1.
Anh đã hình dung cái giờ phút sau khi không còn cách nào thuyết phục, phải tỏ cho bọn chúng biết mình là ai. Điều đó nhất định phải xảy ra đêm qua, nếu bộ đội ta tiến vào dinh Độc Lập, như họ đã đột nhập Đài phát thanh và Tòa đại sứ Mỹ. Đó cũng là lúc anh phải kết thúc trò chơi của mình. Anh cũng đã nghĩ tới trường hợp bộ đội ta chiếm được dinh Độc Lập, bắt được cả Thiệu nhưng cuộc tiến công lần này vẫn chưa giành được thắng lợi. Khi đó thật trớ trêu. Tình huống này sẽ vô cùng khó khăn đối với anh, vì nó loại anh ra ngoài trong khi cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Anh đã không có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ được trao. Nhưng anh còn giữ được vị trí của mình để tiếp tục cuộc chiến đấu. Trận đánh nổ ra như một tiếng sét giữa trời quang trên suốt dải đất miền Nam, đã mang lại cho kẻ địch nỗi kinh hoàng. Nhưng qua những diễn biến đến trưa hôm nay, anh linh cảm thấy đây chưa phải là trận đánh cuối cùng. Anh còn phải hết sức khéo léo giữ vững vai trò của mình để tiếp tục cuộc chơi.
Với lá cờ Chữ Thập Đỏ bay phấp phới đầu chiếc mô-bi-lét xanh, Hai Long phóng về phía Chợ Lớn.
Những người Hoa đã nhanh chóng tách khỏi cuộc chiến. Nhiều nhà ở Chợ Lớn treo cờ hoặc dán những mảnh giấy in cờ Trung Hoa dân quốc trước cửa để chứng tỏ mình là ngoại kiều. Một số nhà hàng vẫn mở cửa. Dân chúng ở đây đa số là người Hoa, có vẻ bình tĩnh hơn.
Hai Long dừng xe trước cầu Nhị Thiên Đường. Quân Mỹ đóng kín bên kia Kinh Đôi. Trên cầu, không một bóng người. Đầu cầu bên kia, lính Mỹ đội mũ sắt, mặc áo giáp, lăm lăm khẩu tiểu liên cực nhanh trong tay. Chúng đã dùng bao cát làm công sự trên những mái nhà vòm, bố trí hỏa lực, kiểm soát từ xa. Nếu qua cầu, chúng giữ lại xét hỏi, ít nhất cũng phiền phức và mất thời giờ.
Hai Long cho xe vòng lại, tìm một con đường ra bờ sông ở phía dưới, một nơi khá xa chỗ Mỹ đóng quân. Hồi lâu, anh mới tìm được một con đò ngang. Anh đưa xe xuống đò, qua sông.
Bình An ở phía trước. Mặt trời sắp lặn, nhưng những chiếc trực thăng vũ trang vẫn quần đảo trên đầu. Chúng vãi đạn xuống cánh đồng. Từ phía dưới, từng loạt đạn bắn lên. Rõ ràng là bộ đội ta ở đó. Có thể họ đã vào Bình An. Lòng anh rộn lên những tình cảm thân thiết. Mười lăm năm qua, lúc nào họ cũng vẫn ở bên anh, nhưng bây giờ anh sắp sửa lại nhìn thấy họ. Anh không biết những tin tức của mình đã được chuyển về Trung tâm hay chưa. Sau khi súng nổ, liên lạc khó giữ được như cũ. Ít nhất cũng phải báo cho đơn vị bộ đội này biết các con đường vào thành phố đã bị quân Mỹ chốt chặn.
Đường đi Bình An vắng ngắt. Lá cờ Chữ Thập Đỏ ở đầu xe đã giúp Hai Long tới Bình An trôi lọt. Gần tới đầu đường, anh nhìn thấy những chiến sĩ mặc quân phục, màu xanh lá cây, đội mũ tai bèo. Xem lẫn với họ có cả những thanh niên đầu trần, mặc sơ mi kẻ ô vuông và quần bò. Họ trang bị súng trường, tiểu liên, trung liên và cả súng chống tăng. Một số bộ đội ở rải rác trên cánh đồng chung quanh, đang chiến đấu với trực thăng Mỹ. Bộ đội ta đang bố trí đề phòng địch từ phía Chợ Lớn tiến ra. Trực thăng địch đã tránh không nã đạn vào khu vực nhà thờ.
Hai Long đoán đơn vị bộ đội này chờ khi trời tối để tiến vào Sài Gòn. Rất nhiều chiến sĩ còn trẻ măng. Nước da phần đông xanh xao. Nhiều người đã vượt suốt dọc Trường Sơn đầy bom đạn tới đây. Họ nhìn anh với cặp mắt tò mò. Mọi vật ở đây đều mới lạ đối với họ. Anh muốn ôm lấy họ như đã ôm lấy bé Liên khi thấy con trở về. Nhưng anh phải kìm lại đề phòng cặp mắt của giáo dân ở những ngôi nhà quanh đó.
Một anh Giải phóng đứng tuổi, nhô lên bên cạnh đường, giơ tay ra hiệu cho Hai Long dừng xe.
Anh xuống xe nói:
- Tôi ở Ủy ban Công giáo quốc tế cứu trợ nạn nhân chiến tranh, tới xứ đạo Bình An.
Anh móc túi định lấy giấy tờ, nhưng anh Giải phóng chắc hẳn là một cán bộ xua tay:
- Tất cả đồng bào đều đi ra tự do. Tôi muốn hỏi ông từ Sài Gòn hay Chợ Lớn tới đây?
