Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tình buồn xứ Huế

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1326 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tình buồn xứ Huế
Ái Khanh

- Mạ về rồi! Mạ đi chợ về rồi dì Điệp ơi!
Tiếng reo mừng của bé Ngân, khiến Nhung và Điệp phải bỏ dở câu chuyện. Điệp thở dài bảo:
- Thôi, cứ tạm thời im lặng cho hai bác vui lòng rồi tìm từ từ giải thích sau.
Loan - chị của Điệp - và mẹ của bé Ngân bước vô nhà, đặt cái giỏ xuống đất, mở chiếc nón ra, phe phẩy quạt, vừa đưa tay quẹt mồ hôi vừa bảo:
- Trời nóng quá!
Chợt thấy Nhung, Loan cười hỏi:
- Em qua chơi đó hả? Răng Điệp không lấy nước nôi chi mời bạn?
Nhung cúi chào Loan và đỡ lời cho bạn:
- Dạ, Điệp nó hỏi mà em không uống chị ạ!
Thấy mặt Nhung đỏ như mới khóc, Loan hỏi:
- Răng, lại có chuyện chi nữa phải không?
Nhung cúi đầu im lặng, Điệp trả lời thay Nhung:
- Bà dì ghẻ bắt hắn đi lấy chồng!
Loan thảng thốt la lên:
- Lấy ai?
- Dạ, ông già mô chết vợ mà có tiền lắm... nghe mô tuốt ở Đập Đá lựng chị!
Điệp nhanh nhẩu trả lời thay cho Nhung, Loan nhìn Nhung thương xót, rồi hỏi:
- Vậy chừ em tính răng? Còn chuyện em và Doãn thì...
Loan bỏ dở câu nói như chợt nghĩ ra câu hỏi của mình... vô duyên, chợt bé Ngân vịn quần Mẹ vòi vĩnh:
- Mạ nì, có chi cho con không?
Đây là cơ hội để Loan tránh né nên nàng xách giỏ vào trong, bé Ngân lon ton chạy theo mẹ, Nhung và Điệp nhìn theo mỉm cười. Nhung nhìn lên đồng hồ treo tường rồi nói với Điệp:
- Thôi, mình về... Chiều quá rồi! Nói với chị Loan mình gửi lời chào hí!
Loan siết chặt tay Nhung như chia sẻ nỗi niềm của bạn...
Ra khỏi nhà Điệp, Nhung nghe một nỗi buồn dâng lên. Chỉ vài quãng đường nữa là tới nhà, Nhung ước sao con đường dài thêm ra. Nghĩ sẽ đối diện với ba và người mẹ kế Nhung không nén được tiếng thở dài...
Vừa đặt chân vô nhà, đã nghe tiếng nói mát mẻ của bà dì ghẻ:
- Tiểu thơ về rồi à?
Rồi như nhớ tới điều gây gổ với Nhung chỉ bất lợi cho mình, bà đổi giọng ngay:
- Thôi, vô thay áo rồi xuống lo cơm nước đi!
Nhung dạ lí nhí trong họng, bà mẹ kế dỗ dành:
- Áo quần của mi cũng cũ hết rồi, nay mai có chồng giàu tha hồ mà mua sắm, may mặc.
Nhung im lặng, bước vô nhà trong. Bà dì ghẻ của nàng chợt cao giọng gọi:
- Nì, ông ơi!
Ba của Nhung từ trong vọng ra:
- Cái chi đó bà? Chờ tui... làm hết điếu ni đã!
Nói thì nói thế, nhưng chỉ tích tắc là ông đã ra tới. Bà mẹ kế của Nhung lên giọng đạo đức:
- Tui nói thiệt chứ con Nhung nhà ni phước ba mươi đời đó, chứ thiếu chi đứa trẻ đẹp muốn nhào vô ông Thống, của ăn của để... ba đời không hết!
Ông Lập - ba của Nhung - im lặng không nói chi, khiến bà vợ kế phật lòng, bà nói với giọng gay gắt:
- Tui muốn nó lấy ông Thống cũng vì tui thương nó, muốn cho nó có tấm chồng giàu có, mà ông cũng nhờ vả được nữa, chứ tui ăn cái giải chi trong nớ...
Ông Lập im lặng một lúc rồi cũng ấp úng:
- Tui biết bà thương tui với con Nhung rồi, nhưng mà... nhưng mà... ông Thống... hơi già so với hắn!
