Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trinh Thám, Hình Sự >> Ông cố vấn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 79297 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ông cố vấn
Hữu Mai

Chương 13

1.
Tên nhân viên công an nói:
- Thưa ông, Tổng nha mời ông sang bển vì có một vài việc muốn hỏi ông thêm.
Thái độ hòa nhã, lích sự của hắn làm Hai Long cảnh giác.
- Tôi là tù nhân đã ra tòa lãnh án tù chung thân của các ông rồi, tôi khước từ mọi cuộc thẩm vấn tiếp tục.
- Những vấn đề Tổng nha muốn hỏi hoàn toàn không liên quan tới vụ án vừa qua và tội trạng của ông. Chúng tôi chỉ nhờ ông giúp cho một đôi việc mà ông biết.
- Tôi đã là người thuộc trung tâm cải huấn Chí Hòa, do bộ Nội vụ quản lý. Nếu các ông muốn mời tôi sang đó thì phải làm đầy đủ mọi thủ tục “mượn” người, kể cả sự chứng nhận tình trạng sức khỏe của tôi hiện nay.
Tất nhiên, tất nhiên, thưa ông. - Hắn nhanh nhẩu đáp.
Tên công an làm xong các giấy tờ, có ghi rõ tình trạng thân thể và sức khỏe của Hai Long bình thường trước khi rời khám Chí Hòa.
Chiếc xe Jeep chở anh tới ngôi nhà số 3 Bến Bạch Đằng. Đây là phủ Đặc ủy trung ương tình báo. Anh bị giam trong xà lim số 6. Chỗ nằm là một chiếc bệ xi măng. Ăn uống hằng ngày rất tồi tệ. Anh ăn theo chế độ 3, chế độ thấp nhất đối với những người bị giam giữ.
Anh nằm suốt tuần không ai hỏi han. Tại sao ra tòa mới được 5 ngày, chúng đã vội đưa anh về đây biệt giam? Chúng cần ở anh điều tên công an đã nói, hay sợ anh ở khám Chí Hòa dễ tiếp xúc với bên ngoài, hay có ý định thủ tiêu anh...?
Người gặp Hai Long đầu tiên là một viên cố vấn Mỹ. Anh không giấu vẻ ngán ngẩm khi ngồi trước mặt y.
- Chúng tôi cần được sự giúp đỡ của ông. Ông biết gì về ông Nguyễn Trọng Hoành, một điệp viên Cộng sản Bắc Việt?
- Tôi không biết ông Hoành là ai. Tôi chưa hề nghe nói tới cái tên đó.
Y nhìn anh bằng cặp mắt xoi mói rồi lại hỏi:
- Chắc ông biết ông Lê Đại?
- Ông hỏi không đúng chỗ, cả ông Đại cũng vậy.
Viên cố vấn đành để anh trở về nhà giam. Cứ cách ít ngày, y lại mời anh lên một lần, hỏi tiếp về một vài người khác. Hai Long lắng nghe xem có người nào của mình sa vào tay chúng, rồi nhất loạt trả lời là không biết.
Y biểu thị thái độ không bằng lòng:
- Rõ ràng là ông không có ý định giúp đỡ chúng tôi!
- Tốt nhất là ông nên chấm dứt những cuộc gặp gỡ này, trả ngay tôi về trung tâm cải huấn Chí Hòa. Tôi khước từ mọi hình thức hỏi cung tiếp tục.
Y không gặp anh nữa. Anh như bị bỏ quên trong xà lim suốt ba, bốn tháng. Chế độ giam cầm tồi tệ hủy hoại sức khỏe của anh. Người anh phù nề. Chân phải gần như bại đi. Nhưng gạo mục, cá ươn và bệnh tật cũng không làm anh đau khổ bằng sự cô đơn, cách biệt với thế giới bên ngoài.
Một hôm, trung sĩ Sen, người Việt gốc Khơ-me, dẫn anh đi tắm. Y ngắm nhìn vẻ mặt hiền lành của anh rồi hỏi:
- Thầy làm ăn chi mà vô đây ngồi miết vậy?
- Làm cố vấn cho tổng thống.
- Thầy nói mần cái chi? - Viên. trung sĩ ngạc nhiên hỏi lại.
- Làm cố vấn cho tổng thống Thiệu.
- Trời! Ông là ông Nhạ. Xử án rồi sao lại vô đây?
- Tôi cũng không hiểu. Có thể là bọn Mỹ tiếp tục bày trò hãm hại tôi.
- Ông có cần giúp đỡ chi không?
- Nếu thỉnh thoảng ông cho mượn tờ báo xem biết tin tức cho đỡ buồn thì rất tốt.
- Đem báo vô nhà giam không được. - Viên trung sĩ ngẫm nghĩ rồi nói tiếp - Bữa nào đến lượt gác, tôi sẽ đem ra-đi-ô theo. Tôi ngồi ở cửa xà lim của ông, mở ra-đi-ô nghe. Ông cùng nghe luôn...
