Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Những ngày đầu trên đất Mỹ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1581 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những ngày đầu trên đất Mỹ
Ái Khanh

Tôi cứ loay hoay hoài, không biết phải khởi đầu từ đâu để kể cho bạn nghe những chuyện ngộ nghĩnh mà tôi gặp phải, cũng như nghe được tại Mỹ nầy!
Để mở đầu tôi xin nói sơ qua lý do vì sao tôi đến xứ Cờ hoa nầy nhé...
Tôi sinh ra ở Huế, lên 6 tuổi, mẹ tôi mất... ba tôi lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”, phải dắt díu đàn con thơ vào Nam lập nghiệp.
Lớn lên, tôi lúc nào cũng rất vụng về khiến chị tôi vẫn thường mắng tôi: “sau thằng nào vớ phải mầy thì... khổ triền miên”. Nhưng rồi may quá, tôi cũng gặp được người “chịu khổ triền miên” đến ra mắt gia đình tôi để “xin bàn tay” rồi sau đó lôi tuốt tôi lên tận Ban Mê Thuột. Hạnh phúc chẳng bao lâu, chiến tranh xảy ra... Chồng tôi theo đoàn người di tản ra nước ngoài, tôi đã phải khóc hết cả nước mắt khi từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn mới hay rằng người “chịu khổ triền miên” đã lìa bỏ tôi mà theo gia đình ra nước ngoài rồi...
Cuối cùng, bao nhiêu sóng gió, tôi cũng đến được Hoa Kỳ! Gặp được nhau, chúng tôi lại... tiếp nối bản tình ca dang dở, chúng tôi mướn được căn nhà nho nhỏ, khá gọn gàng để ra riêng mặc cho mẹ chồng chì chiết, giận lên giận xuống... Tôi vẫn thường xuyên thăm viếng mẹ để bà bớt đi thành kiến... mẹ chồng nàng dâu! Cuộc sống chúng tôi không được thoải mái vì tôi mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, tết Việt Nam đầu tiên, chồng tôi xin nghỉ để ở nhà, chàng sợ tôi buồn vì nhớ nhà. Hơn nữa, cũng chờ tôi nấu nướng xong xuôi thì sẽ dẫn tôi đến xông đất, mừng tuổi mẹ chồng.
Tôi cố gắng tìm mua cũng như tự nấu nướng những thức ăn như bánh chưng, bánh tét, dưa món, dưa giá, thịt kho tàu... (tôi bắt chước chị tôi lúc ở Việt Nam, Tết nào cũng bổn cũ soạn lại), đang chuẩn bị để đi thì chuông cửa “kính cong” vang lên.
Mở cửa ra, một người đàn ông mặc vest, tay xách chiếc vali Samsonite tươi cười chào chúng tôi, ông xã tôi cũng lịch sự mời vào nhà, mời ngồi chỉ vắn tắt vài câu thì ông xã tôi... cười như mếu bắt tay và chào tiễn biệt, ngăn lại như không muốn ông ta mở chiếc vali ra. Tôi ngơ ngác, không hiểu một chút gì... chỉ lập lại chữ “bái bai” khi ông ta chào tôi. Ông ta vừa khuất, tôi chưa kịp hỏi, ông xã tôi đã vội vàng giải thích:
- Đó là saleman, tức người đi bán hàng cho hãng họ đang làm...
- Ông đó bán gì vậy anh?
- Bán đất... chôn người chết!
- Trời đất! Sao bán vào ngày Mùng Một Tết?
- Tết mình chứ đâu phải Tết Mỹ?
- Sao vậy mà anh không... la ông ta mà em thấy anh còn cười ?
- Mỹ mà la gì? Nó có biết gì đâu!
- Vậy hồi nãy ông ấy nói gì mà anh cười vậy?
- Ông ta quảng cáo đất nghĩa trang đang “on sale”! Coi như... mua một tặng một!
Tôi chưa kịp phản ứng ông xã tôi đã bảo:
- Thôi, bỏ qua đi! Tới nhà mẹ mừng tuổi rồi ăn cơm, đói rồi! Đầu năm để cho vui đừng có nói mấy chuyện nầy nữa!
