Từ lưng đồi nhìn xuống, hai nhánh đê trông hệt như người ngã xoạc cẳng, lưng dựa vào sông Nhị đỏ ngầu mùa nước lớn, đầu gục vào nhánh phụ cuồn cuộn bọt trắng trôi về miệt Thái Bình. Ngay chân đê, quán nước lặng lẽ nép vào triền đất mầu đỏ nâu, nhỏ bé, nhẫn nhục. Lão Thuyết ngồi gật gù, tay mân mê dăm sợi râu bạc thếch, lờ đờ nhìn ra bến thủng thẳng : « Chắc không còn chuyến nào ». Nắng trên sông nhạt dần. Toàn Nhật nâng ly nước chè xanh uống một hơi, mặt có chút đăm chiêu, hàm râu đen nháy quanh hàm phập phồng theo nhịp thở. Nhướng mắt lên nhìn về phía bờ đê Phi Liệt, Nhật thở ra : « Ðợi thêm một lúc xem sao ».
Lão Thuyết lại gạât gù :
- Ừ thì đợi ! Tôi sống trên bến này ngày nào là đợi ngày ấy đấy. Càng đợi lâu, càng sống dai. Các cậu trẻ hay sốt ruột chứ tôi à, tôi sống là đợi ... hà hà. Hai chục năm trước, thuyền bè đến luôn, bến lúc nào cũng tấp nập. Nay thì khác, khác nhiều ...
- …
-Thuyền khách ít vãng lai là vì có lệch Chúa cấm. Với lại, thuyền Hà Lan thuế bến tăng gấp hai mươi lần nên họ cập Hội An. Ðến Phố Hiến chỉ còn thuyền Phù Tang, thuyền Phú Lăng Sa thôi. Nhưng cứ ngày ít dần đi, thậm chí một năm chỉ còn trên dưới hai chục chuyến ...
- Sao vậy cụ ?
- Ấy, khó lắm. Ðược lòng Ðằng Trong thì mất lòng Ðằng Ngoài. Chẳng ai vừa bụng được, cả Nam lẫn Bắc. Rồi trăm thứ tốn kém. Hàng ta về muộn, bốc rỡ chậm, không chất lên thuyền khách ngay. Cứ rề rà, thế là thuế bến tăng, chỉ khách thương là phải xì tiền ra chứ quan nha có lỗ lã gì đâu. Như cậu, hình như chuyến này cậu ra đợi thuyền về là lần thứ năm hay lần thứ sáu thì phải ...
Toàn Nhật uể oải gật đầu. Bốn tháng trước, chàng rời Kinh đến đây với bức thư gửi gấm từ dinh quan Chánh dường Hoàng Tế Lý. Tìm gặp ông Sìn, một người Hoa đến cư ngụ Phố Hiến trên ba mươi năm, chàng ngần ngừ đưa bức thư. Ông Sìn khịt khịt mũi, vỗ vỗ tay chàng, kêu : « Hảo ! hảo ! ». Hai hôm sau, ông ta đưa chàng đến Nhật Bản Thương Hội gặp Koji Mishima.
Koji Mishima khoảng tứ tuần, cao lớn, nghiêm nghị. Với mớ tóc búi ngược ra sau như kéo xếch mắt lên, mặt ông căng thẳng, ngược hẳn lại cung cách khoan thai chậm rãi . Giọng ông nói ê a, kéo dài ra khàn đặc, nửa như hát, nửa như than. Ông bằng lòng. Từ hôm đó, Toàn Nhật dọn về ở một căn phòng phía sau Thương Quán, sát hàng dậu nơi Mishima cư ngụ.
Việc chàng được giao phó là chép lại tất cả sổ sách thương vụ sáu năm nay, kể từ khi Mishima sang phụ trách điều hành Thương Hội. Toàn Nhật làm công việc được giao phó trong ba tuần rồi đưa lên trình Mishima. Ông ta lật ra, lơ đễnh nhìn tập giấy, lẳng lặng gật đầu. Cả tuần lễ sau, ông ta không hỏi han gì, mỗi lần gặp chỉ khẽ nghiêng mình chào Toàn Nhật. Ðợi thêm một tuần, Toàn Nhật lên chào Mishima xin nghỉ, phần vì cuồng chân cuồng tay, phần vì nóng ruột nghe tin Trọng Thức bị bắt bỏ ngục trên Kinh. Mishima khẽ gõ ngón tay xuống mặt bàn hỏi:
- Ông không thích công việc ?
- Việc ông giao đã làm xong, tôi ăn không ngồi rồi hai tuần nay rồi.
- Thì đã sao ? Tôi trả lương cho ông được mà.
- Cám ơn ông. Tôi không dám nhận.
Mishima ề à như thách thức :
- Có việc khác đấy, nhưng khó hơn, đòi hỏi hơn, ông có khả năng không ?
Toàn Nhật ngước mắt lên nhìn dọ hỏi. Mishima lẳng lặng lôi ra một tập giấy đưa Toàn Nhật :
- Làm việc này thì ông phải ký giấy nhận điều kiện với tôi.
Toàn Nhật cúi xuống đọc. Máu rần rật đưa lên làm mặt chàng đỏ dần. Nhìn thẳng vào mặt Mishima, Toàn Nhật gặng nói chậm rãi :
- Hao hụt hai lạng vàng, chém một tay. Sáu lạng, chém hai tay. Còn trên mười lạng, chém đầu.
Mishima gật đầu.
- Ðã nhận làm, không bao giờ có quyền tự được nghỉ. Nghĩa là suốt cả một đời ?
Mishima lại gật đầu.
Toàn Nhật ngẫm nghĩ, cười nhạt, hỏi :
- Ông cho người chúng tôi là đám ăn cắp, lại sẵn sàng làm nô lệ ?
Mishima chỉ khẽ lắc đầu, vẫn không nói năng gì cả. Nhật gặng :
- Ông đã chém ai chưa ?
- Tôi đã chém bốn lần, hai lần là chém tay, còn hai lần kia phải chém đầu.
Toàn Nhật gằn giọng :
- Hừ ! Một mạng người giá là mười lạng vàng. Ông tính toán thế nào mà ra cái số ấy ?
Mishima chậm rãi :
- Thật ra chỉ ăn cắp một chỉ vàng cũng đã đáng chém đầu. Tôi không hề nghĩ đến cách đánh giá một mạng người như người ta đánh giá một mặt hàng bày ở chợ. Tại sao mười lạng ? Có lẽ vì tôi già rồi, bớt đi cứng rắn chăng ? Hay có lẽ vì tôi không thểà không ứng xử cho phù hợp với cái xã hội tôi đang sống trong đó ? Phần đối với tôi, nếu tôi lấy của ai đó một chỉ vàng mà không được sự ưng thuận hay không có gì để đền đáp, chính tôi sẽ tự chém tôi, chẳng cần ai khác !
Toàn Nhật lấy bút, chấm mực, thảo nhanh : « ... hao hụt một chỉ vàng là chấp nhận chém đầu, nhưng có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào ». Ðưa tờ giấy do tay mình thủ bút, Toàn Nhật đứng lên , hỏi : « Có người ăn cắp vì nghèo đói, có chém không ? ».
Mishima gật gù, ề à :
- Những ai nhận làm với điều kiện tôi đặt đều có thù lao hệt như tôi. Với lợi tức đó, họ không phải là những người nghèo đói ! Còn như điều kiện ông vừa đề nghị, để tôi nghĩ lại xem. Xin ông cứ ở lại thêm vài ngày, đi chơi đây đó, tôi sẽ trả lời ...
*
Như lệ thường, Toàn Nhật dậy sớm, mỗi sáng bỏ ra ba khắc múa gươm. Sau đó, chàng thả bộ đi vào Phố Hiến, đôi khi ghé lại chào hỏi ông Sìn, chủ một tiệm thuốc bắc. Phố Hiến không phồn hoa như trên Kinh, nhưng đã mang dáng dấp thị thành. Ngoài cư dân địa phương, số người ngoại quốc có thời đã chiếm đến một phần ba. Người Tàu quây quần vùng phố Khách. Người Nhạât xây Nihon-machi phía đông. Còn lại, đa số người phương Tây tụ họp quanh Nhà Thờ. Hiện nay, người Hà Lan gần như không còn một ai. Số ở lại gồm dăm người giáo sĩ dòng Tên, phần lớn là người Bồ đào Nha và người Pha lang Sa. Ngoài ra, có khoảng trên dưới năm chục thương nhân, thường là đi lại buôn bán cho công ty Hà Lan Ðông-Ấn. Họ quanh quẩn trong miệt Hưng Yên, và phải đặc biệt lắm mới được phép trẩy Kinh. Bám rễ xung quanh đám thương dân này là một số người bản địa làm công việc thông dịch và trung gian buôn bán. Về phần người Nhật, số thuyền buôn được chính quyền Nhật Bakufu cấp cho châu ấn ngày càng ít vì chủ trương bế quan tỏa cảng của họ. Giao dịch với Chúa đàng ngoài là đoàn thuyền thuộc Suminokori Ryoi, chủ nhân của Koji Mishima.