- Già thì già, có tiền thì thôi chơ!
Nhung đứng sau bức màn nghe rõ mồn một, nàng tủi thân khi nghĩ tới Doãn, mới cách đây hai tuần nàng và Doãn gặp nhau, chàng còn hứa hẹn chờ ngày bãi trường, có ngày rộng tháng dài, chàng sẽ xin phép cha mẹ đến gặp cha và mẹ ghẻ của nàng để hợp thức hóa mối tình của hai người. Bây giờ thời đại nầy khác xưa rồi mà tại ba nàng nghe lời bà mẹ kế, mà nàng từ xưa tới nay không bao giờ nàng dám cãi lời cả. Còn chuyện ép gả cũng chỉ mới hôm tuần rồi, bà mẹ kế của Nhung về Đập Đá thăm người em trai khi đi làm ruộng bị trượt chân té bể đầu, em bà lại đang làm công cho ông Thống (ông chết vợ đã hai năm nay) nên cớ sự mới diễn tiến như ngày hôm nay. Nhung chợt nghĩ tới việc rủ Điệp đến nơi Doãn làm việc để gặp Doãn và nàng hy vọng nếu Doãn mạnh dạn... dám yêu nàng ra mặt với mọi người thì nàng cũng... không còn lo sợ là chàng chỉ yêu thương nàng bằng lời nói mà không dám hành động. Tuy mới chỉ là ý nghĩ thôi mà Nhung cũng đã hoảng sợ rồi. Nhưng nếu không liều thì biết đâu ba và bà dì ghẻ cho người nhà của ông Thống tới hỏi cưới trước thì làm sao mà tránh né đây?
Cuộc sống của Nhung từ nhỏ được mẹ tập cho thêu thùa may vá nên đường kim mũi chỉ của nàng rất khéo léo, nàng vẫn hằng ngày đến tiệm may để thêu cho tiệm may nổi tiếng tại vùng An Cựu nầy.
Nhớ lại lần đầu tiên, biết sự đau khổ của mẹ khiến Nhung không khỏi khóc thầm vì thương mẹ.
Một buổi chiều cách đây ba năm, lúc mẹ của Nhung còn sống... Ba nàng nổi tiếng đào hoa, mẹ nàng đã chịu đựng biết bao nhiêu đau khổ, có lần nghe người ta mách bảo ba đang mê mệt một người đàn bà khác nhưng mẹ nàng cứ lơ đi... Cho đến một tối Nhung nghe được sự cãi vã giữa mẹ với dì Vi lúc đó Nhung đi làm về, mới vào cửa, nghe tiếng dì Vi thật lớn:
- Chị cứ ru rú ở nhà, mất chồng khi mô không biết! Đi, đi với em tới nhà... con mụ nớ dần cho hắn một trận!
Tiếng mẹ thút thít:
- Thôi! Chị không quen làm mấy chuyện nớ!
Dì Vi tức tối la lên:
- Chị cứ hiền quá nên anh Lập ăn hiếp chị cũng phải! Đi, đi với em tới đó cho có mặt rồi em nói cho con mụ đó biết phải trái. Chị không cần nói chi hết, để đó cho em!
Dì Vi cầm tay mẹ kéo đi, lúc đó mới phác giác ra Nhung đang đứng ủ rũ gần cửa, mặt mạ xanh lại khi thấy Nhung, dì Vi đoán là Nhung đã biết chuyện nên làm luôn một mách:
- Nì Nhung! Con lớn rồi, cũng cần biết mạ con khổ lắm con có biết không? Ba con mê mụ Thơm, làm mấy tiền nuôi mụ nớ hết, mạ con nếu không có con phụ vô thì chỉ có nước ăn mắm quanh năm. Con phải nói mạ con đi, hiền chi mà lạ lùng rứa?
Nhung rươm rướm nước mắt cầm tay mạ hỏi:
- Thiệt không mạ?
Mạ chỉ im lặng, dì Vi bực tức xô mạnh vai mạ rồi la lớn:
- Nếu bữa ni chị mà không đi tới nhà mụ Thơm với em thì từ nay coi như em bỏ mặc chị đó! Người chi mà... cứ trơ trơ ra để ai muốn làm chi thì làm!
