Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trinh Thám, Hình Sự >> Ông cố vấn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 79306 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ông cố vấn
Hữu Mai

Chương 6

1.
Cuối năm 1965, trên đường phố Sài Gòn xuất hiện nhan nhản những sĩ quan và binh lính Mỹ, có cả những sĩ quan và binh lính Úc, Nam Triều Tiên. Tiếng bom B.52 từ Bến Cát vọng về lần đầu hồi giữa tháng 6, một vùng chân trời như bị xô lệch vì những tiếng nổ khủng khiếp trở thành quen thuộc với dân Sài Gòn. Mỹ đã có tại miền Nam Việt Nam 18 vạn quân. Những cuộc chiến đấu ác liệt nổ ra giữa bộ đội ta và quân Mỹ tại khắp miền Nam, ở Núi Thành, Ba Gia, Đồng Xoài, Vạn Tường, Plây Me, Đất Cuốc, Bầu Bàng, Dầu Tiếng… Chiến tranh đã lan ra cả miền Bắc với những trận oanh kích dữ dội của máy bay Mỹ, được báo tin hàng ngày trên các đài phát thanh.
Nhiều lúc, Hai Long cảm thấy sốt ruột. Trong năm qua, anh đã nối lại được nhịp cầu đã đứt với dinh Độc Lập. Thiệu và Kỳ đã chuyển từ dinh Gia Long về tòa lâu đài tráng lệ mới được xây dựng trên nền đất cũ của dinh Norodom bị bom làm hư hại từ thời Diệm. Hàng tuần, cha Nhuận và cha Lãm từ dinh Độc Lập về nhà thờ Bình An báo cáo những chuyện đã xảy ra trong dinh. Cha Hoàng ngồi nghe nhiều lúc với vẻ lơ đãng. Điều ông trước đây hay quan tâm và hăng hái đóng góp ý kiến là đưa ai vào, ai ra trong bộ máy chính quyền. Những chuyện đó lúc này không còn. Đôi khi, cha Nhuận hoặc cha Lãm cũng nêu lên một vài chuyện khúc mắc của Thiệu, Kỳ, định bàn bạc với cha Hoàng nhưng ông gạt ngay đi:
- Các cha nghe chuyện chi thì cứ nói lại là đủ, khi nào có ý kiến tôi sẽ nói chứ các cha đâu biết những việc này mà bàn với bạc!
Từ đó, có những chuyện Thiệu hoặc Kỳ muốn lấy ý kiến gấp, hai cha đều đem trao đổi với Hai Long. Nhưng những vấn đề các cha nêu ra thường không mấy liên quan đến những điều anh đang cần tìm hiểu. Vốn là những nhà tu hành thuần túy, các cha không am tường những vấn để chính trị, quân sự như cha Hoàng đã nói. Hay đây chính là trình độ của tập đoàn quân sự cầm quyền hiện nay, bỗng nhiên có quyền lực trong tay, họ chưa biết làm gì và chỉ ngồi chờ thực thi những lệnh của Mỹ? Mỹ đã bắt đầu thay đổi chiến lược chiến tranh. Trung tâm rất cần biết Mỹ muốn gì và đang định làm gì. Nhưng anh vẫn chưa nắm được.
Đầu tháng 3 năm 1966, cha Hoàng nói với Hai Long:
- Có một cha tuyên úy Hải quân Mỹ đề nghị gặp thầy nhiều lần, không tiện bỏ qua mãi, bữa nay mời thầy đi cùng tôi gặp ông ấy chốc lát.
- Thưa cha, cha tuyên úy mà con sẽ gặp là người như thế nào?
- Thầy sẽ không phải thất vọng. Đây là người Mỹ mà mình thích nhất. Một pho từ điển sống, tính tình rất cởi mở, vui vẻ. Tên ông ta là O’Connor.
Cha Hoàng chấm tay vào ly nước viết ra mặt bàn mấy chữ “O’Connor”.
- Thưa cha, ông O’Connor có nhiệm vụ gì ở Việt Nam?
- Rồi thầy sẽ trực tiếp hỏi ông ta. Nhưng mình đã nói là gặp ông ta rất thú vị, rất bổ ích.
Hai Long vẫn muốn biết rõ hơn về người Mỹ mình sẽ gặp:
- Gặp ông ta, con nên nói những chuyện gì?
Nhưng cha Hoàng không hiểu ý anh, cười xòa đáp:
- Thời gian qua, mình đã có dịp nắn gân cốt nhiều người Mỹ, chẳng có gì ghê gớm đâu! Cứ nói chuyện với họ như ta vẫn nói chuyện với nhau ở nhà, thì cũng chẳng có gì thua kém họ.
Cha Hoàng lái xe cùng Hai Long tới Nha Tuyên úy của Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ.
