Vết Bước
Nam Dao
Ngần ngừ xoay trong tay chiếc chìa khóa phòng 216, tôi theo người bồi phòng lên cầu thang. Lách qua hành lang mé phải, tôi nhìn số phòng, trong lòng lênh đênh bất ổn. Như khi sắp sửa gặp lại một người bạn cũ sau nhiều năm xa vắng. Liệu nhận ra được nhau chăng ? Câu đầu, nói gì ? Một khoảng trống ồ đến doạ nạt dự cảm, tựa đám mây đang lừng lững ùa về trong một bầu trời ẩm ngột. Bồi phòng bỏ hành lý xuống, chìa tay lấy khóa rồi mở cửa. Anh ta bật đèn, đi thẳng về phía cửa sổ, kéo ra, mở toang mành cửa làm bằng vải thô mầu trắng có thêu hình dăm con chim mỏ dài màu vàng sẫm. Ánh nắng tràn vào. Dưới kia, thành phố trắng trải ra như sữa dưới mặt trời chói chang. Tôi nhét vào tay người bồi phòng vài pesos. Anh ta vui vẻ đi ra, miệng nói adios, tay đóng cửa phòng lại. Tôi lặng lẽ ngồi xuống.
– Này Ernest, chắc anh cũng thấy vậy, những năm về trước, ở trong căn phòng này, qua lớp kính của cũng cái cửa sổ này. Chắc anh cũng nghe thấy tiếng trống đập bập bùng, tiếng ghi ta đệm điệu hát Tây ban Nha, âm thanh cuộn vào nhau reo cười.Tôi lên tiếng : Chào anh, có nhận ra nhau chăng ?
Khi anh ngửng lên, lắ–c đầu, tôi đã định bỏ đi. Như thế, anh sẽ không nhớ lại gì nữa, và chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể gặp nhau.
Bước đếùn ngưỡng cửa, tôi nói với vào :
– ... Này, cứ xoay trái xoay phải, lật sấp lật ngửa mãi mà hình như chẳng còn ai có lý lẽ gì nữa trong cái thế giới này.
Anh đứng bật dậy, tay nâng ly rhum, kêu :
– Ê, đến thì vào chứ ! Ai sống mà chẳng lại không trang bị lấy một câu chào.
Tôi đi lại nhìn chồng bản thảo bừa bộn trên mặt bàn viết. Qua ánh nắng, những sợi râu lởm chởm đầy mặt anh óng ánh bạch kim. Bỏ điếu xì gà ra, anh phà khói, trầm ngâm :
– Liệu nó thật chỉ có nghĩa chăng khita phải vật lộn để có nó ? Như thế lý lẽ sẽ chỉ ở trong sự vật lộn.
Sao lại cần tìm ra lý lẽ ? .
Anh ngửa cổ uốùng một hơi cạn ly rhum :
– Khi anh đứng trên đỉnh cao, tất ở ngay cạnh là một vực thẳm. Lúc ấy, anh sẽ hiểu lý lẽ là chỗ dựa chân. Ngoài nó, là sự hụt hẫng chóng mặt.
Nói xong, anh cười cái cười thật buồn, rồi ngủ thiếp đi.
Tôi vơ vẩn nhìn bàn viết và đống bản thảo. Ơ kìa, hình như anh ta đang sửa lại đoạn kết của Ông già và biển cả. Anh gạch nát một đoạn, nét bút như kiếm vạch. Tôi đứng lên, đến bên tủ kính, nhìn những khẩu súng đủ kiểu trong bộ sưu tập. Có một khẩu từ thời Nã phá Luân, báng bóng nhẫy.
Vẫn có tiếng trống bập bùng. Tiếng đàn ghi ta.
Còn tiếng hát. Người ta hát :
Aqui se queda la clara ( Ðâu đây vẫn còn chút ánh sáng )
la entranable transparencia ( từ tiếc nhớ cái trong suốt )
de tu querida presencia (qua sự có mặt đầy yêu thương của anh
Comandante (Hỡi, kẻ chỉ huy) Che Guevara
Những người Cuba hát Che Guevara bằng tâm hồn con trẻ. Họ nghèo. Ðúng ra, họ nghèo hơn từ ngày khối xã hội chủ nghĩa chúi vào nhau sụp xuống như những con cờ domino ngã đổ. Ðám Cubano-tự do được mafia ở Miami tài trợ dọa bom vào khách du lịch, nguồn ngoại tệ chính. Chính quyền Clinton tiếp tục cấm vận. Ðường mất giá trên thị trường thế giới. Còn xì gà ư, ép cho giá tuột xuống.
