Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trinh Thám, Hình Sự >> Ông cố vấn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 79294 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ông cố vấn
Hữu Mai

Chương 5

1.
Hai Long biết rằng vào cuộc chơi mới, mình chỉ còn trong tay những phương tiện hạn chế và ít ỏi. Chỗ dựa duy nhất của anh để tiếp tục cuộc chơi là cha Hoàng.
Vốn liếng của cha Hoàng chỉ là một quá khứ chống Cộng đã khá xa xôi. Ông không có được uy tín và sự hiểu biết sâu sắc như cha Lê. Ông thuộc thế hệ linh mục của Vatican thập niên 1940, khi Tòa thánh La Mã nằm dưới quyền của giáo chủ Pierre XII, một người kịch liệt chống vô thần. Vatican đã ra sắc lệnh chống Cộng sản, rút phép thông công của những tín đồ Thiên chúa giáo theo Cộng sản hoặc thân Cộng. Pierre XII làm giáo chủ ở Vatican từ năm 1939 tới năm 1958 là thời kỳ Thiên chúa giáo chống vô thần mạnh nhất. Cha Hoàng là người gắn bó với giáo hội Pháp. Quân đội Pháp thua trận rút khỏi Việt Nam. Người cầm đầu chính quyền miền Nam lại là con đẻ giáo hội Mỹ. Cha Hoàng không những đã bị thất thế mà còn bị đàn áp. Ông cũng tự thấy mình đã hết thời, về nương náu những ngày tàn tại nhà thờ Bình An. Ông chỉ còn là một cha chánh xứ già nua ở một xứ đạo nghèo, nhu hòa, thương yêu giáo dân.
Góp phần xây dựng lại uy thế cho giáo dân Phát Diệm đối với giới cầm quyền, Hai Long đã làm sống lại tính hiếu động của cha Hoàng. Anh đưa ông vào cuộc, giúp ông thành đạt những ý đồ của mình. Nhưng ông đã bộc lộ một số nhược điểm lớn trong cuộc chơi này. Vì thực ra ông vẫn chỉ là một linh mục chống Cộng cuồng tín, lỗi thời ngay cả về mặt tôn giáo trước những yêu cầu đổi mới của Vatican từ khi Paul VI lên làm giáo chủ. Với tính gia trưởng, ông chỉ cần được mọi người trọng nể, dành cho giáo dân xứ đạo của ông một số quyền lợi vật chất, như vậy là ông thỏa mãn. Ông cũng tự nhận thấy mình lạc hậu, nên chỉ yêu cầu chừng ấy. Có lần ông nói với Hai Long: “Mình có thế, mình cậy thế mà nói mạnh, nói tam toạng vậy thôi, lớn tiếng để át lý lẽ của người ta đi, chứ làm chính trị thời nay chẳng phải như thời ở Phát Diệm, nay nói phải có sách, mách phải có chứng, người ta bắt bẻ từng chữ, từng lời. Mình chỉ quen việc rao giảng Kinh thánh với bổn đạo, còn đối với kẻ ngoại thì mình nói chưa thông, viết chưa thạo. Những việc này thầy phải đỡ mình”. Ông ngại trao đổi về những vấn đề mình thiếu hiểu biết, những vấn đề phức tạp. Ông không thích tiếp xúc với người Mỹ, kể cả cha cố; ông ghét Mỹ vì Mỹ hất cẳng Pháp.
Hai Long ra sức xây dựng lại uy thế cho nhà thờ Bình An, cho cha Hoàng không phải chỉ để có một nơi nương náu tốt cho mình. Anh muốn tác động vào chính quyền, quân đội một cách có lợi cho cách mạng. Như vậy, anh phải thúc đẩy cha Hoàng mở rộng quan hệ không những với chính quyền, quân đội ngụy, mà còn cả với người Mỹ.
Thời gian qua, anh khuyên cha Hoàng nên phục hồi uy tín của Thiên chúa giáo bằng cách tác động vào chính quyền buộc họ phải đưa những người của Thiên chúa giáo vào trong thành phần chính phủ. Cha Hoàng vốn ghét những tướng trẻ, coi họ là những kẻ võ biền, hoạt đầu, có nhiều tham vọng, nhưng đã nghe lời anh. Ông làm công việc này có kết quả. Phan Khắc Sửu và Trần Văn Hương đều cảm ơn ông đã giúp họ giải quyết những xích mích xung quanh vấn đề sắp xếp bộ máy chính quyền, kể cả những va chạm về cá tính giữa hai người. Những tướng trẻ ngại Hương ương bướng và cố chấp. Vì vậy, họ rất phục cha Hoàng khi ông ép được Sửu và Hương đưa bốn tướng trẻ là Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Minh (Minh Con), Linh Quang Viên vào bộ máy chính phủ. Việc làm của ông ngày càng gây nhiều ấn tượng trong lúc Taylor vừa lớn tiếng đả kích những tướng trẻ. Cha Hoàng không chịu dừng lại. Nhân cuộc đảo chính ngày 12 tháng 2, ông lại đưa thêm được 4 người của Thiên chúa giáo vào chính phủ mới. Thực ra, những kết quả này không phải là do tài thuyết phục của ông. Ông chỉ lấy Liên minh tôn giáo và đảo chính ra đe dọa những nhân vật đang cầm quyền.
