Trên đê nhìn xuống, làng Ða Phạn trông như một cái cù lao khoảng trăm nóc nhà chơ vơ trong màn nước nối liền vào mặt biển chạy xa ra tít tắp chân trời. Nước mặn nên chỉ trồng được đay và cói, một số giáo hữu buộc phải chuyển sang đan chiếu để phụ với nghề chài lưới, vốn là nguồn thu hoạch chính của những người sống ven biển. Những mẻ cá, mẻ tôm, những cuộn chiếu cạp điều được đem lên bán ở chợ Xuân Trường, lấy tiền đem mua thóc gạo, cám, đỗ chở về Ða Phạn. Thừa không bán được, cá mang ướp muối hoặc phơi khô. Giáo sĩ Charles-Antoine Sieyès lại tìm cách hong khói theo kiểu Âu, nhưng cá hong khói không hợp vị, ít người tiêu thụ, nên rồi đành thôi. Tuy mới phần nào ổn định, thế nhưng giáo hữu đã dành hẳn một căn nhà năm gian làm nhà nguyện.
Sau khi đợi Danh Kỷ ở bến Thanh Trì ba ngày nhưng không gặp, Trọng Thức tìm cách bắn tin cho Toàn Nhật rồi giả dạng lái buôn đi ra Ða Phạn. Thời gian đó, người của viện Nội Mật được lệnh đi dò hỏi khắp nơi để bắt Thức về nộp cho Ðặng Thị Huệ. Thừa biết là họ chắc sẽ giăng bẫy ở mọi nơi, Thức ngày nghỉ đêm đi, tránh những lộ chính, lội đồng lội ruộng ra đến bờ biển, rồi từ đấy men vào làng. Charles- Antoine gửi gấm Thức vào nhà lão Hựu chăn vịt ở tận rìa làng, tiện trốn ra bờ biển mỗi khi có động tĩnh. Ở bờ biển, lão Hựu lại giấu một chiếc thuyền con dùng để thoát thân phòng khi quan quân xô vào tróc nã.
Gia đình lão Hựu có hai người con gái là Nhu và Mì. Nhu năm nay mười sáu, mảnh mai, cao nhưng lưng hơi gù, da mặt trắng hồng, khi cười răng hở lợi, đen tuyền như những hạt na. Cô nhút nhát ít nói, nhưng giọng trong như chuông ngân, và mỗi lần hát Thánh ca là cả làng rưng rưng nước mắt. Ở nhà, hai chị em Nhu giúp mẹ đan chiếu, nhuộm điều, cạp viền rồi cứ đến phiên lại đem ra chợ. Nhu ngoan đạo, ham học nên đã bập bẹ nói được tiếng Pha- Lang- Sa với giáo sĩ Charles- Antoine, thường cầu nguyện Ðức Mẹ Ðồng Trinh cho mình được phúc lành đi tu. Từ khi Thức tới ở ẩn trong nhà, Nhu học thêm được Quốc-âm, cách dùng mẫu tự La-tinh để phiên âm tiếng ta. Nhu sáng dạ nên học rất nhanh, dùng dao sắc cắt lông ngỗng làm bút, chép Kinh Thánh và những bài Thánh ca để dạy lại giáo hữu. Ðùng một cái, Nhu ốm, mặt xanh tái, khi chóng mặt, có lúc lại nôn mửa. Bà Hựu bảo với chồng: « ... có lẽ nó ốm nghén ».
Ngày hôm sau, lão Hựu nói với Thức: « ... thầy ạ, con cháu nó cũng vào tuổi lấy chồng rồi, thầy có thương nó thì tôi cho thầy, lẽ mọn gì cũng được ! » rồi chằm chằm nhìn. Thức cầm chén nước chè xanh bốc khói, vừa uống, vừa chững chờ chưa biết đáp ra sao. Nhu đẹp, thông minh, thánh thiện. Có những buổi sáng dạy Nhu viết, chàng bắt chợt nhìn gặp những sợi tóc non nhỏ như tơ mọc sau gáy Nhu, những sợi tóc mượt mà ánh sắc xanh, mỏng mảnh nhưng dẻo dai, nồng một mùi hương thầm gọi sự sống. Có những buổi tối chàng lẳng lặng nhìn Nhu quì gối cầu nguyện, đôi vai gầy chập chờn cánh vạc bay đêm, thỉnh thoảng lại rung lên chạm vào cõi tâm linh, nài nỉ chốn thiêng liêng chút vỗ về an ủi. Có những buổi trưa nắng chói, chàng choáng ngợp trong ánh mắt Nhu, hồn nhiên tựa áng mây trời trắng ngần, nhìn chàng nghịch ngợm, viền mắt nhung đen thấp thoáng chào mời. Chàng chần chờ, bàn tay rát bỏng, chén nước nóng sóng sánh nước.
Hình ảnh Mai bỗng hiện ra trong tâm tưởng Thức. Mai không đẹp nhưng duyên dáng. Mai từ chối không lấy một vị Thái tử dẫu mai sau thành Hoàng hậu. Mai vào dinh Khương Tả hầu, vừa khóc vừa cởi áo, hiến cái trinh bạch cho chàng, quyết liệt sống chết với tình. Mai giả trai ra bến Tây Long trốn đi với Thức. Bị bắt lại, bị cùm kẹp trong dinh Trịnh Cán, nay nàng ra sao ? Lòng dạ nào ai nỡ phụ bạc một người trao thân gửi phận, đồng sinh cộng tử với mình...
Ngay buổi trưa, lão Hựu tất tả lên gặp Charles-Antoine. Ðến tìm Thức, vị giáo sĩ thì thào nói nhưng Thức chỉ lắc đầu, rồi nhờ hai thanh niên giúp mình dựng một mái lán phía biển và kê một chiếc chõng. Nhìn ra, biển trải dài tít tắp, sóng vỗ nhẹ vào bờ thành những vòng bạc xô lên cát vàng, tan ra rồi hiện lại, hằng có hằng không, trùng trùng nối tiếp. Giáo sĩ Charles- Antoine có vẻ bất bình, chẳng mời chàng về và cũng không lên thăm hỏi. Vào phiên chợ đầu tháng, bà Hựu giắt Nhu lên Bỉm Sơn. Bán xong đống chiếu, bà đưa con đến ông lang Thuần, nhìn vào bụng Nhu, miệng nói: « ... cháu nó ốm, phải chữa cho được ! Gửi cháu ở lại nhà thầy, bao nhiêu chi phí xin trả trước một phần». Lang Thuần bắt mạch cho Nhu, mắt nhìn bà Hựu, lắc đầu không nói gì.
*
Lang Thuần hiếm hoi, sinh được một cậu con trai đặt tên là Hình. Thời đó, Thuần ở Phủ Lý, làm nghề bói, chuyên xem Tử Vi và Dịch. Ðến khi Hình lên năm, Thuần mới biết là Hình câm, mồm chỉ ú ớ, không nói lên tiếng. Thuần bảo vợ: « ... thôi, bố lộ ¨ thiên cơ ¨ nên con chịu nghiệp, câm không nói được. Tôi bỏ, không bói toán nữa ». Thuần dọn về Bỉm Sơn là nơi chôn nhau cắt rốn, rồi dần dà bắt mạch, cắt thuốc được chục năm nay, có tiếng là mát tay. Năm mười hai tuổi, Hình ốm nguy kịch tưởng chết. Khỏi ốm, Hình bị năïng tai, gần như là điếc. Nhưng bù lại, Hình cao lên như thổi, lực lưỡng ăn làm bằng hai người thường. Bà lang thường đùa: « mồm miệng đỡ chân tay. Người có chân tay rồi ai cần đến mồm miệng ! ».
Từ ngày Nhu đến, Hình thay đổi hẳn. Mấy ngày đầu, Hình ngượng, ngay bữa cơm cũng lỉnh đi, đợi tối về lục cơm nguội ăn dưới bếp một mình. Dạn dĩ dần, nó chỉ thỉnh thoảng nhìn trộm Nhu, nhưng lúc nào cũng dành phần sắc thuốc cho Nhu. Nhu biết, chỉ cười, tay chắp lên ngực làm dấu cám ơn. Rồi Nhu dạy cho Hình chữ Quốc âm. Học được chữ nào, Hình cứ nhẩm đi nhẩm lại, dùng bút lông ngỗng, đã viết được đôi điều miệng không nói ra được. Dăm tuần sau khi Nhu đến ở, lang Thuần bảo: « ... cháu chẳng bệnh tật chi, mà cũng không nghén nghiếc gì cả. Ðến tuổi phải lấy chồng thôi ».
Ðến phiên chợ, bà Hựu lên nhà lang Thuần, nghe ông lang nói, mắt quắc lên nhìn Nhu. Khi chỉ còn hai mẹ con, bà cấu vào đùi Nhu rồi riếc: « mày động cỡn lên hóng trai, việc gì phải giả vờ giả vịt, làm tao tốn cả một tháng công đan chiếu! ». Nhu khóc rấm rứt, nhớ đến Thức, lòng vừa căm vừa buồn, vừa thương vừa giận.
Hình xin với ông bà lang cho mình theo mẹ con bà Hựu về Ða Phạn để học «chữ » . Thương con, ông bà lang đành gửi gấm, nhưng trong bụng không tin là cái chữ nghĩa vòng vèo viết bằng bút lông ngỗng có thể dùng vào được việc gì. Bà lang nói nhỏ: « ... bác ạ ! cháu nhà tôi nó phải lòng con bé nhà bác đấy, nếu thành, tôi xin gửi rể ». Bà Hựu thầm nghĩ đến cái nhà lang Thuần ngay mặt chợ sau này thế nào lại chẳng sẽ vào tay Nhu, chịu đưa Hình theo, nhưng dặn « ... để xem đã. Nhà tôi thiếu tráng đinh, chỉ có ông ấy, nay già nên cũng bắt đầu yếu rồi ». Hình mừng lắm, tay xách nách ôm, theo mẹ con bà Hựu, đi không quay đầu lại.
Từ ngày có Hình trong nhà, lão Hựu bớt khó nhọc. Việc nặng, Hình lo chu đáo, kể cả cái công lợp lại mái nhà đã bắt đầu bị dột mưa. Nhưng chẳng hiểu sao lão Hựu cứ bồn chồn, thỉnh thoảng lại đi sang tận làng trên nghe ngóng, mặt mũi đăm đăm, vợ hỏi cũng không hé răng. Về phần Nhu, nàng bắt Hình đưa mình đến túp lều nơi Thức ở, mặt vênh lên nhưng giọng lại run run, nói: « ... em đến chào thầy, nay mai lấy chồng thì còn dịp nào nữa. » rồi nước mắt cứ chảy ròng ròng. Nhưng đau đớn nhất vẫõn là Hình. Nhìn những giọt nước mắt trên má Nhu, linh tính báo cho nó hiểu hết mặc dù không biết gì cả. Nó thấy bụng nó như rỗng ruột, rồi máu bốc lên giần giật hai bên thái dương, miệng chan chát đắng, lòng cồn cào một cơn thù hận tựa bão biển nổi lên giữa mùa gió động.
Khi về đến nhà, Hình lẳng lặng xếp quần áo vào cái giỏ đan bằng lạt, nhưng Nhu giằng lại. Kéo Hình ngồi xuống đất, Nhu nhìn nó, miệng ấm ức khóc thành tiếng nhỏ. Hình thẫn thờ như phỗng đá. Nhu lấy tay mình đặt lên má nó, rồi vòng tay ra sau đầu nó đỡ lấy. Xong, nàng cầm tay Hình để vào má mình. Hình nghĩ thầm: « ... thế có nghĩa là đầu gối tay ấp ». Nhu lại thò tay rút chuỗi vòng quanh cổ có cây Thánh giá làm bằng gỗ mun màu nâu đậm. Nàng nhét cây Thánh giá vào tay nó, tay kia chỉ lên trời. Hình không hiểu. Rút trong giỏ một tờ giấy, Hình đưa chiếc bút lông ngỗng cho Nhu. Nàng nghĩ ngợi, rồi cắm cúi viết « Muốn thành vợ thành chồng thì Hình phải rửa tội và xin làm con chiên của Ðức Thánh Chúa ».