Sen giữ đúng lời hứa. Phiên gác nào y cũng mang chiếc máy thu thanh bán dẫn theo. Anh ta mở cả đài BBC của Anh và đài VOA của Mỹ. Có lúc anh ta đặt đài trên ghế rồi ra sân chơi hoặc lên phòng sĩ quan đọc báo.
Hàng ngày, Toàn, viên y sĩ của trại giam, đi thăm bệnh nhân, chỉ dừng lại trước cửa hỏi một câu buông sõng, ném vào mấy viên thuốc rồi đi. Y chẳng buồn ghé mắt nhìn bệnh nhân ra sao, cũng có phần vì trong xà lim quá tối.
Bữa nay, y đứng ngoài bỗng quát rất to:
- Nói gì mà nhí nhí trong họng, bắt người ta phải chui vào nghe anh kể bệnh hay sao?
Hai Long hơi ngạc nhiên. Toàn chưa hỏi gì anh, và anh chưa hề nói một lời về bệnh trạng.
Mặt viên y sĩ hiện lên áp vào cửa sổ. Tiếng y rất nhỏ:
- Ông là Vũ Ngọc Nhạ, vụ án Huỳnh Văn Trọng năm ngoái phải không?
- Đúng.
- Cụ ở đây ư? Cụ khai bệnh nhiều vào, sáng mai tôi mời lên chích thuốc.
Đúng 8 giờ sáng hôm sau, Toàn mang giấy của phòng an ninh xuống xà lim dẫn anh lên phòng y tế.
Toàn vừa khám bệnh cho anh vừa nói:
- Thiệu nó phản cụ, người ta chửi nó ăn cháo đái bát! Thiệu là tên chó đẻ, tên phản bội, không có Kỳ râu thì Nguyễn Chánh Thi xơi tái nó rồi, thế mà không biết ơn còn dùng Trần Văn Hương chặt tay chân ông Kỳ! Ở đây có thiếu úy Phong, cũng người ngoài ta, dễ chịu lắm, nó đang ăn phở ở căng tin. Còn những người khác thì cụ phải coi chừng! Chốn này rất nghiêm ngặt. Phải giữ mồm giữ miệng. Nhiều nhân viên an ninh đã bị họ lôi đi. Hằng ngày, cụ lên đây chích ít mũi nữa là khỏi. Phải chờ thời cụ ạ...
Toàn nhét vào túi Hai Long hai gói nhỏ trước khi đưa anh trở về xà lim. Anh lấy ra xem. Trong một gói có bao thuốc lá Ruby và bốn phong bánh đậu Bảo Hiên - Rồng Vàng, loại bánh đậu gốc gác từ Hải Dương miền Bắc. Trong gói kia là một túi ni lông đựng cà phê sữa còn ấm.
Trung sĩ Sen cho Hai Long biết quê Toàn ở ga Gôi, Nam Định, trước là thượng sĩ ở nha hiến binh, người thuộc phe Nguyễn Cao Kỳ. Qua Toàn, anh biết tình hình sôi động bên ngoài, sinh viên, học sinh đấu tranh, thương phế binh xuống đường, mâu thuẫn giữa Thiệu, Kỳ, Hương rất gay gắt.
Hai Long làm thân được với một trung sĩ vốn là giáo dân Phát Diệm di cư. Y ở phòng an ninh, thường tới dẫn tù nhân đi tắm hoặc cắt tóc. Anh nhờ y bắt liên lạc với cha Nhuận, nhắc cha xúc tiến tổ chức đại hội đoàn nghĩa sĩ công lý, một cách gián tiếp thông báo cho ông biết mình đang bị cầm giữ bí mật ở đây. Cha Nhuận chuyển lời thăm, chúc lành anh, và trả lời là tình hình chưa thuận lợi. Anh biết ông sợ. Viên trung sĩ người Phát Diệm thường lén lút đem cà phê và thuốc lá cho anh.
 
2.
Đã hơn 8 tháng Hai Long bị giam giữ tại xà lim của phủ Đặc ủy trung ương tình báo. Anh vẫn chưa hiểu vì sao chúng đưa mình về đây đầy ải. Chúng không dễ thủ tiêu anh. Anh còn hồ sơ lưu giữ tại khám Chí Hòa. Ít nhất cũng có một người đã biết anh ở đây là cha Nhuận. Theo lời y sĩ Toàn, báo chí tiếp tục đăng những chuyện về vụ án Huỳnh Văn Trọng. Dư luận vẫn cho rằng đây là một vụ án chính trị còn đầy nghi vấn. Mặc dù được Toàn chú ý chăm sóc thuốc men, nhưng chế độ giam cầm nghiệt ngã, suốt ngày đêm sống như con chuột trong bóng tối ẩm lạnh, thức ăn chỉ có gạo mục, cá khô, bệnh phù thũng của anh vẫn không khỏi, một chân còn tê, sức khỏe anh ngày càng kém. Hai Long để râu dài. Trông anh như một cụ già.