Số người chạy đến cầu cạnh cha Hoàng khá đông. Nhiều người nhờ Hai Long giới thiệu để được gặp ông. Người mời ông đi dự chiêu đãi, người đề nghị ông tới nhà riêng. Họ xin được cùng quay phim chụp ảnh với ông. Họ cần có những thước phim, tấm ảnh mang đi phô trương ở nơi khác. Cha Hoàng bắt đầu bộc lộ tư tưởng, giọng nói của một thủ lãnh, bề trên, coi thường những người tới cầu cạnh, át giọng họ bằng những câu nói lớn tiếng. Và họ, khi đã cần ông, cũng không còn chú ý giữ thể diện.
Uy tín của cha Hoàng được nâng cao là một điều Hai Long rất mong muốn. Nhưng thời gian gần đây, ông chỉ còn ham mê gặp Phan Khắc Sửu và Thích Tâm Châu bàn chuyện chính trị, phe phái, phân phối người vào ghế này, ghế kia, ưa tiếp đón những kẻ tới cầu cạnh, nịnh bợ, xin đề cử vào chính phủ, vào Thượng hội đồng, vào Hội đồng quân lực… Ông không còn chú ý tới những chuyện khác.
Hai Long phải khéo léo mới lựa lời hướng cha Hoàng vào vấn đề quân sự mà mình đang cần:
- Mỹ chủ trương đưa quân đội vào Việt Nam để đánh Cộng sản, nên mới dùng phe quân sự lật đổ Diệm là người phe dân sự. Cha là tổng chỉ huy tự vệ Phát Diệm, có nhiều kinh nghiệm về cả quân sự và chính trị, thì trong việc hợp tác với chính quyền, cha nên giúp đỡ họ về cả chính trị và quân sự nữa. Có thế các tướng tá mới cần nhờ sự ủng hộ của cha Tổng, nếu không thì họ chỉ chạy tới xin cha cho một ghế này hay ghế khác rồi thôi…
Nhưng Hai Long đã sớm nhận ra muốn khai thác những gì đã có ở cha Hoàng thì dễ, còn nhờ ông khai thác giúp những vấn đề mình cần trong các quan hệ của ông thì không gì khó khăn bằng. Trong khi trao đổi, ông rất hay sa đà vào những chuyện vụn vặt không đâu, quên mất những điều đã cùng anh bàn bạc. Và việc ông chuyên lo hết ghế này tới ghế khác cho những người tới cầu cạnh ông, đang ảnh hưởng rất xấu tới uy tín của ông. Có kẻ đã gọi vụng ông bằng một cái tên mới: “điếm chính trị”.
Anh lại khuyên cha Hoàng:
- Những người hàng ngày, đặc biệt là những tướng trẻ tới cầu cạnh cha quá đông, làm cha mất nhiều thời giờ, khi thỏa mãn được họ thì chớ, khi không thỏa mãn được lại dễ có điều oán trách, tai tiếng. Vậy từ nay, có những tướng tá nào mà cha không ưa, cha cứ chỉ sang con, con sẽ lựa lời nói để không phiền đến cha.
- Sợ làm bận thầy, chớ loại đó thì thiếu giống!
- Những việc có liên quan tới uy tín của cha, con đâu có ngại.
Nhờ đó, Hai Long có thêm được một số quan hệ mới mà anh đang cần.
 
2.
Ngày 20 tháng 5, Phạm Ngọc Thảo[1] tổ chức một cuộc đảo chính mới. Nguyễn Cao Kỳ và Phan Huy Quát phát giác sớm vụ này. Năm mươi người tham gia đảo chính bị bắt.
Thời vận của những tướng trẻ đã tới. Washington đã bắt đầu nhận ra sai lầm nếu cứ tiếp tục đả kích những tướng trẻ, và không biết dựa vào họ để thực hiện những ý đồ Mỹ đã dự định. CIA mất nhiều công tìm kiếm vẫn không thấy một nhân vật nào trong phái dân sự đủ sức thay thế những người đã bị loại bỏ là Diệm và Nhu. Taylor bật đèn xanh cho các tướng trẻ làm một cuộc đảo chính quân sự mới.
Hai mươi ngày sau cuộc đảo chính thất bại của Phạm Ngọc Thảo, Hội đồng quân lực gồm những tướng trẻ đã hạ Phan Huy Quát với toàn bộ nội các của ông ta một cách dễ dàng vì Quát không có một lực lượng nào bảo vệ. Lần này, quyền thành lập chính phủ mới không được trao cho Phan Khắc Sửu là Quốc trưởng mà trao thẳng cho Hội đồng quân lực.
Các tướng trẻ ở Sài Gòn họp đại hội cử ra Hội đồng quân lực mới, Ủy ban lãnh đạo quốc gia, Ủy ban hành pháp trung ương và Hội đồng kinh tế xã hội, Hội đồng thẩm phán… và chia nhau nắm trọn quyền hành. Ủy ban lãnh đạo quốc gia do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch, Phạm Xuân Chiểu làm tổng thư ký, Ủy ban hành pháp trung ương tức là nội các chiến tranh cho Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch. Như vậy trong bộ máy chính quyền mới, Thiệu làm nhiệm vụ Quốc trưởng, còn Kỳ là nhiệm vụ Thủ tướng.
Cha Hoàng rất bực bội sau khi thấy các tướng trẻ không phải chỉ lật Quát như đã thỏa thuận với mình mà lật luôn toàn bộ chính phủ dân sự trong đó có 4 người của Thiên chúa giáo mà ông đã tốn nhiều công sức mới đưa được vào. Ông càng khó chịu khi thấy trong bộ máy chính quyền mới chỉ toàn là tướng tá, không có một người nào thuộc phái dân sự.
Ông than thở với Hai Long:
- Trước kia, Trần Văn Hương bội ước với Phật giáo, Phan Huy Quát không giữ được cam kết với Công giáo. Giờ đây, Phan Khắc Sửu quá mềm yếu không giữ được chính phủ cho phe dân sự, để cánh quân sự lừa gạt, giành toàn bộ chính quyền vào tay họ!