*
Ngày tháng lặng lẽ trôi qua, tôi cũng tìm được công ăn việc làm, vì chung quanh nhà tôi toàn là người Mỹ, nên khi xin được vào hãng điện tử có khá đông người Việt tôi vui lắm. Nhưng rồi, mỗi lần có vấn đề gì cũng phải nhờ tới... thông dịch viên (tức những người bạn biết tiếng Anh đã làm việc từ trước), tôi lại phải cố gắng đi học anh văn, vừa nói vừa chia động từ “Tu quơ” chắc bạn cũng phải biết... mệt muốn chết! Nhưng rồi, cuối cùng tôi cũng... bập bẹ vài chữ để xã giao! Cathy, người bạn Mỹ cùng line với tôi vẫn thường kiên nhẫn giúp tôi những chữ nói sai... Có một lần cô ta hỏi tôi cuộc vượt biển, tôi thật vô cùng hứng thú, vừa kể vừa khoa chân múa tay để diễn tả cuộc hành trình hãi hùng của mình... Cô ta chăm chú nghe, thỉnh thoảng lắc đầu như chia sẻ sự khốn khổ của dân tộc mình. Thỉnh thoảng thấy tôi cười, cô ta cũng thích chí “wow!” lên một tiếng khiến tôi thích quá, nghĩ tiếng Anh của mình chắc là ngon lành lắm rồi. Chúng tôi đang vui vẻ chuyện trò, bỗng một người bạn khác -Vicky- đến dứng cạnh nghe ké, nghe một lúc Vicky quay sang hỏi Cathy:
- What did she say?
Tôi hãnh diện chờ Cathy tường thuật lại, nhưng thật bất ngờ, Cathy lại đáp:
- I don t know! I don t understand!
Tôi không nói, nhưng có lẽ bạn thấu hiểu tâm trạng tôi lúc đó buồn và tuyệt vọng về... bản thân mình tới đâu rồi bạn nhỉ?
*
Bây giờ, cũng một chuyện... kinh nghiệm nước Mỹ để chẳng may ai gặp phải trường hợp giống như thế nầy hãy coi như lời báo động!
Bạn của tôi, nhận được một hộp kem dưỡng da, một cây son, một hộp phấn hồng... tất cả đều thuộc loại mỹ phẩm tốt, nổi tiếng với giá 2 mỹ kim, bạn tôi thích thú viết ngay tấm check 2 dollars gửi đi. Tháng sau, nhận thêm một thùng lớn với nhiều loại mỹ phẩm vừa qua, có thêm những quà tặng khác như lotion, bút kẻ viền mắt, viền môi và có cả chai dầu thơm khá lớn, một loại dầu thơm đang được yêu chuộng kèm theo cái bill 68 dollars. Bạn tôi nhân chia trừ cộng sao đó, thấy vẫn còn rẻ nên viết check thanh toán. Nhưng, câu chuyện chưa dừng ở đó, tháng kế tiếp bạn tôi lại nhân một thùng mỹ phẩm khác... y chang kỳ vừa rồi, nhưng có khác là kèm theo cái bill 380 dollars! Lần nầy, bạn tôi không nhịn không được nữa, gọi tôi để kể lể và hỏi ý tôi phải đối phó thế nào. Tôi cũng tức giùm cho bạn, vội bảo trả lại với cách... chuyển hóa giao ngân - C.O.D. (tức trả tiền khi giao hàng).
Tuần lễ sau, thùng mỹ phẩm đó bị trả lại, kèm theo hóa đơn $380+ $22.50 = $402.50 (tiền cước 2 lần) và đặc biệt hơn nữa là một giấy tống đạt của luật sư với lời... khuyên nhủ là hãy đọc lại tờ hóa đơn đầu tiên lúc thanh toán tấm check 2 dollars, nếu không thanh toán thì văn phòng luật sư của hãng mỹ phẩm đưa bạn tôi ra Tòa. Bạn tôi tá hỏa tam tinh, gọi nhờ tôi tới, lục tung cả nhà để tìm tờ giấy đầu tiên ấy, đọc lui đọc tới cuối cùng mới khám phá ra một hàng chữ thật nhỏ phía dưới ghi chú: (xin tạm dịch) Nếu bạn đồng ý với món mỹ phẩm nầy thì sẽ phải mua thêm hai kỳ theo giá đặc biệt của hãng chúng tôi trong vòng một năm.
