Trường Xuân Triệu
Vào một ngày đầu thu (8.1999) tôi nhận được cuốn sách "Chân Dung Và Đối Thoại" của Trần Đăng Khoa từ một anh bạn ở Berlin gửi tới tặng. Sách do Nhà Xuất Bản Thanh Niên Hà Nội ấn-phát hành vào tháng 01.1999, dày 334 trang, khổ 19x13.
Đã từ lâu sống xa quê nhà, mọi sự hiểu biết về sinh hoạt xã hội, chính trị, văn hóa... của đất nước đều trông vào mấy tờ nguyệt san, báo điện tử (Internet), và lời kể của bạn bè hay tin đồn của dư luận nơi sống, nên tôi quý món quà anh bạn nhã ý tặng lắm. Tôi đọc cuốn sách của nhà thơ vốn nổi tiếng từ thời những năm 60/70 ở miền Bắc, với ý muốn tìm lại trong giọng điệu của "hạt gạo làng ta" xưa kia, mức trưởng thành về nhận thức văn nghệ của Trần Đăng Khoa (từ đây xin viết tắt là TĐK) hiện lớn như thế nào? Mang ý muốn như thế, vì tôi được biết nhà thơ này đang đại diện cho Ban Phê Bình của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội của Việt Nam nhưng những vấn đề mà ông bàn xét, lại không thuộc riêng của tờ Văn Nghệ Quân Đội, mà bao trùm lên sinh hoạt văn nghệ trong nước. Đồng thời, từ những bài phỏng vấn giới quan chức văn nghệ đảng và các văn-thi sỹ nổi tiếng trong nước của ông, tôi muốn được biết thêm về đường lối văn học hiện tại do đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo, và về sinh hoạt văn học trong nước nói chung.
Đọc rồi, tôi cũng bị lây chút ít ý kiến từ bài nhận xét của Nhà Xuất Bản, rằng "Nếu coi tập sách là một tác phẩm bình luận văn chương thì lối bình luận này có một giọng điệu riêng, mới mẻ, độc đáo...". Vậy trước tiên mời bạn đọc cùng xem "cái độc đáo" của nhà thơ kiêm nhà bình luận văn học TĐK qua toàn bộ "Lời Nói Đầu" của Nhà Xuất Bản Thanh Niên được trích dẫn sau đây:
"Bạn đọc đã biết đến Trần Đăng Khoa, "thần đồng thơ" lúc 7-8 tuổi. Và 10 tuổi, đã có tập thơ Góc Sân Và Khoảng Trời (Nhà Xuất Bản Kim Đồng in-phát hành năm 1968), đã 32 lần tái bản, vẫn được bạn đọc, nhất là bạn đọc quàng khăn đỏ đón nhận.
Bây giờ, với "Chân Dung Và Đối Thoại", bạn đọc sẽ gặp lại, vẫn Trần Đăng Khoa ấy, đã ở tuổi 40, trong một vùng nghệ thuật khác.
Nội dung chính của tập sách là "lao động nhà văn và các vấn đề văn học đương đại". Được trang bị đủ các quan điểm nghệ thuật của Đảng, nhưng Trần Đăng Khoa không thiên về lý luận theo lối "tầm chương trích cú", không trình bày quan điểm một cách cứng nhắc khôn khan, mà viết với lối cảm xúc của một người sáng tác đã có quá trình chiêm nghiệm về lao động nghệ thuật.
Nếu coi tập sách là một tác phẩm bình luận văn chương thì lối bình luận này có một giọng điệu riêng, mới mẻ, độc đáo.
Với cách viết hóm hỉnh, TĐK đã cố gắng dựng lên một số chân dung các nhà văn anh quen biết, hoặc vẫn sống bên anh. "Chân dung" đó, có thể là cả một bài viết công phu, song không ít "chân dung" chỉ hiển hiện ở vài ba câu đối thoại, một đôi nét chấm phá...
Những bình luận và nhận xét của anh, theo chúng tôi là sắc sảo và trong nhiều trường hợp khá bạo - có những nhận định khiến người đọc phải ngẫm nghĩ... Những vấn đề anh đề cập hoàn toàn mang tính học thuật trên tinh thần trung thực trong nhận thức, và, như anh viết, nó không có tiếng nói cuối cùng.
Trân trọng những trang viết công phu, ở một loại thể loại mới, của một nhà thơ được mến mộ, để có thêm một giọng bình luận văn chương trong không khí văn học hiện nay, Nhà Xuất Bản Thanh Niên vui mừng giới thiệu cùng bạn đọc tập sách này. Rất mong được các bạn dành cho những nhận xét góp ý.
Nhà Xuất Bản Thanh Niên, 1998"