Lúc tôi chuyển đến địa điểm mới, chúng tôi đã đào được giếng nước và đã có điện. Nhưng chỉ có khung sườn của một toà nhà dài, hẹp nổi lên giữa rừng.
Lúc đầu, mọi thứ đều ở trong một tòa nhà: nhà bếp, ba phòng ngủ và vài cái nhà tắm. Chúng tôi biến một trong những phòng ngủ trở thành chánh điện, có thể chứa khoảng mười hay mười hai người. Phòng ăn, một nơi rộng rãi cạnh bên nhà bếp, đồng thời cũng là thiền đường.
Nhà bếp có một bếp gas với hai lò nấu. Nước dùng, chúng tôi kéo từ giếng hay từ đầu suối ở phía trên của vùng đất. Nhà vệ sinh chúng tôi mướn của Port-o-Let (ND: Nhà vệ sinh di chuyển được, chỉ sử dụng tạm thời).
Không kể những tiện nghi hạn chế đó, tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy như tôi có thể thật sự phụng sự Phật pháp ở nơi này, không bị những vấn đề hành chánh, chính trị ở chùa phiền hà và tất cả những điều khó chịu khác đã khiến tôi phải đi khỏi chùa Washington. Ở đây, trong thung lũng núi hoang vắng này, tôi có thể tạo ra một nơi mà người ta có thể đến để trải nghiệm sự bình an.
Tôi không làm việc này để được nổi tiếng, để lôi kéo đệ tử hay thu gom tiền bạc. Những gì tôi muốn là để được thấy các tăng ni và thiền sinh cư sĩ đi trên những con đường sâu lắng trong thiền định và quán tưởng về Phật pháp. Tôi hy vọng rằng dần dần sẽ có nhiều người như thế giống như cây trong rừng kia!
Người bạn duy nhất của tôi trong những ngày đầu này là đại đức Yogavacara Rahula, một vị tăng sĩ Mỹ trẻ, người đã lang thang khắp châu Á và đã xuất gia vào giữa những năm 1970 ở Tích Lan. Đại đức Rahula đã nghe về chương trình xây dựng một tu viện trong rừng của chúng tôi và đã viết thư đến cho tôi ở chùa Washington, xin phép được gia nhập với chúng tôi. Đại đức đã dọn đến nơi này vào tháng 4, 1987, khi tôi vẫn còn ở chùa Washington. Đại đức đã sống trong khu nhà còn xây dở dang. Bhante La Hầu La đã chứng tỏ qua bao năm tháng là cánh tay mặt của tôi và là vị tu sĩ đầy năng lực, và đáng tin cậy nhất mà tôi đã được gặp.
Một trong những công trình đầu tiên mà Bhante Rahula đã làm được là dọn sạch một khoảng trống làm vườn rau. Để làm được điều đó, ông đã phải lượm không biết bao nhiêu đá ra khỏi đất núi nơi này. Một lần khi tôi đến thăm, ông chỉ mới bắt đầu. Hai tuần sau, khi tôi trở lại, ông đã dùng những viên đá này để làm một bức tường chắn tuyệt đẹp. Tôi đã nghĩ: đây là loại lao động cần cù mà chúng tôi rất cần để biến nơi này thành hiện thực.
Matthew Flicksteinn cũng vẫn là người bạn trung thành của tôi. Cuối năm 1987, Matt đã mua mười mẫu Anh, cạnh đất chúng tôi, và cúng dường nó cho hội Bhavana. John Hitchings, một nhà bảo trợ khác, sau đó mua khoảng đất hai mẫu, nằm giữa hai phần đất kia và cúng dường nó cho hội. Như thế tổng cộng lại chúng tôi có khoảng hai mươi lăm mẫu.
Trước đó, ngay cả trước khi tôi dọn đến địa điểm mới, chúng tôi đã giao hẹn với một người xây dựng ở địa phương. Rằng mỗi lần chúng tôi có đủ tiền ủng hộ, chúng tôi sẽ trả cho ông để ông xây thêm một ít trên khu nhà đầu tiên đó. May mắn thay, ông ta không có vẻ phiền hà gì về công việc lúc có, lúc không này.
