Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Gió Lửa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14469 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Gió Lửa
Nam Dao

Vài nét chính sử

Lửa Ðàng Ngoài
Năm Quí Sửu (1673), Trịnh-Nguyễn chấm dứt chiến tranh, lấy sông Gianh làm giới hạn chia cắt đất nước. Từ sông Gianh ra Bắc, gọi là Ðàng Ngoài, do vua Lê chúa Trịnh nắm quyền. Từ sông Gianh vào Nam, gọi là Ðàng Trong, do chúa Nguyễn cai quản.
Năm Canh Thân (1740), Trịnh Doanh lên ngôi chúa thay Trịnh Giang. Loạn lạc khắp nơi : Lê Duy Mật lấy nghĩa phù Lê, thất bại, chạy về Thanh Hóa (1738). Năm Nhâm Tuất (1742), Nguyễn Hữu Cầu khởi binh đóng Ðồ Sơn, chiếm Kinh Bắc. Năm 1747, Cầu đánh Sơn Nam, bất ngờ tập kích Thăng Long, rồi rút về Sơn Nam, phối hợp với Hoàng Công Chất ở Thái Bình. Nguyễn Hữu Cầu bị bắt (1751) và bị chém sau mười năm khởi nghĩa, lôi kéo được hàng vạn dân nghèo.
Năm 1767, Doanh mất, con là Trịnh Sâm lên thay, dân Kinh Bắc nổi dậy. Lê Duy Mật đánh bại tướng Trịnh ở Nghệ Tĩnh. Hoàng Công Chất chết già (1769), nghĩa quân sau đó bị tan rã. Năm sau, Trịnh Sâm tiêu diệt phong trào phục Lê của Lê Duy Mật đã tồn tại được ba mươi hai năm. Năm 1771, Sâm giết thái tử Lê Duy Vĩ, ép vua Lê hiển Tông lập Lê duy Cẩn lên ngôi Ðông cung.
Năm 1773, Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn chiếm Qui Nhơn. Trịnh Sâm cấm đạo Thiên chúa ở Ðàng Ngoài. Tháng chạp năm 1774, Sâm chiếm thành Phú Xuân. Năm 1777, hạn hán ở Ðàng Ngoài, đói liền mấy năm ở Nghệ An.
Tháng chín năm Canh Tý (1780), sủng phi Ðặng Thị Huệ cùng Hoàng Tế Lý mưu giành ngôi Chúa cho con thứ là Trịnh Cán. Con trưởng của Tĩnh đô vương Trịnh Sâm là Tông, cùng Ðàm Xuân Thụ, Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân định việc khởi binh. Việc vỡ lở, Sâm bắt giam Tông và Khản, kết tội tử hình bọn dư đảng. Hai năm sau, Sâm mất.Trịnh Cán lên ngôi chúa. Cán lúc ấy mới sáu tuổi, Hoàng Tế Lý và Ðặng Thị Huệ nắm giữ công việc triều chính.
Tháng mười năm Nhâm Dần (1782), kiêu binh nổi loạn, phế Trịnh Cán lập Trịnh Tông lên. Nguyễn Khản và Dương Khuông phụ chính. Tháng giêng năm Giáp Thìn (1784), kiêu binh làm náo loạn kinh đô Thăng Long, đốt dinh Nguyễn Khản và Dương Khuông, giết Chiêm Võ hầu, cướp bóc nhà cửa đám quan lại và công hầu.
 
