Nói Với Mẹ
Ái Khanh
Mẹ ơi!
Mùa Báo Hiếu lại về cũng như bao nhiêu lần khác, con chỉ biết nghĩ, nhớ về mẹ bằng cách gửi gấm tâm tư qua nét bút vì con đã bất hạnh không còn Mẹ trên cõi đời này để đến bên Mẹ, thiết tha cầm tay Mẹ để hỏi Mẹ rằng “Mẹ ơi! Mẹ biết con thương Mẹ lắm hay không?” .
Mẹ! Tiếng “Mẹ” yêu thương tuyệt vời kia, con chỉ còn im lặng trầm tư để viết qua nét bút... Con vẫn còn nhớ lại chuyện các anh, các chị kể lại cho con nghe khi con đã lớn: Thủa con vừa lên bốn, lúc Mẹ cho người tráng lại xi măng ở căn nhà bếp, xi măng đang còn ướt, con lẫm đẫm bước vào in ba dấu chân... quýnh quáng con quay trở lại... in thêm ba dấu nữa! Mẹ từ nhà trên xuống bếp bắt gặp con đang đứng nhìn ngơ ngác, Mẹ bảo: “Dấu chân ai nho nhỏ dễ thương quá!”. Con đã sà vào lòng Mẹ bảo: “Của con!”... Thế rồi, Mẹ không cho thợ xóa sáu dấu chân tí hon ấy. Giờ đây, vật đổi sao dời, con đang bơ vơ lạc loài xứ người, biết đến bao giờ con mới được trở về nơi chốn cũ để tìm lại dấu chân xưa với kỷ niệm êm đềm bên Mẹ thủa ấy?
Mẹ ơi! Con cũng không thể nào quên cho được lúc con vừa lên sáu Mẹ mất đi. Căn nhà phủ một màu tang trắng lạnh lùng... Mỗi chiều con đều tựa cửa ngóng Mẹ về, nhiều lúc con ngủ quên trước cửa, chị con phải bế con vào rồi dỗ dành: “Mẹ không về nữa đâu em, đừng đợi chờ nữa, chị đau lòng quá!”.
Mẹ của con ơi, tuổi thơ của con đã đi qua trong buồn tủi. Rất nhiều, và rất nhiều lần, con qua nhà kế cận nhìn vào khe cửa để nhìn trộm bác Bằng chải đầu, bắt chí cho bé Thuận cùng trang lứa với con, để thèm thuồng và tưởng như mẹ đang chải đầu, bắt chí cho con... Rồi có một lần con Thuận vùng vằng đứng dậy càu nhàu: “Chải đầu, chải đầu! Bắt chí, bắt chí... Cứ ngày nào cũng làm người ta không chơi gì được cả!”. Nói xong, nó tông cửa chạy ra ngoài trước sự ngơ ngác của bác Bằng... con không bỏ lỡ cơ hội, chạy ù vào ngồi lọt tõm vào lòng bác Bằng... Bác lại ngơ ngác một lúc rồi như hiểu ra, bác ôm chặt lấy con rồi hỏi: “Con có đói bụng không?”. Con chưa kịp trả lời thì con Thuận đã trở vào, nhìn cảnh tượng trước mắt, nó hiểu ngay là Mẹ nó thật cần thiết cho nó... nên nó xô con ra để... đòi Mẹ nó lại...
Mẹ ạ, thế là từ đó con hiểu rõ hơn thân phận mồ côi của mình và con không bao giờ còn nhìn lén qua khe cửa để tìm kiếm tình thương nữa... Còn buồn nào hơn khi vừa ý niệm được sự sống và sự chết. Con vẫn ngồi trầm ngâm trong nghĩa trang với những chiều lộng gió để nhớ thương về Mẹ...
Khi còn đi học, con đã nghe kể về một chuyện cổ tích thật hay, con ghi lại cho Mẹ nghe nhé vì câu chuyện cảm động lắm Mẹ ơi!
Câu chuyện bắt đầu thế này:
“Ngày xưa có một gia đình ở Ấn Độ gồm hai vợ chồng và một đứa con trai. Người chồng theo thuyền buôn bán phương xa. Mỗi lần tàu ra khơi là mỗi lần người vợ lo âu buồn bã, nhưng số mệnh khắc nghiệt, biển khơi đã cướp đi người chồng của người đàn bà hiền thục. Bà chỉ còn đứa con trai duy nhất bà đặt tất cả tình thương vào... Bà ngày đêm khấn nguyện con trai không nối chí cha. Nhưng khi cậu bé lớn khôn, ra đời đi buôn ngược, bán xuôi nghe thiên hạ kể về cha mình với lòng kính trọng nhờ khí phách giang hồ... và cậu đã lao vào nghiệp của cha mặc sự can ngăn, khóc lóc van xin của mẹ.
Cuối cùng, người con trai cãi lời mẹ và lại lên tàu ra khơi. Sau đó, tàu bị đắm, nhưng may mắn hơn cha, anh bị tắp vào một hòn đảo xa lạ. Anh tá túc một thời gian rồi kiếm đường về đất liền. Trên đường ra cửa bể, anh gặp một người đang quỳ gối trên mỏm núi, đầu đội một trách lửa cháy hừng hực, than đỏ rơi khắp thân thể. Anh vô cùng ngạc nhiên hỏi trong sự kinh hoàng:
- Anh kia ơi! Tại sao anh phải chịu hình phạt đau đớn này?
Người đội lửa đau đớn trả lời:
- Vì ta là đứa con bất hiếu đã làm cho mẹ ta đau khổ.
Nghe câu này, người con trai của gia đình thủy thủ kia rùng mình vì thấy mình cũng là người con bất hiếu. Ý nghĩ ấy vừa dấy lên, lập tức trách lửa của người đang quỳ trên mỏm núi đã bay sang đầu anh ta. Người đội lửa đứng dậy đắc chí bảo:
- Nhà ngươi hãy kiên tâm và chờ đợi đến khi có người con bất hiếu khác đến thay nhé!
Người con của thủy thủ liền quỳ xuống chắp tay lạy giữa thinh không và phát nguyện:
- Xin mười phương cho tôi đội trách lửa chịu hình phạt này đời đời... để từ nay trên thế gian đừng có đứa con nào làm cho mẹ đau khổ nữa!
Sau lời phát nguyện ấy, có lẽ động lòng trời đất hay sao bỗng nhiên than lửa tắt hết và trách lửa cũng biến đi và anh ta cũng được hóa thân...”
Con mong rằng câu chuyện trên thức tỉnh những ai còn Mẹ mà vô tình “quên” Mẹ mình đi... đến khi Mẹ mất rồi có hối tiếc cũng muộn màng...
Vu Lan về, những dòng này thay nén hương yêu con xin gửi về Mẹ với tất cả yêu thương đầy nhung nhớ...
Con gái út của Mẹ.