Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> HÀNH TRÌNH ĐẾN CHÁNH NIỆM

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17622 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HÀNH TRÌNH ĐẾN CHÁNH NIỆM
Bhante Henepola Gunaratana & Jeanne Malmgren

Chương 27

Khi tôi đến Tích Lan năm 1985, một hội đồng đề cử gồm một số tăng sĩ đã đề nghị tôi nhận một chức vị danh dự nhất trong tông phái của tôi: danh hiệu của Thượng tọa Trưởng tăng đoàn Nayaka ở Bắc Mỹ.
   Nói một cách đơn giản, danh hiệu đó có nghĩa như là "trưởng của cộng đồng tăng và ni".  Tương đương với chức vị tổng giám mục của bên Thiên chúa giáo.  Nó có nghĩa bạn là vị tăng ở thứ vị cao nhất trong tông phái của bạn, ở một vùng nào đó (trong trường hợp của tôi là Mỹ và Canada).  Và đó là một tước vị bạn giữ cho đến cuối đời.
   Tôi cũng có suy nghĩ về việc đề cử này, nhưng cho rằng danh vị đó không thích hợp cho tôi.  Tôi không nghĩ rằng mình đã có đóng góp gì to lớn để xứng đáng được nhận danh dự đó.  Vả lại, còn có một vị tăng trong tông phái của chúng tôi, thuộc hàng   trưởng lão hơn tôi, sống ở California, người mà tôi nghĩ xứng đáng với danh hiệu đó hơn là tôi.  Vì thế tôi đã từ chối.
   Tháng 3 năm 1996, lúc tôi đang dạy ở Norway thì người ta lại đề nghị lần nữa.  Cũng nhóm tăng sĩ đó đã điện thoại để hỏi xem tôi có đổi ý, bằng lòng chấp nhận lời họ đề nghị không.  Tôi lại từ chối.  Việc đó lại tái diễn khi tôi đến trạm dừng kế tiếp trên chuyến đi của mình: khi tôi ở Thụy Điển, họ lại gọi, gia hạn lời đề nghị, và tôi lại từ chối.
   Khi tôi đến Pháp, lại có một điện báo chờ đợi tôi: "Xin hãy suy nghĩ lại," bức điện báo ghi.  Tôi không trả lời bức điện báo.
   Khi khóa tu kết thúc, tôi trở lại hội Bhavana.  Có một vị khách tăng đến từ Tích Lan đang chờ ở đó. Ông đã được gửi đến để trao tận tay tôi lá thư của cái ủy ban quá cương quyết muốn tôi trở thành trưởng tăng đoàn Nayaka.
   Tôi nghĩ có thể đã đến thời điểm.  Tôi biết thân quyến và bạn bè của tôi sẽ rất hạnh phúc.  Vì thế tôi xuôi lòng.
   Tôi đã dự định sẽ đi Úc hoằng pháp mùa hè năm đó.  Tôi hứa sẽ dừng lại Tích Lan, trên đường đi, để nhận bằng danh dự đó.  Tôi không nghĩ đó là một sự kiện lớn lao gì, nên dự tính sẽ chỉ ở đó một ngày.
 
   Tôi đến Tích Lan lúc 1:30 sáng, ngày mùng 4 tháng 7, 1996.  Nghỉ qua đêm ở phòng chủ tịch ở Vidyalankara Pirivena, trường Phật học mà tôi đã ra trường năm 1952.
   Sáng hôm sau tôi được đưa đến Kandy, văn phòng đầu não của tông phái Siyam Nikaya của Phật giáo Nguyên thủy ở Tích Lan.  Khi đến nơi, tôi kinh ngạc thấy một đám đông khoảng hai trăm người chờ đợi để đón tiếp tôi -tất cả đều là họ hàng hay bạn bè cũ.  Tôi đã viết thư cho một vài thành viên trong gia đình để báo với họ rằng tôi sẽ ghé về, nhưng Thượng tọa tiến sĩ Vajira, người tổ chức chương trình, đã viết thư báo cho nhiều người hơn nữa.
