Cát Phủ nhấp nhổm trên ghế, chỉ mong cuộc họp sớm kết thúc. Anh ngứa ngáy, cần phải kể ngay chuyện này với Dinh. Cát Phủ đã đến chợ Chồm Hổm, ghé vào tiệm nước mía gặp Yến. Nàng mừng rỡ nhận ra người bạn cũ từ hồi sinh viên. Nhà văn và cô chủ tiệm nước mía chuyện trò khá thân tình. Cát Phủ kể vắn tắt về mình bằng lối tự diễu cợt. Không một lời đả động đến Võ Dinh. Nhà văn ngỏ ý muốn Yến chuyển vào Sài Gòn... Nàng cảm động, chăm chú nghe Cát Phủ phác họa kế hoạch ký hợp đồng tạm tuyển và dịch sách tài liệu kỹ thuật. Nàng đáp thành thực:
- Cảm ơn anh nhiều lắm, Yến không dám mong gì hơn. Nàng hơi nhíu trán. Anh cảm phiền, có lẽ phải thư thư một vài tuần Yến mới vô được. Yến đang còn kẹt chuyện gia đình.
- Nếu có thể, nói cho tôi nghe chuyện kẹt của Yến!
Nhà văn khẩn khoản. Nàng im lặng một lúc rồi đáp:
- Chẳng giấu gì anh, thằng em Yến mới bị bắt, sắp tới người ta đưa nó ra xử. Yến muốn biết sự thể ra sao mới quyết định được việc khác!
Cát Phủ ngơ ngác, anh chưa biết chuyện buồn này của Yến.
Nhà văn chăm chăm nhìn lên chỗ Dinh đang nhăn nhó khổ sở. Mình mới chân ướt chân ráo nhào vô cũng đã cảm thấy ở đây có một cái gì đó đang âm ỉ chỉ chờ dịp bột phát. Chẳng thế, một lần nói chuyện với mình và Dinh, ông Việt, thường vụ đặc khu uỷ, bí thư thành uỷ Hàm Dương đã thốt lên:
- Sự thắng lợi nửa vời còn tệ hơn cả thất bại. Nó chỉ có khả năng vuốt ve lòng tự ái, làm nẩy sinh những ảo tưởng, kích thích máu phiêu lưu. Một tính cách nửa vời cũng nguy hiểm không kém, nó mài mòn nhân cách và nghị lực, tiêu hao khả năng phát triển tự do của mỗi chúng ta...
Dinh bóp chặt quai hàm như không cho nỗi đau lan ra khắp đầu. Mỗi lần định há miệng, không khí lại lùa vào kẽ chân răng đau buốt. Cái răng hàm tai quái như muốn trồi lên kéo theo nỗi nhức nhối tận xương tuỷ. Anh đâm ra cáu kỉnh với Khuê, trưởng Ban kinh tế mới thành phố khi ông này lên án đám thư lại biếng nhác, ngu dốt. Chửi rủa vừa thôi, vô trọng tâm đi. Anh lầu bầu trong miệng. Khuê hầm hầm nói tiếp gì đó… Chiếc răng sâu như một mũi dùi thép cắm ngập vào những đầu mối thần kinh nhạy cảm nhất làm anh đau toé đom đóm mắt.
Tan họp, anh hấp tấp lao ra sân quên cả chờ nhà văn. Cát Phủ nghĩ thầm, cậu ta đang đau răng. Thôi, mai kể chuyện nàng cũng chưa muộn.
Dinh bảo người lái xe đưa mình đến thẳng nhà riêng bác sĩ Kim. Bà vợ ông là nha sĩ nổi tiếng mát tay nhất Hàm Dương. Xe vừa dừng lại trước cổng, anh vội vã dặn:
- Đừng đợi tôi!
Rồi vội vã bấm chuông. Bác sĩ Kim mở cổng, nhìn nét mặt thiểu não và bàn tay bưng quai hàm của anh, hiểu ngay cơ sự:
- Vô đi, bà ấy đang coi sách!
Anh thở phào theo ông vào nhà. Vị cứu tinh của anh thả cuốn sách đang đọc xuống đi-văng, dịu dàng bảo anh:
- Xin mời!