Lang thang đến khi mặt trời lên gần đỉnh ngọn tre, Toàn Nhật ghé vào hiệu thuốc ông Sìn. «Hảo, hảo », ông ta vồ vập, miệng cười lộ ra hàm răng vàng xỉn khói thuốc. Nghe Nhật kể về điều kiện công việc, ông ta lại xì xào «hảo, hảo » và thì thầm « Cái chuyện chém đầu có thật, nên ông Koji không được phép rời Phố Hiến về Nhật Bản từ bốn năm nay ». Ông kết luận : « ... Cái người gì mà ghê ghê quá » và khuyên bảo « Cậu chớ làm nữa, nó chém thật đấy !» . Toàn Nhật chỉ cười rồi cáo lui.
Ghé vào hàng quán ăn xong một bụng cơm, Toàn Nhật lại lững thững theo chân đê đi ngược lên miệt Thái Bình. Trời tháng tám oi, cỏ cây cũng lấm tấm rịn mồ hôi. Tiếng ve khi rỉ rả, khi chói chan, hòa tấu một khúc trường ca tưởng như vô thủy vô chung, mơ hồ chở về những mộng mị chập chờn.
Nhật nằm xuống thảm cỏ cạnh miếu Ba Cô, mắt nửa nhắm nửa mở, thèm một cơn gió, mơ mơ màng màng. Ðầu Nhật nặng trùng xuống. Bỗng đâu đó văng vẳng tiếng người đàn bà. Nhật ngước mắt nhìn. Trên thềm, trong một góc trắng đục, như có ai ngồi, lưng quay về phía sông, tay cầm quạt nhẹ nhàng phẩy gió.
- Con ngủ đi, mẹ quạt cho mát ...
- Mẹ, mẹ đấy à ? .
- Ừ, mẹ đây, mẹ về với con một lát.Ðã bao nhiêu năm !
- Sao mẹ bỏ con đi ? .
- Nào mẹ có muốn thế ...
- Mẹ đừng đi nữa, mẹ ơi, mẹ ...
Nhật hét lên, trợn mắt, nhìn theo cái bóng trắng mờ dần rồi mất hút trong ánh nắng vàng cánh ong. Nhật ngẩn ngơ, lại nằm xuống, và nhớ người mẹ nuôi trên trại Bùi Phong.
Năm Nhật được mười sáu, Ðặng thị nói : « ... Con về nhà này đã khôn lớn rồi, không đẻ con nhưng mợ thương con như con đẻ ». Ðặng thị ngần ngừ, rồi nhỏ nhẹ « ... còn về gốc gác, để mợ kể ... ».
*
Làm Huấn Ðạo được bốn năm ở Anh Ðô, Nguyễn Thiếp tưởng đã yên phận, nào ngờ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm lại vừa được sắc phong Tả Thừa Tướng dưới đời chúa Trịnh Doanh. Là thầy dậy Thiếp, chính Xuân quận công ép buộc học trò mình nhậm quan, sau đó lại rắp tâm đẩy Nguyễn dấn sâu vào bước hoạn lộ. Hai tháng sau đó, Thiếp nhận được tuyên chỉ bổ nhiệm mình làm Tri Huyện Thanh Chương. Tiếng thếù, nhưng Thiếp thu xếp để lui về trại Bùi Phong, ở cái thế nửa xử nửa xuất.
Sáu năm sau, tức là vào năm 1768, Nguyễn Nghiễm mất. Vào Tiên Ðiền chịu tang thầy, Thiếp thấy cái lẽ xử không còn lý do gì tồn tại, âm thầm quyết định từ quan để lui hẳn về cuộc sống ẩn dật. Trên đường từ Tiên Ðiền về Nguyệt Ao, khi đi qua Phú Thạch, Thiếp và Ðặng- thị ngừng chân ghé vào một cái quán ven đường uống bát nước. Lúc ấy, gió nồm đã bắt đầu ùa vào hai miền Thanh Nghệ. Nắng gắt đến sáng trắng những thửa mạ cằn khô trơ đất muối. Trong quán chỉ có một thằng bé chạc chín mười tuổi, mắt đen lay láy, đang cặm cụi xoài người tô tô vẽ vẽ. Rót xong hai bát nước chè xanh, nó lại lẳng lặng quay về góc cái trõng nằm sau chiếc bàn có bầy một lọ kẹo lạc, một cái ấm chè, một nắm lạc rang và dăm củ khoai luộc.
Bàn thêm về chuyện xin từ quan,Thiếp nhếch mép nói như một lời than « Trống đánh canh ba, gà gáy canh năm, chó má tru mõm sủa ». Nghe thằng bé bật lên cười, Thiếp quay sang nhìn. Nhẹ nhàng, Thiếp hỏi:
- Sao cháu lại cười ? Câu đối đấy, đối được không ?
Thằng bé đỏ mặt bẽn lẽn. Thiếp khuyến khích:
- Cháu cứ đối đi, nếu hay ta sẽ thưởng !
Thằng bé cau mày ngẫm nghĩ, rồi lí nhí :
- Mõ gõ mười phương, chuông vang tám hướng, người ngợm ngoác miệng cười.
Ngạc nhiên, Thiếp thích thú nhìn kỹ thằng bé, rồi hỏi:
- Cháu học hành với ai ?
Thằng bé trả lời là nó học với ông ngoại. Bạo dạn hơn, nó nói:
- Ông ngoại bảo trò chơi chữ nghĩa thật chẳng có gì khó. Ðấy, vế trên có trống thì vế dưới đối phải là mõ, trên chó má thì dưới phải người ngợm, rồi trên tru mõm sủa thì dưới là ngoác miệâng cười...
- Thế thì cái gì mới khó ?
- Ông cháu bảo đạo mới khó, lý mới khó, ngoài ra thì chỉ toàn phù phiếm cả mà thôi.
Thiếp đưa tay lên vân vê chòm râu đang ngả bạc :
- Thế cháu hiểu vế trên thế nào mà đối vế dưới như vậy ?
- Vế trên ư...
Thằng bé ngần ngừ, mắt nhìn xuống đất, rồi tiếp :
- ...cháu không rõ. Còn vế dưới thì là vì mỗi tháng cứ đúng ngày rằm cháu lên chùa giúp sư cụ, cháu thấy các bà đi lễ xong ai cũng tươi lên, cười cười nói nói...Thế thưa ông vế trên nghĩa là gì ?
Thiếp chạnh nghĩ đến thế sự, ngậm ngùi :
- Ðấy là cái cảnh Vua chẳng ra Vua, Tôi chẳng ra Tôi, trống đánh suôi kèn thổi ngược. Quân bất vi quân, thần bất vi thần nên lũ tiểu nhân được dịp thao túng mà chẳng ai làm được gì !
Nói đến đấy thì một cụ già chống gậy bước vào, vẻ ngạc nhiên, chào khách :
- Xin kính chào quan huyện.
Chủ khách thăm hỏi nhau, Thiếp mới biết ông đây họ Võ ở Thạch Hà, xưa vốn có dậy học song không hiểu lẽ gì bỗng dưng bỏ làng đi, bây giờ sinh sống qua ngày bằng quán nước ven đường và thỉnh thoảng viết phúng viết điếu cho dân làng lân cận.
Thiếp khen thằng bé và hỏi tên. Nó lấy họ Võ là họ ngoại.