- Thưa cha, không riêng gì ông Sửu mà bất cứ ai cũng không thể đương đầu được với vụ này. Cũng chưa chắc các tướng trẻ đã muốn thất ước với cha, mà họ buộc phải thực hiện một ý đồ mới của Mỹ. Mỹ cần có một chính quyền quân sự, một nội các chiến tranh để thực thi đường lối chiến tranh mới ở Việt Nam.
- Nguyễn Cao Kỳ là một anh nhẹ dạ, bốc đồng, không có kinh nghiệm về chính trị, ngoại giao, lại dốt nát về cai trị làm sao đảm đương được chức thủ tướng? Nguyễn Văn Thiệu cũng có chút ít thủ đoạn chính trị nhưng là dân Đại Việt, là anh “đạo theo”[2]!
- Thưa cha, lần này tướng Phạm Xuân Chiểu của Phát Diệm ta giành được một vị trí khá quan trọng.
Cha Hoàng ngồi im, nét mặt nặng trình trịch.
Hai Long tiếp tục động viên:
- Mất chính phủ dân sự là không hay, nhưng khó tránh nếu Mỹ đã muốn như vậy. Nhưng trong chính phủ mới lần này cũng có cái hay…
- Cái chi hay?
- Trong chính phủ trước, Thiên chúa giáo được một vài ghế những không có vị trí nào quan trọng. Lần này, cả quốc trưởng và thủ tướng đều coi như người của ta! Tướng Thiệu và tướng Kỳ không thể quên cha đã đưa hai người vào chính phủ trước đây.
Cha Hoàng gật đầu:
- Nếu hai anh này chưa có sẵn chân trong chính phủ, chưa chắc đã được Mỹ chú ý như vậy.
- Con tin rằng cả Thiệu và Kỳ đều sẽ phải dựa vào Thiên chúa giáo chứ không đi hàng hai như Khánh. Thiệu dù sao vẫn là một con chiên mà giáo hội phải có trách nhiệm. Cha nên chúc mừng họ và hứa sẽ ủng hộ họ. Ta sẽ hướng họ làm những việc có ích cho giáo hội. Nếu chính quyền mới vì nể ta, thì Mỹ không dám coi thường ta.
Câu chuyện giữa hai người trở nên vui vẻ hơn. Cuối cùng, cha Hoàng cũng đồng ý để Hai Long thảo một tờ thiếp chúc mừng Thiệu và Kỳ theo ý anh đã đề nghị.
Chỉ mấy ngày sau, Phạm Xuân Chiểu đã tới Bình An, nhân danh tổng thư ký Ủy ban lãnh đạo quốc gia, chuyển lời của chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia Nguyễn Văn Thiệu đề nghị với cha Hoàng đã thương thì thương cho trót, mong cha hết lòng ủng hộ Hội đồng, Hội đồng sẽ không quên ơn và riêng cá nhân chủ tịch hội đồng xin hứa làm tròn nhiệm vụ của một con chiên ngoan đạo đối với giáo hội.
Cha Hoàng ngồi nghe có vẻ hởi lòng hởi dạ.
Ông nói:
- Giáo hội đưa các ông lên, không hết lòng ủng hộ các ông thì còn ủng hộ ai?
Cuộc chuyện trò giữa cha Hoàng và Chiểu diễn ra rất vui vẻ.
Tuy nhiên, lúc ra về, Chiểu nói riêng với Hai Long:
- Gần đây, tính cha Tổng hay thất thường, không hiểu sao cha ngày càng khó tính! Nhiều lúc cũng muốn gặp cha để trình bày điều hơn lẽ thiệt nhưng chỉ lo lỡ có điều gì không vừa ý cha là cha cứ quạt bừa đi, chẳng còn biết ất giáp, chẳng còn nể nang ai! Đề nghị anh giáo ở gần cha, cố giúp cho việc siết chặt mối quan hệ giữa chính quyền với cha. Bà con xứ đạo nói, chỉ có thầy Bốn nói gì cha cũng nghe.
- Tôi gần cha Tổng làm việc với cha nhiều, nên hiểu được tính của cha. Qua buổi gặp anh hôm nay, thì thấy cha rất vừa lòng vì cách ứng xử của chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu, và chắc chắn sẽ hết lòng ủng hộ Hội đồng, chỉ mong Hội đồng giữ liên lạc chặt với Bình An, có việc chi thì thông báo kịp thời. Nếu có chuyện chi anh cảm thấy có khó khăn, xin anh cứ trao đổi trước với tôi, tôi sẽ lựa lời trình với cha Tổng cho mọi việc được ổn thỏa.
Chiểu vui vẻ cảm ơn anh. Từ đó, Chiểu thường xuyên qua lại với anh. Chỉ khi nào bận, Chiểu mới cử người đi thay mình.
Cha Hoàng giữ được quan hệ hòa dịu với các tướng lãnh trong Hội đồng quân lực do Thiệu cầm đầu. Theo lời khuyên của Hai Long, thỉnh thoảng ông vào dinh Gia Long thăm Thiệu, được Thiệu đón tiếp rất long trọng. Anh đã nói việc ông đôi lúc xuất hiện ở dinh Gia Long chính là để khẳng định uy tín của giáo hội đối với chính quyền, như thời trước đây, các cha thường hay ra vào dinh Gia Long khi còn tổng thống Diệm.
