Đèn đuốc sáng choang. Cô dâu chú rể lần lượt làm lễ gia tiên. Mọi việc đều hoàn toàn như ý đối với đàng trai lẫn đàng gái từ đầu chí cuối, không một chút phật lòng. Ông Nhì, người được ông Hương cắt đặt lo việc lễ nghi lấy làm hãnh diện cho cá nhân ông lẫn cho thân tộc.
Ông đứng trước bàn thờ, tuyên bố:
- Tôi thay mặt cho nhà gái công nhận kể từ nay cháu Minh là con rể nhà này và cháu Sương thuộc về gia tộc của anh Tư chị Tư và là vợ chánh thức của cháu Minh - Ông còn thêm một câu chữ Nho cổ điển để chấm dứt buổi lễ chánh thức và cũng là lời khuyên cô Sương - Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu v.v...
Bữa cơm đãi đàng trai vô cùng thịnh soạn. Đó là kết quả của những thiên tài làm bếp bên đàng gái. Đám cưới trưởng nam của ông Hội Đồng mướn bếp Tây ở Sài gòn xuống nấu. Họ chở đồ đạc vật liệu ba xe cam nhông , từ miếng thịt , hột tiêu đến cái nĩa, cây xỉa răng, không xài món gì của gia chủa. Tiệc xong họ gom tất cả bỏ lên xe đi về. Sang thì sang thật nhưng có những món lạt nhách nuốt không vộ Còn đám gả cô Sương thì do bếp nhà nấu thiệt vừa miệng. So lại cũng đâu có thua đám kia.
Mấy chục phát pháo tre và một dây pháo nồi nổ vang đón chào khách đàng trai tới, bây giờ cũng lại bằng ấy tiếng pháo tiễn cô dâu về nhà chồng.
Bà Sáu chạy tới chạy lui bận rộn. Bà phải trổ tài của bà mai xuất chúng cho khách khứa thấy để bà còn được nở mặt nở mày hơn trong những cuộc xe duyên sắp tới.
Bà mặc áo xuyến, tóc bới bánh lái ghim cây trâm vàng có hình bươm bướm, tai bà lấp lánh đôi bông chuỗi , môi tưoi cỗ trầu như thoa son . Bà đã bắt được mấy mối ngay trong bữa cơm.
Cô Sương mặc áo vàng thêu bông trắng, bên ngoài khoác áo thụng xanh, đầu đội nón dứa quai thao cũng màu xanh lòng thòng, đặc biệt nhất là đôi bàn chân nhỏ xíu của cô mang đôi giày cườm "phượng đầu hài " (là đôi giày mũi nhọn giống như đầu con phượng), tóc cô thay vì kẹp như hôm đám hỏi, này được bà Sáu bới lên và cái chiếc trâm vàng "phượng kiều " có hình đầu và đuôi phượng chạm thật khéo và đây là của gia bảo, lần đầu tiên được đem ra dùng cho cô.
Bà Sáu trang điểm cho cô dâu và khen lấy khen để:
- Cháu tôi có thua gì công chúa "Thại" Ba không ? Phải có phượng liễn cho cháu tôi đi kìa mới xứng.
Mà thật, cô Sương rất đẹp. Mình hạc xương mai, đi đứng yểu điệu , chỉnh tề, phải thế con nhà gia giáo. Bà Sáu dìu cô ra tận bến sông, chống nạnh hai quai, vo vo cặp môi:
- Cầu ai bắc có đóng đinh không ? Kẻo cầu tre lắt lẻo gập ghình cháu tôi khó đi đó nghe ! Lỡ mà nó vấp trầy cái móng chân là tôi kiện tới "tà" áo đỏ !
Những câu nói không dứt và duyên dáng của bà làm cho mát lòng cả hai bên đàng trai lẫn đàng gái. Cô Sương bước từng bậc thang xuống thuyền trong lúc bà Sáu tay dắt, miệng nói:
- Tuy không có phượng liễn nhưng có ghe hầu rước cháu về nhà chồng. Kìa chiếc ghe mới sơn, cửa chạm lại gắn bông hoa nào có khác gì ghe hầu của Cai Tổng đâu! Nước xuôi thuyền cũng trôi xuôi; Phụ tùy phu xướng một đời hiển vang nghe cháu... Sương !