Ban đầu, bạn tôi không kể cho chồng cô ta nghe, vì nghĩ chẳng đáng là bao, nhưng sau với số tiền như thế cô đành nói thật. Chồng cô tức giận gọi thẳng tới số phone đã ghi trong đó với ý định sẵn sàng ra tòa vì anh ta coi như đó là vợ anh bị lừa. Luật sư của hãng mỹ phẩm rất... nhẹ nhàng cho một ngày hẹn tại Tallahassee. Cuối cùng, vợ chồng bạn tôi phải ký cái check trả vì nếu ra tòa tại Tallahassee thì phải tốn tiền máy bay, mà chưa chắc xử một lần, và cũng chưa chắc thắng kiện, đành hậm hực, coi như... mua kinh nghiệm một bài học tại xứ Mỹ nầy vậy!
*
Còn đây là một chuyện thật nhỏ, nhưng cũng cho chúng ta một bài học: Một nhiếp ảnh gia lớn tuổi ở chung tiểu bang với tôi, trong một lần nói về những tác phẩm nổi tiếng của ông được đoạt giải thưởng, ông kể cho tôi nghe có lần ông nhận được một bức thư cho biết ông trúng được cái lò nướng bánh mì theo cuộc rút thăm trong những người có tên trong phone book (?), và bảo ông đến địa điểm... để nhận, trong lúc rảnh rỗi, ông dẫn luôn người vợ theo cho vui. Khi tới nơi, họ tiếp đón rất nồng nhiệt, mời một số người cùng trúng giải như ông lên chuyến xe bus... chở đi nhận giải. Chiếc xe chạy hơn một tiếng đồng hồ thì tới một bãi biển có nguyên một khu nhà đã xây cất khang trang, và hướng dẫn viên giải thích về khu nhà nọ và cho biết họ đang... rao bán! Thao thao bất tuyệt hết căn nầy qua căn khác. Tới giờ ăn trưa, mọi người ai muốn ăn thì phải mua cái hamburger và ly nước ngọt $4.99.
Ăn xong, tất cả lục tục lên xe để được chở đến một căn phòng gần đó để lãnh giải thưởng. Ông nhận được một cái lò nướng bánh mì trị giá chưa tới $10. Sau đó, mọi người mới được... trả về nơi đậu xe. Ông cười kể với tôi “Tôi thì rảnh đi chẳng sao, chỉ có nhà tôi nghe tôi gọi cũng đi, mất cả ngày, bà ấy lại chẳng biết ăn hamburger nhịn đói, về bà ấy mắng tôi cả đêm, bà còn bảo lần sau tôi mà còn ham ba cái giải thưởng như thế thì... đường ai nấy đi! Cô nghe có sợ không chứ? Mà nói thực, từ nay mà có được những cái thư như thế tôi cũng vứt thùng rác thôi cô ạ! ”
*
Cho tới một ngày kia (chà, nghe như kể chuyện cổ tích không bằng)... có một gia đình Việt Nam đi theo diện đoàn tụ đến ngụ tại xóm tôi, tôi vui mừng lắm lắm.
Nhưng... (À! đây là... mấu chốt của câu chuyện tôi muốn kể bạn nghe để biết thêm những luật lệ ở Mỹ, tức muốn chết mà... biết tỏ cùng ai?) gia đình người ấy chẳng biết tìm đâu ra một bầy vịt, mỗi khi tôi theo người bạn ra sau hè thì bầy vịt “cạp cạp” inh ỏi cả tai, nhưng vui khi tôi tưởng tượng như đang ở Việt Nam vậy bạn ạ!