Nền của tòa nhà đầu tiên được đổ qua ba giai đoạn, tùy thuộc vào việc gây quỹ của chúng tôi. Khung nhà và tường cũng được xây dựng theo cách đó. Đến khi phải làm mái nhà, người xây dựng đề nghị chúng tôi tự làm giàn kèo để tiết kiệm tiền. Ông ta bảo chúng tôi sẽ cần bốn mươi kèo loại thường và bốn mươi loại hình cái kéo. Chúng tôi có thể đóng những loại thường, còn loại hình cái kéo thì phức tạp hơn, vì thế ông sẽ đặt hàng. Rồi ông vẽ cho chúng tôi cách làm các loại kèo thường.
Thế là chúng tôi bắt đầu kêu gọi tình nguyện viên, yêu cầu họ mướn các dụng cụ bằng điện và mua gỗ, đinh. Chúng tôi hoàn thành bốn mươi cái kèo thường đó trong chỉ một cuối tuần. Tiếc thay, chúng không đều nhau. Người xây dựng phải sửa chữa lại nhiều cái.
Khi mái nhà đã hoàn thành với những lớp ván ốp màu đỏ đậm, rất đẹp, viên giám sát nhà trong hạt đến đánh giá chất lượng. Ông ta nhìn rồi lắc đầu.
"Chỉ một mùa tuyết là cả cái mái nhà này sẽ đổ xuống," ông ta nói.
"Vậy chúng tôi phải làm gì?" tôi hỏi.
“Ông phải dỡ xuống và làm lại,” ông ta nói.
Tôi chắc rằng ông nhìn thấy vẻ hốt hoảng trên gương mặt tôi.
"Chúng tôi là một hội nghèo,” tôi nói. “Chúng tôi làm gì có tiền để làm trở lại."
"Thôi được," viên giám sát nói. "Tôi sẽ cho ông một chọn lựa khác. Ấy là làm một cái khung hình chữ A, kích cỡ khoảng 2x10x22, rồi đóng lên các kèo. Nhưng trước hết, ông phải bảo đảm là khung kèo bằng phẳng, phải kẹp chúng lại bằng loại gỗ dán.”
Dĩ nhiên, chúng tôi phải đợi đến lúc quyên đủ tiền để mua gỗ sửa chữa. Rồi lại phải mất thêm vài tháng nữa chúng tôi mới tìm được người có kinh nghiệm làm những khung hình chữ A.
Trong lúc đó, ở chùa Washington, tôi nhận được một lá thư của Russell LaFollette, một trong những người hàng xóm của chúng tôi ở West Virginia gửi. Ông nói rằng ông để ý thấy chúng tôi chứa nhiều gỗ trong tòa nhà chánh trên đất của chúng tôi mà không có khóa hay người bảo vệ. “Như vậy không an toàn”, ông viết. “Nếu sư muốn, tôi sẽ trông chừng đồ đạc của Sư, giá ba đô một ngày.” Chúng tôi đồng ý.
Những người hàng xóm khác không tử tế như vậy. Có người không giấu sự tức bực, cho rằng chúng tôi đã xâm lấn lãnh địa của họ.
Ngay sau khi vừa mua đất, chúng tôi đã tự giới thiệu mình vời người hàng xóm gần nhất. Chúng tôi đứng bên phần đất của mình. Anh ta đứng ở bên kia.
"Đây là Bhante Gunaratana," Matt giới thiệu. "Chúng tôi vừa mua miếng đất này và chúng tôi sẽ xây một trung tâm thiền ở đây."
Người đàn ông không nói một lời. Anh ta chỉ đứng đó trố mắt nhìn chúng tôi, lạnh lùng và bực dọc.
"Thưa ông, khi nào ông có thời gian, chúng tôi xin mời ông đến tham dự tu thiền với chúng tôi," tôi nói.