Khi về Ðặng-thị ứa nước mắt nhớ đến Thúc Khải, đứa con lưu lạc đã xô giạt với gia đình họ Hà vào Ðàng Trong gần chục năm nay. Mấy tháng sau, khi nghe tin ông thằng bé bị bạo bệnh rồi qua đời, Ðặng-thị bàn với Thiếp mang nó về nuôi. Ðến quán cũ thì thằng bé đã theo một bà cô về làng. Ðặng-thị lại lặn lội đi tìm. Lúc nói chuyện với bà cô, Ðặng-thị mới nghe rằng mẹ thằng bé xưa chửa hoang. Cô ta lậy bố xin giữ cái bào thai vô tội. Ông bố xấu hổ đóng cửa không dậy học nữa, cắên răng nghe những lời đàm tiếu mỉa mai. Sinh đẻ xong xuôi, cô ta viết lại một lời tuyệt mệnh, xin bố tha lỗi, và xin đăït tên con là Toàn Nhật thể theo lời ước hẹn với người đàn ông nay đã cao bay xa chạy. Bốn ngày sau, người ta vớt được xác cô giạt vào bờ sông Lam. Kể đến đấy, bà cô thằng bé ghé vào tai Ðặng-thị thì thầm. Thì ra nghe đồn bố nó họ Hoàng, có thể là Hoàng đăng Bảo thi văn đỗ Hương cống năm Ất Dậu, rồi thi võ đỗ Tạo sĩ năm Bính Tí. Mà nghe đâu lại cũng có thể là chính Quận Việp, chú của Ðăng Bảo, lúc ấy là quan Hiệp Trấn xứ Nghệ.
Quận Việp thời ấy vô cùng lừng lẫy. Hai vùng Thanh-Nghệ liên tiếp được mùa mấy năm liền nên bàn dân thiên hạ không còn ca thán. Việp sai Bảo đi đánh dẹp giặc giã khắp nơi, lần nào cũng đắc thắng. Bảo lại khôn ngoan dùng người rất đúng chỗ, chiêu hiền tập sĩ khắp nơi, thu phục được cả Nguyễn Hữu Chỉnh, đỗ hương cống khi mới mười sáu tuổi, giao cho Chỉnh toàn bộ thủy quân, coi đội Tiền Cơ ở Nghệ An. Giặc biển từ đấy hết hẳn hoành hành, và Chỉnh nổi tiếng là con cắt nước hai trấn Thanh-Nghệ. Ðăng Bảo, có nghĩa là lên ngôi, sinh năm Hợi. Trong kinh, người ta kháo nhau rằng «một con lợn đuổi đàn dê », ý ám chỉ Ðăng Bảo sẽ truất Trịnh Doanh và con là thế tử Sâm vì hai cha con Chúa đều tuổi Mùi. Ðể tránh tiếng xì xào, Bảo tự đổi tên thành Tế Lý. Nghe lời tâu của chính thế tử, năm Toàn Nhật sinh ra cũng là năm Ðăng Bảo được chúa Trịnh Doanh gả cho đứa con gái thứ mười một, tức là công chúa Ngọc Tĩnh, để thưởng công chú cháu quận Việp đã đánh đuổi được giặc Lê duy Mật bật khỏi Nghệ An phải lùi về mãi tận Trấn Ninh. Tiếng là thưởng công, thực ra Sâm nhờ em gái mình dò xét Bảo.
Lúc nghe Ðặng thị muốn xin Toàn Nhật về nuôi, bà cô nước mắt ngắn nước mắt dài kêu « Ðứa cháu này, bà huyện ơi, tội nghiệp, tôi thương nó lắm ! ». Tình thương đó nhạt dần, và khi Ðặng thị giúi thêm hai quan tiền nữa thì hình như đã lắng vợi hẳn xuống.
*
Toàn Nhật rời miếu Ba Cô vào lúc trăng vừa lên. Cơn nóng hầm hập ban trưa dịu xuống, không khí nhẹ hẳn đi mặc dầu gió vẫn lặng. Về đến bên hàng dậu, Nhật giật mình nghe những tiếng hét vang lên từng chập. Vườn chuối bên kia có tiếng bước chân thình thịch. Nhìn vào, Koji bất động dưới ánh trăng, mắt nhắm nghiền. Chợt ba lằn quang vung lên trong một chớp mắt, kèm theo là tiếng hét vừa chắc vừa gọn như từ trong bụng phát ra. Cứ như thế, những tiếng hét vang lên, xé cái tịch mịch ghê rợn dưới ánh trăng xanh nhợt. Bỗng Koji cất tiếng :
- Mời ông vào đây. Tôi cũng đã xem ông sáng sáng múa kiếm ...
Toàn Nhật lẳng lặng vào vườn, nhìn Koji tươi cười, khom người chào mình. Khác hẳn với cung cách chỉ khẽ nghiêng đầu lúc trước, cách chào của Koji nay không còn kiểu bề trên kênh kiệu. Koji trầm giọng, ê a :
- Ông xem, tôi chỉ biết có ba đường kiếm. Phạt chéo bên trái, rồi bên phải và một đường bổ dọc ...
Toàn Nhật thích thú :
- Vâng, nhưng nhanh lắm. Lại chắc, nếu đánh trước thì kẻ địch khó mà chống đỡ nổi.
Koji mỉm cười :
- Không có chuyện đánh trước, đánh sau ... Cũng không có cái gì gọi là kẻ địch.
- …
- Vâng, chỉ có ta và kiếm. Lúc rút ra khỏi vỏ thì thành một. Và đối tượng cũng là ta, chứ không ai khác nên làm gì có địch !
Trước vẻ ngẩn ngơ của Toàn Nhật, Koji thân mật vỗ vai, kéo ra sau một cây chuối cao bằng đầu người, nói :
- Ông đứng đây, rồi bất ngờ làm một cử động thôi ...
Koji quay về chỗ trước cây chuối, lại đứng bất động, mắt nghiêm nghị nhìn nhìn vào khoảng không trước mặt, kiếm vẫn ở trong vỏ giắt sau lưng. Một phút, rồi hai phút ... Toàn Nhật không chịu nổi nữa, vừa nhích chân thì mắt hoa lên ba lằn quang như ánh chớp, đầu như tê liệt trước tiếng hét chát chúa. Ngửng lên nhìn, Koji đã trở về trạng thái cũ, và kiếm tra lại vào chiếc bao dắt sau lưng. Toàn Nhật thở phào sửng sốt. Koji lại bảo :
- Ông lấy tay đẩy vào thân cây chuối mà xem.
Cây chuối mới nhìn vẫn vậy, bất động, tàu lá chỉ hơi rung rung. Ðẩy vào, bốn mảnh thân cây đổ xuống đất, tiếng rơi bình bịch. Cây chuối đã mất đầu, rồi mất nửa mình, và thân bị chẻ hai. Toàn Nhật lùi một bước, hoảng sợ, đầu gối nhũn ra, ngỡ ngàng chẳng biết là hư hay thực. Koji cất tiếng :
- Phép đánh kiếm của Phù Tang không múa như phép đánh kiếm của lục địa. Múa là để làm hoa mắt kẻ địch, dùng mẹo đánh vào chỗ sơ hở. Còn chúng tôi, chúng tôi đánh là thể hiện sự toàn mỹ và đồng nhất giữa lý trí với hành động của người cầm kiếm. Ðích chính là ở Ta, còn kẻ địch chỉ là đối tượng để thể hiện cái Ta nên kẻ địch là phương tiện, có hay không, không quan trọng ... Kiếm pháp các ông nhằm triệt tiêu đối tượng. Ðối tượng là đích, vì thế dùng mưu mẹo lừa cho đối tượng lầm lẫn để thủ thắng. Một đằng, kiếm và người là Một. Một đằng, người là chủ, kiếm là phương tiện và đặt kẻ địch thành đối tượng. Vâng, khác biệt là như thế đấy ...
Toàn Nhật nhìn chòng chọc vào Koji, ngạc nhiên hỏi :
- Khác biệt thế thì tác động thế nào ?
Koji cười hồn nhiên :
- Thắng và thua, sống và chết, không còn gì khác nhau nữa. Chỉ còn độc một cái là cái Ta được thể hiện mãn mỹ ở đúng cái giới hạn sẵn có của nó, thế thôi !
Vỗ vai Toàn Nhật, Koji đổi giọng :
- Nếu ông muốn, ta còn bàn nhiều về kiếm. Còn công việc, cái điều kiện ông đặt cho tôi, tôi đã nghĩ kỹ.
Ngưng lại rồi chặc lưỡi, Koji tiếp :
- Mà này, ông có thấy ở đâu cái chuyện người làm đặt điều kiện cho chủ không nhỉ ? Chắc là không đâu ! Tôi nhận điều kiện của ông, nói thế, nghĩa là không còn ai là chủ và ai là người làm công ... Kể từ nay, chúng ta là bằng hữu.
Toàn Nhật lùi lại, bàng hoàng trước thay đổi đột ngột không ngờ trước, mồm lẩm nhẩm :
- Không dám, không dám !