- Từ Sài Gòn.
- Tình hình trong đó thế nào?
- Vô cùng lộn xộn. Cảnh sát, công an trên đường phố hầu như biến hết. Giải phóng đã chiếm được nhiều khu phố. Các nhà đều đóng cửa. Trên đường chỉ có dân tị nạn chạy từ phố này sang phố kia. Nhưng tôi được nghe chắc chắn, Mỹ đã đưa quân đóng chốt tất cả những con đường vào Sài Gòn, ngăn không cho quân Giải phóng tiến vô hoặc đi ra.
- Từ Sài Gòn đi ra, ông thấy Mỹ đóng quân ở những đâu?
- Họ chỉ đóng bên này cầu Nhị Thiên Đường, ngăn không cho bất cứ ai qua lại. Từ bên kia cầu vào tới nội thành, không thấy có quân Mỹ và quân Cộng hòa. Nếu các anh muốn vào nội đô, không thể đi qua cầu Nhị Thiên Đường, mà nên dùng đò ngang đi qua Kinh Đôi. Tôi cũng vừa qua sông bằng đò.
- Trời tối có đò không?
- Các anh nên nhờ người ở địa phương đi mướn trước thì tốt hơn.
- Mỗi chuyến đò chở được bao nhiêu người?
- Tôi nghĩ chừng ba chục.
- Cảm ơn anh. Mời anh đi.
Đường phố Bình An vắng ngắt. Những ngôi nhà hai bên đường đều đóng kín cửa. Bộ đội ta không ở trong đó.
Nhà thờ chật ních giáo dân tới trú ẩn. Họ ngồi cả trong cung thánh. Không thấy cha Hoàng. Chả lẽ cha đã kịp thời chạy vào nội thành? Những người anh hỏi thăm đều không biết cha ở đâu.
Trời bắt đầu tối. Đêm nay không thể trở về Sài Gòn. Anh dắt xe ra đường, tìm nhà bà Năm, một người thân tín của cha, không thấy có mặt trong nhà thờ.
Bác Năm gái hé cửa, nhận ra anh, kêu lên:
- Thầy Bốn làm cách nào tới được đây?
- Cha đâu? Sao không thấy cha ở nhà thờ?
- Cha sợ, bảo nhà con đưa đi lánh. Nửa đêm qua, Giải phóng tới bắt giáo dân tập họp ở trường học, gọi tên từng người tự vệ, rồi bảo bà con ở đâu cứ ở đó, đừng hoang mang, không ai được có hành động chống lại Giải phóng. Giải phóng tôn trọng chính sách đoàn kết tôn giáo của Mặt trận.
- Tôi muốn gặp cha ngay.
- Thầy cứ đi vô mấy nhà ở phía sau nhà thờ, chắc cha nghỉ tại đó chớ không đi đâu xa.
- Bác cho tôi gửi chiếc xe máy.
- Thầy đưa vô nhà cho con.
Bác Năm mở rộng cửa cho Hai Long dắt chiếc xe vào nhà.
2.
Trời tối đen như mực. Hai Long lần mò đi từng bước về khu nhà giáo dân ở sau nhà thờ. Anh khá quen khu này, nhưng trời tối, không nhà nào có để đèn, mọi vật đều như lạ hẳn đi. Hai Long hiểu là việc bộ đội ta đọc tên từng người tự vệ của xứ đạo Bình An, đã làm cho cha hoảng hồn, phải trốn khỏi nhà thờ, vì quá khứ chống Cộng khét tiếng của cha trước đây.
Chợt anh nghe tiếng lách cách của một khẩu súng lên đạn. Những tiếng hỏi nhỏ nhưng giật giọng:
- Ai?
- Ai...?
Tiếng hỏi sau lơ lớ không phải giọng người Việt, khiến anh lo lắng. Từ trong bóng tối đang có những họng súng chĩa vào mình. Hai Long ôn tồn trả lời:
- Thầy Bốn đây! Ai đó?
- Thầy Bốn nào?
- Ông giáo! Tôi là Nhã đây mà.
- Đúng tiếng thầy Bốn rồi!
Một thanh niên cầm khẩu Garant[1] tiến ra khỏi lùm cây.
- Sao thầy Bốn không cho người dẫn mà đi lò mò thế này? Con không nhanh tay ngăn thì ông Voòng nổ súng rồi!
Hai Long lạnh người. Voòng là một viên tướng Quốc dân đảng Đài Loan, ngụ tại Bình An. Không hiểu tại sao trong giờ phút này, y lại có mặt ở đây?
- Mình vừa từ Sài Gòn ra tìm cha. Cha đâu?
- Thầy Bốn đi theo con.
Tên tự vệ dẫn Hai Long vào một ngôi nhà gần ngay đó. Cha Hoàng đang ngồi bó gối trong một gian nhà nhỏ với ngọn đèn dầu lù mù, lật đật đứng dậy, ôm lấy anh:
- Từ sáng tới giờ, mình vẫn cầu nguyện cho thầy! Đêm qua ở đâu?
- Con ở trong Phủ tổng thống từ tối hôm qua tới chiều nay thì ra đây.
- Ông Thiệu có bình an không?
- Dạ, không can chi. Giải phóng tiến công nhiều nơi nhưng không đánh vô dinh Độc Lập. Tại sao cha lại ở đây? Không khi nào họ đánh vô nhà thờ đâu!
- Mình hiểu chính sách của họ. Nhưng lỡ binh lính có anh làm bậy! Lính của họ còn trẻ lắm.