Chiếc ghe hầu dành cho cô dâu chú rể, bà mai và suôi trai (còn suôi gái thì chỉ đưa con ra bến, không đưa tới nhà rể, vì làm như vậy có nghĩa là đưa đi rồi lại rước về , không tốt cho gia đạo).
Một chiếc ghe lớn dành cho cả khách đàng trai đến rước dâu, đàng gái đưa dâu. Bà Sáu nói với Minh:
- Cháu nhớ không. Hôm đám hỏi, lúc về thì nước ngược, còn bây giờ rước dâu thì nước xuôi rí thấy chưa ? Bác nói là vạn sự khởi đầu nan. Nước lớn là điềm tốt chớ không phải chơi đâu !
Ghe rời bến đã xa mà câu văn trên miệng bà Sáu vẫn còn như nước chảy:
- Không ai được như cháu nghe Minh. Đám hỏi với đám cưới chỉ cách nhau có một tháng mấy ngày.
Minh không nói một lời từ lúc bước xuống ghe đi rước dâu cho đến ngồi cận cô dâu trên đường về nhà.
Chàng không có cách nào chống trả hoặc trì hưỡn như đã dự định lúc gặp Bền:"Tao cương quyết không cưới vợ !" Định bụng sẽ tìm cách thưa với ba má trở lên dạy học. Rồi ở luôn theo kế hoạch của Bền. Nghĩa là chối bỏ cuộc hôn nhân ở quê nhà và cương quyết thành vợ chồng với Emiliẹ Tiếng của Bền còn văng vẳng bên tai chàng:
"Dắt một đứa cháu nội về là hết bất hiếu".
Minh thấy Bền đã rất sáng suốt vẽ lối cho Minh.
Đối với Emilie , chàng nhất mực giữ kín và dặn kỹ Bền không phụ nhĩ cho Liễu. Là bạn gái, họ sẽ không giấu nhau những chuyện như vậy.
Hôm từ giã nhau ở bến đò, Emilie tỏ ý muốn cùng đi với Minh , nhưng Minh tìm cách nói xa nói gần và doa. sóng doa. gió để ngăn cản nàng. Và nàng đã không giữ ý định ấy được lâu, không phải vì nàng sợ sóng gió - người ta đi được, mình đi được- nhưng nàng ngại Minh cho nàng quá xốc nổi, hơn nữa, Minh bất ngờ dắt một đứa con gái về nhà không được sự cho phép trước của gia đình, cha mẹ Minh sẽ nhìn mình với cặp mắt nào ? Ngoài ra , ba má Emilie sẽ không cho nàng đi như vậy. Bao nhiêu chuyện bủa vây làm cho nàng không còn hăm hở nữa. Biết bao nhiêu việc trên đời mình định làm và nhất định sẽ làm được phăng phăng, nhưng vì hoàn cảnh, vì luân lý, vì nọ kia chằng chéo mà đành thối lui.
Minh biết lần chia tay này làm cho nàng buồn lắm. Chàng còn buồn hơn nhiều vì phải đối diện với một tình huống mới và nhất là phải nói dối nàng, tuy chàng biết trước một ngày gần đây chàng sẽ phải nói thật hoặc nàng sẽ biết hết sự thật.
Emilie cứ quấn quít bên chàng không muốn rời tay chàng một phút. Con trai trước khi được con gái yêu thì sôi nổi, nhưng khi đã được yêu rồi thì bớt đi cường độ; trái lại, con gái say đắm hơn . Hèn chi bà mẹ Virginie đã dặn con gái, đừng cho Paul biết Virginie yêu Paul. Cái tâm lý đó còn đúng mãi cho đến khi nào không còn tình yêu trai gái nữa.