Có một buổi chiều thứ sáu, trời cũng gần tối rồi chúng tôi đang sửa soạn đi chợ thì điện thoại reo, tôi bắt lên, giọng của người bạn hàng xóm có vẻ hốt hoảng:
- Chị ơi! Qua nhà thông dịch giùm em đi, tự dưng cảnh sát vô nhà, nói gì mà có... con chó trong đó nữa mà em chả hiểu gì hết.
Tiếng Anh... hết sẩy như tôi mà có người nhờ thông dịch thì cũng oai ra phết! Tôi... phán ngay:
- OK! Biểu ông cảnh sát chờ một chút nha!
Và tôi vội vắn tắt kể lại cho ông xã và... nhờ ông đi theo để... nghe giùm (Phải phòng hờ tôi chẳng hiểu gì hết thì quê chết!) Khi qua nhà người bạn - nói gần chứ cũng chạy xe mất 5 phút - thì thấy hai xe cảnh sát đậu trước cửa, tôi hơi hồi hộp khi người bạn chạy a ra mừng rỡ:
- Nhờ anh chị nghe giùm em mấy ông cảnh sát nói gì em không hiểu, em chỉ hiểu mỗi chữ “chó” thôi!
Ông xã tôi tiến vào trong, chào hai người cảnh sát. Tôi và người bạn đứng ngoài nhìn vào, tôi... giảng giải:
- Bên nầy họ quý chó lắm, chị có chạy xe cán chết con chó nào của ai không?
Chúng tôi ngang tuổi nhau nên ai cũng xưng em gọi chị, chị ta thở dài rồi ai oán kể lể:
- Chị ơi! Ông xã em có vợ bé, lãnh mẹ con em qua đây rồi ông ta thỉnh thoảng mới về đây, mua cho em cái xe cũ, căn dặn em cẩn thận lắm, em đâu có dám chạy ẩu đâu chị? Mới có bằng nên em chạy cẩn thận lắm. Em...
Chị ta chưa dứt lời thì ông xã tôi gọi chúng tôi vô nhà, anh nhìn chị ấy và nói:
- Họ bảo chị nuôi bầy vịt bị hằng xóm complain tức là khiếu nại chị làm quấy nhiễu sự yên tĩnh của họ đó! Họ bắt buộc chị phải giải quyết bầy vịt trong vòng 24 tiếng, nếu không thì sở thú y họ sẽ tới mang đi!
Hai ông cảnh sát nhìn chị bạn tôi gật gù như chờ đợi lại... sự gật gù thấu hiểu của chị. Sau đó, họ bắt tay ông xã tôi nói lời cám ơn và họ ra xe chạy mất.
Chị bạn tôi nhìn sang nhà bên cạnh ánh mắt hằn học:
- Thảo nào cái bà Mỹ mập ú nhà bên kia cứ chỉ vào mấy... con vịt của em nói gì hôm qua em chả hiểu!
Tôi như sực nhớ ra vội hỏi:
- Ủa! sao hồi nãy em nghe chị nói gì có con chó nữa mà!
Ông xã tôi phì cười:
- Chắc họ nói “duck” mà chị nghe ra “dog” đó! Nghe hai bà nói chuyện gì mà cứ lôi gia súc ra không vậy?
Tôi và chị bạn gượng cười, ông xã tôi bảo:
- Thôi, tụi nầy còn đi chợ nữa, chị ráng thanh toán bầy vịt kẻo thứ tư họ trở lại đó!
Tôi lưu luyến nhìn bầy vịt đang vô tư đuổi bắt nhau sau hè, dù gì nó cũng đã cho tôi một vài phút giây... gợi nhớ quê hương! Tôi thắc mắc:
- Bây giờ chị tính sao?
Chị thở dài:
- Chắc là phải gọi người ta rồi cho mỗi người vài con, còn lại em làm thịt bỏ tủ đá ăn dần... chứ em đâu biết làm sao bây giờ?
Chúng tôi ra xe, chị lật đật chạy theo gọi:
- Chờ em một chút, em gửi anh chị hai con vịt đem về nấu cháo ăn.
Tôi giẫy nẩy lên:
- Em không biết làm thịt!