 
3
Hai Long rất yêu những con đường hẻm ở Sài Gòn, nhất là những hẻm cụt. Chỉ qua một đoạn đường ngắn, anh cảm thấy như mình đã đặt chân lên một hòn đảo yên tĩnh, cách biệt hẳn thế giới phồn hoa. Ở đây không còn bị chóng mặt, nhức óc, ngột ngạt vì những dòng xe hơi, xe máy luôn chảy xiết, gầm rú, nhả khói xăng. Không còn phải chen chúc giữa những đám người đông nhung nhúc trên hè phố chật chội, đấu tranh giành miếng ăn, giành cuộc sống một cách quyết liệt. Ở đây không còn những tiệm buôn, những quầy hàng với những ô kính sáng choang, với trăm ngàn màu sắc hấp dẫn nhìn anh bằng con mắt lạnh lùng kênh kiệu, nhắc anh đang đi lạc vào vương quốc của đồng tiền.
Trong hẻm thường chỉ có những ngôi nhà nhỏ, nhà trệt hoặc một lầu, cửa luôn đóng kín. Nhiều nhà để một khoảng chống phía trước, trồng những cây hoa dây leo cho bóng mát, bày những chậu cây cảnh hoa xứ hay hoa lan. Không khí vắng vẻ, tĩnh lặng. Nó gợi cho anh một cảm giác thư thái, làm cho đầu óc anh phút chốc trở nên thanh thản. Anh đã từng thầm ước, một ngày kia khi cuộc chiến đấu đã kết thúc, mình sẽ được sống ở một ngôi nhà trong một hẻm nhỏ như thế này.
Hai Long cố hạn chế đi lại với những mối “quan hệ”. Nhưng anh vẫn phải tới cái hẻm gần đường Hai Bà Trưng. Mỗi lần tới đây, anh lại có được những tin tức, đôi lúc rất quý, kèm theo những giờ phút nhẹ nhàng.
Gia đình Dương ở ngôi nhà cuối cùng trong hẻm. Chiếc cổng sắt và hàng rào được ghép thêm những tấm tôn, tạo cho nó một vẻ ẩn dật. Cây đào ở trong sân tỏa tán lá xanh ra ngoài, trĩu trịt những trái tươi hồng, giống như những chùm hoa. Mỗi lần anh bấm chuông, sau khi người hầu gái còn nhiều dáng dấp nông thôn mở cổng, ngôi nhà mới hiện ra, sâu thẳm, mát mẻ và yên tĩnh như một ngôi chùa. Anh đi qua cái sân nhỏ để những đôn hoa sứ và hai chiếc xe máy của vợ chồng Dương, qua gian nhà ngoài bày chiếc tủ chè và một tấm sập gụ, vào căn phòng lớn bên trong dành làm nơi tiếp khách. Vợ chồng Dương và đứa con gái nhỏ ở trên lầu. Phòng tiếp khách để chừa một khoảng trống trên mái, giáp tường, lấy ánh sáng mặt trời đón mưa và sương đêm làm dịu mát cho nó và cũng để nuôi sống cái thiên nhiên nhỏ xíu gồm những chậu hoa, những con cá cảnh lượn lờ trong chiếc bể kính có núi non bộ, đặt ngay bên dưới. Gian phòng có vẻ trang nhã và hơi cổ kính với những đồ đạc kiểu Á Đông, màu cánh gián, và bức tranh của Tề Bạch Thạch lồng kính treo trên tường.
Hai Long biết Dương trong một dịp anh tới định nhờ vả cha Hoàng. Anh thuộc loại người mà ông đẩy sang cho Hai Long. Qua buổi nói chuyện với Dương, Hai Long nhận thấy mình vừa gặp may. Dương là một giáo dân, quê ở Đà Nẵng. Anh là giáo sư nhưng gần một năm nay, anh bỏ nghề dạy học vào làm việc ở Tòa đại sứ Mỹ, vì thu nhập hàng tháng tăng gấp đôi. Anh giúp việc cho phó đại sứ Mỹ Alexis Johnson. Qua Dương, anh biết những điều khá bất ngờ. Trước đó, Hai Long vẫn nghĩ đại sứ Mỹ Maxwell Taylor là người tổng thống Mỹ Johnson dùng để thực hiện ý đồ đưa quân Mỹ ồ ạt vào Việt Nam. Nhưng theo Dương thì đây chính là mâu thuẫn lớn giữa Taylor và Johnson. Taylor tán thành oanh kích mạnh mẽ miền Bắc Việt Nam nhưng không đồng ý đưa các đơn vị chiến đấu trên bộ của Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Mỹ còn chưa đưa quân lớn vào một phần do miền Nam thiếu một chính quyền ổn định, một phần vấp phải sự chống đối của những người như Taylor. Anh nghĩ ngay tới việc sử dụng Dương thành một người cung cấp tin tức ở tòa đại sứ Mỹ cho mình, một mục tiêu quan trọng mà anh chưa có “quan hệ”
Dương mang đầy đủ tính chất của một viên chức nhỏ. Anh không quan tâm mấy tới chính trị, chỉ mong sống cuộc đời an nhàn bên cạnh vợ con, giữa bốn bức tường. Nhưng gần đây, anh lại muốn có chút tiếng tăm. Do làm việc ở Tòa đại sứ Mỹ, anh biết Mỹ sẽ phải tạo cho chính quyền miền Nam một bộ mặt chính trị hợp pháp, bằng một cuộc tổng tuyển cử. Anh nghĩ ngay tới một ghế dân biểu trong quốc hội tương lai. Điều đó thúc đẩy anh tới Bình An gặp cha Hoàng. Hai Long nói với Dương, Công giáo đã có ý định đưa người của mình tham gia nhiều ngành trong chính quyền và hứa hẹn sẽ giúp Dương đạt được nguyện vọng. Anh cũng đề nghị Dương tìm hiểu những ý định của Mỹ đối với Việt Nam cộng hòa và Bắc Việt, thông báo kịp thời cho mình, coi đây là những đóng góp quý báu của Dương đối với khối Công giáo trong quá trình chuẩn bị tham gia chấp chính. Dương nhận lời ngay.