   Tôi bước ra khỏi xe và nhận ra những khuôn mặt tôi đã không được gặp bốn mươi năm nay.  Nhiều người tôi còn không nhận ra được cho đến khi họ xưng tên họ.  Em gái tôi, Sita đã sắp đặt một bữa tiệc trưa thịnh soạn cho tôi và năm mươi tăng sĩ khác đến từ khắp nơi ở Tích Lan để dự buổi lễ này.
   Sau bữa thọ trai, lúc tôi đang cố gắng tiếp xúc với càng nhiều vị khách càng tốt, thì một vị tu sĩ tiến gần đến để báo rằng người ta đang chờ đợi tôi ở chùa Pahamune, ngôi chùa của thầy của sư phụ tôi. Ở đó, tôi được mời một ly trà và được tặng một chiếc y vàng mới tinh để mặc trong dịp lễ này.
   Không lâu sau đó một người đến để báo rằng đã sẵn sàng để tiến hành đám rước.  "Đám rước gì?" tôi nghĩ.  Tôi hoàn toàn không ngờ rằng những nghi lễ trang trọng như thế đã được xếp đặt cho tôi; tò mò, tôi bước ra ngoài.
   Có một hàng dài khoảng vài trăm người.  Tôi hoàn toàn không biết họ là ai, từ đâu đến.  Tôi được dặn phải đi ở hàng đầu đám rước, chỉ sau tấm băng rôn to lớn với hàng chữ: "Chào mừng vị trưởng tăng đoàn tông phái Nakya".  Sau lưng tôi là các nhạc công, kẻ đánh trống, người nhảy múa, người thổi cồng, và các đám trẻ ăn mặc đầy màu sắc.  Mọi người đều ở trong trạng thái phấn khởi của một buổi lễ hội hoành tráng, tôi cũng nhận ra một vài vị viên chức chính quyền trong đoàn người, kể cả vị Bộ trưởng quốc phòng.
   Đám rước dài hơn nửa cây số, và họ đưa chúng tôi đến sima ở chùa Malwatta. Ở đó, tôi sẽ cúng dường những mâm quà đến khoảng hơn hai mươi vị cao tăng thuộc tông phái Siyam Nikaya, gần giống như những gì tôi đã làm vào ngày thọ đại giới của tôi bốn mươi chín năm về trước.  Giống như trước, căn phòng cũng đầy kín người với  một sợi dây thòng xuống giữa phòng để ngăn chia giới cư sĩ và tu sĩ.  Trời nóng đến nỗi mồ hôi tôi tuôn dầm dề.  Tôi lại bị sái giờ giấc và đã ngủ rất ít đêm hôm trước đó.  Mùi hoa nồng nặc trên bàn thờ, cộng với khói nhang dày đặc khiến cho không khí thật ngột ngạt.  Tôi hy vọng rằng mình không ngất xỉu ngay lúc đó.
   Thượng tọa tiến sĩ Vajira trao cho tôi chiếc mâm đầu tiên, bảo tôi mang dâng cho vị Đại Lão Sư của tông phái, người đang ngồi trên tọa cụ,  phía bên phải tượng Phật.
   Tôi cầm mâm tiến lại gần vị Đạo Lão Sư và quỳ xuống trước mặt ông.  Bằng giọng khàn đục, ông nói vài lời nhỏ nhẹ về lòng biết ơn của ông đối với những công tác Phật sự của tôi.
   Sau đó, Thượng tọa Vajira đưa cho tôi từng chiếc mâm một, để tôi mang đến cho mười chín vị tăng còn lại, ngồi ở phía bên trái theo thứ tự tuổi tác.  Các thầy của tôi đã mất, chỉ còn một vị, người đã có mặt ngày hôm đó -Thượng tọa Parawahera Pannananda Nayaka Mahathera.  Ông đã tám mươi tám tuổi, đi từ Colombo đến đây để chứng kiến việc tôi được nhận danh dự này.
   Khi cúi chào và dâng chiếc mâm lên cho ông, tôi thấy mắt ông ngấn lệ.  Mắt tôi cũng mờ lệ.