- Bằng hữu ạ, Koji này đã làm gì để không xứng đáng với tình bạn của anh ?
- ...
- Và một ngày nào đó, tôi sẽ cầu xin bạn một ân sủng. Ðổi lại, tôi sẽ truyền hết sở học về cung kiếm của tôi cho bạn.
- Ân sủng ?
- Vâng, ân sủng. Tôi nói ngay : ân sủng này là cho tôi, và không hề đụng chạm đến một ai khác, bất cứ ở phương diện gì !
*
Theo lời mời của Koji, Toàn Nhật dọn sang tư dinh, cư ngụ ở trái nhà phía tay phải, căn nhà chính giữa là nơi Koji ở, bên trái có xây một trà thất vuông vắn, mái như mái tháp. Từ trà thất nhìn ra sau là một cái hồ rộng ba thước ta, thả sen và nuôi những con cá đỏ chót to bằng cá trê. Chiều chiều, Koji ra đứng dựa trên chiếc cầu nhỏ vắt ngang hồ, cho cá ăn, miệng ề à hát :
Furuike ya ( trong ao xưa )
Kawazu tobikomu ( con nhái nhẩy vào )
mizu no oto ( tiếng nước khua )
Công việc giao phó cho Toàn Nhật tương đối nhàn nhã. Nhật tiếp nhận trầm hương đến từ Thanh, Nghệ, lụa từ Hà Ðông, gấm từ Kinh Bắc, sừng hươu nai và xương hổ từ Sơn Tây, Cao Bằng. Koji Mishima kiểm tra chất lượng xong, cho phép bốc lên thuyền để chở về Okinawa, một hòn đảo cực Nam đất Phù Tang. Ðổi lại là súng đạn và đao kiếm. Nhật lại kiểm kê hàng Phù Tang, lên danh sách, chuyển giá thỏa thuận ra vàng hoặc bạc, và trách nhiệm chuyển hàng về Thăng Long cho quan Chánh dường Hoàng Tế Lý.
Tối tối, hai người lại ra luyện kiếm. Nơi Koji dạy Toàn Nhật nằm sau trà thất. Họ ngồi đối mặt vào nhau, mắt nhắm hờ, ở tư thế thiền tọa.Cây đào Phù Tang rực lên cháy hồng một khoảnh không gian ven hồ nước lóng lánh sáng. Gió khuya gây gây lạnh. Trời đất tấu khúc đêm về, âm thầm những niềm hạnh phúc mỏng mảnh gió tháng chạp. Thỉnh thoảng, cá quẫy nước lục bục điểm vào tiếng ếch ương thảng thốt kêu dưới những tàn lá sen ven hồ. Mùa này, sen đã úa cả, không sao tìm đâu ra chút hương thoang thoảng lẫn mùi bùn tanh. Ở đầu gió, không khí lùa mùi thơm ngan ngát từ hàng cây dạ lan mọc cạnh tường nhà thoảng lại.
Koji cất tiếng, tay chỉ vào đầu :
- Nhanh không phải ở tay nhanh ! Nhanh là ở đây. Cái nhanh đó từ phản xạ. Một phản xạ không điều kiện. Ðến độ đó, thực ra, phản xạ của cái đầu là cái lắng đọng từ sự chín chắn.
Mắt xa vời, trống không, giọng không thấp không cao, Koji ề à từng chữ :
- Sống kiếm là đường đi vào cái đích. Là đạo. Không rút kiếm ra nếu không cần. Ðã rút, nhập vào cái đích, thành Một. Ðầu, tay, kiếm và cái đích thành một thể bất phân nằm trên sợi tơ ranh giới căng ngang để nối liền sống - chết.
Koji đứng lên, chân vừa rùn bước là tay lóe ra một lằn quang ở trên chụp xuống, nhanh như ánh chớp dọc. Nhìn lại, Koji đã trở lại thế đứng bình thường, kiếm không biết lúc nào lại tra lại trong bao giắt chéo về phía trái theo chiều sống lưng. Nắm bàn tay Toàn Nhật đặt vào đốc kiếm, sửa lại thế đứng, Koji bảo :
- Tất cả là hơi thở. Rút, hơi ngưng. Chém, thở ra, khí thừa trụ xuống bụng dưới. Bây giờ anh tập đi. Rút và chém một trăm lần.
Nét mặt Nhật nghiêm lại, mắt ánh lên. Cứ như thế, Nhật rút và chém. Một lúc sau, Koji ra dấu cho Nhật ngưng kiếm, nhìn Nhật rồi nhỏ nhẹ :
- Anh vừa chết đủ một trăm lần đấy. Không đủ nhanh và chắc. Hơi thở từ rút đến chém bị đứt đoạn. Anh biết tại sao không?
Nhật lắc đầu.
- Khi anh rút kiếm, mắt anh có ánh lên thứ ánh sáng lóe đỏ màu căm hờn ! Chính sự căm hờn làm cái đầu không liền lạc với cái tay. Anh phải từ từ rũ bỏ sự căm hờn đó thì anh mới đạt được. Ba mươi năm nay, ngày nào tôi cũng rút và chém đúng trăm lần. Cả đời, tôi độc có ba đường gươm, chỉ thuần thành sau khi dứt bỏ được mọi vọng niệm ...
Nhật đưa giải áo lên lau mồ hôi trán. Ta căm hờn ư ? Căm hờn cái gì ? Ai ? Không biết. Nhưng có cái gì đó thúc giục, ấm ức. Nó như ở lặn trong lòng, vô lý vô lẽ, ùa ra để trừng phạt, phá phách không chủ đích.
Koji đến bên Nhật, nắm vai, đẩy Nhật về phía ven hồ :
- Sự căm hờn giảm ở đường gươm thứ ba. Ðường gươm đó nhanh hơn ...Này bạn, có gì bạn cứ nói, sao lại để trong lòng ?
- . . .
- Có lẽ chính bạn, bạn cũng chẳng biết nỗi căm hờn đó từ đâu đến, ở đâu ra ! Nó là Karma, nghiệp chướng. Cũng có lẽ, may ra thì kiếm đạo sẽ giải cái nghiệp ấy. Ðường gươm thứ ba của bạn nhanh hơn có nghĩa là nghiệp của bạn nhẹ đi...
Cất tiếng cười ha hả, Koji lại ê a hát, giọng khàn đặc nghe đặc quánh một đêm sáng trăng.
- Hẳn mùa xuân năm nay cũng đến sớm hơn.
Koji vui miệng kêu lên, mặc nét đăm chiêu vờn trên đôi mắt Toàn Nhật trũng sâu bóng tối.
*
« Quan Chánh dường Hoàng Tế Lý đến Phố Hiến hẳn không phải là chuyện thường » , ông Sìn vừa nói vừa tiếp tục gẩy bàn tính nghe lách cách :
- Cậu biết không, trước nay chỉ có công tử Ðăng Khoa xuống xét việc quan thôi, chắc lần này có chuyện quan trọng đấy.
Toàn Nhật nghe lơ đễnh, nhìn ra sông, hỏi :
- Chuyện gì ? Ông có đoán ra không ?
- Không, nhưng Quan Chánh muốn gặp cậu ngay. Ðúng giờ Tị ngày mai, cậu đến dinh quan huyện như ước hẹn, qua đây đi cùng với tôi cho vui.
Toàn Nhật ra khỏi hiệu thuốc, ngược phố Khách rồi tách về phía tây, lững thững đi về phía khu Nhà Thờ tìm Trọng Thức.
Sau khi được thả, Thức còn nấn ná ở Thăng Long ít lâu. Nguyễn Thiếp giục mãi, Thức mới rời đi Phố Hiến độ đã hơn tháng nay. Nhật đã nghe đủ chuyện Kinh Kỳ, từ cái âm mưu nhà Chúa phế Tông lập Cán, cho đến chuyện Tế Lý o ép phu tử đồng lòng việc soán ngôi vua bằng thủ đoạn lừa bỏ Thức vào ngục. Nghe Nhật báo rằng Tế Lý mai sẽ xuống Phố Hiến, Thức cười nhạt :
- Thế lực hắn vậy đã đủ chắc rồi mới bỏ Kinh mà đi được ! Nhưng có chuyện gì hắn phải đến đây ?
- . . .
- Dẫu sao thì Nhật cũng cứ phải gặp hắn. Và chớ quên là thấy rắn mà không đập được đầu thì tránh cho xa.
Nhật gượng cười, lơ đễnh :
- Công việc anh làm đến đâu rồi ?
