Tình Muộn
Ái Khanh
“Thúy Vi, 18 tuổi, mồ côi cha lẫn mẹ và đã gặp nhiều bất hạnh trên đường vượt biển tìm tự do, mong chờ được ân nhân bảo lãnh sang Hoa Kỳ, hứa sẽ không làm tuyệt vọng ân nhân. Thư về Nguyễn Thúy Vi, BL1648, Camp Pulau Bidong, Malaysia.”
Khánh đặt tờ báo xuống sau khi đọc xong mục nhắn tin, một chút gì nghẹn ngào ở cổ. Sau khi cơm nước xong Khánh bắt đầu biên một lá thư ngắn gọn cho người con gái chưa quen và thư gởi đi Khánh bắt đầu chờ đợi...
Hơn một tháng sau, Khánh nhận được thư hồi âm. Lời thư thật nồng ấm, nhẹ nhàng, nét chữ đều đặn khiến cho Khánh một ấn tượng tốt về người con gái mà chàng định sẽ bảo lãnh. Để chứng tỏ mình muốn bảo lãnh vì sự cảm thông cho hoàn cảnh, chàng đã xưng “chú” với cô bé để cô ta được vững tin hơn. Thư qua lại hơn 2 năm thì Thúy Vi cho biết tin đã được phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Khánh cũng vui mừng không kém. Và chỉ thêm 5 tháng sau là Khánh được hội U.S.C.C. báo tin cho biết ngày giờ Thúy Vi đến Hoa Kỳ.
Khánh hồi hộp ngồi đợi ở phi trường suốt 2 tiếng đồng hồ. Chàng chưa biết cuộc hội ngộ ra sao nên không rủ bạn bè đi đón.
Khi tiếng cô nhân viên hàng không cất lên thông báo chuyến bay đã đáp xuống phi đạo, Khánh bỗng nhiên thấy lúng túng... Chàng hít thở đều hòa để lấy bình tĩnh vì từ 2 năm rưỡi nay ngoài những lời thăm hỏi chàng chưa bao giờ dám xin hình vì sợ Thúy Vi hiểu lầm. Bây giờ chàng mới thấy mình ngớ ngẩn. Tuy nhiên chàng vẫn còn nhớ lá thư sau cùng có đoạn: “Hôm ấy cháu sẽ mặc quần tây đen và chiếc áo chemise màu hồng phấn để chú dễ nhận diện...”. Nhìn từng người bước vào cửa phòng đợi mà vẫn chưa thấy người nào mặc áo hồng phấn, Khánh bứt rứt, bồn chồn... Nhưng rồi cuối cùng rồi Thúy Vi cũng bước ra. Nhìn nhau một lúc rồi Khánh mới hỏi:
- Có phải Thúy Vi không?
Thúy Vi tươi cười gật đầu:
- Chú là chú Khánh đó hả?...
Rồi cả hai lấy được tự nhiên, nói cười tíu tít. Khánh nhìn quanh như cố ý hỏi dò hành trang của nàng, Thúy Vi hiểu ý:
- Cháu chỉ có mỗi túi xách nầy thôi.
Và rồi cả hai thong thả bước ra bãi đậu xe. Thúy Vi nghịch ngợm:
- Chú xưng chú và bảo hơn cháu 10 tuổi nhưng giờ cháu mới thấy mình già quá!
Khánh hấp tấp:
- Không, không đâu! Thúy Vi trẻ hơn chú tưởng tượng nhiều lắm!
Đêm ấy Khánh và Thúy Vi đã thức gần đến sáng để trò chuyện. Lần đầu tiên Thúy Vi được ở riêng trong một căn phòng gọn gàng, sạch sẽ nàng rất vui thích...
Qua hôm sau, Khánh dẫn Thúy Vi đi phố sắm quần áo. Thúy Vi rất dè dặt, nàng chỉ lấy hai bộ và một ít vật dụng cần thiết.
Sau một tuần nghỉ phép Khánh đã đi làm trở lại và hằng ngày Thúy Vi đi xe bus đến trường học Anh văn. Buổi chiều 3 giờ là Thúy Vi đã về đến nhà, nàng bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, nấu những món ăn vừa miệng cho Khánh.
Mỗi lần về nhà là Khánh thấy nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, bếp núc sạch bóng và lúc nào cũng sẵn sàng cơm nóng, canh sốt khiến cho Khánh thấy lòng vui sướng hẳn lên. Lòng thầm cám ơn thượng đế đã đem đến cho chàng một niềm hạnh phúc vô biên... Lòng thầm yêu Thúy Vi nhưng chàng không dám nói vì sợ tan vỡ mộng đẹp! Thúy Vi chăm sóc cho chàng từng li từng tí rất chu đáo song lúc nào cũng gọi chú xưng cháu rất lễ độ. Điều nầy càng khiến cho Khánh càng khó ngỏ lời hơn.
