Đọc hai kỳ hội thảo "Hậu Chân dung và Đối thoại" do Người Tràng An gửi email tới, tôi không khỏi băn khoăn trước một số câu hỏi tự động được đặt ra: "Để làm gì?"," Nhằm hướng đến cái đích gì?"...
Trên "bàn" hội thảo của chúng ta hiện nay theo tôi nghĩ có bốn cái bình. Bình thứ nhất: Cái gọi là "nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa"; Bình thứ hai: Những người cầm bút ở miền Bắc Việt Nam từ 1950-1975 và ở trong nước từ 1975 đến nay; Bình thứ ba: Nền văn chương Việt Nam ở hải ngoại; và Bình thứ tư: Những người cầm bút Việt Nam ở hải ngoại.
Nào, bây giờ chúng ta hãy thử nếm mỗi bình một chút xem mùi vị nó như thế nào? Mỗi người nếm xong sẽ cho nhiều ý kiến khác hẳn nhau (Tất nhiên! Vì mỗi người đều có cái lưỡi khác nhau. Người có cái lưỡi của hoàng đế, như trong phim tập Hongkong "Càn Long yến tiệc" mới đây; người quanh năm ăn cá muối có cái lưỡi của dân miền bể mặn mà; người ăn ớt hiểm cực cay có cái lưỡi cay nồng v.v... và v.v...)
Để cho công bằng, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại các bài tiểu luận của một số tác gia sống tại hải ngoại: Võ Phiến, Minh Đức Hoài Trinh, Thế Giang, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Thị Hoài, Đỗ Quyên... Tôi là thằng ít đọc, nên tôi nghĩ ra một cách (bắt chước lối của Tây) là gửi tới 15 vị có tiếng là đọc nhiều ở khắp mọi nơi (email bây giờ rẻ và nhanh lắm) thỉnh ý kiến các vị đó xem mùi vị bốn cái bình ra sao?
Sau đây là ý kiến của đa số các vị: Ở Bình thứ nhất- Bình văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa: "Mùi máu, mùi tanh nồng của thức ăn bị hỏng để lâu ngày, mùi hôi của lớp người bị bần cùng hoá, mùi nước hoa rẻ tiền của những kẻ được ân huệ sang thăm nước ngoài, mùi thuốc súng, mùi xác chết đã bắt đầu thối rữa, mùi giấy thông tri, nghị định, nghị quyết từng chồng, từng chồng bị ẩm mốc..." Tóm lại, "mùi của sự chết, của sự cáo chung!" (Danh từ do chính Lê Lựu, một nhà văn nổi tiếng trong nước sử dụng khi nhận định về văn học hiện thực XHCN) Các bạn có đồng ý với nhận xét như vậy không?
Còn chúng ta thấy gì ở trong Bình thứ hai? Đây là những gì mà tôi thu lượm được từ ý kiến của 15 vị: "Những người bị bần cùng hoá, bị lưu manh hoá, quan lại hoá, những con người vừa đáng thương lại vừa ti tiện, những kẻ ăn bẩn, những người đang tuyệt vọng hoặc mấp mé bên vực thẳm của sự huỷ diệt, những kẻ đang dẫm đạp loạn lên đầu lên cổ đồng nghiệp để tìm chút ân huệ từ bề trên, những nho sỹ Bắc Hà kiểu cũ trùm chăn, những kẻ mắc chứng Bách hại cuồng (thấy kẻ thù ở khắp mọi nơi), bọn xu nịnh đầy ăm ắp..." Có vị còn nhắc nhở tôi rằng: "Có cái quái gì đáng phải bàn trong cuốn sách CD&DT đâu cơ chứ? Đọc kỹ mà xem, vẫn còn đầy rẫy giọng nịnh!" Tôi có đọc lại và thấy thật đúng vậy, CD&DT còn chưa gột hết được giọng nịnh vốn là cái căn bệnh "sợ" đã ăn nhiễm vào tim, tuỷ, gan, óc của các văn nhân Xã Hội Chủ Nghĩa! Một nhận xét rất "độc" là: Sở dĩ CD&DT được độc giả trong nước đọc nhiều và thích chính vì đã bớt đi được rất nhiều giọng nịnh "cổ truyền" của văn học XHCN!
Ôi! Đâu rồi những Nguyễn Tuân với tính cương trực, thẳng thắn đến mức cực đoan; đâu rồi những Phùng Quán với "yêu thì bảo là yêu, ghét thì bảo là ghét" để đến nỗi suýt rục xương trong tù, đâu rồi những Hữu Loan nhất quyết không chịu hợp tác ca ngợi những kẻ nhân danh Đảng... Tôi chắc họ vẫn còn nhiều lắm lắm ở trong nước, nhưng thời thế đã khiến họ phải ẩn mình, náu thân trong các quán bia và khói thơm hàng bún chả!
Xem ra, các ý kiến cho biết về Bình thứ nhất và Bình thứ hai toàn điều không hay, những nhận xét hay ít lắm, đại để toàn giọng... lưỡi gỗ! (Hoá ra bệnh lưỡi gỗ không phải chỉ ở trong nước mà ở hải ngoại cũng trầm trọng lắm) Nào là "nói chung có một số nhà văn trong nước phản ánh được phần nào cuộc sống nhân dân", nào là "văn học phản kháng đã cất lên tiếng nói trung thực và sâu sắc, không thể bỏ qua", nào là "phải thông cảm người cầm bút trong nước có quá nhiều hệ luỵ nên việc uốn cong ngòi bút là điều khó tránh khỏi", nào là...
