Tôi sinh ra trong một gia đình đông đúc, gồm chín anh chị em, và chúng tôi ai nấy đều có gia đình, có con cái. Vào mỗi tối Giáng Sinh, tất cả gia đình chúng tôi tụ họp ở nhà người chị cả, tặng quà cho nhau, xem bọn trẻ diễn kịch vui về ngày Giáng Sinh, ăn uống, ca hát và đón mừng ông già Nô-en đến thăm.
Vào Giáng Sinh năm 1988, vợ chồng tôi có bốn đứa con. Peter mười một tuổi, Leigh-Ann chín tuổi, Laura sáu tuổi và Matthew hai tuổi. Khi ông già Nô-en tới, Matthew sà vào lòng ông ấy, và suốt buổi tối, nó không nhường chỗ cho ai cả. Tối đó, bất cứ ai chụp hình chung với ông già Nô-en đều phải chụp chung với bé Matthew.
Hầu như không ai trong số chúng tôi biết rằng những tấm hình chụp với ông Nô-en và Matthew sẽ quý giá đến ngần nào. Năm ngày sau Giáng Sinh, bé Matthew dễ thương của chúng tôi chết vì một tai nạn ở nhà. Chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng. May mắn thay, chúng tôi nhận được nhiều sự nâng đỡ - từ gia đình và bạn bè - mới có thể vượt qua đau khổ đó.
Tôi biết năm đầu tiên sau cái chết của người thân là năm khó khăn nhất. Ta phải chịu đựng nhiều điều khi vắng mặt người thân yêu đó. Tôi cũng vậy. Sinh nhật và những ngày lễ đặc biệt trở nên buồn bã thay cho niềm vui. Khi chúng tôi đón mừng Giáng Sinh đầu tiên không có Matthew, tôi cảm thấy khó hòa nhập vào tinh thần ngày lễ. Và rồi, vào ngày 13 tháng Mười Hai, một chuyện kỳ diệu xảy ra, nâng đỡ tinh thần chúng tôi khi chúng tôi nghĩ rằng đó là điều không tưởng.
Chúng tôi vừa dùng xong bữa tối thì tiếng gõ cốc cốc nơi cửa trước. Khi ra mở cửa, chúng tôi không thấy ai. Tuy vậy, trên hàng hiên có một tấm thiệp mừng và một gói quà. Chúng tôi mở thiệp ra đọc, biết rằng người gửi quà muốn ẩn danh và muốn động viên chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong gói quà là cuộn băng cát sét với những bài hát Giáng Sinh được yêu thích nhất. Cuộn băng được bỏ trong một cây thông Giáng Sinh nhỏ bằng giấy bồi. Tấm thiệp giới thiệu rằng đó là "cây thông giấy", một biến tấu của "cây lê giấy" trong bài hát "Mười Hai Ngày Giáng Sinh".
Chúng tôi nhìn nhau nghĩ: món quà này thật tinh tế, và sự ân cần của "chú lùn nhỏ" khiến tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi bỏ băng vào máy cát-sét, và từng bài hát vang lên, tinh thần Giáng Sinh bắt đầu sưởi ấm tâm hồn chúng tôi.
Từ đó, hàng loạt các món quà từ người ẩn danh gửi đến chúng tôi - mỗi ngày một món quà cho đến tản ngày Giáng Sinh. Mỗi món quà đều tuân theo chủ đề "Mười Hai Ngày Giáng Sinh" một cách sáng tạo. Bọn trẻ nhà tôi rất thích món quà "bảy con chim thiên nga đang bơi." Đó là một cái gỗ đững những cục xà bông có hình dạng thiên nga, cùng với xấp vé vào cửa một hồ bơi địa phương - khiến bọn trẻ có thứ để mong đợi khi những ngày xuân ấm áp đến. Trong món quà "tám cô gái vắt sữa" có tám chai sữa sôcôla được dán những gương mặt bằng giấy, quấn tạp dề và đội mũ. Mỗi ngày là một món quà đặc biệt. Món quà "năm chiếc nhẫn vàng" được gửi đến đúng lúc chúng tôi dọn điểm tâm - đó là năm cái bánh vòng có màu vàng mật lấp lánh với vẻ mời gọi.
Ngày nào chúng tôi cũng nhận được nhiều cú điện thoại của gia đình, của hàng xóm, của bạn bè... hỏi han xem hôm đó chúng tôi nhận được món quà gì. Chúng tôi cùng kinh ngạc, cùng cười khúc khích trước tình sáng tạo và vẻ kỳ diệu mỗi khi nhận món quà ân cần đó. Bị thu hút vào niềm phấn khích và sự tò mò muốn biết món quà cùa ngày hôm sau là gì, hình như chúng tôi đã dần quên đi nỗi buồn đau. Điều mà chú lùn nhỏ đã làm thật là diệu kỳ.
Từ đó, mỗi năm, khi chúng tôi trang trí cho cây thông Giáng Sinh, chúng tôi treo lên đó các món quà đã nhận được, và cùng nghe lại bài hát "Mười Hai Ngày Giáng Sinh". Chúng tôi gởi lời cám ơn "chú lùn nhỏ" - người mà chúng tôi nhận ra đó là Thiên Thần Giáng Sinh của chúng tôi. Chúng tôi không phát hiện được người đó là ai, mặc dù cũng có những nghi vấn. Thật ra chúng tôi thích như vậy hơn. Nó mãi mãi là một điều diệu kỳ - mãi mãi bí ẩn và thiêng liêng như lần Giáng Sinh đầu tiên.
Rita Hampton