Tôi nghe hát, hồi tưởng lại ba mươi năm trước, thủa dán Poster hình Che trên tường và mơ mộng. Hình như tôi nghẹn ngào nhưng không khóc được.
*
Kéo tôi về phía ba rượu El Florida, Ernest trỏ tay :
– Vào đây đã ! Góc bên kia là Hotel Ingleterra. Bên này, chúng tôi ngồi nhìn ra đường.
Từ chiếc ghế phía bên phải quầy rượu, Gregio đứng dậy, miệng móm mém, tóc bạc xòa xuống đến vai, mắt hấp hiếng.
– Holà, này Papa, có lẽ đến gần bốn mươi năm rồi bạn biệt tăm hơi .
Ernest cười bí mật :
–... ờ, một sự vắng mặt tạm bợ chứ không phải là mất mát vĩnh viễn.
Choàng chiếc áo vét lên vai, Ernest thờ ơ :
– Tôi đi luẩn quẩn quanh đây, vớ được thằng bé này. Nó làm như nó có nhiều câu hỏi lắm, ông bạn mách bảo cho nó.
Ngón trỏ chỉ vào bàn tay xòe ra đầy vết vàng sỉn khói thuốc, Gregio mau mắn :
– Habana nay là ở trong này .
Gregio đung đưa đôi chân khẳng khiu, xoay vòng quanh tôi, rồi nhấp nháy mắt, đợi một câu hỏi. Ernest uống một hơi ly rhum, đứng dậy rồi ngoái lại :
Cứ ở đây, đợi một lát nhé.
Gregio nhướng cặp mắt nhìn. Tôi nói bằng chút tiếng Tây ban Nha mới học, thật khô, thật sượng :
– Trước, sau, trên, dưới... hình như không ai còn có lý lẽ gì nữa sao ?
Gregio dơ hai tay lên trời, thở phào :
Bé con, tao chịu. Nhưng ra đây .
Tay kéo tôi lên rồi đẩy về phía cửa vườn nằm cạnh quầy rượu, Gregio lầu bầu :
– ... tưởng hỏi gì .
Trong góc vườn , cạnh cây chuối, một người đang hí hoáy viết.
– Này, Louis, anh bạn trẻ này muốn hỏi một câu. Nó lại không nói được tiếng Tây ban Nha. Ông tiếp nó hộ, tôi mệt rồi, năm nay tuổi đã quá trăm chứ ít gì. Tôi phải theo Ernest, hắn vừa lại vội vàng đi, quên cái mũ cát quét …
Louis đứng lên lịch thiệp bắt tay tôi. Ðó là một người gầy gò, mắt đeo kính cận, ước chừng trên dưới sáu mươi tuổi. Ông tự giới thiệu : Louis Louverture ! . Ông cố Louverture sáu đời trước lưu lạc sang Saint Domingue rồi sau đến ở Haiti, cách Cuba khoảng hơn trăm cây số đường biển. Ông là người Pháp, bạn thân của Saint-Just, phải bỏ trốn Paris vì hoạt động cách mạng chống nền Quân chủ thời Louis XVI. Ở Haiti, ông đòi bình quyền cho những người da màu. Tiếp tục bị truy nã, ông lại vượt biển đến Santiago ở phía đông Cuba. Sau khi Cách mạng Pháp thành công, ông hô hào một nước cộng hòa Cuba độc lập. Ông cùng một số người bản xứ cùng nhau triển khai hiến pháp thứ nhất của nền cộng hòa đầu tiên trên châu Mỹ La Tinh, xóa bỏ chế độ nô lệ, tinh thần dựa trên bản tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân năm 1789 của Cách mạng Pháp. Dĩ nhiên, lịch sử thường chậm chân hơn một số người. Ông bị tử hình năm 1794. Con cái ông lại chạy ngược về Haiti.
