Trong bài trước, CE số 92 (chân dung Tố Hữu và Nguyễn Tuân), người viết có đưa ra đề nghị: coi Chân Dung Tự Họa của họ Trần như điểm qui chiếu của tác phẩm, và chi tiết - "Giang viết sai thành Dang, rồi sau đó được nhà báo sửa (Dang) thành Đăng (Trần Đăng Khoa) - là "ẩn dụ" (metaphor) chuyên chở những chân dung và đối thoại.
Xin ghi lại Chân Dung Tự Họa, để độc giả tiện bề theo dõi:
Trần Đăng Khoa sinh ngày 26.4.1958, là con thứ ba trong gia đình bần nông ở làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, bên vùng sông Kinh Thày. Thuở bé, y từng mơ ước trở thành kỹ sư nông nghiệp và suốt đời làm thơ về làng quê, cảnh quê, những vui buồn của người dân quê ở nơi xóm mạc. Nhưng rồi, cũng như nhiều thợ cày ở làng, y lên đường nhập ngũ vào những tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành nhà thơ khoác áo lính.
Đối với Trần Đăng Khoa, thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Suốt đời, y luôn có ý thức vươn tới loại thơ đó. Nhưng để làm được điều ấy, một phần do y, một phần khác còn do... ông giời! Nhưng ông giời ở đâu, mặt mũi và tính khí ông ta như thế nào thì suốt đời, y cũng không sao hiểu được.
Bài thơ đầu tiên của Trần Đăng Khoa được in trên báo Văn nghệ vào năm 1966. Khi đó, y tám tuổi, đang học ở kỳ hai lớp Một trường làng. Năm 1968, tròn 10 tuổi, tập thơ Góc sân và khoảng trời của y ra đời. Lúc ấy, người làm thơ còn ít, trẻ con làm thơ lại càng ít, nên nghiễm nhiên, y thành của hiếm, thành đặc sản. Nhiều người tò mò, lặn lội hàng trăm cây số bom đạn, tìm đến nhà y, chỉ cốt để xem... xem y như xem... ma quỉ hiện hình. Có người còn bắt y xòe tay nom đường chỉ, vạch tóc ngó xoáy đầu, rồi lặng lẽ ra đi với gương mặt rất là bí hiểm.
Bây giờ thì y đã già và dứt khoát không phải kẻ đắc đạo, vậy mà y vẫn phải còng lưng, ỳ ạch vác cây thánh giá của lứa tuổi trẻ con.
Những năm gần đây, ngoài làm thơ, Trần Đăng Khoa còn viết văn, viết báo, viết chân dung và đối thoại, bình luận văn chương. Ngoài những trang viết mà ở đấy thường là y dồn hết tâm lực, còn ngoài đời, y là tay nhạt nhẽo và tầm phào.
Y chẳng đam mê gì, và nói chung, y là một gã vô tích sự.
Người viết xin đưa ra một vài gợi ý trước khi cùng độc giả đọc (ngắm) những chân dung qua nét vẽ của họ Trần:
- Những "ý niệm" (đao phủ) ngồi thiền (của Bùi Minh Quốc), đắc đạo, vác thánh giá... hiện nay rất "phổ thông", trong giới viết (lách) ở trong nước. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã từng viết về một cô bạn hiện ở nước ngoài, gửi thuốc men cho ông, kèm lời hỏi thăm: Vẫn còn vác thánh giá? Ông cũng coi Văn Cao, một nghệ sĩ lớn, đã tự chọn cho mình một bi kịch (thánh giá?) lớn.
Theo tôi, đây là một phản ứng ngược, trước cuộc đời, trước thất bại của chiến thắng Miền Nam.
Cũng có thể giải thích theo tinh thần Phật giáo: cứ buông dao xuống, là (có thể) trở thành Phật!
Trong Chữ và Vật, M. Foucault coi Don Quichotte "lang thang phiêu lãng" (errer à l aventure), giữa chữ viết và sự vật, một khi mà những "tương tự" (analogies) chỉ đem lại thất vọng: "Trong phần hai cuốn tiểu thuyết, Don Quichotte gặp những nhân vật đã đọc phần đầu, họ nhận ra anh, một con người thực, như là nhân vật của một cuốn tiểu thuyết. Bản văn của Cervantes tự gập đôi... Don Quichotte (bắt buộc) phải trung thành với cuốn sách: anh ta đã thực sự trở thành cuốn sách đó... Nhưng cuốn sách, Don Quichotte đâu có đọc, làm sao đọc được, bởi vì nó là xương là thịt của chính anh...".
Nhìn theo cách thế đó, chúng ta "có thể" coi Trần Đăng Khoa là một... Don Quichotte, trong xã hội hậu-chiến tranh ở Việt Nam.
Hãy tưởng tượng phần đầu cuốn sách: cuộc chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước. Phần hai gập lại trên chính nó, hay nói như Foucault: anh ta (Don Quichotte) có nhiệm vụ phải chống đỡ cho cuốn sách, về những lỗi lầm, thêm thắt những chi tiết còn thiếu, bị bỏ đi (thí dụ như chi tiết về Võ Nguyên Giáp trong thơ Tố Hữu). Anh ta có nhiệm vụ phải giữ gìn (maintenir) "sự thực"...
