Côn Đảo gồm 16 hòn đảo nằm sừng sững ở vùng biển Đông Nam của Tổ quốc, tạo nên thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng tiềm năng giàu có của biển bạc, rừng vàng.
Tàu Côn Đảo 09 nhổ neo lúc 17h ở cảng Cát Lở - Vũng Tàu, vượt qua 97 hải lý, đến 5h sáng hôm sau tàu cập bến Đầm - Côn Đảo nằm gọn trong vịnh Tây Nam, khá sâu và kín gió, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu tránh gió bão.
Trước ngày 1-5-1975, Côn Đảo là địa ngục trần gian, không có dân cư, chỉ có tù nhân và cai ngục. Sau ngày giải phóng, Côn Đảo là một đơn vị hành chính của Nhà nước Việt Nam. Côn Đảo - còn gọi là đảo Phú Hải - là hòn đảo lớn hình con gấu, nằm quay lưng vào đất liền, chân hướng ra Biển Đông với diện tích 51,52 cây số vuông và 15 hòn đảo lớn nhỏ bao bọc xung quanh như Hòn Tre, Hòn Ngọc, Hòn Bà, Hòn Trác...
Nay Côn Đảo có địa bàn dân cư gồm 9 tổ tự quản với gần 960 hộ, trên 4500 nhân khẩu. Côn Đảo có khu di tích nhà tù, khu nghĩa trang Hàng Dương, khu công sở... Dãy biệt thự trước đây dành cho các sĩ quan và công chức cấp cao trên đảo, nay đã được đầu tư cải tạo thành khu biệt thự phục vụ khách du lịch. Sang đầu thế kỷ XXI, đời sống văn hóa xã hội của người Côn Đảo đã được nâng lên rõ rệt. Năm 2002, có 8/9 khu dân cư đạt danh hiệu “khu dân cư tự quản văn hóa”, 100% hộ dân đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, 100% hộ dân có điện sinh hoạt và dùng nước sạch. Toàn huyện chỉ có 1,8% hộ nghèo.
Vườn quốc gia Côn Đảo được Nhà nước phê duyệt công nhận từ năm 1993, bao gồm 15043 ha diện tích tự nhiên trên 14 hòn đảo, trong đó có 6043 ha rừng, 9000 ha mặt nước biển. Theo điều tra sơ bộ, vườn có 650 loài động thực vật cao, 160 loài cá biển, 84 loài rong biển. Hệ rừng sinh thái Côn Đảo là hình ảnh thu nhỏ của rừng Việt Nam. Đây chính là tiềm năng du lịch với nhiều loại hình kết hợp, tham quan nghỉ dưỡng rất lý thú và hấp dẫn.
Đến với Côn Đảo, du khách không chỉ đến với khu di tích nhà tù cách mạng mà còn đến với môi trường sinh thái sạch. Côn Đảo không có tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện hút... Tại thị trấn Côn Đảo chỉ có những quán bán đặc sản biển chứ không có đặc sản thú rừng, mặc dù thú rừng ở đây rất nhiều. Người dân Côn Đảo có ý thức bảo vệ môi trường rất cao.
Vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt nhiên không có nạn săn bắn thú rừng mà chỉ có những bãi tắm tuyệt đẹp, cát trắng mịn, nước trong vắt... với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời. Sau gần 30 năm được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Côn Đảo đã vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng nơi đây thành “hòn đảo ngọc” ở phía Đông Nam của Tổ quốc. Giờ đây đường sá ở Côn Đảo đã được nhựa hóa từ Bến Đầm về, từ sân bay Cỏ ống tới, giao thông thật thoáng đãng.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: Năm 2002, bằng ngân sách địa phương, huyện đã đầu tư 2.708 triệu đồng nâng cấp đường nội thị, hệ thống chiếu sáng, vệ sinh đô thị và công viên cây xanh, do vậy đã thu hút được du khách đến thăm Côn Đảo đông hơn. Đặc biệt, từ khi cảng Bến Đầm đưa vào phục vụ, lượng hành khách và hàng hóa ra đảo ngày một tăng. Riêng trong quí I-2003 đã vận chuyển được gần 5000 lượt hành khách. Tàu Côn Đảo 09 và Côn Đảo 10 liên tục vận chuyển hành khách ra vào đảo.
Trước ngày giải phóng, sân bay Cỏ ống có thể tiếp nhận cả máy bay C130, nay đường băng xuống cấp, sân bay thành sân phơi lúa. Chỉ có máy bay lên thẳng từ TP HCM và Vũng Tàu với tuần 3 chuyến nên không đáp ứng được nhu cầu của du khách đến thăm Côn Đảo. Vì vậy việc nâng cấp sân bay Cỏ ống và mở đường bay TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo là vấn đề cấp bách hiện nay.
Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng cục Hàng không dân dụng và Bộ Quốc phòng nghiên cứu dự án nâng cấp sân bay Cỏ ống trên cơ sở Quyết định số 535/TTg ngày 15-7-1997. Vậy mà 6 năm đã trôi qua, người dân Côn Đảo cứ chờ từng ngày những chuyến bay của Hàng không Việt Nam đáp xuống sân bay Cỏ ống. Hy vọng một ngày gần đây, những cánh bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam sẽ giúp cho Côn Đảo cất cánh ở thế kỷ XXI.