Thức đứng dậy lôi từ hộc tủ một thếp có đâu đến cả trăm tờ giấy được xếp gọn ghẽ. Nhật cầm lên chăm chú lật ra từng tờ : một phần quyển từ điển Việt - Pha Lang Sa- La-tinh đã được bổ sung và tra cứu lại bằng công sức của Thức và giáo sĩ Charles-Antoine Sieyès. Thức hân hoan nói như reo :
- Dùng mẫu tự La-tinh để phân âm tiếng ta không khó khăn gì ! Duy có một số chữ chưa chỉnh. Như Ðức Chúa Trời, ngày trước họ viết thế nào mà đọc ra là Ðức Chúa Blời ...
Thức mơ màng, nói tiếp :
- Nhưng đó là tiểu tiết. Nếu dùng mẫu tự này, chỉ cần dạy ba tháng là một đứa bé lên sáu có thể đọc thông thạo dễ dàng. Như vậy, cái đống kinh sách phải học để đi thi thành ông tú, ông cử thì chỉ hai đến ba năm là ai cũng làu làu ... Ha ha, bút sắt sẽ thay bút lông để đuổi cho sạch giặc dốt !
Vừa lúc ấy, một người cao lớn bước vào, miệng lơ lớ nói : « Chào các ông ». Charles-Antoine Sieyès trạc trung niên, râu quai nón, lưng hơi khòm nhưng dáng nhanh nhẹ. Nghe Toàn Nhật hỏi thăm, ông ta cười : « Giê-su-ma lậy Chúa tôi, bình an, bình an ! » và thân mật nắm tay Thức, nói ngọng nghịu :
- Ông có lý, chuyển âm La-tinh sang tiếng Nôm phải chính xác, không nên lẫn lộn x với s, d với z. Chẳng hạn như xa với sa ... nghĩa khác hẳn. Nhưng thôi, trưa mai tôi không làm việc với ông được vì phải lên Huyện chầu quan lớn từ Kinh xuống ...
Nét lo lắng, Charles-Antoine thì thào : « Không biết có chuyện gì ? Cầu xin Ðức Mẹ ban phép lành cho giáo hữu ! ».
Charles-Antoine không rơi vào trường hợp một giáo sĩ bình thường. Ông ta vốn là anh em song sanh của Emmanuel Sieyès, một nhân vật khá lạ lùng của đám trí thức ở Paris, thường lui tới nhà dòng Jacobin phố St-Honoré. Mặc dầu xuất thân là quí tộc, Emmanuel học trong Dòng Tên, trở thành phó linh mục ở Chartre, nhưng lại thân cận với những người Hội Thánh cho là bất hảo, mỗi tối thứ tư là hội họp, rồi cùng nhau in những tờ báo truyền tay. Cảnh sát Pha Lang Sa được lệnh truy nã Emmanuel, nhưng lại bắt nhầm Charles-Antoine vì hình dáng hai người giống hệt nhau. Lúc đó Charles-Antoine vừa được thụ phong linh mục. Vị giám mục nhà thờ Ðức Bà can thiệp, với điều kiện Charles-Antoine xung vào Hội Truyền Giáo Paris đểù đi giảng đạo cho đám con chiên chưa được khai hóa ở tít tắpViễn Ðông. Ngài lạnh lùng kết luận : «Có gì đâu mà oan, thầy chính là Emmanuel, mặc áo nhà dòng và mang tên Charles-Antoine. Ðây, cảnh sát đưa trả nhà thờ sách vở của thầy. Có đủ loại sách Giáo Hội đã ra lệnh cấm. Sách của Rousseau, sách của Voltaire, sách của Montesquieu. Và cả những tờ giấy truyền đơn của đám vô thần bất hảo ở phố St-Honoré ».
Bứt rứt nhìn Thức, Charles-Antoine tỏ vẻ lo ngại. Kinh nghiệm cho ông biết là gập quan càng to thì tai họa càng lớn. Dạo hai năm trở lại, giáo hữu bị đẩy vào thế cùng, có lúc đã định trang bị giáo mác để tự vệ. Biết rằng như thế là rơi vào cái bẫy để cho Triều đình đàn áp bằng võ lực, ông đã phải viện một trong mười điều nghiêm cấm của Thiên Chúa, tuyệt đối không cho giáo hữu tự vũ trang, nếu trái lời có thể bị rút phép thông công.
Toàn Nhật cảm thấy ngài ngại, chắp tay cáo từ, nói với lại với Thức :
- Koji nhắn mời anh đến dùng trà ngày tròn trăng, nhớ nhé !
*
Hôm sau, Nhật lên dinh quan Huyện . Vừa vào cửa, Nhật thoáng thấy bóng lão Thuyết chủ chiếc quán ven sông lẩn nhanh ra sau, tự nhủ thầm là người làm cho Viện Nội Mật quả thật len lỏi khắp nơi.
Hoàng Tế Lý vẫõy vào. Nhật chắp tay thi lễ, rồi đứng dưới trướng đợi như dăm ba người mặt quen có, mặt lạ có. Lý đứng dậy, tươi cười nắm tay Nhật, kéo riêng ra cửa sổ ở cuối phòng, miệng bảo :
- Thật là chóng, thế mà đã mấy tháng cháu rời Kinh rồi.
Tế Lý báo Nhật biết tin phu tử sẽ ăn Tết ở Thăng Long, sau mới về Nghệ An, nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến Trọng Thức. Cuối cùng, Tế Lý dặn Nhật về nhắn Mishima cứ đợi ở nhà, khi hết việc trên huyện, đích thân Lý sẽ tới thăm ngày mai.
Ôm vai Nhật đưa ra cửa, Lý bảo :
- ... ngày nào đó về Kinh, ta sẽ đích thân dạy cho vài đường kiếm họ Hoàng.
Nhìn xoáy vào mắt Nhật, Lý rành rọt :
- Kiếm gia truyền không bao giờ ai lại dạy cho người dưng. Cháu phải biết, không như kiếm cách của Phù Tang đâu !
Nhật ớn lạnh xương sống, ngay việc tập kiếm với Mishima cũng đã đến tai Lý. Mọi việc lớn nhỏ ở Phố Hiến không phải là qua được cặp mắt và tầm tay của Viện Nội Mật.
Khi chia tay, Toàn Nhật cúi đầu vái Lý dưới thềm. Ðột nhiên, mặt chàng rừng rực nóng. Hít không khí vào đầy lồng ngưc, Nhật chậm rãi thở ra, nhưng mắt chợt thấp thoáng bóng người đàn bà ở miếu Ba Cô, lưng quay về sông Nhị, tay phe phẩy gió.
Nhật về thẳng nhà để báo tin. Koji đặt chén nước uống xuống bàn, tay mân mê chiếc quạt. Ðẩy chiếc mành cửa chạy dọc, vuông sân trải sỏi trắng hiện ra, trống trải, mông lung, lờ mờ những nếp gợn đều đặn đồng tâm như gợn nước. Ở góc sân, phía mặt trời mọc, hòn đá tảng màu xanh ngắt trơ vơ.
Koji trầm ngâm, quay sang Toàn Nhật hỏi :
- Quan Chánh dường không dặn giờ nào ?
- Không.
- Bằng hữu, Koji nhăn mặt, chúng ta phải tiếp ngài cho dúng phép tắc và nghi lễ Nhật Bản.
Dặn dò Nhật ra lệnh cho gia nhân đốt đèn lồng lên, Koji lại bắt tất cả mọi người phải mặc trang phục đại lễ. Ngoài ra, Koji bắt tìm ngay bốn mươi chín con bồ câu trắng để khi quan đến, thả cho bồ câu chân buộc nhiễu bảy sắc bay lên.
Koji vỗ vai Nhật, mỉm cười, hỏi thẳng :
- Sáu năm qua, ai làm với tôi đều bí mật báo công việc về Kinh. Riêng bằng hữu là không phải làm chuyện đó, sao lại vậy ?
Thấy Nhật ngơ ngác, Koji xuề xòa tiếp :
- Nhưng nào có quan trọng gì ! Quan Chánh dường đến tận đây thì có lẽ chúng ta sắp phải chia tay. Có hợp, ắt có tan. Bạn hãy nhìn mây trời ...
Toàn Nhật sửng sốt. Sao ? Tại sao ? Gió mỗi lúc một nhanh lên. Trên trời mây vỡ thành những con chim ùa ra vỗ cánh trôi đi tan tác. Chàng quay lại, tay nắm lấy Koji, hốt hoảng :
- Tôi không hiểu ?