Nàng hỏi Minh nhiều lần và lần nào cũng bắt Minh phải hứa chắc:
- Mấy ngày anh lên?
- Mười bốn ngày.
- Mười bốn ngày mới xuống đò hay là ngày thứ mười bốn anh đã có mặt ở bến này ?
- Em muốn thế nào anh theo thế ấy !
- Em không muốn xa anh! - Emilie nghẹn ngào.
- Anh chỉ yêu em. Nếu em không là vợ anh thì không ai cả.
- Em cũng vậy. Nếu chúng mình không thành duyên nợ thì em ở vậy suốt đời.
Mũi đò từ từ quay ra. Minh có cảm tưởng như hàng ngàn sợi tơ trì níu chàng lại, nhưng rồi không giữ nổi, phải đứt lìa.
Minh dùng tình yêu Emilie như võ khí hữu hiệu để chống với nghịch cảnh, không có gì có thể làm trở ngại bước chân chàng tiến tới và sánh vai với nàng trên đường đời.
Nước mắt của Emilie làm chàng đau khổ. Nàng đã khóc vì ta.
Nhưng than ôi! Bao nhiêu dự định của chàng đều tan vỡ mau chóng và dễ dàng. Hôm chàng vừa bước chân về tới nhà, thằng Bảo nói ngay:
- Ba má đã sửa soạn xong hết rồi.
- Sửa soạn cái gì ?
- Đám cưới anh chớ gì nữa!
Minh sững sờ ngơ ngác. Té ra hôm đám hỏi xong ngồi dưới xuồng nghe bà Sáu nói đàng gái thách cưới sớm. Minh tưởng là không thể như vậy được, nào ngờ chuyện đó lại trở thành sự thật như một cơn gió vèo qua.
Thằng Bảo trỏ các thứ vật dụng để chứng minh lời nó nói:
- Ba để cho anh đi giày tây chớ không đi giày hàm ếch. Áo thụng xanh đã thỉnh trong đình đem về kia. Khăn đóng đó, ba đợi anh về đội thử coi có vừa không. Còn khay trầu rượu cất trong tủ. Cái quả son là để dành đám gìở mâm trầu.
Thôi thế là hết ý chí. Dứt tình yêu. Minh như con chim bị nhốt vào chiếc lồng luân lý:" Áo không mặc qua khỏi đầu.". Từ xưa tới nay vẫn thế. Minh không dám buông một lời tỏ ý không hài lòng với ba má. Minh biết ba má, các em đều lam lũ, chỉ có Minh được đi học. Ba má muốn chàng thành danh thành tài lúc ba má tuổi già. Minh không muốn làm đứa con cãi lởi cha mẹ từ thuở nhỏ đã học " cá không ăn muối cá ươn"
Đêm sắp đi làm rể, Minh bỗng đổi tánh, đang lầm lì ít nói ít cười, Minh vui hẳn lên, pha trò với thằng Bảo, dịu ngọt với Mẫn, Thiệp và tỏ vẻ rất ngaon ngoãn với ba má như một đứa con nít. Minh lau chùi chân đèn trên bàn thờ và tưới hàng bông vạn thọ trước sân.
Cuộc đời chuyển động quá nhanh. Mới ở bến đò từ biệt Emilie và hứa hẹn sẽ trở lên mà bây giờ đã có vợ !!
Chàng ngồi bên cạnh cô nàng mà ngẩn ngơ tâm sự. Không dám cử động vì sợ đụng nàng. Không biết nói câu gì vì không biết cái gì để nói. Hỏi thăm gia cảnh bên nàng ư ? Chàng đã biết cả rồi. Hỏi nàng có yêu chàng không ư ? Chắc chắn là nàng không yêu chàng bằng Emilie !? Minh cũng không dám nhìn kỹ nàng. Sương chỉ là một cái bóng mờ trước mắt chàng bên cạnh Emilie . Hai người sẽ hoá đá mất nếu không có bà Sáu lúc nào cũng tô vẽ tương lai của hai người:
- Chồng rành chữ Tây, vợ giỏi chữ Nho, đẻ con ra chín, mười tuổi đã đổ trạng cho mà coi. Tui dám chắc hội đồng, cai tổng, cũng không bằng anh chị đó, anh Tư chị Tư.