Ông xã tôi bảo:
- Thôi, cứ đem về rồi tính sau.
Chị bạn nhanh nhẩu:
- Nếu không có ai làm anh chị đưa sang đây em làm cho!
Tối đó, đi chợ về thì cũng gặp lúc Mẹ chồng tôi ghé thăm, bà ngạc nhiên khi thấy tôi lôi hai con vịt bị trói chân trong cốp xe ra, có lẽ bị nhốt trong cốp lâu quá, nên mới thấy chúng tôi nó đã “cạp cạp” om sòm... Tôi tóm tắt cho mẹ chồng nghe, bà lắc đầu như chê bai bà hàng xóm mập ú :
- Ở mà gặp hàng xóm xấu mệt lắm.
Rồi bà chợt hỏi:
- Rồi bây giờ con làm gì ăn?
Tôi phân vân:
- Con đang định nuôi vài ngày rồi tuần sau rảnh con phone hỏi bạn con coi có ai biết cắt tiết không rồi con sẽ nhờ họ làm!
Mẹ tôi bảo:
- Thôi, để mẹ đem về nuôi, muốn ăn ra chợ mua cũng được.
Thật ra, tôi cũng thích bún măng vịt hay cháo vịt lắm, nhưng ý mẹ chồng muốn thì tôi cũng không dám cãi. Thế là một lần nữa, hai con vịt lại bị nhốt vô cốp xe để... sang nhà mới!
Thế rồi chỉ vài hôm thôi, vào tối thứ năm mẹ tôi phone tới báo động là có bà hàng xóm cũng đã than phiền với cảnh sát rồi. Tôi bàn với ông xã tôi chiều mai đi làm về, ghé lấy 2 con vịt về để đem qua nhờ chị bạn cắt tiết bỏ tủ lạnh rồi cuối tuần có nhiều thì giờ tôi sẽ nấu bún măng vịt rồi mời mẹ tới ăn luôn.
Nhưng, chữ nhưng nầy tôi ghét làm sao! Chiều hôm ấy lại là ngày thứ sáu, mới bước chân vô nhà thì mẹ chồng tôi gọi vừa kể vừa trách móc tôi tùm lum. Tôi tối tăm mặt mũi khi nghe bà kể lại cảnh sát tới nhà bà lần thứ hai vào sáng sớm hôm nay, cảnh cáo phải giải quyết gấp 2 con vịt hoặc nuôi chỗ nào mà không làm phiền sự yên lặng đang cần nghỉ ngơi của bà già hàng xóm... xấu tính. Mẹ tôi bực bực mình vì đã tới giờ đi ra mở cửa tiệm -business của bà- nên bà vội vàng bỏ đại trên thùng rác với hy vọng mấy ông đổ rác... ăn giùm, bà bảo đã cột chặt hai chân nó lại để phòng hờ nó phóng xuống chạy qua bà già khó chịu thì càng mệt! Mẹ tôi lý luận như thế! Nhưng khổ nỗi tới lúc mẹ tôi vừa tới tiệm của bà chừng 15 phút thì cảnh sát gọi bà về nhà gấp, về tới thì mẹ tôi bị ghép vào tội hành hạ súc vật! Và phạt bà 125$ coi như cảnh cáo nhẹ, nếu bà không muốn nộp phạt thì chờ ngày ra tòa! Cuối cùng, mẹ tôi muốn chấm dứt sự lằng nhằng nên đành nộp phạt cho xong chuyện!
Tôi bị mẹ la rầy thật oan ức. Nhưng xét cho cùng nếu hôm đó tôi cứ bảo tôi thèm ăn cháo vịt thì mọi sự chắc ổn thỏa hết rồi!
Đó là vài “kinh nghiệm” của tôi những ngày vừa tới Mỹ xin cống hiến cùng bạn đọc và tôi hy vọng sẽ được học thêm nhiều kinh nghiệm ở trường đời qua những bài học khác của nhiều tác giả khác để hiểu rằng: Không có cái dại nào giống cái dại nào!


Ái Khanh



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 653

Return to top