Thỉnh thoảng, Hai Long tới nhà Dương, hướng dẫn cho anh tiếp cách tiếp cận phó đại sứ Mỹ, nội dung trao đổi và những điều cần khai thác. Dương nhanh chóng thu lượm được một số thông tin mà ta đang cần. Dương có triển vọng trở thành một trong những nguồn khai thác quan trọng của anh.
Vợ Dương là một phụ nữ xinh xắn, khỏe mạnh, rất khó đoán tuổi. Có thể đoán chị từ 20 đến 30 tuổi. Khi xuất hiện trước khách bao giờ chị cũng trang điểm cẩn thận. Chị thường mặc một cái áo kimono màu xanh rất hợp với dáng người dong dỏng cao và nước da trắng của chị. Chị khéo chiều chồng và các bạn của chồng. Nét hấp dẫn ở chị là nụ cười e thẹn trên môi như thầm muốn nói một điều gì, và bộ mặt lúc nào cũng có vẻ như vừa có lỗi với khách. Chị tự tay pha những tách cà phê thơm sánh đưa ra, hái những trái mận tươi chín mời anh thưởng thức trái cây vườn nhà. Chị không quên món ăn nhẹ buổi tối khi cuộc nói chuyện giữa khách và chồng kéo dài.
Hai Long tìm thấy ở nhà Dương một không khí ấm cúng, dịu dàng.
Dương càng ngày càng chiếm được cảm tình của A. Johnson. Vợ Dương bắt đầu khoe với anh, ngài phó đại sứ Mỹ đến thăm nhà mình, gửi quà tặng nhân ngày sinh của chị và thỉnh thoảng còn mời cả hai vợ chồng vào sứ quán dự chiêu đãi. Anh cảm thấy như chị gián tiếp cảm ơn mình vì chỉ từ sau ngày anh thường qua lại đây, chồng chị mới được ngài phó đại sứ Mỹ trọng đãi như vậy.
Hai Long cố gắng giữ gìn để không xảy ra trường hợp Dương vì công việc mà liên lụy.
Suốt cả tháng qua, không thấy Dương vào Bình An, Hai Long bấm ba hồi chuông ngắn, hiệu chuông mỗi lần anh tới. Anh liếc mắt nhìn những trái đào đỏ hồng còn lác đác trên cây, nghĩ tới những ngón tay thon dài, móng đánh kem màu sen, bưng đĩa đào ra cho mình.
Cánh cổng sắt mở ra. Chị giúp việc mặc bộ quần áo bà ba đen, khác hẳn mọi lần, đứng nhìn anh bằng cặp mắt mở to sợ sệt. Tất cả những cửa sổ đều đóng kín. Ngôi nhà sâu thẳm, tối om như hang động. Nụ cười tắt trên môi anh. Anh linh cảm thấy một tai biến vừa xảy ra tại đây.
- Ông bà giáo có nhà không?
- Dạ, không...
- Chừng nào thì ông giáo về?
- Dạ.. con lại nghĩ là ông tới báo tin về ông giáo con. Ông chưa hay chuyện ông bà con ư?
- Có chuyện chi?... - Hai Long chột dạ.
- Mời ông vô nhà một lát cho con thưa chuyện.
Chị giúp việc đưa Hai Long vào nhà và mở mấy cánh cửa chớp để lấy ánh sáng. Anh ngồi trên tấm phản ở phòng ngoài. Trên tấm phản, những đồ đạc trong buồng đều phủ một lớp bụi mờ, chứng tỏ người chủ vắng nhà đã hơi lâu.
Chị giúp việc kéo vội chiếc ghế đẩu tới ngồi gần anh.
- Thưa ông, bà con bỏ nhà đi với ông phó đại sứ Mỹ ba tuần nay...
- Đi đâu? – Hai Long giật giọng hỏi
- Thưa... nghe nói qua Nhật. Ông phó đại sứ chuyển qua bên đó làm việc.
- Còn ông Dương đâu?
- Ông con như điên như cuồng. Ông chửi bới, khóc lóc, bỏ không tới sở Mỹ nữa. Ông bảo con trông nhà, đưa cô nhỏ ra Đà Nẵng vài ngày, nhưng tới nay hơn muời ngày vẫn không thấy ông vô. Vừa rồi, nghe chuông reo con mừng qua, tưởng ổng về, hoặc cho người vô báo tin. Con lo mất bả thì ổng không sống nổi...
Anh đã mất đi một nguồn tin tức quý giá. Trong lòng anh đồng thời dội lên một nỗi buồn...
 
4
Từ đầu năm 1965 cho tới hết tháng 4, Mỹ đưa quân vào Nam Việt Nam với mức độ nhỏ giọt, bốn tiểu đoàn thủy quân lục chiến tới cách quãng, một số đơn vị không quân, tên lửa phòng không, xe tăng, xe lội nước và pháo binh.
Tháng 5, lữ dù đầu tiên của Mỹ tới Biên Hòa. Johnson làm việc này bất chấp đề nghị hoãn lại của Taylor. Hai ngày sau, một trung đoàn thủy quân lục chiến nữa tiếp tục đổ bộ vào Chu Lai.
Tháng 7, Taylor mất chức đại sứ Mỹ, người sang thay Taylor lại là Cabot Lodge.