Rồi như nói mãi không được, dì Vi khóc mùi khóc mẫn. Mạ của Nhung lại dỗ dành:
- Chị biết em thương chị lắm, nhưng Vi nì, em có biết là hồi xưa khi chưa lấy chị, anh Lập đang cặp bồ với mụ Thơm, tại ông bà nội của con Nhung bắt cưới chị nên họ mới dang dở đó! Bây giờ ông bà nội của con Nhung chết hết nên họ mới có dịp đi lại với nhau, cũng vì rứa mà chị phải chịu lép vế đó em!
Dì Vi ngẩn người ra khi nghe chuyện bất ngờ ấy, nhưng rồi Dì cũng vẫn la lối:
- Vô lý! Rứa thì anh Lập có coi chị ra chi? Sợ chi mà chị phải nhân nhượng? Em nói thiệt chị có buồn thì em chịu... Ở ngoài, họ nói chị ngu đó chị có biết không?
Rồi chỉ vài tháng sau, ba của Nhung đón bà Thơm về ở chung, còn bắt Nhung gọi bằng dì. Sau đó, mạ của Nhung buồn rầu cứ bịnh lên bịnh xuống, tuy ba của nàng cũng hết lòng lo cho vợ nhưng bà vắn số cũng từ trần trong cơn bạo bịnh vào một đêm hè oi bức. Nhung còn nhớ lúc mạ hấp hối, ba cầm tay mạ khóc và nói:
- Mình hãy tha thứ cho tui! Tui cũng biết tui có lỗi với mình nhưng mụ Thơm cũng là người tui gặp trước khi ba mạ tui bắt tui cưới mình. Tui cũng kể hết cho mình biết chớ có giấu giếm chi mô!
Mạ thở hắt ra rồi lìa trần... nên mãi tới nay Nhung cũng không biết mạ có tha thứ cho ba không. Cũng ngay trong đêm đó, dì Vi tới nhà chửi cho bà mẹ kế của cũng như ba của Nhung một trận long trời lở đất khiến đầu trên xóm dưới ai cũng biết chuyện gia đình của nàng hết.
Lo ma chay cho chị mình xong dì Vi cũng rời bỏ xứ Huế đi biệt tăm biệt tích. Nhung khóc và tưởng chừng như nước mắt mình đã khô kể từ khi mạ không còn ở dương thế nữa, và cũng từ đó Nhung cô đơn thui thủi một mình, mặc cho bà dì ghẻ tha hồ nói xiên nói xỏ. Bà con thì chẳng có ai, còn người dưng thì chỉ biết đứng ngoài thương xót cho nàng một thời gian rồi cũng thôi. Chỉ có Điệp vì làm chung một tiệm may nên có chi Nhung cũng kể cho Điệp nghe. Điệp thì may mắn hơn Nhung nhiều, sống với gia đình người chị rất vui vẻ, mỗi lần đi làm về, hoặc ngày nghỉ Nhung thường đến nhà Điệp chơi cũng như tìm cho mình một nơi an ủi cũng vì nơi đây. Nhung quen biết Doãn qua sự giới thiệu của chị em Điệp. Tình cảm trong sạch, nhẹ nhàng giữa Nhung và Doãn chị em Điệp đều biết và tuy không nói ra nhưng ai cũng mong cho Nhung và Doãn được thành đôi với nhau.
Hôm nay, qua một đêm suy nghĩ sau giờ ăn trưa Nhung kéo tay Điệp ra sau hè, nàng đánh liều nói ý nghĩ của mình cho Điệp biết, Điệp đập chát hai tay vào nhau rồi la lên:
- Ừ hí! Răng mấy bữa ni tụi mình không nghĩ ra hè?
Nhung mừng rỡ khi thấy Điệp đồng ý với mình. Nhung siết tay Điệp, giọng run run:
- Cám ơn Điệp nhiều hí! Không có Điệp giúp mình chắc mấy lúc ni mình chết quá!
- Ngó tề! cái miệng ăn mắm ăn muối nói bậy nói bạ dễ sợ!
Nhung nở nụ cười thật tươi:
- Thiệt đó Điệp ơi!
Cuối tuần đó, Điệp đến nhà xin phép ba và bà dì ghẻ của Nhung ngày mai cho Nhung cùng nàng đi chùa xin xâm, bà dì ghẻ hớn hở dặn dò:
- Đúng đó! Xin một quẻ coi... Tau chắc là tốt lắm! Trước khi đi nhớ lo việc nhà cho tươm tất. Nhớ về cho sớm, con gái sắp có chồng rồi cứ đi chơi hoài người ngoài họ đồn bậy đồn bạ coi chừng tới tai ông Thống là mệt đó!