   Sau khi tôi ngồi xuống, thầy thư ký mở một ống màu bạc và lấy ra văn bản chứng nhận với tên tôi là Trưởng Tăng Đoàn Nakya. Ông đọc lớn bằng cả hai thứ tiếng Sinhala và tiếng Anh, rồi yêu cầu tôi bước ra phía trước để nhận lãnh văn bản đó từ tay vị Đại Lão Sư.
   Vài vị tăng đọc diễn văn bằng tiếng Sinhala.  Vị bộ trưởng quốc phòng cũng nói vài lời trước khi được các vệ sĩ của ông hộ tống ra về.  Và rồi buổi lễ kết thúc.
   Đám đông bao quanh tôi để chúc tụng.  Mười phút sau, tôi được đưa ra xe và chở về chùa Chiếc Răng, nơi chúng tôi sẽ cử hành một nghi lễ đặc biệt.  Tôi được phép chiêm ngưỡng xá lợi Phật trước khi dâng cúng lên Đức Phật một mâm bạc đầy hoa tươi.
   Nhiệm vụ cuối cùng trong ngày đó của tôi là đến đảnh lễ vị trưởng lão của một tăng đoàn khác thuộc tông phái chúng tôi. Ông cũng bày tỏ sự vui mừng vì tôi được nhận danh dự này, và tôi cúng dường ông một chiếc y mới.
   Rõ ràng là tôi phải ở lại Tích Lan hơn một ngày, vì thế tôi hòa mình chung vui với bạn bè, gia quyến, và các huynh đệ đồng tu.  Ngày hôm sau, những cuộc tiếp đón khác lại diễn ra, mỗi lần ở một nơi khác.  Trong bốn ngày, có đến bảy buổi lễ tất cả, tôi cứ phải đi từ nơi này đến nơi khác, bất cứ đâu mà người ta đưa tôi đến.
   Một trong những buổi lễ diễn ra ở Vidyalankara Pirivena, ngôi trường cũ của tôi, gần Colombo. Ở đó, chúng tôi được đón tiếp bằng một ban nhạc nổi tiếng chỉ biễu diển ở các buổi lễ của tiểu bang.  Thủ tướng, Bà Sirimavo Bandaranaike, trao cho tôi bằng khen.
   Một buổi lễ khác diễn ra ở chùa nơi tôi lần đầu xuất gia.  Ở đó cũng có một đám rước dành cho tôi.  Vị thầy giáo thời xưa ở làng Malandeniya cũng có mặt, giờ ông đã rất lớn tuổi, ông biết tôi từ khi tôi còn là chú tiểu.  Ông đã đi bộ suốt khoảng đường diễn hành, cạnh bên chiếc xe tôi đi, vịn vào xe và nói chuyện với tôi qua cửa sổ mở.  Tôi mời ông lên xe ngồi với tôi, nhưng ông từ chối.  Sau đó tôi nói, tôi sẽ xuống đi bộ với ông, nhưng ông cũng không nghe.
   Một đêm người ta tổ chức lễ tụng kinh suốt đêm cho tôi, ở một chùa ngoại ô Kandy.  Tôi không tham dự; mà chỉ lắng nghe.  Mười hai vị tăng tụng kinh cầu an cho tôi.  Tôi đã tụng những bài kinh này quá nhiều lần trong đời, để cầu an cho người khác, giờ tôi là người được cầu nguyện cho, tôi không khỏi có cảm giác bỡ ngỡ.
   Suốt năm ngày lễ hội, tôi rất cảm động khi có nhiều người tỏ lòng trân trọng công việc tôi làm, dầu phần lớn các công việc đó không xảy ra ở Tích Lan.  Suốt bốn mươi lăm năm, tôi đã dốc hết sức lực của mình để hoằng pháp ở những xứ sở xa lạ, không phải quê hương của tôi.  Nhưng tôi đã nghe nhiều vị trưỏng lão tăng khuyến khích các đệ tử trẻ của họ noi theo gương tôi, học sinh ngữ để có thể đi hoằng pháp ở nước ngoài, đem lại danh dự cho Phật giáo và Tích Lan.