*
Những ngày cuối tiết Hạ Chí, gió lặng khiến bao nhiêu cụm mây trắng trên cao kia lênh đênh di động về phía biển như đi dạo mát, thảnh thơi, không chủ đích. Buổi trưa, nắng như bốc lửa, đất sình khô đi, muối trắng đọng lại thành những vệt chạy vòng vo suôi theo triền đất. Những lúc ấy, Ða Phạn im ắng đến lạ lùng. Dăm ba con cò co chân đứng, lặng yên, thỉnh thoảng mới vục đầu xuống nhổ con bọ cái sâu, rồi lại ngửng lên, thản nhiên đợi con mồi mới.
Thức gấp cuốn sách, mắt trĩu nặng, đầu như mê dần đi vào một giấc ngủ đang chậm chạp lê từng bước đến. Chợt tiềng kẻng ở đâu khua inh ỏi. Rồi tiếng mõ. Tiếng la gọi. Tiếng chó sủa. Tiếng chân người chạy bì bõm dưới ruộng ngập nước. Thức choàng dậy nhìn ra phía biển. Thấp thoáng có bóng người. Thức nhìn về phía gò Ðay. Cũng vậy. Trèo lên một chạc cây, Thức quan sát tứ bề. Lính ở đâu đã vây chặt Ða Phạn, từng tốp xiết dần vào, gươm dao sáng lòe. Vội vàng trèo xuống, Thức quơ bọc quần áo và sách vở lúc nào cũng xếp sẵn, giấu vào bụi cây gai phía sau lán. Lối ra biển đã bị chặn, Thức chỉ còn đường vào khu nhà nguyện. Lập tức, Thức băng mình chạy đi, đầu óc tính toán chọn chỗ ẩn Thức đã dự trù sẵn. Vòng vèo tránh những giáo hữu đang chạy nhốn nháo, Thức đu lên cây đa cổ thụ phía nam rồi bám lấy một chạc ba khá cao, quấn giây chão buộc mình vào thân cây cành lá xum xuê.
Dưới kia, lính tráng đang lùa giáo hữu vào sân nhà nguyện.
Kể từ cuối năm Quí Tị, Tĩnh đô vương Trịnh Sâm lại ra lệnh cấm đạo ở Ðàng Ngoài. Mươi năm nay, giáo hữu ở trấn Sơn Nam tản dần, một phần đi vào Ðàng Trong, một phần chạy ra vùng đồng chua nước mặn vùng Tiền Hải, Kim Sơn ở ven biển. Lính trấn Sơn Nam ban đầu gắt gao, nhưng sau có phần lơ là vì lẽ giáo hữu nay nghèo đến chẳng có gì để lột. Kỳ này họ vào Ða Phạn, quyết không phải là vì lệnh cấm đạo. Quả thế, họ bắt giáo hữu ngồi sắp hàng rồi lần lượt gọi từng gia đình ra bắt cung khai tên họ. Ðám tráng niên được đặc biệt chú ý, mỗi lần có hai người lính đến nhìn tận mặt, rồi so đo với một bản vẽ mặt người trong giấy ngờ ngợ nhìn như Trọng Thức.
Quan Chưởng Cơ dí bản vẽ vào mặt giáo sĩ Charles- Antoine, quát hỏi: « Người này có ở đây không ?». Charles-Antoine lắc đầu. Thầy Quản và thầy Xứ, phụ tá của Charles -Antoine cũng làm hệt như vậy. Cai Cơ, tên là Bá, thẳng tay quất cây côn vào đầu gối thầy Quản, chửi :
- Tiên sư bố mày, đứa nào không nói thì tao đánh què !
Rồi cứ thế, Cai cơ Bá cầm bản vẽ đi một vòng sân, bước đến đâu là có tiếng rên la đến đó. Hắn lấy tay lau mồ hôi, đến gần nói nhỏ với quan Chưởng Cơ. Quan gật gù, phẩy tay, ý bằng lòng. Bá lại ồm ồm :
- Không ưa nhẹ thì tao nặng. Chúa chúng bay thờ bị đóng đinh. Tao cũng mang theo đây ít cái, xem coi đứa nào có gan theo Chúa chúng bay không...
Nói xong, Bá quay sang dặn lính, rồi lại giơ bức vẽ, cười cười hỏi Charles -Antoine :
- Thằng này ở đâu ?
Charles -Antoine lại lắc đầu. Lấy tượng Chịu Nạn từ tay một người lính vừa mang từ nhà Nguyện ra, Bá quát :
- Thằng này là ai ?
Charles -Antoine từ tốn :
- Người là Gia Tô Ðức Chúa Blời, là Ðấng Cứu Thế ! Người đã chịu chết vì tội thiên hạ.
Bá ném tượng xuống đất, chân đạp lên, miệng gầm gừ :
- Tốt ! Chúa của bay giỏi thì vật chết ta xem ! Ha, ha. Ðấy, ta có làm sao đâu. Bây giờ, mày đạp lên như ta đạp ...
Charles- Antoine mỉm cười nhìn Bá rồi lại lắc đầu. Bá vung chiếc côn đánh vào đầu gối Charles Antoine, cười điên dại, thét lên :
- Giỏi, giỏi!
Lúc ấy, hai người lính dùng hai mảnh ván đóng lại, làm được một cây thập tự đang khiêng ra. Bá sai xốc Charles- Antoine dậy, chỉ tượng Chịu Nạn, gằn giọng :
- Mày đạp lên, tao tha. Nếu không, tao đóng đinh ...
Lẩm nhẩm : « Lạy Chúa lọn tốt lọn lành, người vì chúng con mà chịu nạn chịu chết, nay con xin chân Chúa như các tông đồ xưa », miệng lại nhếch cười, Charles-Antoine quay sang thầy Quản, bảo :
- Thầy dẫn cho giáo hữu đọc Kinh, rồi sẽ qua cơn nạn.
Bá dang chân đạp vào bụng Charles-Antoine, hét đám lính ra khênh giáo sĩ lên, tay quơ quơ mấy cái đinh mười phân. Giáo hữu khóc la, người giơ tay bịt mắt, người rúc mặt vào đầu gối. Dăm tiếng thét đau đớn, rồi tiếng búa tạ đập vào đầu đinh cồm cộp nghe chói vào tai.
Thầy Quản đọc to :
- Lạy Chúa, xin nhìn đến giao ước của Chúa, và xin đừng bỏ rơi mãi những tâm hồn nghèo khổ. Lạy Chúa xin hãy chỗi dậy và xét xử, xin đừng làm ngơ không nghe tiếâng những kẻ kiếm tìm Chúa. Tôi ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở chốn cao xanh…
Giáo hữu đồng thanh đáp :
- Mắt chúng tôi nhìn vào Chúa cho tới khi Ngài thương xót chúng tôi.
Thầy Quản xướng :
- Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Blời là của họ.
Giáo hữu đáp : Alléluia.
- Phúc cho kẻ chịu thử thách vì sẽ lãnh nhận triều thiên sự sống. Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Gia Tôâ, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em.
Giáo hữu lại đáp : Alléluia, alléluia.
Cai Bá hung hăng, quất ngang ngọn côn vào đầu Thầy Quản. Thầy hộc lên một tiếng, ngã chúi xuống, mình giật lên giãy giụa, óc phụt ra trắng hếu. Bá gào :
- Ðứa nào dẫm chân lên tượng Chúa bay, ta thả cho đi.Ðứa nào không, thì ở lại đây rồi lần lượt ta đóng đinh cho về với Nước Trời của bay ...
Nói xong, Bá lại cầm tượng Chúa đi một vòng, ném xuống chân mỗi giáo hữu. Chỉ có tiếng côn đánh vỡ xương nghe lạo xạo, tiếng khóc đau đớn trong lời Kinh vẫn vang lên từng chặp.
Avê Maria, Chúa Dêu ở cùng bà...
Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Blời, cầu cho chúng con lá kẻ có tội. Khi nay vào trong giờ lâm tử. Amen.
Ðến trước mặt Hình, Cai Bá lại quát :
- Cha tiên sư mày, dẫm lên ...
Nhìn sang Nhu, Hình mếu máo. Không, dẫu là người lương, nó có thể làm thế được không ? Cặp mắt Nhu đang lạc đi vì hãi sợ, sao bỗng lại lóng lánh sáng rực lên ? Có lẽ Nhu nắm lấy bàn tay nó ? A, cái bàn tay đó đã áp lên má nó, vòng qua đầu nó ! Hình cười sung sướng. Ðúng vậy, thế có nghĩa là đầu gối tay ấp cho Nhu. Hình quay sang nhìn Nhu rồi nó ngửng lên cương quyết lắc đầu. Cai Bá trợn mắt nhìn, giằng tay Nhu ra rồi thuận đà xoay người tát vào mặt, rít lên :
- Con đĩ này !
Hắn vừa đưa ngọn côn lên cao chực đánh thì Hình đã xông tới đấm thẳng vào mặt. Tên lính đứng cạnh đấy hoảng lên, phóng một ngọn kích rồi chạy lùi ra sau. Hình gục xuống, nhoi nhói đau trong ngực.
Ngọn kích đâm trúng tim Hình. Nhu ôm lấy nó. Ðúng đấy, đầu gối tay ấp là thế, Hình lại cười sung sướng. Nó cố hết sức đưa tay lên cổ Nhu với vào chiếc thánh giá bằng gỗ mun màu nâu. Tay nó quờ quạng đụng vào ngực Nhu, ấm áp, thơm mùi hồng non còn ủ trong gạo. Nó chỉ tay lên trời. Mặt Nhu ướt nhòa nước mắt. Ðấy, Hình xin làm con chiên của Ðức Chúa, phải không Hình ? Nhu ghì tay níu lại nhưng cổ Hình nhũn ra rồi oặt xuống.
*
Giáo sĩ Charles-Antoine Sieyès cố ngước đầu lên nhìn ánh trăng đã chếch về phía mái chuông nhà nguyện. Ông nghe văng vẳng :
« Này là đêm làm cho các người tin Chúa Kitô ngày nay trên khắp vũ trụ thoát khỏi nết xấu thế gian và bóng tối tội lỗi ...Ðêm sẽ sáng như ban ngày, đêm sẽ chiếu soi sự hoan hỉ của ta, sẽ phá tan ghen ghét mang lại hòa thuận và khuất phục mọi quyền bính ... »
Ðầu lại gục xuống, Charles -Antoine nhìn giáo hữu lũ lượt ngồi, đầu dựa vào gối, miệng lầm rầm đọc Kinh. Cảm xúc đau đớn ở hai bàn tay và bàn chân bị đinh đóng sau một chặp bỗng như không còn, nhưng cơn khát bỏng rát cổ họng vẫn đó. Charles- Antoine tưởng tượng vài giọt nước trôi qua miệng. Nó ngọt, mát, tinh khôi. Oâng mê đi, tâm trí lạc mãi đâu, về đến tận quê cha đất tổ bên kia đại dương. Ngồi cạnh mẹ ông, người đã kiêu hãnh khi ông báo rằng ông sẽ vào chủng viện đi tu cách đây hai mươi năm, ông quàng lấy vai bà. Ông nói với Emmanuel, người em giống ông như hệt, rằng trong Nước Chúa, sự công chính ở ngay trái tim mỗi người. Emmanuel nhăn mặt : « ... nhưng Nước Chúa nào có ở đây đâu, trên trái đất này ? » Charles-Antoine thì thầm : « Hãy tin và nhìn xem ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy sống can trường, và chờ đợi Chúa. Chúa phán Ta đã gọi con trong công lý, đã đặt con thành giao ước của dân để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người sự xiềng xích ... ».
Charles Antoine lại mở mắt ra. Ở góc sân, sương trắng phủ trên toàn thân Nhu đang nằm xoài ra ôm lấy xác Hình cứ trong dần, rồi sáng lên ánh pha lê. Hình đứng dậy, miệng cười như hoa nở, bay vụt lên không trung trong tiếng hát thiên thần, chỉ để lại cái xác đang được ấp ủ bằng một tình yêu đến muộn. Charles-Antoine mỉm cười. Ông nghe như có ai kêu « Eloi, Lamma - Sabatchtani ». Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi. Tại sao Chúa bỏ tôi ? Tại sao ? Vì trong câu hỏi đã có câu trả lời. Và trong câu trả lời sẵn ngay câu hỏi. Charles-Antoine trút hơi thở cuối cùng khi ánh trăng tan vào bầu trời gần sáng. Tiếng cầu kinh của giáo hữu như van vỉ, thảm thiết vang xa với gió sớm.