Một người Mỹ trong số mấy người đang ngồi trong nhà chạy ra tươi cười bắt tay cha Hoàng và Hai Long. Ông ta người cao lớn, tóc màu ghi nhạt, cặp mắt xanh thông minh, giản dị với chiếc quần xanh và cái áo trắng cổ cao, có gắn huy hiệu tuyên úy. Ông ta nhanh nhảu giới thiệu một cách nhũn nhặn:
- Tôi là O’Connor, tuyên úy của Hải quân Mỹ, có quan tâm đến việc nghiên cứu đạo đức học và thần học.
Cha Hoàng giới thiệu Hai Long bằng những lời bất ngờ:
- Đây là giáo sư Hoàng Đức Nhã, một lãnh tụ của phong trào Công giáo, và là người đỡ đầu tướng Thiệu và tướng Kỳ.
Đôi mắt xanh của O’Connor nhấp nhánh nhìn anh:
- Nghe danh giáo sư từ lâu, bữa nay mới có may mắn được gặp. Tôi mong sẽ là người bạn lâu dài đối với giáo sư. Tôi có khá nhiều vấn đề muốn trao đổi và xin ý kiến giáo sư với tư cách là một trí thức Công giáo, một lãnh tụ của giáo dân.
Hình như đã có hẹn trước, cha Hoàng để anh lại một mình với O’Connor, hẹn sau hai giờ sẽ quay lại đón. Những người bạn của O’Connor cáo từ ra về.
O’Connor vào chuyện ngay một cách cởi mở:
- Cha Hoàng đã nõi chuyện với tôi rất nhiều về giáo sư. Để chúng ta có thể trao đổi thẳng thắn với nhau, tôi xin nói về công vụ của mình ở Việt Nam, điều mà tôi chưa hề nói với người Việt Nam nào, kể cả cha Hoàng. Tôi là đặc phái viên của Đức Hồng y giáo chủ Spellman. Khi tôi được phái sang đây, tổng thống Johnson có nhờ tôi tìm hiểu một số vấn đề tại chỗ để giúp ngài có những quyết định đúng đắn.
- Rất hân hạnh…
- Với những quyết định của tổng thống Johnson trong năm 1965, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa đã bước qua một thời kỳ mới, thời kỳ quân đội Việt Nam và quân đội Mỹ cùng đứng bên nhau trên chiến hào chống Cộng. Những quyết định của tổng thống không phải không vấp phải những sự bất đồng ngay từ Nhà Trắng. Hàng ngày, tổng thống tiếp nhận được quá nhiều ý kiến rất khác nhau của những nhà quân sự, dân sự ở hai viện tại quốc nội và cả ở quốc ngoại. Trong đó, không phải không có những điều dối trá. Vì vậy, tổng thống rất cần những ý kiến trung thực. Tôi được Đức Hồng y Spellman cũng như tổng thống trao nhiệm vụ thu thập những ý kiến đó. Tôi là một người độc lập, ngoài nhiệm vụ do tổng thống và Đức Hồng y trao, chỉ chịu trách nhiệm với chính mình. Tôi rất mong được sự cộng tác của giáo sư. Tôi cần có sự cộng tác của giáo sư trong công vụ khó khăn này, vì tôi biết giáo sư không phải là một nhà lãnh đạo Công giáo bình thường, giáo sư đã có quan hệ mật thiết với chính quyền Việt Nam cộng hòa trong quá khứ cũng như hiện tại. Còn hơn thế, giáo sư đang là người đỡ đầu cho những nhà lãnh đạo chủ yếu của Việt Nam cộng hòa.
- Thưa cha tuyên úy, tôi xin chân thành cảm ơn cha đã có những lời đánh giá quá cao và sự tin cậy đối với cá nhân tôi. Tôi xin hứa sẽ cố gắng không phụ sự tin cậy đó. Cha tuyên úy đã nhắc tới tính trung thực trong công vụ nặng nề mà cha đang chịu trách nhiệm, xin cha cho phép tôi trong buổi tiếp kiến đầu tiên này được bày tỏ những ý nghĩ trung thực của mình. Tôi vẫn chưa giải thoát được khỏi những ý nghĩ đau buồn trong sự cộng tác với người Mỹ. Tư tưởng tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi hồn ma của anh em ông Diệm, ông Nhu, ông Cẩn. Nếu tôi nghĩ không sai thì cùng với chính quyền Hoa Kỳ, giáo hội Mỹ cũng có phần trách nhiệm đối với thảm họa mà ông Diệm với tư cách vừa là tổng thống, vừa là một giáo dân ngoan đạo phải gánh chịu. Trong quá khứ, cuộc đời tôi gắn liền với cái chết của một tổng thống, trong hiện tại, số mệnh lại buộc tôi vào một tổng thống đương nhiệm… Mong cha thông cảm cho tâm trạng của tôi lúc này.