Bà Tư hoàn toàn thoa? mãn về việc cưới dâu, chờ đợi câu khen của bà mai để đáp lại, nên nói ngay:
- Đó là nhờ công cán của chị, chớ vợ chồng tôi tài hèn đức mọn đâu làm nổi việc lớn như vầy.
Bà Sáu lại tiếp:
- Anh Hương giỏi chữ Nho chắc ảnh đã tính việc đặt tên cho cháu ngoại của ảnh, cháu nội của anh Tư rồi chớ gì.
Câu nói vô tình của bà Sáu làm Minh giật mình. Đã có lần Emilie thủ thỉ với Minh rằng nàng đã để ý mấy đôi giày và áo đầm của trẻ sơ sinh bày bán ở tiệm maỵ Và nàng thủ thỉ với chàng sau khi gặp Liễu:"Em phải có con! Không có con em chịu không được. Thà nghèo mà có con hơn là giàu mà trụi lủi rồi đi xin con người ta!" Vui miệng , nàng lại kể truyện " "Aux champs" (Nơi đồng quê) của Maupassant cho Minh nghe. Rồi lại hứng thú bảo:" Nếu mình có con gái trước thì đặt là Nguyệt, còn con trai thì đặt là Qưới . Anh biết tại sao không ?" . Minh hôn Emilie thay câu trả lời.
Nhưng bây giờ hoa nguyệt quới ở Ngã Ba đứng đó chờ đợi gầy mòn, rũ xuống , làm sao chàng còn hái tặng nàng được nữa.
Đám thuyền rước dâu về đến nhà thì đúng bữa cơm chiều. Mọi lễ nghi theo cổ tục được giữ trọn vẹn gần như hồi thời đám cưới ông Tư bà Tư cách đây hai mười hai năm. Ông bà lấy đó làm điều hãnh diện với xóm làng.
Kiêu hãnh hơn nữa là các vị thầy học cũ của Minh từ các lớp Đồng Ấu, Dự Bị, Sơ Đẳng trường làng đều có mặt, ông thầy Xóm nay đã ngoài bảy mươi vẫn chống gậy đi tới dự và đọc tặng cho đôi tân hôn một bài thơ Đường luật, lấy ý trong bài quốc văn " Carrot về thăm thầy cũ".
Còn vị thầy lớp Dự Bị thì đọc lại bài học thuộc lòng mà ông đã dạy cho Minh hồi thuở trước:
" Ngon là mật mỡ tốt: vàng con!
Vì học mà nên ở các con
Sôi kinh nấu sử, con bền chí
Ngày nay rạng rỡ cả tông đường "
Buổi tiệc chánh thức chấm dứt, ông Tư bà Tư mời vị kỳ lão trong làng tám mươi tuổi, có mười bốn con, sáu mươi cháu nội ngoại mà hai vợ chồng một kèo một cột đều còn khoẻ mạnh, ngũ đại đồng đường vào buồng trải chiếc chiếu bông Cà Mau lên giường cho cặp tân hôn và chúc " một cây cù mộc, một sân quế hoè".
Làm xong nhiệm vu thiêng liêng, ông cụ lui ra thì ông Nhì mang một gói giấy hồng đon buộc bằng dây kim tuyến vào để trên giường rồi thưa với thân mẫu chàng rể:
- Tôi là chú ruột của cô dâu. Anh chị tôi phó thác cho tôi mang vật mọn này đến tặng cho vợ chồng cháu tôi trong đêm hợp cẩn!
Rồi ông mở gói, cầm đưa lên, xổ ra. Đó là một tấm lụa đào dài chấm đất, bề ngang chừng bốn gang taỵ Ông nói tiếp:
- Trên tấm lụa có dệt hai câu, mỗi câu gồm bốn chữ Nho!