Lạy Chúa tôi, tôi ở vực sâu kêu lên Chúa tôi, xin Chúa tôi hãy thẩm nhận lời tôi kêu van, hãy lắng nghe tiếng tôi cầu xin, nếu Chúa tôi chấp tội nào ai rỗi được, bởi Chúa tôi hằng có lòng lành cùng vì lời Chúa tôi phán hứa....
Khi ánh nắng bình minh vừa lên, hàng trăm dân đinh từ Bỉm Sơn đã kéo vào Ða Phạn. Có người trốn ra vòng vây hãm của lính Huyện rồi chạy đến báo, lang Thuần vội vã trình làng rồi tất tưởi lên đường. Lúc ấy, giáo hữu đã ngồi qua đêm trong sân nhà nguyện lục đục đứng dậy. Quan Chưởng Cơ bước ra hỏi :
- Bớ hàng dân ! Ðến đây làm gì ?
Lang Thuần chẳng nói chẳng rằng bước vào sân, đảo mắt tìm, rồi tiến về phía Nhu. Ông ta gỡ Nhu ra, nhìn xác Hình nay đã lạnh nhưng môi vẫn giữ được nụ cười. Bà lang chạy ùa đến, miệng gào thảng thốt :
- Ối con ơi là con ! Con bỏ mẹ con đi đâu hả con ? Ối trời cao đất dày, làm sao bắt con tôi nông nỗi này !
Ông lang xốc Hình lên ôm trong tay, lê từng bước, mắt đỏ rừng rực. Ðến trước mặt quan Chưởng Cơ, ông nghiến răng :
- Tại sao mày giết con tao ? Con tao người lương, không phải người giáo, mày phải trả lời tao ngay ...
Quan Chưởng Cơ lùi lại một bước. Ở đâu, lão Hựu bỗng xô ra thét :
- Ði đạo thì tội tình gì ? Lạy Chúa tôi, chúng tao tội tình gì ?
Không biết làm thế nào mà có trong tay một cây mác, lão Hựu quơ tay lên chém ào ào. Quan Chưởng Cơ la toáng lên rồi nhảy về đằng sau. Lang Thuần hò : « Bớ anh em, cứ xông lên » rồi cầm cây đinh ba đâm thốc vào đám lính huyện ngạc nhiên kéo nhau vừa kêu vừa chạy.
Tráng đinh Bỉm Sơn gọi nhau ào tới, rồi giáo hữu ùa đi tìm gậy gộc dao búa cũng lăn xả vào. Lão Hựu nhướng đôi mắt rỉ toét tìm bóng Cai Bá. A, nó kia kìa. Nó chạy về phía đầm Cả. Cai Bá như con lươn, luồn bên phải, lách bên trái, lẩn mình sau rặng cói, lom khom chạy. Trọng Thức cắt dây chão, từ chạc ba leo xuống, tay chỉ lão Hựu, mồm kêu :
- Về phía bên này, nó chạy về phía bên này !
Lão Hựu quên tuổi tác, vác thanh mác chạy bổ theo, tiếng chân bì bõm lội nước. Một lát sau, Thức nghe lão Hựu quát :« Ði ra, ra ngay ! ». Cai Bá trông hệt như con chuột đồng chạy lụt, bò ra, tay ôm đầu, miệng lắp bắp nói. Lão Hựu hét lên rồi chém xuống, như điên dại, cứ thế chém, vừa chém vừa hét.
Lúc Thức đến, máu Cai Bá đã loang đỏ trên mặt nước đục ngầu gợn quanh gốc những cây cói chĩa thẳng lên trời. Lão Hựu vừa đấm vào ngực bình bịch, vừa rên rỉ :
- ... Lạy Chúa tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đường !
Ngửng lên nhìn Thức, lão Hựu nghẹn ngào :
- ... lỗi tại tôi. Tôi lên huyện báo cho huyện bắt thầy vì tôi tưởng thầy làm cho con Nhu có chửa mà định bỏ rơi ... Có ngờ đâu, bây giờ thì Cố chết, Thầy Quản cũng chết vì Chúa, chỉ có tôi đây tội lỗi, Chúa ơi ...
Thức chưa biết xử sự thế nào thì lão Hựu đã vùng chạy ra biển. Thức đuổi theo gọi lão. Lão cứ chạy. Chạy đến chỗ giấu chiếc thuyền con. Lão kéo thuyền ra, vừa đẩy vừa rú, rồi nhẩy tót lên chống sào cong người đẩy. Khi Thức chạy đến bờ, con thuyền chở lão Hựu vẫn còn trong tầm mắt, tai Thức còn nghe lão Hựu gào: « Lạy Chúa, xin thương xót linh hồn tội lỗi này. Lỗi tại tôi ...Lỗi tại tôi ... ».
Ðứng ngơ ngẩn, Thức biết rằng lão Hựu đã đi xa, xa lắm, xa như cánh chim âu đang tít mù bay về một miền chưa ai đến. Một lúc sau, chàng lủi thủi quay về. Lính huyện chết mất hai người, còn lại chạy trốn hết. Bà lang Thuần ôm xác Hình vừa khóc vừa kêu Trời kêu Phật. Giáo hữu đã hạ xác thân của Charles-Antoine từ cây thập tự xuống, đặt cạnh Thầy Quản trong nhà nguyện. Nét mặt người chết xem ra có gì hạnh phúc, miệng vẫn nhếch lên cười một nụ cười bình thản.
Người lương ở Bỉm Sơn sợ lính huyện đến đánh trả thù. Ðến tối, giáo hữu cử hai người lớn tuổi theo họ về. Bàn bạc với nhau thế nào không biết, mấy ngày sau đó, một đoàn cả lương lẫn giáo gần năm trăm nhân mạng đưa nhau đi dọc bờ biển về phía nam.
Hình như chỉ có một mình Nhu ở lại. Nàng đến trú nhà lang Thuần chịu tang Hình ba năm. Sau đó, nàng xin tu trong dòng Mến Thánh Giá. Ðó là điều nàng đã cầu xin với Ðức Mẹ. Phép lành Mẹ ban cho nàng chắc có vấy một chút kỷ niệm thế gian hẳn chẳng dễ mà quên đi ngay được.
*
Về đến La Sơn, Trọng Thức nhờ người lên Bùi Phong liên lạc với Phu tử. Thời gian đó, Chúa Tĩnh Ðô vừa băng hà, Tế Lý và Tuyên phi Ðặng thị Huệ lập Cán lên ngôi Chúa nên phải ra sức đối phó với những kẻ phò Trịnh Tông. Thấy chính sự chưa ngã ngũ, Phu tử dặn Thức tiếp tục lánh mặt, nhắn rằng Tiệp Dư Trần Danh Kỷ đã ghé tìm. Nhận lời mời của một người học trò cũ, Thức đến xã Nam Hoa rồi về ở ẩn dưới chân núi Bạch Tượng.
Nơi Thức trú ngụ là một căn lán lợp lá cọ nằm khuất sau một rặng chèm, cửa mở ra hướng con suối đổ xuôi xuống Vũng Bạc. Mùa này, suối ứ nước, ồ ồ chảy. Cứ dăm ba bữa nửa tháng, người học trò lại ghé mang cho Thức vài cân gạo và chút ít mắm muối. Bẹ, măng sẵn đấy, rồi Thức lại học đặt bẫy thú và đi câu cá, cuộc sống thanh bần hóa lại thảnh thơi.
Ngồi bên bờ suối, Thức thả câu, đôi khi cả buổi mới được hai ba con cá to gần bằng bàn tay. Thời gian ở đây đi chậm hơn so với gần hai năm vừa qua với biết bao nhiêu là biến cố. Từ ngày Thức trẩy Kinh với Phu tử, vào tù trong vụ án năm Canh Tý, xuống Phố Hiến, lại về Thăng Long, rồi trôi giạt đến tận Ða Phạn ... Và bao nhiêu những con người. Dương Quang, Koji Mishima và Charles-Antoine Sieyès nay đã lìa đời. Phần người còn sống, Toàn Nhật hiện làm gì với những kẻ như Quan Chánh dường Hoàng Tế Lý ? Còn Mai, bây giờ Mai ở đâu ? Thức nhắm mắt hồi tưởng lại ngày đầu gặp Mai, tối nghe Mai đọc thơ trong Khiêm Các ở tư dinh của Hoàng Ðăng Khoa. Rồi hình ảnh Mai vào thăm Thức trong tù, giúi vào tay chàng cái gói bọc mấy quan tiền, mặt chứa chan nước mắt. Rồi cái tối hôm đó, nàng hớt hải đẩy cổng dinh Khương Tả hầu, ôm choàng lấy Thức ...
Vẩn vơ nhìn theo dòng nước, Thức để ý nghĩ của mình trôi giạt lông bông. Bật cười, Thức thầm nhủ : « thì thân ta cũng thế, làm sao hiểu được bằng ấy gặp gỡ, bằng ấy sự việc ... ». Bỗng nhiên, chàng lại nhớ Dương Quang, nhớ đến lạ lùng. Tai chàng nghe văng vẳng lời Quang nhắc nhủ : « ...Vua quan chỉ là một định ước về sự ủy nhiệm công quyền của người dân ». Mở chồng sách của giáo sĩ Sieyès cho mượn ra đọc lại, chàng ngẫm nghĩ những điều trong kinh sử của Nho giáo mà chàng vốn coi như là hiển nhiên. Mạnh viết : « Vua là thuyền, nhưng dân là nước. Thuyền không lật được nước, chỉ có nước mới lật được thuyền ». Nước là dân ý ? Dân ý có lẽ là cái ý chí , theo Rousseau, của con người đặt mình vào vị trí công dân ? Ðặt vào vị trí này, ý chí lấy đối tượng là xã hội cộng đồng. Vì cậy, nó không phải đơn thuần phát xuất từ cá thể riêng tư. Nhưng công dân là gì ? Là cái Ta-tập thể, vừa như chủ thể lại đồng thời là khách thể của những ước lệ chung. Ðó là, nói gọn lại, chủ quyền. Trên cơ sở đó, dân là chủ. Quốc gia, hiểu như tập hợp công dân, thành nền móng một xã hội đồng thuận cộng hòa. Mỗi cá nhân chấp nhận mình như công dân một quốc gia tức là chấp nhận một công ước. Từ cái công ước đó, mọi xã hội phải triển khai nội dung những giao kết thành Hiến Chương và Pháp Luật, và sau đó là ủy nhiệm ủy quyền Hành Pháp để thể hiện công ước. Về điểm này, Thức nhớ một hôm Charles-Antoine nói : « Chính Rousseau viết rằng nếu có một tập thể con của Thượng Ðế, họ sẽ có một chính quyền dân chủ. Nhưng chỉ là con người, làm sao mà có dân chủ thực sự ? Ngay khi chính quyền được ủy nhiệm, nó sẽ liên tục gậm nhấm sói mòn chủ quyền, thậm chí triệt tiêu một ngày nào đó cái công ước dựa trên dân ý ». Charles-Antoine suy nghĩ mông lung rồi tiếp : « Dân ý, Hiến Pháp và Chính quyền giống như ba ngôi trong đạo Gia Tô. Nhưng về mặt đạo, ba ngôi luôn luôn là một. Thế quyền thì không ! Ðó là vấn đề ... ». Cười xòa, ông ta làm dấu thánh giá rồi kết luận «... cũng vì thế mà tôi vẫn là con chiên của Chúa. Sự hợp nhất thành Một không có được với thế quyền thì ta đi tìm nơi khác… ».
Thức ngậm ngùi. Chàng dẫu chưa hiểu rõ, nhưng đã lờ mờ cảm nhận được cái lý do khiến giáo sĩ Charles-Antoine Sieyès dang tay chịu đóng đinh trên cây thập tự ở Ða Phạn, miệng vẫn cười khi trút hơi thở cuối cùng trong xác thân đau đớn.
