Ăn sáng xong, theo như chương trình dự định, Phan thuê một chiếc ghe để qua bên kia sông, vào vườn trái cây. Phan mang theo cả máy chụp hình. Ðiều này làm cho Huyền thích thú.
Chủ ghe là một đứa trẻ tên Phi, nó khoảng mười ba tuổi, vẫn thường đưa những nhóm học sinh qua vườn trái cây picnic nên Huyền rất quen mặt.
Huyền và Trúc ngồi dựa lưng vào nhau trong khoang ghe, lơ đãng nhìn ra mặt sông và lắng nghe cuộc đối thọai giữa Phan và đứa trẻ. Hai cô chỉ mỉm cười chứ không tham gia vào câu chuyện. Buổi sáng trên sông thật đẹp, trời không có gió nên sóng cũng không lớn. Ánh nắng chiếu trên mặt sông thành những dãy sao nhấp nháy.
- Sông đẹp quá, lần đầu tiên Trúc mới thấy nó đẹp như thế.
- Tại sao bây giờ mới thấy - Huyền nói.
- Vì trước đây mình không quan tâm, chỉ đi chơi vậy thôi. Với lại trước đây đi nhiều người quá, cười giỡn ồn ào thành ra mình không chú ý gì đến chung quanh.
- Ði với bạn bè có cái vui riêng, nhất là những lần đi chơi với Thẩm và Tân.
Những lần đó Trúc còn nhớ không?
- Nhớ chứ.
- Mới đó mà đã xa lâu lắm rồi, phải không?
Trúc ngạc nhiên trước hồi tưởng bất chợt của Huyền. Thân với Huyền bao năm, Trúc biết Huyền rất hời hợt, không phải con người sống nội tâm. Tại sao hôm nay Huyền lại nhắc đến điều đó?
- Thời gian trôi qua là thuộc về kỷ niệm - Trúc cười.
- Nghe nói Thẩm đau phải không?
- Ðau nặng.
Huyền ngó Phan rồi nói khẽ với Trúc:
- Chắc là Thẩm trách mình ghê gớm?
- Ðiều đó thì hẳn rồi.
Một con sóng lớn bất ngờ xô vào thuyền làm cho nó chồm lên. Nước tung bắn tóe vào khoang, làm ướt áo mọi người. Phan la lên:
- Coi chừng chứ nhỏ, không khéo chìm nghỉm thì oan mạng lắm đấy.
- Anh cứ yên chí, tui chèo ghe kinh nghiệm.... mấy chục năm rồi, không chìm đâu, con sông này tui thuộc như lòng bàn tay.
- Ðừng có dóc tổ ông tướng ơi, mày mới có mười mấy tuổi đầu mà dám bảo là kinh nghiệm chèo ghe mấy chục năm, dóc trời sợ.
- Tui nói nghiêm chỉnh chứ không nói dóc. Nè nhé, năm nay tui mười ba tuổi, má tui trước đây cũng chèo ghe đưa khách qua sông, tui ở trong bụng mẹ tui lúc bà mới có hai mươi tuổi. Không phải tui chèo ghe từ trong bụng mẹ sao?
Huyền và Trúc bật cười trước sự ví von ngộ nghĩnh của đứa trẻ. Phan cười lớn:
- Chà, nói dóc có sách vở hả?
- Chứ sao.
Ngồi trong khoang ghe bồng bềnh ra giữa dòng sông, Huyền mới thấy chiếc ghe như một chiếc lá, còn dòng sông thì mênh mông. Huyền ngắm những dề lục bình trôi theo con nước lớn, ở ngoài xa chổ màu nước xanh, nhấp nhô những chùm hoa đỏ tím thật đẹp.
Ghe tấp vào bờ đất, chỗ này là bãi đậu, có cây cầu cạnh gốc bần dẫn lên vườn cây.
Ba người bước lên cây cầu dừa gập ghềnh ngang với mí nước. Huyền và Trúc đều lột giày ra xách ở tay và dìu nhau lên cầu. Kể ra được đi chân trần trên bờ đất cũng khá thú vị. Con đường mát rượi dẫn vào một ngôi nhà ngói cũ, đó là nhà của chủ vườn. Phan thấy hai bên lối đi có trồng hoa nên bắt Huyền và Trúc đứng lại để chụp hình.