Lòng bà hân hoan khi nghĩ tới món quà mà ông Thống hứa sẽ cho bà khi mọi chuyện đã êm xuôi.
Sáng sớm hôm sau, Nhung và Điệp vui vẻ ra đi. Lòng Nhung đầy ắp hy vọng chuyến đi... định mệnh nầy! Đang sánh bước bên nhau, Nhung bảo:
- Điệp hay thiệt, nghĩ ra chuyện đi chùa để qua mặt ông bà “Bô” của mình thật mình đúng là “gặp quý nhơn phò trợ”! À, hay lúc về tụi mình cũng ghé chùa xin thử một quẻ coi công việc có thành tựu không hè?
Điệp vén tay áo nhìn đồng hồ rồi bảo:
- Bây giờ là sáu giờ rưỡi, ra tới ngoài lộ đón xe. Tới nơi, có sớm lắm cũng khoảng gần 12 giờ trưa. Nhưng mà không biết có gặp được anh Doãn không đây nì.
Tự dưng Nhung trù trừ:
- Kể ra, mình là con gái mà đi kiếm con trai cũng “ốt dột” quá phải không Điệp ?
- Thôi đi Nhung ơi! Lửa cháy tới nơi rồi, còn chi mà dị nữa! Cứ làm hết lòng, còn chuyện thành hay không còn do duyên số nữa!
Nhung nhìn Điệp ra chiều cảm kích lắm Khi Nhung và Điệp tới trường mà Doãn đang làm việc (và cũng là nơi trú ngụ của Doãn) thì được một người bạn cũng là giáo viên cho biết Doãn vừa đi ra chợ ăn trưa với mẹ chàng. Nhung run run, kéo tay Điệp thì thầm:
- Chết rồi! Tụi mình đi không coi ngày... Thôi về Điệp ơi! Mình sợ lắm, không dám gặp mạ anh Doãn mô!
Điệp thương hại bạn, nàng trấn an:
- Biết đâu Trời sắp đặt cho mạ anh Doãn gặp mặt con dâu tương lai?
- Thôi Điệp ơi! Đừng giỡn nữa!
Người bạn của Doãn nghe đối đáp giữa hai người có lẽ cũng đoán được phần nào câu chuyện, ông hỏi:
- Xin lỗi, tui hơi tò mò một chút! Hai cô là... chi của thầy Doãn?
Điệp trả lời:
- Thưa thầy, em chỉ là bạn, còn chị Nhung đây là... người yêu!
Nhung cấu tay Điệp la lên:
- Điệp! Nói tầm bậy tầm bạ quá! Coi chừng...
Người bạn của Doãn cười nhẹ, lắc đầu:
- Nì! Nếu giấu tui bữa mô đám cưới thầy Doãn mời tui không đi đừng có trách à nghe!
Nói thì nói vậy, nhưng Nhung cũng nghe lòng vui sướng khi nghe ai nhắc tới Doãn. Điệp thấy ông thầy nầy còn quá trẻ lại có vẻ vui tính, hỏi liều:
- Thầy có khi mô nghe thầy Doãn nói tới chị Nhung không thầy? À, xin lỗi thầy tên chi rứa thầy?
Thấy Điệp liến thoắng, vui vẻ nên người bạn của Doãn cũng vui vui, ông trả lời:
- Tui tên Bằng... Còn cô Nhung thì thỉnh thoảng cũng có nghe thầy Doãn nói tới, còn cô thì... tui không nghe nhắc tới!
Điệp cười khúc khích:
- Thầy Doãn nhắc tên người yêu của thầy chứ nhắc tên em mà... tế à?
Rồi Điệp le lưỡi rụt cổ lại khi thấy mình ăn nói có vẻ... hỗn hào với nhà mô phạm. Nhưng thầy Bằng lại cười cởi mở:
- Cô Điệp vui tính thiệt! Thôi, mời hai cô vô phòng tui uống nước chờ thầy Doãn luôn!
Nhung ngập ngừng:
- Hay thôi, để dịp khác đi thầy. Cho phép tụi em về!
