FBI, trong nhiều hồ sơ, đã đánh dấu bà Nhu và Chính phủ Nam Việt Nam là những tình nghi ám sát JFK(310) [(a) Tài liệu FBI – Số lưu trữ 124-10054-10045, Hồ sơ CIA 62-109060-4257, 22.6.1966 (phiếu phân loại của hồ sơ, mục Chủ Đề, ghi “JFK, SUSPECT, MADAME NHU”). Tài liệu này có nói tới những lá thư từ một người Đức có bí danh KG3 gửi cho FBI; các lá thư khẳng định rằng bà Nhu dự phần trong âm mưu giết JFK; (b) Tài liệu FBI – Số lưu trữ 124-10052-10263, Hồ sơ CIA 62-109060-4257, 14.11.1966 (phiếu phân loại của hồ sơ, mục Chủ Đề, ghi “JFK, SUSPECT, MADAME NHU”); đây là một trong vài tài liệu kể lại lời khai của thuỷ thủ chuyên nghiệp Eric Lintrop, người đã nhiều lần thông báo cho FBI rằng ông ta nghe được các sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ nói chuyện về việc bà Nhu dính líu đến vụ ám sát JFK; (c) Bản dịch của FBI ngày 6.12.1963 các lá thư nặc danh từ Hà Lan gửi cho FBI, trong đó người viết thư khẳng định rằng bà Nhu có dính líu đến vụ ám sát JFK (xem Phụ lục F, G và H)]
JFK và nhóm cố vấn trong bộ ngoại giao đã làm rất hoàn hảo việc che kín dấu vết của họ trong vụ xâm nhập Vịnh Con Heo và những kế hoạch sau đó của Nhà Trắng nhằm ám sát Castro, cũng như rất nhiều chuyện khác. Người ta phải thấy dân Mỹ đã bị Nhà Trắng nhồi nhét những lời dối trá hữu hiệu đến thế nào suốt bao thập niên qua. Hãy tập trung chú ý vào Cuba một chút để diễn đạt luận điểm của chúng tôi. Trong nhiều thập niên, các sách sử rõ ràng đã tạo ấn tượng rằng vụ xâm nhập Vịnh Con Heo là sản phẩm của tổng thống Eisenhower, và Tổng thống trẻ tuổi vị tha John F. Kennedy đã thừa kế cái kế hoạch xấu xa này do một thất bại không tránh được. Chúng ta được dạy bảo rằng Kennedy chẳng muốn dính dáng gì tới chuyện đó nhưng bị buộc phải chấp nhận chiến dịch này vì quá nhiều công phu dàn xếp của chính phủ đã đâu vào đó. Chúng ta được lý giải rằng Vịnh Con Heo là một cỗ máy đã chạy sẵn trước khi JFK đắc cử, và cái máy đó không thể tắt đi được, và chính John Kennedy là người phải nhận cái kế hoạch tai hại của Eisenhower/Nixon thuộc đảng Cộng hoà ngay ngưỡng cửa Nhà Trắng khi JFK nhậm chức tổng thống. Dĩ nhiên, qua thời gian, chúng ta biết được những điều ngược lại – và sách vở cũng như báo chí cho đến tận cuối năm 1998 vẫn tiếp tục lan tràn, chứng tỏ JFK đã dính líu sâu đậm thế nào trong vụ này. Nhưng trở lại năm 1963 thì sao? Dân Mỹ không biết chút xíu nào về việc Kennedy, ngay sau lễ nhậm chức, đã hăng hái ủng hộ một đề xuất nhằm lật đổ Castro, họ cũng không hề biết rằng Kennedy hăng hái cho phép CIA duy trì hoạt động chính trị và phá hoại chống Castro tại Cuba(311) [(Kornbluh, Peter (ed.), Bay of Pigs Declassified, (the New Press, New York, 1998)]. Người dân Mỹ không biết chút gì, rằng ngay cả sau khi thất bại trong vụ Vịnh Con Heo, chính phủ Kennedy đã sốt sắng kêu gọi lập thêm những kế hoạch lật đổ Cuba và dàn dựng những biến cố có thể hợp pháp hoá trước công chúng một cuộc xâm lược qui mô lớn của Mỹ(312) [(Tài liệu của Hội đồng an ninh quốc gia (qua Uỷ ban Rockefeller); số lưu trữ 1781000210406; Hồ sơ CIA: ASSASSINATION MATERIALS MISC.ROCK/ CIA (2); Biên bản của Nhóm