc được tờ chiếu của vua, tôi bèn lui quân. Nghĩ rằng, Huệ tôn không có con trai mà cha truyền ngôi lại cho con, ấy là lẽ thường trong thiên hạ. Ai ngờ đấy lại là mưu ma kế quỷ của chúng nó.
Quan thừa chỉ thở dài:
- Bữa đó, tôi mong quan anh kéo quân qua sông Cái quá chừng!
- Sao ông không nhắn cho tôi một lời? - Nguyễn Nộn hàm ý trách móc.
- Có. Tôi có mật bàn với nhà vua. Đức vua cũng đã ưng thuận. Tôi bèn thảo chiếu Cần vương, mật ước với ông và Đoàn Thượng cùng đem binh về kinh, chúng tôi nội ứng.
Mặt Nộn đỏ bừng bừng, đôi tròng mắt rực sáng lên, gặng hỏi:
- Chiếu đâu?
- Tiếc thay, quan thừa chỉ thở dài - chiếu đó lọt vào tay Trần Thủ Độ.
- Việc lớn, sao các ông lại làm ăn hồ đồ thế?
- Không phải tôi hồ đồ, mà Trần Thủ Độ mưu cao. Ông ta đoán định được mọi điều có thể xảy ra.
- Tiếc quá! Tiếc quá! Nguyễn Nộn tỏ vẻ xót xa - Nếu việc đó không bại lộ, tôi cùng Thượng đem quân về, mọi sự xong cả rồi. Xong cả rồi!
- Chưa chắc đâu ông bạn ạ. Quan thừa chỉ lắc đầu - Tôi là người thấy viêïc nghĩa thì xả thân làm, chứ mình tính chưa cặn nhẽ.
- Thế là thế nào? Nộn hỏi. - Trần Thủ Độ có biết là ông thủ mưu không?
- Biết! Ông ta biết quá đi chứ.
- Sao y không giết ông?
- Thế mới bực. Khi bắt được tang vật, ông ta lờ đi như không. Chỉ có điều giám sát nghiêm mật. Ba tháng sau, ông ta cho tôi ra coi châu Ngệ An. Trước khi đi, ông ta cầm tay tôi nói vài lời “Tôi giết ông thì dễ quá. Nhưng ích gì. Lập tức có cả trăm người dám vì ông mà dấy nghĩa. Tôi giết ông, mang tội giết người hiền. Đời nguyền rủa tôi. Người hiền bỏ tôi đi hết. Nhưng ông nghĩ mà xem, việc tôi, việc ông làm có gì khác? Giữa nhà Lý mà đứng đầu là một ông vua mất trí, và một bên là sinh linh trăm họ, ông coi bên nào trọng hơn? Tôi thà chịu tiếng bất trung còn hơn mang tiếng ngu trung. Tôi vì trăm họ chứ không vì đức vua. Tôi quyết sả thân để giang sơn đất nước không rơi vào cái hoạ tranh chiến thập nhị sứ quân, nồi da xáo thịt. Việc này tuỳ ông xử. Ra Nghệ An, ông có thể trương cờ nghĩa theo chiếu Cần vương, cùng với tướng quân Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng, ba mặt úp về kinh. Nếu việc các ông làm nhân nghĩa hơn tôi, tôi xin tự trói mình chịu chết, cho đất nước được thái bình”.
- Thế ra tới Nghệ An ông đã làm những gì? Nộn hỏi.
- Tôi làm tất cả mọi việc, ngoại trừ việc chống lại Trần Thủ Độ.
- Nhưng ông chống lại đức vua. Nộn vặn.
Quan thừa chỉ ung dung đáp:
- Bởi đức vua chống lại trăm họ. Tướng quân cứ bình tâm, tôi có dẫn chứng đầy đủ. Tướng quân có biết vì sao tướng quân chống lại mệnh vua, hùng cứ một phương, xưng vương xưng bá không?
- Vì vua vô đạo. Nộp đáp.
- Vua vô đạo. Tức là tướng quân “tòng đạo bất tòng quân” (2). Đúng quá. Quan thừa chỉ xác nhận - Thế thì tại sao chỉ có tướng quân làm thế được, còn người khác lại không làm thế được? Việc làm của Trần Thủ Độ có khác gì tướng quân đã làm. Có điều rằng ông ta trên tài tướng quân, nên đạt được thành tựu cao hơn.
Nguyễn Nộn sầm mặt lại, nói lớn:
- Thằng thuyền chài sai ông đến đây làm gì? Nộn đứng dậy toan bỏ đi.
Quan thừa chỉ vẫn ung dung, nói vừa đủ nghe:
- Không có thằng thuyền chài nào sai khiến được tôi. Tôi đem chiếu phong vương của đức vua đến với ông. Ông nên nhớ rằng, cái người mà ông tôn thờ đó, đã mấy lần ông dâng biểu về xin phong vương không được. Nay vua mới, xét công đức của ông, không những phong vương mà còn cắt đất cho ông. Ông bầy nhang án, sửa sang áo mũ, để tôi đặt chiếu lên cho mà lạy tạ.
Nguyễn Nộn không còn biết nói sao nữa, bèn hấp tấp đi làm các việc theo ý quan thừa chỉ.
Nguyễn Nộn được phong làm Hoài đạo vương, lại được triều đình cắt cho đất huyện Đông ngàn và các vùng Bắc Giang thượng hạ. Nộn thích lắm, sai may sắm áo, mũ, tàn lọng, xe kiệu. Ba ngày sau, Nộn lại đọc được thư của Trần Thủ Độ mật sai đi đánh Đoàn Thượng.
Nguyễn Nộn họp tả hữu bàn kế tiến binh đánh Đoàn Thượng.
========
1. Quốc vô nhị vương. Chữ Hán có nghĩa là nước không thể có hai vua.
2. Lời của Mạnh Tử có nghĩa: Theo lẽ phải chứ không theo vua.