Gió Ðàng Trong
Năm Bính Ngọ (1306), Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, vua Chiêm Thành. Năm sau, Mân dâng hai châu Ô, Rí dẫn cưới. Tháng năm, Mân chết. Tháng mười, Trần Khắc Chung cướp Huyền Chân mang về Bắc hà. Chiêm Thành đòi Ô Rí, nay đổi tên là hai châu Thuận, Hóa nhưng không được, mang quân đánh châu Hóa (1353). Ðến năm Mậu Ngọ (1378), quân Chiêm thắng, vào đến Thăng Long rồi lại rút ra giữ Thanh-Nghệ. Tháng năm năm Canh Thân (1380), Hồ Quí Ly đánh lùi được Chế Bồng Nga. Chiến tranh Chiêm Việt kéo dài cho đến đời chúa Nguyễn. Nguyễn Hoàng lấy Phú Yên năm 1622, chấm dứt trên thực tế vương quốc Chiêm Thành.
Ở Ðàng Trong, chúa Nguyễn lấn đánh Chân Lạp sau cuộc nội chiến với Ðàng Ngoài. Năm Ất Dậu (1705), Chúa Nguyễn chiếm Phiên trấn. Năm Mậu Tý, Chúa Nguyễn liên minh với Mạc
Cửu là người Minh Hương, phong làm Thống binh trấn Hà Tiên. Năm Tân Hợi (1731), quân Nguyễn chiếm Gia Ðịnh và lập Vĩnh trấn. Võ vương lên ngôi chúa (1738), bắt đầu đổi phong tục và bắt dân trang phục theo kiểu Trung Quốc. Võ vương mất, quyền thần Trương Phúc Loan phế Phúc Thuần, lập Phúc Dương còn nhỏ lên thay năm 1771.
Nguyễn Nhạc cùng hai em là Huệ và Lữ dấy quân ở Tây Sơn, chiếm Qui Nhơn (1773) rồi đánh vào Nam-Ngãi. Nhân dịp, Trịnh Sâm và Hoàng ngũ Phúc tiến chiếm Phú Xuân (1774), rồi xuống Quảng Nam. Tây Sơn hòa với Trịnh, đánh lấy Phú Yên. Chúa Nguyễn chạy vào Gia Ðịnh. Nguyễn Lữ (1776) mang thủy quân đánh Gia Ðịnh, chiếm Sài Gòn và ba trấn lân cận, rồi lại về Qui Nhơn. Nhạc tự xưng là Tây Sơn vương, đặt niên hiệu là Thái Ðức.
Năm 1777, Huệ lại đem quân đánh Gia Ðịnh, bắt giết cả Phúc Dương và Phúc Thuần rồi về Qui Nhơn. Quân Nguyễn, tôn Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi chúa, chiếm lại Sài Gòn. Năm 1778, Nhạc xưng đế, phong Lữ làm Tiết Chế và Huệ là Long Nhượng tướng quân. Ánh đánh chiếm lại Bình Thuận. Năm Nhâm Dần (1782), Nhạc và Huệ mang quân đánh Gia Ðịnh, Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc. Nghe tin Hộ giá Phạm Ngạn tử trận, Nhạc trả thù, giết rất nhiều thương nhân Hoa kiều. Nhạc và Huệ về Qui Nhơn, Ánh lại chiếm Gia Ðịnh ba tháng sau. Năm sau (1783), Huệ và Lữ phản công, Ánh đại bại chạy sang Xiêm, giao con cả là Cảnh mới năm tuổi cho Bá đa Lộc, là giám mục đạo Gia-Tô, mang làm con tin đi Pháp để cầu viện. Năm Giáp Thìn (1784), ba vạn quân Xiêm kéo sang. Huệ mang quân ra đánh tan, rồi để Ðặng văn Chấn ở lại giữ Gia Ðịnh.
Tháng năm, năm Bính Ngọ (1786), Huệ cùng Lữ, Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ văn Nhậm tiến chiếm Phú Xuân. Cuối tháng sáu, Tây Sơn tiến ra Ðàng Ngoài dưới lá cờ « Phù Lê-diệt Trịnh » đánh tan quân Trịnh, vào Thăng Long. Tháng bảy, Huệ lấy công chúa Ngọc Hân. Lê Hiển Tông mất, cháu là Duy Kỳ lên ngôi, sau lấy hiệu là Lê Chiêu Thống. Tháng tám, Nhạc ra Bắc, cùng Huệ rút quân về nhưng bỏ lại Nguyễn Hữu Chỉnh không cho theo. Chỉnh phải chạy trốn về Nghệ An.
Nội bộ Tây Sơn bất hòa, dẫn đến xung đột. Tháng chín, Trịnh Bồng về lại Thăng Long nhận ngôi chúa, được hai tướng Hoàng Phùng Cơ và Ðinh Tích Nhưỡng ủng hộ. Nguyễn Hữu Chỉnh dấy quân phù Lê, kéo ra Thăng Long đuổi Bồng, được phong làm Bằng Quốc công, thâu tóm lại quyền bính vào đầu năm Ðinh Mùi ( 1787). Xung đột Tây Sơn kéo đến tháng hai thì chấm dứt, lấy Bản Tân làm mốc, trở ra Bắc thuộc Huệ được phong là Bắc bình Vương, về Nam thuộc Nhạc. Nhạc cắt Gia Ðịnh cho Lữ, phong làm Ðông định Vương, còn tự mình xưng là Trung Ương Hoàng Ðế đóng tại Qui Nhơn. Ánh lại mang quân đánh Gia Ðịnh. Nguyễn Lữ về Qui Nhơn tháng sáu âm lịch (1787), ốm rồi chết, để Phạm Văn Tham trấn giữ.