Nét mặt O’Connor đang tươi tỉnh trở thành buồn rầu:
- Tôi thành thật chia sẻ những tâm tư và tình cảm của giáo sư đối với những chuyện không may đã xảy ra với gia đình cố tổng thống Diệm. Đức Hồng y Spellman rất ân hận về chuyện này. Và tổng thống Johnson cũng đã rút kinh nghiệm. Cũng xin nói để giáo sư yên tâm, lần này tổng thống đã thành lập một ủy ban đặc trách về Việt Nam với sự tham gia của đích thân Đức Hồng y Spellman.
- Nhưng ông Cabot Lodge vừa trở lại Việt Nam! Ông Cabot Lodge đã mặc áo gấm dài và đội nón Việt Nam khi về nước, có người đã phong cho ông là “công dân số 1 của Việt Nam cộng hòa” nhưng giáo dân Việt Nam lại nghĩ khác về ông Lodge!
- Ông Cabot Lodge trở lại Việt Nam với những chỉ thị mới.
- Tôi đã chứng kiến những việc ông Lốt làm cách đây hơn hai năm. Cha có cam kết với Công giáo Việt Nam chúng tôi là những chỉ thị của tổng thống Johnson cho ông Lodge khác với những chỉ thị của tổng thống Kennedy trước đây không?
- Giáo sư có thể thấy sai lầm cũ đã bắt đầu được sửa chữa và đang được tiếp tục sửa chữa…
Hai Long im lặng. Anh không tiếp tục nói về vấn đề này nữa, tỏ ra mình đã lắng nghe, nhưng không phải đã hết thắc mắc. Anh không ngờ mình lại gặp một người Hoa Kỳ đang lãnh một sứ vụ quan trọng mà lại có vẻ cởi mở như ông linh mục này. Hai Long bắt đầu nêu một số câu hỏi liên quan tới phong trào Công giáo để trao đổi với O’Connor, như thái độ của Công giáo trước hiện tình thế giới, trước nạn nghèo đói, trước tình hình phát triển của khoa học kỹ thuật, trước vấn đề chiến tranh và hòa bình… giáo hội Việt Nam, giáo hội Mỹ, hoặc châu Phi… phải dấn thân như thế nào, hoặc làm cách nào để tồn tại. Anh dựa vào tinh thần của Cộng đồng Vatican II trao đổi với O’Connor. Anh muốn tìm hiểu quan điểm tôn giáo của ông linh mục, muốn phân biệt mình và cha Hoàng trước mắt của O’Connor. Đây chỉ là những câu hỏi khơi mào mở đầu cho những câu hỏi tiếp theo.
Câu chuyện vui vẻ sôi nổi giữa hai người phải tạm ngừng khi cha Hoàng đánh xe quay lại đón Hai Long. Ông linh mục hẹn sẽ tới Bình An trong một ngày rất gần.
 
2.
Hai Long tự hỏi vì sao O’Connor đã chủ động tìm gặp và đặt quan hệ với mình? Có thể Mỹ đã nhận ra sai lầm đối với Thiên chúa giáo ở Nam Việt Nam. Qua tiếp xúc với cha Hoàng, ông linh mục Mỹ đã sớm nhìn thấy những nhược điểm của nhân vật chống Cộng cuồng tín này, ông ta nổi lên như một lãnh tụ Công giáo hàng đầu ở Nam Việt Nam là nhờ có một người đứng sau, bộ não của ông ta. Người đó là Hai Long, người có tên trong danh sách phái đoàn sang thăm Mỹ với tư cách là cố vấn. Để làm cho đẹp mặt mình, như là cách cha Hoàng vẫn thường làm, ông hẳn đã giới thiệu với O’Connor trước đây Hai Long là cố vấn của Ngô Đình Nhu, và tố thêm anh là người đỡ đầu của Thiệu và Kỳ. Ông linh mục Mỹ đã đánh giá anh là một nhân vật mình không thể thiếu trong nhiệm vụ làm tai mắt cho tổng thống và giáo hội Mỹ ở Nam Việt Nam. Dựa vào anh, ông ta sẽ nắm được tình hình tôn giáo, chính trị, và đặc biệt là tình hình ngụy quyền ở Nam Việt Nam, hơn thế, hướng giáo hội Thiên chúa giáo Nam Việt Nam và ngụy quyền thực hiện những ý đồ của Mỹ… Nếu vậy, anh cần tìm mọi cách củng cố sự đánh giá đó, “đáp ứng” những gì ông ta cần ở mình, đánh đổi lấy những gì mình đang cần ở ông ta. Nhưng anh còn phải kiểm tra giả thuyết này. O’Connor có đúng là một người “độc lập” như ông ta nói không? Mối quan hệ giữa ông ta với CIA như thế nào? Hơn thế, ông ta có đúng là linh mục tuyên úy của Hải quân Mỹ không?
O’Connor trở thành người khách năng lui tới nhà thờ Bình An. Cha tuyên úy Mỹ đã thực sự chiếm được cảm tình của cha Hoàng. Ông đã bỏ nhiều cuộc đàm đạo vô bổ với những nhà buôn chính trị bằng nước bọt như Trần Văn Tuyên, Hà Thúc Kỳ, mà trước đó Hai Long thường can ngăn không được, ngồi với cha tuyên úy hết buổi này sang buổi khác.