Giữa tháng 8, một nhân viên an ninh lại tới nhà giam mời anh lên văn phòng.
Ngồi ở bàn làm việc là một người Mỹ lạ mặt.
Y đứng lên khi anh bước vào, cúi đầu chào với vẻ lịch thiệp.
- Tôi xin tự giới thiệu: Tôi là phó giám đốc cơ quan tình báo trung ương Mỹ mới từ Washington sang Sài Gòn. Nhân ngày lễ Đức Mẹ lên Trời của Thiên chúa giáo, tôi xin được gặp ông để chúc lành, và có một câu chuyện muốn trao đổi với ông.
- Xin cảm ơn.
- Xin hỏi thăm trước tiên về tình hình sức khỏe của ông?
- Ông thấy đó, tôi đang bị phù thũng, một chân tê bại phải bám, lần tường mới đi được.
- Tôi thành thật xin lỗi ông về vụ một nhân viên CIA, làm cố vấn cho Tổng nha Cảnh sát Việt Nam cộng hòa, đã vô lễ và thô bạo trực tiếp nhúng tay vào việc tra tấn ông. Chúng tôi đã khiển trách.
- Dù sao đó là chuyện đã qua... Tôi không hiểu tại sao tôi đã bị kết án là tù chính trị mà lại bị giam giữ ở đây với cách đối xử vô nhân đạo thế này?
- Tôi hứa sẽ can thiệp với chính quyền Việt Nam cộng hòa chấm dứt sự vô lý này. Bữa nay, tôi muốn được trao đổi với ông như một đồng nghiệp mà cá nhân tôi rất kính trọng...
Hai Long lặng thinh chờ xem y nói gì.
Y vẫn vòng vo chưa chịu vào chuyện:
- Tôi rất khâm phục bà Vũ Ngọc Nhạ. Bà đã cam chịu một cuộc sống rất nghèo nàn, mặc dù chồng bà ở tột đỉnh danh vọng, quyền thế bên cạnh tổng thống Thiệu. Ông là một người lãnh đạo chính trị, một con chiên ngoan đạo của Thiên chúa giáo mà bà không cầu xin sự giúp đỡ nào của các linh mục và giáo hội... Tôi hiểu ông có trình độ tri thức, có tài năng cao, chính trị giỏi. Ông đã làm cố vấn cho tổng thống Thiệu, cho giám mục Lê, linh mục Hoàng là những lãnh tụ chống Cộng nổi tiếng. Chúng tôi kính nể đạo đức, uy tín của ông. Tôi cũng biết ông là người có bản lĩnh phi thường, đã lãnh đạo toàn những chuyên gia có hạng. Ông Hòe là chuyên gia kinh tế, tài chính. Ông Thắng là chuyên gia tình báo, đã từng học cùng một lớp với Hoàng Đạo (!). Ông Trọng là chuyên gia hành chính, ngoại giao. Ông Ruật là chuyên gia về chính trị, đảng phải ở Việt Nam cộng hòa.
Y không tiếc lời khen ngợi. Y cón muốn chứng tỏ đã nghiên cứu sâu từng người trong lưới.
Rồi y bắt đầu đi vào mục đích cuộc gặp gỡ:
- Tôi xin đề nghị ông sẽ cộng tác với chúng tôi.
- Tôi có thể làm được gì cho các ông trong lúc này? - Hai Long hỏi lại.
- Ông sẽ dùng uy tín, ảnh hưởng của mình để nắm vững khối Thiên chúa giáo, và hướng dẫn khối này theo đường lối của tổng thống Nixon.
- Từ trong xà lim ư?
- Tất nhiên không thể như vậy. Chúng tôi sẽ đưa ông về Tòa đại sứ Mỹ với danh nghĩa là người dạy tiếng Việt và tiếng Pháp cho những nhân viên Tòa đại sứ, và sẽ tìm cách xóa sớm bản án để ông trở lại tự do.
Hai Long muốn nhân cơ hội này kiểm tra ảnh hưởng hiện nay của mình trong khối Thiên chúa giáo.
- Tôi nghĩ là các ông có thể bị lầm. Từ một năm nay, tôi sống trong xà lim, cách biệt với thế giới bên ngoài, người ta đã tìm mọi cách bôi nhọ tôi, tôi không hiểu các linh mục và đồng bào Thiên chúa giáo nghĩ về tôi như thế nào?
- Ông hoàn toàn yên tâm. Tuyệt đại đa số linh mục và tín đồ Thiên chúa giáo bạn bè của ông mà chúng tôi đã thăm dò, đều biểu lộ cảm tình sâu sắc, mến phục và luyến tiếc ông. Họ quý trọng đức tin Công giáo và trí thông minh của ông. Uy tín ông không mất mát gì trong thời gian qua. Trái lại, ông còn nổi bật lên với tinh thần “tử vì đạo”. Nhiều người nghĩ là ông chết rồi. Họ đang oán hận người Mỹ đã ám hại ông. Nếu ông trở về sẽ là một sự hân hoan đối với họ. Và ông thừa hiểu ông sẽ giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trước dư luận...