Ông Nhì đọc xong đưa cho bên đàng trai treo trên cửa buồng. Rồi mọi người lần lượt rút lui giữa niềm hoan hỉ của gia quyến.
Bà mai lấy làm hãnh diện về cái thành tích mình vừa đạt được là se duyên cho cặp trai tài gái sắc, nhưng , mặc dầu cái miệng của bà ít khi "kéo da non" bà cũng biết giữ ý giữ tứ, nên đôi khi bà cũng kín đáo.
Đám cưới hoàn mỹ, ông Tư bà Tư mời bà ở lại để trao bạc và quà vật đền ơn... thì bà xua tay nói ngay:
- Ối ! Ơn nghĩa gì anh Tư chị Tư, tôi nối dây Tần Tấn được cho hai cháu, hai bên được dâu hiền rể thảo là tôi mừng rồi. Cho tôi cái đầu vịt gặm chơi là đủ, đầu heo đầu bò làm gì !
Nói xong, bà rút cục thuốc xỉa qua lại rồi nhét lên mép thù nụ một cục nhu bị kiến lửa cắn , lắng nghe bà Tư nói gì để đối đáp.
Bà Tư lấy ra tờ giấy bạc chưa xếp, đặt trên bàn và nói:
- Chị Sáu cầm chút xíu này thêm thì vợ chồng tôi mớ an dạ.
Bà Sáu liếc thấy hình "con công" xoè cái đuôi to tổ bố trên tờ giấy bạc thì hài lòng lắm, nhưng còn dùn thẳng:
- Tui nói tui không nhận là tui không nhận. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép mai ! Ăn nhiều hết lộc của con cháu, hết duyên mai mối của tôi sao ? Tôi với chị còn nhiều dịp mà!
Bà Tư nghe bà mai nói vậy thì hiểu ý, bèn cười:
- Tôi còn hai đứa con gái với thằng út rồi cũng nhờ chị chớ ai vô ?
Bà mai bắt lấy mối ngay:
- Con em kế cậu Minh được mấy tuổi rồi ?
- Mười tám.
- Sao chị đẻ thưa vậy. Trai đầu lòng hăm ba mà trưởng nữ có mười tám, bộ anh Tư hồi đó có bà nhỏ sao ? Hí hí !
Ông Tư cười:
- Có chứ! Có tới hai bà lận. Một bà lo nấu nướng, một bà thì tối giũ mùng.
- Giũ mùng rồi đi ra hay ở luôn trong mùng đó hả chị Tư ?
Cả ba cùng cười. Bà mai hỏi tiếp:
- Còn con nhỏ kế bao nhiêu:
- Mười bảy.
- Thưa rồi nhặt. Chắc là hai bà nhỏ cuốn gói dông mất, nên con chị hơn con em có một tuổi. Để tôi lo chọ Người ta đã trông thấy hai đứa nhỏ rồi.
- Ở đâu vậy chị ?
- Thì tụi nó đi rước dâu, bên đàng gái người ta dòm ngó chớ đâu nữa. Con gái mà đi đám cưới thế nào cũng có trăm cặp mắt đổ vào. Không chỗ này cũng chỗ kia đi tới, ai nhanh chân thì được. Để tôi chọn chọ Gả con chị tháng Giêng, con em về nhà chồng tháng Chạp được không ?
- Làm gì nôn dữ vậy chị Sáu ?
- Thôi thì Tết năm trước đám hỏi con chị Tết năm sau đám cưới con em. Vậy là không có mang tiếng gả con rấp nhíu.
Ông Tư không nói gì, nhưng bà Tư gật ngay:
- Chị làm sao cho xong thì thôi. Con gái như hũ mắm treo đầu giàn. Gả sớm được ngày nào mừng ngày đó chị Sáu ơi!