Rồi ông ghé vào tai anh thầm thì:
- Mình ngán mấy anh Việt Minh già, họ có thể biết mình.
- Thưa cha, con nghĩ ở lại nhà thờ vẫn an toàn hơn. Ở đó, nhiều giáo dân, nếu lỡ có những người biết cha, họ cũng không dám đụng tới, vì họ cũng đang cần tỏ ra tôn trọng tín ngưỡng. Từ Sài Gòn vô đây, con chỉ có mỗi lá cờ nhỏ của CARITAS, mà đi trót lọt không hề hấn gì!
Cha Hoàng ngồi im.
Hai Long hỏi:
- Cha khuyến cáo bà con giáo dân đối phó với tình hình này như thế nào?
- Tự vệ có đủ súng đạn rồi, nhưng mình chưa cho lệnh nổ súng.
- Cha cần ra lệnh tuyệt đối không được nổ súng. Bà con ta sức mấy chống chọi nổi với Việt Cộng! Tòa đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu đầy rẫy quân lính, súng đạn mà họ vẫn nhảy vô được, đối phó mãi không xong! Ta phải để cho họ thấy mình là con chiên ngoan đạo, đứng ngoài chuyện đời, mới giữ được an toàn cho giáo dân. Tòa thánh vẫn thường nhắc tránh bạo động.
- Mình cũng đã nghĩ như vậy.
- Cha cho lệnh tự vệ không để Quân giải phóng nhìn thấy mình có vũ khí. Súng đạn nổ tứ phía, mình có súng trong tay, không bắn họ cũng nghĩ là mình bắn họ.
Cha Hoàng gật đầu:
- Lát nữa mình sẽ bảo, tạm cất hết vũ khí.
- Cả trong trường hợp, Giải phóng có làm điều gì sai trái, ta cũng chỉ đề nghị với Tòa khâm sứ đấu tranh với họ theo con đường ngoại giao, chứ không dùng vũ trang, vì làm như vậy chỉ đổ máu thêm mà chẳng ích gì. Tòa thánh biết lại thêm phiền cho cha!
Cha Hoàng gật đầu liền mấy cái.
Hai Long thủ thỉ:
- Con ở Sài Gòn rất lo cho cha. Bình An trống trải, đã trở thành bãi chiến trường, nhiều tên bay đạn lạc. Con liền ra đây rước cha vô trong đó một vài hôm, đợi yên, cha sẽ trở về.
- Việt Cộng chỉ cho người đi ra, cấm ngặt người đi vô, mình vô sao được?
- Ta không qua cầu, mà qua sông bằng đò. Con cũng vừa qua bằng đò.
- Lúc nào đi?
- Sớm mai. Bây giờ cần một giáo dân chuẩn bị đò trước.
Cha Hoàng cho tìm đội trưởng đội tự vệ tới, ra lệnh cất giấu tất cả vũ khí, không được nổ súng vì bất cứ lý do nào và chẩn bị một chiếc đò nhỏ sáng mai đưa ông qua sông.
Lát sau, cha Hoàng bằng lòng cùng anh trở về ngủ ở nhà thờ. Anh biết tình nghĩa của ông đối với mình càng sâu đậm hơn nhiều.
Đêm nay, có nhiều tiếng súng lớn hơn. Pháo địch nổ dữ dội hơn đêm trước. Sài Gòn ửng lên một vùng sáng hồng như lúc mặt trời mọc. Bầu trời từng lúc lại rực sáng vì những ánh chớp của lửa đạn.
Cha Hoàng thỉnh thoảng giật mình vì tiếng súng nổ gần. Ông hỏi Hai Long:
- Thái độ quân tướng ông Thiệu đối với trận này ra sao?
- Con khó trả lời với cha. Ông Thiệu về quê vợ ở Mỹ Tho. Cả ngày hôm nay chưa thấy ông trở về. Các vị bộ trưởng, các tướng không một vị nào ló mặt ở dinh tổng thống!
- Trốn biệt cả rồi!
- Không biết là trốn hay đi phép không về kịp?
- Trốn! – cha Hoàng dằn giọng - Ở đây cũng vậy. Con chiên, tự vệ ngày thường đầy đàn, đầy đống, nhưng sau lúc súng nổ thì còn được mấy người! Cái anh tướng Tàu ở tận đâu đâu lại tình nghĩa, tìm tới xin bảo vệ cha... Việt Minh phen này định giải phóng miền Nam ư?
- Con chưa rõ. Nhưng cũng có thể đây là một đòn cảnh cáo Johnson phải ngừng ném bom để ngồi vào thương lượng.
Cha Hoàng trút một hơi thở dài não nề:
- Đúng như một cơn ác mộng!
Ông im lặng một lúc, rồi rì rầm nói tiếp:
- Suốt ngày nghe chúc tụng, năm mới tốt lành, nửa đêm tỉnh giấc, mở mắt ra thì cơn hồng thủy đã tràn ngập khắp nơi... Thầy có nhìn thấy chúng nó không?
- Dạ, con gặp nhiều, ở Sài Gòn cũng như trên đường vào đây.
- Mình thấy rất lạ... Hơn hai chục năm mới lại nhìn thấy bọn chúng, mà chúng vẫn hệt như hồi xưa! Cũng nét mặt ấy, bộ quần áo ấy, cách ăn nói ấy! Chả lẽ chúng cứ trẻ mãi? Đây đúng là bọn con cái của những tên Việt Minh ngày đó!
