Vào ngày 5 tháng 11, 1958, tàu dừng ở Penang, thành phố lớn thứ hai ở Malaysia. Malaysia vừa giành được độc lập từ người Anh một năm trước đó, vì thế nó vẫn còn những nét đặc biệt của một thuộc địa. Nó sạch sẽ và tối tân hơn ở Ấn Độ nhiều. Đường xá được sửa sang tốt đẹp và sự nghèo đói dường như không có mặt. Không có người ăn xin, và người đi trên đường phố đều ăn mặc lịch sự. Có rất nhiều ngôi chùa Trung Hoa tráng lệ với các pho tượng Phật vĩ đại. Những ngôi chùa này luôn đầy các Phật tử đến dâng cúng hoa quả và đốt nhang. Ở khu vực chợ, các bảng hiệu bằng chữ Trung Hoa được gắn trên hầu hết các tiệm.
Đó là một xứ sở đẹp đẽ khiến tôi nhớ đến Ceylon –với những núi, những mùa mưa nhiệt đới, đồng lúa, đồn điền cao su và dừa- và ở đây cũng có hầu hết các loại rau cải của vùng nhiệt đới. Vì đất đai mầu mỡ và khí hậu ấm áp, có thể trồng được nhiều loại hoa mầu. Ngoài gạo, còn có cao su và trà, người nông dân Malaysia cũng trồng đu đủ, xoài, chôm chôm, sắn, khoai tây, mít, và chanh.
Tôi ở một tuần tại chùa Phật giáo Mahindaram, với tư cách là khách của lão sư Kamburupitiye Gunaratana. (Ông cũng là một trong vài tu sĩ cùng tên Gunaratana mà tôi đã được gặp gỡ trong đời. Tất cả chúng tôi đều không có liên hệ gì với nhau. Chỉ là vì chúng tôi được đặt cùng một họ Pali lúc xuất gia. Chỉ có tên gọi của chúng tôi -thường là tên làng quê của mỗi người- là khác). Ông là một vị trưởng lão tăng, là vị tỳ kheo Phật giáo trưởng thượng ở Malaysia.
Mỗi ngày vào giờ thọ trai, các tín đồ người Trung Hoa vây quanh ngài để cúng dường cho ngài một dĩa đồ ăn đặc biệt. Khi vị lão sư Kamburupitiye dùng xong, ông trộn tất cả những thứ còn lại với nhau –cơm, thịt, rau, trái cây và đồ ngọt. Rồi thì các đệ tử sắp hàng để được nhận một phần nhỏ thực phẩm đó, mà theo họ chứa đựng sự chúc phúc của ngài.
Vài năm sau đó khi ông mất, có người nói ông là một vị A-la-hán đã hoàn toàn giác ngộ.
Khi lão sư Kamburupitiye gặp tôi lần đầu tiên, ông có vẻ rất thích thú. “Tôi không nghĩ chú nên xuất gia,’ ông nói. “Chú chưa đầy mười tám tuổi. Chú còn quá trẻ để thọ giới tỳ kheo.”
Tôi cười. Lúc đó tôi đã ba mươi tuổi, nhưng trông như là một sadi.
Khi tôi đến Kuala Lumpur, tôi được đón tiếp bởi vị tu sĩ nổi tiếng, người đã mời tôi đến Malaysia: thượng tọa Dhammanda. Ngôi chùa nơi tôi đến cư trú gồm có hai phòng ngủ, một phòng ăn và một nhà bếp, hai phòng tắm, một chánh điện và một giảng đường rộng lớn có thể chứa đến khỏang bốn mươi người.
Ngôi chùa nầy chánh yếu là để phục vụ cho khoảng năm mươi gia đình người Sinhala sống ở Kuala Lumpur. Có vài Phật tử người Trung Hoa cũng đến. Chùa thường có những buổi tụng kinh, những lớp học giáo lý và những buổi thuyết pháp vào ngày chủ nhật.
Tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi cần phải trau dồi thêm tiếng Anh của mình nếu tôi muốn được trở thành một người giảng pháp hữu hiệu ở chùa. Các bậc phụ huynh người Sinhala yêu cầu chúng tôi giảng pháp cho con họ bằng tiếng Sinhala, nhưng lũ trẻ lớn lên ở Malaysia, phần lớn nói tiếng Mã Lai hay tiếng Anh. Khi cha mẹ đem chúng đến chùa, chúng không cảm thấy tự nhiên khi ở quanh những vị sư chỉ nói với chúng bằng tiếng Sinhala.
Vì thế tôi quyết định giảng trong phần lớn các lớp học pháp vào ngày chủ nhật bằng tiếng Anh, để làm cho các em nhỏ cảm thấy dễ chịu và muốn lắng nghe. Tôi bắt đầu bằng cách kể các câu chuyện Phật pháp.
Một vài người Sinhala chỉ trích tôi vì đã giảng Pháp bằng tiếng Anh, nhưng những người trí thức ủng hộ tôi. Họ nhận thấy giá trị của việc cho con họ học Pháp bằng tiếng Anh.
Một ngày kia, một người Trung hoa đến chở chúng tôi đi làm đám táng cho một người quen. Trên đường đi ông hỏi chùa chúng tôi có cần giúp đỡ gì không. Chúng tôi bảo rằng lớp học giáo lý ngày chủ nhật, học sinh ghi danh ngày càng tăng, và chúng tôi cần một ngôi nhà rộng hơn để chứa tất cả học sinh. Người đàn ông suy nghĩ một lúc, rồi anh ta cho chúng tôi biết một điều rất thú vị.
Ông bảo rằng ông là thành viên của hội xổ số Malaysia, và đôi khi, vì lý do gì đó, người trúng số không đến lãnh thưởng. Khi điều đó xảy ra, tiền trúng số sẽ được tặng cho mục đích từ thiện.
"Lần sau, tôi sẽ đề nghị với hội đồng để cúng số tiền thưởng không người nhận đó cho chùa của quý sư," người đàn ông nói.
Một vài tháng sau, ông ta bỗng nhiên xuất hiện với tấm ngân phiếu tương đương với bốn chục ngàn đô la Mỹ. Với số tiền đó, chúng tôi đã xây một tòa nhà mới thật đẹp cho lớp học giáo lý ngày Chủ nhật.
Gần một năm sau ngày tôi đến Malaysia, vào khoảng cuối tháng 9, 1959, thủ tướng Ceylon bị bắn chết ở nhà riêng tại Colombo. Kẻ sát thủ mặc đồ nhà sư. Ngày hôm sau tôi tổ chức một buổi lễ cầu siêu cho ông ở chùa chúng tôi.
Buổi chiều hôm đó, khi mọi người bắt đầu đến chùa, chúng tôi ngồi ở ngoài hiên để bàn luận về tai họa đó. Bỗng nhiên tôi nghe ồn ào. Ông K.A.Albert, lãnh tụ của cộng đồng người Sinhala ở Kuala Lumpur, xải bước vào hiên, trông rất giận dữ.
Ông la hét tôi vào mặt tôi bằng những ngôn ngữ hết sức thô tục. Ông tức giận vì một nhà sư Phật giáo đã ám sát Thủ tướng và ông bắt đầu la hét nhục mạ tăng đoàn.
"Thưa ngài Albert," tôi nói, "thật không công bằng khi ông kết tội tất cả các tu sĩ, chỉ vì một người mặc áo tu sĩ làm điều gì sai trái. Người đó cũng chưa chắc là tu sĩ. Có thể ông ta chỉ mặc áo nhà sư để trá hình, để ông ta có thể đến gần Thủ tướng."
Không hiểu vì sao những lời tôi nói càng làm ngài Albert thêm tức giận. Ông nhào đến tôi, vung cú đấm. Vị Đại sứ người Sinhala đang ngồi với tôi ngoài hiên, nhảy vào giữa để ngăn cản ông. Ngài Albert dần dần bình tĩnh lại và ra về. Ông từ chối không ở lại dự buổi lễ cầu siêu.