Louis chép miệng :
– Tôi là giáo sĩ, hợp tác với Aristide. Chúng tôi chạy qua Mỹ sau khi bị bọn quân phiệt lật. Từ một con chiên của Chúa, yêu công bình và chiến đấu chống bọn phát xít cực hữu, tôi đã bắt buộc phải đi học sự khôn ngoan của các chính trị gia ở Washington, phương pháp lèn lỏi giữa các thế lực, cách nói dối và thủ đoạn lừa lọc, để cuối cùng đưa Aristide về Port-au-Prince. Nhưng rồi anh ạ, Aristide cũng biến thành một chính trị gia với những tham vọng chính trị, hệt như những nhà chính trị khác. Ðám tonton-macoute, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của phe cực hữu ở Washington, vẫn là một lực lượng vũ trang và chỉ đợi thời cơ chính trị thuận lợi - chẳng hạn như khi đảng Cộng Hòa đắc cử - là lại quay về thao túng. Chúng kết án tử hình một người như tôi, bắn tôi tất cả là 6 lần, trong nhà, ngoài đường, ở văn phòng thủ tướng, trong nghị viện.
Ngừng nói, Louis gãi đầu, kéo tay áo cho xem một vết sẹo dài hai tấc trên bả vai trái, tiếp :
– ... Tóm lại, chúng bắn tôi mọi nơi. Aristide im lặng, ngơ đi. Ngơ đi như ngơ những việc trái tai gai mắt ai cũng thấy tận mắt. Dân Haiti nghèo, càng nghèo hơn, hàng ngày miếng ăn không có. Những đứa bé chưa đến mười ba, mười bốn, bán mình đổi lấy nửa miếng bánh mì, cả trai lẫn gái. Nghèo hơn so với thời Papa-Doc và thời Bébé -Duvalier...
Louis nhắm mắt lại, miệng cười nhạt :
– Lời Chúa bây giờ đâu nặng cân bằng một câu bình phẩm của giám đốc CIA ! Vì thế, tôi phải xin tỵ nạn chính trị ở đây ! Thế thì còn ai có lý lẽ gì không là câu tôi không biết trả lời thế nào ? Một nước Haiti dân chủ có pháp chế bảo vệ quyền công dân cho mọi người Haiti ? Nó chỉ có được trên văn bản mà thôi ! Thực tế sẽ không như vậy. Thực tế Haiti được định đoạt ở Washington chứ không phải ở Port-au-Prince. Thực tế đó là thực tế của một nước nghèo lạc hậu. Nó muốn ra sao thì ra, với điều kiện không đi ngược lại quyền lợi của các công ty Siêu Quốc gia, quyền lợi của những kẻ có tiền muốn đi du lịch để mua rẻ tất cả, kể cả thể xác những đứa bé cần sống, và nhất là giữ được một sự ổn định cho cái trật tự toàn cầu mới mẻ này. Thời đại này, trong cái trật tự mới này, không ai cần lý lẽ gì nữa. Ngoài cái mãnh lực của đồng tiền, sự thăng bằng của thị trường bất động sản, và nhất là định tiêu tài chính của các quốc gia trong cách tính toán của những nhà kinh tài ở Wall Street, lý lẽ nữa để làm gì ? ¨.
Làm dấu thánh giá, Louis cúi mặt xuống, mồm lẩm nhẩm cầu nguyện. Lời cầu bay không xa, vướng vào cành me ngay trên đầu, đong đưa dưới ánh nắng chói chan. Rồi rơi xuống mạêt đất, nhẹ đến đỗi không đánh thức nổi một con kiến đang ngủ trưa.
*
Ðến chập tối, Ernest mới về. Chúng tôi rủ nhau xuống đường. Calle del Osbispo đầy ắp người. Ðến công viên trước mặt Thánh Ðường, một cô bé con chặn chúng tôi lại, mông đít vênh lên, ưỡn ẹo. Anh ta khoác tay. Chúng tôi vẫy taxi, đi thẳng đến bãi biển Santa Maria del Mar. Gió ù ù. Sóng biển rì rào. Ðêm tối thui. Anh lấy cái mũ cát quét thuyền trưởng đội lên đầu, miệng vẫn ngậm xì gà, thỉnh thoảng đầu thuốc lại cháy đỏ lóe. Vẫn chỉ tiếng gió và tiếng sóng. Bãi rộng vắng mênh mang. Về đêm có lẽ chỉ còn đám lính bảo vệ đi lại như rình mò săn một loại thú có thật. Anh bật cười :
– Họ đi săn những linh hồn đi hoang.