- Thưa cha chỉ khác cái mũ, ngày xưa họ đội mũ lá, còn bây giờ họ đội mũ tai bèo, và vũ khí của họ thì tốt hơn xưa nhiều.
- Chúng có đưa xe tăng vô không? Ở đường 9, chúng dùng cả xe tăng.
- Con chưa nhìn thấy, chỉ nghe nhiều tiếng pháo lớn của họ.
- Cha Lê thật là người biết nhìn xa!
Để làm dịu bớt những lo lắng của ông, Hai Long chuyển sang bàn những việc ngày mai hai người sẽ làm khi vào Sài Gòn. Ông hơi vui lên, vì những hoạt động đó, nếu cơn nước lửa này qua đi, thì uy tín của ông một lần nữa lại được thêm củng cố.
Gần về sáng, có tiếng động cơ xe tăng phía Chợ Lớn. Mặt đất mỗi lúc một rung chuyển mạnh. Rồi nghe rõ tiếng bánh xích lạo xạo trên mặt đường.
Cha Hoàng dùng cùi tay chạm nhẹ vào người anh:
- Thoát rồi! Xe tăng Mỹ đã kéo ra.
- Nếu quân Mỹ kéo ra, ngày mai cha có thể dùng xe du lịch vô Sài Gòn.
Những chiếc xe tăng Mỹ đi vượt qua Bình An.
Trời sáng. Không một bóng áo xanh nào quanh phố Bình An cũng như trên cánh đồng. Đêm hôm qua, chắc họ đã vượt Kinh Đôi để vào thành phố. Hình ảnh những anh chiến sĩ trẻ măng, nước da xanh xao, cặp mắt tò mò, vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu Hai Long.
3.
Cha Hoàng bỏ chiếc xe Peugeot ở Chợ Rẫy, rồi ngồi vào sau xe máy để Hai Long đèo vào dinh Độc Lập. Anh cần nắm những diễn biến chiến sự mới để báo cáo với Cụm trưởng.
Trên đường phố thấp thoáng xuất hiện đồng phục của những tên cảnh sát. Một số con đường bị chặn lại bằng hàng rào kẽm gai cơ động. Tiếng súng vẫn tiếp tục nổ. Nhưng Hai Long có cảm giác địch đã qua cơn hoảng loạn, bắt đầu đối phó, và cuộc sống chiến đấu chỉ còn tập trung vào một số khu vực trong thành phố.
Trong dinh, vẫn chưa có ai ngoài số binh lính bảo vệ và mấy viên sĩ quan nội thất.
Hai Long hỏi viến thiếu tá trực:
- Tổng thống chưa về ư?
- Thưa ngài cố vấn, tổng thống hiện đang ở Bộ Tổng tham mưu.
- Tổng thống về bằng cách nào?
- Dạ, tướng Weyand cho trực thăng tới Mỹ Tho rước tổng thống về thẳng Tổng tham mưu chiều qua.
- Cha Tổng từ Bình An ra thăm. Có nói chuyện bằng điện thoại với tổng thống được không?
- Dạ được.
Viên thiếu tá quay máy điện thoại, rồi trao ống nghe cho Hai Long.
Từ đầu dây đằng kia, tiếng Thiệu mừng rỡ:
- Ô chà! Ông cố vấn! Anh đang ở đâu vậy?
- Tôi và cha Tổng đang ở trong dinh.
- Làm sao cha vô đây được?
- Tôi ở trong dinh tới chiều qua, sốt ruột quá, phải sang Bình An rước cha ra.
- Tình hình bên đó ra sao?
- Giải phóng tràn ngập khắp nơi. Quân Mỹ đã chốt bên kia cầu Nhị Thiên Đường.
- Làm sao anh lọt qua được?
- Tôi phải cắm một lá cờ Hồng thập tự của CARITAS ở đầu xe máy. Anh cho cha và tôi biết tình hình chiến sự hiện nay ra sao?
- Cộng quân tiến công trên một trăm nơi. Nhiều nơi bối rối, vì thiếu mặt người chỉ huy chính nên tình hình chưa rõ. Chỗ tôi hiện giờ cũng đang tiếp tục bị tiến công.Tôi đang cố gắng vãn hồi lại trật tự. Anh lo giúp cho việc phòng vệ Phủ tổng thống. Ông Hướng đã tới đó chưa?
- Tôi sẽ cho người đi tìm ông Hướng. Tại sao người Mỹ vẫn chưa phản ứng?
- Họ còn lo giữ thân họ!
- Tôi đưa cha qua Tòa Khâm và Tòa Tổng giám mục rồi sẽ quay về dinh.
- Anh đưa cha đi cẩn thận. Việt Cộng đang bắn pháo đó! Tạm biệt.
- Đề nghị anh nói chuyện với cha.
Hai Long chuyển máy cho cha Hoàng, rồi quay sang yêu cầu viên thiếu tá cho mình biết tình hình chiến sự ở Sài Gòn. Viên thiếu tá nói được thêm một số điều cụ thể. Cuộc tiến công vào Tòa đại sứ Mỹ, Đài phát thanh, bộ tư lệnh Hải quân đã bị đẩy lui. Chiến sự còn tiếp diễn tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu, tại quận 3, quận 6, quận 7, quận 8, Nhà Bè, phường Bến Đá, phường Bàn Cờ, khu vực Bình Hưng Hòa, Hàng Xanh, và nhiều nơi khác chung quanh Sài Gòn. Nơi giao tranh ác liệt nhất là khu vực Bộ Tổng tham mưu và sân bay Tân Sơn Nhất. Quân Mỹ tham gia chiến đấu ở đây. Cao Văn Viên đã điều hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ đồng bằng sông Cửu Long về tăng cường. Cũng theo lời y, thì Thiệu, Kỳ cùng nhiều tướng lĩnh và một số bộ trưởng đang tập trung tại trung tâm hành quân của Cao Văn Viên, một ngôi nhà màu vàng nằm ở phía nam sân bay.