Koji đứng lên, cười nghiêm nghị, rồi thoắt ra cửa, mồm gọi đám gia nhân sửa soạn công việc tiếp đón khách nhà quan.
Tối hôm ấy, Koji bận xét lại sổ sách, sột soạt đến khuya. Toàn Nhật tập kiếm một mình, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng hát khàn đặc, ê a vẳng lại.
Xế chiều ngày hôm sau, khi mặt trời mới chếch về tây, tiếng chân ngựa rầm rập. Koji hét cho gia nhân mở rộng hai cánh cổng chính. Những con bồ câu trắng chân buộc giải nhiễu bảy sắc đập cánh bay lên. Tế Lý oai vệ bước vào, đi ngay sau là Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh được điều từ Duyên Hải về Phố Hiến, mang chiến thuyền đến đón Lý đưa về Kinh bằng đường thủy. Koji khom người đưa Lý lên ngồi, rồi quay về quì bên cạnh Toàn Nhật, xử sự theo phong tục Nhật Bản của kẻ bề dưới đối với người trên. Tế Lý yên vị, tay rút ra một cuộn giấy, lẳng lặng đọc tuyên chỉ do chính chúa Trịnh Sâm truyền :
« Năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi mốt. Hạ chỉ giáng phong kiều nhân Koji Mishima, người đất Phù Tang, là Ðông Ngoại Hầu, hàm nhất phẩm, và truyền cho về chầu tại chính phủ vào mồng hai tết Nguyên Ðán năm Tân Sửu ».
Koji ngạc nhiên, nhưng vẫn trầm tĩnh, gập đầu xuống đất miệng cảm tạ, quai hàm cắn chặt làm nổi những sợi gân xanh trên thái dương. Tế Lý đứng dậy, xuống nâng Koji lên, miệng tươi cười :
- Ngài là quan nhất phẩm của triều đình, tước hầu cũng như tôi, xin ngài cư xử như đồng liêu.
Quay sang Nhật, Lý cũng đưa một tờ sắc chỉ, tiếp :
- ... mở ra, cứ mở ra đọc đi.
Nhật chăm chú : « ... nay truyền cho Võ Toàn Nhật nhậm chức Chưởng cơ đội Trung Kính, chớ chậm trễ trái lệnh ».
Hữu Chỉnh đứng bên hà hà cười, xen vào : « Mừng Võ tướng quân, thế là lúc nào cũng được gần gũi quan Chánh, và tha hồ học hỏi để thăng tiến trên đường công danh nhé ».
Ðưa tiễn đám quân quan đến tận bờ sông, Koji cùng Toàn Nhật thả bộ về. Nét mặt Koji lúc càng đăm chiêu, lẳng lặng đi như không có Nhật bên cạnh. Trên đê nhìn xuống sông, những cánh buồm trắng chớm ráng đỏ chiều tà trên ba chiến thuyền đã căng phừng phựt gió, lướt phăng phăng về xuôi.
Nhật ngửng mặt lên nhìn trời. Ai đó thả chiếc diều to bằng chiếc nia có gắn những ống sáo trúc. Tiếng sáo văng vẳng bay theo sức gió trầm bổng. Chợt Nhật nhớ đến Chương Tề Vật trong Nội Thiên của Trang Tử. Chàng lẩm bẩm :
« Hiện nay ta mất ta, mi biết thế chăng ? Mi nghe biết sáo người mà chưa nghe biết sáo đất ? Mi nghe biết sáo đất mà chưa nghe biết sáo trời chăng ?
Chàng ngạc nhiên nghe Koji đọc tiếp, giọng ê a :
«…Kìa gió thổi nên muôn tiếng không giống nhau. Nhưng mà khiến cho nó tự thôi đi, hoặc nó tự gào lên, ấy là ai ?».
*
Trọng Thức khom lưng quì gối chui theo Toàn Nhật qua cánh cửa vừa lọt người vào trà thất. Ngồi dợi bên trong, Koji vái chào hai người :
- Ða tạ bằng hữu, đêm nay trăng vừa đúng độ, thú vị vô cùng.
Trà thất rộng độ hai mươi thước vuông, cao vừa đủ chiều cao một người đứng, trang trí sơ sài, vách là giấy bồi trên những khung gỗ. Theo lệ, không có ai được mang đao kiếm vào trà thất, khom người chui vào là để dập cho tắt cái kiêu, gây lại đức khiêm, và uống trà trong thể hòa, cái thế tĩnh lặng của bản thể. Koji nhẹ nhàng kéo khung cửa sổ. Ở chỗ ngồi, tầm mắt của cả ba người là chiếc cầu vắt qua hồ, và bờ bên kia là cây đào Phù Tang sớm nở hoa. Loại đào này Koji mang sang từ vườn nhà mình, hoa sống thường được xuýt xoát ba tháng, từ tiết lập đông cho đến khi qua Tết. Koji nhìn Thức :
- Bằng hữu là anh của Toàn Nhật nên là khách quí của tôi. Từ ngày cư ngụ Phố Hiến, bằng hữu là người thứ nhì tôi có cái hân hạnh mời vào trà thất. Hai năm trước đây, tôi có tiếp một vị, tên là Tiệp Dư, tự xưng mình là cuồng sĩ ở Hoan châu, không biết giờ này ông ta trôi giạt đến nơi đâu ?
Vừa nói, Koji vừa thoăn thoắt xoay tròn một cái chổi tre trong chiếc bát gỗ to bằng bát canh. Bên cạnh, chiếc nồi đồng reo lên như hát, hơi nước phun lên từng lớp. Chiếc nồi rất đặc biệt, chính giữa là một trục rỗng chứa những hòn than đốt đỏ, nước trong nồi xung quanh trục sôi rất đều. Trịnh trọng đổ nước vào những lá trà xanh trong bát đã đâm nát, Koji cẩn thận sang ra những chiếc chén to bằng chén tống, rồi sụp người vái khách mời uống.
Ngoài trời, trăng tròn vằng vặc. Thỉnh thoảng, tiếng chim ăn đêm vảng lại. Koji đưa tay ra nâng chiếc đàn Koto treo trên vách, nghiêm trang :
- Tôi xin hát hầu hai bạn
Tay nhẹ nhàng gẩy lên những tiếng khoan nhặt thưa thớt, miệâng Koji ê a :
Kareeda ni ( Trên cành khô )
Karasu no tomaritaru ya ( chim qua đậu )
aki no kure ( chiều tàn mùa thu )
Tiếng hát đứt quãng nghe não ruột. Koji ngưng hát :
- Ðây là thơ thể haiku. Cứ năm âm, bảy âm rồi năm âm là dứt .
Toàn Nhật vui miệng :
- Thơ tứ tuyệt, mỗi câu bốn chữ, cộng lại là mười sáu âm. Anh Thức dịch hộ đi xem.
Thức ngẫm nghĩ rồi đọc :
Cành khô quạ đậu
chiều tàn âm u
hơi may lành lạnh
đâu đây mùa thu
Nhìn ra cây đào Phù Tang ở bên kia hồ, Thức nhẩn nha tiếp :
- Tôi thêm vào câu thứ ba, thưa nó không ở bài Haiku gốc. Buộc phải thế cho đủ mười sáu âm trong nhạc thơ tứ tuyệt, nhưng dịch như thế là chưa phải. Theo tôi, phải làm sao có đủ mười bảy âm và giữ được thể nhạc mới đúng là dịch thơ.
Koji ầm ừ, bỗng như xa vắng hẳn, im lặng một lúc rồi khàn khàn lên tiếng :
- Thầy từ hai đời của tôi là Kamono Mabuchi, người đã sáng tác ra thể Waka gồm ba mươi mốt âm ngữ. Cho rằng cái học đến từ Trung Quốc làm cho dân Nhật không còn chân thực và thuần phác như thể hiện qua những vần cổ thi trong thiên Manyoshu, ngài cổ vũ Quốc học phái Kokugaki. Sau, học trò ngài, là Motoni Norigana tiếp tục con đường đó, nghiên cứu cổ sự ký Kojiki, cho rằng phải trở về gốc là Ðại hòa tâm Yamatogo koro, đưa nước Nhật về thời Kodai (Cổ đại) inishie (thuở xưa), bỏ hết phép tắc Tống nho đã khiến dân Nhật quá ‘’khôn ngoan’’ mà thành ra những kẻ tội nghiệp đáng thương...Norigana là thầy, Sansei, của tôi.