Rồi y lại tiếp tục ca ngợi anh:
- Ông quả là một tay nhà nghề điêu luyện. Riêng một lưới tình báo của ông đã thu thập những tin tức tình báo chiến lược rất quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực. Ông còn hoạt động chi phối cả chính phủ Sài Gòn. Cũng vào dịp này năm ngoái, chúng tôi đã điên đầu vì hàng loạt tin tức đảo chính. Tôi không thể nghĩ đó là chính ông làm. Khó có thể tưởng tượng ra những việc ông dám làm! Nghề nghiệp của chúng ta chỉ xoay quanh mấy danh từ: suy nghĩ và hành động. Chúng tôi có những người suy nghĩ giỏi nhưng hành động vụng về, hoặc ngược lại. Tôi đánh giá ông là một người cả suy nghĩ và hành động đều hoàn hảo... Ông cho biết ý kiến về lời đề nghị của tôi.
Hai Long đáp:
- Sức khỏe của tôi đang ở trong tình trạng tồi tệ. Tôi không thể nhận lời ông vì tôi cần có thời gian yên ổn để suy nghĩ.
- Ông sẽ được phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng nhất để có thể làm việc ngay. Ông cần có sức khỏe, gia đình ông cần thoát khỏi cảnh nghèo nàn túng thiếu và có ông ở bên. Chúng tôi muốn ông nhận lời. Ông sẽ được trả lương bổng cao hàng tháng, theo chế độ lương và phụ cấp của người Mỹ phục vụ tại nước ngoài, không kể tiền thưởng cho mỗi sứ vụ tùy theo tính chất và mức độ thành công của sứ vụ đó.
Thấy Hai Long im lặng, y nói tiếp:
- Chỉ cần ông nhận lời, chúng tôi sẽ mở ngay cho ông một trương mục 2 triệu dollar Mỹ ở bất cứ ngân hàng quốc tế nào mà ông tin cậy, không tính vào lương tháng và tiền thưởng cho mỗi sứ vụ... Ông có thể suy nghĩ và hành động gì khi còn ở trong nhà tù?
Hai Long mỉm cười:
- Ông cho rằng tôi nằm trong xà lim không suy nghĩ và hành động được sao? Dù tình trạng có xấu hơn thế này, tôi vẫn suy nghĩ và hành động được, ít ra là cho tôi. Lao tù thích hợp cho đời sống tâm linh của tôi hiện nay. Tôi muốn có thời giờ suy nghĩ về quá khứ và chờ đợi ngày hòa bình tự do.
- Tôi không phải là đồng chí nhưng là đồng nghiệp của ông. Về tinh thần, tôi thành thực cảm phục tài năng và khí phách của ông. Nhưng tôi muốn nhắc ông một câu trong nghề chúng ta: “Đi sâu mất lối về!”. Nghề chúng ta có định luật riêng của nó. Là điệp viên tài, phải chết yếu! Dù chiến tranh Việt Nam có kết thúc, ông cũng không hy vọng trở về sống với gia đình. Ông nên nhớ: 13 điệp viên của Bắc Hàn vẫn còn bị giam giữ ở Nam Hàn mặc dù chiến tranh Cao Ly đã kết thúc từ năm 1953! Ngưỡng mộ ông, tôi mới ngỏ ý mở đường giải thoát cho ông. Thật đáng tiếc một đời tài hoa nếu để uổng phí trong lao tù!
- Cảm ơn. Hoàn cảnh Cao Ly khác với Việt Nam. Ông vẫn chưa hiểu nước Việt Nam và con người Việt Nam. Rồi ra ông sẽ hiểu, tôi ước mong như vậy. Tôi sẽ trở về gia đình khi người Mỹ ra đi khỏi Việt Nam. Ông có nghĩ rằng ngày ấy không còn xa?
- Thời gian sẽ trả lời ông hay tôi nói đúng. Đề nghị của tôi vẫn được để ngỏ.
- Tôi sẽ không thay đổi quyết định của mình.
Viên phó giám đốc CIA mỉm cười gượng gạo:
- Tôi thành thực lấy làm tiếc...
 
3.
Sau cuộc gặp viên phó giám đốc CIA, chế độ ăn uống của Hai Long ở nhà giam bắt đầu khá hơn. Anh không còn phải ăn gạo mục, bữa cơm có rau và một chút thịt cá. Y sĩ Toàn như vừa nhận một chỉ thị mới, công khai chăm sóc chữa chạy cho anh.