Tháng 8, thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu trực tiếp tham gia chiến đấu ở Lệ Mỹ và Vạn Tường.
Giữa tháng 8, Phạm Xuân Chiểu đeo lon trung tướng đi một chiếc xe du lịch tới Bình An. Thái độ Chiểu vừa trịnh trọng, vừa vui vẻ.
Chiểu hồ hởi bắt tay Hai Long. Anh tươi cười nói:
- Có chuyện chi mà Ủy ban bữa nay phải xuất cả “đại tướng” tới Bình An vây?
- Việc này thì tôi phải thân chinh, không thể giao cho người khác được.
Chiểu quàng tay bá vai Hai Long cùng đi vào văn phòng. Chiểu như cố kìm vẻ phấn chấn nói:
- Tòa đại sứ Mỹ vừa đề nghị với Ủy ban lãnh đạo quốc gia, mời một đoàn đại biểu của Công giáo ta, chừng ba chục người qua thăm thiện chí Hoa Thịnh Đốn. Tôi đã bàn với chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu, thỉnh cha Tổng giúp cho thôi. Trưởng đoàn không thể là ai ngoài cha. Nếu cha Tổng nhận lời thì xin anh cùng đi với đoàn.
- Ông Cabot Lodge chỉ sính Phật giáo, sao lần này lại ưu ái Công giáo vậy? Liệu ông Lodge có tán thành cha Tổng làm trưởng đoàn không?
- Không tán thành thì làm sao tôi dám tới đây đề nghị với cha? Cha nhận lời mà việc không xong thì tôi chỉ có nước bán xới khỏi Bình An. Coi đây là một chút công nhỏ của tôi với Phát Diệm. Nhờ anh trình giúp với cha Tổng. Tôi nghĩ rằng người Mỹ trong đó có ông Cabot Lodge bắt đầu nhìn thấy vai trò của Công giáo trên chính trường miền Nam. Tôi biết cha Tổng chỉ hợp với Pháp, không ưa Mỹ. Cánh trẻ chúng mình cần thức thời. Pháp thua Cộng sản rồi. Bây giờ và lâu dài sau này, vẫn phải làm việc với Mỹ. Không dựa vào Mỹ thì lấy chi mà chống Cộng? ... Anh thấy sao?
- Thành phần ba chục người trong đoàn do đâu quyết định? Tôi hiểu tính của cha Tổng, nếu đã mời cha làm trưởng đoàn thì cha không chịu làm việc với tính cách danh nghĩa!
- Thành phần đoàn do cha tự sắp xếp... Tất nhiên, sau đó cha cũng trao đổi với Ủy ban, thì cũng chỉ là tướng Thiệu, tướng Kỳ và tôi. Và cuối cùng, cũng phải đưa người Mỹ vì họ là người mời.
- Những thủ tục đó thì phải có rồi.
- Cả tòa đại sứ Mỹ và ông Thiệu đều mong cha Tổng nhận lời.
Hai Long làm ra vẻ cân nhắc rồi nói:
- Tôi rất đồng ý với anh, một đoàn đại biểu giáo dân cho cha Tổng dẫn đầu sang thăm Hoa Kỳ, thì rất tốt cho giáo hội trong tình hình hiện nay. Tôi sẽ gắng thuyết phục cha Tổng, nếu cha còn phân vân thì tôi sẽ đề nghị Khâm sứ tác động thêm...
Hai Long đoán Mỹ muốn tìm cách xoa dịu dư luận sau cái chết của anh em Diệm, và phong trào đấu tranh chống Mỹ vừa qua đã làm cho Johnson và Lodge phải nghĩ lại. Không thể bỏ qua lực lượng Thiên chúa giáo ở Nam Việt Nam.
Cha Hoàng ngồi nghe Hai Long thuật lại, mặt đỏ hồng, như đang nở từng khúc ruột. Tuy vậy, cha vẫn hỏi Hai Long:
- Thầy thấy thế nào? Có nên nhận lợi không?
- Công sức giáo dân đấu tranh vừa qua, như vậy là không uổng. Ta đuổi nó, mà nó phải mời đích danh ta! Tùy cha cân nhắc nhưng con thấy có thể nhận lời. Mình nhận lời là vì quyền lợi của giáo hội. Mỹ đã biết ta rồi, nhưng mấy anh tướng trẻ trong chính quyền nhìn thấy đó, càng phải nể ta.
Cha Hoàng nói rành rọt:
- Nhận lời! Nhưng với điều kiện thành phần đoàn sẽ do trưởng đoàn sắp xếp, đa phần là người Công giáo, nhưng cũng có một số người đại diện cho Phật giáo và một số tôn giáo khác như Hòa Hảo, Cao Đài. Và giáo sư Hoàng Đức Nhã, nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào Công giáo là cố vấn của đoàn. Thiếu một điều kiện là không đi...
Ủy ban lãnh đạo quốc gia và sứ quán Mỹ chấp nhận mọi ý kiến của cha Hoàng. Danh sách của phái đoàn được nhanh chóng gửi sang Washington. Hai Long báo cáo với Trung tâm, xin chỉ thị xem mình có nên tham gia phái đoàn này hay không. Anh nhận thấy chuyến đi sẽ tạo điều kiện cho mình xây dựng mối quan hệ với chính giới Mỹ, những nhà hoạt động tôn giáo Mỹ, tìm hiểu thêm về những ý đồ chiến lược của Mỹ và nâng cao uy tín của mình với tư cách là một người hoạt động tích cực của phong trào Công giáo.
Trong khi chờ đợi quyết định của Trung tâm, Hai Long tới tòa Khâm sứ báo tin và xin chỉ thị.