Anh lại im lặng một lúc rồi tiếp :
– ... và khi bắt được thế nào họ cũng đòi chia phần ăn từ thể xác.
Tôi chưa hiểu. Tay chỉ vào khoảng xa thẳm , óng ánh những vì sao, tôi lửng lơ :
Kia kìa, linh hồn đấy .
Anh cắt ngang :
– Không thơ thế đâu. Ðó là những vì sao. Ðợi đi, một lúc sẽ gặp dăm ba linh hồn.
Anh đứng dậy. Tôi bước theo về phía tiếng trống bập bùng. Có ánh lửa. Dần dần, nghe đầu gió tiếng ghita. Và tiếng hát Che Guevara.
Không hiểu anh biến đâu vào trong lũ người nhộn nhịp vui vẻ hát hò. Tôi ngồi yên. Mùi biển tanh tanh xông vào mũi. Tôi thọc tay vào cát, lặng lẽ tìm hơi ấm.
Holà !
Ðứa con gái trạc mười lăm gọi mời. Răng nó ánh lên mầu trắng nhởn. Mùi hăng hắc đàn bà về đêm. Nó ngồi xuống, thản nhiên, miệng nói một tràng dài. Tay nó bỏ lên đùi tôi, vẫn thản nhiên :
Hacer el amor ... amor ... chỉ cần mười đô la .
Tôi bảo sao nhiều thế. Nó bảo đánh thuế 50% để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tôi bảo cần không ? Nó bảo :
– Chủ nghĩa xã hội hay là chết.
Socialismo ou muerte được viết bằng chữ lớn chăng trên những bảng gỗ dọc đường xa lộ ra biển. Tôi cười :
– Mày đọc khẩu hiệu.
Nó hồn nhiên :
Tao không biết đọc, chỉ nghe radio.
Tôi bảo tôi không xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ trả năm đô la thôi. Nó bảo, thế thì chẳng ai tin. Giá là giá. Ðó là sự thực của thị trường, người ta ai cũng phải tin. Mà giá là mười đô la, mày đưa năm thì hóa ra là tao cho không thể xác tao . Rồi nó cười, chẳng có gì miễn phí cả, và tiếp :
– ... kể cả amor .
Tôi đưa cho nó phần xây dựng xã hội chủ nghĩa năm đô la , nhẹ đẩy tay nó ra, ngả người nằm xuống, lại nhìn những vì sao xa thẳm óng ánh, đầu trống rỗng. Nó ngạc nhiên:
Không thích tao à ?
Tôi nhắm mắt, tránh trả lời, mồm lẩm nhẩm một mình, mày đẹp lắm chứ. Nó bỏ đi. Tôi ngồi dậy, lòng tự nhiên vấn vương, bật miệng hỏi Mày tên gì ? .
Nó quát :
– No name, fuck you ...
Tôi lại nằm xuống, thất vọng. Chỉ khi chân anh đá vào tôi, tôi mới ngồi dậy. Anh hỏi :
– ... Mày đã gặp linh hồn chưa ?
Tôi bảo, chưa . Anh quắc mắt :
– Ranh con, đồ xạo !
*
Chúng tôi nằm dài trên bãi biển cho đến bình minh. Tia nắng đầu vừa le lói, tôi mở mắt, nói :
– Ernest này ! Lên đến đỉnh cao, chẳng phải chỉ có một mà ít ra là hai vực thẳm đấy .
Anh ta bật cười, lại châm xì gà, bảo :
– Ranh con ! cả đêm nghĩ mà chỉ được đến thế thôi sao !
Ngồi dậy, xốc lại chiếc áo vét lên vai, anh chậm rãi :
– Chẳng chỉ hai đâu, nếu là đỉnh cao nhất thì tứ bề là vực thẳm !
Anh ở đâu ? tôi gặng hỏi.
– Ở nơi người khác gọi là đỉnh ! Chóng mặt vô cùng. Mà lại nhàm chán nữa.
Nói xong, anh lẳng lặng bỏ đi trước. Tôi theo. Cứ thế, chúng tôi bước. Liền một mạch mười lăm cây số dưới ánh năng lúc càng gay gắt.
Chúng tôi về đến Hotel lúc gần trưa. Mặt Ernest nhễ nhại mồ hôi, râu mép lấm chấm nước. Anh cười rất tươi :
Ði bộ thế cho khỏe .