*
Nhìn xuống nơi đặt cần câu, chiếc phao làm bằng bấc cứ trồi lên rồi lại ngụp xuống. Thủng thỉnh bước lại, Thức lần dây câu, tay kéo lên thấy nặng chình chịch. Hình như lưỡi câu vướng vào một vật gì đó. Lòng suối nông nhưng Thức nhìn không thấy đáy. Thò tay xuống mò, Thức từ dưới lôi lên phiến đá hình quả tim, nhỏ bằng bàn tay, vân nổi óng ánh trắng dưới ánh nắng. Móc lại mồi vào lưỡi câu, Thức đem thả cần xuống một chỗ nước sâu hơn. Trưa hôm ấy, Thức câu được đầy một nơm cá. Ðặt phiến đá lên nắp đậy nơm, Thức lẳng lặng đi đào ít măng non. Khi trở về, phiến đá vẫn đấy, nhưng trong nơm không còn một con cá. Thức nhìn quanh. Ai đến đây ? Vẫn không một bóng người. Chỉ có tiếng nước ồ ồ chảy xiết. Tiếng gió lao xao trên tít tắp đỉnh cây. Tiếng chim rừng xáo xác gọi nhau.
Vội vã về nhà, Thức bước vào lối sau. Ðể chiếc nơm và phiến đá vào góc bếp, Thức với chiếc gậy, rón rén đi lên. Vẫn không một bóng người. Nhìn quanh, đồ vật vẫn đấy, chẳng mất mát gì cả. Thức mở cánh liếp, buộc vào chạc cây cạnh lán. Phía trước mặt, rừng rạc xanh xám, lá lay hắt hiu trong gió. Thức tự nhủ : «... ta mê hay tỉnh đây ? Không, nơm đầy cá là chắc chắn ! ».Thức bật cười : « ... mà nơm không còn con cá nào cũng chắc chắn không kém ».
Ðêm hôm ấy, Thức đang ngủ mơ màng, tai bỗng nghe có tiếng động trong bếp. Châm đèn bước vào, Thức không thấy gì. Vừa đặt mình nằm xuống, Thức lại nghe thấy có tiếng người đang khóc. Nằm yên nhưng mắt mở, tay cấu vào đùi, Thức lắng tai. Ðúng, tiếng khóc tỉ tê, lúc to lúc nhỏ. Thức nhảy khỏi giường, lao vào bếp. Tiếng khóc im bặt. Vẫn không một ai. Bên cạnh cái nơm, phiến đá hình trái tim sáng lên một màu xanh nhớt trong bóng tối. Thức cầm phiến đá lên tay. Nó lạnh ngắt, lạnh đến làm tay chàng tê cóng. Thức mở cửa bếp, thẳng tay ném cục đá ra ngoài. Vào giường, Thức ngạc nhiên. Chẳng lẽ chàng tin rằng đá biết khóc ? Nếu không tin, sao chàng lại ném nó ra ngoài ? Nhưng đúng ! Thức không còn nghe tiếng khóc tỉ tê. Một lúc sau, chàng chợp mắt ngủ. Sáng ra, Thức nhớ mang máng hình như có ai bảo : « ... không cho trú thì trả về suối, sao lại bỏ ta vào rừng ! ».
Tưởng đã quên chuyện phiến đá, ba đêm sau đó Thức lại nghe thấy tiếng người ở sau nhà. Lần này, là tiếng gào khóc như vì đau đớn sợ hãi. Chàng bật hồng châm đuốc đi ra. Gió đang lao xao trong lá rạc bỗng lặng hẳn. Thức dò dẫm bước tới. Tiếng gào khóc ngưng, sau đó lại tỉ tê. Ở giữa những bụi lá, phiến đá lóe sáng, cục cựa như một sinh vật. Thức giụi mắt, giơ cao bó đuốc, trừng trừng nhìn. Bên cạnh phiến đá, kỳ lạ thay, là một thiếu nữ. Nàng quấn những chiếc xiêm lớp nọ phủ lên lớp kia, toàn là màu trắng, từ trắng ngà đến trắng toát, trắng có pha màu xanh lơ, pha màu lục nhạt ... Tóc nàng dài xuống đến chân, đen tuyền, xòa ra ôm lấy tấm lưng ong. Tay che mặt, nàng ấm ức nói trong nước mắt :
- Ðại nhân không đoái đến tôi thì xin mang trả tôi về suối nước, đừng bỏ tôi trong đám lá gai này .
Thức sợ, lưỡi tê cứng, chân như bị đóng đinh xuống đất. Gió bỗng đâu bốc lên, ngọn đuốc chàng cầm phụt tắt, chỉ còn le lói ánh trăng lưỡi liềm xanh huyền ảo. Thiếu nữ quay nhìn Thức, khuôn mặt trắng bệch, mày cong, mắt sâu thăm thẳm. Nàng nhếch miệng như cười, để lộ chiếc răng khênh khểnh nghịch ngợm, e lệ :
- Ðại nhân chớ e ngại, tiện nữ là Băng Vân, đợi gặp đại nhân gần hai mươi năm tròn rồi. Nếu ngài cho phép, tiện nữ xin được thưa vài lời ...
Dứt lời, Băng Vân cúi nhặt phiến đá rồi lướt về phía căn nhà. Thức như mất hồn, chân không tự chủ, bước theo, tay đẩy cửa liếp, lách vào nhà. Vừa định châm đèn thì Băng Vân chặn lại, nói :
- Ðại nhân cứ mở cửa đón ánh trăng.Trăng hôm nay đẹp lắm.
Trọng Thức ngần ngừ rồi ngồi xuống. Băng Vân thụp xuống vái Thức ba vái, miệng thưa :
- Tiện nữ người không ra người, ma không ra ma. Xưa, tiện nữ có duyên gặp được La Sơn Phu tử nên cũng ít nhiều liên hệ đến đại nhân, là học trò và là truyền nhân của ngài. Vì oan nghiệp, tiện nữ bị giam trong này...
Tay chỉ phiến đá, Băng Vân trầm giọng :
-...Ðã hai mươi năm ròng, muốn thoát đi để thành người hay hóa ma cũng không được. Nay cúi đầu xin Ðại nhân. Nếu người muốn tiện nữ ra ma, xin mai lấy búa đập nát phiến đá này ra. Còn giả như người rủ lòng thương cho tiện nữ trở về dương gian thì khó hơn một tí ...
Nhìn Thức ngước mắt lên dò hỏi, nàng nhỏ nhẹ :
- ... Vâng, và cần chút kiên nhẫn. Cứ mỗi ngày, Ðại nhân trích tay lấy ba giọt máu nhỏ trên phiến đá đến khi nào hiện lên một bông hồng thì khi đó thiếp lại trở lại làm người. Làm một người như mọi người bình thường trên thế gian ...
Chưa dứt lời, một cơn gió lạnh ùa đến khiến hơi thở Băng Vân như sắp đóng băng. Vội vàng, nàng thụp xuống lạy, mờ dần đi rồi biến mất. Phiến đá vẫn đó, sáng lung linh nhưng lai quay về thể vô tri, nằm trần trụi trên án thư. Thức hoàn hồn đứng dậy, tiến đến, tay nâng hòn đá lên ngang mặt. Chợt chàng nghe đâu đây tiếng cười khúc khích, rồi tiếng hát :
« Gió giận cành đào
gió bẻ cành mai
gió ơi gió, gió chẳng vì ai
chỉ vì tiếng đinh bia mà cứ một hai đọa đầy »
*
Một tuần liền sau đó, Thức ngày ngày trích ngón tay nhỏ ba giọt máu vào phiến đá. Mỗi lần như vậy, máu thấm như bị hút vào lòng đá, mặt đá ngay sau đó lại trắng bóng . Nhìn kỹ, thỉnh thoảng thấy mặt đá ánh lên màu hồng nhạt. Ðặc biệt rõ ràng là phiến đá đã bớt lạnh, cầm vào tay không còn buốt cóng như trước. Ðêm đêm, Thức thỉnh thoảng nghe tiếng sột soạt đi lại. Mở mắt ra, chàng không thấy ai, nhưng luôn luôn cảm tưởng có người gần gũi. Một sáng, Thức mở bọc quần áo và thấy những vết vá trên chỗ rách. Nhìn kỹ, cả những gấu quần đã sờn đều được gấp lên khâu lại. Hình ảnh Băng Vân lại lảng vảng ám ảnh. Hôm ấy, Thức không trích máu nhỏ vào đá. Rồi cả hôm sau cũng vậy.
Khoảng canh ba, đang say giấc, Thức chợt choàng dậy. Băng Vân hốt hoảng :
- Thưa Ðại nhân, người chỉ quên nhỏ máu ba ngày là bao nhiêu công sức lại tiêu tan hết.
Nhìn Băng Vân luống cuống sợ hãi, Thức động lòng. Má nàng nay đã chớm sắc hồng, con mắt lay láy đen rớm lệ. Thức chưa biết nói gì thì Băng Vân hỏi :
- Sao tự nhiên Ðại nhân lại ngừng giúp thiếp ?
Thức ngập ngừng: « Bởi vì, bởi vì ...» rồi không biết ăn nói thế nào, lảng nhìn ra chỗ khác. Một lát sau, Thức lên tiếng :
- Châm đèn được không ?
Băng Vân khẽ gật đầu rồi tự tay bật hồng khêu bấc lên. Ánh đèn vàng đục hắt bóng Thức vào vách. Nhưng lạ chưa, tuyệt nhiên không có bóng của BăngVân. Ðưa tay chỉ, Thức mời Vân ngồi xuống ghế, rồi nhẹ nhàng :
- Nàng bảo có liên hệ đến thầy ta là Nguyễn Thiếp. Liên hệ thế nào ?
Băng Vân bỗng òa lên khóc, hai tay ôm lấy đầu, nghẹn ngào không nói được. Thức không nỡ ép, im lặng nhìn. Tiếng gà gáy sáng vẳng lên từ xa như kéo Băng Vân đứng dậy. Nàng vái Thức, miệng nói :
- Khi Ðại nhân gọi tên thiếp, thiếp đến ngay. Và xin đừng quên nhỏ máu, thêm ngày nào là thiếp được ngày ấy để sớm về dương gian này.
Nói xong, Băng Vân mờ dần đi rồi lại biến mất.
Từ đó, nàng tối tối hiện ra, quét dọn nhà cửa, chuyện trò với Thức. Một tháng sau, má nàng đã hây hây đỏ, nhưng chân tay vẫn còn lạnh ngắt. Những cánh hoa hồng ngày một rõ nét bắt đầu thành hình trên mặt phiến đá. Trọng Thức quen dần, thôi không tự vấn mình là mê hay tỉnh, đã lấy đêm làm ngày, thường ngủ vào lúc rạng đông cho đến trưa. Chàng cũng không còn gặng hỏi về cái liên hệ giữa Băng Vân và La Sơn Phu tử, vì cứ mỗi lần nói đến Vân lại xúc động tưởng như đắm đuối vào một vực thẳm sâu không có đáy.
Một đêm, Băng Vân nhìn Thức rồi đỏ mặt khẽ nói :
- Ngày thiếp hoàn dương, thành người, thì thiếp xin theo nâng khăn sửa túi cho Ðại nhân, liệu chàng có khứng cho chăng ?
Thức nắm lấy hai vai nàng kéo vào lòng mình, mê đi trong mùi hương tóc thoang thoảng, chẳng biết đang ở cõi nào. Chàng kéo xiêm, Băng Vân nắm tay chằng giật lại, rồi lại thôi, bỏ ra. Bàn tay Vân vẫn còn lạnh. Ngực nàng dẫu phập phồng nhưng vẫn còn lạnh. Ðùi nàng thon dài, cứng cáp, nhưng vẫn còn lạnh. Chỉ có mặt nàng nóng bừng bừng, mắt ánh lên đam mê, môi hé ra, răng cắn nhè nhẹ vào lưỡi. Thức cúi vục mặt vào, áp môi ghì lấy, điên cuồng đắm đuối. Băng Vân đẩy Thức nằm xuống, tay đè chàng, hôn da diết từ đầu đến chân, hé miệng ngậm vào mơn trớn cho đến lúc Thức thở hắt ra, hộc lên, rồi nằm lặng đi mặc cho hồn mình phiêu lãng đến những cảnh giới hình như chưa một ai biết được.