Hai Long đã tạo cho căn buồng giản dị mà cha Hoàng dùng làm văn phòng thành một nơi hấp dẫn với O’Connor. O’Connor là người ham hiểu biết lại rất thông minh không chịu được những câu chuyện lặp đi lặp lại cũng như cách nói khách sáo. Anh bàn với cha Hoàng những chuyện nên trao đổi với O’Connor, để khẳng định vị trí làm cho ông tuyên úy phải trọng nể. Cha Hoàng bắt đầu khoe tài dùng binh của mình. Ông kể về cuộc chiến đấu chống Cộng hồi còn làm tổng chỉ huy tự vệ ở đồng bằng Bắc Bộ. Ông trình bày thế trận Système solaire[1], một cái tên rất kêu do ông đặt ra, với việc bố trí những đồn bốt của tự vệ Công giáo, những nhà thờ có vũ trang chung quanh căn cứ của quân đội liên hiệp Pháp để tự bảo về với sự yểm trợ và chi viện nhanh bằng pháo binh và bộ binh Pháp. Ông nói về sự phân bố những đại đội thành những tổ nhỏ chia về những đồn, tháp canh những nhà thờ lẻ để chuẩn bị chiến trường cho quân Pháp càn quét, hay bám sát những hoạt động xâm nhập đồng bằng Bắc Bộ của sư đoàn 320... O’Connor nghe rất say mê. Ông hết lời ca ngợi tài bài binh bố trận của cha Hoàng. Những lời khen không phải là khách sáo. Cha Hoàng đã làm việc nhiều tháng với những chuyên gia chống chiến tranh du kích Anh và Do Thái nên có nhiều ý kiến sắc sảo về đề tài này.
Hai Long tiếp tục trao đổi với cha tuyên úy những chuyện về đạo giáo và chính trị. Anh thường tỏ ra cương nghị, nghiêm trang nhưng cũng thức thời, không bị lệ thuộc và những tư tưởng chống Cộng quá cứng nhắc như cha Hoàng. Đôi khi anh tranh cãi sôi nổi với O’Connor, kết hợp giữa lý và tình, kích động ông linh mục nói lên sự thật. Có lúc anh cũng tham gia vào những câu chuyện quân sự của cha Hoàng. Anh thường đề cập tới sự thất bại của quân đội viễn chinh Pháp. Anh “thú nhận” mình ít hiểu về những chiến thuật, kỹ thuật quân sự cụ thể và lạc hậu về loại chiến tranh hiện đại mà quân Mỹ đang tiến hành. Anh tỏ ra là một người biết nhìn và trông rộng nhưng khiêm tốn và ham học hỏi, tôn trọng sự thật, sẵn sàng từ bỏ những định kiến sai lầm. Để cho cuộc trao đổi thêm sinh động, Hai Long thường xen kẽ thuật lại những chuyện về thời kỳ Diệm cầm quyền, chế độ gia đình trị và nguyên nhân đẻ ra nó, những cá tính đặc biệt và những tham vọng của anh em họ Ngô, điều mà nhiều người Mỹ chưa biết đến, nên đã dẫn tới sai lầm trong việc giải quyết chế độ Diệm.
Ông tuyên úy thú nhận những điều nghe được từ Hai Long và cha Hoàng đã làm thay đổi nhiều quan niệm mà ông thu lượm sau một quá trình nghiên cứu về xã hội và con người Việt Nam.
Hàng tuần, O’Connor có mặt hai lần ở nhà thờ Bình An. Cuộc chuyện trò tâm đắc giữa ba người thường diễn ra tới hết buổi. O’Connor thích dùng rượu lễ Hai Long đưa từ Tòa Khâm sứ về, nhấm nháp với đậu phộng rang của cha Hoàng, hoặc thỏi chocolate mà ông thường mang theo làm quà. Ông không thích hút thuốc lá, nhưng lại ham tập hút thuốc lào bằng điếu cày bắt chước cha Hoàng. Tới bữa, ông dùng cơm ta với cha Hoàng và Hai Long. Chỉ sau một vài bữa, ông đã sử dụng đũa thành thạo. Có những lần, để thay đổi không khí, ông đánh xe xuống Bình An đón cha Hoàng và Hai Long về Nha Tuyên úy Hải quân Mỹ , rủ thêm một vài người bạn thân tới cùng đàm đạo rồi ăn uống tại đây.