Nhưng cũng như Don Quichotte, số phận của họ Trần sẽ "lang thang phiêu lãng" giữa những chữ (phịa như thật), và sự vật (sự thực), giữa sự thực (chẳng bao giờ có), và "thất bại của sự thực".
Cũng có thể coi phần hai của cuốn sách: họ Trần đi gặp những người đã từng tới... xem y như xem... ma quỉ hiện hình, và bây giờ, tới lượt anh xem họ như... những ông Phật (Tố Hữu), những kẻ vác thánh giá, những người tự chọn cho mình bi kịch lớn.
Trong bài viết về trường hợp bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, của Tố Hữu, người viết có cho rằng, phải nhìn thấy, đằng sau những chi tiết phịa, có một giấc mơ của cả một miền đất; và giấc mơ đó đã không trở thành hiện thực.
Đúng ra, giấc mơ đã trở thành hiện thực. Một hiện thực khủng khiếp, ghê rợn, mà những người nào đã sống qua thời kỳ đấu tố ở ngoài Bắc đều còn nhớ "như in" ở trước mắt. Loa dậy đất, đuốc đỏ làng, tiếng người la hét ("Lôi cổ nó ra đây!"), tiếng chân người...
"Balzac mô tả một cái nón, là bởi vì có một người đang đội nó" (G. Steiner). Trần Dần "chỉ thấy mưa rơi trên mầu cờ đỏ", là bởi vì có "một" đứa trẻ đang bị cả một miền đất bỏ đói, có "người" thương hại muốn cho cháu ăn, nhưng chỉ dám đứng nhìn...
Những chi tiết đó, còn đầy rẫy trong những vần thơ, những bài văn của thời kỳ này.
Câu hỏi: Liệu có thể coi sự kiện, Tố Hữu xác nhận bài thơ là phịa, là để "xin lỗi", để "sám hối"?
Liệu có thể coi Chân Dung Và Đối thoại như "chim báo bão" về một "dòng" văn chương: "sám hối"? Văn chương của "sự thực", từ những lời dối trá?
Có thể Trần Đăng Khoa (được trang bị đủ các quan điểm nghệ thuật của Đảng, như trong Lời nói đầu) không nhìn ra phản ứng "ngược" như trên (hiện tượng ăn khách, đi vào cuộc sống từng ngày của cuốn sách). Đối với ông, khi viết nó, vẫn nghĩ mình đang vác cây thánh giá thần đồng hồi nào, như "một lời nguyền rủa", và chỉ muốn hất bỏ nó đi, để làm một gã "vô tích sự", như ông hằng mong mỏi, trong Chân Dung Tự Họa.
Tôi nghi, Trần Đăng Khoa đã được gợi hứng bởi Xuân Sách, và bởi vì ông là nhà thơ, lại là thần đồng, cho nên, nếu Xuân Sách đã chấm phá chân dung những thế gia vọng tộc (élites) của một chế độ bằng một vài nét "nghịch", ta thử vẽ, theo kiểu "thuận" - nghĩa là, dưới ánh sáng của Đảng (hay Dang, hay Giang?). Vô hình chung, ông rớt ngay vào nét họa của Xuân Sách:
Khi khôn lớn lại hồn nhiên đi giữa
"Biển một bên và em một bên"
So sánh Trần Đăng Khoa với một nhân vật tuyệt vời, xả thân vì đại nghĩa, chiến đấu với cối xay gió, vì tưởng là khổng lồ, là quái vật... thật khiêm cưỡng. Nhưng hai nhân vật đều được trời cho "tính hồn nhiên", đúng như Xuân Sách đã nhận ra:
Chú dế góc sân hồn nhiên ca hát
Hát thành thơ như nước triều lên
Đấy là phần đầu của một cuộc đời. Của một miền đất. Của một hy vọng. Của một giấc mơ. Phần sau gập lại trên chính nó: khi khôn lớn lại hồn nhiên... đi giữa.
Một cách nào đó, Chân Dung Và Đối Thoại là một phiên bản của Chân Dung Nhà Văn, của Xuân Sách. Bạn không thể đọc một, bỏ một. Chúng bổ túc cho nhau một cách thật tài tình, như môn Lưỡng Nghi kiếm pháp, một âm, một dương của một môn phái võ học trong Kim Dung. Cái độc đẻ ra thiên tài văn chương, là ở Xuân Sách. Cái độc đẻ ra thảm họa, là ở Trần Đăng Khoa, bởi vì đi giữa, nghĩa là chẳng thuộc về bên nào: thái độ khôn ngoan này không chỉ một mình ông là người lựa chọn. Ngay Nguyễn Huy Thiệp mà còn tự khoe: tôi khôn hơn Dương Thu Hương.
Vả chăng "đi giữa" thực sự chỉ là "mặt nổi" của hiện tượng Trần Đăng Khoa qua cuốn Chân Dung Và Đối Thoại.
Trong những số tới, chúng ta sẽ đi tìm "mặt chìm" của nó.
Canada, tháng 7 & 8-1999
Nguyễn Quốc Trụ