"Ông muốn làm chuyện khùng điên gì thì làm," người đàn ông ngắt lời. “Còn tôi, tôi là một tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo."
Mỗi lần chúng tôi vừa dựng một thùng nhận thư trên lộ, thì nó bị đập xuống. Thật ra, thùng thư vẫn tiếp tục là mục tiêu tấn công qua bao năm tháng. Nó đã bị bắn lủng đầy lỗ, bị dán băng keo kín lại, bị đổ đầy phân chó và bị đánh cắp. Lúc đó, chúng tôi đã phải thay đến năm hay sáu thùng thư rồi.
Chúng tôi cũng dựng lên một biển báo ở cuối đường, với một mũi tên và những chữ "Làng Phật Pháp (Dhamma Village)". Trong một hay hai ngày sau, nhiều chữ đã bị bôi đen để tấm bảng được đọc trở thành "Làng Quỷ (Dam Village)" (Sau này, chúng tôi quyết định không dùng tên đó nữa mà chỉ để đơn giản là Hội Bhavana.)
Ngay trước khi xây được các dãy nhà trên miếng đất, chúng tôi đã bắt đầu tổ chức những khóa tu thiền ở đó. Lúc đầu chỉ là những khóa tu một ngày. Chúng tôi sẽ ngồi ở ngoài trời dưới gốc cây. Sau này, chúng tôi yêu cầu người ta mang theo lều bạt để ở lại qua đêm.
Từ những ngày đầu tiên khi các thiền sinh bắt đầu đến hành thiền, chúng tôi đã bị những người hàng xóm cạnh nhà quấy nhiễu. Sống ở đó là người đàn ông đã đón chào chúng tôi bằng những lời không thân thiện, vợ ông ta và hai đứa con trai. Họ thường bắn súng lên trời, chửi rủa tục tằn và để chó họ sủa không ngừng. Người vợ thường đứng trong sân, lớn giọng hát thánh ca. Còn hai con trai của họ hình như lúc nào cũng tập đánh trống vào thời khóa tọa thiền buổi tối của chúng tôi.
Chúng tôi chẳng bao giờ than phiền vì không muốn mối liên hệ với họ sẽ xấu hơn. Nhưng những người hàng xóm khác đôi khi gọi cảnh sát giùm chúng tôi. Khi cảnh sát đến, tiếng ồn ào sẽ ngưng lại được một lúc -nhưng chỉ một lúc.
Người nấu bếp cho chúng tôi một thời gian ở đó, là một người Mỹ gốc Phi châu. Mỗi lần anh bước ra ngoài, những người hàng xóm thấy anh, thì họ sẽ la to: “Cút đi, đồ mọi đen!"
Chúng tôi cũng có một nữ tu người Đức sống ở tu viện một thời gian. Cô ở trong một thất khá gần đất của gia đình kia. Một buổi chiều khi cô đang ngồi ngoài hiên, một viên đạn của loại súng BB bay vút qua đầu cô, xuyên qua cửa sổ và dính vào tường.
Sự quấy nhiễu tiếp tục suốt sáu hay bảy năm trời cho đến khi đôi vợ chồng kia ly dị và người đàn ông dọn đi. Những đứa trẻ lúc đó đã trưởng thành. Vì thế chỉ còn người vợ ở lại đó. Cũng lạ, chỉ vài năm sau đó, một trong hai người con trai của gia đình trở lại thăm nhà. Anh đi qua khu đất của chúng tôi, chào hỏi Đại đức Rahula.
“Tôi xa nhà, theo hải quân," anh ta nói, "và tôi đã đến một số quốc gia theo Phật giáo. Vì thế giờ tôi hiểu tất cả những việc này. Tôi xin lỗi vì đã làm khó dễ cho các ông. Chúng tôi chỉ làm theo lời của cha chúng tôi. Cha đã bảo các ông là những người xấu.”
Người hàng xóm khác của chúng tôi là Bernard và Aveline Denise, lúc nào cũng thân thiện. Họ sống ở phía sau chúng tôi, rồi dần dần đến năm 1991, họ bán luôn cho chúng tôi bảy mẫu đất của họ. Ngôi nhà của họ trở thành khu nội điện cho các tăng.