Anh theo bà vào phòng chữa răng. Bây giờ thả người dài theo chiếc ghế bành êm ái, anh không cần phải đè nén nỗi đau nữa. Thấp thoáng dưới ánh điện, anh nhìn thấy mái tóc bạc quá nửa và đôi mắt ấm áp của bà. Anh giống hệt một đứa trẻ dưới bàn tay nựng nọt, vỗ về của người mẹ. Những ngón tay thon nhỏ, mềm mại của bà chạm nhẹ vào mặt anh làm cơn đau giảm đi rõ rệt. Bà dịu dàng khuyên:
- Phải nhổ thôi. Viêm tủy chân răng, để lâu sợ lây sang những chiếc khác. Ráng chút xíu, há miệng ra nghe...
Anh ngoan ngoãn làm theo. Bà tẩm thuốc giảm đau vào một miếng gạc nhỏ, khéo léo dùng panh gắp đặt lên chỗ răng sâu của anh. Anh rùng mình, hơi ớn lạnh, tê tê rồi cảm thấy hết đau. Anh khoan khoái trở lại phòng khách trong lúc bà rửa tay. Viên bác sĩ thần kinh không cho anh yên:
- Người ta đồn, sắp đưa nhóm thanh, thiếu niên rải truyền đơn, viết khẩu hiệu bậy bạ ra xử. Có đúng không anh Dinh?
Anh bối rối gật đầu. Bà nha sĩ thở dài:
- Nhìn cô Yến thiệt tội, người già đanh, tai hoạ liên tiếp giáng xuống...
Ông chồng khẽ hừm trong cổ, bà vội ngưng nửa chừng. Miệng đắng ngắt, anh tê tái nhìn vào góc phòng, phía sau bức tường ấy còn nguyên chiếc công sự mật anh đã từng nương náu những năm tháng ác liệt nhất. Lúc ấy vợ chồng bác sĩ Kim đã đem cả mạng sống của một gia đình ra che chở cho anh. Hôm nay, họ có quyền đòi hỏi nơi anh một sự thành thật không?
- Kẹt quá, tên cầm đầu đã trốn thoát, chỉ có lũ trẻ bị kích động, xúi giục bị mắc cạn!
- Có gì mà kẹt. - Vị bác sĩ nôn nóng kêu lên. - Tội đến đâu xử tới đó, dù sao chúng cũng là những đứa trẻ ngốc nghếch, manh động. Giơ thiệt cao nhưng đánh khẽ thôi.
Nhớ lại hướng chỉ đạo vụ án của đặc khu ủy, anh cười thảm hại:
- Nhưng có người không muốn thừa nhận sự bất lực của mình khi để tên cầm đầu biến mất. Họ sẽ vớ lấy một kẻ nào đó dễ chịu nhất trong bọn trẻ để “thưởng” mức án lẽ ra phải tặng cho tên chủ mưu đã cao chạy xa bay.
Đang cầm chung trà trên tay, bác sĩ run rẩy làm sóng sánh nước ra ngoài, giọng đau khổ:
- Thất đức quá, vậy thì cậu em trai Yến lãnh đủ. Con của tỉnh phó nội an kia mà, kêu trời không thấu! Anh phải lên tiếng, không thể dày xéo lên pháp luật và lương tâm con người như vậy được!
Anh cúi gằm mặt. Bà nha sĩ vội giật nhẹ ống tay áo chồng:
- Khuya rồi mình, để anh Dinh về nghỉ!
Chưa hết xúc động, vị bác sĩ già uể oải đứng dậy tiễn anh ra cổng. Gương mặt ông chỉ dịu đi khi anh xiết chắt tay ông:
- Bác sĩ yên tâm, sẽ không phải một người lên tiếng!
Biển đêm thầm thì thứ âm thanh thích hợp cho con người đào sâu nỗi khắc khoải, niềm ưu tư trong tâm thức vắng lặng. Anh tự hỏi. Mình có thể xử sự giản dị và cao thượng như vợ chồng vị bác sĩ ngoài Đảng kia không? Vật vã với cơn ác mộng quái đản còn dễ chịu hơn là lặng đi, nhớ lại từng chi tiết xác thực trong đêm chia tay cuối cùng hồi Mậu Thân.
Khi cỗ xe còn lẩn quẩn trong thành phố, bao nhiêu tâm trí của anh và nàng dồn hết cho việc tính toán mưu mẹo đối phó với các cuộc tuần tra, lục soát giấy tờ, vừa ra khỏi vòng vây chết chóc, họ trơ trọi và trở nên xa lạ với nhau kinh khủng. Nỗi đau khổ xé lòng của người tình sắp phải xa người tình trong một cuộc chiến tranh không biết bao giờ kết thúc, đã không hề xuất hiện để cuộc chia ly ướt đẫm nước mắt, cuống quýt những nụ hôn bỏng môi trong tiếng nức nở hẹn hò, thề thốt.