Trúc nói:
- Chút nữa tha hồ mà chụp, chỉ sợ không đủ phim thôi.
- Yên chí, chụp tới tết cũng không hết phim đâu mà sợ.
- Anh Phan đem theo nhiều phim lắm hả?
- Năm cuộn, toàn là phim màu thứ xịn. Như vậy được chưa cô bé?
- Eo ơi, anh đem phim theo chụp.... chim cò, còng cua, rắn mối, thằn lằn hay sao mà đem dữ thế?
- Nếu không thì cô bé kêu hết phim, người ta lo xa như thế đấy.
Trúc cười, kéo tay Huyền đứng trước hàng bông bụp trổ hoa đỏ thẫm để Phan chụp hình. Từ trong nhà có tiếng chó sủa, rồi một con chó đen như mực chạy ra gầm gừ trước những người khách lạ. Trong nhà có tiếng la chó rồi một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc theo lối nông dân, quần lỡ áo bà ba bạc thếch xách theo cây chĩa dài đi ra hỏi:
- Mấy cô, mấy cậu tìm ai?
- Tụi cháu muốn vào vườn mua trái cây - Trúc nhanh nhẩu nói.
Người đàn ông đá con mực một cái cho nó chạy vào nhà rồi ôn tồn nói:
- Mùa này vườn chỉ còn cam và mận thôi.
- Hai thứ đó cũng được - Phan nói.
- Mời mấy cháu vào nhà uống nước rồi thăm vườn, có gấp gáp gì không?
- Dạ không.
Người chủ nhà hiếu khách dẫn ba người vào nhà. Huyền và Trúc đã vào đây vài lần nên biết rõ gia cảnh của chủ nhà. Họ là một đôi vợ chồng già rất tốt bụng, sống nhờ vào mảnh vườn trái cây này, không con cái. Có lẽ sống ở nơi quạnh hiu, ít người lui tới và không có con nên mỗi khi có khách tới viếng vườn hai vợ chồng đều vui vẻ mời vào nhà uống nước và hỏi chuyện một cách chân tình, cởi mở.
- Bà nó ơi, có mấy đứa cháu bên kia sông qua thăm vườn và mua trái cây đây.
Người đàn ông gọi ra phía sau, một chốc vợ Ông đi lên nụ cười niềm nở.
- Hai bác không nhớ tụi cháu sao? - Huyền hỏi.
- Ôi, thấy quen quen nhưng làm sao nhớ nổi cháu ơi, đầu óc già càng ngày càng lẫn rồi - Người đàn bà vắt chiếc khăn ở vai, hấp háy mắt nói.
- Hai bác ở một mình vậy không buồn sao? - Phan hỏi.
- Buồn chứ, nhưng quen rồi - Người đàn ông vấn điếu thuốc sâu kèn đáp.
- Bởi vậy nên có mấy cháu qua thăm vườn hai bác mừng lắm.
- Tụi cháu tình nguyện ở lại, hai bác nuôi nổi không? - Trúc cười hỏi.
- Nổi, nhưng mấy cháu nói chơi chứ đời nào chịu sống ở một nơi hiu quạnh như thế này. Thanh niên thích ở thành phố, đèn xanh đèn đỏ tối ngày chứ đèn dầu chịu sao nổi - Người đàn bà hồn hậu nói.
Mọi người nhìn nhau cười, Huyền uống một ngụm nước dừa có pha chút muối nên càng thêm vị ngọt của loại dừa dâu. Loại dừa này trái nhỏ, bằng cái chén ăn cơm, màu nâu đất, nước mát và ngọt lạ lùng. Một lần Thẩm về quê, có mang lên cho Huyền một buồng dừa dâu có đến ba chục trái như vậy.
Căn nhà của bác Sáu Rồng - Huyền được biết tên người chủ nhà như vậy - gồm ba gian, lợp lá, nền đất. Vật đắt tiền nhất của hai vợ chồng bác Sáu Rồng có lẽ là cái bàn thờ và bộ ván gõ lâu đời đã lên nước bóng như sơn. Ngoài ra nhà chẳng còn gì khác.