Vào ngày 2 tháng 10 năm 1988, chúng tôi chính thức khánh thành tòa nhà chánh. Ngoài ra cũng có ba thất bằng gỗ, làm theo khuôn mẫu của những thất một phòng ở các tu viện bên châu Á. Tới lúc đó, chúng tôi đã có điện, hệ thống ống nước. Trung tâm đã hoàn tất, sẵn sàng mọi sinh hoạt.
Một tháng sau lễ khánh thành, Matt đến tìm tôi và bảo rằng anh muốn đến Thái Lan hay Tích Lan để xuất gia làm tu sĩ.
"Đó là một ý nghĩ khá lạ lùng,” tôi nói.
“Tại sao?” anh ta hỏi.
“Vì sư có thể làm lễ xuất gia cho anh ngay tại đây.”
“Nhưng con tưởng sư đã nói là sư sẽ không làm lễ xuất gia cho con," anh ta nói.
“Đó là mười năm về trước," tôi trả lời. "Con của anh lúc đó còn nhỏ. Chúng cần anh hơn. Lúc đó điều quan trọng là anh phải ở nhà với chúng. Giờ chúng đã lớn rồi, và nếu anh được sự đồng ý của vợ thì sư sẽ rất sẵn sàng để làm lễ xuất gia cho anh tại đây. Anh có thể là tu sĩ trong một hay hai tháng."
Matt rất vui mừng.
Ý nghĩ trở thành một tu sĩ tạm thời (ND: gieo duyên) không lạ lùng như ta thoạt nghe. Ở một số quốc gia theo Phật giáo, thanh niên phải trải qua một thời gian, đôi khi là một năm, sống trong tăng đoàn. Sau đó, họ hoàn tục, trở lại đời sống cư sĩ. Đôi khi những người lớn tuổi đã lập gia đình sẽ xuất gia trong một hay hai tháng trong mùa mưa hay có thể chỉ một vài tuần, để hồi hướng cho cha mẹ quá cố của mình.
Nhưng trước khi có thể làm lễ xuất gia cho Matt hay bất cứ ai khác, chúng tôi phải thành lập một sima ở hội Bhavana. Sima là một khu thiêng liêng, dành cho các nghi lễ đặc biệt ở tu viện. Nó có thể là một ngôi nhà, một chiếc thuyền, một hang động hay chỉ là một khoảng không gian mở được đánh dấu bằng những lằn ranh. Trong tiếng Pali, sima có nghĩa là ranh giới. Các tăng ni thường họp lại trong sima, hai lần mỗi tháng để sám hối và trì tụng các giới luật trong tu viện. Các cư sĩ không thể dự các buổi họp này. Vào những dịp khác, như là lễ xuất gia, cư sĩ được mời vào sima để chứng kiến những gì đang diễn ra.
Sima đôi khi còn thiêng liêng hơn cả điện thờ. Thiết lập một sima mới là một nghi lễ linh thiêng đến nỗi bất cứ vị tăng nào được mời đến dự cũng không thể từ chối. Nếu đến trễ, thì vị ấy không được phép tham gia nghi lễ và phải đợi ở bên ngoài.
Một sima lúc nào cũng được bao bọc bởi tám hòn đá. Có đầy đủ những lời hướng dẫn trong việc chọn kích cỡ đá cũng như cách xếp đặt chúng.
Matt đem tôi đến một mỏ đá, và tôi bảo người cắt đá chúng tôi cần những gì: tám hòn đá, mỗi hòn kích thước ngang 12 inches*, cao hai feet* rưỡi và dày ba inches*.
Vì chúng tôi không có khả năng để xây một tòa nhà làm sima, chúng tôi quyết định thiết lập nó trong ngôi thất nhỏ của tôi, đã được xây đầu năm đó, do Matt cúng dường.