Hai tháng sau đó, bọn công an trả anh về khám Chí Hòa. Bệnh phù nề và tê chân của Hai Long đã gần khỏi.
Viên quản đốc, một thầy tu xuất, đối xử với anh có phần trọng nể.
Hai Long nhanh chóng tìm cách liên lạc với tổ chức bí mật của Đảng ở lao Chí Hòa và được xếp vào sinh hoạt trong một tổ Đảng gồm 3 người. Anh cùng tham gia vào cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù.
Một buổi không hiểu vì sao một linh mục Mỹ thuộc phe Bồ câu được phép vào thăm anh.
Ông linh mục đưa tặng Hai Long một tập Kinh thánh bằng tiếng Latin và tiếng Anh.
Ông mời anh cùng ăn kẹo và hút thuốc lá. Ông ngắm chòm râu dài, thái độ trầm tĩnh, ung dung, lạc quan của anh, rồi nói:
- Tôi không có cảm giác gặp một chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình ở trong tù, mà thấy như mình đang ngồi trước mặt một nhà thơ Á đông.
Hai Long mỉm cười:
- Cảm giác của cha không lầm, tôi vừa làm xong một bài thơ.
- Ông có thể cho tôi xem qua được không?
Hai Long đọc cho ông linh mục nghe mấy câu thơ anh vừa làm chơi sáng nay:
Sáng ra được mẩu bánh mì,
Chỉ dăm con kiến tha đi cũng vừa.
Ăn thì cổ đắng miệng chua,
Không ăn thì phụ người đưa cho mình!
Nghe anh dịch ý mấy câu thơ, ông linh mục cả cười, rồi ngồi trao đổi với anh sửa thành một bài thơ hoàn chỉnh. Hai Long kể cho ông nghe về chế độ vô nhân đạo ở nhà tù. Ông linh mục nói:
- Tôi rất khổ tâm, rất nhục nhã vì hành động xâm lược của chính quyền Mỹ, vì những tội ác ghê gớm mà người Mỹ đã gieo rắc ở Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam cần phải kết thúc trong thời hạn sớm nhất vì để kéo dài tới bây giờ đã là quá muộn... Tôi hứa là sẽ vận động đòi phải cải thiện chế độ lao tù ở Việt Nam...
Hai Long tìm cách nhắn tin cho cha Hoàng. Viên trung úy Trương Văn Bộ vừa bị bắt trong vụ thương phế binh xuống đường, sốt sắng nhận giúp Hai Long. Anh muốn tìm hiểu thái độ cha Hoàng đối với mình qua hơn một năm xa cách.
Chi vài ngày sau, viên quản đốc xuống nhà giam, mời Hai Long lên phòng riêng của mình gặp cha Hoàng.
Cha Hoàng mở to mắt nhìn Hai Long bước vào với bộ râu dài chấm ngực. Ông ôm lấy anh, giọng nói lạc đi vì thương cảm:
- Mình ngày đêm lo lắng bọn Mỹ hại thầy rồi! Bữa qua được tin thầy, suốt đêm chỉ mong chóng sáng chạy vô đây.
Ông đặt hai tay lên vai anh, chân bước lùi, ngắm nhìn anh thật lâu như để bù lại những ngày xa cách, rồi nói:
- Đúng như lời phán bảo của Chúa, thầy “hiền lành như bồ câu và khôn lanh như rắn”!
- Con nóng lòng được gặp cha từ lâu, nhưng không thể gặp sớm hơn. Con vừa ra khỏi nơi biệt giam một tuần nay. Con đã tuân theo ý Chúa.
- Chúa đã bảo vệ, che chở cho con chiên của Chúa tới mức nào mà thầy sống tới ngày nay!
Viên quản đốc mời cha Hoàng và Hai Long lại bàn dùng trà y vừa pha xong. Y nói:
- Trình cha Tổng khỏi lo. Thầy Hai ở với con cũng như ở gia đình. Con vẫn tự coi mình như bậc học trò của thầy Hai.
Cha Hoàng có vẻ ngạc nhiên và vui mừng trước thái độ kính nể của viên quản đốc đối với Hai Long.
Anh nói:
- Chín tháng qua, bọn Mỹ giam con ở phủ Đặc ủy tình báo. Họ định hại con không xong, cuối cùng, họ quay lại mua chuộc con, đề nghị con ra Tòa đại sứ Mỹ cộng tác với CIA, họ đưa ra món lễ vật đầu tiên là hai triệu đô-la. Con đã khước từ. Họ đành trả con về đây.
- Chúa chưa muốn con làm thì cứ nằm chơi xơi nước, muốn ăn uống gì, muốn đọc sách gì, bảo mình, mình lo cho. Bên ngoài có cần gì, mình sẽ vào đây ngay để trao đổi với thầy.
Ông kể đủ chuyện đạo, chuyện đời, bàn tính với anh chẳng khác chi ngày anh chưa bị bắt. Mấy lần, ông nhắc lại, không biết anh khôn lanh tới mức nào mà vượt được hết những thử thách vừa qua.