Bác Sáu Rồng gái quấn chiếc khăn lên đầu che mái tóc muối tiêu dẫn ba người khách ra tham quan vườn. Bác mang theo cái thúng để đựng trái cây. Ở tuổi sáu mươi, nhưng bác Sáu Rồng gái hãy còn mạnh khỏe như một người phụ nữ Nam bộ trung niên tần tảo.
Vườn của bác Sáu Rồng đủ loại trái cây, phần nhiều là cam và quít. Ở vườn nhà Huyền và Trúc cũng có cam và quít nhưng đất ở đây thật tốt, cam quít sum suê và trái lớn, ngọt chứ không đèo đẹt chua òm như cam quít ngoài thành phố.
- Mấy cháu cứ việc ăn thả cửa, chừng nào chán rồi mua đem về - bác Sáu Rồng gái nói.
Phan nhanh nhẹn hái những trái cam sành ngay tầm tay của anh và chia cho Huyền và Trúc, mỗi người tự bóc vỏ ra ăn ngon lành. Bác Sáu Rồng gái cũng lựa hái những trái cam, trái quít chín cây bỏ vào thúng, luôn miệng giục "Mấy cháu cứ ăn tự nhiên đi" một cách nhiệt tình và vui vẻ hình như bác Sáu Rồng gái cho đó là niềm hạnh phúc của mình, của một người chủ vườn cô quạnh khi có khách xa tới thăm vườn.
Phan cũng nhiệt tình bắt Huyền và Trúc chụp ảnh. Anh tìm những cảnh đẹp, bắt Huyền và Trúc chụp chung, đôi khi chụp riêng. Hình như Phan làm công việc này cũng với niềm vui thú và hạnh phúc đặc biệt. Anh ta chụp hết ba cuộn phim màu, và không còn cảnh nào để chụp nữa.
Trúc bấm lưng Huyền cười:
- Mai mốt ta và nhỏ mang ảnh đi triễn lãm được.
- Chẳng biết có ra.... hình không đây- Huyền nói.
- Nhỏ đánh giá người ta tệ thế?
Cuối cùng, lúc trở về, Phan lại phải vác trên vai một bao trái cây to tướng. Hai vợ chồng bác Sáu Rồng tiễn ra tận bến sông.
Về tới nhà Huyền mới cảm thấy mệt, mặt cô nóng bừng vì nắng. Trúc ngồi ở cạnh cửa quạt lia lịa bằng một tờ báo gấp lại, cô nhìn bao trái cây rồi ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, sao anh chàng Phan không mang về?
- Ai biết được.
- Ðể cả ở đây mình ăn sao hết.
- Ngày mai mang vô lớp cho mỗi người vài trái là hết ngay.
- Tội nghiệp anh chàng Phan thật chịu khó - Trúc cười.
- Phan rủ tuần tới đi nữa đấy.
- Không hứa trước được đâu - Trúc nói.
- Bồ bận gì vào ngày đó?
- Chưa biết, một tuần lễ thời gian quá dài để biết mình sẽ phải làm gì.
- Khỉ.
- Nếu không có Trúc thì mình Huyền đi được rồi, việc gì phải đèo thêm kẻ thứ ba để làm kỳ đà cản mũi? - Trức cười.
Huyền định cãi lại Trúc, nhưng từ ngoài cổng có bóng một người nào đóng đang lóng ngóng nhìn qua bờ rào. Huyền nhổm dậy và đi ra mở cổng. Hóa ra là Tân. Huyền ngạc nhiên ném cho Tân một cái nhìn lạ lùng, vì ít khi Tân tới nhà tìm Huyền.
- Vào nhà được không? - Tân hỏi.
- Ðược, nhưng có chuyện gì vậy?
- Một chuyện quan trọng.
- Vậy vào nhà đi, làm Huyền tưởng ai, sao không kêu mà lóng ngóng như một kẻ rình trộm vậy?
- Thăm dò tình hình mới dám vào chứ - Tân cười.
Huyền đi trước, Tân dẫn xe đạp theo sau. Trúc là người ngạc nhiên thứ hai sau Huyền khi thấy Tân tình cờ xuất hiện.
- Có chuyện gì mà phải mò tới đây vậy anh Tân? - Trúc hỏi.