Trong bữa cơm Khánh thường bảo:
- Từ lúc có cháu chú thấy mì gói dở tệ!
Thúy Vi cười trêu:
- Đúng là có mới nới cũ...
Bạn bè của Thúy Vi chỉ là những người bạn còn kẹt lại ở đảo, Khánh thường xuyên mua tem cho nàng gửi thư. Thúy Vi thường lý luận đã trải qua những ngày tháng đau khổ ở đảo nên hiểu bạn bè rất cần sự an ủi của những kẻ may mắn, Khánh đồng ý và thỉnh thoảng cho nàng tiền để gửi cho bạn bè. Thúy Vi thích thú mỗi khi có thư bạn cho biết đã nhận tiền và gửi lời cám ơn chú Khánh và Khánh cũng thấy hãnh diện trong “trò chơi” đó.
Cho đến một ngày Khánh xin nghỉ phép một buổi chiều. Khánh về đi phố và mua một chiếc nhẫn kim cương nhỏ, với ý định sẽ tỏ thật nỗi lòng của mình và sẽ cầu hôn với Thúy Vi nếu nàng không chê chàng ... “già”.
Giấu chiếc hộp trong túi quần, Khánh mở cửa bước vào nhà. Thúy Vi đang ngủ nơi sofa với tiếng nhạc nhè nhẹ trong phòng. Nhìn làn da trắng mịn với những cọng tóc lòa xòa trên trán, đôi môi hồng với sống mũi cao, Khánh như chôn chân tại chỗ. Bỗng Thúy Vi giật mình mở choàng mắt ra thấy Khánh, nàng mỉm cười bảo:
- Ngủ mê quá chú về mà cháu không biết.
Khánh tự nhiên đâm ra lúng túng, chàng ú ớ:
- Ừ thôi... dậy chú có chuyện này muốn nói với cháu.
Thúy Vi cũng bật dậy:
- Hôm nay cháu cũng có chuyện nầy muốn nói với chú.
- Vậy hả? Chuyện gì vậy nói đi.
- Không, chú nói trước!
- Không, chú muốn nghe cháu nói trước!
- Thôi thì hai chú cháu mình “oảnh tù tì”. Ai thua, nói trước nha!
- Ừ cũng được.
Và rồi Thúy Vi thua. Nàng ngồi thẳng người, tay cầm cái gối ôm trước ngực và bắt đầu nói:
- Thưa chú, từ hơn nửa năm nay cháu...
Nói đến đó Thúy Vi nghẹn ngào một lúc còn Khánh thì:
- Ơ... , cháu đừng có bận tâm điều nầy, có gì cứ nói tiếp đi!
- Sau những giây phút xúc động, Thúy Vi tiếp tục nói:
- Ơn của chú như trời như biển không biết đến bao giờ cháu mới trả nổi, cho nên, ...
Thúy Vi lại nghẹn ngào. Khánh trong lòng bấn loạn, chàng muốn nhân dịp nầy nắm tay Vi bày tỏ hết nỗi lòng của mình. Nhưng sao chàng cứ ngồi chết trân một chỗ. Còn Thúy Vi khóc một lúc rồi lại tiếp tục:
- ... Cho nên hôm nay cháu xin báo tin cho chú rõ là người bạn trai của cháu ở đảo đã tới Hoa Kỳ. Anh ấy có người chị ở California bảo lãnh. Sáng nay anh ấy phone cho cháu biết là ngày mai anh ấy và bà chị sẽ sang đây xin phép chú để đón cháu qua California ở. Chị ấy có nói chuyện với cháu sẽ đích thân cám ơn chú đã lo cho cháu...và chị ấy xem cháu như là “em dâu” vì nghe bạn cháu kể hoàn cảnh cháu chị ấy rất thương cháu...
Tai Khánh lùng bùng, mặt tái nhợt khiến Thúy Vi ngưng lại:
- Chú sao vậy?
- Không, không sao chú như bị trúng gió thôi. Không sao đâu!
- Thúy Vi lăng xăng kiếm chai dầu rồi bảo:
- Chú quay lưng lại cháu cạo gió cho!
Khánh hất tay Thúy Vi ra cộc cằn:
- Không sao đâu mà!!!
Tội nghiệp Thúy Vi không hiểu gì, cứ cho rằng vì Khánh làm việc quá độ...