   Tuy nhiên tự hào là một việc nguy hiểm. Đó là một sự bám víu mạnh mẽ và khó chế ngự. Để chiến thắng nó, tôi luôn nhắc nhở mình rằng trong suốt những năm qua, tôi chỉ cố gắng sống theo Pháp và giảng Pháp cho người khác, càng nhiều càng tốt.  Vì thế, thật ra không có gì để tôi phải tự mãn.
   Buổi tiếp đón cuối cùng là ở làng quê của tôi, Henepola.  Được tổ chức trong giảng đường của chùa.
   Người vợ góa của anh Rambanda cũng có mặt, với bốn đứa con.  Một trong những người cậu của tôi cũng đến, cùng với các cháu nội ngoại của ông.
   Ba chị em gái của tôi, Bisomanike, Bandaramenike và Sita Ekanayaka và con cái của họ cũng đã đến Kandy để chứng kiến buổi lễ hoành tráng nơi tôi chấp nhận danh hiệu Trưởng Tăng Đoàn Nayaka.  Nhưng tôi nghĩ buổi họp mặt đơn giản ở ngay tại làng quê của chúng tôi mang nhiều ý nghĩa hơn đối với tất cả chúng tôi.
   Một vị bô lão ở Henepola đứng lên chào đón khách và tôi phải khó khăn lắm mới nhận ra ông. Ông tám mươi ba tuổi, tên là Puncibanda, trùng hợp một cách ngẫu nhiên với tên cha tôi.
   "Tôi nhớ lại khi giảng đường này được xây lên," ông nói, giọng đứt quãng vì xúc động.  "Chính là cha của Bhante Gunaratana đã xây nó.  Không ai có dụng cụ máy móc vào những ngày đó, mà cũng không có nơi nào để mua gỗ tốt.  Chúng tôi chỉ có những viên gạch thô sơ, tự làm tại nhà."
   Nước mắt lăn dài trên gương mặt vị bô lão.
   "Nhưng chùa cần một giảng đường.  Chúng tôi không có nơi nào trong làng để mọi người có thể tụ họp, vì thế ông Puncibanda đã xây dựng nơi này cho chúng tôi. Ông ấy đã xây khéo đến nỗi cho tới ngày nay, bảy mươi lăm năm sau, nó vẫn còn trụ vững.  Và hôm nay chúng ta danh dự được có mặt ở đây để đón tiếp con ông ấy, người đã xuất gia, đã đi thật xa để truyền bá Phật Pháp, và đã giành được danh dự lớn lao này."
   Các chị em gái của tôi lúc đó đều khóc.  Tôi cũng cảm thấy một nỗi nghẹn ngào trào dâng trong lòng, nhưng tôi cố kiềm chế lại.  Dĩ nhiên, người tu sĩ cũng có thể và cũng khóc.  Đại đức Ananda, vị thị giả của Đức Phật, đã khóc khi sư phụ người tịch diệt.  Chính tôi cũng đã khóc mấy ngày trước đó, khi dâng chiếc mâm bạc lên vị thầy già yếu của mình.  Tôi cũng đã khóc ở đám tang của cha mẹ tôi, và ngay cả, như tôi đã kể, khi đọc bài diễn văn nói về mẹ tôi.
   Tuy nhiên lần này, tôi là Trưởng Tăng Đoàn Nayaka.  Chỉ cần nói lên danh hiệu đó cũng gợi trong lòng người ta niềm kính trọng, và đó là một danh hiệu tôi sẽ giữ cho đến cuối đời.
   Tôi muốn sống cho xứng đáng với ngày trọng đại  đó và cũng để trân trọng những người đã dành cho tôi vinh dự này.  Tôi muốn nâng niu sức mạnh và sự hoàn mỹ của một truyền thống 2,500 năm tuổi.
   Dầu vậy, mắt tôi cũng mờ lệ.  Tôi không thể kiềm chế mình.
   Suy cho cùng, tôi cũng chỉ là một đứa con.
   Một đứa con đã trở về quê hương ở Henepola.
 

<< Chương 26 | Lời Cuối >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 736

Return to top