đặc vụ chiến dịch Mongoose, 4.10.1962; Posner, “Cracks in the Wall of Silence”)], họ cũng không hề biết rằng chính phủ Kennedy đã đồng ý kế hoạch của CIA nhằm tuyển mộ những tay Mafia Mỹ như Sam Giancana và John Roselli để ám sát Castro(313) [(Tài liệu có tựa COMMISSION ON CIA ACTIVITIES WITHIN THE UNITED STATES; phỏng vấn đại tá CIA Sheffield Edwards (qua Uỷ ban Rockefeller); Hồ sơ lưu trữ 178-10002-10352; Hồ sơ CIA A-II (A) CHRON – ASSASSINATIONS, ngày 9.4.1975. Đây là một tài liệu li kì không chỉ chứng minh rằng CIA tuyển mộ dân Mafia để mưu ám sát Castro bằng thuốc độc mà còn chứng tỏ rằng Robert Kennedy đã biết rõ chiến dịch này, rằng ông ta đã không phản đối gì cảm và ông ta đã ra lệnh cho Đại tá Shieffield tường trình cho mình mọi kế hoạch ám sát Castro khác)]. Xem ra, Kennedy hình như có một chính sách và tư tưởng duy nhất một chiều đối với những chính phủ nước ngoài bất đồng với ông ta: giấu mặt lật đổ. Thứ nhất là Castro của Cuba, rồi Diệm ở Nam Việt Nam. Không, công chúng Mỹ năm 1963 không hề nghe nói về điều đó. Một điều khác họ không hề – và chẳng bao giờ – được nghe nói tới, đó là 17 ngày sau khi JFK bị ám sát, FBI nhận được thư từ một nguồn tin vô danh ở Hà Lan trong đó khẳng định rằng bà Nhu và chính phủ Nam Việt Nam chịu trách nhiệm về vụ ám sát JFK(314) [(Bản dịch của FBI ngày 6.12.1963 cho lá thư nặc danh gửi FBI từ HàLan, trong đó người viết thư khẳng định rằng bà Nhu có dính líu đến vụ ám sát JFK (xem Phụ lục F-2)]. Rồi FBI nhận được thư của một thuỷ thủ chuyên nghiệp tên là Eric Lintrop khẳng định rằng ông ta đã chặn được một thông tin từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng kẻ giết John F. Kennedy đã được thuê mướn bởi bà Nhu và chính phủ Nam Việt Nam(315) [(Tài liệu FBI – Số lưu trữ 124-10052-10263, Hồ sơ CIA 62-109060-4257, 14.11.1966)]. Và còn nữa: FBI nhận được thư từ một người Đức tự xưng mình là KG3 khẳng định rằng kẻ giết JFK đã được chính phủ Nam Việt Nam thuê mướn(316) [(Tài liệu FBI – Số lưu trữ 124-10054-10045, Hồ sơ CIA 62-109060-4257, 22.6.1966 (phiếu phân loại của hồ sơ, mục Chủ Đề, ghi “JFK, SUSPECT, MADAME NHU”). Tài liệu này có nói tới những lá thư từ một người Đức có bí danh KG3 gửi cho FBI; các lá thư khẳng định rằng bà Nhu dự phần trong âm mưu giết JFK)]. FBI đã điều tra kỹ lưỡng tất cả ba đầu mối này, tất cả ngay sau cái chết của JFK, nhưng không bao giờ công bố thông tin lạ lùng này. Tại sao? Dĩ nhiên, những nhà phê bình sẽ gào lên rằng ba báo cáo có nguồn khác nhau nhưng không có gì cụ thể đáng tin cậy gửi cho FBI nói về việc chính phủ Nam Việt Nam dính líu vào vụ ám sát Kennedy về lâu dài thì chẳng có chút giá trị gì. Chúng tôi đồng ý. Nhưng cái món chẳng chút giá trị ấy bắt đầu trông như một trái nuí nghi ngờ khi ta bắt đầu khảo sát nhiều yếu tố bao hàm khác. Hãy nhìn vào thời điểm. Ba tuần sau khi Diệm và Nhu bị ám sát, JFK bị giết ở Dallas. Như đã đề cập ở các chương trước, bà Nhu đang làm một vòng diễn thuyết tại Mỹ khi vụ đảo chính Diệm nổ ra. Lúc đó bà ta đang ở Los Angeles, và khi biết rằng một vụ đảo chính đang manh nha ở Sài Gòn, bà ta lập tức tổ chức họp báo và lớn