- Hình như hai người mới đi đâu về? - Tân không trả lời mà hỏi lại Trúc.
- Sao biết?
- Vì tới nhà Trúc không gặp.
- Ăn cam không, cam bên Cồn Tân Long của vười bác Sáu Rồng đấy.
Tân ngạc nhiên:
- Huyền và Trúc qua cồn Tân Long mới về à?
- Bộ tưởng hai đứa con gái không dám đi sao? - Trúc hỏi.
- A, thôi biết rồi, khong phải chỉ có hai người mà là ba người lận. Ðúng không? - Tân hỏi.
- Ừ, thì cho là ba người đi, nhưng chuyện gì lạ đâu? - Huyền nói.
- Hèn chi nhỏ Duyên, em Trúc mô tả một kẻ thứ ba bây giờ mới biết là mình không lầm.
- Anh Tân vô duyên quá, tới đây có chuyện gì sao không chịu nói lại đi tra gạn lung tung - Huyền nói.
- Người đi xe Dream 100 phải không? - Tân háy mắt.
- Ai mới được chứ?
- Kẻ thứ ba chứ ai, anh chàng đi chiếc Dream 100 bóng lộn đó.
Huyền nhìn Trúc, hai người ngầm hiểu với nhau rằng Tân đã biết rõ mọi chuyện có giấu cũng vô ích. Huyền cười:
- Phải, rồi sao?
- Vấn đề là ở chỗ có người thứ ba xuất hiện đấy. Thông báo cho hai "bà" biết, chính vì có kẻ thứ ba đó mà Thẩm hiện nay đang đau nặng.
- Xời, làm như trời xập tới nơi không bằng - Huyền cong môi.
- Thẩm đau thế nào vậy anh Tân? - Trúc hơi chột dạ.
- Ðau nặng.
- Xời, ai không biết đau nặng, nhưng mà bệnh gì?
- Cảm.
- Ðó là bệnh thông thường khi thời tiết thay đổi, ai mà không bị cảm.
- Nhưng đây là chứng bệnh cảm đặc biệt, kèm chung với đau tương tư.
- Anh Tân đùa hoài, đau tương tư là bệnh gì? - Huyền háy mắt hỏi.
- Là thất tình chứ còn gì mà hỏi.
- Thôi di ông ơi, ông đừng có bịa chuyện tào lao. Bây giờ Thẩm ra sao rồi? - Trúc hỏi.
- Nằm liệt giường, bỏ cơm bỏ cháo.
- Hèn gì không thấy Thẩm đi học, và cũng không tới dạy kèm tụi này.
- Sắp chết tới nơi mà còn học với dạy kèm nỗi gì. Tại sao hai "bà" không chịu tới thăm Thẩm một chút cho trọn tình nghĩa, lại đi qua bên kia sông với anh chàng có chiếc Dream bóng loáng?
- Quyền của người ta - Huyền xẵng giọng.
- Nhưng bạn của mình đau nặng, mình phải có trách nhiệm chứ.
- Vô duyên.
- Nói đùa chứ Thẩm bị cảm nặng lắm, trong lý do thời tiết có một lý do hết sức tế nhị, Huyền và Trúc nên tới thăm Thẩm một chút. Nhiệm vụ của tôi tới đây để thông báo như vậy, còn tùy hai "bà" ứng xử, chấm hết.
Tân đứng lên định ra về, nhưng Trúc đã ngăn lại. Cô hỏi:
- Thẩm đau nặng thật à?
- Trời đất, chẳng lẽ tôi nói đùa trong lúc này sao? - Tân trợn mắt.
- Thuốc men gì chưa?
- Ai biết được, nó nằm trùm mền rên hừ hừ như bị sốt rét ác tính.
- Ðược rồi, chút nữa Trúc và Huyền sẽ tới thăm Thẩm.
- Mang cho nó một chục cam luôn, nếu không có gì trở ngại.
- Mang hết cả bao này cũng được - Trúc cười.
Tân phóng xe ra cổng, anh chàng đạp như bị ma đuổi. Trúc trở lại ngồi xuống bậc thềm cạnh Huyền. Trong tất cả những lời nói đùa của Tân, Trúc có thể rút ra một chi tiết thật. Ðó là nguyên nhân của một kẻ thứ ba xuất hiện trong tình cảm giữa Thẩm và Huyền.