Anh bảo viên thiếu tá phải cho người đi tìm ngay Nguyễn Văn Hướng, và nói mình đưa cha Hoàng đi một số nơi, chiều tối nay hoặc sáng mai sẽ quay trở lại.
Hai người ra tới cổng thì gặp Hòe đi vào. Anh xin lỗi cha Hoàng rồi rảo bước tới gặp Hòe.
- Tình hình đến đâu rồi anh Hai? Tôi nghe đài Hà Nội, người cứ nóng ran.
- Chiến sự đang diễn biến khá phức tạp. Nhất cử nhất động của ta đều phải đề phòng địch theo dõi. Hướng vẫn chưa tới làm việc. Phòng Tổng thư ký không có ai. Anh vào hỏi qua tình hình rồi ra, không nên ở đây lâu. Nhưng khi Hướng và Đống có mặt thì anh phải bám sát ngay. Cần nắm chắc những diễn biến chiến sự và đặc biệt là những chủ trương đối phó của địch.
Hai Long đưa cha Hoàng tới Tòa khâm sứ và Tòa Tổng giám mục. Khâm sứ và Tổng giám mục đều mừng rỡ hỏi thăm tình hình chiến sự, rồi cảm ơn hai người đã không quản bom đạn tới thăm. Họ đi tiếp tới Ủy ban Công giáo bảo trợ nạn nhân chiến tranh bàn việc cứu trợ cho những tín đồ Công giáo sau khi chiến sự đã chấm dứt. Đêm qua, cha Hoàng đã khen anh sớm nghĩ tới chuyện này.
Hai Long đưa cha Hoàng trở về Chợ Rẫy.
Anh nói:
- Cha nán ở lại đây vài ngày.
- Mình phải quay về Bình An ngay hôm nay. Thầy ở Sài Gòn, thấy súng nổ còn tới tìm mình, mình bỏ con chiên đi lúc này sao tiện!
- Con sợ tên bay đạn lạc.
- Phó thác hồn xác nơi Chúa rồi, có ngại chi!
Hai Long biết không thể ngăn ông:
- Ngày mai, xong việc ở Phủ tổng thống, con sẽ xuống.
- Thầy cứ lo công việc, không phải quan tâm tới mình nhiều.
Hai Long đã tạo được sự hiện diện ở những nơi cần thiết. Anh phải quay về để giải quyết việc riêng của mình.
4.
Một hàng rào xe tăng và xe bọc thép vây quanh dinh Độc Lập. Khá đông nhân viên Phủ tổng thống đã trở lại làm việc. Binh lính xét giấy tờ những người ra vào rất nghiêm ngặt. Tiếng súng vẫn tiếp tục nổ trong thành phố. Máy bay trực thăng vũ trang quần đảo từng khu vực nhỏ, nã đạn rocket làm bốc lên những đám cháy, khói mù mịt.
Thiệu đã trở về dinh.
Hai Long đi qua buồng Thiệu thấy y đang ngồi làm việc với Cao Văn Viên. Thiệu nói rất to. Nhìn thấy Hai Long đi qua. Thiệu gật đầu chào. Hai Long cũng tươi cười cúi đầu rồi đi thẳng về phòng mình.
Lát sau, Thiệu hấp tấp bước vào phòng, ôm lấy Hai Long. Y kéo anh sang phòng của mình.
- Hết sức cảm ơn anh đã lo cho mọi chuyện xảy ra sau khi tôi vừa đi khỏi nhà.
- Tôi được tin Weyand rút quân từ biên giới về, đặt toàn bộ quân Mỹ trong trạng thái báo động cao, lại nghe anh thông báo trên đài hủy bỏ lện ngừng bắn, nên tôi vội vô dinh ngay.
- Nếu đêm đó biết anh ở trong dinh tôi đỡ lo hơn nhiều. Tòa đại sứ Mỹ bị chiếm mà dinh Độc Lập vẫn yên hàn, Mỹ cũng nể mặt mình chớ!
- Tôi phải nhận lỗi đã làm vơi một phần kho rượu dự trữ của anh.
Thiệu cười:
- Nếu ở nhà mấy ngày đó, tôi đã cho anh em uống hết.
- Anh cho biết tình hình chiến sự tới đâu rồi?
- Trừ thành phố Huế, Việt Cộng còn hơi đông, ở Sài Gòn và những nơi khác chỉ còn là những hoạt động tảo thanh. Tôi ra lệnh cho Cao Văn Viên, trong vòng một hai ngày, phải quét hết khoảng một hai ngàn tên Việt Cộng bị mắc kẹt ở Sài Gòn. Quân Mỹ bủa vây chặt ở vòng ngoài. Ở Bắc phần, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ phối hợp với quân đội Cộng hòa tiêu diệt địch tại thành phố Huế.
- Đã bắt đầu thấy sáng sủa! – Hai Long đưa đà.
- Quan trọng nhất sau đây, là quét sạch bằng hết những tên Việt Cộng nằm vùng. Lời anh góp với tôi bữa trước rất đúng, phải có người nắm chắc cái Đặc ủy Trung ương tình báo và cái Tổng nha cảnh sát. Ông Nhu, ông Cẩn ngày trước rất giỏi những việc này. Mình làm ăn bây giờ quá tệ!