Anh thân mật quàng vai tôi, tay chỉ vào bụng :
– ... đi cho nó đỡ phồng lên, coi chướng lắm. Trong cơ thể, chỗ này là chỗ bẩn nhất, và khốn khổ thay, nó cũng lại là chỗ khó trị nhất .
Mở cửa phòng, anh chìa tay cho tôi bắt, nhếch miệng vừa cười vừa nói :
– Chia tay nhé, đã đến lúc ta phải nghỉ ngơi rồi, ranh con ạ !
Tiếng cửa đóng sập lại. Tiếng kéo ghế lết trên sàn đá hoa kèn kẹt. Lúc sau, tiếng giấy sột soạt. Tôi ngồi ở góc cầu thang, ngả người dựa lưng vào tường. Người bồi phòng đi lên, nhìn tôi dọ hỏi. Anh ta nói một tràng, thanh âm lạ hoắc, đoán nghe như mời mọc. Tôi đứng dậy, xuống thang. Ngồi khuất vào một góc, tôi kêu một ly trà nóng. Mắt nhắm lại, tôi nhìn thấy tôi. Thấy Ernest. Thấy Che. Thấy cả cái linh hồn răng trắng nhởn đang nói về giá thị trường và sự thực. Một sự thực độc nhất có tính khách quan. Một sự thực toàn cầu. Và nó đang thành cái sự thực toàn năng. Sự thực do Thượng Ðế nặn ra hệt như khi Ngài nặn ra trái đất, sinh cây sinh cỏ, nặn ra đàn ông rồi móc xương sườn nhào nó thành đàn bà.
Ðịnh lên đường vô định ngay lúc ấy, tôi chợt nhớ câu chuyện tháng trước trên xe điện cao tốc RER đưa tôi và một người bạn từ Paris ra ngoại ô Palaiseau. Số người đi xin ăn nay một nhiều, thường cứ hát hỏng rồi sau đó chìa mũ ra. Chúng tôi nghe cũng tiếng trống bập bùng, cũng tiếng đàn ghi ta. Và thật ngỡ ngàng, tiếng hát Che Guevara. Hai thanh niên Chi Lê hát rong nhận ra tôi, kẻ đã dậy họ tiếng Pháp khi họ tị nạn độc tài Pinochet chân ướt chân ráo lưu vong đến Paris cách đây 20 năm. Họ nháy mắt cười, tiếp tục hát. Che Guevara.
Viene quemando la brisa ( Cơn gió hiu hiu thổi lửa )
con soles de primavera ( từ mặt trời của mùa xuân )
para plantar la bandera ( để phất cao ngọn cờ )
con la luz de tu sourisa ( với nụ cười anh rạng rỡ )
Mấy ai thuộc bài hát về Che ở Việt Nam ? Anh này thuộc diện cách mạng lãng mạn. Thế có nghĩa là anh may lắm mới chỉ được một nửa. Cái nửa kia, phần lãng mạn, nhất quyết là không. Vì sao ? Vì thành công, rồi lên đến đỉnh cao, mà lại lãng mạn thì trăm phần không tồn tại được một. Tồn tại rồi, lại phải tiếp tục bám vào đỉnh cao, kế hoạch hai mươi năm là đâm rễ cái rễ con bằng đám con đám cháu. Như thế, lấy đâu đào ra lãng mạn. Ngược lại, phải thực dụng và phất cờ đúng lúc. Và để giữ thăng bằng trên bất cứ đỉnh cao nào, phát triển cái bụng nhằm kéo trọng tâm con người mình xà xuống đâtù là thượng sách. Mặc dầu chỗ đó là chỗ bẩn nhất.
Một tiếng nổ chát chúa từ tầng hai khách sạn. Người ta kêu. Người ta chạy. Tiếng chân rầm rập. Có lẽ là tiếng một phát súng. Phát súng đó vẳng lại từ một đỉnh cao, ngã xuống vực như không còn chọn lựa nào khác hơn. Xoay bên phải, lật bên trái, chẳng một ai còn có cái lý lẽ gì nữa. Cái thế giới này đáng nản thật ! Phải chăng Ernest đã lập lại như vậy. Rất giản dị. Như khi anh bấm cò súng. Bấm cò trong cái thế giới quả thật quá nhàm chán này.