Bà mai tiếp ngay:
- Thói thường ở trong nhà có hai đứa con gái tuổi xấp xỉ nhau , thì gả con chị xong phải tính cho con em, không nên để lâu, con em nó phân bì... Không nói dấu gì chị - bà mai ngó quanh - Xin lỗi anh Tư chị Tư nghe, đây là chuyện tôi đã gặp, tôi nói cho anh chị chớ không phải bịa đặt, ông Quản Hoà có hai đứa con gái, gả con chị xong, nhà hiếm người nên giữ con em lại để mầm mụng. Nhiều chỗ đi nói cũng không gả, lần lựa tới hai, ba năm. Chẳng ngờ, bữa nọ con nhỏ cuốn gói đi mất. Nói vậy là anh chị biết đi đâu rồi.
Bà Tư nói:
- Tôi có nghe chuyện đó.
Bà mai tiếp:
- Con gái thấy chị em bạn có chồng thì nôn lắm. Đêm nằm trăn trở thở dài, nhớ tới người ta có đôi có bạn, còn mình sao mãi gối chiếc phòng không! Làm cha làm mẹ phải biết bụng con, nhất là con gái mới lớn. Cho nên có con gái tới tuổi gả thì đừng làm khó đàng trai cho lắm!
Ông Tư trở lại chuyện lúc nãy:
- Đời bây giờ theo văn minh, giản lược bớt đi nhiều lễ nghị Chớ hồi cỡ tui đi cưới vợ đâu có dễ như vậy. Cưới được con vợ đem về nhà, đầu phải trọc ba lớp tóc.
Bà mai xỉa thuốc hai, ba cái rồi hỏi bà Tư:
- Bộ hồi đó cô tiểu thư trầu này làm khó công tử râu kia dữ lắm hả ?
- Đâu phải cô ta khó dễ mà do phong tục ông bà để lai., mình phải noi theo đúng lục lễ . Sót một cái là bị bất ngay.
- Cha chả, bây giờ anh mới khai ra.
Ông Tư tiếp:
- Lễ thứ nhất là lễ nói , tức là bên đàng trai tới nhà bên gái, ý là chọn được nơi này để cắm sào. Nhưng mới chỉ là lễ sơ vấn thôi. Sau đó tới lễ hỏi , ai có chữ Nho thì gọi là lễ vấn danh. Tức là đàng trai xin bên gái cho biết tên họ, ngày sanh tháng đẻ của cô gái để so tuổi tác, biết bản lộc mệnh của hai đứa trẻ.
Bà mai cười ngất:
- Tui hỏi thiệt chị Tư nghe ! Hồi đó chị có lén lén coi mặt ảnh không ?
Bà Tư hỏi ngược lại:
- Còn chị có không mà cật vấn tôi ?
Bà mai cười hà hà:
- Mắc cở muốn rụng rún, ai mà dám rình coi. Lo chui rúc trong buồng, xeo gãy cây song gài cửa cũng không dậy nữa là dòm !
- Vậy chừng nào mới biết mặt ổng ?
- Cưới xong , hai ngày mới dám dòm kỹ kỹ một chút. Còn chị ?
- Tui hỏng có biết mặt mũi ổng ra sao hết.
Bà mai hỏi:
- Vậy mà dám cho ảnh vô mùng ngủ chung ?
Bà Tư đỏ mặt phun cổ trầu lia lịa vào ống nhổ mãi không ngước lên, mà tay khoát lia:
- Chị quỷ không nà !
- Tui hỏi thiệt mà.
- Còn chị thì sao?
- Tui cả tuần lễ không có cho ổng đụng tới. Hễ bỏ tay lên mình tui là tui phủi văng ra.
- Phủi riết rồi văng cả bầy con đó hả ? - Ông Tư cười rồi tiếp - Sau đó là lễ giao bạc tức là khi đã so tuổi đôi trai gái, hia bên hợp nhau, tới lễ đính hôn hai bên đã đồng ý ngày làm lễ cưới, tức là lễ nghinh hôn . Còn một lễ nữa, tôi quên mất... bây giờ chỉ còn có bốn lễ nói , lễ hỏi và lễ nghinh hôn . À quên, trước lễ nghinh hôn là phải xin làng dán bố cáo , là cốt để cho dân trong làng biết, xem có ai phản đối cuộc lễ này không. Nếu ai phản đối và làng thấy lý do chính đáng thì đình cuộc lễ lại, sượng ngắt như khoai ngập nước.