Thiệu rút từ trong túi ra một cây bút, rồi nói tiếp:
- Tôi đã nghĩ tới món quà kỷ niệm cho mấy ngày lịch sử vừa qua. Đây là cây viết được dành để ký những văn bản quan trọng của Nhà nước, có khắc tên và chức vụ của tôi, tôi xin tặng ông cố vấn.
- Xin đa tạ thịnh tình của tổng thống. Đã là anh em trong nhà, khi gặp khó khăn thì phải cùng nhau gánh vác, tổng thống chớ phải bận tâm.
Thiệu cười nụ, rồi ngồi trầm ngâm. Y đột ngột hỏi Hai Long:
- Anh có cho rằng Mỹ đã biết trước cuộc tiến công này hay không?
- Tôi cũng đang đặt cho mình câu hỏi đó!
- Anh thấy có hiện tượng chi?
- Thì tôi đã nói với anh, tôi vào dinh tìm anh vì được tin Wayend kéo quân về quanh Sài Gòn, từ đêm 30 Tết, tòa bộ quân Mỹ đã bị cấm trại... Khi gặp anh, tôi mới biết anh không hề được thông báo gì về những quyết định này!
Thiệu lẩm bẩm như nói một mình:
- Westmoreland có khuyên mình nên hủy lệnh ngừng bắn. Mình chỉ đồng ý bỏ lệnh ngừng bắn ở vùng I chiến thuật, ổng cũng thôi. Như vậy là ổng chỉ lo cho cái Khe Sanh! Mình công bố lệnh ngừng bắn thì ổng kéo quân Mỹ từ biên giới Campuchia về quanh Sài Gòn. Mình cho binh lính nghỉ phép thì ổng cấm trại toàn bộ binh lính! Ổng không hề nói với mình một câu? Tối 30, quân Mỹ báo động, đêm mồng 1, Việt Cộng đánh các tỉnh miền Trung. Sáng mồng 2, Bunker ra thăm hạm đội 7 thì tối mồng 2, Việt Cộng đánh Tòa đại sứ Mỹ! Tổng tiến công của Việt Cộng chỉ nhằm vào quân đôi Cộng hòa. Suốt mấy ngày đầu, quân Mỹ làm chi? Họ chỉ điều quân tới giải tỏa Tòa đại sứ Mỹ và sân bay Tân Sơn Nhất, dè chừng Việt Cộng làm tới... Vậy đó! Anh thử nghĩ, nếu không thỏa thuận ngầm với Mỹ liệu Việt Cộng có dám đưa quân vô đánh Sài Gòn không? Làm như vậy khác chi tự sát?
- Tôi chưa tự trả lời được vì sao Mỹ lại có thái độ như vậy?
- Johnson muốn ép Việt Nam cộng hòa phải chấp nhận thương thuyết với Việt Cộng trước cuộc bầu cử tại Mỹ.
- Ai cũng biết Mỹ gần đây có liên hệ với Bắc Việt để hối thúc Bắc Việt tới bàn đàm phán, nhưng điều anh vừa nói thì cần thu thập thêm những dữ kiện.
- Tôi nhờ anh đặc biệt lưu tâm cho vấn đề này.
- Đối với người Mỹ, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ông Nhu trước khi chết nói với tôi là không đánh giá hết người Mỹ! Nếu chuyện này có thật thì do ai chủ trương? Giới quân sự Mỹ cũng như chính giới Mỹ rất ít khi thống nhất. Nếu biết cụ thể, không phải ra không có cách gỡ. Tổng thống đừng quên ta còn có sự ủng hộ rất đáng kể của giáo hội Mỹ...
Buổi chiều, một chiếc trực thăng Mỹ lượn quanh dinh Độc Lập, rồi hạ cánh xuống bãi đáp trên nóc dinh. Hai Long nhìn thấy Bunker từ trên máy bay bước xuống. Viên đại sứ vào gặp Thiệu một lúc rồi ra về. Hai Long nấn ná ở lại xem Thiệu có sang bàn bạc gì với mình. Nhưng anh chỉ thấy Thiệu goi Hướng lên.
Ngày hôm sau, Hòe báo tin đã lấy được nguyên bản kế hoạch 7 điểm của Mỹ nhằm đối phó với cuộc Tổng tiến công, trong buổi giao ban ở Phòng Tổng thư ký.
Chiều hôm trước, Bunker trực tiếp mang tới cho Thiệu kế hoạch này.
Hai Long lại có thêm những tài liệu cần chuyển gấp về Trung tâm.
5.
Út Dẻo làm nghề bán bánh tráng ở Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Bánh tráng ở đây nổi tiếng khắp Sài Gòn. Hàng ngày Út Dẻo đưa bánh vô thành phố bán. Từ mấy ngày nay, cô phải ở nhà. Chính quyền đã ra lệnh cấm triệt để việc ra vào thành phố. Con đường quốc lộ từ Củ Chi về Sài Gòn vắng ngắt. Không một chiếc xe đò, một bóng người.
Anh cán bộ từ phòng điệp báo của Bộ tư lệnh Miền ra trực tiếp gặp Út Dẻo.
- Có nhiệm vụ giao thông đặc biệt trao cho đồng chí.
Sự có mặt của anh chỉ nhằm nhấn mạnh tính chất quan trọng của công vụ. Anh chưa nghĩ ra cách gì vạch kế hoạch cho cô giao liên vượt qua những trạm kiểm soát nghiêm ngặt của địch suốt từ đây vào Sài Gòn.