Qua tìm hiểu, Hai Long biết O’Connor có những quan hệ rất rộng rãi với nhiều giới chức Mỹ ở Việt Nam cũng như ở chính quốc. Về giới quân sự, O’Connor giao du mật thiết với Adrew J. Goodpaster, phó tổng tư lệnh Mỹ ở Việt Nam, Lewis W. Walt, tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ ở Việt Nam, James W. Kelly, phó đô độc bộ tư lệnh Hải quân Mỹ. Về chính trị, O’Connor có quan hệ với những nghị sĩ, chính khách Mỹ thuộc cả hai phe Bồ câu và Diều hâu, như Morse, Jackson, Mansfield, Funbright... Ông có quan hệ với nhiều tờ báo Công giáo như tờ Christian Century[2], Christian Science Monitor[3], The Catholic World[4].
O’Connor có một vốn kiến thức khá uyên bác trên nhiều lãnh vực thần học, chính trị, kinh tế, và cả về quân sự. Ông say mê tìm hiểu sự thật. Có thể nói, trừ lòng tin vào Chúa là đấng sáng tạo muôn loài và một số quan điểm chính trị do ý thức tôn giáo chi phối, ông ta có tự do tư tưởng trên mọi vấn đề tranh luận. Ông thường trình bày ý kiến của mình một cách thẳng thắn, và nói có sách mách có chứng. Khi gặp điều gì mình không nhớ chắc chắn, dù đó chỉ là những chi tiết, ông xin khất lại để về tra cứu hẹn sẽ trả lời sau. Ông đã hứa là làm, không chỉ nói cho qua chuyện. Ngoài cá tính vui tươi, hồn nhiên, cởi mở, ông tỏ ra dễ tin người và thích giúp đỡ người khác.
Hai Long học được ở ông linh mục tác phong nghiêm cứu nghiêm túc, và cảm thấy mình không đủ hiểu biết để khai thác cái vốn tri thức dồi dào của ông ta.
Anh lấy tư cách một người hoạt động tích cực cho phong trào Công giáo, yêu cầu giáo hội Mỹ mà O’Connor là người thay mặt giúp đỡ mình sáng suốt, khôn ngoan, vun đắp cho mình vững vàng để phục vụ giáo hội. Anh than phiền là tình hình chính trị hiện thời rất phức tạp, mình cần hiểu đường lối của giáo hội Mỹ, dựa theo đó mà liệu cách hướng dẫn giáo dân miền Nam cho phù hợp. Vậy Công giáo Mỹ chủ trương ra sao, về quân sự Mỹ tính như thế nào, anh cần phải làm gì, làm như thế nào, v.v... Anh cũng nhân danh là người bạn, là tham mưu của Thiệu, vì Thiệu dựa vào Công giáo và tin cậy ở anh, anh “sẵn sàng hi sinh mạng sống cho bạn”[5], hỏi O’Connor mình phải làm gì, làm như thế nào để phò trợ Thiệu đảm đương nhiệm vụ với đất nước, với đồng minh? Anh yêu cầu và nhờ cậy giáo hội Mỹ giúp mình bảo vệ Thiệu tránh khỏi thảm họa của Diệm trước đây. Với tư cách là người được giáo hội cử ra giúp đỡ Thiệu, anh cam kết sẽ hướng Thiệu thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Mỹ, chỉ cần người Mỹ thành thật trao đổi với mình về đường lối, chủ trương để mình khỏi có sự ngộ nhận. O’Connor tỏ vẻ cảm kích trước những yêu cầu này.
Một bữa, cha Hoàng nói với anh:
- Cha tuyên úy O’Connor rất quý thầy, tới Bình An câu đầu tiên là hỏi: “Thầy Nhã có nhà không?”. Ông nhận xét thầy hiểu biết vững đạo Chúa, có quan điểm tiến bộ về thần học, phân tích giỏi, biết nhìn xa, có lối suy nghĩ và hành động khoa học, xứng đáng là một bộ óc của giáo hội Việt Nam. Thầy cũng có những suy nghĩ sâu sắc về quân sự, nếu được giúp đỡ thêm, có thể phò trợ tốt cho Thiệu về mặt này.
Với ý định giúp đỡ Hai Long về mặt quân sự, mà anh đã thú nhận sự hiểu biết của mình còn hạn chế, O’Connor nói cho anh nghe những quan điểm khác nhau, những ý kiến đang còn tranh luận đối với việc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, Hai Long tỏ ra là người hiếu học, ham tìm hiểu cặn kẽ, để có được lập luận vững vàng khi cần thuyết phục Thiệu. O’Connor kể lại sự mâu thuẫn gữa Walt và Westmoreland trong vấn đề đưa thủy quân lục chiến Mỹ lên bố phòng ở bờ biển vùng I, vùng II chiến thuật, về những cuộc hành quân hỗn hợp tại phía nam vĩ tuyến 17 ngay từ tháng 3 năm 1965, v.v... Ông phân tích những điểm cơ bản về chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh hiện nay, thời kỳ bản lề của chiến lược này, và mang tới cho anh mượn cả những tài liệu nguyên bản để anh có thể tự nghiên cứu thêm. Ông muốn củng cố ở anh lòng tin vào đường lối tiến hành chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam dựa trên khoa học quân sự hiện đại và những phương tiện chiến tranh hiện đại của quân đội Mỹ.