tiếng phê phán chính phủ Mỹ. Trong cuộc họp báo, bà ta nói: “Một sự bất công tàn bạo như vậy đối với một đồng minh trung thành thì không thể bỏ qua, và những người thuận theo nó thì sẽ phải trả giá. Tôi không tin nhưng nếu các tin tức đúng là sự thực, nếu quả tình gia đình tôi đã bị hạ sát một cách phản trắc với sự đồng tình chính thức hoặc không chính thức của chính phủ Mỹ, tôi có thể nói trước với tất cả quí vị rằng câu chuyện tại Việt Nam mới chỉ là màn mở đầu”(317) [(Trần Lệ Xuân, còn gọi là bà Ngô Đình Nhu, “Statement by Madame Nhu on the Death of South Vietnam’s President”, The New York Times (2.11.1063) (Chuyện JFK bị giết 20 ngày sau khi bà Nhu lớn tiếng đưa ra lời đe doạ này không phải là chuyện đáng chú ý sao?)]. Nghe như một lời đe doạ, phải không? Và thật lạ lùng. Người phụ nữ này, sau cùng, sang Mỹ để vận động sự ủng hộ cần thiết đến tuyệt vọng của công chúng đối với chính phủ của mình, và rồi lại tung những lời lẽ tạc đạn vào báo chí Mỹ. Quá lố cho việc vận động Mỹ ủng hộ. Những điều bà ta nói không chỉ khẳng định một mối nghi ngờ của bà ta rằng chính phủ của bà đã biết trước một cuộc đảo chính do Mỹ đỡ đầu, nó còn hàm ý một đe doạ trả thù đối với thủ phạm: chính phủ Mỹ. Ba tuần sau khi bà Nhu đưa ra lời đe doạ này, JFK bị bắn chết. Thôi được. Đó là một sự trùng hợp lạ lùng. Nhưng về thực tế, có thể nào bà Nhu, bây giờ chỉ còn một mình – vì chồng và tổng thống anh chồng đã bị giết – có thể nào bà ta, cùng với mấy thành viên gia đình và vài người trung thành với Diệm còn lại ở Sài Gòn, lại có thể dàn xếp một cú rửa hận nhắm vào Kennedy? Trong ba tuần? Điều đó là không thể được. Chiến dịch mờ ám dẫn đến vụ ám sát JFK hẳn phải cần, ít nhất, nhiều tháng để tiến hành và thực thi. Tổ chức một cú trả thù nhắm vào Kennedy trong ba tuần sẽ gần như là không thể được khi ta xét tới việc tuyển chọn người, bố trí hậu cần, vận chuyển người và trang bị, và tất cả việc hoạch định chiến lược và chiến thuật. Chắc chắn, nó có thể thực hiện trong ba tuần, nhưng chúng tôi cảm thấy khó có thể được. Thay vì thế, hoàn toàn có thể tin được khi giả định rằng không chỉ có bà Nhu, mà cả ông chồng Nhu nắm cảnh sát chìm và ông anh chồng tổng thống đã biết trước từ lâu rằng Kennedy và các đầu não Bộ ngoại giao Mỹ đang có kế hoạch và chuẩn y vụ đảo chính Diệm. Nếu điều này không đúng, làm sao Nhu tích trữ vũ khí và đạn dược tại những địa điểm “bí mật” từ trước khi đảo chính thực sự xảy ra? Chúng ta đã thấy rõ ràng các nỗ lực của CIA đã thông báo được vị trí của những địa điểm này cho tướng Minh và các đồng sự của ông ta nhưng đó chưa phải điểm chủ yếu. Tất cả những gì mà điều đó muốn chứng minh là, CIA là một tổ chức tình báo hữu hiệu hơn tổ chức cảnh sát chìm của Nhu. Sau cùng, tại sao Nhu cho tích trữ vũ khí đạn dược ở các địa điểm bí mật nếu ông ta không nghi ngờ trước về một vụ lật đổ đang manh nha? Chúng tôi chứng tỏ rằng không có nghi ngờ gì trong vụ này cả. Nhu và Diệm đã biết trước rất rõ rằng Dương Văn Minh và các tướng lĩnh đang lập kế hoạch lật đổ. Sự thực, ý kiến này là không tranh cãi được… Stanley Karnow, nhà báo nổi tiếng và là phóng viên về