Khuya đó, người nhà của ngài Albert gọi để báo cho tôi biết ông phát bịnh nặng, sốt cao, ói mửa và tiêu chảy. Họ yêu cầu tôi đến nhà để tụng kinh cầu an cho ông.
Tôi đã đến, nhưng thấy ông nằm quay mặt vào tường, xoay lưng ra phía tôi. Ông không nói gì cũng không nhìn đến tôi. Dầu vậy, tôi đã tụng kinh, rồi cột một sợi dây chúc phúc theo truyền thống, quanh cổ tay ông. Ông không chống đối nhưng cũng chẳng nói một lời nào.
Một vài ngày sau đó, tình trạng sức khoẻ và tâm lý của ngài Albert đã ổn định hơn. Cảm động vì lòng tử tế của tôi hay có lẽ vì đã khỏi bị cơn sốt hành hạ, ông đã điện thoại mời tôi đến dùng bữa trưa tại nhà ông. Tôi nghĩ rằng đó là cách ông xin lỗi và cũng thử xem tôi có giận ông không. Khi tôi nhận lời mời, ông biết rằng tôi không có gì chống đối ông. Ông tự chiêu đãi tôi bữa trưa rất thân tình.
Những ngày tôi ở chùa Kuala Lumpur khá bận rộn. Tôi giảng pháp bằng cả hai thứ tiếng Anh và Sinhala vào mỗi ngày rằm và mỗi chủ nhật. Tôi cũng dạy giáo lý vào ngày chủ nhật cho các em nhỏ và phụ trách lớp hàm thụ về Phật giáo cho những ai thích học qua đường bưu điện.
Khóa học có mười hai bài cho những người mới bắt đầu và mười hai bài trình độ nâng cao, tất cả là về cuộc đời của Đức Phật và giáo lý của Ngài. Tôi có người phụ tá giúp tôi gửi đi các thư từ tài liệu. Công việc in ấn, copy các bài giảng rất tỉ mẫn; tốn thì giờ; chúng tôi tạo bản in trên một bàn máy chữ đánh tay bằng cách đánh vào một miếng phim mỏng, có sáp, xong rồi dùng phim đó để quay ra những bảng copy nhòe nhẹt trên một máy in quay bằng tay (in roneo).
Mỗi bài học kết thúc với một số câu hỏi để học viên làm bài trả lời. Khi bài làm được gửi trả lại qua đường bưu điện, tôi sẽ chấm bài, rồi gửi bài trả lại cho học viên.
Nhiều năm sau, khi qua Mỹ, tôi đã gặp lại những người có duyên được biết đến Phật pháp lần đầu tiên là qua những khóa học hàm thụ này.
Ước muốn được hoàn thiện tiếng Anh vẫn cháy bỏng trong tôi như một ngọn lửa không thể tắt. Đầu tiên, tôi dự các lớp học buổi chiều ở một trường của Ấn Độ giáo, rồi đến một trường trung học tư nơi vị hiệu trưởng cho phép tôi được học miễn phí. Sau này, tôi đến một trường tư thục khác gần chùa hơn, và khi đến đó thì các vị thí chủ ở chùa đã hỗ trợ tiền học cho tôi.
Năm 1960, tôi quyết định dự kỳ thi ngoại khóa của đại học Cambridge, do Bộ Giáo dục Malaysia tổ chức. Đó là một phần ảnh hưởng của người Anh còn sót lại ở nơi này.
Có nhiều trình độ, tất cả đều bằng tiếng Anh. Trình độ thấp nhất gọi là kỳ thi trắc nghiệm tương đương với trình độ lớp chín, trình độ kế tiếp, kỳ thi Senior Cambridge, thì bằng trình độ lớp mười. Cuối cùng kỳ thi chứng chỉ Trung học Cambridge, thì giống như kỳ thi tuyển sinh vào Đại học ngày nay, dành cho những học sinh trình độ lớp mười hai. Ai qua được kỳ thi đó, sẽ được vào đại học Cambridge hay đại học Malaysia.