Koji ngưng nói, xoay chén trà trong tay, rồi bỗng cười nhẹ :
- ... Lý tưởng là thuở ngày xưa đằng sau, mà tương lai thì mênh mang trước mặt. Người Hòa Lan đến Nhật Bản với súng ống, giúp Shogun Ieyasu Kokugawa thống nhất sau một thế kỷ nội chiến. Rồi sau là người Bồ, người Tây ban Nha. Thế giới không còn thu lại một mảnh quần đảo. Thuyền buôn tới, thuyền buôn đi, cứ mỗi lần lại thấy khác, người khác, hàng khác. Vì thế, nếu quay về quá khứ mà sống thì làm sao có thuyền Nhật Bản cũng ra khơi hội nhập vào giao thương thế giới ?
Sansei Norigana mắng tôi : « Gốc ở mình không biết rõ, nhằm mang cái biết ngoại vật thì chỉ nhiễu loạn ! ». Nhưng thực ra, ngoại nhân đã đến nước Nhật rồi, và dẫu có bế quan tỏa cảng thì cũng chẳng được lâu, cho nên tôi xin lên đường, rồi tháng tháng thư về cho Sansei, kể những chuyện tai nghe mắt thấy ... Là vũ sĩ, tôi nay lệ thuộc vào giai cấp thương gia, nhưng ôm trong lòng mối nợ Sansei. Bỏ thầy đi, tôi chỉ mong tìm ra một cái nhìn rồi một ngày nào đó trở về quì dưới chân người dâng lên một cách nhìn mới. Tôi đã giấu giữ được một trong ba mươi hai bản mộc Kaikodu Heidan của Lục Vô, con người « không vợ, không con, không cha mẹ, không bản mộc, không tiền và cũng không muốn chết », đang bị giam chung thân. Ðọc xong, Sansei quẳng trả sách, bảo tác giả nó đã mất tính giai cấp vũ sĩ vì không phải là không muốn, mà là không dám chết.
Hai năm sau, tôi dâng lên tập Seiku Monogatori ( chuyện các nước phương Tây) do Honda Toshiaki lược thảo, chủ trương khuếch trương kinh tế và phát triển mậu dịch. Sansei tôi quát : «... thôi, đi đi. Trở thành thương nhân là cái gốc giai cấp của mi. Nước Nhật không cần hạng người này ! ». Từ đấy tôi lên đường vượt biển qua Ấn Ðộ, rồi Mã Lai, và mấy năm nay đến ngụ Phố Hiến. Nay muốn đi cũng chẳng đặng - Koji thở dài, ôm lấy cây Koto, bật giây, ê à - nhưng thế mới gặp được các bằng hữu.
Koji lại hát :
Những con kiến nhỏ nhoi
chạy hàng dọc trên cành đào gẫy
Ai bỗng ngừng tay thoi
Giọng hát ngân nga não nùng, thỉnh thoảng chen vào tiếng cá quẫy trong hồ, và tiếng dế mèn kêu đêm. Thức nâng chén trà, nghĩ ngợi mông lung. Những vấn đề Koji đặt ra cho Nhật Bản cũng là những vấn đề đặt ra cho xứ sở này. Nhưng họ, họ có những kẻ như Lục Vô Shihei, như Toshiaki. Còn ta, hừ, ta chỉ độc toàn những người nhắc lại Tam Cương, Ngũ Thường, và rủ nhau ngâm vịnh. Thức lại xót xa nhớ Dương Quang, người bạn tù, cũng đã từng lên đường lưu lạc như Koji.
Toàn Nhật phá vỡ bầu im lặng :
- Ðêm nay sương xuống, lại có trăng.Các vị chắc còn nhớ Lý Bạch, « Cử đầu vọng minh nguyệt. Ðê đầu tư cố hương ». Ðó là nỗi lòng của Koji. Xin anh Thức ngâm cho chúng tôi nghe ?
Trong đầu Thức, những câu thơ tuyệt diệu vẳng lên. Nhưng cổ họng thắt lại, Thức bùi ngùi :
- Nghe chuyện Koji kể, tôi vừa lập thệ rằng từ nay sẽ không ngâm vịnh gì nữa. Bây giờ bao nhiêu điều khác cần hơn. Ðã gấp rồi !
Koji để ý trên khóe mắt Thức thoáng đọng chút gì long lanh như ngấn nước có lửa.
*
Khoảng tháng chạp, những vườn mai chạy dọc theo đê sông Nhị đã chớm vàng. Quán lão Thuyết tấp nập hơn. Khách thương ra vào, hàng hóa bốc dỡ cứ như theo độ Xuân về, ào ạt chiếm cứ những khoảng đất có căng những mái tranh làm tạm để tránh mưa chặn nắng. Theo lệnh Tĩnh-đô Vương Trịnh Sâm, đám giáo hữu Gia Tô phải rời qua Ða Phạn, một miệt biển ở trấn Thanh trước Tết, lý do đưa ra là dân tả đạo không được làm nghề nông mà phải chuyển sang nghề khác. Thật mà nói, Sâm nhượng bộ đám cường hào muốn chiếm đất của giáo hữu, đã ba lần bẩy lượt làm áp lực lên bọn quan phiên. Dân Phố Hiến xôn xao bàn bạc, kẻ phải đi tìm mối bán ruộng bán đất, người ở lại kì kèo dìm giá, và cư dân vùng Thái Bình mon men xuống tìm cách lấn đất định cư. Bọn thư lại Huyện có dịp làm tiền, mặt mũi trông rõ ra kênh kiệu trước cái nhớn nhác của đám con chiên Chúa Blời. Giáo sĩ Sieyès từ Phố Hiến vào Ða Phạn, đi đi về về mấy lượt, đầu óc căng thẳng nhưng vẫn giữ được nụ cười sau hàm râu quai nón lớm chớm bạc. Công việc bổ xung từ điển Việt -Pha Lang Sa- La tinh ngưng lại mặc dầu Trọng Thức đã bước đầu hoàn chỉnh phương cách phiên âm chữ nôm bằng mẫu tự An-pha-bê. Phần Toàn Nhật, chàng phải thanh toán tất cả sổ sách của Nhật Bản thương vụ. Koji đã quyết định ngưng công việc ở Ðàng Ngoài cuối tháng này, ngày nào cũng đăm chiêu viết lách, bỏ mọi sự ngoài việc tập kiếm với Toàn Nhật mỗi tối.
Trưa hôm ông Táo về chầu trời, mưa bụi lất phất bay. Vài ngày nay, gia nhân đã lần lượt về hết, nhà chỉ còn một ông lão bộc lo việc cơm nước. Suốt đêm trước, Koji lục xục viết lách. Sáng ra, Koji đốt trầm, ngồi im lặng nhìn về phía sông, mặt mũi tươi tỉnh. Tiếng đàn Koto lại vẳng lên, đứt khúc, hòa theo giọng hát ê a theo tiết âm thơ Haiku, lúc nào cũng như nghẹn ngào oán thán. Ðúng ngọ, Koji mời Toàn Nhật ngồi uống Sakê. Koji rót rượu rồi trầm giọng hai tay đưa lên, nhìn Nhật đăm đăm một lúc, nhẹ nhàng :
- Bằng hữu! Tay kiếm bạn bây giờ khá rồi. Ánh căm hờn chỉ còn thấp thoáng đường gươm đầu, nó đang dần dần tan đi ...
Ðẩy thanh gươm về phía Nhật, Koji tiếp :
- Thanh gươm này đã sáu đời là gươm dòng họ vũ sĩ Mishima. Ðến Phố Hiến, từ nay nó thuộc về bạn.
Ðưa tay chặn không cho Nhật nên lời, Koji tiếp, giọng nghiêm nghị :
- Xin chớ chối từ, gươm này thuộc đẳng cấp vũ sĩ, chỉ có thể trao lại cho vũ sĩ. Và dưới mắt Koji này, bằng hữu là vũ sĩ dòng Mishima kể từ khi bằng hữu học đường gươm đầu, đổi lại là một ân sủng như tôi đã thưa. Nhưng thôi, khoan nói đến chuyện ân sủng vội ...
Nhìn ra vườn đá sỏi hoang vu lờ mờ gợn những vòng không của dấu vết tạo thiên lập địa, Koji im ắng một lúc, rồi lại ê a :
- Chắc bạn không biết tại sao tôi được Tĩnh-đô Vương phong hầu ?
- ...