Tháng mười một âm lịch, Bá đa Lộc thay mặt Nguyễn Ánh ký Ðiều Ước Liên Minh Versailles. Khoảng thời gian đó, Huệ sai Vũ văn Nhậm ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh, bắt và giết. Tháng bốn năm sau (1788), Ngô Văn Sở báo Huệ là Nhậm lạm quyền và có ý phản, Huệ ra Bắc giết Nhậm. Tháng bảy, Lê Chiêu Thống cho người sang cầu cứu nhà Thanh. Tháng mười, trên hai mươi vạn quân Thanh ồ ạt vào biên giới. Ngô Văn Sở theo lời Ngô Thì Nhậm kéo quân lui về núi Tam Ðiệp. Ngày 17-12-1788, quân Thanh dưới quyền Tôn sĩ Nghị vào chiếm Thăng Long.
Năm ngày sau, Huệ làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng Ðế lấy hiệu là Quang Trung rồi xuất quân. Ngày 26-12, Huệ đến Nghệ An rồi ngày 15 -1-1789, tức là ngày hai mươi tháng chạp năm Mậu Thân, Huệ đến Tam Ðiệp. Hạ lệnh ăn tết trước, và hẹn ngày mồng bảy Tết sẽ vào đến Thăng Long, Huệ chia quân làm năm đạo tiến ra Bắc. Ngày mồng ba tháng giêng, đồn Hạ Hồi vỡ. Ngày mồng năm, đồn Ngọc Hồi bị đánh tan. Ngày mồng bảy, Quang Trung vào Thăng Long, yết bảng an dân và cho quân Thanh ra hàng.
Tháng năm năm Kỷ Dậu, Quang Trung ra chiếu khuyến nông và lập học. Tháng tám, khoa thi hương dùng chữ Nôm đầu tiên, có Nguyễn Thiếp làm đề điệu, được mở ở Nghệ An. Năm Tân Hợi (1791), tiền « Quang Trung thông bảùo » được ban hành,
và Viện Sùng Chính được thành lập, phụ trách giáo dục và phiên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Năm 1792, viện đã dịch được bộ Tiểu Học và Tứ Thư, do Nguyễn Thiếp trách nhiệm. Tháng sáu, Nguyễn Ánh mang thủy quân vào đốt phá Thị Nại thuộc Qui Nhơn. Quang Trung gửi hịch kêu gọi quân dân chuẩn bị tấn công Ánh ở Gia Ðịnh nhưng ngày 29 tháng bảy năm Nhâm Tí, Quang Trung băng hà, con là Quang Toản mới mười tuổi lên kế vị, lấy hiệu là Cảnh Thịnh.
Sau đó, thái sư Bùi Ðắc Tuyên chuyên quyền. Nhạc mất (1793), Tuyên sát nhập đất Nam-Ngãi, nội bộ Tây Sơn lủng củng. Ánh xây thành Diên Khánh, quấy phá Bình Thuận. Cuối năm 1794, Ðại tướng Trần Quang Diệu vây Diên Khánh. Tháng năm âm lịch Ất Mão (1795), Tư khấu Vũ Văn Dũng bắt giết Bùi Ðắc Tuyên. Diệu bỏ Diên Khánh, về Phú Xuân, dẫn quân đánh Dũng, may có Phan Huy Ích giảng hòa.
Ngày tàn của triều đại Tây Sơn bắt đầu. Bảo là con Nhạc chiếm Qui Nhơn và định hàng Nguyễn Ánh, nhưng Quang Toản biết, vây thành và giết vào cuối năm 1798. Ánh đánh Qui Nhơn, cuối cùng chiếm được. Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng phản công, giữ cửa biển Thị Nại, vây Qui Nhơn liền một năm. Bất ngờ, tháng ba năm Tân Dậu (1801), quân Ánh chiếm Quảng Nam. Ngày ba tháng năm, thành Phú Xuân bị hạ, Quang Toản rút quân ra Bắc. Tháng mười một, Toản và em là Quang Thùy mang ba vạn quân tiếp ứng cho Dũng, Diệu và vợ là Bùi thị Xuân tiến đánh lũy Trấn Ninh ( Hà Trung). Ðó là trận đánh lớn cuối cùng của quân đội Tây Sơn.
 
Tháng năm năm Nhâm Tuất (1802), Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long. Tháng tám, quân Nguyễn hạ thành Thăng Long, Quang Toản chạy lên Kinh Bắc thì bị bắt. Tháng mười một, Ánh xử tội Vua tướng Tây Sơn. Về phần Ngô thì Nhậm, Nhậm bị đánh ở Văn Miếu đến chết vào tháng hai năm Quí Hợi (1803).

<< Lời ngỏ | Chương 1 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 714

Return to top