Tôi hy vọng được vào đại học Malaysia. Tôi nghĩ một bằng cấp đại học có thể là tấm bùa giúp tôi được kính trọng giữa những người thuộc mọi trình độ học vấn. Tôi nghĩ rằng mình càng có nhiều tri thức thì càng có nhiều người lắng nghe các bài thuyết pháp của tôi.
Khi tôi ghi tên để tham dự kỳ thi trắc nghiệm, thì chỉ cần thi tiếng Anh. Rồi trong lúc tôi đang chuẩn bị, thì điều kiện thi lại thay đổi. Từ đó trở đi, phải thi luôn cả môn toán nữa.
Tôi chỉ có tám tháng để chuẩn bị, vì thế tôi mượn một số sách giáo khoa về toán của thầy giáo, rồi bắt tay vào học. Tôi học với một thanh niên Trung Hoa đến viếng chùa và cũng sẽ dự thi. Tôi đã vượt qua được kỳ thi đó.
Năm sau, tôi dự kỳ thi cấp cao hơn và cũng thành công. Hai năm sau đó, tôi lại dự kỳ thi lấy bằng Trung học Cambridge, nhưng tôi làm bài không được tốt. Tôi phải thi lại hai lần nữa mới qua được. Đến năm 1964, tôi đã đậu với hai môn thi được điểm xuất sắc và hai môn điểm trung bình. Tôi nghĩ vậy là đủ để tôi được tuyển vào đại học Malaysia. Nhưng khi nộp đơn xin học, tôi bị từ chối. Thật là một sự thất vọng não nề cho tôi.
Trong lúc đó, ngày càng có nhiều người Trung Hoa đến chùa chúng tôi. Năm 1961, đại sư Dhammananda mời vài vị Phật tử Trung Hoa nổi tiếng để tham gia với ông trong việc thiết lập một Hội Truyền Giáo Phật giáo. Đó là cách để tỏ lòng trân trọng đối với nhiều sự đóng góp của họ ở chùa.
Ngay sau khi Hội vừa được thành lập, càng có nhiều người Trung Hoa đến chùa hơn, đem lại nhiều tiền cho chùa hơn. Đại sư Dhammananda bắt đầu ấn tống sách Phật giáo để phân phát khắp thế giới. Ông du hành xuyên suốt Mã Lai để thuyết pháp và thành lập nhiều đạo tràng Phật giáo hơn. Ông cũng xuất bản một tạp chí gọi là Tiếng Nói của Phật giáo.
Trong cùng năm đó, chúng tôi mở thêm một trường dạy ban ngày cho các em nữ ở chùa. Gần hai trăm học sinh ghi danh. Bên cạnh các hoạt động khác, tôi bắt đầu dạy ở đó nữa. Cuối năm 1961, tôi được mời tháp tùng một vị tu sĩ khác đi qua Thái Lan. Đây là lần đầu tiên tôi đến đó, và tôi đã mời một nhà bảo trợ, ngài R.A.Janis, đi cùng với tôi. Trên đường đi, chúng tôi dừng lại một chùa ở Penang, và khi đang ở đó, tôi bắt đầu cảm thấy đau ở một bên thận. Suốt mấy ngày, tôi đi tiểu ra máu và cuối cùng tôi phải nhập viện. Bác sĩ khám phá tôi bị sỏi thận nên cho uống thuốc trụ sinh. Dầu hồi phục, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ tống được viên sỏi đó ra khỏi người.
Sau hai năm ở chùa tại Kuala Lumpur, tôi được nghỉ phép. Hội bảo trợ chùa tặng tôi một vé tàu để về thăm nhà ở Ceylon. Vào tháng 12, năm 1962, chỉ một hay hai ngày trước sinh nhật thứ ba mươi lăm, tôi đi Singapore, nơi tôi dự định sẽ ở lại vài ngày, thăm viếng các chùa trước khi tàu nhổ neo về quê tôi.