Tay mở chồng giấy xếp gọn ghẽ trong một cái khay sơn mài vuông vắn, Koji đưa một tờ cho Nhật, hàng chữ đầu đề « Luyện kim yếu pháp », giải thích :
- Vương phong hầu cho tôi là mong đoạt yếu pháp này. Sáu năm trước, tôi có giao hai mươi khẩu súng thần công lên Kinh. Bắn thử, đường đạn lệch lạc không chính xác như những khẩu trước. Tĩnh-đô Vương quở, và cho mang súng trả lại. Nhật Bản thương hội phái thợ rèn, mang yếu pháp qua đốt lò làm bễ, sửa nòng súng. Sửa được, nhưng Vương biết, đòi lấy yếu pháp. Tôi bảo thợ rèn đi trốn, khai với Vương là không có, bảo rằng yếu pháp đã được đem về Phù Tang. Dĩ nhiên là Vương không tin, cấm tôi không được rời Phố Hiến, cho người theo giám sát.
A ha, nếu Ðàng Ngoài này mà rèn được súng thì Ðàng Trong không chống nổi, đấy chuyện phong hầu cho tôi nó là thế ... Tôi không nhận thì không được. Tôi nhận mà không làm nòng súng, tất phải chết như kẻ bề tôi không hoàn thành trách nhiệm. Nhưng nếu tôi tham sống mà làm súng thì biết bao nhiêu mạng người Ðàng Trong sẽ tiêu vong ... Ôi chao, cái nghiệp này chỉ nghe qua tôi đã rùng mình rồi, bằng hữu ạ !
Koji đưa tay gạt một sợi tóc xòa trên trán :
- Ðàng Trong đánh, Ðàng Ngoài đỡ. Rồi Ðàng Ngoài đâm, Ðàng Trong chém - Koji cười nhạt - cứ thế đã cả trăm năm rồi. Ðâm chém thế, làm sao thành được một quốc gia. Không ! cái nghiệp dĩ này sẽ biến dân tộc các bạn thành một dân tộc chia rẽ từ trong tâm thức. Cùng gốc gác, cùng phong tục ngôn ngữ, nhưng chém giết nhau mãi thì cứ thù hận, cứ nghi kỵ, tạo ra cái nghiệp còn nặng hơn là phải đối phó với ngoại nhân. Nó như căn bệnh vô hình vô sắc, đục ruỗng ra từ bên trong, nguy hiểm gấp trăm lần mụn nhọt mọc bên ngoài thân thể.
Koji châm lò, tay cầm từng tờ giấy xé ra từ cuốn « Luyện kim yếu pháp », thủng thẳng bỏ vào lửa, trầm ngâm nhìn tàn giấy sém đỏ cong queo.
Koji nói tiếp :
- Trí tri ư ! Tốt. Nhưng nếu ý không thành thì tâm không chính. Lúc ấy cái biết nó quay lại tàn hại con người mà động cơ là dục vọng tầm thường. Bằng hữu , đôát xong «Luyện kim yếu pháp » là tôi sẽ bước chân vào một con đường. Nhưng thật ra, con đường đó tôi đã chọn nó trước rồi, từ ngày tôi đề cập với bạn về cái ân sủng bạn sẽ phát ban cho tôi ...
Con đường đó là đạo : tôi sẽ hành xử theo phép thiết phúc Seppuku để sống trọn vẹn với Sansei tôi là Norinaga. Sau đó, cúi xin bằng hữu gửi đoản kiếm vũ sĩ của tôi về cho thầy tôi, với hàng chữ tôi đã viết sẵn trên mảnh vải này dùng để bọc kiếm ... Tôi viết rất giản dị :
« Ðệ tử Mishima thiển nghĩ Ðại Hòa tâm là quá khứ, còn tương lai của Nhật Bản ở phía trước, nên làm phép thiết phúc, xin Sansei nghĩ lại ».
Trường kiếm này bằng hữu giữ lấy. Tôi tin bạn sẽ dùng nó như một vũ sĩ chính đạo. Chiều nay, vào cuối giờ Thân, khi mặt trời lặn, kiếm này chặt đầu Mishima, ở chặng cuối cùng của phép Seppuku. Bạn Toàn Nhật, bạn sẽ ban phát cho tôi cái ân sủng tối thượng, giữ danh dự vũ sĩ cho tôi. Vâng, cái ân sủng đó tôi đã xin bạn từ lâu, và đổi lại cho công bằng là ba đường gươm của dòng họ ...
Toàn Nhật sững sờ, mồm há to, ấp úng kêu :
- Trời ! hỡi Trời ...
Chân tay Nhật cứng ngắc như bị vọp bẻ, nước mắt ứa ra chan hòa trên mặt. Chàng quì xuống trước mặt Koji, mặt úp xuống đất, tức tưởi :
- Koji, Koji ! Bạn tôi. Ép tôi đến thế ư ?
Ðỡ Toàn Nhật lên, vỗ về, Koji nghiêm trang :
- Không ai ép được ai! Ðó là một danh dự. Tôi biết là chém đầu không nằm trong cung cách xứ bạn. Nhưng nếu bạn không có can đảm cho tôi cái ân sủng đó, thì tôi chết đi nhục nhã, thành một con quỉ không đầu, theo bạn đến ba nghìn năm sau để đòi lại ba đường gươm. Ha, ha, bằng hữu ! Mà chết ư ? Nếu không biết sống thì biết được thế nào là chết. Ta biết chết, bởi vì ta đã biết sống. Bằng hữu, đừng cho rằng sống chết là hai thể. Một, vâng, « tử sinh đồng nhất thể », đã vậy còn sợ gì, còn tham gì ?
Toàn Nhật mím môi, nhắc lại như nói với mình, sống chết chính là một, sống chết chính là một. Còn sợ gì ? Còn tham gì ? « Tử sinh đồng nhất thể - Hà úy hựu hà kinh ».
Nhìn ra sân sỏi, nắng quái ở đâu vừa đến. Phía bờ sông Nhị, cầu vồng sau cơn mưa cong lên làm một nửa vòng tròn, đầu bám vào chỗà không có.
Koji phanh áo kimono, kéo cho trễ xuống đến bụng được nịt chặt bằng những cuộn vải trắng cuốn quanh. Rút cây đoản kiếm dài ba tấc để trước mặt, nét mặt bình thản đến lạnh lùng, Koji nhắm mắt nhập vào khoảng hư vô bao trùm cõi tạm chốn thế gian. Tiếng sáo, lại tiếng sáo diều trên đê. Sáo người ? Sáo đất ? Hay sáo trời ? Koji nhếch mép cười, tươi tắn nhìn Toàn Nhật :
- Lấy thế đi !
Hai tay cầm lấy chuôi đoản kiếm, rồi quay ngược lại, Koji miệng cười âu yếm nhìn trời, nhìn đất, và bất ngờ đâm mạnh vào bụng dưới phía trái. Ðau đớn làm gập người xuống, nhưng Koji lại từ từ ngồi thẳng dậy, miệng khàn đặc ê a : «Những con kiến nhỏ nhoi » rồi đứt quãng, thở hồng hộc, « chạy hàng dọc theo cành đào gẫy ». Koji gắng hát tiếp : « ai bỗng ngừng tay thoi ...».
Thời gian chùng xuống, giãn ra, biến thành chất lỏng trộn vào chỗ vô hình vô tướng. Toàn Nhật hươi kiếm ngang đầu, sẵn sàng đường gươm thứ nhất. Koji quát lên, hai tay hết sức kéo cây đoản kiếm lên trên, lưỡi chếch về bên phải. Máu phun ra có vòi, tràn như nước vỡ bờ, nhuộm đỏ giải nịt vải trắng. Koji gục xuống, nhưng vẫn tiếp tục hát : « những con ... kiến ...nho nhỏ », rồi lại gượng người ngồi thẳng dậy, cổ cong ra phía trước, hét :
- Trảm !
Một nhát gươm lóe lên.
Ðó là lần đầu tiên đường gươm thứ nhất Toàn Nhật phát ra mà mà mắt không có một chút căm hờn nào. Trái lại, nó đầy ánh cảm thương. Ðó cũng là lần đầu tiên Toàn Nhật chém đầu một người. Oái ăm làm sao, người đó lại là một người Nhật đội ơn và yêu quí.
Ðứng như tượng đất, vô hồn, bất động cho đến lúc trời tối hẳn, Nhật mới định thần lại, òa lên khóc. Tiếng khóc ban đầu ấm ức trong cổ, sau to dần rồi vỡ tung ra thành tiếng gào, tiếng rú, tiếng sấm, tiếng sét. Vườn bên, trong đêm đen thăm thẳm, bỗng có tiếng mưa lộp độp trên những tàu lá chuối.