 
3.
Qua một năm, tình hình chính quyền ở miền Nam cực kỳ rối loạn với 7 cuộc đảo chính liên tiếp, đế quốc Mỹ đã nhận ra không còn cách nào hơn là trao quyền hành cho đám tướng trẻ đang nắm lực lượng trong tay. Tất cả những tướng lớn tuổi có năng lực, nòng cốt của cuộc đảo chính lật đổ chế độ Diệm, đều bị gạt ra ngoài. Nhưng quyền hành không thể chia đều cho tất cả những kẻ có tham vọng. Có những người không thỏa mãn, mầm mống của đảo chính vẫn còn.
Nguyễn Chánh Thi, người đã tổ chức cuộc đảo chính Diệm bất thành, người đã tích cực góp phần gạt nhóm Đôn, Kim, Xuân, đưa Khánh lên cầm quyền nhưng cũng hăng hái hoạt động lật đổ Khánh, được điều khỏi Sài Gòn đi làm tư lệnh vùng I chiến thuật. Thi rất bất bình, vì thấy mình xứng đáng với một vị trí cao hơn. Thi âm thầm tổ chức lực lượng chống lại Thiệu, Kỳ. Thi đã kết thân được với Phật giáo miền Trung do nhà sư hiếu động Thích Trí Quang cầm đầu. Phật giáo miền Trung, nơi đã châm ngòi cho cuộc đảo chính lật đổ Diệm năm trước, thấy mình hoàn toàn bị bỏ quên, những chiếc áo choàng đen sau một thời gian vắng bóng lại tiếp tục xuất hiện trong dinh Độc Lập. Họ không thể ủng hộ chính quyền Thiệu, Kỳ. Điều quan trọng nữa, Thi đã tranh thủ được cảm tình của Walt, tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng quân ở miền Trung. Cabot Lodge trở lại Sài Gòn là một sự khích lệ đối với Phật giáo miền Trung. Nhà sư Thích Trí Quang đã nương náu cả tháng ở tòa đại sứ Mỹ trong những ngày bị Nhu đàn áp, được Cabot Lodge đón tiếp nồng hậu.
Sự chống đối của Thi bắt đầu bằng việc phớt lờ những chỉ thị, mệnh lệnh của chính quyền trung ương Thiệu Kỳ. Sau nhiều lần nhắc nhở không hiệu quả, Thiệu, Kỳ ra quyết định cách chức tư lệnh vùng I chiến thuật của Thi. Những cuộc biểu tình do Phật giáo khởi xướng nổ ra tại Huế và Đà Nẵng chống lại quyết định này. Đông đảo binh lính quân đoàn I của Thi có mặt trong hàng ngũ biểu tình. Huế trở thành trái tim của phong trào Phật giáo đấu tranh chống lại chính quyền Sài Gòn. Phật tử chiếm Đài phát thanh Huế, Đà Nẵng, Hội An. Những cuộc biểu tình của Phật giáo lan ra nhiều thành phố lớn ở miền Nam. Nguyễn Chánh Thi thấy mình có thể trở thành lãnh chúa ở Bắc phần Việt Nam cộng hòa, cho quân đoàn I tuyên bố ly khai với chính quyền Sài Gòn. Walt ủng hộ Thi bằng cách đưa quân Mỹ rút ra ngoài thành phố Đà Nẵng, dùng máy bay gọi loa tuyên bố “không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam”. Từ tháng 4 năm 1965, Đà Nẵng tách khỏi chính quyền Sài Gòn.
Nhiều lần cha Nhuận, cha Lãm từ dinh Độc Lập về Bình An, nói Thiệu và Kỳ rất hoang mang vì những vụ rối loạn ở miền Trung, muốn xin ý kiến cha Hoàng. Cha Hoàng dọa thêm:
- Bảo ông Thiệu, ông Kỳ coi chừng Cabot Lodge đó!
Kỳ muốn đem quân ra dẹp Thi nhưng chưa dám hành động vì không rõ ý đồ của Mỹ trong vụ này ra sao. Nguyễn Chánh Thi và Thích Trí Quang đã có quan hệ với CIA từ lâu. Nội bộ quân ngụy rối ren là một điều rất có lợi cho ta trong lúc quân Mỹ bắt đầu tham chiến ở miền Nam. Trước những lời gặng hỏi của cha Nhuận và cha Lãm, Hai Long chỉ nói mình đang tiếp tục thăm dò và tìm hiểu.
Đầu tháng 5, cha Nhuận và cha Lãm cùng kéo nhau vào, gặp cả cha Hoàng và Hai Long. Cha Lãm nói:
- Ông Kỳ cho biết tình hình Đà Nẵng rất nguy ngập, Nguyễn Chánh Thi quyết tâm làm phản, ổng sẽ đưa quân ra hỏi tội Thi.
