“…chúng ta phải chịu phần lớn trách nhiệm cho vụ này {cuộc đảo chính}. Tôi lẽ ra không bao giờ được phép chấp thuận việc đó…” - TỔNG THỐNG JOHN F. KENNEDY(333) [(Dodds, paisley, “37 JFK Tapes Made Public” (Associated Press, 25.11.1998)]
Động cơ. Phương tiện. Cơ hội. Trong gần 40 năm ba chữ đó đã là những mấu then chốt điều tra trong nỗ lực giải thích vụ nghi án ai giết tổng thống Kennedy, và tại sao. Một điều tương tự ở bất kỳ vụ điều tra sát nhân thông thường nào; sau khi thu được bằng chứng cụ thể, kiểm chứng và đánh giá chúng, những người điều tra sẽ đi tới ước đoán về những kẻ đáng tình nghi nhất, cân nhắc động cơ, phương tiện vàcơ hội cho chúng thực hiện tội ác. Chúng tôi cảm thấy rằng những nỗ lực chung của ba phía (giới giang hồ Marseille của Guerini, đầu não của Mafia Mỹ, và Diệm – Nhu) đã cho thấy đủ cả động cơ, phương tiện và cơ hội để hạ sát JFK hơn các giả thuyết từng được công bố. Nhưng đã nói, ba thành phần trên có các động cơ tương tự nhau và/ hoặc cùng chia sẻ với nhau để muốn thấy JFK bị giết. Em trai Kennedy đang tiến hành cuộc chiến qui mô chống Mafia Mỹ, và nếu những nỗ lực của Kennedy nhằm loại bỏ Diệm và Nhu thành công, thì Mafia Mỹ sẽ chịu thiệt hại gấp đôi vì nguồn cung bạch phiến ổn định của chúng sẽ bị cắt và có khả năng bị tiêu diệt. Tương tự, cái chết hoặc việc truất phế Diệm và Nhu sẽ không chỉ đe doạ tiêu diệt quyền kiểm soát của giới băng đảng Corse/Marseille đối với tập đoàn bạch phiến toàn cầu, mà nó còn làm rối tung hệ thống và làm phân hoá hoàn toàn một trong những guồng máy tội phạm có tổ chức mạnh nhất thế giới. Thứ ba, nguồn lợi nhuận thuốc phiện của Diệm và Nhu sẽ bị chấm dứt, và quan trọng hơn, họ đã biết rằng một vụ đảo chính do Mỹ hậu thuẫn sẽ kết liễu luôn mạng sống của họ. Và cũng đừng quên những hệ quả rối rắm của thất bại trong vụ Vịnh Con Heo: không riêng Mafia Mỹ mất đi sự nghiệp sòng bạc ở Cuba, mà cả băng đảng Marseille cũng mất nữa(334) [(Benson)]. Diệm và Nhu với nguồn thuốc phiện dễ kiếm đã cho họ phương tiện đầu tiên để phát động một vụ ám sát. Khả năng của Mafia Mỹ trong việc tìm ra một nạn nhân tế thần và chuyên chở những sát thủ nước ngoài vào và ra khỏi Mỹ một cách trót lọt chứng tỏ họ có phương tiện tốt, và đó là chưa nói tới hàng chục sĩ quan cảnh sát Dallas đã lĩnh lương hoặc chịu sự khống chế nào đó của Mafia. Sau cùng, Antoine Guerini và giới giang hồ Marseille đã có được phương tiện tuyệt hảo để cung cấp những sát thủ được huấn luyện kỹ cho việc này. Và sự gắn bó đã ghi trong hồ sơ giữa Michael Victor Mertz với Guerini là một yếu tố quan trọng không thể phủ nhận. Xét vì thế, ba thành phần này, với tất cả các bộ phận tổ chức vận hành đã sẵn sàng, rõ ràng đã có cơ hội để giết JFK, và chúng ta tin rằng họ đã chụp cơ hội và đã thành công. Sau cùng, dĩ nhiên, mọi cuốn sách từng được viết về vụ ám sát Kennedy sẽ vĩnh viễn chỉ là một giả thuyết của người viết. Có quá nhiều nhân chứng đã chết. Quá nhiều bằng chứng đã bị tiêu huỷ, sữa đổi hoặc biến cải. Quá nhiều lời dối trá và quá nhiều thông tin sai lạc, ngay cả từ phía chính phủ Mỹ, đã được bịa ra và nhồi nhét cho công chúng bao lâu nay. Và cũng có quá nhiều sự thật đã bị ém nhẹm vĩnh viễn. Tình trạng này khiến tác giả chỉ còn lại giả thuyết của mình, và dựa trên đó họ xây dựng lại các dữ kiện khách quan và những chuỗi diễn biến của lý luận và lịch sử. Chúng tôi hy vọng rằng độc giả nhận thấy chuỗi diễn biến của lý luận và lịch sử của chúng tôi ở đây là có đủ tính thuyết phục, và chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi đã cung cấp được những dữ kiện khách quan (một số trong đó chưa từng có ai viết ra, một số khác chúng tôi tin rằng đã bị bỏ qua hoặc cố tình gạt sang một bên vì nội dung của chúng có thể rọi ánh sáng khác vào vấn đề này) đủ để hậu thuẫn cho những nghi ngờ của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi hy vọng rằng độc giả nhận thấy cuốn sách này lý thú và gợi suy nghĩ. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ thúc đẩy quí vị suy nghĩ thêm về bi kịch của ngày 22.11.1963, vượt ra ngoài báo cáo của Uỷ ban Warren thối nát và vượt ra ngoài những điều mà chính phủ Mỹ vẫn còn một mực quả quyết sau bao nhiêu đó năm trời.