Chiến tranh Việt Nam, cho chúng ta biết rằng các nhân viên phản gián của Nhu cài được dụng cụ nghe lén trong Toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn(318) [(Karnow)] Dựa trên sự kiện ngày nay đã sáng tỏ là Toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã bị nghe lén, chúng ta có thể kết luận rằng mọi cuộc đàm thoại giữa Đại sứ Lodge và đầu mối CIA Lucien Conein đều bị Nhu và những nhân viên phản gián nghe rõ từng lời. Lodge và Conein (cũng như Lodge và những người khác gắn liền với phái bộ ngoại giao Mỹ) rõ ràng đã thảo luận chuyện Nhà Trắng ủng hộ cuộc đảo chính trong khuôn viên toà đại sứ. Điều này có nghĩa là bằng phép suy diễn đơn giản Nhu và Diệm đã biết được điều gì đang xảy đến với họ. Nên cũng hợp lý khi Nhu và Diệm đã có những biện pháp phòng vệ, chẳng hạn như tích trữ vũ khí và đạn dược ở những địa điểm bí mật. Nói rõ hơn, những con bọ nghe lén của Nhu trong toà đại sứ Mỹ đã làm sáng tỏ rằng Nhu và Diệm đã biết Kennedy đang cố làm cho họ bị lật đổ và thậm chí bị giết chết. Nhưng hãy tạm gác những con bọ nghe lén trong văn phòng của Lodge và hãy nói chuyện về hệ thống băng ghi âm trong chính Nhà Trắng của Kennedy. Chúng tôi đã nói chuyện 37 cuộn băng ghi âm những buổi họp giữa Kennedy và ban chỉ huy của ông ta tại Nhà Trắng và trong Phòng Nội các đã được công bố ngày 24.11.1998. Tại sao những cuộn băng ấy được bảo mật trong hơn ba thập niên là chuyện ta chỉ có thể suy đoán (hoặc, thực ra, đó cũng không phải điều ngạc nhiên vì hàng núi dữ liệu về JFK đã bị giữ ngoài tầm tay công chúng trong thời gian tương đương như vậy hoặc còn lâu hơn), nhưng các cuộn băng của Nhà Trắng từ 25.10.1963 đã ghi những thảo luận giữa Kennedy và giám đốc CIA John McCone. Ai chắc cũng biết McCone và phụ tá là William Colby đã tích cực thúc giục JFK cho ngưng vụ đảo chính lại. Đây là một lý do khác nữa. McCone có lý do để tin rằng tướng Paul Harkins (sĩ quan thâm niên tại Việt Nam) đã bí mật tiết lộ âm mưu đảo chính cho Diệm biết! “Nói cách khác, Diệm có bằng chứng rằng Kennedy đang âm mưu lật đổ mình”(319) [(Hughes, Ken, “The Table of the Tapes: JFK and the Fall of Diem; Three Weeks Before His Own Assassination, President Kennedy Launched a Coverup in the Assassination of the President of South Vietnam”, The Boston Globe, 24.10.1999)]. Ai cũng biết rằng Harkins xem Diệm như bạn thân, và ai cũng biết rằng Harkins rất chống đối kế hoạch lật đổ. Và bây giờ chỉ huy CIA (người tiếp cận được những nguồn tin tình báo rộng rãi và chính xác nhất trên thế giới) hàm ý ông ta có lý do để tin rằng Harkins, vô tình hay hữu ý, đã cho Diệm hay sắp có một cuộc đảo chính, phải nói rằng khó mà phủ nhận độ đáng tin cậy của nguồn tin này. Thông tin này chỉ gia tăng bằng chứng rằng Nhu và Diệm đã biết trước Kennedy đang mưu lật đổ mình. Họ biết rằng đã có hợp đồng để mua đứt mạng sống của họ. Giả sử, nếu bạn biết một ai đó đang mưu giết bạn… bạn sẽ làm gì? Nhắm mắt lại và cầu cho nó qua đi chăng? Báo “cảnh sát” cho dù bạn biết trước “cảnh sát” là bất lực? Trong trường hợp này, đa số người ta sẽ tìm cách ra tay trước. Giết kẻ thù trước khi kẻ thù kịp giết