- Mới tới mà răng đòi về liền rứa? Kệ, vô đây ngồi chờ thử một chút coi, hay tui đưa hai cô ra chợ gặp Thầy Doãn để...
Nhung hoảng hốt cắt ngang:
- Dạ, không... không được đâu!
Nhìn gương mặt của Nhung ra chiều khổ sở, thầy Bằng như cảm thông nên bảo:
- Thôi, tùy ý hai cô thôi! Vô phòng tui uống miếng nước rồi đi.
Nhung và Điệp thấy mới tới mà đi liền cũng mệt nên vui vẻ theo thầy Bằng bước vô phòng của thầy. Mời Nhung và Điệp ngồi tạm nơi chiếc ghế đẩu, thầy căn dặn:
- Hai cô cẩn thận hí! Ghế cũ mèm, coi chừng té đó!
Điệp nghe nói, đứng phắt dậy. Thầy Bằng cười bảo:
- Thôi, tính cô như vậy... đứng cho chắc ăn!
Điệp bẽn lẽn cúi đầu, thầy Bằng hỏi Nhung:
- Cô Nhung có muốn nhắn gì với thầy để tui nói lại, hay là cô viết vài chữ cho Thầy rồi tui đưa lại cho!
Nhung nhìn thầy Bằng hàm ý mang ơn, Điệp lại láu táu:
- Thầy ơi! Tội nghiệp chị Nhung lắm, mẹ mất, ba lấy vợ nhỏ, đày đọa chị cho đã chừ còn bắt lấy chồng già mà có tiền nữa! Ui chau, nghe nói ông nớ già hơn cả ba chị Nhung nữa đó...
Nhung im lặng không ngăn cản Điệp như những lần trước nữa, vì nàng nghĩ có lẽ đây là “trận đấu” cuối cùng đưa đến quyết định chuyện tình của nàng và Doãn. Nàng im lặng chăm chú nghe như nghe một chuyện thương tâm của ai khác, rồi Điệp hỏi huyên thuyên về cuộc sống của Doãn và thầy Bằng. Nhung mỉm cười khi thấy thầy Bằng vui vẻ trả lời từng câu hỏi của Điệp, chừng như hết chuyện để hỏi thầy Bằng bắt đầu quay lại hỏi Nhung:
- Nhung có cần giấy để viết vài chữ cho thầy Doãn không?
Hỏi xong, không chờ Nhung trả lời, thầy Bằng tới bàn rút ra quyển vở học trò và cây bút bic trao Nhung rồi bảo:
- Nhung viết vô đây rồi xé ra, viết xong tui đưa bao thư cho.
Nhung cầm lấy, lí nhí cám ơn rồi nàng chiếc ghế đẩu sát vô bàn và bắt đầu hí hoáy viết như đã chuẩn bị từ lâu.
Thầy Bằng nhìn lại Điệp hỏi:
- Rồi! Còn chi để... thẩm vấn tui nữa không?
- Trời! ngó tề, hỏi chuyện cho vui mà thầy cho là em thẩm vấn thầy, rứa thôi em không hỏi nữa.
- Nhưng nếu Điệp không hỏi thì chừ tui hỏi nghe!
- Thì ai cấm thầy mô nờ! Cứ hỏi đi.
- Có chồng chưa?
Điệp đỏ mặt, Nhung đang viết thư cho Doãn, nghe chuyện nàng bật cười:
- Cho chừa cái tật nói nhiều đi!
Thầy Bằng cũng cười lớn, rồi hai người nói chuyện rất vui vẻ... Bỗng thầy im bặt khi nhìn ra cửa thấy Doãn và bà mẹ của chàng đang mở cửa phòng. Điệp nhìn theo ánh mắt của Bằng, hiểu ra vội bảo:
- Nhung, ngó qua cửa sổ tề!
Nhung nhìn theo giật thót người, mặt tái đi. Điệp cầm tay bạn siết mạnh như trấn an. Bằng hỏi:
- Chừ tính răng? Muốn gặp hay không?
Nhung và Điệp nhìn nhau, không biết phải tính thế nào, Bằng thấy vậy đề nghị:
- Nếu không muốn gặp thì cứ chờ họ vô nhà một lúc rồi... hai o đi!
Điệp cười rúc rích:
- Thầy kêu tụi em bằng o nghe tức cười quá!