“Làm sao đi vô lúc này!” – Cô gái lẩm bẩm. Út Dẻo đứng bần thần. Nhưng điều cô vừa nói chưa hẳn là câu trả lời. Anh không thể nói cho cô, đã ba ngày liền, mất liên lạc với những lưới quan trọng ở trong thành. Liên lạc bằng vô tuyến điện cũng đã bị cắt đứt sau khi điện báo viêc đánh tín hiệu di chuyển địa điểm.
- Bộ đội mình đang chiến đấu ở trỏng, làm sao chỉ huy nếu không nắm được tin tức!
- Thôi được... Anh trao tài liệu cho em. Em sẽ kiếm cách.
Người cán bộ dặn dò Út Dẻo những ký hiệu, mật hiệu liên lạc khẩn cấp, phương pháp bảo vệ tài liệu an toàn và yêu cầu về thời gian.
Má Bảy đang ngồi quết trầu thì thấy đứa con gái út của mình đi vò, vẻ mặt băn khoăn.
- Má à, con phải vô Sài Gòn ngay bây giờ.
Má hôt hoảng:
- Ai cho mi đi vô? Hắn cấm đường mấy ngày rồi.
- Má đi với con... Có má con sẽ đi lọt.
Má Bảy ngẩn người nhìn con. Lâu nay, má đoán chừng Út Dẻo có làm một việc gì đó nhưng giấu mình. Má tin con đã khôn lớn, nên không hỏi han, tìm hiểu. Bây giờ giữa lúc Sài Gòn súng nổ ầm ầm, hắn lại đòi vô? Việc này chắc phải là rất hệ trọng đối với hắn, không đi không được...
- Con muốn má đi thì má cùng đi với con.
Lát sau, từ nhà má Bảy vang lên những tiếng rên la. Bà con lối xóm đổ xô tới. Mọi người thấy má quằn quại, kêu đau ở vùng bụng dưới, mồ hôi vã ra đầy người. Ai chạm vào người má, má cũng kêu đau. Nghe tiếng kêu rên của má, không thể cầm lòng. Một người nói má bị đau ruột thừa, phải đưa vào Sài Gòn cấp cứu ngay, nếu chậm sẽ nguy tới tính mạng.
Chiếc võng của má Bảy do Út Dẻo và ba bác lớn tuổi luân phiên nhau khiêng, ra tới ngã ba đường quốc lộ thì bị giữ lại.
Viên thiếu tá cảnh sát quát lớn:
- Không ai ra vô thành phố lúc này! Trái lệnh bắn bỏ!
Út Dẻo và một bác hàng xóm xáp tới níu lấy viên thiếu tá. Cô gái nước mắt lưng tròng:
- Ông thiếu tá cứu giúp gia đình em. Ông coi giùm nếu không kịp đưa vô nhà thương thì má em chết mất!
Bác hàng xóm cũng nói:
- Bả đau ruột thừa, kêu là suốt mấy giờ, nếu không vô nhà thương mổ sớm thì cứu sao nổi! Con bả đi lính Cộng hòa đang chiến đấu với Việt Cộng, mai mốt hắn về, bà con chúng tôi biết nói sao!
Tiếng rên la thảm thiết của má Bảy vọng lại.
Viên thiếu tá hất cằm cho viên thượng sĩ. Hắn đi về phía cáng. Út Dẻo lật đật chạy theo, vén tấp đắp:
- Ông coi kỹ bệnh tình của má em, rồi ông thưa giùm với ông thiếu tá. Gia đình em không bao giờ quên ơn ông.
Dầu Nhị Thiên Đường làm má Bảy chảy nước mắt tràn trề. Trời nắng gắt, tấm đắp bọc kín người, cộng với hàng giờ gào la rên rỉ, đã khiến cho quần áo má ướt đẫm mồ hôi. Út Dẻo cũng tưởng như mẹ mình bắt đầu bịnh nặng.
Viên thượng sĩ ngắm nghía một lát rồi quay lại nói với viên thiếu tá:
- Bà già sắp chết!
Viên thiếu tá ngần ngừ, tới lật tấm đắp tự mình kiểm tra rồi quyết định:
- Cho hai người khiêng võng và cô gái đi thôi, một người phải quay về. Ở đây tôi cho đi, nhưng vô trỏng, họ đuổi ra thì ráng chịu!
Họ còn phải qua thêm nhiều trạm kiểm soát trên dọc đường. Trước khi vào nội thành, chúng kiểm soát từng người rất gắt gao. Má Bảy được đưa vào một nhà thương tư ở Chợ Lớn.
6.
Điều khiến Hai Long lúc này lo lắng nhiều hơn cả, là Cụm đã mất liên lạc với Trung tâm. Sau một ngày chiến đấu, điện đài không thể tiếp tục hoạt động vì nằm lọt giữa vùng chiến sự. Địch lại bịt chặt những con đường ra vào Sài Gòn nên mọi đường dây liên lạc đều bị cắt đứt. Anh đã thu thập được nhiều tin tức mà anh đánh giá là khá quan trọng, nhưng không có cách nào chuyển ra.
Mỗi lần từ nhà đi hay trở về nhà, Hai Long đều chú ý tìm dấu hiệu bắt liên lạc ở những nơi quy định. Nhưng nó vẫn chưa xuất hiện. Thêm một lần, anh lại nhìn thấy những của quý mình có trong tay, đang nhanh chóng mất giá.