*
Những người lãnh đạo Cuba vừa đưa hài cốt của Ernesto Che Guevara từ Bolivia về đây làm lễ quốc táng. Họ vẫn phải chống cấm vận dằng dai. Họ vẫn lo đối phó với đám Cubano-tự do hầm hè đe vượt eo biển từ Miami trở về. Họ sợ nhất là mười một triệu cái bụng của mười một triệu sinh linh trên mảnh đảo này lên cơn sôi bụng. Ðám sinh linh tiếp tục hát ...Cuando el sol de tu bravura le puso cerco la muerte (...khi mặt trời của sự quả cảm nơi anh đã vạch ra vòng tròn thần chết ). Thần Chết lúc nào cũng hiện diện. Nhưng còn Thượng Ðế ?
Thượng Ðế bây giờ nào ở đâu xa. Ngài đang ở ngay trên trái đất vinh hiển này, lúc thì họp với cơ quan chỉ đạo của Quĩ Tiền Tệ và Ngân Hàng Thế Giới, khi lại phải tàng thân đếùn Wall Street xét lại mức chỉ giá bất động sản của thị trường chứng khoán Nữu Ước. Bộ xậu tính toán và điều khiển dạo này khá rộn. Vừa rồi, chứng khoán ở châu Á mới đâu tụt xuống đến 40%, làm lũ Rồng lũ Hổ cứ như thành ra giấy cả. Ngài cau mày, ra lệnh mang 100 tỉ đô la đến cứu, chặn ngang cái cầu tuột, thổi phồng lại cái speculative bulk, quả bong bóng đầu cơ, thỉnh thoảng cứ tuột ra khỏi tay của những đứa con tham lam. Ngài nhăn mặt : Ta truyền cho mọi chúng sinh trên toàn cõi này là lập tức phải thực thi qui định luật rừng, tránh can thiệp vào kinh tế thị trường, xóa bỏ cái bay gọi là an sinh xã hội, tất cả nhằm mục đích tẩy sạch mọi ranh giới thương mại giữa các quốc gia để tiến đến thể hiện thế giới đại đồng. Ngài điều tiết tất cả bằng cơ chế kinh tế tinh vi, tạo ra những cơn hồng thủy nước mắt và những hạnh phúc tối thượng làm bằêng nhựa plát tích có thể bẻ cong theo chiều thô của mọi bản năng. Của cái bụng, nơi khó trị nhất. Giấc mơ cứ thế trôi dần xuống dạ dầy. Chỗ đó khá ô nhiễm. Nhưng ô nhiễm không chết ngay. Xã Hội Chủ Nghĩa hay là Chết. Dĩ nhiên chưa đứa nào biết thế nào là Xã Hội Chủ Nghĩa. Còn Chết ư, ai lại dại thế ! Vậy thì chỉ còn một chọn lựa. Ô nhiễm và bắt đầu từ cái bụng. Oái ăm thay, khi còn những đe dọa trong một thế giới phân thành hai cực, những người sống trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ngột ngạt, song những người sống trong chế độ Tư Bản lại dễ thở hơn với những chương trình an sinh xã hội. Nay Tư Bản không còn đối thủ và chẳng cần tranh thủ bất cứ đối tượng nào. Nó hiện lại nguyên hình, quốc tế hóa, tập trung quyền lực, và phân bố cả máu lẫn nước mắt theo cách nó định danh là qui luật thị trường, thứ mặt nạ tân trang của chủ nghĩa đế quốc toàn cầu ở cuối kỷ.
Tôi lảm nhảm, nói như nổi khùng. Ernesto im lặng nghe. Anh gỡ chiếc mũ nồi có gắn sao đỏ xuống, cười rất buồn. Ernest im lặng nghe. Anh ngồi trong bóng tối sâu thẳm, lưng quay lại, vai gù xuống, mái tóc bạch kim lởm chởm sáng lên một góc phòng. Cả hai im lặng. Chỉ còn im lặng.
Tôi biết các anh không định nói gì nữa. Trên những đỉnh cao kia, dù rằng bề mặt trông ra như đối trọi, các anh nay rủ nhau cùng im lặng. Nhưng thế cũng là một cách nói. Bỗng lại có tiếng súng. Vâng, đúng một tiếng cho Ernest. Sau đó, lẻ tẻ tiếng AK47, tiếng M 16 vọng lại từ miền núi hiu hắt ở Bolivia cho Ernesto. Rất giản dị. Và bình thản. Khác thế ao được khi thế giới này chẳng còn ai có lý lẽ gì ! Cả hai cùng sẵng giọng :
– Thôi, đủ rồi, đi đi, ranh con...