Buổi cơm chiều lặng lẽ đến. Thúy Vi lúc ấy mới bảo:
- Còn chú, chú định nói gì với cháu?
Khánh lạnh lùng:
- Chú định nói ngày mai chú đi công tác một tuần. Vì vậy chú không gặp bà “chị chồng” và “chồng” cháu được.
Thúy Vi ngơ ngác không rõ Khánh nói đùa hay thật. Nhìn vẻ mặt ngây thơ của Thúy Vi, Khánh đâm ra hối hận, chàng bảo:
- Chú nói thật, chú định nói chú đi công tác sợ cháu ở nhà một mình buồn. Bây giờ cháu có bạn rồi nên chú yên tâm. Cháu đừng bận tâm gì ơn nghĩa hết. Chú cũng cám ơn cháu lo cơm nước, nhà cửa và lo lắng cho chú hơn nửa năm qua...
Khánh nói một mạch như đọc bài. Thúy Vi ngồi sát bên Khánh gục đầu vào vai Khánh khóc và bảo:
- Chú thật cao cả, sau nầy cháu sẽ bảo anh Nam đón chú về ở chung lúc cháu có nhà!!!
Khánh đớ người ra chẳng nói được gì. Sau đó, chàng cáo mệt để vào ngủ. Trước khi bước đi Khánh còn dặn:
- Ngày mai chú đi sớm, cháu cứ việc lo thu dọn đồ đạc cháu, còn chìa khóa cửa cháu cứ giữ lấy để... kỷ niệm hoặc cháu muốn gửi trả cứ để dằn dưới thùng rác cho chú cũng được...
Khánh nói xong mệt mỏi lê lết vào phòng. Thúy Vi nhìn theo ái ngại...
Buổi chiều tan sở, Khánh về nhà với hy vọng những gì xảy ra đêm hôm qua chỉ là một vở kịch Thúy Vi bày ra để thử lòng chàng... Chàng hăm hở với ý nghĩ ấy và hấp tấp mở cửa vào nhà. Nhưng, than ôi! Một lá thư nằm chình ình trên bàn và có cả... hai thùng mì ăn liền nữa! Khánh bật cười như điên dại... Sau những phút xúc động, chàng từ từ mở lá thư ra đọc:
“ Kính chú,
Biết nói sao diễn tả hết lòng kính yêu của cháu đã dành cho chú. Từ lâu rồi cháu vẫn nghĩ rằng cháu là cháu ruột của chú...
Chị của Nam, Nam và cháu muốn chờ chú về giá mà chú đi một, hai bữa thì chúng cháu ráng đợi, nhưng chú đi một tuần quá lâu nên chúng cháu đành từ giã. Qua tuần sau chú về, cháu sẽ gọi chú ngay.
Nam và cháu cùng cảnh ngộ và Nam hiểu rõ hoàn cảnh của cháu, những nỗi bất hạnh trên đường vượt biển cho nên cháu hy vọng ngày sau chúng cháu sẽ rất hạnh phúc.
Bao giờ chúng cháu đám cưới chú có sẵn sàng thay thế bố cháu không?
Bye bye chú và không bao giờ quên ơn chú.
Cháu của chú,
Nguyễn Thúy Vi
TB: Tội nghiệp chú lại phải ăn mì gói! Cháu và anh Nam đi chợ mua cho chú hai thùng mì đó. Sau đây là số điện thoại và địa chỉ của cháu...”
Khánh buông lá thư ra và ngồi thừ người. Lần đầu tiên chàng để nước mắt tuông rơi không ngăn chận... Qua những phút giây xúc động lòng chàng tự nhủ: “Đúng ra ta không nên trách Thúy Vi vì nàng có biết gì đâu, và cũng may nếu ta ngỏ lời thì càng đắng cay hơn nữa. Thôi thì coi như số mệnh vậy!”. Rồi chàng ngồi bật dậy với ý chí cương quyết: “Ngày mai ta ra bưu điện gửi gấp chiếc nhẫn nầy để mừng đám cưới tụi nó.”
Vừa đứng dậy khánh lại cảm thấy lảo đảo nên vội vàng nằm xuống... Thuận tay, chàng với quyển nhật ký mở ra lại nhằm ngay một câu kết truyện “Tình Bướm” của Minh Đức Hoài Trinh mà xưa kia chàng đã rất ưa thích thuở còn bé và ghi lại: “Mẹ ơi! Thế là con đã yêu, đã hy sinh và đã tuyệt vọng!”. Khánh buông lơi tay, quyển nhật ký rơi xuống nền nhà; chàng nghe lòng mình chùng xuống với nỗi niềm cô đơn vô tận...
ÁI KHANH
(05/04/01)