Ðó là những ngày tháng hạnh phúc. Trọng Thức quên hết. Quên thế gian với nào là dân ý, tự do, bình đẳng. Quên quân quyền chuyên chế và câu hát của Dương Quang, bảo con chim cánh đen mỏ vàng hãy cắn nan đan lồng để bay ra, bay xa. Quên Sieyès và những giọt máu ứa ra từ hai bàn tay đóng đinh. Quên Mishima, quên cuốn « Luyện Kim Yếu pháp ». Quên cả nhát kiếm ân sủng của Toàn Nhật dứt cho Mishima một cuộc sống chỉ có mỗi ước nguyện là đổi ý người thầy mình về cách nhìn tương lai của đất nước Phù Tang. Quên Nhu, người con gái mới lớn đã chịu ngay sóng gió của tình yêu đầu. Tệ hơn, chàng quên cả Mai, chẳng hiểu nay đã lưu lạc về đâu sau loạn Kiêu binh ?
Thức quên như thế, sống bằng những đêm mặn nồng, bỏ mặc cho ngày chơ vơ với những chuyện dương gian. Hạnh phúc không ở đó. Nó ở đâu ? Có lẽ chàng không biết, nhưng chàng vẫn chắc là những ngày đã qua đi trong đời chàng không cho chàng niềm vui để sống như hiện tại. Trái ngược làm sao, cái niềm vui đó lại có khi mỗi ngày chàng nhỏ ba giọt máu, lòng mong đợi bông hồng trên một phiến đá, miệng thầm gọi Băng Vân bằng lòng độ lượng vô bờ, và thân xác ngụp lặn trong nỗi đam mê tràn ra như thủy triều đẩy cho biển lên cao với tìm về núi.
*
Cho đến một hôm, cuộc phù sinh lại giạt đến bến đời những cơn bèo bọt. Bèo bọt lần này chở ngầm một cơn sóng gió. Từ tay người học trò ghé Bùi Phong rồi mang lên cho Thức là bức thư do Trần Danh Kỷ đưa người cầm ra. Thư viết :
« ... mong rằng thầy nhận lời mời, cùng ba quân vào Gia Ðịnh, trước là yên giặc, sau lại liên lạc với người Tây dương hầu giữ giao hảo lâu dài. Kỷ có nói với quả nhân là thầy thông ngôn ngữ, nhờ theo phiên dịch để tạo môi trường thuận lợi ngoại giao. Quả nhân mừng lòng, đã lâu nay trông ngóng. Vậy xin rời bước đi ngay kẻo lỡ việc quân, ngày tháng không thể nào rời đổi.
Long Nhượng tướng quân nay thư
Thái Ðức năm thứ 6, tháng giêng Quí Mão, ngày thứ 8 »
Thức xoay phong thư trong tay, hồi tưởng lại một năm trước đây câu chuyện với Danh Kỷ khi ở dinh Khương Tả Hầu trong Kinh. Phải chăng Long Nhượng tướng quân chính là kẻ Kỷ gọi là người anh hùng cái thế ? Hay là còn ai khác ? hay kẻ đó là Nguyễn Lữ, người được Nhạc vừa xưng đế lấy hiệu là Thái Ðức đã phong ngay làm Tiết Chế, thống lĩnh toàn bộ quân Tây Sơn ? Họ muốn chàng giúp một tay liên hệ với người Tây dương hòng triệt hạ một liên minh quan trọng của Nguyễn Ánh, hậu duệ nhà Chúa Nguyễn, vẫn dấy quân đóng giữ từ Gia Ðịnh trở vào. Xưa ở Ða Phạn, Charles-Antoine Sieyès đã kể cho Thức nghe về một trường đạo Ðàng Trong ở Mạc Bắc do giáo sĩ Liot đứng đầu cai quản. Liệu Liot có liên hệ gì với Nguyễn Ánh không ? Chắc chắn vấn đề sẽ không mấy đơn giản.
Ðêm ấy, Thức báo cho Băng Vân việc đi vào Ðàng Trong. Nghe đến địa danh Qui Nhơn, mắt Băng Vân lóe lên rực lửa. Nàng vội vàng hỏi :
- Có phải nơi ấy là nơi ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ đã dấy quân rồi xưng đế không ?
Thức gật đầu. Băng Vân cầm phiến đá trầm ngâm rồi nhìn Thức nhỏ nhẹ :
- Chàng xem bông hoa. Nay có đủ cánh, chỉ còn đài hoa là chưa rõ nét. Em xem còn phải đợi đến một vài tháng nữa em mới đi được ...
Thức choàng tay ôm Băng Vân. Nay đầu chân và đầu tay nàng đã nóng lên, nhưng lưng, bụng và ngực vẫn còn lạnh hơn một cơ thể bình thường. Thức bảo là ngày hẹn đã gần, làm sao chùng chình được lâu. Vân nghĩ ngợi, rồi thốt :
- Em cũng muốn vào. Ở đấy, em còn con em út mà em chưa biết mặt ! Nhưng đi như thế, em lòng cứ ngài ngại, không hiểu vì sao ... Hay là ...
- Hay là thế nào ? Thức hỏi.
Băng Vân đỏ mặt, lấy tay mơn man cổ Thức, đầu ngả vào vai, lọn tóc dài chảy xuống như thác đổ trên chiếc lưng thon, miệng ngập ngừng :
- Hay là ... là ...
Vụt khỏi lòng Thức, Băng Vân vùng chạy, vừa cười vừa nói:
- ... Em không nói được.
Băng Vân lần đầu cởi phăng hết xiêm áo đêm hôm đó, đứng cuối giường nhìn Thức. Cái thân thể tưởng là mảnh mai kia giờ lồ lộ cong uốn những núi những đồi, những triền sông, bãi đất ẩn hiện trong ánh đèn dầu chập chờn. Nàng không nói không rằng, áp người nằm lên người Thức, rồi ngồi lên, đong đưa, ưỡn ngực ra, cong người lấy tay bấu vào bắp chân Thức, đảo như người lên đồng. Cảm giác Thức bị bốc xoáy vào một cơn bão nhớt nhát, khi trồi lên khi tụt xuống theo tiếng gió hú trong rừng lá xạc xào, khi lại như bị cuốn hút từ bốn bề xuống thật sâu, sâu tận đáy của một đại dương cứ thế bóp vào rồi lại nhả ra, rồi để cuối cùng phụt lên từ đáy biển một con nước nhờn, ấm, mùi tanh tanh, tràn ra khỏi bờ, làm ướt hết nửa phần dưới thân thể Thức.
Băng Vân ngật người ra, mắt nhắm nghiền, nằm thở dốc. Thức ngạc nhiên rờ rẫm. Chàng vẫn chưa xuất tinh. Thức nhìn dọ hỏi. Băng Vân hé mắt, miệng cười lộ chiếc răng khểnh, nói nhỏ :
- ... em đấy. Cứ vậy, em đẩy ra chất âm để rút ngắn con đường hoàn dương. May ra như thế em mới cùng chàng đi Qui Nhơn được.
*
Ðêm trước buổi sáng lên đường, Băng Vân để phiến đá vào tay Thức, run giọng :
- Chàng để bên mình. Có thương em thì nhớ rằng chớ để ba ngày mà không truyền dương khí. Tối thiểu là trích ba giọt máu - ngần ngừ, Băng Vân đưa tay vén tóc - Nay em chỉ còn phần trái tim là còn lạnh, nhưng lại là phần quan trọng để hoàn toàn thành người. Ðường xá bấp bênh, giặc cướp lại đầy rẫy, chàng tránh đi ban đêm ...
Thức trấn an, tay cầm phiến đá, vừa cười vừa đùa, hỏi :
- Này phiến đá Băng Vân, giá như tim em cứ là đá mãi thì ta giữ em trong tay, làm sao mất em được. Trừ phi ta mất chính ta. Mang tim người, liệu em có còn biết thủy chung như nay không ?
Băng Vân bụm miệng Thức lại, rơm rớm nước mắt, chặn :
- Sao chàng lại nói thế, đừng nói gở nào ...
May một bọc lụa để phiến đá vào, Thức quàng quanh cổ rồi xách gậy đi về phía La Sơn. Ðược thầy báo cho biết rằng Ngô Thì Nhậm sẽ ghé thăm, Thức định lên Bùi Phong trước khi vào Qui Nhơn. Từ ngày Kiêu binh phò Trịnh Tông lên ngôi Chúa, những người dính dáng đến vụ án năm Canh Tý đều bị tróc nã. Nhậm phải đi trốn, ở đâu lẩn quất trong rặng Hương Sơn, mỗi khi đi lại đều đề phòng cẩn thận. Khi Thức đến, Nhậm đã ở trại hai ngày trước. Nhìn Thức, Nguyễn Thiếp đăm chiêu hỏi :
- Vào Ðàng Trong ngay bây giờ liệu có sớm quá chăng ? Tây Sơn mới chiếm được một mảnh đất con con, mặt nam Nguyễn Nhạc phải đối phó với đám Nguyễn Ánh, Ðỗ Thành Nhân, phía bắc có ba vạn quân Lê - Trịnh đóng khắp Thuận Hóa, lúc nào cũng là mối lo .. Về mặt chính danh, giang sơn này vẫn là của nhà Lê, dân đói khổ ca thán thì cứ đổ cho hai chúa Trịnh - Nguyễn ...
Nhậm thở dài :
- Chúa chèn ép Vua, Vua vẽ mặt đóng tuồng cho qua ngày đoạn tháng. Còn ra, bố vợ họ Trịnh với chàng rể họ Nguyễn thì bảo con cháu đánh nhau hai trăm năm nay, vậy hỏi lấy gì mà giữ chính danh.
Quay sang Nguyễn Thiếp, Nhậm hỏi :
- Cái sấm ký về hai trăm năm nhà Chúa trị vì đã có mòi đúng rồi. Ðoan Nam vương Trịnh Tông bây giờ bị đám kiêu binh loại Bằng Vũ, Nhưng Thọ kiềm chế, lại nhân danh Vua để chèn Chúa ... Tiên sinh thử nghĩ xem có lâu được không ?
Thiếp nhìn Thức, lắc đầu, nhưng lại nói :
- Lâu thì không lâu, nhưng cũng chẳng chóng được ở cái thế tam quốc phân tranh - quay sang Nhậm, Thiếp dò hỏi - Còn phần ông, ông tính thế nào ?
Nhậm nâng tách trà uống một hớp, móc quyển sách kẹp trong bụng ra, hai tay trịnh trọng đưa lên cho Thiếp, chậm rãi :
- Ở thế xuất, thì xuất, còn ở thế xử, thì xử. Ðây là tập « Xuân Thu Quản Kiến », trình lên tiên sinh xem xét. Trong này, tôi có luận lại vấn đề chính danh.
Quay sang Thức, Nhậm hỏi :
- Nguyễn đệ nhất định vào Ðàng Trong ?
Gật đầu, Thức cương quyết :
- Dạ, thế Ngô huynh luận thế nào là chính danh ?
Nhậm mỉm cười :
- Nghiêu được dân tôn lên là có chính danh. Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn. Thuấn chẳng phải huyết thống máu mủ của Nghiêu, dân lại yên lòng, sống trong thái hòa. Ðấy là giữ chính danh. Khi dân ca thán, chính danh bắt đầu lung lay. Lúc giặc giã tứ bề, chính danh đang lụi mà chỉ còn sức mạnh. Chỉ dùng sức mạnh là hoàn toàn mất chính danh. Theo cuộc tuần hoàn, cái mất đi luôn được bù lại. Ðó là lúc một sức mạnh mới biết mang đến một cái gì khác với sức mạnh để hỗ tương cho nó. Mệnh trời thay đổi là vậy.
Thiếp nhăn mặt, tay phe phẩy quạt. Thức nhìn Nhậm rồi nói :
- ... nghĩa là mệnh trời và dân ý hợp nhất. Là một, không tách bạch được ? Nhưng như vậy thì cứ phải loạn lạc mới biết dân ý để đổi mệnh trời ? Ngô huynh cho là không còn con đường nào khác à ?