- Hồi nào tới giờ chị có gặp vụ nào như vậy chưa ?
- Không ! Hễ tôi làm là suông hết. Chị thấy không, hai ông suôi đều là nhà Nho mà mọi việc đều dễ dàng từ đầu chí cuối. Có nhiều đám, bà mai chẳng những lội rã đầu gối mà còn đen cả mặt mày nữa chớ.
- Tại sao vậy ?
- Vì đàng gái thách cưới nặng nề chớ sao. Họ đòi nào tiền chợ , rồi tiền nọ xo tiền kia, rồi đồ nữ trang phải gồm những gì, mấy cây kiềng, mấy đôi bông, mấy tấm lắc, mấy sợi dây chuyền cổ, chuyền rách, nào quần áo cho cô dâu, nào heo bò, xôi cỗ, rượu gì mấy cặp, trà thì trà gì, mấy gói, mấy cân. Nếu đàng trai lo không nổi thì phải nhờ miệng lưỡi của bà mai "xin bớt" giùm. Nhiều khi đàng gái giơ cao , đánh khẽ, nhưng cũng gặp nhà bắt gắt không hạ xuống chút nào. Chú rễ phải chạy cong đuôi lo cho đủ các thứ . Khi cưới được vợ thì nợ ngập đầu. Hai vợ chồng phải nai lưng ra cày cuốc để trả nợ cả chục năm mới dứt . Nhiều cặp mới ăn ở vài ngày, chàng rể đã khện cho cô dâu một trận nên thân:" tại cha mẹ mày nên tao mới khổ!" Rồi gây gổ, rồi để bỏ nhau. Đó mới tới lúc bà mai đưa đầu chịu báng ! Hai vợ chồng chửi nhau thì kêu tên bà mai ra mà nhiếc . Nhiều cô đẻ không ra cũng đổ thừa bà mai. Thiệt là trăm dâu đổ đầu tằm.
Ông Tư cười khà khà:
- Khổ vậy sao chị vẫn vui vẻ ?
- Làm mai là làm phước anh Tư à! Se duyên được một cặp tốt lành khác nào lập nên một cảnh chùa . Nói cho ra lẽ vậy thôi, chớ hồi nào tới giờ tôi chưa bị ai chửi rủa lần nào!
- Có ai thách hung đàng trai phải bỏ cuộc không chị ?
- Không! Nhưng có lúc đàng gái bày trò phá phách gây rắc rối cho đàng trai. Ví dụ ngày rước dâu, họ cho trẻ con giăng dây bít mối đường không cho đàng trai vào. Đàng trai biết ý, cho các em vài xu, thế là chúng thu dây lại. Nên nhớ là chúng cũng đưọc bên đàng gái dặn trước, cuộn dây lại chớ không có cắt dây . Cắt dây có nghĩa là làm dứt dây tợ Mà đàng gái lại sợ chuyện này hơn đàng trai. - bà mai tiếp - Qua được cái sợi dây chặn đường, đến cái cổng nhà đóng kín.
- Không cho rước dâu à ?
- Đó là chuyện khuấy chơi cho vui vậy thôi chớ không cho thì ma nào nó rước ? Theo tục lệ thì từ sau khi đính hôn , người con gái đã làm dâu, làm vợ người ta rồi, ai mó tới nữa ? Nhưng mà trong chơi có thiệt. Cũng như bài vè sau đây là để vui cười trong lúc ăn uống,, nhưng cũng để chế giễu những nhà có con gái thách cưới cao bỉ mặt chơi:
Em là con gái đồng trinh,
Cha mẹ thách cưới thoa? tình bà con
Cưới em một gánh vàng son
Một trăm cây nhiễu, một vuông lụa đào.
Một nghìn thước gấm đủ màu
Nhị thập bát tú hai mươi tám vì sao trên trời.
Trầu cau rực rỡ xanh tươi,
Hộp thuốc bằng bạc, bình vôi bằng vàng.