- Mình tới thăm Thẩm chút đi Huyền - Trúc nói.
- Ði ngay bây giờ à?
- Ði ngay.
- Phải tắm, thay quần áo, chẳng lẽ....
Trúc cười:
- Thôi được rồi, khỏi phải diễn tả thêm, nhưng tắm nhanh lên. Tới nhà Thẩm rồi mình còn về nấu cơm nữa đấy. Lần trước không chịu nấu cơm, ông già đã hăm.... cạo đầu bằng búa rồi đó.
Huyền cười giòn:
- Yên chí, búa dùng để chẻ củi chứ cạo đầu không được đâu, đừng sợ.
Nửa giờ sau Huyền và Trúc tới nhà Thẩm. Trước khi đi, Huyền lấy trong tủ thuốc gia đình mấy viên thuốc cảm cúm, Trúc lại lựa một chục cam sành thật ngon cho vào túi nylon xách theo.
Thẩm nằm một mình trên gác, thấy Huyền và Trúc tới, anh ngạc nhiên. Gương mặt Thẩm lừ đừ, hình như vừa mới ngủ dậy.
Trúc đặt túi cam bên cạnh Thẩm hỏi:
- Anh đã bớt nhiều chưa?
- Vẫn còn sốt - Thẩm mệt nhọc nói.
- Có mấy viên thuốc cảm, anh uống thử coi - Huyền đặt cái gói giấy nhỏ xuống cạnh Thẩm.
- Cám ơn.
Thẩm buông hai tiếng "cám ơn" khôn khốc rồi nằm im lặng ngó lên trần nhà. Căn gác buổi chiều nóng âm ỉ, ngột ngạt một cách khó chịu.
- Hay là tụi em đưa anh đi khám bệnh nhé? - Trúc đề nghị.
- Tôi rất sợ phải tới bệnh viện.
- Cái gì anh cũng sợ hết thì làm sao hết bệnh được.
- Ðúng là cuộc đời đáng sợ thật.
Thẩm nói một câu cay đắng, nhưng không hiểu để làm gì. Trúc nhìn Huyền cười thầm:
- Anh ăn cháo hay ăn cơm? - Huyền hỏi.
- Chả ăn uống gì được.
- Phải ráng ăn mới có sức vượt qua cơn bệnh được chứ.
- Anh ăn cam nhé? - Trúc hỏi.
- Thôi, không ăn được đâu, hay là Trúc.... mang về giùm đi.
- Anh giận cá chém thớt đó hả? - Trúc cười.
Huyền tới mở cánh cửa sổ. Gió từ dưới sông đưa lên, lùa vào căn gác mát rượi.
Dòng sông rực rỡ nắng chiều, bên kia là vườn cây xanh. Tiếng sóng ầm ào dội vào bờ đá, đưa lên một âm thanh xa vọng và buồn. Trúc tới đứng cạnh Huyền, hai người nhìn dòng sông một lúc rồi quay lại ngồi cạnh Thẩm. Anh đã cố gắng ngồi dậy, dựa lưng vào vách, trông Thẩm thật hốc hác.
Trúc bóc vỏ trái cam, trao cho Thẩm và nói:
- Cam ngọt lắm, anh ăn cho khỏe, đừng có làm như con nít nhõng nhẽo nữa.
Thẩm khó chịu nhìn Trúc, nhưng anh cũng thấy mình vô lý trước hai cô gái đã có thiện chí tới thăm. Thẩm nói:
- Tôi thế nào mà Trúc bảo là con nít?
- Lời thật thì mất lòng, anh Thẩm trẻ con lắm. Ráng hết bệnh rồi Trúc nói chuyện cho mà nghe.
Thẩm nhắm mắt lại, trong cái mệt mỏi của cơn đau chưa dứt, anh lại có cảm giác như mình vừa thua trận. Thẩm mở mắt ra nhìn sững Huyền, cô gái mà anh yêu mến đang ngồi đó với màu áo vàng của một loài hoa cúc. Huyền không nói gì, cô giấu mặt sau mái tóc.
Thẩm buông ra một tiếng thở dài.