Nhậm buồn bã :
- Không, bởi cái truyền thống từ Bắc phương đã nhiễm vào đến xương tủy của mình rồi !
Ðứng lên, Nguyễn Thiếp lẳng lặng đi ra ngoài vườn nhìn về phía chân trời. Khi Nhậm và Thức đến bên, Thiếp chỉ tay vào đám mây đằng xa, vẩn vơ :
- Ta đố đám mây kia bay về đâu ? Nam hay bắc ? Nhìn Thức, Thiếp dặn dò - Vào Ðàng Trong, có hai thế lực, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào nên phải cẩn trọng, không được hấp tấp. Mắc vào thì dễ, gỡ ra mới khó.
Thức không trả lời. Nhìn ánh nắng vàng trên cánh chim vút ngang tầm mắt, Thức thầm nhủ rằng mặc cho mây dạt về đâu, con chim tự do nào cũng phải tìm ra hướng bay của riêng nó.
*
Qua khỏi đèo Hải Vân, Thức ngoảnh lại ngước lên nhìn những cụm mây bạc đậu trên đỉnh đèo. Chàng thở phào, thầm nhủ từ đây không còn phải lẩn tránh lính tráng Chúa Trịnh. Ðã mười ngày nay chàng ngủ bờ ngủ bụi, râu ria lởm chởm, áo quần lấm bụi đất, nhưng lòng chàng phơi phới một niềm vui lạ lùng. Mỗi đêm, sau khi chàng trích tay nhỏ máu vào phiến đá đeo trên ngực, Băng Vân lại hiện ra. Thân thể nàng đã gần nhiệt độ người thường, duy chỉ ngực còn lạnh. Càng đi vào càng gần Qui Nhơn, Băng Vân càng bồn chồn. Nàng cắn môi, rồi ngập ngừng :
- Hay ta nghỉ, đợi thêm ít lâu cho ngực thiếp hoàn toàn dứt được âm khí rồi hãy vào ?
Thức cười bảo :
- Cái hẹn với Long Nhượng tướng quân nay sắp đến. Cứ vào, rồi sẽ tính sau. Nếu cần, ta sẽ xin ở lại Qui nhơn, hẹn Kỷ sẽ theo vào Gia Ðịnh, đợi khi em đã hoàn dương...
Băng Vân vuốt tóc, rồi nói :
- Lạ thật, em nửa muốn đến ngay, nửa lại cảm thấy thế nào ấy, cứ ngần ngại.
Thức nghe chỉ cười xòa, tiếp tục con đường vào Qui Nhơn.
Vào địa hạt Quảng Nam, cư dân thưa dần, sắc phục cũng khác ở Thuận Hóa. Từ khi có lệnh của Chúa Trịnh cách đây sáu năm, dân chúng từ Phú Xuân trở ra phải thay đổi ăn mặc theo kiểu Ðàng Ngoài. Ở đất Quảng, gần nửa vẫn là cư dân Chàm. Ðàn ông quấn mình bằng những giải vải màu trắng, choàng lên vai rồi vắt ra sau lưng. Ðàn bà dùng nhiều giải vải hơn đàn ông, lại chen đỏ hoặc xanh hay vàng vào, trông rất rực rỡ nhưng vẫn thướt tha, uyển chuyển. Họ che mặt bằng một loại nhiễu thưa màu ngà, tóc hoặc vấn đến đỉnh đầu, hoặc để dài quá vai, thường là buông đến ngang lưng. Cả đàn bà lẫn đàn ông đều đi chân trần, và nhà nào cũng để ngay ngoài cửa một bình nước và chậu để rửa chân. Cửa nhà họ lúc nào cũng để trống, ngay gian ngoài có giải một loại thảm thêu sặc sỡ, xung quanh xếp những chiếc gối. Ðến giờ ăn, khách dự bữa mà không cần hỏi. Ăn xong muốn đi thì đi, cũng không ai hỏi tới, chỉ nghiêng người cười chào nhau. Cứ ngày ngày ba buổi, họ im lặng quì rồi dập đầu xuống đất, nghe tiếng đọc kinh như người ê a hát bằng thổ âm vang đến từ một tầng tháp cao ở đâu đó, miệng đồng thanh kêu Allah, thượng đế của họ. Riêng ở Quảng, một vị quan người Chàm trông coi bàn dân. Quan có quyền đi giầy, ăn mặc như mọi người Chàm, chỉ đeo thêm một giải đai thắt quanh bụng. Thường ra, luôn luôn có một vị thư lại người ta đi kèm vị quan Chàm, và việc gì cũng cần sự đồng ý của vị thư lại, kể cả những sự vụ như tang ma, hiếu hỉ, kiện tụng.
Về phía dân Kinh, họ vừa di cư đến lâu nhất là khoảng chục năm nay. Y phục của họ là một thứ nửa Chàm, nửa kiểu Ðàng Ngoài, nhuộm nâu, hoặc đen. Bị ảnh hưởng của môi trường người Chàm, sinh hoạt của họ phần nào cởi mở hơn ở Ðàng Ngoài. Họ thường tụ lại lập làng mạc, khác với người Chàm sống rải rác, biệt lập hơn. Ðặc biệt, dân ta theo đạo Gia Tôâ rất đông, lắm nơi cứ mỗi ba người là có một giáo hữu. Ở phía bắc Quảng Nam, và nhất là ở Hội An, trong số giáo hữu lại có người theo Tin Lành bởi sự có mặt của một số giáo sĩ truyền đạo người Anh và người Hòa Lan ở đó.
Thức dừng bước lúc trời gần tối. Chàng đến chân một trong ba chiếc tháp chiều cao chừng gần hai trăm thước ta. Làm bằng gạch màu mai cua, lại không hề có vết ghép nối, Thức nhìn tưởng ra như cả khối đất khổng lồ được nâng lên thành chiếc tháp gạch sừng sững, đỉnh nhọn hoắt chĩa lên trời cao làm chứng cho cái tài tình của những con người cấu tạo ra nó. Trong thinh không bỗng văng vẳng lời đọc kinh ê a than vãn, cầu xin từ cõi linh hiển nào đó những ân huệ thiêng liêng cho chốn trần gian.
Tựa tay vào vách tháp, Thức bồi hồi ngẫm lại. Hai trăm năm trước, chốn này kinh đô một vương quốc huy hoàng. Ðằng xa, thung lũng dưới chân đồi kia là thành Ðồ Bàn, nơi xưa công chúa Huyền Trân đời nhà Trần đã nên duyên cùng Chế Mân. Món quà cưới - đúng hơn, là món thách cưới - là hai châu Ô, Rí chàng vừa đi qua. Của hồi môn có gì, ngoài hai câu dân gian mai mỉa: « Tiếc thay cây quế giữa rừng. Ðể cho thằng Mán thằng Mường nó leo »!
Thức phạt cỏ ở một góc cạnh tháp rồi bắt võng, mở gói lương khô ra. Mặt trời đã khuất sau lưng núi, nhưng ráng đỏ vẫn còn luẩn quẩn ở nơi trời liền với biển. Một đoàn dăm người Chàm đi qua chân tháp, gặp chỉ lẳng lặng cúi chào Thức, tiếp tục nối đuôi nhau, những chiếc áo choàng trắng xa dần rồi thấp thoáng sau những lùm cây trong rừng. Thức nhắm mắt mơ màng, mặc giấc ngủ ập đến.
Nửa đêm, Thức choàng dậy. Băng Vân tay kéo áo chàng, miệng nức nở, tay chỉ :
- Chàng ơi, thiếp sợ lắm ... Xem kìa, chàng có thấy không ?
Thức lắc đầu.
- Ông ấy cứ chòng chọc nhìn thiếp nẫy giờ, chàng không thấy gì à ? Ông ấy đòi bắt thiếp đi ...
- Ông ấy ra làm sao ?
- Ông ấy choàng áo vàng, đầu đội mũ nhọn hoắt có đính một viên hồng ngọc, mặt đầy râu, tay cầm kiếm... Ðúng, ông ấy lại trợn mắt lên... Ơ, lạ chưa, trông như Ðèo Kha, phải... tay kia ông nắm cây sáo đinh bia. Ðấy, ông ấy thổi sáo... Chàng nghe thấy không ?
Thức lại ngơ ngác lắng nghe, rồi lắc đầu. Băng Vân chui vào lòng Thức, ôm chặt lấy. Thức chưa kịp nói gì thì Băng Vân đã biến vào phiến đá. Chàng tự hỏi :
- Lạ thật ! Mà ai là Ðèo Kha nhỉ ?
*
Theo đường chính, Trọng Thức vào thành Qui Nhơn khi mặt trời lên đúng ngọn cây. Chu vi thành khá rộng, cách kiến trúc gồm hai lớp. Tường thành lớp ngoài đắp bằng đất trộn với vỏ dừa và tre bện lại, cao khoảng ba đầu người, trên có đường đi lại, có chỗ để những ụ súng lớn và chi chít lỗ châu mai cho súng nhỏ. Lớp tường ở trong là tường cổ do người Chàm xây bằng đá ong đều đặn xếp chồng lên nhau, cứ mỗi trăm thước lại đặt một chòi canh cao nghễu nghện. Dinh thự của hàng quan lại nằm trong nội thành, thường là còn sơ sài giản dị trừ nơi Vua Tây Sơn ngự.
Cư dân ở Qui Nhơn khá đông. Họ họp chợ ở phía Nam khoảng giữa hai lớp tường thành. Ðến từ tứ xứ, người Kinh có, người Chàm có và cả những người Ra-đê chít khố, mình trần trùng trục, thồ vào thành ngô, sắn, và thú săn để đổi lấy muối, dầu hỏa... Binh lính ăn mặc kiểu thường dân, chỉ quấn quanh lưng một giải vải điều và mang ở chân một loại dép làm bằng da trâu thuộc có sỏ những sợi dây buộc túm vào ống quyển.
Ðến chân tường bao quanh nội thành, lính canh ở trạm gác chặn Thức lại hỏi. Khi nghe Thức tìm gặp Trần Danh Kỷ, họ lễ phép mời Thức ngồi, rót nước mời uống, rồi vào báo. Nhìn người lính tóc hoa râm tiếp mình, Thức dè dặt hỏi :
- Bác nói giọng nghe như tiếng Ðàng Ngoài ?
- Ðúng, tôi họ Hà, từ Nghệ vào đây được một giáp, từ ngày Tây Sơn xưng vương. Còn Bác ?
- Tôi ở La Sơn mới vào ... Ðời sống ở đây thế nào ?
Người lính châm điếu cày, rít xong, trả lời :
- Cũng tốt, đỡ đói hơn là ngoài đó. Trong này, không có chuyện quan quân ức hiếp dân nên dân dễ thở. Còn là lính thì cứ chinh chiến thôi, được cái gia đình có đồng ra đồng vào, khỏi phải lo cái ăn ...
Chưa dứt lời, một đoàn người cưỡi ngựa trờ tới. Người dẫn đầu nhảy xuống đất, chân đi ủng, lưng quấn giải khăn vàng, tay cầm gươm, đi thẳng vào trạm gác. Người lính già kính cẩn chào, mắt nhìn về phía Trọng Thức. Chắp tay chào Thức xong, người đó nói, giọng nặng nghe rất khó, tay chỉ vào một con ngựa không có ai cưỡi. Thức hiểu ý, lên lưng ngựa.
Ðoàn người lại lên đường. Ngựa Thức cưỡi được kèm hai bên, đằng trước là người chân đi ủng, vừa ra roi, vừa quát. Ngựa chạy vòng đường thành nội về mé Tây, đến một cửa thành lại không vào, rẽ sang hướng Nam. Chạy thêm một quãng, bức tường thành lớp ngoài đắp bằng đất đã trong tầm mắt. Thức ngạc nhiên, nhưng cả đám lính đi kèm cứ tiếp tục giật cương cho ngựa chạy. Họ ra khỏi ngoại thành.
Thức hỏi lớn :
- Ta đi đâu vậy ? Tôi muốn gặp Trần Danh Kỷ cơ mà !