Là người hoạt động nằm sâu trong lòng địch, về nguyên tắc, anh không được phổ biến những chủ trương chiến lược. Anh chỉ có thể phỏng đoán phần nào ý đồ của trên qua nhiệm vụ thu thập tin tức. Đợt tiến công này kéo dài tới bao giờ? Nó kết thúc ở đây hay còn những đợt tiếp theo? Anh không rõ. Nhưng anh biết chắc chắn trên đang rất mong đợi những tin tức mới, vì đó chính là cơ sở để quyết định những chủ trương mới, Vậy mà tất cả những thứ đó còn nằm nguyên tại đây trong khi cuộc chiến đấu vấn đang tiếp diễn!
Mồng 6 Tết. Hai Long trở lại nhà thờ Bình An.
Anh nhận thấy cuộc tiến công của ta ở Sài Gòn đang đi vào màn chót. Từng đơn vị quân ngụy di chuyển bằng cơ giới trong thành phố. Xe tăng và xe bọc thép án ngữ nhiều ngả đường. Bọn cảnh sát lại xuất hiện nhan nhản. Hai Long phải xuất trình giấy phép đặc biệt của Phủ tổng thống mới qua được các trạm gác. Nhiều đường phố trở lại yên tĩnh. Có những tiệm buôn bán mở cửa lại, lác đác khách ra vào.
Từ cầu Nhị Thiên Đường trở ra, chỉ gặp toàn lính Mỹ. Vừa bước vào phòng riêng của cha Hoàng, anh mới dứt lời chào thì cha đã chụp hỏi:
- Tình hình trong đó ra sao rồi? Vẫn nghe súng nổ nhiều.
- Ông Thiệu đã trở về dinh. Theo ông thì Việt Cộng còn khoảng một, hai nghìn quân ở Sài Gòn. Ông sẽ cố gắng giải quyết trong vòng một hai ngày.
- Không xong đâu! Một hai ngàn Việt Minh là một hai ngàn con sư tử. Sáng hôm nay, ngay ở đây, trên trời là máy bay, bên dưới là xe tăng, quân Mỹ dàn ra tứ phía, chỉ có mấy nhóm Việt Cộng núp ở bãi cỏ lác mà đánh mãi không xong. Giáo dân kể lại, có 3 tên Việt Cộng hết đạn, chúng dành lại mỗi tên một viên, chĩa nòng súng vào đầu nhau, đếm một. hai. Ba... rồi cùng bóp cò! Des fanatiques![2] Mình quan sát thấy Việt Cộng tiến công vào Sài Gòn không đông.
- Con cũng thấy như vậy, hầu hết là đặc công, biệt động và bộ đội địa phương. Quân Mỹ sở dĩ không phản ứng ngay, vì họ thấy những đơn vị chủ lực của Việt Cộng còn nằm im ở phía ngoài.
- Huế ra sao rồi?
- Việt Cộng vẫn còn chiếm hai phần ba cố đô Huế.
Cha Hoàng trầm ngâm rồi nói:
- Chắc vẫn còn những toán Việt Cộng lẩn quẩn quanh đây.
- Con cũng định bàn chuyện đó với cha. Việt Cộng sắp rút lui. Nhưng mình phải nghĩ tới lúc họ quay trở lại. Con nghĩ cần nói với tất cả bà con xứ đạo, nếu gặp thương binh của bất cứ phía nào, ta cũng đối xử nhân đạo, rồi trao trả lại cho chính quyền hoặc phía bên kia.
Cha Hoàng cho cách giải quyết như vậy là khôn ngoan.
Trên đường về nhà, Hai Long nhận thấy tín hiệu liên lạc khẩn cấp ở một điểm hẹn. Đường dây giữa anh với Trung tâm đã được nối lại. Anh thở phào nhẹ nhõm.
7.
Hai Long vừa dừng xe trước của một nhà thương tư ở Chợ Lớn thì một cô gái từ trong bước ra. Anh không ngờ, người liên lạc lại chính là Út Dẻo.
- Tôi đang tính vô tìm má Bảy.
- Đó là má của em.
- Ủa! Má điều trị ở đây từ bao giờ?
- Má đau từ trưa hôm qua. Em phải nhờ bà con lối xóm đưa má vô đây cấp cứu. Má đã hết đau. Giờ em lại chuẩn bị đưa má về. Dọc đường, mấy ổng kiểm soát ngặt quá chừng!
Hai Long hiểu Út Dẻo tới được đây bằng cách nào. Anh đã dự kiến tình hình khó khăn khi đi lại. Đêm qua, anh và Hòe đã thu nhỏ bản sao kế hoạch 7 điểm đối phó với cuộc Tổng tiến công của Bunker và báo cáo của mình. Khối lượng tài liệu chỉ còn bằng chiếc kẹo. Anh muốn vào thăm má Bảy, nhưng cô gái gạt đi. Nhà thương khá đông người, và trong đó còn có hai người làng của cô.
Út Dẻo lộ vẻ mừng rỡ khi nhận tài liệu:
- Chỉ có bây nhiêu thôi à?
- Chừng nấy thôi. Cô có thể nuốt vô trong bụng.
- Chẳng cần đâu. Em sẽ có cách giấu hết sảy.
Người giúp họ nối lại đường dây trong tình thế khó khăn này, lại là một bà má mà trước đây họ chưa hề biết tới! Ở miền Nam này có biết bao nhiêu bà má như vậy. Hai Long tự hỏi khi ra về.
---
[1] một loại súng tiểu liên
[2] Những kẻ cuồng tín!