Tôi định nếu chúng tôi thiết lập được sima và làm lễ xuất gia cho Matt trong cùng một ngày, thì thật là duyên lành. Chúng tôi định ngày đó là 22 tháng 7, năm 1989.
Trong lúc đó, có hai người khác nữa cũng đến trung tâm chúng tôi xin xuất gia: Misha Cowen, một phụ nữ trẻ ở California, người đã mơ thấy được trở thành một nữ tu sĩ, và Tom West, ở Vancouver, Canada cũng muốn thề nguyện làm tỳ kheo. Sau khi quán sát cả hai trong vài tháng, tôi thấy rằng họ đã sẵn sàng cho cuộc sống không nhà. Tôi sẽ xuất gia cho họ trong cùng buổi lễ với Matt.
Chúng tôi muốn có càng nhiều các tu sĩ tham dự buổi lễ quan trọng này càng tốt. Vì thế chúng tôi mời ba mươi lăm tăng sĩ phái Nguyên thủy ở khắp nơi trên nước Mỹ gồm: người Sinhala, Thái, Lào, Campuchia, Việt Nam và Burma, cũng như một tu sĩ đại thừa Nhật Bản và hai vị ni theo Đại thừa.
Vào buổi sáng tiến hành buổi lễ, tất cả chúng tôi họp lại trên sàn gỗ dán mà chúng tôi đã dựng lên ở chỗ sima. Một phóng viên ảnh của viện Smithsonian có mặt để ghi lại phóng sự cho cả ngày hôm đó. Tôi yêu cầu ba người -Matt, John Hitchins và Daniel Cory –chính thức trình giấy tờ của ba miếng đất mà chúng tôi sở hữu. Rồi sau đó là thời gian dành cho sima.
Tám hòn đá đã được đặt cẩn thận thành vòng tròn quanh sima. Mỗi hòn đá có một vị tăng đứng cạnh.
Với sự trịnh trọng, vị tăng cao niên nhất, hòa thượng tiến sĩ Havenpola Ratanasara Mahathera, đi từ hòn đá này đến hòn đá khác, bắt đầu từ hướng đông. Khi đối mặt với vị tăng đứng ở mỗi hòn đá, vị tăng ấy sẽ nói: "Đây là hòn đá của phương đông, thưa Thượng tọa.” Hay "Đây là hòn đá của đông nam, thưa Thượng tọa.”
Sau khi đi hai vòng qua các hòn đá, vị sư trưởng sẽ dừng lại và xướng lên một cách trịnh trọng, "Đây là giới hạn của sima này."
Sau đó tôi tuyên bố rằng nghi lễ xuất gia sẽ diễn ra sau giờ thọ trai, lúc 2 giờ chiều.
Trong lúc thọ trai, vị tu sĩ người Nhật Bản tiến lại phía tôi và yêu cầu tôi xuất gia cho ông nữa. Ông muốn trở thành một tu sĩ theo phái Nguyên thủy và tôi nhận lời.
Vì thế ngày hôm đó, chúng tôi xuất gia cho ba người nam và một nữ. Tôi đặt danh hiệu cho Matt là Sumati, có nghĩa là "Chánh Giác." Tom West trở thành Sona, hay "Vàng" -là tên của một tu sĩ được vua Ashoka xưa kia gửi đi làm nhà truyền giáo Phật giáo. Và người phụ nữ trẻ ở California có tên là Sister Sama, nghĩa là "An Bình."
Sumati và Sona, cả hai đều thọ giới sadi và giới trọng trong một ngày và vị tăng sĩ người Nhật, vì ông đang là tu sĩ nên chỉ thọ giới trọng. Tuy nhiên Sister Suma xuất gia chỉ làm sadi ni.