Hai Long thấy cần nhân dịp này xác định vai trò của mình với Thiệu, Kỳ:
- Quân đội Việt Nam cộng hòa đánh lộn nhau trong lúc này không lợi. Nhưng nếu thuyết phục Thi không được thì cũng phải dùng biện pháp mạnh thôi! Hai cha nói với ông Thiệu, ông Kỳ cứ yên tâm lo chuyện nội bộ, còn về phía Mỹ đã có con. Người của Đức Hồng y Spellman, của tổng thống Johnson kề cận hàng ngày ở Bình An với cha Tổng chớ ở đâu! Hai cha nói với mấy ổng, Công giáo sẽ không bao giờ để Mỹ lặp lại một vụ Phật giáo thứ hai.
Cha Hoàng nói:
- Biết dựa vào Bình An thì việc gì cũng xong, bảo tướng Kỳ lúc đánh nhau thì phải nhìn lên núi, Việt Cộng đang ngồi chóc ngóc trên đầu mình đó.
Ngày 11 tháng 5, Kỳ huy động lực lượng lính dù, lính thủy đánh bộ và xe tăng, với sự yểm trợ của không đoàn máy bay khu trục và máy bay ném bom, từ sáng sớm bất thần ập xuống Đà Nẵng. Những lực lượng của Thi không kịp phản ứng.
Thi cầu cứu bộ tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ. Tướng Walt đánh điện cho Kỳ, dọa:
- Ngài phải cho dừng ngay cuộc hành quân, nếu không những máy bay của Hoa Kỳ sẽ cất cánh bắn rơi những máy bay của ngài.
Kỳ gọi điện thoại cho Cabot Lodge, thuật lại những lời Walt, và nói:
- Tôi sẽ lên máy bay ra Đà Nẵng ngay bây giờ điều khiển cuộc hành quân, để xem quân đội Hoa Kỳ có bắn rớt thủ tướng của Việt Nam cộng hòa hay không?
Lodge xoa dịu:
- Tôi không được biết đã xảy ra một chuyện như vậy. Tôi sẽ dàn xếp ngay vụ này. Xin thủ tướng cứ yên tâm.
Buổi trưa, Kỳ bay ra Đà Nẵng, Kỳ hung hăng ra lệnh hướng tất cả những nòng pháo lớn vào căn cứ thủy quân lục chiến của Mỹ, nếu máy bay của Việt Nam cộng hòa bị bắn rơi thì lập tức nhả đạn tiêu diệt căn cứ này.
Tướng Walt gọi điện cho Kỳ, yêu cầu tới gặp, Kỳ tự ái trả lời mình không có thời giờ. Kỳ biết Walt đã nhận được một thông điệp của Cabot Lodge. Walt đành xử nhũn, xin tới gặp Kỳ. Kỳ được thể vẫn từ chối, lấy cớ đang rất bận. Cuối cùng, Kỳ nói, chỉ có thể gặp Walt trong 5 phút.
Gặp Kỳ, Walt nói:
- Tôi là cố vấn của bộ tư lệnh quân đoàn I nhưng không hề biết gì về cuộc hành quân của ngài ở Đà Nẵng. Tình hình trong khu vực rất yên tĩnh. Quân Mỹ vẫn có thể vào uống rượu trong quán ở thành phố.
- Điều đó là tốt. Nhưng tôi phải tái lập quyền lực của chính phủ trung ương đối với một đơn vị quân đội đã chống lại quyền chỉ huy của chúng tôi. Đó là công việc nội bộ của chế độ.
- Ngài có đưa quân đánh ra Huế không?
- Không cần thiết. Huế sẽ được giải quyết cách khác.
Kỳ lập lại quyền kiểm soát của Sài Gòn tại Đà Nẵng. Thích Trí Quang bị bắt ở Huế đưa về Sài Gòn. Phong trào đấu tranh của Phật giáo ở Huế lắng xuống. Thích Trí Quang bị giữ tại một bệnh viện. Ông tuyên bố tuyệt thực. Các cố vấn Mỹ luôn luôn hỏi Kỳ về sức khỏe của nhà sư. Có người hỏi:
- Khi nào Trí Quang sẽ chết?
Kỳ đáp:
- Nếu Trí Quang chỉ là một nhà sư thì ông ta sẽ chết. Nhưng vì còn là một nhà chính trị nên ông ta sẽ không chết. Ông ta đang được cho ăn một cách kín đáo để sống và tiếp tục làm chính trị.
 
4.
