Nằm bên đường quốc lộ 1, chạy dài từ Cầu Hai đến chân đèo Phú Gia thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Ðầm Cầu Hai như món quà của thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho con người.
Chúng tôi xuống thuyền ở bến đò Cầu Hai, lênh đênh du ngoạn ngắm nhìn cảnh núi non, đầm phá, thuyền bè... Ðã hơn 8 giờ sáng, dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè mà nước Ðầm Cầu Hai vẫn trong vắt, mát lạnh. Ðến giữa đầm, bạn có cảm giác xung quanh mình là biển nước mênh mông bởi Ðầm Cầu Hai rộng tới gần 10.000 hecta.
Thuyền đi khoảng 30 phút, là đến vùng đất cổ mà cách đây hơn 300 năm (năm 1961) Chúa Nguyễn Phúc Chu nhân lên núi Túy Vân này thấy phong cảnh bốn phía là non nước, mây trời, cỏ cây và ruộng đồng xanh ngát đã cho lập trên đỉnh núi ngôi chùa nguy nga mang tên Túy Vân Tự. Hôm nay đây, mái chùa vẫn cổ kính, rêu phong, chuông chùa vẫn ngân nga vang vọng trong không gian tĩnh mịch, trầm lắng. Kiến trúc cổ kính, cảnh vật xung quanh lại vừa đẹp vừa thơ nên ngôi chùa Túy Vân được tôn vinh là một trong số hai mươi thắng tích đẹp nhất của Kinh đô Huế.
Từ đỉnh núi Túy Vân, nhìn xuống toàn Ðầm Cầu Hai như "lồng gương in trời". Nhìn về phía đông, đường chân trời biển Ðông kéo dài tới vô tận... Nhìn về phía tây, núi Bạch Mã như chú kỵ mã đang xòe bờm trắng xóa, tung vó phi nước đại và đại ngàn Trường Sơn xanh đến mơ màng. Còn nếu vượt qua đỉnh Hòn Rẫm sẽ gặp Vụng Chân Mây, nơi đang khởi công xây dựng cảng nước sâu lớn nhất miền Trung, góp phần hình thành một khu công nghiệp - dịch vụ - du lịch mới...
Vài năm gần đây, Ðầm Cầu Hai đã đem lại giá trị kinh tế không nhỏ. Những người dân chài sống ven Ðầm Cầu Hai đã đầu tư vốn xây dựng 163 hecta hồ nuôi tôm xuất khẩu. Với diện tích chỉ bằng khoảng 1/60 diện tích Ðầm Cầu Hai nhưng những ngư dân vùng này đã thu được 14,7 tấn tôm giá trị 4,3 tỷ đồng (1995). Trong tương lai, Ðầm Cầu Hai sẽ tiếp tục được khai thác mạnh hơn và sẽ trở thành một vùng kinh tế trù phú.