Truyền thống Phật giáo đòi hỏi phải có ít nhất năm vị tu sĩ chứng kiến buổi lễ xuất gia. Khi ni chúng Nguyên thủy tan rã vào thế kỷ thứ 10 sau công nguyên, do thiếu sự ủng hộ, không còn có người nữ tu sĩ nào đã thọ đầy đủ giới để làm chứng cho lễ xuất gia của các nữ tu trẻ. Đó là một bức xúc đối với phụ nữ ngày nay nếu họ muốn xuất gia tu theo Nguyên thủy. Mãi đến gần đây, họ vẫn phải bằng lòng ở một vị trí lừng chừng, chỉ là thức xoa thọ mười giới. Đó đã là nguyên nhân gây bất hòa trong cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy nhiều năm nay.
Tôi biết rằng vấn đề đó sẽ được đặt ra khi chúng tôi bắt đầu thọ giới cho nhiều người ở hội Bhavana. Người nữ sẽ muốn trở thành những nữ tu sĩ thọ đủ giới. Tôi phải quyết định mình sẽ làm gì.
Đức Phật đã đề ra những hướng dẫn chi tiết về việc xuất gia cho người nữ, nhưng ngài chẳng bao giờ nói rằng chỉ có nữ tu sĩ mới có thể thực hiện lễ xuất gia cho nữ cư sĩ. Ngài cũng không bao giờ nói rằng nếu các ni đoàn có bị tan rã, họ sẽ không được thiết lập lại ni đoàn khác. Từ đó tôi kết luận rằng không có lý do gì tăng sĩ không thể làm lễ thọ giới cho người nữ.
Ngoài ra tôi được biết hòa thượng Havenpola Ratanasara Mahathera, vị tỳ kheo người Sinhala rất được kính trọng, người đã khánh thành sima cho chúng tôi, đã truyền giới xuất gia cho một người phụ nữ Thái ở California.
Vì thế khi Misha Cowen đến hội Bhavana để hỏi xem cô có thể trở thành một nữ tu sĩ không, tôi đã bằng lòng. Tuy nhiên vì cô mới biết Phật pháp, tôi bảo cô trước hết phải làm thức xoa. Tôi biết rằng mình không thể làm lễ thọ đại giới cho cô mà không có sự ủng hộ của tăng đoàn, nhưng tôi hy vọng rằng tới lúc cô đã sẵn sàng thọ đầy đủ giới, thì đã có các tỳ kheo ni với đầy đủ giới, lúc ấy tôi có thể gửi cô đến đó.
Một vài tăng sĩ biết chuyện tôi đang dự định làm, họ yêu cầu tôi đừng xuất gia cho cô. Tôi lễ phép trả lời rằng ý tôi đã quyết, vì thế cô đã trở thành Sister Sama ở buổi lễ xuất gia đầu tiên tại Hội Bhavana.
Từ lúc đó đến nay, tôi đã làm lễ xuất gia cho năm phụ nữ khác nữa. Tất cả họ đều được nhận vào làm thức xoa. Một số người cũng chỉ muốn xuất gia gieo duyên trong thời gian ngắn, vì thế sau đó họ rời khỏi Hội Bhavana. Trong những người này, có một phụ nữ người Đức, đã trở thành Sister Sucinta, tiếp tục tu lên thọ đại giới vào năm 1997 ở Bodhgaya, Ấn Độ. Cô đã tham dự một buổi lễ thọ giới đông đảo với hàng chục các vị thức xoa khác. Có các tăng sĩ phái Đại thừa và Nguyên thủy đều tham dự buổi lễ truyền giới đó.
Trước lễ xuất gia đầu tiên của chúng tôi ở Bhavana vào tháng 7, năm 1989, tôi chỉ làm lễ xuất gia cho một người khác, một cậu bé mười lăm tuổi ở chùa Phật giáo Washington, người muốn được xuất gia trong một thời gian ngắn. Tôi chưa bao giờ thực hiện nghi lễ xuất gia khi tôi ở Á châu.
Vì thế đó là một ngày trọng đại cho tất cả chúng tôi. Hội Bhavana đã dựng được sima và cũng đã thâu nhận các vị tăng và ni đầu tiên của Hội.
Giấc mơ của tôi về một tu viện ở trong rừng đã thành hình. Tôi thật vui mừng không thể diễn tả nên lời.