Bây giờ ở Hai bình còn lại: Bình văn học hải ngoại và Bình người cầm bút hải ngoại ý kiến thế nào? Rất lạ lùng là cũng quá nhiều cái không hay và quá ít cái hay không kém gì hai cái Bình đầu (thậm chí còn hơn một chút, có lẽ do thấm nhuần đạo đức "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" chăng?) Tôi xin liều lĩnh trích ra ở đây một vài ý kiến về Bình văn chương hải ngoại: "Mùi tanh của hàng tôm, hàng cá, rồi mùi bơ, phó mát rẻ tiền, mùi cà chua, trứng thối, mùi chuột chết và mùi phân người ủ lâu ngày, một ít mùi phở trộn mùi khét nồng của đạn bắn lén, mùi phấn son đắt tiền trộn với mùi hôi nách và mùi rượu XO v.v..."
Ở Bình người cầm bút hải ngoại đa dạng hơn trong nước nhiều: "Trí thức thứ thiệt lẫn với trí thức giả, anh dân quê miệt vườn lẫn với thằng lưu manh chợ trời, Thạch Sanh có một ít lẫn trong vô vàn Lý Thông, vài anh đánh cá ngu ngơ lẫn với dăm ba tay buôn tàu bán bè khét tiếng Sài Gòn xưa, vài ông đồ già cũ lẫn với đám bán cao mãi võ bến tàu bến xe v.v... và v.v..."
Có hai ý kiến còn phát hiện cái thấy rất lạ: một ý kiến nói nhìn thấy một lũ ốc mượn hồn trà trộn rất nhiều trong Bình người cầm bút hải ngoại. Ý kiến này giải thích rõ thêm tại sao lại gọi là mượn hồn: là loại người nghe hơi nồi trõ dăm ba câu chuyện, chỗ này một ít, chỗ kia một ít, thế là phóng lên báo thành cả một sản phẩm văn chương và hỉ hả như chính mình là tác giả của các sản phẩm đó. Ý kiến này bình luận thêm: "Loại ốc mượn hồn này lạ lắm, ăn cơm Thái, ngồi sô-pha da trong phòng điều hoà mát rượi, sáng tác những truyện lâm ly bi đát của lớp người cùng khổ đang vùng lên bằng một trí tưởng tượng không đâu, một loại trí tưởng tượng rất ít logic, mà đỏng đảnh như gió, lúc thì ào ào thổi về phương Bắc, lúc lại giận dỗi quay mặt về phương Nam." Ý kiến lạ thứ hai đáng phải ghi ra đây cho mọi người cùng tham khảo, đó là ý kiến với vỏn vẹn có vài chữ: "Quá nhiều Ứng Thanh Trùng". Một trò chơi chữ mệt hết sức. Người viết bài này phải tìm tới ba, bốn quyển sách cổ mà vẫn không thấy chỗ nào nói tới giống vật lạ này. May sao trong đám tài liệu của cụ Đào Duy Anh có bốn dòng nói về Ứng Thanh Trùng khi cụ bàn về thuốc nam. Hoá ra Ứng Thanh Trùng là một loài sâu nhái tiếng. Sách Bản Thảo chép rằng: "Có người mắc bệnh lạ, hễ ngoài miệng nói gì thì ở trong bụng có tiếng nói theo. Thày thuốc đoán là ở trong bụng có sâu, bèn bảo người ấy đem bản thảo mà đọc các vị thuốc, đọc đến vị nào không thấy nó nói theo thì dùng vị ấy mà chữa bệnh."
Còn gì để nói thêm về bốn cái bình không? Xin nhường lời cho Người Tràng An, kẻ đã mở lời cho cuộc chơi vui cười ra nước mắt này.
Về phần tôi, Giê-xu-ma lạy Chúa tôi, tôi thành thật rất ân hận khi chót viết ra câu chuyện bốn cái bình này. Xin các vị cầm bút đại tiền bối hãy đánh cho tôi chữ đại xá. Nói thật ra, chính tôi cũng từng là người đã góp chút xíu "hương vị" vào Bình thứ nhất, thứ ba và đóng cả vai dơi lẫn vai chuột trong cái sân khấu "văn chương" ở Bình thứ hai và thứ tư. Bởi vậy, tôi xin nhận tội của mình trước: Câu chuyện bốn cái bình không nhằm nói xấu một ai mà chính là một lời tự bạch, là lời luận tội chính mình.
Âu cũng là một cách sám hối trước tiền nhân. Chúng ta, những người tự xưng là kẻ cầm bút, chúng ta đã chẳng làm gì để góp sức đưa dân tộc Việt ra khỏi đau khổ, bần cùng, mà nhiều khi ngược lại, bằng cái nhìn tăm tối, bằng những nghi kỵ, thù hằn, tuyệt vọng, bằng "hành lạc đau đớn của kẻ bất lực"... chúng ta đã đẩy dân tộc dấn sâu thêm vào hố thẳm của khốn cùng!
Con em chúng ta sau này nhất định sẽ có đứa phán xét chúng ta, bởi vậy mà có nhiều kẻ đang tìm cách đầu độc chúng. Hãy cứu lấy các em!
Hoàng Hạc