Viên quản đóc nhiều lúc ngồi không chớp mắt trước những cử chỉ, lời nói quý trọng, thân thiết của cha Hoàng đối với Hai Long.
Sau đó, hầu như tuần nào cha Hoàng cũng vào khám thăm anh, ngồi ở phòng khách của viên quản đốc, chuyện trò say sưa cả buổi. Lần nào ông cũng mang theo quà. Trong dịp lễ Giáng sinh, ông đem tói một gói quà lớn gồm cả bánh kẹo, thức ăn, thuốc lá và rượu ngon, những thứ ông rất ít khi dùng tới. Tình nghĩa của ông với anh vẫn như xưa. Ông ngạc nhiên vì Hai Long mặc dù ở trong nhà tù vẫn am hiểu tình hình bên ngoài, và ý kiến vẫn sắc sảo.
Tại lao Chí Hòa chỉ còn lại Hai Long cùng với Trọng và Thắng. Những tù nhân bị án dài hạn đều phải đưa ra Côn Đảo. Hòe, Ruật, kể cả Hiếu và Bửu Chương, những người đã ít nhiều giúp đỡ cho họ, đều bị đưa ra đảo. Những người trong gia đình và bạn bè vẫn luôn luôn vào thăm họ. Chị Hòe cho biết chồng chị vừa báo tin về đã bắt được liên lạc với ban chỉ đạo của đảo và chờ anh ra. Cha Hoàng khuyên Hai Long nên ở lại khám Chí Hòa, để gần gụi mình, luôn luôn có dịp trao đổi. Ông sẽ vận động Trần Thiện Khiêm, mới thay vị trí thủ tướng của Trần Văn Hương, và tin là Khiêm sẽ phải đồng ý. Nhưng Hai Long nói với ông cứ để mình ra Côn Đảo, không nhận bất cứ sự ban ơn nào của chế độ Thiệu, và khi cần, anh vẫn có cách để sớm trở về Sài Gòn. Anh khuyên vợ và các con gắng chịu đựng một thời gian nữa vì ngày thắng lợi không còn xa.
Giữa tháng 3, cha Hoàng vào khám Chí Hòa dẫn theo cả O’Connor.
Ông linh mục Mỹ vẫn hồn nhiên, vui vẻ như trước đây:
- Tôi rất tiếc là trong thời gian qua đã không làm được gì để giúp đỡ giáo sư. Tôi không còn là đặc phái viên của tổng thống Mỹ nữa, mà đã trở về với sứ mạng của một người tu hành, một linh mục tuyên úy của Hải quân Mỹ. Sau khi Đức Hồng y Spellman qua đời, tiếng nói của tôi trong giáo hội cũng không còn được coi trọng, vì tôi có một số quan điểm mới đối với cuộc chiến tranh này không được những người nào đó ưa thích. Nhưng tôi luôn luôn ở bên giáo sư.
O’Connor quay sang nói với viên trung tá quản đốc khám đang ngơ ngác vì sự xuất hiện bất ngờ của ông tại nhà lao.
- Giáo sư Nhạ, cố vấn của tổng thống Thiệu, là một nhà lãnh tụ Thiên chúa giáo mà cá nhân tôi và nhiều người Mỹ rất quý trọng.
Viên quản đốc phục vụ vị khách Mỹ rất chu đáo, nhưng đồng thời cho người gọi điện thoại báo cáo về bộ Nội vụ. O’Connor đi thăm Hai Long không có giấy phép của cơ quan an ninh mà chỉ do lính gác nể cha Hoàng nên cho vào.
Trong khi trao đổi với O’Connor, Hai Long được biết quân ngụy sẽ phối hợp với quân Mỹ mở một cuộc hành quân lớn đánh phá dường mòn Hồ Chí Minh ở Nam Lào. Ông linh mục tiên đoán kết quả sẽ lại giống như cuộc hành quân Junction City.
Hai vị khách vừa ra về thì nhân viên an ninh tới. Bộ Nội vụ cảnh cáo viên quản đốc. Y nói với Hai Long từ nay trở đi sẽ không được tiếp bất cứ người Mỹ nào trong khám, và đề nghị anh thông cảm với mình.
Hai Long đã hội ý với ban chỉ đạo nhà tù về tin tức quan trọng mà O’Connor vừa nói với anh.
 
4.
Ngày 25-6-1971, viên quản đốc cho người xuống nhà giam mời Hai Long lên gặp một linh mục đại diện cho Đức Khâm sứ Tòa thánh Vatican tại Sài Gòn.
Đã gần 2 năm qua, Hai Long không có quan hệ với Tòa Khâm sứ. Những lời khai của Trọng, Hòe và Thắng ở phiên tòa có thể đã gây phiền phức cho Tòa Khâm sứ và Vatican. Đài phát thanh của Vatican từng ngày trong khi tòa xử án đã phải lên tiếng cải chính hoặc nói rõ thêm về công cuộc vận động hòa bình mà những giám mục ở Việt Nam đang tiến hành không có liên quan tới lời khai của những bị cáo... Anh băn khoăn không hiểu có chuyện gì.