Nhung lắc tay bạn:
- Trời ơi! Điệp đừng đùa giỡn nữa, người ta sợ bắt chết đây nì! Thôi, đành nghe lời thầy, chờ chút tụi em đi!
- Điệp với Nhung uống trà hí để tui vô lấy, uống nước rồi đi!
Thầy Bằng khuất vô trong, Nhung bảo:
- May phước gặp ông nầy, nếu không không biết tính răng?
Thầy Bằng cầm hai ly trà ra, cả hai đỡ ly nước, Nhung hỏi:
- Trong trường ni có nhiều người ở không Thầy?
- Chỉ có 4 người và ông lao công thôi, bữa ni cuối tuần họ đi chơi hết chiều mới về.
- Răng Thầy không đi?
- Tại tui mắc tiếp... hai o đi răng được mà đi?
Bấy giờ Nhung và Điệp mới khám phá ra thầy Bằng đã ăn mặc rất tươm tất, cả hai áy náy, Nhung hỏi:
- Có phải thầy cũng định đi mô không? Tụi em cũng vô ý quá, quên không hỏi thầy...
Thầy Bằng cướp lời:
- Đừng ngại, tui cũng định đi loanh quanh ra chợ mua ít rau cải chi thôi! Chừ chắc hai o cũng đói rồi, có muốn ra tiệm ăn gần đây ăn đỡ cái chi không?
Nhung và Điệp đều từ chối, Nhung sốt ruột cứ nhìn qua phòng của Doãn vì thấy cửa cứ mở... Thông cảm cho nàng, thầy Bằng đề nghị:
- Hay để tui làm bộ qua đó nói chuyện, khi mô tui ra khép cửa lại thì hai o đi nghe!
Nhung đồng ý ngay, Thầy Bằng nhìn quyển vở rồi hỏi:
- Nhung viết thư xong chưa, để tui vô lấy cái bao thư...
Thầy Doãn chưa dứt câu thì tiếng cộc cộc vang lên, cả ba nhìn lại thì thấy Doãn và bà mẹ của chàng. Nhung hoảng sợ vò nhanh bức thư vứt xuống gầm bàn. Bà mẹ Doãn lên tiếng:
- Xin lỗi tui không biết thầy đang có khách, chỉ qua chào thầy để đi thôi!
Rồi bà ngạc nhiên khi thấy mọi người cứ nhìn nhau trân trối, không ai trả lời bà cả. Doãn hơi bối rối, nhìn Nhung và hỏi:
- Răng em lại ở đây?
Điệp thấy giấu không được, lại sợ có sự hiểu lầm nên nàng nói luôn:
- Em với chị Nhung đến thăm anh, nhưng anh với bác đi vắng nên định ngồi đây chờ anh về...
Bà mẹ của Doãn vừa nghe tên Nhung thì bà như bị điện giựt, bà hỏi nhanh:
- Có phải Nhung con ông Lập không? Cái con mà con mới nói với mạ đi hỏi cưới cho con đó hả?
Doãn im lặng gật đầu. Bà mẹ chàng như mất hẳn bình tĩnh, bà nói ngay:
- Con gái mà dám mò tới chỗ ở con trai để thăm? Doãn, mạ nói có sai mô.
Nhung sợ hãi đứng run như cầy sấy khiến Điệp càng giận dữ binh vực Nhung để đốp chát với bà:
- Bác không biết chi hết, anh Doãn và chị Nhung thương nhau từ lâu, mới đây ba mẹ chị ép gả cho người khác cháu mới rủ chị lên đây để báo cho anh Doãn biết, chứ có phải chị đi tìm anh Doãn thường mô mà bác nói như rứa!
Mẹ của Doãn càng tức giận hơn, bà nhìn con trai chòng chọc:
- Mi vừa lòng chưa? Nuôi mi khôn lớn tới chừng ni để cho mi kết bạn với những hạng người như rứa, muốn nói chi mẹ mình thì nói hả?
Cục diện xẩy ra quá bất ngờ, Doãn quýnh quáng không biết xử trí ra sao; Bằng kéo tay Điệp lôi ra ngoài sân, vừa đi vừa bảo:
- Để họ giải quyết với nhau!
Bằng và Điệp ra ngoài rồi Doãn vịn vai mẹ nhỏ nhẹ:
- Mạ bớt nóng đi, câu chuyện con thưa với mẹ sáng nay thì... đây là Nhung, cơ hội nầy con xin mạ cho tụi con được cưới nhau.