Anh nói:
- Đây là một đề nghị thiết tha của phía Hoa Kỳ cũng như của chính quyền quân sự Việt Nam cộng hòa với sự chấp nhận toàn bộ những yêu cầu của giáo hội đề ra, nhưng chuyến đi sẽ lập tức bị hủy bỏ nếu không được sự chấp nhận của Tòa Khâm sứ cũng như Tòa Thánh Vatican.
Khâm sứ vui mừng:
- Việc này rất tốt cho giáo hội. Tòa Khâm hết sức tán đồng, và Vatican chắc cũng sẽ như vậy. Tòa Khâm sứ sẽ báo cáo ngay về Roma, và đề nghị Giáo hoàng Paul VI tiếp thầy khi thầy từ Hoa Kỳ trở về. Giáo hoàng rất muốn trực tiếp nghe ý kiến giáo dân Việt Nam, và Người chắc sẽ có những chỉ thị.
Ủy ban lãnh đạo quốc gia tiếp tục lo thủ tục và giấy tờ. Những người có tên trong phái đoàn tấp nập chuẩn bị. Một bác sĩ và một đầu bếp giỏi đã được chỉ định đi theo phục vụ phái đoàn.
Đầu tháng 9, Hai Long nhận được chỉ thị của Trung tâm: nên khéo léo từ chối không tham gia vào chuyến đi này vì cuộc tiến công mùa khô của địch sắp bắt đầu.
Hai Long gặp cha Hoàng nói gần đây mình hay bị những cơn choáng bất thần, áp huyết đôi lúc đột ngột lên cao, sợ không chịu nổi một chuyến bay đường dài. Và trong lúc cha đi vắng cũng cần có người ở nhà để đối phó với những chuyện bất thường, nên anh đề nghị xin ở lại. Vài ngày sau, cha Hoàng cũng lấy cớ sức khỏe không tốt, thoái thác chức trưởng đoàn, đề nghị trao lại cho một người khác. Chuyến đi vì vậy bị hủy bỏ. Rõ ràng nhân vật Mỹ cần có mặt trong cuộc viếng thăm này chính là cha Hoàng.
Việc cha Hoàng khước từ chuyến đi lại đề cao thêm giá trị của cha trước mắt người Mỹ. Riêng Hai Long thì bị một số kẻ biết chuyện bực bội. Họ cho là anh đã phá ngang, làm hỏng cả những “áp phe” chính trị và kinh tế mà họ đã mất nhiều công sức để chuẩn bị.
 
5
Những tháng cuối năm, nhiều phái đoàn Mỹ tới Sài Gòn ngỏ ý muốn gặp cha Hoàng. Cha được người Mỹ biết tới như là một linh mục hiếu động, hiếu chiến nhất, có uy tín trong giáo hội trên chính trường miền Nam, và không dễ mua chuộc. Tất cả những lời đề nghị này đều bị cha tìm cớ thoái thác. Thái độ này của cha ảnh hưởng đến công tác của Hai Long trong lúc anh đang cần mở rộng quan hệ với các giới chức Mỹ để thu thập tin tức.
Nhân lễ Noel năm 1965 và ngày đầu năm dương lịch năm 1966, lần đầu tiên, cha Hoàng nhận được thiệp mời tới dự tiệc cùng với những linh mục tuyên úy trong quân đội Mỹ, và những cha cố Mỹ đang có mặt ở Sài Gòn.
Cha nhìn những tờ thiệp đặt trên bàn, nói với Hai Long:
- Đi làm chi! Ngồi tiệc tùng với mấy ông cha của Spellman thì vui thú nỗi gì! Ở nhà làm ly rượu lễ với thầy còn vui thú hơn nhiều.
Nhân dịp này, Hai Long nói:
- Cha Tổng không ưa cha cố Mỹ, nhưng khi họ đã tỏ ra tôn kính mình, thì mình cũng nên có cử chỉ đáp lại.
- Nhưng ngồi với họ biết nói chuyện chi, họ có nghĩ như mình đâu?
- Thưa cha, tất nhiên là đã không đồng tư tưởng thì trong buổi sơ giao, mình nên lựa lời để giữ hòa khí, nhưng rồi dần dần mình cũng cần làm cho họ hiểu mình và đồng tình với mình. Các thánh của Chúa Giê-xu đều khuyến cáo các tông đồ phải đến với kẻ ngoại đạo để rao giảng đạo Chúa, truyền đạo từ trong ra ngoài, từ người này sang người khác, từ nơi nọ sang nơi kia, thậm chí với những kẻ không chịu nghe, đuổi hoặc bắt chém giết tông đồ, vẫn phải lăn xả vào mà mở rộng đạo Chúa. Chả lẽ giáo hội Mỹ tìm đến ta, ta ngoảnh đi sao? Thời gian qua, giáo hội Mỹ đã có sai lầm với giáo dân miền Nam, ai sẽ là người làm cho họ hiểu điều đó? Con nghĩ chẳng có ai ngoài cha Tổng. Cha sẵn có quá trình chống Cộng với uy tín không ai có thể chối cãi được, giờ có cơ hội, cha chẳng nên từ nan.
Cha Hoàng ngồi nghe không phẩn đối nhưng vẫn lặng thinh. Hai Long tạm chuyển sang vấn đề khác:
- Gần đây, ông Thiệu nhờ tướng Chiểu tới muốn nói xin Phát Diệm ta cử người tới dinh Gia Long để ông có người kề cận, thường xuyên trao đổi công việc. Con thấy ông Thiệu thực lòng muốn dựa hẳn vào Công giáo. Ông Thiệu tuy là đạo theo nhưng cũng là kẻ có đạo, là con chiên tìm đến đấng chăn dắt, chả lẽ ta lại hẹp lượng sao?