Ông linh mục ngồi đợi ở văn phòng với vẻ trân trọng.
Sau khi chúc lành Hai Long, ông nói:
- Tôi vâng mệnh Đức Khâm sứ Tòa thánh Henri Lemaitre tới thông báo cho thầy biết: Nhân dịp kỷ niệm ngày lễ đăng quang của Đức Giáo hoàng Phao-lồ đệ lục 23-6-1971, ở Rô-ma có đại lễ cầu nguyện cho những ân nhân của giáo hội và Giáo hoàng. Thầy Phê-rô Vũ Ngọc Nhạ đã được ghi nhận là “người con hiếu thảo của Chúa, vệ sĩ nhiều công đức của giáo hội, ân nhân của Giáo hoàng Phao-lồ đệ lục” được ban ơn chết lành. Thầy được tặng bằng khen và huy chương của Giáo hoàng tặng thay mặt cho Giáo hội Công giáo La Mã.
Linh mục đưa cho Hai Long xem thông báo của Tòa thánh La Mã, bằng khen và huy chương rồi đề nghị anh ký nhận.
Hai Long nói:
- Con là một con chiên đã phó thác phần hồn và phần xác nơi Chúa, nguyện là người vệ sĩ trung thành của Đức Thánh Cha, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì đạo Chúa, vì giáo hội, nay ở chốn lao tù nằm trong tay kẻ dữ mà vẫn được Đức Thánh Cha rủ lòng thương, lại ban cho những phần thưởng vô cùng cao quý, con hết sức cảm kích và đội ơn. Con nguyện sẽ không sờn lòng trước mọi thử thách dù hiểm nghèo thế nào để phò trợ giáo hội, thực hiện triệt để đường lối và những lời răn dạy của Đức Thánh Cha.
Chờ Hai Long ký xong, ông linh mục thu lại tấm bằng và tấm huy chương có hình Giáo hoàng rồi giải thích:
- Theo ý của Đức Khâm sứ thì hiện nay thầy đang ở trong tay quân hung dữ, kẻ nghịch thù với giáo hội và Giáo hoàng, tính mạng khó an toàn, nay lại mang trong người những bảo vật của giáo hội và Giáo hoàng, thì khác nào kích thích, chọc tức quân hung dữ cho nó càng trở nên hung dữ hơn, càng thù nghịch với giáo hội và Giáo hoàng thêm, mạng sống của thầy sẽ càng mong manh. Tòa Khâm sứ sẽ nhận bảo quản những bảo vật này, chờ khi thầy thoát khỏi tay bọn hung dữ trở về, sẽ tới lãnh đem về nhà.
Rồi ông linh mục lại nói thêm:
- Năm ngoái, trong cuộc hành hương của Giáo hoàng sang Á châu, chính Người đã bị kẻ dữ mưu sát tại Manila. Vì thoát nạn nên Người đặc biệt thương xót và ghi công đức những con cái của Người còn ở trong cảnh ngục tù. Kẻ hung dữ dám mưu tính ám hại Đấng Cha chung thì chúng sẽ không ngần ngại gì đối với mạng sống một con chiên lành của Chúa! Thầy nên nhớ việc trao những phần thưởng cao quý của Giáo hoàng trong ngày vinh quang nhất của Người, mang ý nghĩa thiêng liêng là Đức Thánh Cha đã tưởng nhớ tới những người con của mình trong cảnh tù đày hay bị ám hại... Đức Khâm sứ không dám làm thầy mang họa thêm vì cử chỉ ưu ái của Giáo hoàng đối với thầy.
- Con rất cảm tạ lòng thương và sự quan tâm của Đức Khâm sứ đối với sự bằng an của con, nhưng con vẫn xin Ngài cho giữ lại tấm huy chương trong vài ngày, để được an ủi, vỗ về và chiêm ngưỡng hình ảnh của Giáo hoàng, rồi sẽ gửi lại Tòa Khâm sứ giữ cho con. Con xin hứa sẽ giữ gìn kín đáo không để cho kẻ dữ nhìn thấy.
Ông linh mục đồng ý để lại cho Hai Long tấm huy chương rồi ra về.
Chỉ ít giờ sau, tin Hai Long được Giáo hoàng Paul VI tặng bằng khen và huy chương nhân ngày lễ đăng quang đã lan ra khắp nơi trong khám, rồi lan ra bên ngoài.
Những người bị bắt vì hoạt động chính trị chống đối, vì hoạt động cho lực lượng thứ ba kéo tới chúc mừng anh. Nhiều lời bàn tán, Hai Long, người của Giáo hoàng Paul VI, không chóng thì chầy sẽ trở thành một nhân vật cầm đầu lực lượng thứ ba.