Dinh Độc lập, Tòa Khâm sứ, và O’Connor đã tạo ra cho Bình An và Hai Long một khu “tam giác vàng”. Anh không vội quan hệ trực tiếp với Thiệu, Kỳ vì chính quyền miền Nam còn chưa ổn định. Anh gợi ý cho cha Nhuận và cha Lãm tìm hiểu thêm về những vấn đề mình cần biết trong dinh Độc lập. Anh bắt đầu giao du rất mật thiết với những cha cố tuyên úy Mỹ. Anh báo cáo thường xuyên với Khâm sứ về tình hình ngụy quyền và những vấn đề O’Connor đã trao đổi với mình. O’Connor hoạt động một cách rất kín đáo. Ông không muốn tiếp xúc với Thiệu, Kỳ vì ông cho rằng chỉ cần biết về họ qua người đỡ đầu mà ông ngày càng tin cậy. Hai Long và O’Connor đã trở nên thân thiết. Ông năng gặp anh hơn gặp cha Hoàng, vì thích những cuộc trao đổi tranh cãi, thích những vấn đề mỗi ngày mỗi mới do Hai Long nêu lên buộc mình phải suy nghĩ.
Một bữa, O’Connor bỗng nói với Hai Long:
- Tôi muốn nhờ thầy giới thiệu với Đức Khâm sứ Tòa Thánh Angelo Palmas. Cha Hoàng nói với tôi, thầy được Đức Khâm sứ rất thương mến và trọng nể.
- Việc này hoàn toàn không khó khăn gì. Có lẽ cha là vị linh mục Mỹ đầu tiên mà Khâm sứ sẽ tiếp. Cha định khi nào tới đó? Có thể báo trước hoặc không báo trước với Khâm sứ, tùy ý cha.
- Bước đầu tôi chỉ muốn nhờ thầy chuyển tới Khâm sứ một tờ thiếp và một chút quà nhỏ. Còn chuyện tới gặp Khâm sứ, xin để một dịp khác.
- Thiếp và quà của cha sẽ được chuyển tới tận tay Khâm sứ một cách nhanh chóng.
Ngày hôm sau, O’Connor đưa anh một tấm thiếp và gói quà. Liếc nhìn tấm thiếp xong, Hai Long vội góp ý kiến:
- Thiếp gửi Đức Khâm sứ, cha nên dùng danh hiệu linh mục hơn là dùng tước hiệu tuyên úy Hải quân Mỹ, như vậy tiện cho Khâm sứ hơn.
O’Connor ngần ngừ rồi nói
- Đã trót viết rồi, phiền thầy cứ chuyển giúp, tôi nghĩ viết thế này cũng được.
Khâm sứ nhân được thiếp, tỏ vẻ rất mừng rỡ, hỏi Hai Long:
- Mình nên đáp lễ với linh mục sao cho phải?
Hai Long nói:
- Linh mục O’Connor muốn thăm hỏi và gửi lễ vật tới Đức Khâm sứ Tòa Thánh thì nên lấy chức vụ, thứ bậc của giáo hội là một linh mục khiêm nhường mà thăm hỏi Đức Tổng giám mục là bề trên khả kính của mình, việc gì phải dùng tới tước hiệu trong Hải quân Mỹ để Đức Khâm sứ phải khó xử! Có lẽ linh mục biết con là kẻ hèn mọn được Khâm sứ thương mến cách riêng, mới nhờ con dâng lễ vật lên. Con vị tình mà làm chứ về lý thì thấy mình có tội. Vậy con đề nghị Đức Khâm sứ viết thư cảm ơn linh mục O’Connor, nhưng không đề tước hiệu trong Hải quân Mỹ của linh mục, và không nhận lễ vật, rồi con liệu cách xử cho đẹp lòng linh mục.
Khâm sứ nghe lời Hai Long, viết thư trả lời O’Connor, và cẩn thận viết cả một thư cho cha Hoàng, nhờ cha liệu lời giải thích tấm lòng cảm mến của Khâm sứ đối với linh mục.
Hai Long đem thư của Khâm sứ kèm theo gói tặng phẩm trả lại O’Connor, và cũng đưa luôn lá thư Khâm sứ gửi cha Hoàng cho O’Connor xem. O’Connor rất mừng rỡ, vui vẻ cảm ơn anh. Anh nhẹ nhàng nói:
- Nếu cha nghe lời khuyên của tôi thì còn tốt đẹp hơn. Tôi đã biết Đức Khâm sứ sẵn sàng tiếp đón linh mục O’Connor tới thăm Người, nhưng ngài ngại tiếp nhận một món quà vật chất của một nhân vật Hải quân Mỹ.
O’Connor mỉm cười:
- Tôi lần đầu giao dịch với các cha bề trên của Tòa Thánh Roma, quả không biết điều này. Tiếc là tôi quá đơn giản. Từ lần sau, phải chú ý hơn tới những lời khuyến cáo của thầy. Tôi không ngờ thầy còn trẻ mà lại tích lũy được nhiều kinh nghiêm trong cuộc sống...

---
[1] Thái Dương hệ
[2] Kỷ nguyên Cơ đốc
[3] Người hướng dẫn khoa học Thiên chúa giáo
[4] Thế giới Công giáo
[5] lời trong Kinh thánh

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 748

Return to top