mình. Đó là bản năng sinh tồn căn bản, một phản ứng của con người từ khi giống người xuất hiện trên đời. Sống sót chống lại kẻ áp bức mình. Xu hướng căn bản và sơ khai nhất.. Nhưng chúng ta biết có một điều không bao giờ bị tiết lộ trong Toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, đó là ngày giờ đích xác nổ ra đảo chính. Các tướng lĩnh nổi loạn không bao giờ cho chúng ta biết đích xác lúc nào vụ đảo chính nổ ra. Chúng ta cũng biết rằng một số ngày giờ tiến hành đã bị đình hoãn lại – điều đó hẳn Nhu và Diệm đã biết nhờ những con bọ nghe lén. Hơn nữa, chúng ta biết rằng Diệm, vào ngày 1.11.1963, đã gặp Lodge lúc 10 giờ sáng và có đề cập đến tin đồn về một cuộc đảo chính nhưng rồi đã mau chóng gạt qua một bên (rõ ràng đã quá tin vào khả năng của Nhu trong việc hạ gục những kẻ chống đối). Diệm thậm chí còn hẹn sớm gặp lại Lodge và thu xếp những bất đồng giữa họ với nhau(320) [(Karnow)]. Lodge chỉ gật đầu cho qua chuyện. Nhưng ta có thể thấy rõ những gì đang xảy ra ở đây. Lodge đã xoa dịu Diệm vì ông ta biết rằng Diệm sẽ sớm bị lật đổ, và Diệm xoa dịu Lodge vì ông ta biết rằng Kennedy sẽ sớm bị hạ sát. Vấn đề duy nhất ở đây là vụ đảo chính đã xảy ra sớm hơn Diệm tính toán. Chúng ta đồng ý rằng Diệm và Nhu (cùng với đồng mưu ở Marseille và Mafia Mỹ) đã có kế hoạch ám sát John F. Kennedy. Nhưng Diệm và Nhu đã bị ám sát trước khi kế hoạch của họ được tiến hành. Làm sao mà Diệm và Nhu không biết được rằng kế hoạch tiêu diệt họ đã sẵn sàng đâu vào đó? Với những con bọ nghe lén trong toà đại sứ Mỹ? Và với 100.000 nhân viên tình báo của Nhu? Cho rằng tất cả những người này không biết thì sẽ là phi lý. Không ai ngốc đến thế, mà Nhu và Diệm là những con người rất khôn ngoan. Họ đã khôn ngoan hơn hẳn các kẻ thù suốt trong chín năm nắm quyền, đương đầu với rất nhiều vận xui, và đã sống sót trên vị trí quyền lực. Họ ăn chắc rằng lần này họ cũng sẽ làm được như vậy. Nhưng họ đã tính sai. Sự dính líu của Nam Việt Nam trong vụ ám sát Kennedy thực sự được định hình đáng tin hơn so với sự dính líu của Liên Xô (điều này đã bị chứng tỏ là sai), so với trường hợp một mình Oswald đơn lẻ (điều này cũng bị chứng tỏ là sai) và so với sự dính líu của cái gọi là tập đoàn quân sự – công nghiệp vì họ muốn làm một số triệu phú được giàu hơn bằng cách leo thang cuộc chiến với chính phủ Johnson. Khả năng một vụ lật đổ Diệm thì một ngàn lần đe doạ đối với một số quyền lực hơn mối đe doạ của chuyện Kennedy can thiệp vào những khoản trợ cấp và lợi nhuận đối với một số công ty như Bell Helicopter và General Dynamics. Đơn giản là chúng tôi không tin rằng Kennedy bị giết bởi một số nhà công nghiệp hay trùm dầu hoả Texas. Chúng tôi không tin rằng Kennedy bị giết bởi CIA vì CIA tức giận ông ta sau thất bại trong vụ Vịnh Con Heo. Và chúng tôi không tin rằng một tên điên lẻ loi như Lee Harvey Oswald lại có thể thực hiện vụ ám sát gay go nhất trong lịch sử với một khẩu súng trường cổ lỗ và thiếu chính xác. Thay vì thế, chúng tôi tin rằng vụ ám sát JFK là một âm mưu đã được tính toán trước giữa Mafia Mỹ, giang hồ Marseille và cấp cầm quyền cao nhất của chính phủ Nam Việt Nam.