 
5.
Sự đề phòng của Tòa Khâm sứ không có gì quá đáng.
Sự chỉ hai ngày sau đó. Hai Long, Trọng và Thắng bị gọi cùng một lúc xuống tàu ra Côn Đảo.
Viên quản đốc khám cũng ngơ ngác vì lệnh này. Những tù nhân từ khám Chí Hòa chuyển ra Côn Đảo bao giờ cũng được báo trước một thời gian để gia đình chuẩn bị cho họ những thứ cần dùng trước khi đi xa. Gia đình những người ra đảo chuyến này đều đã được báo tin, và biết cả ngày giờ tàu nhổ neo rời bến. Tên Hai Long, Trọng và Thắng chỉ được bộ Nội vụ ra quyết định bổ sung danh sách vào những giờ phút cuối cùng.
Tàu rời bến buổi chiều.
Lúc xuống tàu, Hai Long và Trọng bị còng chung trong một chiếc khóa số 8 có ghi dòng chữ Anh “Made in USA”[1].
Hai người đứng trên cầu tàu nhìn về bến Bạch Đằng đông nghịt người ra tiễn. Họ cố tìm một bóng người thân quen, nhưng chẳng thấy ai. Cuối cùng, họ cũng làm như những người khác, giơ cao tay vẫy chào đám đông.
Tù nhân bị dồn cả xuống hầm tàu. Hai Long và Trọng tình cờ ngồi bên một cửa sổ.
Tiếng máy chạy ầm ầm át cả tiếng sóng vỗ vào mạn tàu. Những con sóng bạc đầu chuyển động dữ dội, trải ra đến tận chân trời. Con tàu nhỏ chỉ còn như chiếc lá nổi trôi trên đại dương.
Những luồng sáng vàng của mặt trời chiều tan dần trong sóng hay là chìm xuống đáy sâu của biền cả. Trời và biển nhanh chóng hòa làm một trong bóng đêm. Biển không ngủ, vẫn cồn cào trăn trở, làm tung bay tấm áo choàng mượn của trời sao. Bầu trời trong trẻo với muôn ngàn những vì sao xa xăm yên tĩnh. Cái yên tĩnh kia lại chính là cái đang chuyển động, chuyển động rất dữ dội mà đôi mắt con người với cuộc đời ngắn ngủi không bao giờ nhận ra.
Trọng ngồi dán mũi vào cửa sổ. Hai Long bỗng thấy chạnh lòng thương anh. Bỗng dưng anh lại gắn bó với mình. Cuộc đời anh năm qua diễn ra như một giấc chiêm bao. Từ một người thất nghiệp, túng thiếu bỗng chốc trở thành phụ tá của tổng thống, có nhà, có xe hơi, cầm đầu một phái đoàn công du Mỹ quốc kẻ đón người đưa, bây giờ thì ngồi trong hầm tàu giữa đám tù nhân lưu đày với chiếc còng số 8. Anh đã tỏ ra kiên nghị, vững vàng từ khi bị bắt. Nhưng Hai Long đã bắt gặp ở anh những thoáng buồn rầu như lúc này đây. Anh đang nghĩ gì...? Chắc là anh đang nhớ tới người vợ còn trẻ có nhan sắc và mấy đứa con nhỏ ở lại Sài Gòn. Anh đã lớn tuổi rồi nên thời gian không chờ đợi. Anh có tiếc là đã gặp mình không? Chắc anh chưa chuẩn bị cho một tai ương như thế này. Mình sẽ nói với anh là ngày thắng lợi không còn xa. Chính anh còn nhiều hy vọng hơn cả mình để nhìn thấy ngày đó. Anh cùng bị một án tù như mình, nhưng kẻ địch không đánh giá anh là một đối tượng nguy hiểm. Hy vọng đối với mình mong manh hơn nhiều... Nhưng chưa nên nói gì với anh lúc này.
Hai Long nghĩ tới ngày mai khi vợ con anh vào thăm thấy anh đã biến khỏi khám đường. Anh hình dung rõ thái độ của những người thân lúc đó. Anh bỗng cảm thấy buồn. Từ ngày ra đi tới nay, chưa bao giờ anh mang lại cho vợ con những phút vui trọn vẹn. Nhưng anh không lo lắng nhiều. Gia đình anh đã qua nhiều cơn sóng gió. Tất cả sẽ giống như những cây lau sậy yếu ớt oằn đi trước dông tố, chờ gió thổi qua rồi lại gan góc đứng thẳng.
Vì bọn chúng đưa anh đi quá nhanh nên Tòa Khâm sứ không kịp cho người vào khám thu lại tấm huy chương. Anh vẫn mang theo bảo vật của Giáo hoàng. 

---
[1] Sản xuất tại Hoa Kỳ

<< Chương 12 | Chương 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 746

Return to top