Vào ngày 14 tháng 12, tôi gửi hành lý ra bến cảng trước để hai ngày sau khi chúng tôi xuống thì đã có sẵn. Buổi chiều hôm đó, khi đang tiếp chuyện với một số người sau giờ thọ trai, bỗng dưng tôi cảm thấy rất đau ở ngực. Tôi xin lỗi và đi nằm. Mồ hôi vã ra như tắm. Dần dần sự đau đớn trở nên quá khủng khiếp đến nỗi tôi bất tỉnh.
Vị sư trưởng ở chùa tôi đang thăm viếng phải gọi xe cấp cứu. Trên đường tới bệnh viện, cơn đau dường như quá sức chịu đựng của tôi. Tôi cảm giác như có một bàn tay khổng lồ nào đang bóp mạnh trái tim tôi. Khó thở đến độ tôi nghĩ là mình sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.
Nhưng tôi đã đến được bệnh viện và không lâu sau đã nằm trong phòng cách ly, với tấm biển treo trên cửa “Không được thăm viếng". Bác sĩ bảo rằng tôi đã bị một cơn nhồi máu cơ tim nhẹ, nhưng ông không cho tôi thuốc gì; chỉ bảo tôi hãy nằm nghỉ ngơi.
Hai ngày sau, tôi cảm thấy khỏe hơn nhiều. Buổi sáng khi tôi thức dậy, cơn đau đã qua và tôi cảm thấy bình thường trở lại. Tôi nhận ra đã là ngày 16 tháng 12 và tàu sẽ ra khơi với hành lý của tôi trên đó. Tôi gọi y tá, bảo rằng tôi cần phải rời bệnh viện ngay. Người y tá gọi bác sĩ.
“Sư điên chưa?” bác sĩ nói khi ông đến bên giường tôi. “Mới hôm kia sư bị nhồi máu cơ tim mà giờ sư muốn ra viện?”
“Tôi thấy khỏe rồi,” tôi chống chế. “Tôi không còn thấy đau, hay mệt. Tôi phải đi.”
Ông nói một cách nghiêm khắc, “Tôi không thể cho Sư ra viện.”
Chúng tôi đôi co qua lại vài phút. Tôi giải thích rằng hành lý của tôi ở trên chiếc tàu sắp ra khơi, rằng tôi đã viết thư báo tin với thân quyến ngày tôi đến Ceylon.
Cuối cùng vị bác sĩ nhượng bộ, nhưng ông bắt tôi ký giấy nói rằng tôi tự ý rời khỏi bệnh viện, không theo lời khuyên của ông. Tôi đi ngay ra bến tàu, lên tàu, và bảy ngày sau tôi đã đến Ceylon.
Và từ đó tôi không có vấn đề gì về tim nữa. Mỗi ngày sau giờ ăn tôi đi bộ vài cây số. Bác sĩ mà tôi đi khám bây giờ đều nói rằng tôi có trái tim của một người thanh niên.
Mặc dầu thế, có một việc tôi vẫn làm mỗi ngày, một sự thực hành tôi vẫn làm từ năm hai mươi tuổi: quán tưởng về cái chết của bản thân.
Mỗi đêm khi lên giường, ngay trước khi ngủ, tôi quán tưởng, “Tôi có thể chết tối nay. Tôi có thể chẳng bao giờ thấy ngày mai.” Khi tôi đi bộ hằng ngày, tôi quán: “Tôi có thể bị đụng xe.” Khi đi máy bay, tôi quán: “Máy bay có thể gặp nạn.” Khi tôi lái xe, tôi quán: “Tôi có thể bị tai nạn.”
Có thể vì tôi đã có vài kinh nghiệm suýt chết đuối lúc còn trẻ, nên trong đầu tôi luôn nghĩ về cái chết. Nó đã có ở đó tự lúc nào tôi không biết, nhưng chắc chắn nó không phải là một ám ảnh đen tối. Nó có nhiều mặt tích cực -một cơ hội, một sự nhắc nhở để ta thực hành Pháp một cách tinh tấn.
Chúng ta chẳng bao giờ biết mình còn lại bao nhiêu thời gian.