Hai người lính kèm bên ngựa Thức giơ tay ra nắm mỗi người một sợi cương, không nói không rằng, cứ thẳng đường trẩy ngựa. Một lát sau, họ rẽ vào một con lộ nhỏ, cho ngựa chậm chạp lại, rồi ngừng trước một căn nhà. Người đi ủng nhảy xuống gọi. Cửa mở, hai người dân binh đi ra. Họ thì thào với nhau. Người đi ủng đến bên, đỡ cho Thức xuống ngựa, rồi nói :
- Phiền ông nghỉ lại đây. Trong thành nước tôi đang chuyển quân. Chuyện quân quốc là đại sự, không để cho người nước ngoài biết được nên buộc lòng phải giữ ông ở đây vài ngày ...
Thức thầm nhủ : « À, thì ra mình là người nước ngoài », bực mình hỏi lại :
- Ai bảo đưa tôi đến đây ?
- Tôi là kẻ dưới chỉ thừa hành lệnh trên.
- Lệnh từ đâu đến ? Trên là ai ?
- Trên là trên cao lắm, tôi không biết !
Người đi ủng đưa mắt làm hiệu. Hai người dân binh đến cạnh Thức, mỗi người nắm lấy một tay, rồi lôi Thức vào trong nhà. Một người kéo chiếc chõng tre, rồi mở nắp hầm ở dưới. Họ đẩy Thức xuống, đóng cửa hầm lại.
Nghe tiếng đặt chiếc chõng lên nắp hầm, rồi tiếng vó ngựa mỗi lúc một xa, Thức mím môi, quờ quạng trong bóng tối. Chàng nén bực bội, bình tĩnh suy xét tình thế nghĩ cách tiến thoái. Dĩ nhiên, không phải là Kỷ ra cái lệnh đón tiếp chàng theo kiểu oái oăm thế này. Lại chẳng phải Long Nhượng tướng quân, người đã viết thơ mời chàng. Có lẽ, có lẽ chỉ là một tên quan võ lo việc giữ bí mật quân cơ đối với bàn dân. Và cứ thấy người ¨ nước ngoài ¨ là hàm hồ lo bảo mật !
*
Vào khoảng tuần sau, người ta mở nóc hầm đưa Thức lên. Một đoàn người ngựa đã chực sẵn, kèm Thức vào nội thành Qui Nhơn, đưa thẳng đến điện Thái Hòa, nơi Vua Thái Ðức nhà Tây Sơn coi việc triều chính.
Thời gian ấy, nhân mặt Bắc không có gì đáng ngại vì đang loạn kiêu binh, nhà Tây Sơn quyết định phải dứt khoát thanh toán đám quân Chúa Nguyễn trong Nam. Theo nước dòng, Tiết Chế Nguyễn Lữ đã dẫn thủy quân đi từ cửa Thị Nại vào Cần Giờ, và Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ đưa bộ binh xuống Bình Thuận trên con đường tiến ra Gia Ðịnh. Cờ ba quạt chăng lên tiễn ba quân lên đường chinh chiến vẫn còn la liệt khắp nơi. Dân kháo nhau là chiếm xong Gia Ðịnh, hẳn sẽ có những gia đình buộc phải rời vào lập nghiệp trong đó, nên không khí khá xôn xao hăm hở.
Gọi là điện, nhưng Thái Hòa chỉ là ba giẫy nhà, mỗi giẫy có tám gian bọc thành hình vuông, một mặt ngỏ nhìn ra phía biển. Nhà xây bằng gỗ lim, chính điện trông không khác gì kiến trúc một gian nhà thờ họ. Thức ngồi chờ ở gian ngoài một lát thì có lệnh cho vào. Trên một chiếc ngai có phủ da báo, Nguyễn Nhạc người to lớn, mắt lộ, môi dày, răng hơi hô, da sần sùi đen như củ súng, ngồi vắt chân chữ ngũ. Mặc một bộ quần áo màu vàng có đính kim tuyến, đầu đội mũ triều thiên, tay cầm một chiếc quạt ngà, Nhạc nhai trầu, nước ứa ra khóe mép đỏ lòm.
Hai người lính đưa Thức vào quì xuống hô « Hoàng đế, vạn vạn tuế ! ». Nhạc phẩy tay đuổi ra, rồi chòng chọc nhìn vào mắt Thức, nhổ bã trầu, quệt mép quát :
- Mi người nước ngoài không biết phép tắc chi cả sao ? Mi gặp thiên tử nước mi, mi cũng chong mắt lên mà nhìn à ? Chúa Út đâu ? - Nhạc đảo mắt tìm - Gọi cho ta Chúa Út ra đây !
Quì một gối, Thức chắp tay vái ba lần, đĩnh đạc :
- Kẻ tiện dân này chưa bao giờ có diễm phúc được diện kiến một vị Thiên tử, nay vừa sợ vừa mừng, quên mất phép tắc, xin lấy lượng cả bao dung cho !
Hừ một tiếng, Nhạc hỏi :
- Mi vào tệ quốc làm gì ?
Nghe hai chữ tệ quốc, Thức suýt phì cười, cắn răng lại, đầu cúi xuống ghìm hơi cố giữ để khỏi thất lễ với vị Thiên Tử. Nhạc lại quát :
- Nói ngay !
- Kẻ tiện dân được Trần Danh Kỷ gửi người đến, đưa thư gọi vào, nên tuân mệnh đến quí quốc ...
Nói đến chữ quí quốc, Thức lại cắn môi, nhịn cười, thành ra ấp úng. Nhạc dịu giọng, tay chìa bức thư của Long Nhượng tướng quân ra :
- Ta biết rồi, nhưng ta hỏi mi làm gì chứ không hỏi tại sao mi đến quí quốc ...
Bỗng có tiếng cười khanh khách, rồi một giọng trong veo vẻo cất lên :
- ... Sao mi đến nước ta ! Hắn nói quí quốc thì được, nhưng Hoàng huynh thì phải bảo là nước ta chứ.
Thì ra Chúa Úùt là một người con gái chạc đôi mươi. Nàng mặc xiêm màu ngà, tóc vén cao, lưng đeo kiếm, nhanh nhẹ đến bên Nhạc cúi chào rồi đứng bên cạnh. Chúa Úùt mình dong dỏng, mắt xếch, nhìn thoáng Thức thấy nàng có nét mặt từa tựa như Băng Vân, cười cũng lộ ra một chiếc răng khênh khểnh, duy chỉ có da là ngăm ngăm đen. Nhạc khạc đờm, nhổ vào chiếc ống nhổ, gằn giọng :
- Thằng Huệ và thằng Kỷ gọi mi vào đây làm gì ? Chắc đâu phải chỉ đi phiên dịch với bọn Tây dương. Ta biết thằng Kỷ nó đi khắp nước mi, ra đến tận Thăng Long tìm người phò thằng Huệ. Mi gặp thằng Kỷ hồi nào ?
- Kẻ tiện dân gặp ở Kinh năm ngoái, nhưng đây là lần đầu được nghe đến Long Nhượng tướng quân, chưa hề có liên lạc gì ngoài cái mối sơ giao với Trần Danh Kỷ.
- Ðứa nào dính vào thằng Kỷ đều là phường nối giáo cho giặc, không tin được.
Thức ngạc nhiên, hỏi :
- Kỷ giúp việc Long Nhượng tướng quân, tướng quân vừa là bề tôi, vừa là em của Hoàng Thượng, sao gọi là giặc ?
Biết mình lỡ lời, Nhạc nhìn Chúa Úùt, át tiếng :
- Láo, láo thật. Ðến nước người mà dám vặn vẹo vua nước người ta thế à ? Cứ thấy mấy quyển sách trong nải của mi là ta biết mi có được ít chữ nghĩa, bất quá có gì mà ta phải sợ !
Ðúng lúc ấy, Chúa Úùt nhếch miệng cười :
-Ðúng, Hoàng huynh ta oai trùm trời đất, có gì mà phải sợ. Cái mạng mi, Hoàng huynh ta tha cho sống là may cho mi rồi - nàng ngước nhìn Nhạc, tiếp - chứ một mi hay trăm mi bắt chết cũng phải chết, khó chi mà không làm ...
Nhạc hể hả, cười ầm lên, vỗ đùi rồi quát :
- Thôi, lôi đi thằng này đi cho khỏi bẩn mắt ta, lôi ngay ra. Làm gì mà phải sợ... Hà, hà.
Lính lôi Thức bỏ vào ngục. Lần này, chàng bị đóng gông, đêm đêm phải cắn ngón tay lấy máu nhỏ vào phiến đá Băng Vân. Chàng ngạc nhiên khi thấy Chúa Úùt quả có giống Băng Vân, nhất là giống chiếc răng khênh khểnh, lộ ra khi cười trông như trêu ghẹo. Phải chăng Chúa Úùt chính là em nàng ? Thức gọi tên, nhưng trái với định ước, không thấy Băng Vân hiện ra. Chàng nhìn vào phiến đá, thấy cái đài hoa hồng đã dần dần lên sắc đỏ. Ngẫm lại thân mình, Thức bật cười. Lần vào tù ở Thăng Long còn có chút lý do. Lần này, thì thật không ! Và rồi cũng chẳng có thể đoán mình sẽ ra sao ! Chàng bỗng nhớ Dương Quang, bắt chước cao giọng hát:
«… Này con chim cánh đen. Mỏ vàng mày nhọn. Chiếc lồng nhốt mày bằng nan mục nát. Hãy phá cho tan rồi bay ra, bay xa »
Hai tháng sau, Thức cứ ngỡ người ta đã quên mình thì chợt vào một buổi giữa trưa, một đội lính lưng cạp vải đen đến, trói gô chàng lại rồi bỏ lên một chiếc xe thồ, đánh xe chạy về phía cửa Thị Nại. Ðến bìa rừng Bồng, họ ngừng lại, xách Thức vào, lấy giây chão trói chàng vào một thân cây. Thức sởn tóc gáy. Vùng này nổi tiếng là lắm hổ. Nếu không bị hổ vồ, cũng chết vì đói khát. Thức không làm gì được, ngước mắt lên trời kêu một tiếng. Chàng lại nhớ đến tiếng kêu của giáo sĩ Sieyès phút cuối cùng « ... Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa lại bỏ tôi ? »
Bọn lính lẳng lặng bỏ về, không nói lấy một lời. Ðầu tháng tư, gió bắt đầu hầm hập nóng. Trên cành cây trước mắt, một lũ khỉ đến đánh đu, giương mắt nhe răng nhìn chàng, rồi chí chóe với nhau. Chàng gọi « Băng Vân, Băng Vân ơi » nhưng biết là vô ích vì nàng chưa thể ra được ánh sáng mặt trời. Thức nhìn lên. Ít nhất là phải đến đầu giờ tuất thì Băng Vân mới hiện được. Vậy là còn ba giờ nữa. Chỉ cầu là hổ báo đừng đánh hơi tìm đến. Mấy chú khỉ mon men đến gần, lấy chân khều khều Thức. Bỗng chúng kêu eng éc, rồi nhốn nháo leo lên cây, chạy nhảy toán loạn. Thức thót dạ, hổ hay báo ? Hay trăn, hay rắn ?
Không, không có hổ báo. Một toán người vạch lá tiến đến, dẫn đầu là Chúa Úùt. Nàng reo lên « Ðây rồi » và rút dao quắn ra cắt dây chão trói Thức. Ðúng lúc đó, có tiếng sột soạt trong đám lá cây trước mặt và tiếng khịt của một con thú lớn. Chúa Úùt cười, bảo đồng bọn :
- Chỗ này lắm hổ đói, cẩn thận nhé. Quay sang Thức, nàng tiếp - Ông còn may lắm đấy ! Hôm nọ, ông nhớ không, Hoàng đế bảo đâu có bắt ông chết, tha cho sống mà ! Nàng khúc khích - Tôi đến thả ông là làm đúng lời truyền; vả lại thế là tránh được lôi thôi với anh ba tôi ... Không thì lục đục với nhau chẳng biết thế nào mà tránh được.