*
Trả chìa khóa phòng 216, tôi rời Hotel Plaza, tạt qua Caseo del Prado. Ngay cạnh Hotel là những dẫy hàng quán dành cho khách du lịch đến từ thập phương. Ðời sống ở Cuba còn rẻ lắm so với Ðức, Pháp, ý, Tây ban Nha... Những linh hồn phất phơ trên vỉa hè hoặc lang thang trên bãi biển cũng vậy, rất rẻ, chỉ có mười đô la, trong đó một nửa dùng để chữa cơn sôi bụng nhằm cứu xã Hội Chủ Nghĩa. Cứu xong, thật là dễ chịu. Kẻ đi cứu về kể cho bạn nghe câu chuyện mua xác thịt có lời. Người được cứu bắt đầu ước mơ xã hội Tư Bản. Ðó phải chăng là câu trả lời cho câu hỏi ai thắng ai ?
Xin cứ yên tâm. Một triết gia người Mỹ gốc Nhật, Francis Fukuyama, đã đề tên quyển sách của mình là Sự Kết Thúc của Lịch Sử và Con Người Cuối Cùng. Nghèo ư ? Rồi sẽ giầu. Bây giờ đói, mai no. Chẳng có gì là phải, là trái. Không còn phe Tả phe Hữu. Nhân loại đang trên đường lên Thiên Ðường. Ô, nhưng sao những kẻ tay trắng vẫn đi ăn mày công lý và tiếp tục hát
Aqui se queda la clara
la entranable transparencia
de tu querida presencia .......
Comandante Che Guevara
Ðếm ra, họ đâu khoảng xấp xỉ gần sáu tỉ, trên 90% của đám người trên mặt đất. Họ hát trong toa xe điện đi từ Denfert Rocheraux đến vùng Palaiseau ngoại ô Paris. Họ hát trên bãi biển Santa Maria del Mar cách Habana 15 cây số. Và họ còn hát ở nhiều nơi khác, ở Rangoon, Sài Gòn, Lima, Hà Nội, ở Alger, Rabat, Kinshasa... Thậm chí, họ hát ở Prague, London và, một ngày nào đó, ngay ở Washington DC. Họ hát Che Guevara. Hoặc những điệp khúc tương tự.
Sắp hết một thiên niên kỷ.
Sau ngưỡng cửa năm 2000, những kẻ tay trắng đi ăn mày công lý có thể sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là vứt bỏ bị gậy và bước theo những vết bước có những tiếng súng. Một tiếng súng nòng 22 như khi Ernest tự xử lúc một thân một mình leo đến cái đỉnh cao cô đơn, ngắm tứ bề vực thẳm, biết là không còn lý lẽ gì nữa. Dăm tiếng AK và M16 như khi quyền lực của đám thần linh mù đem xử Ernesto, kẻ đầu đội mũ có gắn một vì sao, bỏ vinh quang cho bản thân mình đi thể hiện giấc mơ giải phóng. Hoặc có thể là những tiếng súng khác thế, vì lịch sử không cứ là những sự kiện bắt buộc phải lập lại. Nhưng tiếng súng nào cũng đáng tiếc. Nó nổ lên thường chỉ vì tuyệt vọng.
Habana 17-12-97 , Quebec 1-1-98.
Chú thích: Ernest Hemingway, nhà văn người Mỹ, sống 20 năm ở Habana (Cuba), nơi ông viết Ông già và biển cả. Ðược giải Nobel năm 1954, ông bắn vào đầu tự tử 7 năm sau, không để lại lý do. Gregio có thật, vừa mới mất khi tuổi quá trăm, là người gần gũi Hemingway khi ông sống ở Habana.Vào thập niên 60, trên toàn thế giới Ernesto Che Guevara là một thần tượng lãng mạn của cách mạng Cuba. Cùng Castro, ông lật đổ chính quyền độc tài Batista, trở thành Bộ Trưởng Kế Hoạch Kinh Tế (1961-65), rồi đột ngột rời bỏ quyền chức, tiếp tục đi làm cách mạng và cuối cùng bị bắn chết ở Bolivia 2 năm sau. Năm 1997, chính quyền Cuba mang hài cốt ông về Habana làm lễ quốc táng.