- Chiểu đã nói với mình. Thầy tính đưa ai vô đó?
- Con thấy cha Trần Ngọc Nhuận tính tình thuần hậu, có thể mời cha vô đó giúp ông Thiệu. Và nếu ta cử người vô giúp ông Thiệu thì cũng nghĩ luôn tới người giúp ông Kỳ vì ổng cũng có đề nghị. Người vô chỗ ông Kỳ nên là cha Nguyễn Quang Lãm.
- Hai cha đâu có biết chi về chính trị, bàn tính sao được những chuyện đại sự?
- Thưa cha, chỉ cần có bóng áo choàng đen kề cận cho mấy ổng yên lòng, còn khi có chuyện chi thì các cha về thưa lại để cha định liệu. Cha Nhuận và cha Lãm không phải là cố vấn của ông Thiệu và ông Kỳ, mà chỉ là trung gian liên lạc giữa mấy ổng và cha Tổng.
- Nếu vậy thầy phải thường xuyên góp ý kiến với hai cha... Còn việc gặp các cha cố Mỹ thì mình vẫn chưa muốn. Cứ để cho họ đứng xa mà nhìn, có khi họ lại coi trọng mình hơn.
- Từ xưa tới giờ, người Mỹ vẫn xa lánh ta, và ta cũng xa lánh người Mỹ. Điều đó, cả đôi bên đều đã rõ. Đức cha Lê được toàn giáo dân trọng vọng, quốc tế cũng vì nể, nhưng có bao giờ được người Mỹ mời chào? Nhưng bây giờ, họ mời cha Tổng qua Mỹ, cha Tổng lấy lý do sức khỏe để từ chối, họ lại mời cha tới dự lễ Giáng sinh với những đồng đạo ở ngay tại Sài Gòn mà cha Tổng vẫn khước từ, họ có thể hiểu là mình cố tình bất hợp tác. Mọi chuyện đều có giới hạn của nó. Con nghĩ sẽ thành chuyện không hay.
Cha Hoàng ngần ngừ rồi hỏi:
- Gặp họ nói chuyện chi? Không rao giảng đạo Chúa với họ được đâu!
- Thưa cha, họ mời mình, tất nhiên họ phải tìm một tiếng nói chung. Trong quá khứ, họ đã có sai lầm nên mới dẫn đến cái chết của hai anh em ông Diệm. Bây giờ hai giáo hội cần có sự tiếp xúc để hiểu biết nhau hơn, trong mục đích phục vụ cho quyền lợi chung của cả hai giáo hội, cũng như cả hai dân tộc. Đức Khâm sứ cũng đã nói mình phải biết điều họ là đúng để ủng hộ họ, cũng như phải biết điều họ làm sai để khuyến cáo, ngăn ngừa họ. Giáo hội không dính líu vào chính trị, không có nghĩa là không cần biết chính trị, nhất là đối với những vấn đề có liên quan tới đời sống lâu dài của giáo hội... cũng như cần thưa với cha Tổng, con được Đức Khâm sứ thương yêu, vì nể cách riêng, chính là vừa qua, con đã trình thưa với Khâm sứ được nhiều vấn đề chính trị, như tình hình chế độ Diệm, những mưu tính của Mỹ đối với Việt Nam cộng hòa, cũng như tình hình các tướng lãnh ở Sài Gòn hiện nay. Đức Khâm sứ rất hài lòng. Người thường dặn con phải làm tốt hơn nữa. Con nghĩ rằng khi cha Tổng gặp Người, Người cũng sẽ hỏi cha Tổng những chuyện đó, cha Tổng nên có sự chuẩn bị để trả lời. Khi cha Tổng cần, con cũng có thể làm đỡ cha Tổng một đôi việc hợp với sức mình...
Cuối cùng thì cha Hoàng cũng đồng ý với Hai Long tới dự lễ Giáng sinh vào ngày đầu năm với các cha cố Mỹ. Ở các nơi, cha đều được đón tiếp với thái độ trọng thị, khi trở về, cha tỏ vẻ vui. Cha nói với Hai Long:
- Có nhiều người hỏi thăm thầy.
- Thưa cha, từ trước tới giờ, con vẫn nấp bóng Đức cha Lê và cha, làm sao họ lại biết con?
Cha Hoàng mỉm cười:
- Tên thầy cũng như tên mình, nằm trong danh sách phái đoàn gủi qua Hoa Thịnh Đốn. Chính là việc mình không qua Mỹ lại khiến họ trọng nể mình hơn... Có những người muốn được gặp thầy.
- Xin cha Tổng tìm cách khước từ giùm con, con chỉ muốn làm mọi việc đứng đằng sau cha Tổng. Và con cũng chẳng có danh nghĩa gì để quan hệ với họ.
- Sao lại không có danh nghĩa? Khi họ hỏi về thầy, mình đã giới thiệu, thầy là một sèminariste[3], một magnifique leader[4] của phong trào Công giáo. Thầy phải gặp họ thôi, vì mình đã lỡ giới thiệu với họ rồi...

---
[1] Phạm Ngọc Thảo cũng là một tình báo viên cao cấp, sau được nhà nước Việt Nam truy phong Đại tá liệt sĩ. (Xem “Ván bài lật ngửa” của Nguyễn Trương Thiên Lý)
[2] tức lớn rồi mới theo đạo.
[3] sinh đồ chủng viện
[4] nhà lãnh đạo cừ khôi

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 806

Return to top