Nàng nghiêm mặt, giọng trở nên đứng đắn :
- Tôi chỉ xin với ông là khi gặp anh ba tôi, tức là Long Nhượng tướng quân, đừng nói lại việc bị trói trong rừng. Xuống bờ biển, tôi đã sắp sẵn thuyền rồi, ông cứ theo gió, theo dòng là xuôi vào Nam. Trên thuyền, sẵn lương khô và bản đồ. Trần Danh Kỷ theo anh ba tôi, chắc cả hai vẫn chờ ông trong Gia Ðịnh.
Chúa Úùt chắp tay chào và về. Ðám tùy tùng nàng hộ tống Thức đến cửa Thị Nại. Thức lên thuyền, chống cho ra xa bờ, tay sờ lên ngực nắm lấy phiến đá. Mặt trời lặn trên cửa biển. Trên cao tít, trời chi chít sao. Thức lại vừa chết đi sống lại. Chàng nhìn lên tìm vì sao bản mệnh mình đang lấp lánh đâu đó, mong nó đừng lìa vũ trụ này một cách vô lý như những ngày tù ngục vừa qua.
*
Hai ngày liền, Thức ghìm tay lái cho thuyền chạy dọc ven bờ, mắt lấy những hàng dừa xanh làm chuẩn, giữ hướng nam thuận giòng trôi đi. Mây trên trời xanh lơ lửng trôi theo gió cao lồng lộng, bồng bềnh như bông hiền hòa trong những bức tranh vân cẩn. Thức ngả lưng vào mạn thuyền, mơ mơ màng màng nghĩ đến những ngày vừa qua, lắm khi tưởng như là không có thật. Ðêm đến, Băng Vân lại hiện ra. Ấp tay lên ngực nàng vẫn còn lạnh, Thức nhắc chuyện Chúa út có nét giống Băng Vân, đã cứu mạng chàng, và thắc mắc không hiểu sao vua Tây Sơn lại định tâm bắt chàng tội chết. Hỏi, Băng Vân chỉ đáp :
- Nó chính là em của thiếp, đẻ ở Ðàng Trong nên thiếp cũng chưa biết mặt. Mỉm cười, Băng Vân vui miệng- Thế ra là hai chị em nhìn giống nhau thật hả ?
Thức khêu cho Băng Vân nói thêm, nhưng nàng chỉ nép vào lòng, bảo :
- Trên đường vào Ðàng Trong, em trượt chân ngã xuống suối ở chân núi Bạch Tượng, bị giam hãm trong phiến đá này. Lúc ấy, em có ba đứa em trai, chưa có đứa em gái nào. Chàng có hỏi thêm, em cũng không thưa được. Chỉ xin chàng tin là em hoàn dương là để nâng khăn sửa túi cho chàng, như em đã nói ... Cái duyên đẩy cho chàng gặp em, cả nghìn năm mới có một lần ở cõi nửa tiên nửa trần, vậy chớ có lỡ lầm ...
Ôm Vân vào lòng, Thức trầm ngâm tưởng lại những ngày qua. Hạnh phúc của sự sống, cạnh một Băng Vân dẫu chỉ sắp thành người, thực sự là có với Thức ở chân núi Bạch Tượng, nơi có tiếng suối reo cho những đêm mặn nồng chăn gối. Ra khỏi cái cõi riêng tư tuyệt vời đó để vào cõi người ta, Thức sa ngay chốn tù ngục mà chẳng rõ lý do, chứng kiến ngay chuyện binh đao chém giết mà động cơ vẫn cứ rặt là quyền lực và lòng tham mù quáng. Chàng nhìn vào cặp mắt ướt át của người yêu, dịu dàng:
- Hay là ta về, bỏ quách cái cõi đời cho người đời. Có ta, đời chẳng hơn gì. Không ta, biết đâu đời lại không bớt đi vài niềm đau khổ ? Em nghĩ thế nào ?
Ngạc nhiên, lần đầu Thức nghe Băng Vân rít lớn : « Không, không ! ». Nghiến răng lại, rồi quay nhìn về phía Qui Nhơn, Băng Vân tiếp, mắt rừng rực lửa :
-... để ngày nào em thành người là ta sẽ lại về Qui Nhơn hầu giải cho sạch cái nghiệp cũ. Khi ấy, em sẽ cùng chàng tìm núi cao rừng sâu vui vầy, chẳng còn gì để dính dáng vào cuộc thế này nữa.
Thức gặng : « cái nghiệp nào ? » nhưng Vân mím miệng lắc đầu không nói. Nàng kêu lạnh, run lên bần bật, rồi lại biến vào phiến đá.
Lênh đênh hai ngày đêm, bỗng một hôm trời hầm hập, gió ở đâu rít lên phần phật, ngày càng mạnh. Sóng biển mỗi lúc một cao, tiếng nước sôi lên ào ào kêu quanh đe dọa. Thức buộc mình vào tay lái thuyền, giữ hướng trong cơn giông bắt đầu dậy lên từ cuối đất, thổi vào biển rộng những trận gió ào ạt. Lát sau, gió ngạo nghễ quay cuồng, xoáy vào nước điên dại. Những cột nước vọt lên cao đến hàng chục thước bỗng ở đâu hiện ra, rồi hụp xuống làm thành những vực sâu hun hút. Cắn răng chống trả cơn thịnh nộ của thiên nhiên, Thức mất hoàn toàn phương hướng. Kiệt sức, Thức buông thả tất cả cho định mệnh, để phó mặc thân mình vào lượng đất trời, nắm chặt lấy tay lái thuyền, chìm nổi trong dòng nước mặn chát vị muối.
Khi tỉnh lại, Thức thấy mình nằm trong khoang một chiếc tầu. Tai loáng thoáng nghe tiếng người qua một thứ ngôn ngữ lạ tai, Thức cố gắng mở mắt ra nhìn. Thủy thủ trên tầu đều là người phương Tây. Da họ đỏ rực, râu ria đen thui xồm xoàm. Hình như họ nói tiếng Bồ Ðào Nha. Thức đưa tay vẫy, khát đến cháy cổ. Một người thủy thủ đến vực đầu Thức lên, đổ nước vào miệng. Nước ngọn lịm, mát đến tận hồn, trôi qua cổ họng. Thức mơ mơ màng màng, nghe có người hỏi :
- Người đi với mày đâu rồi ?
Thức ngạc nhiên, lẩm bẩm: « Ai ? Ai đi với ta ? », rồi lại ngất đi. Khi tỉnh lại, Thức thấy chân tay đã bị trói gô lại. Một người đầu đã chớm bạc, cởi trần phô ra những bắp thịt như đồng mun, ghé vào mặt Thức nói chầm chậm :
- Mày đi thuyền của Tây Sơn là đi về đâu ? Con đàn bà cùng đi bây giờ nó ở chỗ nào ?
Thức chợt rùng mình. Có phải là bóng dáng Băng Vân chăng ? Giông bão kéo đến ba ngày nên chàng không thể trích máu nhỏ vào phiến đá. Vậy, trời đất ơi, Băng Vân sẽ ra sao ? Vì cớ gì mà bọn thủy thủ xôn xao hỏi đi hỏi lại về ¨ con đàn bà ¨ nào đó ? Thức lắc đầu, chỉ tay vào miệng, vào đầu, ý bảo mình không hiểu. Tên thủy thủ già lại bỏ đi.
Ðêm xuống dần. Sau cơn bão, trời quang tạnh hẳn. Gió biển lại ào ạt buốt giá. Sao trên trời giải khắp tầm mắt, từ bắc sang nam, từ đông sang tây, lấp lánh vô tình. Chợt có người khều tay Thức. A, Băng Vân, nàng ở đây ? Thức reo :
- Lạy Trời, Băng Vân còn ...
Băng Vân kêu lên, mặt trắng bệch, tay đã bắt đầu lạnh :
- Chàng, chàng ơi ... Thiếp yếu lắm rồi, đã năm ngày nay thiếp không có một chút dương khí ...
Ðúng lúc ấy, hai tên thủy thủ ở đâu áo ra nắm lấy nàng, gọi ầm lên :
- Ðây, bắt được con đàn bà rồi ! Anh em ơi ! Bắt được rồi !
Thức vùng lên, nhưng lại ngã sấp mặt xuống sàn tầu. Chàng co người ngồi lên thì bị một cái đạp vào gáy. Thức ngất đi, đầu lơ mơ, tai nghe văng vẳng xung quanh tiếng cười, tiếng hú. Tiếng rên rỉ. Tiếng chửi nhau, tranh giành cãi cọ. Bọn thủy thủ hết đứa này đến đứa khác vồ vào thân thể Băng Vân như những con thú đói đàn bà từ bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng. Chúng sắp thành hàng dài, có đứa mắt hau háu đợi phiên, mũi phập phồng, mồm há chảy ra rớt giãi, xô đẩy chen chúc nhau. Lại tiếng cười. Tiếng rên. Tiếng thở hổn hển. Còn Băng Vân, nàng nằm xoạc cẳng, mắt nhắm nghiền, miệng mím chặt. Cái nàng cần là dương khí. Nàng cắn răng chịu những cơn gió dập mưa sa cuồng bạo, nhưng người ấm dần lên. Ðột nhiên, nàng mở mắt ra cười khanh khách, cười điên dại, rồi gào lên lanh lảnh « ... bọn đàn ông khốn nạn, cứ đè lên đây, tao chấp hết ! ».
Thức ứa nước mắt. Cái giá phải trả để hoàn dương làm người là thế ư ? Khi Băng Vân một ngày nào không còn sợ ánh mặt trời, khi đài hoa trên phiến đá đủ hồng để giải thoát khỏi cõi tù ngục một linh hồn muốn quay lại nẻo dương gian, liệu trái tim nàng có thể nóng lên nhiệt độ bình thường ? Hay trái tim đó sẽ mãi mãi lạnh buốt với khối kỷ niệm đóng băng chung quanh xác ướp của bốn mươi tên thủy thủ đang điên cuồng trong cơn đòi hỏi của xác thịt ? Thức lắc đầu, nước mắt ở đâu ứa ra ướt đầm đìa, tai vẫn vang vang tiếng Băng Vân lanh lảnh kêu, lanh lảnh cười, bập bềnh theo con sóng ào ào nhịp vào mạn thuyền.
Trên nẻo dương gian khốn khổ này, trời sáng dần. Ráng hồng đang nhô lên từ phía đông. Biển trở lại hiền hòa sau một cơn làm mình làm mẩy, đón những cánh chim âu sà xuống lượn quanh tầu tìm mồi. Tiếng chim ríu rít sức sống, nhắc lại cho những kẻ chóng quên rằng luôn luôn còn hy vọng những niềm vui mai sau. Tầu dậïp dờ trôi đi như không phương hướng, muốn đến đâu thì đến.
Bỗng nhiên hàng trăm tiếng súng thần công cùng một lúc nổ lên, sau là tiếng reo hò nghe như ngay bên cạnh. Bọn thủy thủ Bồ Ðào Nha trên tầu nhốn nháo. Chúng quơ quần áo, chạy vội lên boong, hò hét hoảng loạn. Chung quanh chiếc tàu Bồ, sáu chiến thuyền Tây Sơn đã cặp lại, phun hỏa hổ, bắn súng và bắn tên lửa vào. Hỏa hổ đánh thủy rất lợi hại, gặp nước bắt cháy còn ghê gớm hơn trên bộ. Quân Tây Sơn hò reo hô xung phong. Trên tầu những hòm thuốc súng bắt lửa nổ tung lên. Ðầu chiếc tầu chúc xuống, nước cuồn cuộn ào vào, mạn tầu vỡ ra thành từng mảnh.
Cố sức ngọ nguậy, nhưng bị bọn thủy thủ Bồ trói chặt vào thành tầu, Thức không làm sao nhúc nhích được. Những hòm thuốc súng tiếp tục nổ thành loạt, lửa bốc lên như dướn mình với vào vòm trời xanh. Thức có cảm tưởng bay bổng lên không trung như là chim, rồi rơi xuống, phiêu du trong một thứ dung dịch mặn chát nước biển động. Lần cuối, Thức chỉ còn giữ lại được là hình ảnh cái eo biển uốn éo lượn theo viền trí nhớ một tấm bản đồ ướt sũng đang rã ra trong những con sóng nhấp nhô từ muôn đời muôn kiếp.