Mẹ của Doãn đưa tay xỉa xói vô mặt con trai:
- Tau nói rồi! Không được là không được! Rứa thì cái hôn ước giữa tau với con gái bác Vọng mi tính răng? Người ta là con nhà có học, gia tộc đàng hoàng lại nết na mi tìm suốt cả đời cũng không được mô.
Bà quay sang nhìn Nhung từ đầu tới chân, rồi nói:
- Mi nên biết ba mi là loại người bất nhơn, thứ mèo mỡ gà đồng, bức tử mẹ mi chết trong tủi nhục, cả làng xóm ai không biết. Chẳng lẽ tau mà đi làm...
Nhung run rẩy nép sát vào tường cho khỏi ngả. Doãn lòng đau như cắt, nhìn mẹ van vỉ:
- Mạ! Con van mạ đừng nói nữa... Mạ không thấy Nhung quá tội nghiệp hay sao? Mạ, con van xin mạ đừng nói nữa mạ ơi!
- Được rồi! Hừ! Tội nghiệp vậy ai tội nghiệp cho tau đây? Mi mà lấy hắn thì tau tự tử cho mi vừa lòng...
Nhung bịt hai tai lại thốt lên những lời ai oán:
- Bác! Con xin bác đừng nói chi thêm nữa, con biết con phải làm răng rồi! Anh Doãn, cám ơn anh, em hiểu được tình anh rồi thì cho dù có chết em cũng cam lòng.
Nói xong những lời chân tình ấy, Nhung chạy bay ra cửa. Doãn định chạy theo, mẹ của chàng giữ chặt tay con lại:
- Nếu mi mà đi theo hắn thì đi luôn đi! Đừng biết chi tới mạ mi nữa.
Điệp đang đứng với Bằng, thấy Nhung ùa ra đoán biết sự việc, nàng vội vã vô lấy hai chiếc ví của mình và bạn rồi quây qua nhìn mẹ con Doãn ánh mắt oán trách trước khi bước nhanh ra ngoài...
Điệp và Nhung vừa khuất thì Doãn cũng đưa mẹ ra bến xe. Bằng vô nhà kéo những chiếc ghế lại cho ngay ngắn, thấy bức thư của Nhung vứt dưới đất, tò mò chàng vuốt thẳng lại để đọc:
“Anh Doãn yêu.
Em đang bị ba và dì ép gả cho một người đàn ông lớn tuổi. Em tìm gặp anh vì quá cấp bách, xin hiểu giùm em. Em khổ quá Doãn ơi! Hãy cứu em gấp, em nhớ anh lắm, chỉ mong gặp anh một chút cho đỡ nhớ và nghe quyết định của anh là em ra về ngay. Em nhớ hơn hai tuần trước...”
Bức thư kết thúc ở đó. Bằng đọc đi đọc lại cảm thương cho mối tình của hai người, chàng quyết định trao lại bức thư dở dang nầy cho Doãn để Doãn tự quyết định. Nhưng rồi, Doãn cũng là người con có hiếu, cũng không đủ sức để chống chọi với nghịch cảnh nên đành xuôi định mệnh...
Chỉ hai tháng sau, một buổi trưa trời nắng chang chang, Nhung từ giã đời con gái để theo chồng về Đập Đá, Doãn đứng núp sau gốc cây me đầu làng nhìn theo tiễn biệt với cõi lòng tan nát.
Chị Loan và Điệp sau khi ở nhà của Nhung ra, ngang qua thấy Doãn đang ngồi tựa đầu lên gối, nước mắt đầm đìa. Chị em nàng thở dài thương xót, Điệp định tiến tới an ủi, nhưng Loan níu tay em lại:
- Đừng! Cứ để cho anh ta khóc đi! Chỉ có nước mắt mới làm dịu cơn đau, nhức nhối của tâm hồn thôi em ạ!
Điệp ngừng lại, tự hỏi thầm: “Xứ Huế cổ kính, bức tường luân lý, đạo đức quá chặt chẽ nầy không biết không biết tốt hay xấu?” và lòng dâng lên một nỗi buồn man mác khi nàng nghĩ câu hỏi có đưa ra cũng không bao giờ nàng được trả lời một cách thỏa đáng. Nàng rùng mình khi nghĩ đến Nhung thật tội nghiệp... trong đêm nay!



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 162

Return to top