Ghe hầu lộng lẫy thật sang
Bà con thân tộc nhà nàng đưa dâu
Ba thiên đôi guốc mạ vàng
Khua trống trong ngõ, rộn ràng khắp thôn
Lại thêm mấy ché mật ong
Một chum ngự tửu cho lòng ngoa? nguê
Heo chín cặp , chục đôi bò
Năm mươi dê béo, trăm vò rượu ngon
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Chàng không nạp đủ, đừng mong em về.
Đọc xong bà mai cười:
- Chị Tư nghe ớn xương sống, cóng xương sường chưa ?
Bà Tư lắc đầu:
- Thách càng cao, con gái mình càng cực. Đàng trai càng ghét, họ càng đày đoạ. Con mình ngóc đầu không lên chớ tốt gì, chị Sáu!
Bà mai chùi mép trầu bằng hai ngón tay rất vén khéo rồi ngoai ngoai cặp môi đỏ thén:
- Chị nói chí phải! Gả con chứ đâu phải bán con. Còn người ta cưới dâu chứ đâu phải mua đầy tớ về làm việc nhà.
Ông Tư nãy giờ ngồi lặng thinh bỗng bật ra tiếng nói:
- Hồi nãy tôi quên cái khoản đi đến nhà vợ chưa cưới làm rể ba năm nữa chớ ! Đây là sự thử thách gay go nhất đối với chàng rể. Cả nhà bên vợ soi mói từng cử chỉ một, để chê chàng rể. Nếu có lổi gì to, ví dụ như lên mâm cơm mà quên thỉnh cha mẹ vợ trước, rồi kế đó là mời các anh chị em trong nhà xong, mình mới được phép ngồi, như vậy có thể bị bất , nghĩa là như học trò thi rớt và mất vợ dễ như chơi.
Bà Tư nói:
- Tôi cưới vợ cho con trai, anh chị suôi không đòi món gì mà bảo tùy ý gia đình tôi, bây giờ tôi gả con gái cũng dễ dàng như vậy. Tùy ý ở bển đi món gì tôi nhận món nấy, không đòi, không thách một tiếng.
Ông Tư gật gù :
- Phong tục ông bà mình ngày xưa có gắt gao thật, nhưng làm như vậy duyên kim cải mới bền. Bây giờ ngưòi ta giảm chướ nhiều quá... - Ông Tư nói đến đây sực nhớ đám cưới thằng Minh cách đám hỏi có hai tháng thì nói tránh đi - Coi vậy cũng tùy đám. Có đám làm đủ thứ lễ nghi, đến chừng bỏ nhau vẫn bỏ, còn có đám giản lược đi nhiều mà vợ chồng vẫn ăn ở suốt đời với nhau.
- Đó là do tuổi của hai người - bà mai nói - có những đôi chỉ tôn có cặp vịt, không có bông vàng gì hết mà cũng ở đời.
Ông Tư gọi thằng Bảo lấy khay trầu rượu đem ra. Bà mai biết ý liền xua tay:
- Thôi anh Tư ơi! Tôi không biết uống rượu đâu.
- Chị ăn thêm miếng trầu héo, hớp thêm chút rượu lạt gọi là nhận cái ơn của vợ chồng tôi.
- Ừ thôi, tôi nhận rồi đó! - bà mai qươ tay - Nè, còn thằng nhỏ kia là con trái út của anh chị hả ?
- Dạ .! - Bà Tư đáp - Anh nó là Minh, nó là Bảo. Còn lâu lắm mới tới phiên nó làm nhọc lòng chị.
- Coi vậy chớ nó nhổ giò lên mấy hồi! - bà mai cười và đưa tay vò đầu thằng bé - Để cô coi "lúa sớm" ở đâu tốt cô bỏ vòi cho con một đám nghe!
Thằng bé không hiểu lúa sớm là gì cũng "dạ" một tiếng to trong khi bà Tư cầm tờ bạc nhét vào giỏ trầu của bà mai.